TÌNH CHIẾN HỮU _ ANH PHƯƠNG TRẦN VĂN NGÀ

Thứ Năm, 23 Tháng Mười Một 20238:41 SA(Xem: 2229)
TÌNH CHIẾN HỮU _ ANH PHƯƠNG TRẦN VĂN NGÀ

VNCH-congBan
Tình chiến hữu và tình huynh đệ chi binh tại đơn vị hay trên chiến trường là một thứ tình cao quý nhân bản của người chiến binh mà chúng ta là chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà luôn mãi ghi nhớ và còn mang theo khi thân xác chúng ta đi về thế giới an bình miên viễn.

Tấm ảnh ngày xưa, 1964, nói lên bao kỷ niệm, tâm tư tình cảm về cuộc đời quân ngũ của tôi, cách nay cũng gần tròn 60 năm cuộc đời, như lời một bài hát của nhạc sĩ Y Vân (trùng hợp với nhạc sĩ tài hoa Y Vân cũng giả biệt cõi đời khi ông ở tuổi 60).

Nhân ngày Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ 2023, tôi ghi lại những kỷ niệm suốt 13 năm quân ngũ không bao giờ quên của một cựu chiến binh suýt soát 90 đang đi dần đến thế giới an bình hơn, vui vẻ hạnh phúc hơn?

Tôi xin tạ ơn miền Nam tự do, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, gia đình, thân hữu, chiến hữu.

Nay định cư tại Hoa Kỳ, tôi xin Tạ Ơn nước Mỹ và dân tộc Hoa Kỳ hào phóng cưu mang những cựu tù nhân chính trị và di dân tỵ nạn cộng sản Việt Nam đã hun đúc tôi nên người.

Sau Tết Nguyên Đán và trước Rằm tháng giêng - năm 1964 tại căn cứ hoả lực, nơi đóng quân dài hạn của Trung Đoàn 33 Bộ Binh thuộc Sư Đoàn 21, vùng Chà Là - Giá Ngựa, Bộ Chỉ Huy Hành Quân Trung Đoàn 33 tiếp đón phái đoàn Sư Đoàn 21 Bộ Binh đến uỷ lạo sau một trận pháo kích dữ dội của của Việt Cộng gây thương vong một trung sĩ truyền tin. Phái đoàn do Đại Tá Cao Hảo Hớn, Tư Lệnh hướng dẫn, gồm có: phu nhân Tư Lệnh mặc quân phục đứng cạnh Đại tá, và người phụ nữ mặc áo trắng, bìa trái là bạn cùng nghề dược sĩ như bà Tư Lệnh. Đại tá Cố Vấn Mỹ SĐ 21 đứng phía sau. Đại Tá Cao Hảo Hớn được thăng cấp sau 1.11.1963, Tư Lệnh Phó lên thay Thiếu Tướng Bùi Hữu Nhơn Tư Lệnh cũng mới thăng một cấp được thuyên chuyển về Cần Thơ nhận chức vụ Tư Lệnh Quân Khu V (Vùng IV Chiến Thuật) thay Trung Tướng Trần Thiện Khiêm. Phái đoàn SĐ 21 còn có Thiếu tá Lâm Văn Nên, Trưởng Phòng 5 Chiến Tranh Tâm Lý Sư Đoàn đứng cạnh Trung tá Nguyễn Văn Thanh Trung Đoàn Trưởng 33 đang mỉm miệng cười, (cô Trung Tiết Trưởng Ban Xã Hội TrĐ 33 đứng cạnh Đại Tá Tư Lệnh), Thiếu uý Trần Thị Bích Nga, có đeo phù hiệu chữ thập xanh viền đỏ của ngành xã hội, Trưởng Phòng Xã Hội SĐ 21 BB.

Đón tiếp phái đoàn SĐ 21 ngoài Trung tá Trung đoàn trưởng, có Y sĩ  trưởng Trung Đoàn 33 Y sĩ Trung Uý Phạm Tùng Linh (mang kiến), Thiếu uý Đệ Trưởng Ban 3 và Thiếu Uý Trần Văn Ngà Trưởng Ban 5 (Chiến Tranh Tâm Lý) kiêm Trưởng Ban An Ninh, đứng ngoài bìa phải và cô Trung Tiết Trưởng Ban Xã Hội Trung đoàn 33. Cũng là cái duyên tiền định, lần đầu tiên tôi diện kiến với cô Thiếu Uý Trưởng Phòng Xã Hội SĐ 21. Không lâu sau đó cô Thiếu Uý thuyên chuyển về Quân Đoàn IV ở Cần Thơ giữ chức Trưởng Phòng Xã Hội Quân Đoàn IV. Năm sau tôi cũng được thuyên chuyển về Phòng V Chiến Tranh Tâm Lý QĐ IV với nhiệm vụ Trưởng Ban Phát Thanh Tiếng Nói Vùng IV Chiến Thuật trên làn sóng của đài Phát Thanh Ba Xuyên, thay thế nhà văn nhà thơ Thiếu uý Nguyễn Triệu Nam thuyên chuyển về Sài Gòn, phục vụ tại đài Phát Thanh Quân Đội.

Con đường ngắn nhất đến tình yêu vợ chồng của tôi từ tình chiến hữu cùng một đơn vị, chúng tôi, Nga Ngà sau thành vợ chồng tại Cần Thơ. Tôi còn có thứ tình chiến hữu cao đẹp cho mãi đến bây giờ, 2023 cũng phát xuất từ Trung Đoàn 33 BB với các bạn thân nhứt: BS Phạm Tùng Linh, Nguyễn Đình Bảo, Nguyễn Minh Châu. Chẳng may, Trung uý Nguyễn Minh Châu Trưởng Ban 2 Trung đoàn thuyên chuyển về Trung Tâm Thấm Vấn tù binh ở Sài Gòn, Châu đã chết vì tai nạn xe, khi Châu đang lái xe vespa về nhà, giữa thập niên 60. Cách đây ba năm, anh Nguyễn Đình Bảo cũng đã qua đời vì bạo bịnh tại Oakland miền Bắc Calofornia. Tình chiến hữu năm xưa thâm niên nhứt của tôi, nay chỉ còn anh Linh, tôi và bà xã tôi. Chúng tôi, Linh, Bảo và tôi cùng tuổi, còn Châu thì nhỏ hơn chúng tôi vài tuổi, chúng tôi cùng phục vụ tại Trung đoàn 33 BB từ những ngày đầu trong quân ngũ.

Còn tình huynh đệ chi binh thể hiện qua cấp chỉ huy Trung Tá Trung Đoàn Trưởng 33 BB Nguyễn Văn Thanh đối với anh em chúng tôi và đối cấp dưới trong đơn vị, Trung tá Thanh đã lớn tuổi như một người cha người anh cả của đơn vị mà hầu hết các chiến binh phục vụ dưới quyền Trung tá đều kính trọng nể phục.

Trên lãnh thổ Khu 42 chiến thuật do SĐ 21 BB đảm trách, kể cả Khu Chiến thuật Tiền Giang và 41 thuộc Vùng IV Chiến Thuật, lần đầu tiên kể từ sau khi có Hiệp Đinh Genève (1954-1964), gần đúng 10 năm mới có một trận pháo kích dữ dội chớp nhoáng tại Miền Tây trong vòng trên dưới 5 phút có hơn 20 quả đạn cối 81 bắn vào địa điểm đóng quân của Trung Đoàn 33 BB. Bốn quả đầu rơi đúng mục tiêu. Một quả đánh gãy một an ten truyền tin làm cho một trung sĩ đang trực bị thương và chết sau đó chừng một tiếng. Một quả rơi trúng ngay câu lạc bộ (nhà ăn) của Trung Đoàn, một quả chạm trên các đọt dừa nổ tung trên cao nóc hầm, văng miểng xuống hầm của tôi và Thiếu uý Nguyễn Minh Châu Trưởng Ban 2. Gần đó, căn hầm của Trung Tá Trung Đoàn Trưởng và căn hầm của Cố Vấn Mỹ cũng có văng miểng đạn pháo, một quả thứ tư rơi gần hai khấu đại bác 105 ly, sát cạnh TrĐ. Kể như bốn quả pháo đầu tiên VC bắn trúng mục tiêu, nhưng khoảng hơn 20 quả sau rớt tứ tung lệch mục tiêu rơi xuống sông Bảy Háp, các mương rạch và vườn chim của dân ở gần chỗ đóng quân. Theo ước tính của Ban 2, Việt cộng có thể có bốn hoặc hai khẩu súng cối 81 ly (lúc này ở Miền Tây, VC chưa có súng cối 82 ly), bốn quả đầu điều chỉnh toạ độ tốt, còn các quả sau, chúng không kịp chỉnh lại toạ độ và có thể vừa bắn vừa chém vè nên không chính xác vì chúng cũng sợ phản pháo của súng cối 81 của Trung đoàn, hai khẩu pháo binh 105 ly và các toán tiền đồn, phục kích đêm phát hiện tấn kích chúng.

Rất may, quả đạn rơi trúng giữa câu lạc bộ, có đại uý Nguyễn Văn Mạch đang ngủ qua đêm, từ đơn vị khác thuyên chuyển về Trung đoàn và được ở tạm tại câu lạc bộ, chờ đi ra tiểu đoàn. Đại uý Mạch buồn tiểu thức dậy khoản hơn một giờ khuya, đi ra tiểu ở một góc dừa cách câu lạc bộ hơn 10 thước, bổng nghe ụp ụp bốn tiếng liên tiếp, biết VC pháo kích, ông vội ngồi xuống, sát cây dừa to, ông nghe luôn bốn tiếng nổ chát chúa và thấy có một quả rơi trúng câu lạc bộ. Tới lúc đó ông mới nằm dài xuống đất nghe tiếp hàng chục quả đạn pháo, nghe tiếng nổ xa hơn bốn quả đầu tiên. Hết pháo kích, máy đèn của đơn vị chạy lại. Tại câu lạc bộ, quả đạn rơi chạm nóc nhà nổ tung, cái ghế bố xếp và mùng của Đại uý Mạch bị thủng mấy chục lổ, riêng nóc mùng gần giống cái rổ, lổ thủng lớn nhỏ chi chích... Thế là Đại uý Mạch tốt số, may mắn không chết, không bị thương và sau này ông sống thọ lên "lon" Trung tá và lớn tuổi giải ngủ tại một quân trường.

Nhìn tấm ảnh năm xưa, có tất cả 11 người, không kể một người Mỹ chỉ thấy có mũ đứng cạnh Cố Vấn Mỹ. Đến nay, 2023, tôi biết có đến hơn nửa đã là người sang định cư ở thế giới khác. Cuộc sống của đời người thật quá ngắn ngủi, có thể vừa mới thấy mới gặp lại vĩnh biệt trần gian.

Trung Đoàn 33 BB đóng quân cách bờ sông Bảy Háp vài chục mét trong khu vườn dừa, cau um tùm và cạnh bên có thêm vườn tre và nhiều loại cây khác, là vườn chim, cách tỉnh lỵ Cà Mau trên 10 cây số. Sông Bảy Háp là một thuỷ lộ huyết mạch đến quận Năm Căn vận chuyển thổ sản, hải sản của Năm Căn, nhứt là than đước, một nơi sản xuất cung cấp than cho cả miền Tây đến tận Thủ Đô Sài Gòn.

 

Tôi, biết tin Trung Tá Nguyễn Văn Thanh đang sống với con trai út tại Cần Thơ, từ đầu năm đến nay đi ra vô bịnh viện rất thường xuyên. Năm đó ông thầy Nguyễn Văn Thanh của tôi đã vào hàng U 100, chỉ còn thiếu 5 năm nữa tròn trăm tuổi. Trung tá Nguyễn Văn Thanh là người thầy đầu đời quân ngũ của tôi, ông biểu hiện tình huynh đệ chi binh cực kỳ cao quý. Trung Tá trực tiếp chỉ dạy chúng tôi qua thực tế, không phải lý thuyết suôn, chúng tôi sĩ quan còn mới tinh, cách lãnh đạo chỉ huy. Tôi không bao giờ quên kỷ niệm thân thiết với cuộc đời binh nghiệp của tôi từ năm 1963 tại Chà Là - Gía Ngựa. Tôi được phục vụ dưới quyền một cấp huy tài giỏi, hiền hòa, luôn chỉ dẫn, giúp đỡ thuộc cấp - Trung Tá Nguyễn Văn Thanh, tình chiến hữu, tình huynh đệ chi binh của Trung Tá giúp tôi nên người, tôi nhớ ơn ông mãi. Ông với tôi chỉ là người dưng

Tôi nhớ lại những kỷ niệm sống bên cạnh ông thầy Nguyễn Văn Thanh qua các cuộc hành quân đầu đời ở vùng Thất Sơn đầu năm 1963, vùng khu sản xuất xi măng Kiên Lương - Hà Tiên, Rạch Sỏi gần tỉnh lỵ Kiên Giang (Rạch Giá). Đặc biệt khi Trung đoàn 33 Bộ Binh đóng chốt dài hạn thành một căn cứ hoả lực tại vùng có địa danh Chà Là hay Giá Ngựa, cách tỉnh lỵ Cà Mau hơn 10 cây số và cách khu trù mật Hải Yến của Cha Hoá trên dưới 6 cây số, cũng nằm ven theo sông Bảy Háp, thuỷ lộ, từ tỉnh lỵ Cà Mau đi đến quận cuối cùng Năm Căn của tỉnh An Xuyên (Cà Mau). Hai câu thơ của nhà văn Dương Hà tả chân sống động cảnh sông Trèm Trẹm và Rừng U Minh vô cùng "ấn tượng" của một vùng mà Trung đoàn 33 BB đã mở cuộc hành quân khai thông đường thuỷ từ Rạch Sỏi đến quận Sông Ông Đốc dọc theo sông Trẹm, gỡ, phá các chốt trú quân của của VC lan  rộng ra đến ven biển:

Sông Trèm Trẹm ngàn đời vẫn đỏ,

                                                        Rừng U Minh muôn thuở còn xanh.                                                                                                      

Trời tháng 10 năm 1963 trở lạnh vào sáng sớm và sương mù còn dày đặc bao trùm tỉnh lỵ Cà Mau, dù lúc đó đã chín giờ sáng. Đúng giờ này, cuộc hành quân của Trung Đoàn 33 thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh, rời tuyến xuất phát và tiến quân bằng đường sông và đường bộ vào vùng Chà Là - Giá Ngựa, ở ven sông Bảy Háp, cách thị xã Cà Mau hơn 10 cây số. Cuộc hành quân được hoãn lại, phải đợi bớt sương mù, trong sáng. Đến 10 giờ, có vài tia nắng yếu ớt chiếu rọi, ông Trung Đoàn Trưởng ra lệnh các đơn vị cho binh sĩ ăn cơm trưa nhanh, đúng 11 giờ, cuộc hành quân tiến hành đúng với phóng đồ hành quân theo kế hoạch và được Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 21 chuẩn thuận. Cái tài của cấp chỉ huy là tiên liệu trước các cái thường trúng phóc.

Trung Tá Thanh nói với các sĩ quan Ban Tham Mưu Trung đoàn, từ Cà Mau đơn vị di chuyển chậm vì hai bên bờ sông Bảy Háp (Bảy Hạp) rất rậm rạp cần có các đơn vị tiền sát mở đường trên hai bờ sông với 2 đại đội của 2 tiểu đoàn, Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn và các đơn vị di chuyển theo đội hình hành quân bằng các ghe, tàu đò trưng dụng (có trả tiền thuê cho chủ ghe, tàu), các tàu Hải Quân hộ tống đi đầu và đi cuối đoàn công voa trên dưới 20 chiếc tàu ghe lớn nhỏ. Trên không còn có một chiếc "đầm già" - phi cơ L.19 - bao vùng quan sát vì hai bờ sông vùng này là hang ổ của VC. Các đồn bót Bảo An và Dân Vệ ở đây bị cộng quân "nhổ" gần hết. Hai ông Quận Trưởng Cái Nước và Đầm Dơi thường ăn không ngon ngủ không yên, cứ thay đổi hoài, không bị thương thì cũng chết trận hay lạnh cẳng tìm cách "thoát hiểm"...

Ông Trung Đoàn Trưởng còn cho biết, từ tuyến xuất phát, cuộc hành quân lần này là tiến quân theo hình cuốn chiếu, nghĩa là 2 đại đội mở đường đi dọc hai bên bờ sông Bảy Háp, chừng 2 cây số, dừng lại hoán đổi, xuống tàu, để 2 đại đội khác lên bờ thay thế đi trước, đoàn tàu lục tục đi sau. Vì vậy, cuộc hành quân sẽ di chuyển chậm mà chắc và an toàn. (Hình bản đồ Cà Mau do VC vẽ nên có những tên quận lạ quắc: Trần Văn Thời, Phú Tân, Ngọc Hiển...). Bắc giáp tỉnh Kiên Giang - Rạch Giá, Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, Tây, Nam, Đông giáp Vịnh Thái Lan và Biển Đông.

Ngoài các đơn vị cơ hữu của Trung Đoàn, còn có lực lượng Giang Đoàn của Hải Quân yễm trợ đì theo đội hình tác chiến.

Vùng này, VC ngoài phục kích, bắn sẻ, còn thường đặt thủy lôi - chất nổ buộc vào các cọc cây nhỏ cắm sâu dưới mặt nước, đợi tàu vào tầm ngắm sát hại của chúng, chỉ cần một tên du kích, có thể mặc quần đùi ở trần núp đâu đó bấm dây vào cục pin làm thủy lôi phát nổ và gây nhiều tổn thất cho ta.

Các đơn vị đến địa điểm đóng quân cũng hơn 3 giờ chiều và binh lính mỏi mệt, chỉ muốn nghỉ cho khỏe. Nhưng, ông sếp nói: các anh em cấp chỉ huy phải đôn đốc lính tráng đào công sự, giao thông hào xong, dựng lều trại đàng hoàng, bố trí canh gác chu đáo mới được tắm rửa lo cơm nước...dù nơi này muỗi vo ve như sáo thổi, ráng chịu cực ngày đầu.

Lệnh ông ra còn nhắc nhở, tối đêm nay, quân mình mới đến, chắc chắn chểnh mảng trong công việc canh gác vì di chuyển cả ngày cực nhọc, đó là cơ hội quân địch tấn công. Ông còn dặn dò tiếp mọi người phải đề cao cảnh giác, các anh em cán bộ sĩ quan, ngồi trên tàu, không có đi bộ nhiều, các anh em phải thức nhiều đêm nay kiểm soát các vọng gác, các chiến sĩ dễ ngủ gục quên nhiệm vụ gác giặc, du kích VC thấy dễ ăn chúng sẽ tấn công gây tiếng vang.

Anh Phương, một sĩ quan Thủ Đức, chưa tham dự cuộc hành quân quy mô nào ở vùng VC đang uy hiếp ngày đêm các đơn vị địa phương Bảo An và xã ấp. Và đây  cũng là lần đầu nên còn non kém chưa có kinh nghiệm chiến trường, lấy bài học này của "ông thầy" làm hành trang cho cuộc đời binh nghiệp của bản thân mình.

Đêm đó, khoảng 12 giờ khuya, nhớ lời ông Thầy, Anh Phương ngoài khẩu colt 45, còn mang theo cây carbine M2 phòng thân, đi đến vài vọng gác quan yếu, gần căn lều của ông Trung Đoàn Trưởng và của Quân Y. Hầu như nơi nào lính cũng ngủ gà ngủ gậc vì nơi này là các vọng gác vòng trong. Hơn nữa, đây là xứ muỗi nên các lính gác giặc đều có mũ lưới trùm đầu kín mít dễ làm buồn ngủ và cũng vì sau một ngày di hành mệt mỏi nữa. Còn các vọng gác vòng ngoài như là tiền đồn, sát bờ rạch nhỏ phía sau, bên hông Bộ Chỉ Huy Hành Quân cây cối um tùm, các lính gác cảnh giác hơn và là gác đôi nữa vì địch có thể sẽ xâm nhập vùng này trước nhứt...

Lúc bấy giờ, tất cả 3 ông Trung Đoàn Trưởng của Sư Đoàn 21 Bộ Binh, Trung Tá Nguyễn Văn Thanh là cấp chỉ huy Trung Đoàn thâm niên quân vụ cũng như có cấp bậc cao nhứt là Trung Tá, còn hai Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 31 và 32 có cấp bậc Thiếu Tá và tuổi tác vào hàng em hoặc cháu của ông Trung Tá Thanh. (Hình: TT Thanh lúc 92 tuổi, năm 2014 - mất năm 95 tuổi tại Thành Phố Cần Thơ, nhà con trai cũng là một tiệm cơm thức ăn Việt Nam, tôi có nhờ người thân Ở Cần Thơ mang vòng hoa phúng điếu - THÀNH KÍNH PHÂN ƯU- các cựu chiến hữu TR. Đ 33 BB).

Trung Tá Thanh từng theo học Khóa 2 Đập Đá, cùng khóa với nhiều vị Tướng lãnh như Thiếu Tướng Hồ Văn Tố, Trung Tướng Nguyễn Văn Mạnh...

Trung Tá Nguyễn Văn Thanh đeo lon Trung Tá từ năm 1963 và 12 năm sau, năm 1975 vẫn còn là Trung Tá già đã giải ngũ, bị VC nhốt tù một chục năm và tịch thu nhà cửa tài sản ở đường Pasteur Cần Thơ. Ra tù, cả gia đình bị lưu đày vào vùng kinh tế mới hoang vu nước phèn đồng chua ở Khu trù mật cũ Hỏa Lựu (Tỉnh Chương Thiện xưa).

Khi còn là Thiếu Tá Trung Đoàn Trưởng, Thiếu Úy Lê Văn Hưng là Trưởng Ban 2 do ông chỉ huy và khi Trung Tá Thanh về phục vụ Quân Đoàn 4 năm 1974 - 1975, Thiếu Úy Lê Văn Hưng năm xưa, nay là Chuẩn Tướng Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 4, là cấp chỉ huy của Trung Tá Thanh.

Năm 1963 - 1964, cả Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh với những sĩ quan trẻ đều kính phục về sự lãnh đạo chỉ huy và đức độ liêm khiết, lương thiện của Trung Tá Thanh. Đặc biệt, tài điều binh và đánh trận, hể nơi nào gai gốc, vùng nào có nhiều VC quấy rối, y như rằng đơn vị ông được lệnh điều quân tới đó. Vùng Chà Là Giá Ngựa ở cuối gần Rừng U Minh Hạ cũng là địa điểm "nóng" nhứt lúc bấy giờ trong địa bàn trách nhiệm của Sư Đoàn 21 Bộ binh - Khu 42 Chiến Thuật.

Từ khi có sự hiện diện của Trung Đoàn 33 Bộ Binh ở vùng này, dân chúng địa phương tỏ ra vui mừng vì không còn sợ bị pháo kích tự do - vùng VC luôn hoạt động như công khai, thách thức các đơn vị địa phương. Các đơn vị Bảo An - Dân Vệ cũng như hai ông Quận Trưởng Đầm Dơi, Cái Nước nay hoàn toàn an tâm không còn "lạnh cẳng" như trước.

Các tàu ghe thương hồ tấp nập qua lại hàng ngày trước chỗ đóng quân của Trung Đoàn. Những điểm VC thường bắt buộc các ghe tàu buôn bán lưu thông từ Cà Mau đến quận Năm Căn phải dừng, đậu lại nghe chúng tuyên truyền và đóng thuế. Con đường thủy này dài khoảng trên dưới 40 cây số, nay có các đơn vị của các tiểu đoàn đã được lệnh đến các nơi phá bỏ các trạm kiểm soát của VC và bảo vệ an ninh lộ trình rất tốt đẹp.

Công tác của Trung Đoàn 33 BB thời điểm đó cũng tương đối nhàn nhã mà Anh Phương được lệnh luôn đẩy mạnh công tác dân sự vụ phát quà phát thuốc nhứt là thuốc chloroquine chống sốt rét vì là vùng muỗi nhiều, cái ổ của bệnh sốt rét. Các gia đình có vườn cau, vườn dừa bị Trung Đoàn khai quang để làm sân đáp của trực thăng và làm các ụ, giao thông hào phòng thủ nơi đóng quân của Trung Đoàn, của Tiểu Đoàn. Thời đó, một cây dừa bị đốn bỏ, nếu tôi nhớ không lầm, được bồi thường $200 cây lớn đang có trái và cây dừa chưa có trái cũng như cây cau có trái được bồi thường $100/cây, giá thị trường 1 đồng 2 - 3 trái dừa hoặc trái khóm lớn...

Hàng ngày, 3 tiểu đoàn và các toán trinh sát của Trung đoàn và tiểu đoàn đều tung ra nhiều cuộc hành quân nhỏ chung quanh khu vực đóng quân cũng như thu thập tin tức tình báo. Đa số nhà cửa của người dân sống rải rác dọc theo bờ sông khá sung túc hơn những gia đình ở vùng sâu, vùng xa thiếu an ninh.

Một điều đáng lưu ý nhất là nhà nào nhà nấy chỉ có các cụ lớn tuổi, đàn bà và nhiều trẻ con nheo nhóc mà không thấy có người đàn ông trẻ và trung niên cùng sống chung.

Ban 2 và Ban 5 của trung Đoàn biết rõ, chồng của những thiếu phụ và cha của các đám trẻ đều là du kich VC, ban ngày rút vào bưng hay mật khu, ban đêm mò về nhận tiếp tế tình và thức ăn cũng như thu thập tin tức...

Gần 2 tháng, cả Bộ Chỉ Huy Hành Quân Trung Đoàn và 3 tiểu đoàn cơ hữu đều tiến hành công tác bình thường, không có gì quan trọng xảy ra. Khu vực này thuộc trách nhiệm của Khu 42 Chiến Thuật mà Trung Đoàn 33 là đơn vị xung kích trấn đóng và thường xuyên tổ chức các cuộc hành quân cấp tiểu và trung đoàn, ít khi chạm địch.

Đến ngày 1 tháng 11 năm 1963, qua máy thu thanh, chúng tôi biết tại Thủ Đô Sài Gòn đang có cuộc "cách mạng" lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa, Trung Tá Thanh đã biết tin này trước qua Đại Tá Bùi Hữu Nhơn Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh ra chỉ thị, các đơn vị thuộc quyền chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh và đề phòng VC tấn công. (Thiếu Tướng Bùi Hữu Nhơn định cư gần San Jose và đã qua đời vào lúc có nạn dịch COVID cao điểm).

Tại vùng Giá Ngựa cũng như cả rừng U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang - Rạch Giá) và rừng U Minh Hạ (thuộc tỉnh An Xuyên - Cà Mau), các đơn vị địa phương và du kích VC nằm im không có hoạt động gì đáng kể. Thời điểm này, năm 1962 - 1963, các cuộc hành quân cấp tiểu đoàn và trung đoàn thường đi cả ngày mà chẳng gặp sự chống cự quan trọng nào của VC. Thỉnh thoảng các đơn vị hành quân tịch khu được các kho vũ khí nhỏ của VC gồm toàn mìn nội hóa, chông, súng ngựa trời, súng 2 nòng, súng Mas 36 cũ kỹ của Pháp thời Đệ Nhị Thế Chiến. Phải nói rằng các đơn vị chủ lực quân đi hành quân ở vùng này như đi "thăm dân cho biết sự tình".

Trước đó, chỉ có Bảo An và Dân Vệ đóng đồn bót, VC thường lợi dụng đêm tối tấn kích bằng mìn và thường dùng nội công ngoại kích nhổ các nút chặn đó hoặc phục kích đặt mìn sát hại các ông quận, ông xã...như cơm bữa. Nay, có cả một trung đoàn thiện chiến của Sư Đoàn 21 BB về trấn đóng vùng này nên sinh hoạt thường ngày hoàn toàn nhộn nhịp khởi sắc và các ông tỉnh, quận xã thường ngủ yên giấc.

Nhưng, sau khi có cuộc chính biến 1.11.1963 chừng vài tuần, tình hình chiến sự vùng này sôi nổi lên. Các cuộc hành quân thường chạm địch và tịch thu nhiều vũ khí mới có cả súng cối, trung tiểu liên, súng bá đỏ CKC mới toanh của cộng sản Bắc Việt vận tải bằng đường biển vào.

Cuộc chiến bắt đầu leo thang. Từ cuối tháng 12 năm 1963, tin tình báo dồn dập, nhiều đơn vị lớn cấp tiểu đoàn VC thường "bôn tập" về gần 2 quận Cái Nước, Đầm Dơi, chúng có âm mưu tấn kích chiếm hai quận này, như trước đây chúng đã từng thực hiện. Tin tình báo của Sư Đoàn 21 cũng gởi xuống cho biết tình hình địch đang trên đà tăng thêm nhiều quân số và được trang bị vũ khí mới. Sư Đoàn chỉ thị Trung Đoàn phải tung ra hàng ngày các cuộc hành quân tảo thanh các vùng sâu vùng xa mà VC thường về trú quân với âm mưu mở đợt tấn công lớn vào hai quận Cái Nước, Đầm Dơi và xa hơn nữa là quận Thới Bình, Sông Ông Đốc...

Thời điểm này, Ban 5 chúng tôi thường xuyên mở các buổi học tập dành cho Đại đội Trọng pháo,  Đại đội Công Vụ với các thành viên cơ hữu của Bộ Chỉ Huy để ông Trung Đoàn Trưởng chỉ thị những gì cần phải triệt để đề cao cánh giác, nhứt là "mỹ nhân kế". Lúc này, chúng tôi thấy có nhiều cô thôn nữ, ăn diện khá tươm tất với quần mỹ a láng coóng, aó trắng hay áo màu mới nguyên cứ lạng qua lại trước Bộ Chỉ Huy Hành quân Trung đoàn và Trung Đội Pháo Binh 105 ly, ở sát đường đi. Các chiến sĩ tình báo cũng giả vờ hỏi chuyện, các cô nàng cùng một luận điệu, nói rằng, từ khi có các anh về đây đóng quân, khu này hoàn toàn an ninh nên chúng tôi diện một chút và thường đi chợ hơn để mua bán...

Trung Đoàn 33 BB ăn Tết Nguyên Đán đầu tiên tại Chà Là khá yên lành vì có lệnh của Trung Tá Thanh chỉ thị các chiến sĩ không được uống rượu say sưa vào buổi chiều và nhứt là cấm cờ bạc sát phạt nhau.

Ban ngày, ba ngày Tết chúng tôi cũng tạm cho lính tráng thoải mái ăn nhậu và máu mê cờ bạc của nhiều người cũng khó dứt bỏ trong các ngày Tết xa nhà. Vì vậy, với tư cách là Trưởng Ban 5 kiêm Trưởng Ban An Ninh Trung Đoàn, Anh Phương cũng có xin phép cho anh em vui chơi không thái quá, chỉ có ban ngày, ban đêm cấm tuyệt đối.

Trong mấy ngày Tết, từ 6 giờ chiều, Trưởng Ban 5 và Trưởng Ban 2 Trung Đoàn dẫn theo vài anh khinh binh đi kiểm soát tất cả các nơi canh gác, nơi ngủ nghỉ của lính tráng, dẹp các sòng bài và các bàn nhậu linh tinh. Chúng tôi đề cao cảnh giác cao độ vì thấy có nhiều hiện tượng như có nhiều phụ nữ ăn diện đẹp mời hay các cụ mời mọc chúng tôi hay anh em lính tráng ăn nhậu thoải mái tại nhiều nhà dân gần nơi đóng quân mà trước đó không có chuyện đó.

Ngày Mồng Một Tết ta, năm 1964, hình như rơi vào cuối tháng 1 dương lịch. Chúng tôi, Trưởng Ban 5 và Ban 2 hạp tính nhau, ở chung một gian hầm được bao phủ kín nóc và chung quanh với các cây cau, cây dừa được ken lại và đổ đất ở trên nóc hầm đề phòng bị pháo kích không xuyên phá được. Cả hai chúng tôi lại không biết hút thuốc, không uống được rượu đế nên không ai nài ép được. Đó là ưu điểm của những người làm tình báo không sợ bị phục rượu hay bị đầu độc bằng rượu bằng thuốc lá. Vùng Chà Là Giá Ngựa là cái ổ của VC hoạt động từ thời kháng chiến chống Pháp và cũng là nơi tập kết của Việt Minh cộng sản rút ra Bắc sau Hiệp Định Genève năm 1954.

Sau ba ngày Tết Ta cuối tháng 1 năm 1964, tin tình báo từ Phòng Nhì Bộ Tổng Tham Mưu, Quân Đoàn 4 và của Sư Đoàn 21 Bộ Binh dồn dập chuyển xuống các đơn vị, nói rằng cộng sản Bắc Việt đã điều động nhiều quân và vũ khí mới xâm nhập vào miền Nam, trong đó có vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ là vùng trách nhiệm của Trung Đoàn 33 Bộ Binh. Tin tình báo xác quyết CSBV chuẩn bị đánh lớn trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật.

Vì vậy, Trung Tá Trung Đoàn Trưởng mở cuộc họp với đầy đủ ba ông Tiểu Đoàn Trường cùng với các Trưởng Ban 2 - Ban 3 tiểu đoàn và các ông Cố Vấn Trưởng. Ở Trung Đoàn cũng có Trưởng Ban 2 - 3 - 5 - Truyền Tin - Quân Y - Công Vụ, đại đội Trọng pháo Trung đoàn cùng 2 sĩ quan của Trung Đội Pháo Binh 105 ly và Cố Vấn Mỹ của Trung đoàn.

Sau khi, Ban 2 Trung Đoàn trình bày tình hình địch và Ban 3 trình bày tình hình bạn, địa điểm đóng quân các tiểu đoàn, cách Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Trung Đoàn không quá xa, nằm trong tầm yễm trợ hoả lực của pháo binh. Các Ban trình bày khả năng của Trung Đoàn khi có diễn biến cộng quân tấn công, cắt đường tiếp vận đường sông và đường bộ từ tỉnh lỵ Cà Mau, đơn vị chịu đựng được bao lâu...? Sau đó Trung Tá Trung Đoàn Trưởng chỉ thị các Ban củng cố thêm chắc chắn các hầm ở của cán bộ, các hầm làm việc của Quân Y, Truyền Tin, phòng Hành Quân, tu bổ lại các vọng gác và giao thông hào...và các tiểu đoàn cũng phải thật sự đề cao cảnh giác. Trung Tá Thanh còn nói thêm, tình hình chính trị ở Trung Ương xáo trộn mạnh, chắc chắn cộng quân sẽ lợi dụng đẩy mạnh công tác tấn công phá hoại...

Trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, dù ở đơn vị tác chiến vỏn vẹn chưa quá một năm rưỡi mà lúc nào tôi cũng tôn kính Trung Tá Nguyễn Văn Thanh là bậc thầy vĩ đại của tôi vì ông tiên đoán điều gì y như rằng những chuyện xảy ra không lâu sau đó. Về nghệ thuật chỉ huy và đắc nhân tâm chinh phục lòng người của ông mà tôi biết, ông thuộc vào cấp chỉ huy tài giỏi siêu đẳng. Nhưng, ông sinh bất phùng thời, không thăng quan tiến chức suôn sẻ. Cho đến năm 2014, ông còn mạnh khỏe nhưng bịnh lãng quên đang đến với ông. Cuộc đời ông còn hiện hữu trên thế gian chỉ tính bằng ngày bằng tháng...

Y chang những gì Trung Tá Thanh chỉ thị, hệ thống phòng thủ của Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Trung Đoàn 33 được củng cố thêm chắc chắn, cộng sản bắt đầu mở các cuộc tấn công lớn tại vùng U Minh. Sau Tết Nguyên Đán khoảng một tuần (đầu tháng 2.1964), chúng tôi nếm trải một trận pháo kích kinh hoàng mà suốt gần 10 năm qua, từ năm 1955 đến năm 1964 VC chưa bao giờ thực hiện tại vùng này. Thời gian VC im lặng mai phục, điều nghiên học tập và xâm nhập sâu vào các vùng bưng, mật khu cũ, thiết đặt lại đường dây liên lạc của Việt minh cộng sản năm xưa.

Lúc hơn một giờ sáng, đang ngủ, chúng tôi bỗng giựt mình tĩnh giấc nghe liên tiếp ụp ụp, tiếng "đề ba" của súng cối, chứng tỏ VC đặt súng cối tương đối gần căn cứ. Tíc tắc sau, những tiếng nổ kinh hoàng rơi tại bốn địa điểm khác nhau.

Từ hầm ngủ cũng là hầm chỉ huy của Trung Tá Trung Đoàn Trưởng, ông ra lệnh Pháo Binh phản pháo và súng cối 81 ly cơ hữu của BCH Trung Đoàn cũng phản pháo những điểm đã ước tính trước, VC có thể đặt súng cối pháo kích vào BCH. Pháo binh đang chuẩn bị, liên tiếp hàng chục trái đạn cối khác tiếp tục rơi ào ào xuống xung quanh khu vực đóng quân của Trung Đoàn và gần 2 khẩu pháo, cũng như có vài quả rơi tõm xuống sông. May không có trái đạn pháo nào rớt gây thiệt hại nặng, chỉ có một quả pháo đầu tiên rơi trúng Trung Tâm Truyền Tin làm cho một hạ sĩ quan trực bị thương nặng, chết sau đó chừng một tiếng và có 2 máy truyền tin liên lạc với Sư Đoàn và liên lạc nội bộ Trung Đoàn hoàn toàn bị hư hỏng, được thay thế ngay máy dự phòng.

Thiếu Úy Nguyễn Minh Châu - Trưởng 2 và tôi chụp lấy nón sắt đội lên đầu, lấy súng lục, lấy thêm súng carbine và lựu đạn, tung cửa hầm chạy vội ra 2 điểm gác gần nhứt nhằm hổ trợ tinh thần các chiến sĩ gác giặc, e sợ VC dùng chiến thuật tiền pháo hậu xung mà chúng thường sử dụng. Tất cả chúng tôi đều nhảy xuống giao thông hào. Trong khi đó VC tiếp tục pháo kích đợt 3 cũng chừng một chục quả nữa, nhưng không vào mục tiêu BCH Trung Đoàn như trước, có lẽ chúng bị phản pháo dữ dội và chính xác nên chúng vác súng cối chạy đến chỗ khác và cũng bắn cho có, không tính toán được tầm bắn như trước...

Từ ngày, Anh Phương được bổ nhậm về Trung Đoàn 33 Bộ Binh tháng 1 năm 1963, Hậu Cứ của Trung Đoàn đóng ở tỉnh lỵ Long Xuyên, sau chuyển lên Châu Đốc và trở lại Long Xuyên, sau cùng trước khi tôi thuyên chuyển về Quân Đoàn IV, BCH Trung Đoàn đóng tại Thị Xã Sóc Trăng, BCH Hành Quân tại Chà Là - Gía Ngựa, hậu trạm của Trung đoàn, gần sân quần vợt tỉnh lỵ Cà Mau.

Cả năm 1963, Trung Đoàn 33 là đơn vị lưu động, nay hành quân ở vùng Thất Sơn, mai hành quân U Minh Thượng - Rạch Giá. Ngày khác lại hành quân sang vùng quận Hà Tiên hoặc hành quân quanh khu nhà máy sản xuất xi măng Kiên Lương...

Có thể nói Trung Đoàn 33 BB lúc bây giờ là đơn vị xung kích lưu động luôn mở các cuộc hành quân do Sư Đoàn 21 chỉ định, những nơi xung yếu mà VC thường xuất hiện quấy phá... Có một thời gian một vài tháng, BCH Trung Đoàn đóng quân ở trong cùng đầu kinh xáng Cây Me - Tri Tôn, Châu Đốc bảo vệ công tác đào kinh số 1 thông qua kinh thuộc xã Ba Chúc (Núi Tượng) - Tịnh Biên, Châu Đốc, dẫn ra Kinh Vĩnh Tế.

Nhiệm vụ của Trung Đoàn, bảo vệ an ninh vùng mật khu Thất Sơn để dân công đào kinh cho đến khi hoàn tất. Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm và một phái đoàn hùng hậu có ngoại giao đoàn trên 50 người đến địa điểm đóng quân mới của Trung Đoàn, chỗ vòng cung, từ kinh số 1 chảy ra kinh Vĩnh Tế, dự buổi thuyết trình của tỉnh và của Trung Đoàn 33 về công tác dẫn thủy nhập điền quan trọng này của tỉnh An Giang.

Trung Đoàn 33 cũng có gần một tháng đóng quân ở Rạch Sỏi - Kiên Giang, thường xuyên mở các cuộc hành quân lùng sục vùng Rừng U Minh Thượng, các mật khu cũ của VMCS.

Con sông chạy xuyên qua Rừng U Minh Thượng - Rạch Giá đến U Minh Hạ - vùng Cà Mau là con sông Trèm Trẹm "ngàn đời vẫn đỏ" đúng với câu thơ của nhà văn Dương Hà, ông gốc sanh trưởng ở Rạch Giá. Nước sông Trèm Trẹm, mùa nào cũng đỏ sậm như màu nâu vì là nước từ kinh rạch nhỏ trong rừng U Minh Thượng chảy ra sông Trèm Trẹm hoà với nước kinh rạch của rừng U Minh Hạ, mang theo đất phù sa cũng như cây cỏ mục đưa ra sông cái. Lúc bấy giờ, chúng tôi thấy vô số vịt trời, le le... thường bơi lội lặn hụp tìm thức ăn khi đoàn tàu hành quân đến gần, chúng mới bay lên và sau đó lại đáp xuống phía sau đoàn tàu...

Rừng U Minh ngày ấy, nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua và cuộc đời của những người lính kiêu hùng năm xưa, bây giờ đang đối diện với bịnh tật, tuổi tác và Thần chết đang lảng vảng mời gọi.

Sự hy sinh cống hiến cuộc đời mình phục vụ đất nước với tình chiến hữu và tình huynh đệ chi binh luôn mãi bất diệt của cấp chỉ huy trong thời chiến tranh như Trung Tá Nguyễn Văn Thanh đối cấp dưới. Và thuộc cấp cũng kính mến chúng tôi, các chiến sĩ của Trung Đoàn 33 BB luôn tôn kính cấp chỉ huy. Hai lần tôi về thăm lại quê hương vì có chuyện gia đình và không quên thăm lại chiến trường xưa với 16 tỉnh 92 quận của Vùng IV Chiến Thuật. Cả hai lần tôi có đến nhà Trung tá Nguyễn Văn Thanh tại Cần Thơ viếng thăm vấn an ông thầy cũ trong Quân đội. Khi ông thầy qua đời, từ Mỹ, tôi có nhờ bạn ở Cần Thơ mang vòng hoa phúng điếu đến kính tiễn ông Thầy.

Chúng tôi ba chiến sĩ thân nhứt từ ngày phục vụ tại Trung đoàn 33 BB cho đến nay: Bác sĩ Phạm Tùng Linh đang định cư tại Paris - Pháp, Nguyễn Đình Bảo cùng khoá 13 Thủ Đức với tôi, định cư ở thành phố Oakland và tôi ở Sacramento, miền Bắc California. Chúng tôi hẹn gặp lại nhau sau hơn nửa thế kỷ tại nhà anh chị Phạm Tùng Linh tại Paris - Pháp quốc.

H: Từ trái Nguyễn Đình Bảo - Phạm Tùng Linh - Trần Văn Ngà - Bà Ngà - Bà Linh

Bác sĩ Phạm Tùng Linh ra trường Y Khoa được trưng tập vào Quân Đội và anh ra nhận nhiệm đầu đời quân ngũ là Trung Đoàn 33 BB tại Bộ Chỉ Huy của Trung Đoàn đóng quân lần thứ hai tại tỉnh lỵ An Giang - ngang trường  trung học Thoại Ngọc Hầu, thay thế bác sĩ Trần Duy Tự sau là Dân Biểu đơn vị Sóc Trăng nhiệm kỳ 1967 - 1971. Nơi làm việc cuối cùng của anh Linh trước 30.4.1975 là Trưởng Ty Y Tế tỉnh Vĩnh Bình. Anh Nguyễn Đình Bảo, gốc Quan Thuế được động viên vào khoá 13 Thủ Đức (tên khoá Ấp Chiến Lược) như tôi. Anh Bảo phục vụ ở Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn 21 khi mới trình diện, sau ra phục vụ Trung Đoàn 33 một thời gian ngắn và được biệt phái về lại Quan Thuế, anh giữ chức Trưởng Ty Quan Thuế An Giang. Trước năm 1975 anh phục vụ trong ngành Quan Thuế tại phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất và anh cưới người vợ gốc Lào làm trong hảng Laos Airline tại văn phòng ở Tân Sơn Nhất. Trong Quân Đội, tôi phục vụ chuyên ngành thông tin báo chí và ngành tâm lý chiến, ngoài đời là một nhà giáo và nhà báo.

Sau 50 năm, ba anh em chúng tôi gặp nhau tại Paris - nhà vợ chồng anh Linh. Trong hình chỉ thiếu chị Bảo vì chị có gia đình từ Lào sang định cư ở Paris nên chị phải đi thăm gia đình. Anh Bảo đã qua đời tại thành phố Oakland cách nay cũng trên ba năm và vợ của anh Linh cũng đã qua đời tại Paris trước anh Bảo một năm.

Nay, tôi chỉ còn tình chiến hữu thân thiết nhứt đầu đời quân ngũ với anh Phạm Tùng Linh, chúng tôi thỉnh thoảng cũng gọi điện thoại thăm nhau. Sau ngày về hưu, vài năm, anh Linh bị bịnh Parkinson cho tới nay và tôi thì vướng đến "ba cao một thấp" - cao máu - cao đường - cao mỡ và thấp khớp. Tôi chỉ còn đúng một tháng rưỡi tròn tuổi 89, tôi luôn giữ mãi tình yêu quê hương đất nước, gia đình và tình chiến hữu luôn bất diệt trong tôi. Tôi xin Tạ Ơn đời, tạ ơn người...

Anh Phương Trần Văn Ngà - (Mùa Lễ Tạ Ơn - Thanksgiving 2023)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn