Mai Quốc Việt - Gói kẹo Tết

Thứ Sáu, 16 Tháng Hai 20248:00 SA(Xem: 769)
Mai Quốc Việt - Gói kẹo Tết

tre_02

Nó cùng tuổi với tôi, nó gọi tôi bằng cậu họ, ông ngoại nó là chú ruột của tôi. Chú ruột tôi vào Sài Gòn học hành, đến tuổi lấy cấy thì về quê lấy cấy, ở quê tôi cấy là vợ.

Thím ở lại quê chăm sóc ông bà nội tôi. Thím mắn đẻ chỉ cưới ba năm đã đẻ cho chú tôi ba đứa con. Ở Sài Gòn chú tôi đi theo cách mạng trôi dạt về đồng bằng Nam Bộ thăng tiến thành quan lớn cách mạng. Chú giấu tiệt việc chú có vợ ở quê, lấy thêm vợ hai, thím là người Kiên Giang.

Tập kết ra bắc chú đi một mình, thím hai ở lại hoạt động bí mật. Chú ra Hà Nội ổn định công tác ở trung ương cục miền nam được phân nhà biệt thự gần nhà hát tây. Chú về quê mang thím cả và hai đứa con ra Hà Nội. Đứa con thứ ba của chú là gái, đẹp gái nên tảo hôn lấy chồng sớm. Chồng là con trai cả của ông bà địa chủ đành ở lại quê, ở luôn trong ngôi nhà ngói ba gian ông nội tôi xây cho chú thím tôi.

Nó được sinh ra trong căn nhà này. Nhà tôi cách nhà nó chỉ một khu vườn nhỏ bốn mùa nở đầy hoa cải và một cái giếng nước trong như mắt mèo.

Tôi không thân với nó. Nó vai cháu nhưng toàn xưng tau mi với tôi. Nó giống cha nó bủn xỉn, keo kiệt thích ra vẻ ta đây sang chảnh. Cha nó là con địa chủ nên bắt chước ông nội nó ăn cơm riêng bằng một chiếc mâm đồng, mạ nó chỉ được quyền ngồi xới cơm cho cha nó. Tôi ngứa mắt thì thầm vào tai nó, mạ mi là con của ông ngoại mi, ông ngoại mi là đại tá công an, khi mô ông ngoại mi về làng tau méc ông ngoại mi treo cổ cha mi lên vì tội dám bắt mạ mi hầu hạ như nô lệ. Hắn cười, mạ tau thích rứa thì mần răng chừ, cha tau nỏ sợ.

Làng tôi sát biển. Dân làng tôi có nghề lặn ruốc biển. Mùa hè là mùa ruốc biển. Đánh bắt ruốc biển không khó. Ruốc thường kéo thành mảng bám vào những mảng rong rêu sát bờ biển, dân làng tôi chặt tre kết thành bè chèo ra biến cách bờ vài trăm mét, thả xuống biển một đống bùi nhùi như lưới, ruốc bám vào. Những người đàn ông làng tôi cởi truồng nhảy xuống biển cầm vợt lưới bám theo đống bùi nhùi như lưới kia lùa ruốc. Ruốc có nhiều hay ít phù thuộc vào việc ai nín được dài hơi nhất để lặn chìm xuống biển sâu.

Cha nó thuộc loại lặn chìm xuống biển lâu nhất làng. Nó được cha dạy từ nhỏ nên rất giỏi, nó có khả năng lặn chìm xuống biển sâu cả tiếng đồng hồ mà chả cần nửa chừng ngóc đầu lên khỏi mặt nước lấy hơi.

Ruốc chỉ có mỗi một tháng trong năm vào mùa hè chẳng đủ nuôi sống người làng tôi. Làng tôi nghèo, nếu thi làng nghèo thế giới lơ mơ làng tôi giành giải nhất. Nghèo đến nỗi ba ngày Tết cũng chẳng đủ no, chỉ đủ no duy nhất một ngày mồng một. Tết làng tôi có một thói quen là con nít nhà nào cũng có dăm ba cái kẹo cầm trong tay, khá giả thêm một vài cái để ở trong túi quần âu mới may. Riêng nó Tết nào nó cũng nhất làng vì cha nó cho nó cả một gói. Nó cứ thế cầm gói kẹo trong tay nhảy chân sáo khắp làng, chỗ nào đông người nó lại tìm cách sà vào giả vờ vô tình nâng gói kẹo lên cao dưới ánh nắng mặt trời.

Má tôi phát cho tôi những mười cái kẹo. Ăn kẹo cũng phải đúng cách. Thường tôi chọn ngồi trên con chó đá được ông nội tôi dựng sát hồi nhà nhìn ra cổng vườn. Tôi nhởn nhơ bóc vỏ kẹo, cẩn thận cất vỏ kẹo vào túi. Nhẹ nhàng đút cái kẹo vào mồm, dùng lưỡi lùa nhẹ cái kẹo chạy vòng quanh các chân răng, móc chiếc kẹo ra khỏi mồm thanh tao giơ cao lên trời hứng chờ dòng nước trắng đục như sữa rót xuống vào mồm. Khi không còn dòng nước trắng này, tôi nhởn nhơ thả nhẹ chiếc kẹo vào mồm và chậm rãi nhai nhè nhẹ... Chúa ơi liệu có gì ngon hơn kẹo nữa không?

Tôi để ý nó đờ đẫn nhìn tôi từ gốc cây nhãn bên thành giếng, trong tay nó vẫn có gói kẹo to, tôi nhận ra nó nuốt nước bọt nhiều lần. Tôi vẫy tay gọi nó đến gần bóc cho nó một chiếc kẹo, nó cầm cái kẹo của tôi đưa vào mồm vẫn không quên làm dấu thánh giá... Bỗng cha nó ho nhẹ theo kiểu đằng hắng ý là tau biết rồi nha.

Nó vội vã nhả cái kẹo trong lòng bàn tay ném vào người tôi rồi hét lên, kẹo mi dở ẹc, dở như ri mà cũng gọi là kẹo à. Kẹo của tau mới ngon nì, kẹo mi tau trả lại cho mi, đồ ẻ, tau quẹt vô nỏ sèm ăn kẹo của mi... Dứt lời mắng mỏ nó cầm gói kẹo chân sáo chạy về nhà nó. Tôi ngẩn ngơ cúi xuống khỏi con chó đá nhặt chiếc kẹo mà nó ném vào người tôi rơi xuống đất bỏ vào mồm. Bỏ tiếc chết đi được. Tôi hiểu kẹo của nó ngon hơn kẹo của tôi.

Rồi lưu lạc. Tôi biết nhà nó vào Nam. Nó vượt biên và trở thành người giàu có ở một thành phố ven biển của nước Mỹ. Cách đây mấy năm khi tôi đang làm việc ở Mỹ, tôi nhận được tin nhắn của nó. Thành phố tôi làm việc cách thành phố nó ở chỉ vài giờ đi xe. Nó đi xe đến đón tôi ở khách sạn. Chạy vòng vo nó kể cho tôi nhiều chuyện.

Nhà nó vào Sài Gòn ở cùng ông ngoại nó. Một lần nó về xứ đạo ven biển thăm bà con bên nội nó rời xứ đi kinh tế mới, nó nhảy lên tàu vượt biên khi trong túi không có một xu. Nó ngâm người dưới mạn tàu, khi tàu chạy ra gần phao số không thì nó trồi lên bám thành tàu leo lên. Chủ tàu định vứt nó xuống biển nhưng nhìn nó rắn chắc như con rái cá nghĩ thế nào lại thôi. Nó nói với ông chủ tàu, ông thương con cho con đi, sang Mỹ con thành người con sẽ trả ơn ông, nó cứ hứa bừa giá bét nhất cũng vài trăm nghìn đô la...

Tàu bị rơi vào vùng rong biển, rong quấn chặt chân vịt tàu. Tàu chết máy. Tàu vẫn chưa ra khỏi hải phận Việt Nam. Nguy cơ bị bộ đội biên phòng bắt kéo về là chuyện không bàn cãi. Cả tàu khóc rống lên. Nó trở thành ân nhân. Nhiều giờ liền nó lặn chìm đưới biển tháo từng mảng rong bám vào chân vịt, lấy hết sức vừa bơi nhái vừa đẩy con tàu không nổ máy thoát ra khỏi vùng rong biển. Tàu chạy tiếp. Những người thoát chết trên tàu móc vàng đền ơn nó cả đống.

Nó đến Mỹ chọn một thành phố biển nhỏ nơi có ngành đóng các loại thuyền buồm. Nó dân biển từ bé nên dần dần nó trở thành ông chủ của một nhà máy đóng thuyền buồm.

Nó đưa tôi về nhà. Nhà nó là một biệt thự nhỏ nằm trên vách núi hướng ra biển. Mùa hè biển xanh và trời cũng xanh. Nó rót rượu vang mời tôi. Xong ly đầu nó chạy vào nhà xách một rương gỗ nhỏ, loại gỗ hiếm - gỗ cây sồi. Nó mở cái rương gỗ nhỏ, mùi gỗ sồi thơm ngào ngạt bốc lên.

Nó cầm gói kẹo vừa khóc vừa nói, cậu có nhận ra gói kẹo này không, gói kẹo Tết của cháu hồi ở quê đấy. Rời quê nó là vật duy nhất cháu mang vào Sài Gòn, sang Mỹ hơn chục năm cháu mới quay trở về Sài Gòn lấy lại, cha cháu vẫn giữ cho cháu cậu à. Cậu ngạc nhiên vì sao hơn nửa đời người nó vẫn không thể hư, vì nó được làm bằng xi măng cậu à. Cha cháu làm rồi đóng gói để Tết nào cháu cũng phải chạy kiểu chân sáo khắp làng khoe thiên hạ.

Ngột ngạt, tôi đẩy cửa bước ra ngoài.

Biển mùa hè nước biển ở đâu cũng xanh, liệu vịnh biển xanh này có ruốc như biển xanh làng tôi không?

MAI QUỐC VIỆT 14.02.2024

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chủ Nhật, 10 Tháng Mười Hai 20231:05 SA
( HNPĐ ) 1. Tôi không biết có phải qua bài thơ dài tới 93 câu của Vũ Anh Khanh mà từ một vùng đất..." đèo heo hút gió" của xã An Hòa.