Phạm Công Luận - Chợ Ga thân yêu và ông Mười chủ đất

Thứ Hai, 18 Tháng Mười Hai 202311:53 SA(Xem: 1308)
Phạm Công Luận - Chợ Ga thân yêu và ông Mười chủ đất

pcl_02 

Trước năm 1954, quanh khu vườn của ông Lê Tài Chí, nằm ngay góc hai con hẻm (một hẻm nay là đường Đỗ Tấn Phong và một nay là đường Trần Khắc Chân thuộc phường 9, Phú Nhuận) có những phụ nữ nghèo bày mấy rổ hàng dưới đất, buôn bán lặt vặt cho người dân quanh vùng.

Đến năm 1954, nhiều người Bắc di cư vào Nam. Vài người trong đó tìm đến khu đất này, chen chân vào bán hàng để tạm kiếm sống thời gian đầu mới vô.

Thấy bà con người Bắc mới vào Nam chưa có cuộc sống ổn định, chính quyền thời đó đến gặp ông Lê Tài Chí. Họ đề nghị ông cho mượn mảnh vườn nói trên để nhà nước xây lên một cái chợ cho đồng bào di cư có chỗ mua bán.

Ông Lê Tài Chí, thường được gọi là ông Mười hay ông Mười chủ đất, nguyên là nhân viên một hãng buôn của Pháp trước năm 1954. Ông sinh năm 1905, gốc gác ở Tân Trụ, Long An nhưng đã lên Gia Định sống từ năm 1941.

Sau khi lập gia đình, ông có hai người con trai, Lê Tài Quốc lớn lên sang Pháp học kỹ sư (sau này là Nghị sĩ Thượng viện Việt Nam Cộng Hòa) và Lê Tài Bổn (sau là Chánh án tỉnh Long An trước năm 1975). Người vợ đầu mất sớm, ông đi bước nữa với chị gái của Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa Trần Thiện Khiêm nhưng bà này cũng mất sớm. Một thời gian sau, ông tục huyền lần nữa với người vợ thứ ba và sống cùng nhau đến mãn đời. Tổng cộng ông có tám người con, năm trai và ba gái. Đất đai của ông bao gồm ngôi nhà và toàn bộ khu chợ Ga ngày nay.

pcl_03

Biết rõ tình cảnh những người buôn bán vất vưởng chung quanh nhà, ông Mười đồng ý phá bỏ ngôi vườn để giao đất lập chợ.

Sau đó, một ngôi chợ dựng bằng gỗ, lợp mái tôn được cất lên trong khuôn viên vườn cây của ông Mười ở khu vực nói trên. Người con trai thứ hai, anh Lê Tài Bổn là người vẽ sơ đồ bố trí sạp và lối đi trong chợ. Chợ không có tên chính thức, người ta thường gọi là chợ Ga vì gần sát ga xép Phú Nhuận, hoặc gọi là “chợ Di Cư” vì có nhiều người Bắc di cư vào buôn bán. Gia đình ông Mười trở thành chủ chợ, mỗi tháng được quyền thu tiền chỗ từng sạp bán ở đó.

Má tôi, bà Đào Thị Nghiệm có một sạp hàng trong chợ sau khi xây xong. Má tôi kể số tiền chỗ do nhà ông Mười thu mỗi tháng khá nhẹ, đã vậy còn được ông bà Mười cho phép gửi một thùng đồ bán (là những thứ hàng hóa mắc tiền không dám cất trong sạp vì sợ trộm cạy cửa sạp) trong nhà của ông bà.

Nhiệm vụ của tôi mỗi buổi sáng những năm đầu thập niên 1980 là vô nhà ông bưng cái thùng gỗ đựng đồ ra cho má bán và buổi trưa thì bưng vào gửi lại dưới gầm bộ đi văng. Lúc đó, anh Ba Bổn đã đi học tập về sau mười mấy năm trong trại cải tạo. Vợ của anh, một phụ nữ trắng trẻo, đẹp người và nhỏ nhắn thường bày bàn gỗ trước cửa cổng nhà để bán sữa đậu nành tự nấu và tôi thường ghé vào uống sữa trước khi đi làm. Ông Mười lúc đó đã già yếu. Năm 1998, ông mất, thọ 94 tuổi. 

Lần ngược cách nay gần bốn mươi năm, tôi nhớ lại những sạp hàng buôn bán ở đó và có thể không hoàn toàn chính xác vì đã khá lâu. Từ phía đầu chợ đoạn đường Trần Khắc Chân, đi vào là các hàng bán bún chả, sạp bán trầu cau, trái cây. Tiếp đến là lối đi cắt ngang, sau là dãy sạp hai bên. Bên phải là hàng bán bún của bà Chất, hàng cô Chín bán vải. Tiếp theo là sạp hàng của má tôi, người trong chợ thường gọi là cô Ba đồ xi và vài hàng nữa trước khi dẫn đến khu sạp bán tôm cá.

Trở ngược lại, trước hết là sạp bán trái cây dựa vào một sạp vải phía sau. Rồi đến sạp bán lòng heo của cô Tình, sạp bán thịt heo của cô Tôn – người phụ nữ da trắng có giọng nói ồm ồm. Tiếp tục là lối đi rồi đến sạp thịt bò của bác Đối, một phụ nữ răng đen chân chất hiền lành đối diện sạp hàng của má tôi. Tiếp đó là sạp thịt bò của cô Điện, sạp bán chạp phô bà Phó, sạp giò chả, sạp thịt heo bác Tín, sạp thịt heo bác Ba. Sau nữa là khu chợ cá, với các thau khay đặt dưới thấp và luôn ẩm ướt. Trong khu này, có dì Ba cùng xóm với nhà tôi, là mẹ của bạn Công và em gái là Thanh, những người bạn thuở nhỏ.

pcl_05

Hàng ăn khu chợ Ga khá phong phú, không chỉ trong nhà lồng chợ mà ở các dãy phố vây quanh đều có những hàng quán hấp dẫn, giá cả vừa phải. Hàng nào được khen ngon là ngon thật sự, vì khách toàn là dân biết nấu nướng lại sành ăn.

Trước cửa nhà ông Mười có hàng bún măng cô Vũ và hàng bún ốc. Đáng nhớ nhất là bà bún ốc. Hàng ốc của bà rất “chân quê”: không bày bàn ghế, chỉ có một đòn gánh với một bên là nồi đất gáo dừa đựng nước lèo, một bên là sọt đựng ốc và các thứ khác. Ốc được nấu bằng cái nồi đất tròn to, vá múc nước lèo làm bằng gáo dừa và ốc được nhể từng con. Bà có tô ớt khô tự chế biến không cho ai đụng tới. Khi bán, bà múc ra tô gồm có bún, ốc và ớt khô, chan nước lèo vô, nêm thêm giấm, và tuyệt nhiên không có miếng rau nào… Ai muốn thêm ớt khô là tính tiền riêng. Khách đến ăn đông nhưng ai nấy đều kiên nhẫn chờ đến lượt được cầm tô bún nóng để ăn tại chỗ.

Bà tên gì? Chẳng ai biết, chỉ biết bà là người Bắc di cư vào năm 1954, mang theo bí quyết ẩm thực ngàn năm của đồng quê Bắc bộ với những nguyên liệu có sẵn ở ruộng nhà như con cua cái ốc. Dáng mập mạp, răng nhuộm đen, bà mặc áo tay ngắn, quần đen như nhiều phụ nữ ra chợ thời đó. Các bà đi chợ sớm, các nữ sinh đi học về trưa ghé hàng ốc, vừa ăn vừa xuýt xoa vì cay đến chảy nước mắt nước mũi. Sau khi bà cụ mất, người con trai tiếp tục bán nhưng không ngon như trước. Trước dịch Covid-19, hàng ốc nghỉ bán cho đến nay, địa chỉ này giờ chỉ còn là huyền thoại trong ký ức của nhiều khách ăn ốc ngày trước.

Trước cửa nhà ông Phó May đối diện nhà ông Mười có một hàng bán lòng heo có tiếng khu này. Mỗi chiều khoảng 3 giờ, người ta lại thấy bà Phượng từ khu Ông Tạ đưa lòng lên đây bán. Bà bán lòng luộc, lòng sống, tiết canh… những món khoái khẩu được người Bắc ưa chuộng. Lòng hàng bà Phượng ngon vì mới lấy từ các công-xi heo khu Ông Tạ, trong hẻm chùa Khuông Việt. Sau khi bà mất, cô con dâu ra bán thay. Hồi xưa bà Phượng bày thức bán trên mâm, đậy lồng bàn lại. Bây giờ, cô con dâu sắm cái xe đẩy có tủ kính, sạch sẽ và dễ nhìn hơn. Đến giờ, hàng lòng heo này vẫn còn.

Ra chợ, tôi thích ăn hàng bánh cuốn của cô Yến. Dù không nhớ giá dĩa bánh cuốn bao nhiêu, nhưng tôi vẫn nhớ đó là món ăn sáng không quá bình dân vì bánh cuốn là món chế biến mất công, lại có nhân thịt. Cô Yến là một phụ nữ Bắc cao lớn, da mặt trắng bóng. Khoảng đầu những năm 1980, cô cũng đã trên dưới bốn mươi tuổi, chưa chồng.

Mỗi sáng, sau khi bày bàn ghế và đặt các thứ lên trên nắp cái hầm trữ chuối, cô ngồi sau cái bàn, bên tay trái là nồi nước nóng đặt trên bếp củi với miếng vải trắng căng trên mặt nồi để tráng và hấp bánh. Cô luôn tay đổ muôi bột nước lên mặt miếng vải trắng, dùng muôi chao một vòng rồi đậy nắp lại khoảng một phút (đại khái là vậy). Bánh chín, cô dùng thanh tre gạt ra, đặt lên mâm rồi tiếp tục đổ bột để tráng. Trong khi đợi bánh chín, cô cho nhân thịt xào sẵn với nấm mèo và vài thứ nữa vào lá bánh ướt vừa tráng xong, thoăn thoắt cuốn lại. Tôi nhớ, mỗi miếng bánh ướt, cô cắt theo chiều ngang thành ba cuốn ngắn rồi đặt vào dĩa, thêm hai lát chả lụa, rau sống, giá và trao cho khách. Khách tự lấy đũa trong ống, tự chan nước mắm vào dĩa tùy theo khẩu vị đậm nhạt.

Sau này, dù đã ăn bánh cuốn nhiều nơi, tôi vẫn không quên món bánh cuốn cô Yến. Những năm 1980, bánh cuốn của cô không nhiều nhân thịt nên khá thanh cảnh, rau giá không đầy tú hụ, chả lụa ngon và mỏng chứ không dày như hiện giờ. Bánh cuốn của cô tráng mềm mại, nhu nhuyễn như tan trong miệng. Nước mắm ớt được pha rất ngon, dịu nhưng không nhạt, thấm vào miếng bánh còn nóng nên rất dậy mùi.

Ngoài những hàng ăn đó còn có những hàng khác như hàng cô Bính bán bánh ướt, hàng cô Nụ bán bánh tráng nướng ngay đầu chợ. Ngoài ra còn có bà Đăng bán bún mọc, bún riêu gần khu trại gia binh trên đường Đỗ Tấn Phong bây giờ. Từ đầu chợ đi vào, có hàng bún chả của hai chị em mà người trong xóm chợ kể rằng ít khi thấy hàng bún chả nào có thịt nướng thơm ngon như vậy. Trong nhà lồng chợ Ga có hàng bún ốc của chị Mỹ cũng ngon, hàng bán dừa của chị em Hồng Hạnh.

Còn có tiệm bán cà phê, hủ tiếu mì của chú Cao là người Hoa trên đường Trần Khắc Chân gần đường rầy xe lửa. Phía ngoài đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) từ chợ đi ra phía bên phải ban ngày có tiệm mì “ông Tàu bụng bự” ngay góc đường. Vào buổi tối, ở đây đặt xe bán các loại khô nướng và xe bánh mì của bà Bảy (gần tiệm bánh mì nổi tiếng 110 ngày nay). Đoạn giữa đường Đỗ Tấn Phong từ chợ hướng ra phía đường Hoàng Văn Thụ có một đề-pô bán nước đá, bia và nước ngọt. Đi ngược về phía đường rầy gần nhà thờ Phát Diệm là mấy quán cà phê lụp xụp của ông Nhỡ, nhà bác Phê và nhà bà Bảo.

Các dịch vụ khác như tiệm may, được nhiều người biết đến là tiệm may Ngọc Loan ở số 108 Trần Khắc Chân do chị Gái, con ông Tăng là chủ nhà, mở và đứng ra điều hành. Tiệm hớt tóc bình dân chỗ cây xoài đầu đoạn đường Đỗ Tấn Phong – Trần Khắc Chân. Tiệm tạp hóa Bà Phê, sau khi bà mất thì con gái út của bà là chị Hợp vẫn bán. Cuối chợ về hướng nhà thờ Phát Diệm có tiệm giày Tự Thành. Băng qua đường rầy có một tiệm làm giày của ông bà Bình. Gần tiệm giày bà Bình là tiệm tạp hóa của ông Sáu Ngón.

Trên đường Trần Khắc Chân có một tiệm bán thuốc Đông y là tiệm Quảng Sanh Đường, chủ tiệm là người Hoa tên là Lâm Kim. Sau năm 1979, gia đình họ di tản đi đâu không rõ. Đầu đường Đỗ Tấn Phong từ chợ hướng ra nhà thờ Nam có tiệm thuốc Bắc nhà ông bà Lan, gần đó cũng có một tiệm thuốc Bắc tên là Tiến Đức do một thầy lang người Bắc di cư vào năm 1954.

Cũng trên đường này, sát nhà ông Mười chủ đất là nhà ông bà Cả. Bà Cả bán đồ nhựa, nhôm gia dụng. Tiệm của ông bà treo lủ khủ nhiều món đồ xanh đỏ bắt mắt, tràn ra cả vỉa hè. Một phần thau, chậu nhôm bà Cả bán do ông Cả sản xuất thủ công tại xưởng nhà. Hai căn tiệm và xưởng đặt liền nhau. Hiện nay nơi này là tiệm bán mỹ phẩm và tiệm rửa xe.

pcl_06

Dọc đường Đỗ Tấn Phong đi về phía đường rầy gần đến nhà thờ Phát Diệm có nhiều nhà làm tượng Công giáo ở hai bên đường. Tượng đúc rất đẹp, tỉ lệ hài hòa. Thời trước năm 1975, do còn nhiều nhà làm tượng nên đi ngang đoạn đường đó, có người bảo “như trong một thị trấn châu Âu”. Còn có một tiệm làm tượng khác nằm trên đường này nhưng ở hướng ngược lại, quá chợ một chút bên tay trái (nay là tiệm bán trái cây). Đi ngược ra đường Võ Tánh, phía bên tay phải cũng có một nhà làm tượng ở số 102, kế bên tiệm sửa chữa điện tử Huy Hoàng, nay không còn.

pcl_07

Ngôi chợ hiện giờ vẫn còn, cũ kỹ, phô bày những đầu hồi bằng gỗ và mái tôn gỉ sét. Khi đến thăm nhà ông Mười chủ đất, tôi thắp nhang và như thấy lại tuổi thơ mình qua cái nhìn hiền từ trên di ảnh của ông, một cư dân cố cựu đất Gia Định đã trải qua bao thăng trầm trên khu đất chợ Ga này.

PHẠM CÔNG LUẬN 16.12.2023

(Trích sách Hồi ức Phú Nhuận)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn