Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 14-02 -2024

Thứ Tư, 14 Tháng Hai 20245:02 SA(Xem: 1603)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 14-02 -2024
Hoaluc 4
*************
rfi.fr

Bầu cử tổng thống Indonesia : Bộ trưởng Quốc Phòng được dự báo đắc cử ngay vòng một

Minh Anh

Ngày 14/02/2024, hơn 205 triệu cử tri Indonesia được mời gọi bầu chọn tổng thống và Quốc Hội mới cùng với khoảng 20 ngàn dân biểu địa phương. Theo dự phóng sơ bộ, bộ trưởng Quốc Phòng hiện nay, Prabowo Subianto được cho dẫn đầu cuộc đua, bỏ xa các đối thủ.

Đăng ngày:

2 phút

It nhất theo hai viện thăm dò sơ bộ, ông Prabowo Subianto có thể nhận được hơn 55% số phiếu bầu và đắc cử ngay từ vòng một, bỏ xa hai đối thủ là Anies Baswedan, cựu thống đốc Jakarta và Ganjar Pranowo, cựu thống đốc Java.

AFP lưu ý, để có thể đắc cử ngay vòng một, ứng viên tranh cử phải thu được hơn 50% trong tổng số phiếu bầu và ít nhất 1/5 số phiếu tại hơn một nửa số tỉnh của đất nước. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào tháng Ba này.

Lần thứ ba ra tranh cử, ông Prabowo Subianto với những phát biểu mang nặng chủ nghĩa dân tộc và dân túy, đã cam kết tiếp tục chính sách của tổng thống sắp mãn nhiệm còn được mệnh danh là Jokowi. Tuy nhiên, các ứng viên khác và phong trào sinh viên đã tố cáo tổng thống Joko Widodo sử dụng ngân quỹ Nhà nước tìm cách gây ảnh hưởng có lợi cho vị bộ trưởng của mình trong cuộc bầu cử này.

Ngoài ra, việc ông Prabowo Subianto có nhiều khả năng đắc cử khiến nhiều tổ chức nhân quyền lo lắng trước nguy cơ thụt lùi những thành tựu dân chủ đạt được. Năm nay 72 tuổi, vị cựu tướng lĩnh này từng bị cáo buộc vi phạm nhân quyền vì đã ra lệnh bắt cóc nhiều nhà đấu tranh dân chủ dưới thời chế độ độc tài Suharto vào cuối những năm 1990. Cũng vì những cáo buộc này mà vị cựu tướng quân đội từ lâu bị Mỹ và Úc cấm cấp visa nhập cảnh.

Cũng trong cuộc bỏ phiếu hôm nay, cử tri Indonesia bầu chọn 580 nghị sĩ mới cho Quốc Hội và 20 ngàn dân biểu địa phương và vùng.


************
rfi.fr

NATO tăng ngân sách quốc phòng

Thu Hằng

NATO - NGÂN SÁCH QUỐC PHÒNG

Bộ trưởng Quốc Phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp tại Bruxelles ngày 14/02/2024 nhưng vắng bộ trưởng Mỹ Lloyd Austin, vừa xuất viện. Nhân dịp này, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo tăng ngân sách quốc phòng của khối, chỉ vài ngày sau khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích các nước NATO không dành đủ 2% GDP cho quốc phòng. 

Đăng ngày:

2 phút

NATO Secretary General Jens Stoltenberg holds a press conference ahead of NATO Defence Ministers' meeting at the Alliance's headquarters in Brussels, Belgium February 14, 2024.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg họp báo ngày 14/02/2024 tại trụ sở Liên Minh Bắc Đại Tây Dương -Bruxelles, Bỉ. REUTERS - YVES HERMAN

Theo AFP, hiện chỉ có 11 trên tổng số 31 nước thành viên NATO đạt chỉ tiêu 2% GDP cho quốc phòng năm 2023, con số này có thể tăng lên thành 20 nước trong năm 2024. Trong số những nước chưa đạt chỉ tiêu có Pháp (1,9%), Đức (1,57%), Bỉ (1,15%)...

Trước đó, khi trả lời báo chí Đức, tổng thư ký NATO đã kêu gọi các nước châu Âu gia tăng sản xuất vũ khí để giao cho Ukraina, đồng thời phải phòng ngừa một cuộc đối đầu với Matxcơva « có thể kéo dài vài thập niên ». Bên lề cuộc họp của bộ trưởng Quốc Phòng các nước NATO còn có một cuộc họp của các nước ủng hộ cuộc kháng chiến của Ukraina chống xâm lược Nga diễn ra cùng ngày 14/02.

Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014 đã khiến các nước châu Âu đầu tư nhiều hơn vào phương tiện quốc phòng. Và kể từ cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraina năm 2022, chỉ tiêu 2% GDP trở thành mức sàn, chứ không còn là mức trần chi tiêu quân sự đối với các nước NATO. Tuy nhiên, quyết định của các nước châu Âu không cấm cản cựu tổng thống Mỹ Donald Trump « tự nhận công lao » khi khẳng định chính ông đã giúp Liên minh « mạnh mẽ » dưới nhiệm kỳ của ông (2017-2021).

Một nhà ngoại giao đánh giá những phát biểu gây tranh cãi gần đây của ông Trump cho thấy các nước châu Âu - 29 trên tổng số 31 nước thành viên NATO - « cần tự bảo đảm quốc phòng ».


***********
voatiengviet.com

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin xuất viện

Reuters

Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã được xuất viện quân y vào ngày 13/2 và sẽ tham dự một cuộc họp trực tuyến liên quan đến Ukraine vào ngày hôm sau, Reuters đưa tin.

Đây là lần thứ hai trong năm nay ông Austin, 70 tuổi, phải nhập viện - lần này là để giải quyết vấn đề bàng quang - kể từ cuộc phẫu thuật vào tháng 12 để điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Vào tháng trước, ông đã gây ra một cuộc náo động chính trị sau khi không tiết lộ cuộc phẫu thuật của mình cho Nhà Trắng cũng như việc nhập viện sau đó vào tháng 1 để giải quyết các biến chứng của căn bệnh. Ngay cả Tổng thống Joe Biden cũng không biết ông Austin nằm viện cho đến những ngày sau đó.

Sau khi trả lời với báo giới vào tuần trước về quá trình hồi phục của mình, ông Austin đã quay trở lại Trung tâm Y tế Quốc gia Walter Reed hôm 11/2 sau khi có dấu hiệu phải cấp cứu về vấn đề bàng quang và được đưa vào tình trạng chăm sóc đặc biệt.

Lầu Năm Góc cho hay ông Austin được xuất viện vào chiều ngày 13/2 và “tiếp tục đầy đủ chức năng và nhiệm vụ của mình”. Theo lời khuyên của các bác sĩ, ông sẽ làm việc tại nhà trước khi trở lại Lầu Năm Góc vào cuối tuần này. Các bác sĩ của ông nói trong tuyên bố rằng ông dự kiến sẽ bình phục hoàn toàn.

Lần nhập viện mới nhất đã buộc ông Austin phải hủy chuyến đi đã lên kế hoạch từ trước tới trụ sở NATO trong tuần này để đàm phán quốc phòng cũng như tổ chức một cuộc họp trực tiếp liên quan đến Ukraine vào 14/2. Thay vào đó, các cuộc đàm phán về Ukraine được tổ chức trực tuyến.

Bà Sabrina Singh, người phát ngôn Lầu Năm Góc, nói trong một cuộc họp báo: “Bộ trưởng vẫn có ý định tham gia Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine trực tuyến vào ngày mai. Điều này bao gồm cả việc đọc diễn văn khai mạc”.

*********
voatiengviet.com

Nghiên cứu: Nga tân trang xe tăng cũ sau khi mất 3.000 chiếc ở Ukraine

Reuters

Nga đã mất hơn 3.000 xe tăng ở Ukraine - tương đương với toàn bộ số xe tăng còn hoạt động trước chiến tranh - nhưng vẫn có đủ xe bọc thép chất lượng thấp hơn trong kho để thay thế trong nhiều năm, một trung tâm nghiên cứu hàng đầu cho biết hôm 13/2.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS nói Ukraine cũng đã chịu tổn thất nặng nề kể từ khi Nga xâm lược vào tháng 2 năm 2022, nhưng việc bổ sung quân sự của phương Tây đã cho phép nước này duy trì lượng tồn kho trong khi nâng cấp chất lượng.

Theo Phúc trình Cân bằng Quân sự hàng năm của IISS, một công cụ nghiên cứu quan trọng dành cho các nhà phân tích quốc phòng, ngay cả sau khi mất rất nhiều xe tăng - bao gồm khoảng 1.120 chiếc trong năm qua - Nga vẫn có số lượng sẵn sàng chiến đấu nhiều gấp đôi so với Ukraine.

Ông Henry Boyd, chuyên gia cấp cao của viện về năng lực quân sự, cho biết Nga gần như “hòa vốn” về mặt thay thế. Ông ước tính rằng nước này đã đưa thêm khoảng 1.000 đến 1.500 xe tăng vào sử dụng trong năm qua.

Nhưng trong số này, ông nói, có nhiều nhất là 200 chiếc được sản xuất mới và phần lớn là những mẫu xe cũ được tân trang lại.

Phúc trình cho biết: “Moscow đã có thể đánh đổi chất lượng lấy số lượng… bằng cách rút hàng nghìn xe tăng cũ ra khỏi kho với tốc độ có thể lên tới 90 xe tăng mỗi tháng”.

Lượng tồn kho dự trữ của Nga có nghĩa là Moscow “có khả năng chịu tổn thất nặng nề thêm khoảng 3 năm nữa và bổ sung xe tăng từ kho dự trữ, ngay cả khi ở tiêu chuẩn kỹ thuật thấp hơn, bất kể khả năng sản xuất thiết bị mới của nước này như thế nào.”

Bộ Quốc phòng Nga từ chối bình luận.

Lựa chọn khó khăn cho Ukraine và phương Tây

Phúc trình cho biết, sau gần hai năm xung đột, Ukraine và các đối tác phương Tây phải đối mặt với những lựa chọn rất khó khăn.

Nhà phân tích cấp cao về chiến tranh trên bộ của IISS, Ben Barry, nói Ukraine đã cố gắng che chở một số binh sĩ trẻ hơn - độ tuổi trung bình của binh sĩ bộ binh được cho là khoảng 40 - nhưng có thể gặp khó khăn để tiếp tục làm như vậy.

Ông nói: “Họ đã cố tình bảo vệ những người trẻ, nhưng mức độ họ có thể làm điều đó trong tương lai là điều đáng nghi ngờ nếu họ có duy trì được sức mạnh ở tuyến đầu của mình”.

Ukraine đã không đạt được tiến bộ trong cuộc phản công vào năm ngoái và vừa thay thế vị chỉ huy nổi tiếng Valeriy Zaluzhnyi, cũng đang cần khẩn cấp các nguồn cung cấp pháo binh và hệ thống phòng không mới, trong khi chờ đợi một gói viện trợ lớn mới của Mỹ vốn bị trì hoãn bởi sự phản đối của đảng Cộng hòa.

Tổng giám đốc IISS Bastian Giegerich nói: “Các chính phủ phương Tây một lần nữa rơi vào tình thế phải quyết định xem có cung cấp đủ vũ khí cho Kyiv để tung ra đòn quyết định hay không, thay vì chỉ đủ để không thua”.

Về phần mình, Nga đã đặt nền kinh tế vào tình thế chiến tranh và chuyển các nhà máy quốc phòng sang sản xuất suốt ngày đêm theo ba ca.

Nhà phân tích quốc phòng Alexander Neill ở Singapore cho biết: “Đó là một con số đáng kinh ngạc”, đề cập đến ước tính khoảng 3.000 xe tăng bị mất.

Ông Neill, từ tổ chức nghiên cứu Diễn đàn Thái Bình Dương của Hawaii, nói: “Một số trong số đó có thể là xe tăng cũ hơn, vì vậy một trong những câu hỏi lớn là họ còn lại bao nhiêu xe tăng tiên tiến nhất cho bất kỳ cuộc tấn công lớn nào trong tương lai”.

Với những tổn thất mà cả hai bên phải gánh chịu và tính chất tiêu hao của cuộc chiến chiến hào, các chuyên gia của IISS cho biết tình trạng bế tắc hiện tại có thể sẽ còn kéo dài.

Nhà phân tích chiến tranh trên bộ của IIIS, Barry, nói: “Không bên nào có thể thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn mà không chịu thương vong rất nặng nề và điều đó có thể sẽ tiếp tục trong tương lai gần”.


***********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

4 phút

(Reuters) – Nhà sản xuất thiết bị điện Power Machines của Nga thắng kiện tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam). Hôm qua, 12/02/2024, phát ngôn viên của Power Machines cho biết đã thắng kiện vào tháng 11 năm ngoái tại Singapore. Theo thông tin từ nhật báo RBC của Nga, Power Machines đang thảo luận khoản đền bù khoảng 500 triệu đô la. Power Machines muốn đòi lại số tiền đã đầu tư cho việc xây dựng nhà máy điện ở Việt Nam. Dự án đã bị tạm dừng vào năm 2018 khi doanh nghiệp này bị Mỹ trừng phạt.

(AFP) - Hiệp hội các nhà báo Thái Lan lo ngại về việc vi phạm quyền báo chí. Trong thông cáo ngày 13/02/2024, Hiệp hội nhấn mạnh đến việc « các nhà báo cần được quyền truyền tải thông tin » sau khi một nhà báo và một nhà báo ảnh bị bắt hôm 12/02 vì làm phóng sự về một hành động phá hoại chống chế độ quân chủ năm 2023. Cáo buộc liên quan đến vụ một người đàn ông vẽ một biểu tượng phi chính phủ và con số 112 bị gạch ngang trên bức tường bên ngoài chùa Phật Ngọc ở Bangkok.

(AFP) - Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra sắp được tự do có điều kiện. Ngày 13/02/2024, bộ Tư Pháp Thái Lan giải thích quyết định này là vì lý do sức khỏe và tuổi tác. Ông Thaksin nằm trong số « khoảng 930 tù nhân được đình chỉ thi hành án » và « sẽ được tự động trả tự do sau 6 tháng » bị giam. Có thể ông sẽ phải đeo vòng theo dõi điện tử, bị hạn chế đi lại. Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin trở về nước ngày 22/08/2023 sau 15 năm sống lưu vong.

(AFP) - Cảnh sát Nga truy nã thủ tướng Estonia. Bà Kaja Kallas cùng với nhiều quan chức khác của các nước vùng Baltic là đối tượng của lệnh truy nã được bộ Nội Vụ Nga đăng trên trang web ngày 13/02/2024 vì có hành động « thù nghịch » đối với « kí ức lịch sử » và đối với Nga. Trong những năm vừa qua, nhiều công trình di sản từ thời Liên Xô hậu Thế Chiến II đã bị dỡ bỏ ở các nước vùng Baltic nhằm phủ nhận thời kỳ Liên Xô. Những nước này vẫn coi là bị Liên Xô chiếm đóng.

(Le Figaro) - Tổng thống Pháp sẽ tiếp các nghiệp đoàn nông nghiệp. Trong thông cáo ngày 12/02/2024, điện Elysée cho biết cuộc gặp được dự kiến diễn ra « như truyền thống hàng năm » từ nay đến Hội chợ Nông nghiệp Pháp vào tuần tới. Đây sẽ là lần đầu tiên nguyên thủ Pháp gặp các nghiệp đoàn nông nghiệp kể từ đầu cuộc khủng hoảng diễn ra cách đây không lâu.

(AFP) - Mỹ : Donald Trump yêu cầu Tòa Án Tối Cao phán quyết về quyền miễn trừ của ông. Ngày 12/02/2024, ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa đã yêu cầu các thẩm phán của Tòa Án Tối Cao đình chỉ quyết định hồi đầu tháng 02 của Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ tại quận Columbia (Washington) khi cho rằng không một cựu tổng thống nào có thể có quyền « miễn trừ tuyệt đối ». Ông Trump khẳng định được hưởng quyền miễn trừ để tránh một phiên xét xử ý đồ hủy kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.

(AFP) - Sử dụng mạng xã hội TikTok để vận động tranh cử, tổng thống Joe Biden gây xôn xao dư luận. Trong video TikTok với tiêu đề "haha, này các bạn" (“lol, hey guys”), vị tổng thống 81 tuổi đã tham gia vào một cuộc hỏi đáp nhẹ nhàng kết hợp giữa thể thao và chính trị. Dân biểu Hạ viện Mike Waltz chỉ trích rằng điều này “cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc truy cập vào tất cả dữ liệu của chiến dịch tranh cử tổng thống” trong khi các cố vấn của ông Biden lại khẳng định rằng sự xuất hiện của tổng thống trên TikTok với hơn 5 triệu lượt xem thể hiện “sự sáng tạo trong cách tiếp cận cử tri”. Năm 2023, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép chính quyền Biden cấm TikTok vì lý do đe dọa an ninh quốc gia.

(Reuters) – Dân biểu Mỹ kêu gọi chính phủ xem xét đưa ra các biện pháp trừng phạt tập đoàn công nghệ sinh học Trung Quốc WuXi AppTec và công ty con WuXi Biologics. Trong thư gửi tới các bộ trưởng ngày hôm qua 12/02/2024, nhiều nghị sĩ Mỹ đã tố cáo doanh nghiệp này che đậy mối liên hệ với đảng Cộng Sản Trung Quốc cùng những khoản đầu tư nhận được từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (APL).

(Reuters) – Chính phủ Hoa Kỳ phải chi hơn 7 triệu đô la mỗi năm để bảo trì chiếc siêu du thuyền tịch thu từ một nhà tài phiệt Nga. Chính phủ Mỹ ngày hôm qua 12/02/2024 đã thông báo như trên, đồng thời kêu gọi thẩm phán cho phép bán đấu giá con tàu này. Tuy nhiên việc bán đấu giá đang gặp nhiều vấn đề vì vấp phải những tranh chấp về quyền sở hữu. Trước đó vào tháng 05/2022, con tàu Amadea trị giá 300 triệu đô la của tỷ phú người Nga Suleiman Kerimov đã bị tịch thu sau khi ông này bị bộ Tài chính Hoa Kỳ trừng phạt vào năm 2014 và 2018.


**********

PVN thua kiện công ty của Nga, có thể bồi thường lên đến 500 triệu USD

RFA

Nhà sản xuất thiết bị điện của Nga, thuộc sở hữu của tỷ phú Alexey Mordashov hôm 12/2 cho biết họ đã thắng kiện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) từ tháng 11 năm ngoái.

Nhật báo RBC của Nga dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết khoản tiền bồi thường khoảng 500 triệu USD cho Power Machines đang được thảo luận. 

Theo hãng tin Reuters, vụ kiện được đệ trình tại Singapore, nhằm đòi lại số tiền đã đầu tư xây dựng nhà máy điện ở Việt Nam, dự án đã bị tạm dừng vào năm 2018 sau khi nhà thầu Nga bị Mỹ trừng phạt.

Tuy bài viết không nêu rõ dự án nào nhưng theo truyền thông Nhà nước Việt Nam hồi tháng 8/2019 công ty của Nga thông qua luật sư đại diện của mình gửi đơn kiện PVN đến Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) liên quan đến việc tạm dừng dự án Nhiệt điện Long Phú 1 ở tỉnh Sóc Trăng.

Dự án trên được khởi công xây dựng từ đầu năm 2011, dự kiến khi đi vào vận hành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh điện/năm.

Tuy nhiên, việc thực hiện dự án chưa đến 80% thì phải tạm dừng do liên quan đến lệnh cấm vận của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đối với Power Machines từ ngày 26/1/2018.

Đến tháng 1/2019, nhà thầu Power Machines có văn bản chính thức thông báo về việc chấm dứt thực hiện Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC) do bất khả kháng.

Các khiếu kiện chính bao gồm: Power Machines coi lệnh cấm vận của Mỹ là bất khả kháng, Power Machines khiếu nại PVN không thực hiện thanh toán cho công ty này, và Power Machines cho rằng PVN không có cơ sở khi rút Bảo đảm thực hiện hợp đồng của Power Machines.

Một luật sư từng tham gia sáng lập một trung tâm trọng tài thương mại phi chính phủ tại Việt Nam, nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:

Power Machines chấm dứt hợp đồng trước vì cho rằng PVN vi phạm nghĩa vụ, như vậy Power Machines cho rằng PVN có lỗi.

Tuy nhiên, theo nguồn tin đáng tin cậy, Power Machines khởi đầu vụ kiện với vị thế yếu, nhưng dường như PVN không tận dụng lợi thế để đưa ra những lập luận mạnh chống lại, nên không thành công. Trong thời gian xét xử, PVN bổ sung một luật sư rất giỏi, nhưng đã quá muộn để thay đổi tình thế.”

Về nghĩa vụ đền bù cho công ty của Nga, theo luật sư này, nếu Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam không tự nguyện thi hành án và thanh toán tiền, thì "khả năng bị kê biên tài sản ở nước ngoài sẽ rất cao."

Phóng viên gọi điện cho PVN nhưng người trực điện thoại nói doanh nghiệp này hiện đang nghỉ tết và không có lãnh đạo nào ở cơ quan. Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, và Bộ Kế hoạch & Đầu tư với đề nghị bình luận về vụ kiện này nhưng chưa nhận ngay phản hồi.

Phóng viên cũng gửi email tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam với đề nghị bình luận về vụ kiện. Toà đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết đang ở kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên sẽ trả lời sau.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, người từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã giải thể), bình luận về vụ kiện.

PetroVietnam mà thua vụ kiện này thì chắc chắn là có sơ hở về hợp đồng. Điều đó có nghĩa là trong đàm phán hợp đồng, các ông ấy cũng có thể là quá tự tin về bạn hàng truyền thống Nga.

Cũng không ai biết trong hợp đồng này có lót tay gì không, mà mình nghĩ không thể không có bởi vì với các nhà thầu Nga thì thường phía Việt Nam thường hay chấm mút ở những hợp đồng như thế này.” 

Theo ông, do các cơ quan chức năng như Bộ Công thương và PVN không công khai các thông tin về hợp đồng xây dựng giữa hai công ty Việt Nam-Nga  nên không thể đánh giá chính xác vụ kiện.

Về bài học để các doanh nghiệp Việt Nam tránh các vụ rắc rối về pháp lý với đối tác nước ngoài, ông nói:

Trong các dự án đầu tư như thế thì họ (chủ đầu tư- PV) phải chọn những cái nhà thầu mà đỡ bị rủi ro hơn. Các nhà đầu tư ở Việt Nam phải rất cẩn trọng trong việc lựa chọn nhà thầu, không những là nghiên cứu rõ ràng về đối tác mà phải tính đến những rủi ro. Khi đàm phán hợp đồng thì phải thuê những luật sư giỏi để hợp đồng được chặt chẽ.”

Một cựu giảng viên kỳ cựu của Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), không muốn nêu danh tính để phát biểu thoải mái hơn, cho biết khi làm ăn với quốc tế, cán bộ Việt Nam không có tầm nhìn dài hạn nhưng lại đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, chỉ nhìn vào phần hoa hồng mà đối tác mang lại mà không nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra.

Theo báo chí Nhà nước, Power Machines thực hiện nhiều dự án công nghiệp ở Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ trước, với nhiều công trình nổi tiếng như Thủy điện Thác Bà, Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Trị An, và Thuỷ điện Hòa Bình. Sau năm 2000, công ty này quay lại tham gia thực hiện các dự án thuỷ điện như Yaly, Cần Đơn, Sê San 3, và Nhiệt điện Uông Bí.

Hồ sơ tòa án Nga cũng cho thấy Power Machines đã đệ đơn kiện lên tòa án Moscow vào ngày 2/2 chống lại PVN và đại diện của công ty này tại Nga. Không có chi tiết nào về vụ kiện đó được tiết lộ.


************
rfi.fr

Trump dọa ‘‘để mặc Nga tấn công’’: Thêm lý do để châu Âu tăng tốc tự lực quốc phòng

Trọng Thành

Vòng vây của quân đội Israel khép chặt tại thành phố cực nam dải Gaza, giới nông dân Pháp đe dọa chuẩn bị một cuộc phong tỏa mới, hay cam kết của bộ trưởng Nội Vụ Pháp chấm dứt quyền của người sinh ra tại tỉnh hải ngoại Mayotte, tự động có quốc tịch Pháp, là các chủ đề chính trang nhất của nhiều báo Pháp hôm nay, 13/02/2024.

Tuy nhiên, chủ đề được các báo bàn nhiều nhất có lẽ là phản ứng từ châu Âu sau tuyên bố ngày 10/02/2024 của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, ra tái tranh cử, đe dọa trừng phạt các đồng minh NATO không đầu tư đủ mức cho quốc phòng bằng cách ủng hộ các hành động xâm lược của Nga. Le Monde chạy tựa trang nhất : ‘‘Trump thách thức nguyên tắc đoàn kết của NATO’’. Bài viết nhấn mạnh : ‘‘Khi để ngỏ khả năng cho Nga tấn công mọi thành viên NATO nào không đóng góp đủ mức quy định cho ngân sách của NATO, ông Trump – người có nhiều khả năng tái đắc cử tổng thống Mỹ - đã tấn công vào điều 5, một trụ cột của Hiến chương NATO, quy định toàn khối đoàn kết phải bảo vệ quốc gia nạn nhân''.

‘‘Châu Âu chấn động sau các đe dọa của Trump’’ cũng là tựa trang nhất của Le Figaro. Nhiều quốc gia châu Âu ‘‘không giấu nỗi lo ngại sau các tuyên bố của cựu tổng thống Mỹ’’, đặc biệt là Ba Lan, quốc gia tuyến đầu. Varsava cảnh báo ‘‘đại thảm họa’’, nếu châu Âu không đủ khả năng tự lực về an ninh. Bài xã luận của Le Figaro, nhan đề ‘‘Thời điểm thức tỉnh’’, chỉ trích các nước châu Âu với lời mở đầu như sau : ‘‘Nhà của mình đang cháy, thế nhưng người châu Âu vẫn ngủ trong yên bình, và mơ về quá khứ.’’

Châu Âu phải sẵn sàng với việc ‘‘bị Mỹ bỏ rơi’’ và ‘‘bị Nga tấn công’’

Le Figaro lưu ý, trong hiện tại Trump chưa trở thành tổng thống Mỹ, tuy nhiên các đe dọa chống lại NATO là ‘‘đáng sợ nhất từ trước tới nay’’, ‘‘việc kêu gọi Nga tấn công một quốc gia thành viên NATO làm rung chuyển nền móng của Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương’’. Nhưng lỗi không chỉ thuộc về Donald Trump. Theo Le Figaro, trên thực tế châu Âu đã quá dựa dẫm vào Mỹ về mặt an ninh. Trên tổng số 31 thành viên của khối, chỉ có 11 quốc gia đạt 2% GDP chi phí cho quốc phòng, trong lúc Hoa Kỳ chi đến 3,5%.

Theo Le Figaro, châu Âu giờ đây phải chấp nhận đối diện với hai thách thức nhãn tiền: Có thể bị Nga tấn công và có thể bị Mỹ bỏ rơi. Kịch bản ‘‘tồi tệ nhất’’, và hoàn toàn có khả năng xảy ra, là Trump sau khi đắc cử chọn ‘‘thỏa hiệp với Nga, ngoảnh mặt với châu Âu và Ukraina, để cố gắng tách Nga khỏi Trung Quốc, nhằm đối phó tốt hơn với đối thủ chính.’’ ‘‘Chuông đồng hồ báo thức đã điểm : Liệu châu Âu có nghe thấy ?’’, Le Figaro kết luận. 

‘‘Đừng phản ứng thái quá trước các khiêu khích của Trump’’

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài xã luận nhấn mạnh đến việc châu Âu cần khẩn cấp đầu tư mạnh cho NATO. Les Echos khuyên các nước châu Âu ‘‘không phản ứng thái quá trước các lời lẽ khiêu khích của Donald Trump, kêu gọi Nga tấn công các quốc gia đóng góp không đủ mức cho NATO’’, bởi càng phản ứng như vậy, các nước châu Âu sẽ càng ‘‘phơi bày một phương Tây suy yếu và chia rẽ đối diện với nước Nga Putin.’’

Les Echos lưu ý là châu Âu không hề bị động trước Donald Trump, bởi ông ta đã nhiều lần tung ra các đe dọa tương tự. Việc Trump đắc cử năm 2016 có thể là điều bất ngờ, nhưng nếu việc này tái diễn trong cuộc bầu cử năm nay, thì đây sẽ không thể là điều gây ngạc nhiên. Châu Âu còn khoảng một năm nữa để chuẩn bị. ‘‘Các nước châu Âu, mà trước hết là Pháp, Đức và Anh, phải nắm lấy việc điều hành khối NATO, cả về mặt tài chính, và cả về mặt chiến lược’’, theo Les Echos.  Tăng cường sức mạnh của NATO và hậu thuẫn đủ cho Ukraina là hai mục tiêu chính. Nhật báo kinh tế cảnh báo, nếu Trump trở lại Nhà Trắng khi châu Âu không đủ mạnh, thì ‘‘mỗi nước châu Âu sẽ tìm một con đường riêng để cầu cạnh  Donald Trump’’. Khi đó thì ''mọi liên minh đều tan vỡ và châu Âu cũng không còn''.

‘‘NATO đang trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết’’

Trong hồ sơ này, Les Echos cũng nêu bật một nghịch lý là, trong lúc các nước châu Âu lo ngại và bất bình với các đe dọa của cựu tổng thống Mỹ, trên thực tế ‘‘khối NATO chưa bao giờ hùng mạnh như hiện nay, và nền công nghiệp quốc phòng của khối đang được vực dậy, kể cả tại Đức’’. Theo Les Echos, sự trỗi dậy của nền công nghiệp quốc phòng của châu Âu không hẳn là do các đe dọa của Donald Trump, như cựu tổng thống Mỹ từng quảng bá, là ông ‘‘đã làm được điều mà các đời tổng thống tiền nhiệm đã không làm được’’ - buộc các nước châu Âu phải đầu tư hàng trăm tỉ đô la cho NATO.

Les Echos nhấn mạnh là nỗ lực đầu tư cho quốc phòng của các nước châu Âu xuất phát chủ yếu từ mối đe dọa Nga, sau khi Matxcơva phát động cuộc chiến xâm lược Ukraina. Ngân sách quốc phòng gia tăng sau việc điện Kremlin sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014. Năm ngoái, ngân sách quốc phòng châu Âu tăng thêm 100 tỉ đô la so với cách nay 10 năm. 

Châu Âu phải tự lực về an ninh ‘‘về trung hạn’’

Theo Les Echos, hệ thống phòng thủ của NATO đang trở nên mạnh mẽ chưa từng có với việc Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển gia nhập NATO. Toàn bộ ‘‘các hàng rào phòng thủ ở phía đông châu Âu đang được củng cố, từ Rumani, Ba Lan cho đến các nước Baltic’’. Trong hiện tại, ‘‘về ngắn hạn’’ châu Âu tuy chưa đủ sức tự lực về an ninh, nhưng về mặt trung hạn, châu lục đang hướng về mục tiêu này. Thay đổi đặc biệt có thể ví với một ‘‘cuộc cách mạng’’, khi Đức, nền kinh tế số một của châu Âu, đoạn tuyệt với học thuyết quân sự hậu Thế chiến II, để sẵn sàng cho cuộc chiến chống xâm lăng. Berlin lần đầu tiên cam kết huy động 2% GDP cho quốc phòng trong năm nay, tăng 0,5% so với năm ngoái.

Les Echos điểm ra một số cái mốc trước mắt trong lĩnh vực quốc phòng châu Âu : ngày 27/02, Ủy Ban Châu Âu có kế hoạch đưa ra chiến lược quốc phòng chung. Đầu tháng 3/2024, 27 nước châu Âu sẽ phải đạt được một thỏa thuận mới về viện trợ quân sự cho Ukraina.

‘‘Bộ ba Pháp, Đức và Ba Lan’’ siết chặt hợp tác quốc phòng…

Hợp tác gia tăng về an ninh – quốc phòng của bộ ba Pháp, Đức và Ba Lan cũng là một chủ đề khác của Les Echos. Theo nhật báo kinh tế Pháp, ba quốc gia châu Âu nói trên hôm qua, 12/02, đã tái khởi động cơ chế ‘‘hợp tác Weimar’’, từng được xác lập lần đầu tiên vào năm 1991, nhưng bị hụt hơi trong 8 năm cầm quyền đảng PiS thiên hữu và cực hữu tại Ba Lan. Ba nước Pháp, Đức và Ba Lan, với 200 triệu dân và chiếm hơn một phần tư ngân sách quốc phòng của Liên Âu, được hy vọng sẽ là đầu tầu trong nỗ lực đẩy mạnh tự chủ quốc phòng của khối, theo nhà chính trị học Daniela Schwarzer, quỹ Bertelsmann.

… và chống chiến dịch bóp méo thông tin của Nga

Gia tăng hợp tác quân sự là một nội dung chính của hợp tác ba bên Pháp, Đức và Ba Lan, tuy nhiên, một nội dung quan trọng hàng đầu khác, được ngoại trưởng ba nước thống nhất trong cuộc họp hôm qua tại lâu đài La Celle-Saint-Cloud (Pháp), là tăng cường ‘‘chống lại chiến dịch bóp méo thông tin và thao túng công luận của điện Kremlin’’. Về chủ đề này, Libération dẫn lại thông tin vừa được Viginium, cơ quan của Pháp chuyên phát hiện các can thiệp trong lĩnh vực kỹ thuật số, công bố hôm qua, cho biết Nga có cả một mạng lưới tuyên truyền ‘‘có tổ chức’’ với mục tiêu trước hết là ba nước, Pháp, Đức và Ba Lan. Le Figaro có bài phỏng vấn cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, ông Bernard Rogel, nhấn mạnh đến việc điện Kremlin đã bước sang giai đoạn coi việc gieo rắc các thông tin hù dọa là một trọng tâm.

Dư luận Israel chia rẽ về dự định tấn công Rafah

Gọng kìm khép chặt tại thành phố Rafah, cực nam dải Gaza, là tựa lớn trang nhất của Libération. Thành phố cực nam Gaza, nơi ẩn náu của khoảng 1,4 triệu dân tị nạn Palestine, chạy trốn chiến tranh tại miền bắc và miền trung dải Gaza là tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế. Từ nhiều ngày nay, thủ tướng Israel đe dọa tấn công Rafah để tiêu diệt các lực lượng cuối cùng của Hamas còn ẩn náu tại thành phố này. Xã luận Liberation, nhan đề ‘‘Hoài nghi’’, cho biết đe dọa tấn công của thủ tướng Israel đang khiến uy tín của ông Netanyahou sụt giảm theo các thăm dò dư luận.

Vì sao công luận Israel hoài nghi ? Hiện tại, theo giới quan sát, nhiều khả năng đa số của 130 con tin bị bắt giữ trong vụ tấn công 07/10/2023, đang bị Hamas cầm giữ tại thành phố Rafah. Tuy nhiên, rất khó có khả năng quân đội Israel có thể đạt được mục tiêu giải phóng toàn bộ số con tin này bằng vũ lực. Mặt khác, theo chính báo chí Israel, dư luận nước này ngày càng không ủng hộ việc tấn công thành phố Rafah, đang bị quốc tế phản đối ngày càng mạnh.

Lý do là, trong lúc về nguyên tắc, thủ tướng Israel tuyên bố sẽ mở đường thoát cho dân tị nạn Palestine, nhưng hiện tại không rõ họ sẽ đi về đâu. Biên giới phía nam mở đường về phía Ai Cập đã bị khóa chặt. Về phía đông, quân đội Israel đang tiến hành nhiều hoạt động quân sự. Về phía tây, biển Địa Trung Hải án ngữ. Chỉ còn hướng bắc, nơi thành phố trung tâm Gaza city đã trở thành nơi hoang tàn, không thể sống nổi, chưa kể từ Rafah đến đó là ''một quãng đường 40 km đầy hiểm nguy''.

Bầu cử Indonesia: Giới trẻ lo ngại giá cả tăng vọt, thất nghiệp

Cuộc bầu cử tổng thống Indonesia là một chủ đề chính của một số báo Pháp. Hơn 200 triệu cử tri quốc gia lớn nhất khối Đông Nam Á sẽ bỏ phiếu vào ngày mai. Hơn 50% cử tri dưới 40 tuổi. Libération có bài ‘‘Bầu cử Indonesia : Giới trẻ được săn đón, nhưng không được lắng nghe’’.  Bầu cử tổng thống Indonesia cũng là một tựa trang nhất của nhật báo Công giáo La Croix. Theo La Croix, lo ngại hàng đầu của giới trẻ Indonesia là tình trạng kinh tế giảm tốc trong năm 2023, với xuất khẩu sụt giảm.

Ba ứng viên tổng thống sử dụng rộng rãi các mạng xã hội, đặc biệt là Tiktok, để tìm cách chinh phục giới trẻ. Theo điều tra của một viện chính trị Indonesia, lo lắng số một của giới trẻ là việc giá cả tăng vọt trong bối cảnh thất nghiệp là 17% trong giới trẻ, từ 20 đến 24 tuổi. Theo một số dự báo, ‘‘kinh tế Indonesia sẽ tiếp tục giảm tốc trong những tháng tới, trong bối cảnh Jakara siết chặt chính sách tiền tệ và xuất khẩu khoáng sản sụt giảm’’.

Giới nông dân Pháp gia tăng áp lực với thủ tướng Attal

Trong khi chờ đợi các biện pháp của chính phủ Pháp, các nghiệp đoàn nông dân chuẩn bị nối lại với phong trào phản kháng trong những ngày tới là tựa trang nhất Le Figaro. 11 ngày sau các thông báo của chính phủ về những biện pháp cho nông nghiệp, giới nông dân một lần nữa lên tiếng tố cáo việc ''lời nói không đi đôi với hành động''. Theo nghiệp đoàn lớn nhất của giới nông dân FNSEA, ''các trông đợi của nông dân là rất cao, nếu chính phủ không đáp ứng, phong trào có thể khởi động trở lại bất cứ lúc nào''.

Pháp : Liên hoan các phim Trung Quốc bị cấm chiếu tại Hoa lục

Trong lĩnh vực văn hóa, Le Monde giới thiệu một liên hoan phim đặc biệt, chiếu hơn 10 bộ phim dài của các nhà điện ảnh Trung Quốc, bị cấm hoặc gần như không được phổ biến tại quốc gia này. Liên hoan sẽ diễn ra tại thành phố Lyon, từ 14/02 đến 17/02. Đây là lần thứ 6, Liên hoan Allers-Retours được tổ chức tại Pháp.

Liên hoan các phim bị cấm tại Trung Quốc lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2018, khi Bắc Kinh siết chặt kiểm soát điện ảnh. Quyền kiểm soát môn nghệ thuật thứ bảy được chuyển từ chính phủ qua tay Đảng. Vào thời điểm đó, ngôi sao điện ảnh Phạm Băng Băng (Fan Bing-bing) bị bắt và bị quản thúc tại gia. Nữ diễn viên nổi tiếng này được trả tự do sau ít tháng, nhưng sau đó không có đạo diễn có tên tuổi nào dám hợp tác với cô. Theo Le Monde, trong bối cảnh, Trung Quốc và Pháp long trọng kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao, liên hoan phim nhỏ nói trên được tổ chức một cách ‘‘kín đáo’’. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy ''sức sống của điện ảnh độc lập tại Trung Quốc''.


************
voatiengviet.com

IISS: Thế giới đối diện ‘thập niên nguy hiểm’, bất ổn và chi tiêu quân sự tăng

AP

Thế giới đã bước vào kỷ nguyên bất ổn ngày càng tăng khi các quốc gia trên toàn cầu tăng cường chi tiêu quân sự nhằm đáp ứng việc Nga xâm lược Ukraine, cuộc tấn công của Hamas vào Israel và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đó là kết luận của một phúc trình mới được Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS công bố hôm 13/2, trong đó cũng nhấn mạnh căng thẳng gia tăng ở Bắc Cực, việc Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân và sự trỗi dậy của các chế độ quân sự ở khu vực Sahel của Châu Phi góp phần vào “sự suy thoái môi trường an ninh.” Tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại London này đã tổng hợp ước tính hàng năm về tình hình quân sự toàn cầu trong 65 năm.

“Tình hình an ninh-quân sự hiện nay báo trước những gì có thể sẽ là một thập niên nguy hiểm hơn, đặc trưng bởi sự áp dụng trắng trợn của một số thế lực quân sự để theo đuổi các yêu sách - gợi lên cách tiếp cận ‘hễ mạnh là thắng’ - cũng như mong muốn của các nền dân chủ cùng chí hướng để có mối quan hệ quốc phòng song phương và đa phương mạnh mẽ hơn để đáp ứng”, phúc trình cho biết.

IISS cho biết chi tiêu quốc phòng toàn cầu đã tăng 9% lên 2,2 nghìn tỷ đô la vào năm ngoái khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ ba, làm gia tăng lo ngại rằng Trung Quốc và các quốc gia có sức mạnh quân sự khác có thể cố gắng áp đặt ý chí của họ lên các nước láng giềng.

Sự gia tăng thậm chí còn sâu rộng hơn ở NATO, vốn đã hỗ trợ Ukraine như một bức tường thành phòng thủ chống lại sự xâm nhập sâu hơn của Nga vào châu Âu. Viện này cho thấy các thành viên trong liên minh, không phải Mỹ, đã tăng chi tiêu quân sự lên 32% kể từ khi Nga xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Mười thành viên châu Âu đã đạt được mục tiêu của liên minh là chi 2% sản lượng kinh tế cho quốc phòng vào năm ngoái, tăng từ mức chỉ có hai thành viên hồi năm 2014.

Chi tiêu quốc phòng của châu Âu lại nhận được sự chú ý trong những ngày gần đây sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử rằng khi còn là tổng thống, ông từng nói với một quốc gia NATO nào đó rằng ông sẽ “khuyến khích” Nga tấn công các thành viên liên minh không đáp ứng các cam kết tài trợ của họ.

“‘Bạn không chi trả? Bạn có phạm pháp không?'”, Trump nhắc lại. “‘Không, tôi sẽ không bảo vệ bạn. Trên thực tế, tôi sẽ khuyến khích họ làm bất cứ điều gì họ muốn. Bạn phải trả tiền. Bạn phải thanh toán các hóa đơn của mình.’”

Nhận xét của ông Trump đã gây ra mối lo ngại giữa các thành viên liên minh như Ba Lan, nơi đang có mối lo ngại cao về cuộc chiến mà Nga đang tiến hành ở nước láng giềng Ukraine. Những nhận xét này cũng làm tăng thêm sự lo lắng về sự chậm trễ trong việc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ đô la cho Ukraine.

Ông Ben Barry, một thành viên cấp cao về chiến tranh trên bộ tại Viện, cho biết việc Quốc hội Mỹ không chấp thuận viện trợ có thể sẽ khiến Nga áp dụng chiến lược nghiền nát hệ thống phòng thủ của Ukraine và gây thương vong hàng loạt.

Câu hỏi dành cho các đồng minh của Ukraine “là họ có thực sự muốn Ukraine giành chiến thắng?” ông Barry nói với các phóng viên. “Nếu họ thực sự muốn Ukraine giành chiến thắng, thì họ… cần phải tăng gấp đôi số tiền viện trợ mà họ đã đưa ra năm ngoái, bởi vì cái giá đối với châu Âu do chiến thắng của Nga có lẽ, về mặt tài chính, thậm chí còn lớn hơn cái giá khi quyết tâm tài trợ.”

Một trong những phát hiện quan trọng của phúc trình là Nga đã mất khoảng 3.000 xe tăng chiến đấu chủ lực trong cuộc giao tranh ở Ukraine, gần bằng số xe tăng mà Moscow có trong kho trước khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Trong khi Nga đã bổ sung lực lượng bằng cách rút 2.000 xe tăng cũ ra khỏi kho, chính phủ Ukraine ở Kyiv đang dựa vào các quốc gia phương Tây để cung cấp đạn dược và vũ khí cần thiết để cầm chân nước láng giềng lớn hơn của mình.

“Nhưng Kyiv cũng tiếp tục thể hiện sự khéo léo của mình theo những cách khác, sử dụng các hệ thống do phương Tây và bản địa phát triển để đặt Hạm đội Biển Đen của Nga vào thế yếu”, Viện nghiên cứu cho biết, trích dẫn việc Ukraine sử dụng “các phương tiện không người lái”.

IISS nói bài học rút ra từ cuộc chiến ở Ukraine đang bắt đầu ảnh hưởng đến kế hoạch quân sự ở các nước khác. Đặc biệt, nhiều quốc gia đã nhận ra rằng họ cần tăng cường sản xuất khí tài quân sự và xây dựng kho dự trữ trang thiết bị lớn hơn trong trường hợp buộc phải tham gia một cuộc chiến tranh kéo dài.

Phúc trình nói: “Tư duy chừng nào tới thì xử lý chừng đó vốn đã tồn tại trong gần ba thập niên đang nhường chỗ cho cách tiếp cận luôn phòng hờ hữu sự, dù việc thực hiện những tham vọng này là một thách thức”.


**********
voatiengviet.com

Sắp nối lại đàm phán về kế hoạch ngừng bắn ở Gaza

VOA News

Các quan chức từ Hoa Kỳ, Israel, Qatar và Ai Cập gặp nhau tại Cairo hôm 13/2 để cố gắng đạt được thỏa thuận ngừng bắn mới ở Dải Gaza và thả thêm con tin do các phần tử hiếu chiến Hamas bắt giữ.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo quốc tế đã khẩn cầu Israel tạm dừng cuộc tấn công trên bộ đã lên kế hoạch vào thành phố Rafah phía nam Gaza nhằm mục đích tiêu diệt 4 tiểu đoàn chiến binh Hamas đang ẩn náu trong số hơn 1 triệu người Palestine đang cư ngụ ở đó.

Lực lượng Israel hôm 12/2 đã giải cứu hai con tin ở Rafah nhưng 74 người Palestine đã thiệt mạng trong chiến dịch này.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nói với các phóng viên: “Hy vọng chân thành của tôi là các cuộc đàm phán để thả con tin và một số hình thức chấm dứt chiến sự sẽ thành công, tránh một cuộc tấn công tổng lực vào Rafah, nơi cốt lõi của hệ thống nhân đạo. Và điều đó sẽ gây ra những hậu quả tàn khốc.”

Đúng như vậy, ông Guterres nói, “Có sự phá vỡ trật tự công cộng” hạn chế việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người Palestine di tản. Ông đổ lỗi cho Israel.

Ông nói: “Chúng ta có những hạn chế do Israel áp đặt nhưng không được cải thiện và hạn chế việc phân phối nhân đạo”. “Mặt khác, các cơ chế giảm xung đột để bảo vệ việc vận chuyển viện trợ nhân đạo liên quan đến các hoạt động quân sự lại không hiệu quả.”

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết những người Palestine trú ẩn ở Rafah sẽ được cho “lối đi an toàn” ra khỏi khu vực gần biên giới Ai Cập nhưng không đưa ra thông tin chi tiết về nơi họ sẽ được chuyển đi. Liên hiệp quốc nói sẽ không giúp đỡ trong bất kỳ hoạt động tái định cư nào của người Palestine và Ai Cập cho biết họ sẽ không cho phép một cuộc di cư qua biên giới.

Khoảng 100 con tin đã được giải thoát trong một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tuần vào tháng 11/2023. Israel cho biết Hamas vẫn đang giam giữ khoảng 100 người khác và 31 người đã chết hoặc bị giết khi bị giam cầm.

Một quan chức Palestine nói với Reuters rằng các nhà đàm phán ở Cairo “đang tìm kiếm một công thức có thể được Hamas chấp nhận. Họ nói rằng chỉ có thể ký một thỏa thuận một khi nó dựa trên cam kết của Israel về việc chấm dứt chiến tranh và rút lực lượng khỏi nước này khỏi Dải Gaza.”

Quan chức này cho biết Hamas đã nói với những người tham gia rằng họ không tin tưởng Israel sẽ không tiếp tục chiến tranh nếu các con tin Israel được thả.

Ông Netanyahu đã thề sẽ tiếp tục cuộc chiến cho đến khi mọi dấu tích về sự kiểm soát của Hamas ở Gaza chấm dứt.

Hoa Kỳ đã đề nghị một lệnh ngừng bắn trong khoảng 60 ngày hoặc lâu hơn kèm theo việc thả con tin. Hamas đề nghị chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến với việc quân đội Israel rời khỏi Gaza và Hamas vẫn quản lý lãnh thổ Gaza, điều mà Israel bác bỏ.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng mặc dù có một số điểm “không thành công” trong kế hoạch của Hamas nhưng vẫn còn chỗ để tiếp tục đàm phán.

Ngoài ông Guterres, các nhà lãnh đạo quốc tế khác cũng bày tỏ lo ngại về một cuộc tấn công tổng lực của Israel vào Rafah.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với các phóng viên hôm 13/2 rằng nếu Israel có hành động chống lại Hamas ở Rafah thì “trách nhiệm của quân đội Israel là cung cấp hành lang an toàn cho những người đang tìm kiếm sự bảo vệ ở đó”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày kêu gọi Israel “làm mọi thứ có thể để tránh thương vong cho dân thường vô tội và ngăn chặn thảm họa nhân đạo tàn khốc hơn ở Rafah”.

Người đứng đầu nhân quyền Liên hiệp quốc Volker Turk nói: “Hôm nay, thật đáng buồn, với cuộc tàn sát cho đến nay ở Gaza, hoàn toàn có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra phía trước ở Rafah. Ngoài nỗi đau và sự đau khổ của bom đạn, cuộc tấn công vào Rafah này cũng có thể đồng nghĩa với việc chấm dứt lượng viện trợ nhân đạo ít ỏi đang được tiếp cận và phân phối, gây ra những tác động to lớn đối với toàn bộ Gaza, bao gồm cả hàng trăm nghìn người có nguy cơ chết đói nghiêm trọng và nạn đói ở phía bắc.”

Nam Phi hôm 13/2 đã yêu cầu Tòa án Thế giới xem xét liệu kế hoạch mở rộng cuộc tấn công vào Rafah của Israel có cần các biện pháp khẩn cấp bổ sung để bảo vệ quyền của người Palestine hay không.

Trong vụ kiện do Nam Phi khởi kiện, Tòa án Công lý Quốc tế hồi tháng trước đã ra lệnh cho Israel thực hiện mọi biện pháp trong khả năng của mình để ngăn chặn quân đội của họ phạm tội diệt chủng chống lại người Palestine ở Gaza. Israel phủ nhận việc phạm tội diệt chủng và đã yêu cầu tòa án bác bỏ hoàn toàn vụ việc.

Chính phủ Pretoria bày tỏ lo ngại rằng một cuộc tấn công sẽ dẫn đến giết chóc, gây tổn hại và tàn phá quy mô lớn hơn nữa.

Bà Juliette Touma, phát ngôn viên của cơ quan Liên hiệp quốc chuyên giúp người tị nạn Palestine (UNRWA), cho biết họ chưa được thông báo về bất kỳ kế hoạch sơ tán nào của Israel đối với Rafah và không nằm trong kế hoạch đó.

Bà nói: “Bạn sẽ sơ tán người dân đến đâu, vì không có nơi nào an toàn trên khắp Dải Gaza, miền bắc tan hoang, đầy rẫy vũ khí chưa nổ, gần như không thể sinh sống được”.

Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington đang tiến hành một thỏa thuận về con tin để mang lại sự yên tĩnh “ngay lập tức và lâu dài” cho Gaza trong ít nhất sáu tuần.

Ông Biden đã kêu gọi Israel kiềm chế tấn công Rafah nếu không có kế hoạch khả thi để bảo vệ dân thường.

Trong vụ đổ máu mới nhất, quân đội Israel cho biết lực lượng của họ đã giết chết hàng chục chiến binh Palestine trong các cuộc đụng độ ở miền nam và miền trung Gaza trong 24 giờ qua.

Các quan chức y tế Gaza nói một cuộc tấn công của Israel vào một ngôi nhà ở trại tị nạn Nusseirat ở trung tâm Gaza đã giết chết 16 người Palestine chỉ trong một đêm. Họ cho biết một cuộc không kích khác nhắm vào một chiếc ô tô ở thành phố Gaza sau đó trong ngày 13/2 đã giết chết 6 người, trong đó có trẻ em.

***********

Tin tức thế giới 14-2: Bầu cử khổng lồ ở Indonesia; Ukraine khó vào NATO tháng 7 tới

TRẦN PHƯƠNG

* Các đối tượng cực đoan cánh hữu tại Đức đã thực hiện hơn 20.000 hành vi tội phạm và bạo lực những năm gần đây
* Ông Biden chỉ trích ông Trump là "ngu ngốc" vì kêu gọi Nga tấn công các thành viên NATO

Một gia đình người Palestine chạy khỏi thành phố Gaza ngày 12-2 - Ảnh: AFP

Một gia đình người Palestine chạy khỏi thành phố Gaza ngày 12-2 - Ảnh: AFP

Áp lực lên Israel ngày càng tăng

Liên Hiệp Quốc cảnh báo "cuộc tàn sát" ở Rafah. Giám đốc nhân đạo của Liên Hiệp Quốc Martin Griffiths tiếp tục chỉ trích kế hoạch tấn công quân của Israel vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza, thành trì ẩn náu cuối cùng của hơn một triệu người Palestine.

"Cộng đồng quốc tế đã cảnh báo về hậu quả nguy hiểm của bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào vào Rafah. Chính phủ Israel không thể tiếp tục phớt lờ những lời kêu gọi này. Các hoạt động quân sự ở Rafah có thể dẫn đến một cuộc tàn sát ở Gaza", hãng tin AFP dẫn lời ông Griffiths nói ngày 13-2.

Ngày 13-2, chính quyền Gaza cho biết khoảng 28.500 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi Israel đánh vào vùng đất này để đáp trả cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào tháng 10-2023.

Trong khi đó, các nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa đạt được đột phá. Theo Hãng tin Reuters, các cuộc đàm phán có sự tham gia của Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar trong ngày 13-2 đã kết thúc mà không có tiến triển.

Israel đang muốn quét sạch phong trào Hồi giáo Hamas khỏi Rafah và giải thoát các con tin Israel đang bị giam giữ ở đó. Nước láng giềng Ai Cập đã khẳng định sẽ không cho người tị nạn chạy qua biên giới.

* Ông Biden chỉ trích người tiền nhiệm là "ngu ngốc". Ngày 13-2, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ Mike Johnson khẳng định sẽ chặn dự luật viện trợ cho Ukraine, Israel và Đài Loan, bất chấp hối thúc của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

"Tôi chắc chắn là không", ông Johnson nhấn mạnh và cho biết ông thậm chí không có ý định cho phép bỏ phiếu về dự luật trị giá 95 tỉ USD này. Trước đó, dự luật đã được thông qua tại Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát.

Ông Biden khẳng định việc giúp đỡ các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Ukraine, là một trách nhiệm cơ bản. "Lịch sử đang theo dõi", ông Biden nói, lặp lại cụm từ này 5 lần trong bài phát biểu.

Ông Biden cũng chỉ trích người tiền nhiệm Donald Trump sau khi cựu tổng thống Mỹ khuyến khích Nga tấn công các thành viên NATO không giữ các cam kết tài chính.

"Điều đó thật ngu ngốc. Thật đáng xấu hổ. Thật nguy hiểm. Nó không phải của Mỹ... Không có tổng thống nào khác trong lịch sử của chúng ta từng cúi đầu trước một lãnh đạo Nga", ông Biden bình luận.

Cuộc bầu cử lớn nhất thế giới trong 1 ngày

Phiếu bầu và các thiết bị phòng phiếu được chở đến một điểm hẻo lánh trên một trong ngàn ngàn đảo của Indonesia - Ảnh: AFP

Phiếu bầu và các thiết bị phòng phiếu được chở đến một điểm hẻo lánh trên một trong ngàn ngàn đảo của Indonesia - Ảnh: AFP

Ngày 14-2, hơn 200 triệu cử tri Indonesia sẽ đi bỏ phiếu để chọn ra tổng thống mới thay ông Joko Widodo.

Gần 259.000 ứng cử viên đang tranh cử 20.600 vị trí trong cuộc bầu cử một ngày lớn nhất thế giới, nhưng mọi con mắt đều đổ dồn vào ghế tổng thống và số phận chương trình nghị sự đầy tham vọng của ông Widodo sau một thập kỷ nắm quyền một trong những nền kinh tế lớn nhất và phát triển nhanh nhất châu Á.

Theo Hãng tin Reuters, cuộc đua đang gay cấn giữa hai ứng viên Ganjar Pranowo, Anies Baswedan cạnh tranh với ứng cử viên hàng đầu gây tranh cãi là Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto của Indonesia. 

Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo đang tranh cử lần thứ ba sau hai lần thua ông Widodo. Đến nay, một số khảo sát dự đoán ông Prabowo sẽ thắng ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto được coi là ứng viên mạnh cho ghế Tổng thống Indonesia - Ảnh: AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto được coi là ứng viên mạnh cho ghế Tổng thống Indonesia - Ảnh: AFP

* Đức quyết tâm chống phân biệt chủng tộc và cực đoan cánh hữu. Ngày 13-2, chính quyền Đức đã công bố các biện pháp mới nhằm chống phân biệt chủng tộc và cực đoan cánh hữu.

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser khẳng định rằng cực đoan cánh hữu ngày nay là "mối đe dọa lớn nhất" đối với trật tự dân chủ ở Đức. 

Do đó, chính phủ Đức "muốn sử dụng tất cả các công cụ pháp quyền để bảo vệ nền dân chủ, triệt phá các mạng lưới cực đoan cánh hữu, cắt nguồn tài chính và tước bỏ vũ khí của mạng lưới này". 

* Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xuất viện, trở lại làm việc. Trong thông báo ngày 13-2, giờ địa phương, Lầu Năm Góc xác nhận Bộ trưởng Lloyd Austin đã trở lại làm việc sau đợt nhập viện lần thứ 2 vì ung thư. 

Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng ông Austin nên làm việc ở nhà để hồi phục thêm trước khi trở lại Lầu Năm Góc vào cuối tuần này. Ông dự kiến sẽ tham gia trực tuyến một cuộc họp về vấn đề Ukraine trong ngày 14-2.

Theo lời bác sĩ, ông Austin nhập viện ngày 11-2 do vấn đề về bàng quang liên quan đến cuộc phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt vào tháng 12-2023. Ông trải qua thủ thuật không phẫu thuật vào 12-2 và không cần chăm sóc đặc biệt một ngày sau đó.

* Mỹ không hy vọng Ukraine được kết nạp vào NATO vào tháng 7. Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Julianne Smith cho biết bà không cho rằng liên minh này sẽ đưa ra lời mời kết nạp Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào tháng 7-2024.

Lãnh đạo NATO đến nay cho rằng tương lai của Ukraine là ở trong NATO nhưng không nói rõ thời gian để nước này gia nhập. Cuối năm ngoái, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh khi Kiev đáp ứng các yêu cầu cải cách và sau khi xung đột với Nga chấm dứt.


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn