Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 13-02 -2024: Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ trị giá 95 tỷ USD cho Ukraine

Thứ Ba, 13 Tháng Hai 20247:40 SA(Xem: 1672)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 13-02 -2024: Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ trị giá 95 tỷ USD cho Ukraine

Hoaluc 3
************
voatiengviet.com

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ trị giá 95 tỷ USD cho Ukraine

Reuters

Thượng viện Hoa Kỳ do Đảng Dân chủ lãnh đạo hôm thứ Ba (13/2) thông qua gói viện trợ trị giá 95,34 tỷ USD cho Ukraine, Israel và Đài Loan, mặc dù gói viện trợ này phải đối mặt với một con đường không chắc chắn phía trước tại Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát.

Các nhà lập pháp đã thông qua dự luật này trong cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 70-29, nhiều hơn so với mức 60 phiếu thuận cần thiết và gửi tới Hạ viện, 22 thành viên Đảng Cộng hòa đã cùng với hầu hết các thành viên Đảng Dân chủ ủng hộ dự luật.

Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer nói: “Chắc chắn đã nhiều năm, có lẽ là nhiều thập kỷ, kể từ khi Thượng viện thông qua một dự luật có tác động lớn đến không chỉ an ninh quốc gia của chúng ta, an ninh của các đồng minh mà còn cả an ninh của nền dân chủ phương Tây”.

Giới lãnh đạo Ukraine coi nguồn tài trợ này rất quan trọng khi nước này tiếp tục đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga và cố gắng duy trì nền kinh tế đang bị tàn phá của mình được tiếp tục phát triển khi cuộc chiến đã gần bước sang năm thứ ba. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thúc đẩy gói viện trợ này trong nhiều tháng nhưng vấp phải sự phản đối từ những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa, đặc biệt là tại Hạ viện.

Cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện diễn ra trước bình minh, sau khi tám đối thủ theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa đã cật lực phản đối viện trợ cho Ukraine suốt hơn sáu tiếng đồng hồ xuyên đêm.

Gói viện trợ này cũng bao gồm các quỹ dành cho Israel, viện trợ nhân đạo cho người Palestine ở Gaza và bảo vệ Đài Loan.

Các quan chức Ukraine đã cảnh báo về tình trạng thiếu vũ khí vào thời điểm Nga đang dấn tới với các cuộc tấn công mới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nhanh chóng ca ngợi việc Thượng viện thông qua dự luật. Ông nói trên nền tảng xã hội X: “Sự hỗ trợ của Mỹ mang hòa bình ở Ukraine đến gần hơn và khôi phục sự ổn định toàn cầu, dẫn đến tăng cường an ninh và thịnh vượng cho tất cả người Mỹ và toàn bộ thế giới tự do”.

Cả hai viện của Quốc hội Mỹ phải phê chuẩn dự luật trước khi Tổng thống Biden có thể ký thành luật.


***********
rfi.fr

Quốc tế gia tăng sức ép đúc kết một thỏa thuận giữa Israel và Hamas

Thu Hằng

Trong ngày 13/02/2024, thủ đô Cairo tổ chức cuộc họp bốn bên gồm Ai Cập, Qatar, Israel và Hoa Kỳ để thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở dải Gaza, trong đó có thêm một đợt thả con tin.

Đăng ngày:

3 phút

Giám đốc CIA William Burns đại diện cho Mỹ. Phía Israel cử David Barnea, giám đốc cơ quan tình báo Mossad và Ronen Bar, giám đốc cơ quan tình báo nội địa Shin Bet. Đại diện cho Qatar là thủ tướng Qatar, kiêm ngoại trưởng Mohammed ben Abdelrahmane al-Thani, người từng làm trung gian đàm phán nhiều thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Phía Hamas không dự kiến cử phái đoàn đến Cairo, theo phát biểu với AFP của một quan chức của lực lượng này.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thủ tướng Israel Nentanyahu đe dọa đổ bộ thành phố Rafah, ở cực nam dải Gaza sát với biên giới Ai Cập, song song với việc lập một hành lang sơ tán thường dân. Trong một thông cáo ngày 13/12, Trung Quốc « kêu gọi Israel chấm dứt ngay khi có thể chiến dịch quân sự để tránh tổn hại cho người dân vô tội, ngăn chặn thảm họa nhân đạo thêm trầm trọng ở vùng Rafah ».

Trước tình cảnh « quá nhiều người bị thiệt mạng » trong các trận oanh kích từ nhiều tháng qua, lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell gián tiếp kêu gọi Hoa Kỳ giảm bớt giao vũ khí cho Israel. Về phía Mỹ, khi tiếp quốc vương Jordanie Abdallah II tại Washington ngày 12/02, tổng thống Joe Biden cũng không giấu bực bội về cách chính phủ Israel tiến hành chiến tranh. 

Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Washington cho biết thêm :

« Ông Joe Biden nói rằng từ một tháng nay ông không ngừng cố gắng thuyết phục thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chấp nhận hưu chiến để đổi con tin bị Hamas bắt giữ hôm 07/10/2023. Thủ tướng Israel từ chối và đã tiến hành chiến dịch tấn công làm nhiều người thiệt mạng ở Rafah, miền nam dải Gaza, bất chấp cảnh cáo của ông Joe Biden.

Ông Biden phát biểu : « Chiến dịch quân sự ở Rafah không nên diễn ra nếu không có một kế hoạch khả tín để bảo đảm an toàn và hỗ trợ cho hơn 1 triệu người tị nạn ở đó. Rất nhiều người đã phải sơ tán, phải di chuyển rất nhiều lần, trốn tránh bạo lực ở miền bắc và giờ dồn hết về Rafah, đang gặp nguy hiểm và khó khăn. Họ phải được bảo vệ. Chúng tôi đã rất rõ ràng ngay từ đầu về điểm này. Chúng tôi phản đối mọi hình thức ép buộc di tản đối với người Palestine ở Gaza ».

Chính quyền Joe Biden không còn giấu bực bội trước thái độ của ông Benjamin Netanyahu. Theo tiết lộ dường như được cố ý cho báo chí Mỹ, trong các cuộc nói chuyện riêng, tổng thống Mỹ đã nguyền rủa thủ tướng Israel. Tổng thống Joe Biden đề xuất một đợt hưu chiến dài 6 tuần để trả tự do cho các con tin và ngừng chiến tranh, sau đó là đàm phán về giải pháp lâu dài hơn xoay quanh giải pháp hai Nhà nước. Thế nhưng đây là điều mà thủ tướng Israel tỏ rõ là ông không muốn ».


************
voatiengviet.com

Estonia nói Nga chuẩn bị đối đầu quân sự với phương Tây

Reuters

Nga đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự với phương Tây trong vòng một thập kỷ tới và có thể bị ngăn cản bởi việc tăng cường các lực lượng vũ trang, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Estonia cho biết hôm thứ Ba.

Ngày càng nhiều quan chức phương Tây cảnh báo về mối đe dọa quân sự từ Nga tới các nước dọc theo sườn phía đông của NATO, đồng thời kêu gọi châu Âu chuẩn bị vũ trang.

Người đứng đầu cơ quan tình báo của Estonia cho biết đánh giá này dựa trên kế hoạch của Nga là tăng gấp đôi số lượng lực lượng đồn trú dọc biên giới với các thành viên NATO là Phần Lan và các nước vùng Baltic như Estonia, Litva và Latvia.

“Nga đã chọn con đường đối đầu lâu dài… và Điện Kremlin có thể đang lường trước một cuộc xung đột có thể xảy ra với NATO trong vòng một thập kỷ tới hay khoảng đó”, ông Kaupo Rosin nói với các phóng viên khi công bố báo cáo về các mối đe dọa an ninh quốc gia của Estonia.

Một cuộc tấn công quân sự của Nga “rất khó xảy ra” trong thời gian ngắn sắp tới, ông nói, một phần vì Nga phải giữ quân ở Ukraine và cũng sẽ khó xảy ra nếu Nga muốn tăng cường lực lượng cho tương xứng với châu Âu.

Etonia và các nước vùng Baltic khác đã tăng chi tiêu quân sự lên hơn 2% giá trị nền kinh tế của họ sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, và các đồng minh NATO đã tăng cường hiện diện tại các quốc gia đó.

Đức có kế hoạch bố trí 4.800 binh sĩ sẵn sàng chiến đấu trong khu vực vào năm 2027, trong đợt triển khai binh sĩ thường trực ở nước ngoài đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai, và ông Rosin cho biết NATO và các đồng minh đang đi đúng hướng để chống lại mối đe dọa từ Nga.

Ông Rosin không mong đợi một bước đột phá của Nga ở Ukraine trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3, vì nước này sẽ cần huy động thêm quân đáng kể để đạt được mục tiêu đó.

Nói về những bình luận của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông sẽ không bảo vệ những đồng minh không chi tiêu đủ cho quốc phòng, ông Rosin nói: “Những tuyên bố như vậy không bao giờ hữu ích”.

Ông nói thêm rằng khả năng về vũ khí và đạn dược của quân đội của Nga tiếp tục vượt trội so với Ukraine và trừ khi sự hỗ trợ của phương Tây được duy trì hoặc tăng cường, Ukraine khó có thể thay đổi được tình hình trên chiến trường.


*********
voatiengviet.com

Thủ tướng Thái Lan: Cựu lãnh đạo Thaksin đã được ân xá

Reuters

Tỷ phú gây tranh cãi của Thái Lan, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, được ân xá sau sáu tháng bị giam giữ, thủ tướng nước này cho biết hôm thứ Ba, đồng thời nhấn mạnh sự phục vụ của ông đối với đất nước.

Ông Thaksin có nhiều ảnh hưởng, là một nhân vật nặng ký về chính trị và được cho là thủ tướng nổi tiếng nhất Thái Lan, đã có một cuộc hồi hương đầy ấn tượng sau khi sống lưu vong ở nước ngoài 15 năm để tránh phải ngồi tù vì xung đột lợi ích.

Ông Thaksin, 74 tuổi, ngay sau đó đã được nhà vua giảm án tù 8 năm xuống còn một năm. Ông đã bị giam sáu tháng trong bệnh viện vì tình trạng sức khỏe không được tiết lộ và không phải ở trong tù một đêm nào.

“Chính thức là ông ấy đã được ân xá. Điều này phù hợp với các quy định của bộ cải huấn”, Thủ tướng Srettha Thavisin, một tài phiệt và đồng minh của gia đình Shinawatra, nói với các phóng viên.

“Ông Thaksin đã làm thủ tướng nhiều năm, làm nhiều điều tốt cho đất nước trong thời gian dài. Sau khi được thả ra, ông ấy sẽ là một công dân bình thường”.

Là một cựu cảnh sát và ông trùm viễn thông, trung tâm của cuộc chiến tranh giành quyền lực đầy biến động kéo dài hai thập kỷ ở Thái Lan, ông Thaksin nằm trong danh sách 930 tù nhân được coi là người già hoặc ốm yếu và được phép ân xá, theo truyền thông.

Ông có thể được thả sau ngày 18/2, theo quy định của bộ cải huấn. Luật sư của ông Thaksin, Winyat Chatmontri, cho biết ông vẫn chưa nhận được ngày trả tự do.

Con gái của ông Thaksin, Paetongtarn Shinawatra, nói với các phóng viên rằng đã đến lúc cha cô phải về nhà. “Con hy vọng ba mạnh mẽ và khỏe mạnh… hãy ra ngoài và sống cuộc sống của ba ở Thái Lan”, cô nói thêm.

Tuy nhiên, mặc dù đã được tạm tha nhưng cựu lãnh đạo vẫn có thể bị bắt giữ lại vì các công tố viên đang xem xét buộc tội ông xúc phạm chế độ quân chủ trong một cuộc phỏng vấn năm 2015.

Sự trở lại của ông Thaksin vào năm ngoái trùng hợp với việc đồng minh và tân chính trị gia Srettha được chọn làm thủ tướng cùng ngày, làm tăng thêm suy đoán rằng cả hai diễn biến này đều là một phần của thỏa thuận hậu trường giữa ông Thaksin và những đối thủ hùng mạnh của ông trong giới quân sự bảo hoàng ở Thái Lan.

Các đồng minh của ông Thaksin và chính phủ, do Đảng Pheu Thai được nhà Shinawatra hậu thuẫn, đã bác bỏ điều này.

Vào đêm đầu tiên ở tù, ông Thaksin được chuyển ngay đến bệnh viện cảnh sát, các bác sĩ nói ông bị tức ngực và huyết áp cao.


************

Nga bị phát hiện dùng tên lửa siêu thanh Zircon ở Ukraine

Reuters

Một cuộc phân tích sơ bộ kết luận rằng Nga đã tấn công Kyiv vào tuần trước bằng phi đạn siêu thanh Zircon, người đứng đầu một viện nghiên cứu ở Kyiv cho biết hôm 12/2. Đây là lần đầu tiên phi đạn này được sử dụng trong cuộc chiến kéo dài gần hai năm gây nên một thách thức cho lực lượng phòng không Ukraine.

Ông Oleksandr Ruvin, giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học-Khám nghiệm Pháp y Kyiv, cho biết trên kênh Telegram rằng Viện của ông đã hoàn thành phân tích sơ bộ về các mảnh phi đạn từ cuộc tấn công của Nga ngày 7/2.

Ông đưa vào một đoạn video quay mảnh vỡ phi đạn có những dấu hiệu cụ thể. Ông viết: “Trong trường hợp này, chúng tôi thấy các yếu tố đặc trưng của phi đạn 3M22 Zircon. Các bộ phận và mảnh vỡ của động cơ và cơ cấu lái có các chỉ dấu cụ thể”.

Bộ Quốc phòng Nga không trả lời yêu cầu bình luận.

Theo Nga, Zircon có tầm bắn 1.000 km và di chuyển với tốc độ gấp 9 lần tốc độ âm thanh. Các nhà phân tích quân sự cho rằng tốc độ siêu thanh của nó có thể giúp giảm đáng kể thời gian phản ứng của lực lượng phòng không và khả năng tấn công các mục tiêu lớn, sâu và kiên cố.

Trước đó, Nga cho biết họ đã hoàn thành thử nghiệm phi đạn Zircon vào tháng 6 năm 2022 và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả Zircon là một phần của thế hệ hệ thống vũ khí vô song mới.

Nếu việc sử dụng nó ở Ukraine được xác nhận, loại vũ khí này có thể đặt ra thêm thách thức cho hệ thống phòng không của quốc gia đang bị bao vây này, trong bối cảnh không chắc chắn về viện trợ quân sự của phương Tây trong tương lai.

Nga tiến hành các cuộc không kích thường xuyên vào Ukraine bằng cách sử dụng một loạt phi đạn tầm xa và máy bay không người lái khác nhau. Zircon ban đầu được thiết kế như một loại vũ khí phóng từ biển và phiên bản phóng từ mặt đất được phát triển sau đó.

Tuyên bố của ông Ruvin không cho biết vũ khí này được bắn từ đất liền hay từ biển. Ông cho hay các dấu vết thu được từ đống đổ nát cho thấy vũ khí này được lắp ráp gần đây.

Các quan chức cho biết vụ tấn công của Nga hôm 7/2 đã giết chết ít nhất 5 người và làm hư hại các tòa nhà dân cư cũng như cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.


**********
rfa.org

Nhà hoạt động Vàng Seo Giả tới Mỹ định cư: Sẽ tiếp tục lên tiếng cho người H’mong

RFA

Ông Vàng Seo Giả, thành viên của Liên minh Nhân quyền Người H’mong (Hmong Human Rights Coalition), cùng vợ và con trai sống tị nạn ở Thái Lan từ năm 2018. Với sự trợ giúp của Liên Hiệp quốc, gia đình ông đã được tái định cư tại Hoa Kỳ. Ngày 31/1, ông rời Thái Lan và đến tiểu bang Minnesota ngày 01/2.

Sau đây là cuộc phỏng vấn ông Vàng Seo Giả dành cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 08/2:

RFA: Xin chào ông Vàng Seo Gi. Chúc mng ông và gia đình đã được đến định cư ti Hoa K. Xin ông cho biết tkhi nào và lý do gì buc ông và gia đình sang Thái Lan tnn?

Vâng, xin chào ông và cảm ơn Đài Á Châu Tự Do. Tôi sang Thái Lan tị nạn năm 2018, lý do tôi phải đi tị nạn là tôi có một đứa cháu tên Ma Seo Sùng bị công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ không có lý do. Sau đó năm ngày họ giết chết cháu tôi. Tôi cùng với gia đình đã đứng lên đòi công lý cho cháu và sau đó đã bị chính quyền truy bức.

Sau khi cháu Ma Seo Sùng chết, tôi và gia đình làm rất nhiều đơn, từ tháng 6 cho đến tháng 11 năm 2017 và gửi từ cấp địa phương đến cấp trung ương nhưng họ không giải quyết. Sau khi chúng tôi gửi nhiều đơn và cũng nhờ một số tổ chức làm đơn hộ thì cuối cùng chính quyền quyết định đến bắt chúng tôi nhưng tôi và anh rể may mắn chạy thoát.

Sự việc đó khiến tôi và gia đình phải chạy trốn sang Thái Lan xin tị nạn.

RFA: Đề nghị ông chia svnhng khó khăn, nguy him trong thi gian tnn Thái Lan

Những ngày đầu mới tới Thái Lan thì thực sự cuộc sống ở Thái Lan khá khó khăn và vất vả cho tôi, tại vì khó hoà nhập với cuộc sống mới. Khi sang tôi không biết tiếng Thái và do vậy cũng rất khó hòa nhập.

Đó là những khó khăn về vật chất và tinh thần. Sau đó, tôi cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khác tại vì khi sang Thái Lan tôi tiếp tục hoạt động. 

Lý do tôi quyết định tiếp tục hoạt động là bởi vì tôi thấy rằng từ khi cháu của tôi chết và tôi đứng lên đòi công lý, tôi thấy rằng ở Việt Nam còn rất nhiều bất công. Tôi có làm gì đi chăng nữa thì cháu tôi cũng không sống lại, nhưng chí ít nếu tôi đứng lên và tôi dám đấu tranh cho những bất công như vậy thì có thể (có thể thôi chứ không chắc chắn), có thể hạn chế được những bất công, những cái chết vô cớ như vậy.

Do vậy tôi quyết định tiếp tục tham gia đấu tranh, tiếp tục hoạt động cho nhân quyền và quyền tự do tôn giáo của người H’mong tại Việt Nam.

Từ khi tôi hoạt động như vậy tôi đã đối mặt với rất nhiều nguy hiểm từ chính quyền Việt Nam. Thậm chí tôi đã được Google gửi cho tôi cảnh báo rằng có hacker (tin tặc-PV) đang cố gắng xâm nhập vào tài khoản Google của tôi và hacker này được hậu thuẫn bởi Chính phủ. Họ không nói là Chính phủ Việt Nam nhưng mà Google nói rõ rằng “Chính phủ đang hậu thuẫn một nhóm hacker đang cố gắng đánh cắp tài khoản của bạn” và tôi bị tấn công nhiều lần ở trên Internet.

Đó là những khó khăn nguy hiểm mà tôi đã gặp phải sau khi tôi dấn thân vào con đường đấu tranh cho nhân quyền và quyền tự do tôn giáo cho người H’mong tại Việt Nam.

Sau khi có một số nhà hoạt động bị bắt ví dụ như Đường Văn Thái càng khiến tôi lo lắng nhiều hơn. Tôi biết rằng người đấu tranh cho nhân quyền và quyền tự do tôn giáo ở bên ngoài và ở trong Việt Nam cũng rất nhiều nhưng thực sự mà nói số người H’mong dám đứng lên đấu tranh cho nhân quyền và quyền tự do tôn giáo chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tôi và một số đồng nghiệp là những cá nhân duy nhất dám đứng lên như vậy thành ra tôi biết chắc chắn chính quyền Việt Nam trong đầu họ luôn sẵn sàng tư thế để dập tắt chúng tôi bất kỳ lúc nào. Điều đó càng khiến tôi lo lắng và sợ hãi nhiều hơn.

RFA: Ông có thchia svcác hot động nhân quyn ca mình trong thi gian tnn Thái Lan không?

Thời gian ở Thái Lan tôi có tham gia hoạt động bảo vệ nhân quyền và quyền tự do tôn giáo cho người H’mong, chỉ riêng cho người H’mong. Tôi cùng một đồng nghiệp tên là Giàng A Dinh thành lập một tổ chức xã hội dân sự cho người H’mong có tên là Hmong Human Rights Coalition.

Các hoạt động của chúng tôi tập trung vào bốn khía cạnh. Thứ nhất là chúng tôi tập trung viết báo cáo về các vụ vi phạm đàn áp tôn giáo và nhân quyền cho người H’mong tại Việt Nam.

Công việc thứ hai mà chúng tôi làm là đào tạo người ở trong nước để họ tự biết viết báo cáo khi xảy ra vi phạm.

Công việc thứ ba của chúng tôi là giải cứu nạn nhân bị buôn người. Trong khoảng thời gian từ năm 2019 cho đến năm 2023, chúng tôi đã giải cứu được nhiều người H’mong, thậm chí chúng tôi cũng giải cứu được cả người Kinh.

Chúng tôi giải cứu được một chị từ Ả Rập Xê Út về và chúng tôi giải cứu được hơn chục người, trong đó có trẻ em H’mong bị lừa sang Campuchia để cưỡng bức lao động bởi các công ty Trung Quốc.

Còn công việc thứ tư, chúng tôi tham gia vào đề án đòi lại quyền công dân của người H’mong  ở Việt Nam cùng với tổ chức BPSOS (Uỷ ban cứu người vượt biển, có trụ sở ở Hoa Kỳ-PV).

Ở Việt Nam, việc đàn áp tôn giáo dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Từ khi người H’mong bắt đầu biết đến đạo Tin Lành qua đài Nguồn Sống thì xảy ra nhiều cuộc đàn áp tôn giáo rất dã man, làm người H’mong phải chạy trốn khắp nơi và Tây Nguyên là một vùng họ chọn để chạy trốn vì đức tin của mình. 

Có hàng ngàn người H’mong đến Tây Nguyên sinh sống. Sau khi họ đến đây, họ không được chính quyền công nhận. Họ sống lay lắt được gần 30 năm rồi mà họ vẫn phải sống trong tình trạng không có bất cứ giấy tờ tuỳ thân nào.

Chúng tôi tham gia thực hiện đề án để hỗ trợ người H’mong đòi lại quyền công dân, đòi lại quyền con người của mình.

RFA: Ông Lù A Da, mt thành viên ca Liên minh Nhân quyn Người Hmong mi được ti ngoi. Ông có cho rng ông Lù A Da bcnh sát Thái Lan giam gign hai tháng có liên quan đến hot động trong nhóm ca ông không?

Vừa rồi anh Lù A Da, người hiện tại đang điều hành tổ chức Hmong Human Rights Coalition đã bị cảnh sát Thái đến tận cổng nhà để bắt anh ấy đi. Trước đó, anh cũng có bị cảnh sát Thái đến tìm và anh đã phải chạy trốn và tìm nơi ở trọ khác để sinh sống.

Tuy nhiên anh vẫn bị cảnh sát đến bắt. Đó là một trường hợp càng khiến cho người ở trong nhóm chúng tôi lo lắng và sợ hãi hơn, tại vì có vẻ như họ nắm trong tay rất rõ thông tin của những người hoạt động trong nhóm chúng tôi - điều mà tôi nghi ngờ rằng có sự nhúng tay của chính quyền Việt Nam.

Trước đấy có nhiều người Thượng cũng bị bắt tương tự. Thậm chí cảnh sát Thái Lan biết địa chỉ và họ xông thẳng vào nhà trọ để bắt.

Tôi nghi ngờ rằng có sự nhúng tay của chính quyền Việt Nam ở đây. Như tôi đã nói, chúng tôi là những người lên tiếng duy nhất cho người H’mong tại Việt Nam thành ra là họ đang rất muốn dập tắt ngọn lửa này.

RFA: Xin ông cho biết slượng người Hmong đang xin tnn Thái Lan và trin vng tái định cư ở nước thba ca h.

Về số lượng chính xác người H’mong Việt Nam ở Thái Lan thì tôi không nắm rõ, tôi ước chừng có khoảng gần 1.000 người. Phần lớn họ đến Thái Lan tị nạn vì lý do đàn áp sắc tộc và tôn giáo. 

Cuộc sống của người H’mong ở Thái Lan thực sự rất là khổ cực, họ không thể đi làm và về mặt vật chất thì hầu như không có một tổ chức nào giúp đỡ họ cả. Một số gia đình được BRC (Bangkok Refugee Centre- Trung tâm trợ giúp người tị nạn Bangkok- PV) và JRS (Jesuit Refugee Service- một tổ chức từ thiện trợ giúp người tị nạn- PV) hỗ trợ tiền nhà từ một đến ba tháng sau khi đã trải qua nhiều lần phỏng vấn.

Về pháp lý, hiện tại ở Thái Lan đang có hai văn phòng đó là CAP (Center for Asylum Protection- Trung tâm bảo vệ người tị nạn) và AAT (Asylum Access Thailand- Tiếp cận tị nạn Thái Lan) đang hỗ trợ pháp lý cho những người tìm kiếm quy chế tị nạn ở Thái Lan.

Cơ hội định cư năm nay có vẻ tươi sáng hơn khi nhiều gia đình được tái định cư qua nhiều nước như Canada, Hoa Kỳ, hoặc New Zealand hay Australia và được biết Chính phủ Mỹ cũng đã mở chương trình Welcome Corp cho phép người ở Hoa Kỳ có thể tự lựa chọn người tị nạn ở các nước để bảo trợ sang Hoa Kỳ.

Đây cũng là một tin vui đối với những người đang tị nạn tại Thái Lan và đã có quy chế tị nạn. Tuy nhiên, với những người bị rớt quy chế hoặc bị đóng hồ sơ thì gần như không có hy vọng gì.

RFA: Ông sang Hoa Ktheo din nào và được trgiúp nhng gì?

Tôi sang đây theo diện được UN (LHQ) gửi tới định cư chứ không phải bảo trợ tư nhân. Sau khi tôi sang đây có được tổ chức Resettlement Agency (cơ quan tái định cư- PV) hỗ trợ trong ba tháng đầu để làm các thủ tục giấy tờ cần thiết. Sau đó họ sẽ gửi qua cho Chính phủ Hoa Kỳ lo cho gia đình tôi.

Theo như tôi được học trong những buổi định hướng văn hóa trước khi sang đây, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ trợ giúp tài chính cùng phiếu mua đồ ăn (food stamp- PV) và giúp cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

RFA: Dự định trong thi gian sp ti ca ông là gì?

Về dự định sắp tới, tôi sẽ tiếp tục đi học tiếng Anh, trau dồi tiếng Anh để dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm một công việc phù hợp với chuyên ngành IT (công nghệ thông tin- PV) của mình.

Tôi chắc chắn sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền tự tôn giáo và nhân quyền cho người H’mong ở Việt Nam. Bởi vì ở Thái Lan nguy hiểm như vậy mà tôi vẫn đấu tranh thì tôi cho rằng khi tôi đã thoát khỏi sự nguy hiểm đấy, tôi đã đến được một đất nước tự do như vậy tôi càng phải làm điều đấy.

Không những làm mà tôi cần phải cố gắng nhiều hơn nữa và làm nhiều hơn nữa để bảo vệ những người H’mong ở Việt Nam, họ là những người yếu thế bị áp bức bởi chính quyền Việt Nam.

RFA: Xin cm ơn ông vcuc phng vn.


************
voatiengviet.com

Tuần duyên Philippines tố tàu Trung Quốc có hành động ‘nguy hiểm’

AFP

Lực lượng Tuần duyên Philippines hôm 11/2 tố cáo các tàu Trung Quốc có hành động “nguy hiểm” trong cuộc tuần tra kéo dài 9 ngày gần một rạn san hô ngoài khơi bờ biển của Philippines.

Tàu BRP Teresa Magbanua của Philippine vào đầu tháng 2 được cử ra tuần tra tại vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough, một ngư trường giàu có ở Biển Đông, đồng thời cung cấp thực phẩm cho ngư dân Philippines và đảm bảo an toàn cho họ.

Rạn san hô này đã trở thành điểm nóng giữa hai nước kể từ khi Trung Quốc chiếm giữ nó từ tay Philippines vào năm 2012.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã triển khai các tàu tuần tra mà Manila cho rằng đã quấy rối các tàu Philippines và ngăn cản ngư dân Philippines đến đầm phá, nơi có trữ lượng cá dồi dào.

Trong một tuyên bố, Tuần duyên Philippines cho biết trong quá trình tuần tra, các tàu Tuần duyên Trung Quốc (CCG) “đã thực hiện các hoạt động ngăn cản và nguy hiểm trên biển chống lại tàu BRP Teresa Magbanua bốn lần, trong đó các tàu CCG đã vượt qua mũi tàu PCG hai lần”.

Lực lượng Tuần duyên Philippines cho biết tàu của họ cũng bị 4 tàu Tuần duyên Trung Quốc “theo dõi” hơn 40 lần.

Lực lượng Tuần duyên Philippines cũng quan sát thấy “bốn tàu của Dân quân biển Trung Quốc”.

Phát ngôn viên của Tuần duyên Trung Quốc Gan Yu phản bác lại, nói rằng tàu Philippines đã “xâm nhập trái phép” vào vùng biển nhiều lần.

Ông Gan nói: “Tuần duyên Trung Quốc, nhận thấy những cảnh báo đưa ra không hiệu quả, đã hành động theo luật pháp để kiểm soát hành trình của tàu Philippines và buộc tàu này phải rời đi”.

Ông nói thêm: “Tuần duyên Trung Quốc đã xử lý vụ việc một cách chuyên nghiệp và theo tiêu chuẩn”.

Các video do Tuần duyên Philippines công bố cho thấy một tàu Tuần duyên Trung Quốc cách mạn trái của tàu BRP Teresa Magbanua vài mét trước khi đi ngang qua đường đi của tàu Philippines.

Bãi cạn Scarborough cách đảo chính Luzon của Philippines 240 km về phía tây và cách đảo Hải Nam gần nhất của Trung Quốc gần 900 km.

Vụ việc xảy ra hai tháng sau những căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh các rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, với một vụ va chạm giữa tàu của hai nước và tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào các tàu của Philippines.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển và đã phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế rằng những khẳng định của họ không có cơ sở pháp lý.

Trung Quốc triển khai các tàu thuyền để tuần tra tuyến đường thủy tấp nập và xây dựng các đảo nhân tạo mà họ đã quân sự hóa để củng cố các yêu sách của mình.

Các quan chức Trung Quốc và Philippines hồi tháng trước đã nhất trí về sự cần thiết phải đối thoại chặt chẽ hơn để giải quyết “các trường hợp khẩn cấp hàng hải” trên tuyến đường thủy này khi căng thẳng leo thang.


***********
voatiengviet.com

Thủ tướng Ba Lan nói không gì có thể thay thế được quan hệ của châu Âu, NATO và Mỹ

Reuters

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói hôm 12/2 rằng không có sự thay thế nào cho mối quan hệ đối tác giữa Châu Âu, NATO và Hoa Kỳ trong việc đối mặt với những rủi ro an ninh ngày càng gia tăng, trong khi lo ngại ngày càng gia tăng về việc Washington rút lui.

Ông Tusk đến Paris như một phần của chuyến công du mà ông còn tới Berlin để mưu tìm mối quan hệ chặt chẽ hơn với hai cường quốc lớn nhất châu Âu trong khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ ba và các thủ đô của châu Âu để mắt đến khả năng Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Ông Trump đã gây ra sự phẫn nộ của các đối tác phương Tây vào cuối tuần, sau khi cho rằng Hoa Kỳ có thể không bảo vệ các đồng minh NATO khỏi một cuộc xâm lược tiềm tàng của Nga vì các nước này không chi tiêu đủ cho quốc phòng.

"Không có sự thay thế nào cho EU, NATO, hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Châu Âu phải trở thành một lục địa an toàn, và điều này có nghĩa là Liên minh châu Âu, Pháp và Ba Lan phải trở nên mạnh mẽ và sẵn sàng bảo vệ biên giới của chính họ cũng như bảo vệ và hỗ trợ các đồng minh của chúng ta và những người bạn bên ngoài Liên minh”, ông Tusk nói trong tuyên bố chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Warsaw, Paris và Berlin coi sự thống nhất của EU về quốc phòng và việc tăng cường hỗ trợ của 27 quốc gia thành viên dành cho Ukraine là rất quan trọng vào thời điểm sự ủng hộ của Mỹ đối với Kyiv đang dao động trong bối cảnh có đấu đá chính trị nội bộ ở Washington.

Một nguồn tin chính phủ Ba Lan cho biết: “Châu Âu phải cùng nhau hành động… Đây là vấn đề trả lời câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Trump thắng cử. Chúng tôi không có thời gian. Chúng tôi phải có năng lực công nghiệp quốc phòng lớn hơn”.


**********
voatiengviet.com

Tổng thống Israel, Thủ tướng Palestine tham dự Hội nghị An ninh Munich

Reuters

Tổng thống Israel Isaac Herzog và Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh nằm trong số hàng trăm quan chức cấp cao sẽ tham dự Hội nghị An ninh Munich trong tuần này, chủ tịch Hội nghị Christoph Heusgen cho biết hôm 12/2.

Hội nghị diễn ra khi cuộc chiến ở Dải Gaza giữa Israel và nhóm chiến binh Palestine Hamas, trong đó hơn 28.000 người Palestine và khoảng 1.430 người Israel đã thiệt mạng, bước sang tháng thứ năm và chưa có hồi kết.

Ông Shtayyeh là một phần của Chính quyền Palestine có trụ sở tại Bờ Tây mà Israel chiếm đóng. Không rõ liệu ông và ông Herzog có gặp nhau hay không.

Ông Heusgen cho biết, cuộc chiến Israel-Hamas, cuộc xâm lược Ukraine của Nga và các cuộc xung đột ở vùng Sừng châu Phi sẽ chi phối hội nghị diễn ra tại thành phố Munich nằm ở phía nam nước Đức từ thứ Sáu đến Chủ nhật tuần này và có sự tham dự của giới tinh hoa quốc phòng và an ninh thế giới.

Ông Heusgen cho biết, tương lai của NATO và quốc phòng châu Âu cũng sẽ là một chủ đề lớn.

Ông Heusgen cũng cho biết rằng các con tin Israel được trả tự do và người thân của các con tin Hamas cũng sẽ tham gia vào một sự kiện bên lề hội nghị.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres sẽ khai mạc hội nghị. Những người tham dự khác bao gồm Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, chủ tịch ủy ban EU Ursula von der Leyen và các lãnh đạo chính phủ của Lebanon, Qatar và Iraq, ông nói thêm.

Ngoại trưởng Nhóm G7 gồm các nước dân chủ giàu nhất thế giới sẽ tổ chức một cuộc họp bên lề.


************
voatiengviet.com

Tòa án Nga ra trát bắt vắng mặt người phát ngôn của Meta

Reuters

Một tòa án ở Moscow hôm 12/2 cho biết họ đã ra trát bắt vắng mặt người phát ngôn của Meta Andy Stone trong hai tháng để chờ xét xử về một số tội danh liên quan đến khủng bố.

Meta đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters, trong khi ông Stone từ chối bình luận.

Nga ngày càng trở nên thù địch với Meta sau khi Moscow đưa quân vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Các nền tảng xã hội chính của Meta - Facebook và Instagram - đều bị cấm ngay sau khi xung đột bắt đầu và Meta sau đó bị kết tội có "hoạt động cực đoan" ở Nga.

Bộ Nội vụ Nga đã mở cuộc điều tra hình sự đối với ông Stone vào cuối năm ngoái mà không tiết lộ cáo buộc cụ thể.

Tòa án quận Basmanny của Moscow hôm 12/2 cho biết rằng Stone đã bị buộc tội "thúc đẩy các hoạt động khủng bố, kêu gọi công khai các hoạt động khủng bố, biện minh công khai cho khủng bố hoặc tuyên truyền khủng bố và kêu gọi công khai các hoạt động cực đoan".

Tòa án cũng cho biết rằng ông Stone đã bị đưa vào danh sách truy nã cả ở Nga và quốc tế.

Vào tháng 3 năm 2022, ủy ban điều tra Nga cho biết họ đã mở một cuộc điều tra hình sự về "các hành động bất hợp pháp của nhân viên Meta" và đề cập đến ông Stone, nói rằng ông đã "dỡ bỏ lệnh cấm kêu gọi bạo lực chống lại quân đội Nga trên nền tảng của mình" và do đó đang kích động. hoạt động cực đoan.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn