"Đoạn Tuyệt" của Nhất Linh được chuyển thể thành nhạc kịch ở Paris

Thứ Sáu, 08 Tháng Ba 20242:00 CH(Xem: 448)
"Đoạn Tuyệt" của Nhất Linh được chuyển thể thành nhạc kịch ở Paris

rfi.fr

"Đoạn Tuyệt" của Nhất Linh được chuyển thể thành nhạc kịch ở Paris

Thanh Phương

Sau hai vở nhạc kịch Lục Vân Tiên ( 2019 ) và Kiều ( 2022 ), vào ngày 21/04/2024, nghệ sĩ Trúc Tiên, sáng lập viên nhóm Cội Nguồn, sẽ giới thiệu đến khán giả Paris một vở nhạc kịch đàn ca tài tử khác, có tựa đề "Đoạn Tuyệt", do chính cô chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhất Linh (1906-1963).

Được Nhất Linh sáng tác vào năm 1934, "Đoạn Tuyệt" nói về thân phận của Loan, một cô gái được theo Tây học nên tư tưởng không muốn bị ràng buộc bởi những giáo điều, hủ tục xưa. Cô và Dũng yêu nhau, nhưng bố mẹ lại ép gả Loan cho Thân, một chàng trai giàu có, nhưng thất học, tầm thường, con của bà Phán Lợi, một người đàn bà khó khăn, đầy những định kiến hẹp hòi. 

Những tháng ngày làm vợ là chuỗi ngày Loan chìm trong ác mộng bởi sự đay nghiệt từ Thân và bà Phán Lợi. Sau khi bị sảy thai và không thể có con được, Loan buộc phải chấp nhận để Thân lấy vợ lẽ. Chưa được yên, Loan vẫn bị Thân hành hạ và trong một lần cãi nhau cô vô tình giết Thân. Loan bị bắt và mẹ Loan cũng qua đời. Không lâu sau cô được tòa cho về, nhưng phải bán nhà để trả nợ cho bà Phán Lợi. Hóa ra bố mẹ Loan năm xưa ép gả cô chỉ vì họ thiếu nợ bà Phán Lợi. Cũng ngay lúc này Dũng tìm gặp lại Loan để nối lại tình xưa.

Vở nhạc kịch đàn ca tài tử "Đoạn Tuyệt" sẽ được trình diễn tại nhà hát Jacques-Higelin, 4 rue Félibien 75006 Paris

Métro Ligne 10 • Mabillon ou Odéon/ Ligne 4 • Odéon

RER Ligne B, C • Saint-Michel Notre-Dame

Đây sẽ là vở kịch song ngữ Việt-Pháp, tức là có phụ đề tiếng Pháp cho các khán giả người Pháp. 

Trong phần tạp chí hôm nay, chúng tôi xin mời quí theo dõi bài phỏng vấn nghệ sĩ Trúc Tiên về vở kịch này:

RFI: Sau các vở nhạc kịch dựa theo các tác phẩm văn học cổ điển như "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu hay Truyện "Kiều" của Nguyễn Du, nay Trúc Tiên chuẩn bị cho một vở nhạc kịch khác dựa theo một tác phẩm văn học thời Tự Lực Văn Đoàn. Vì sao Trúc Tiên chọn “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh?

Trúc Tiên: Nhất Linh viết Đoạn Tuyệt năm 1934, vào thời mà xã hội Việt Nam còn phong kiến, nhưng đã bắt đầu có sự giao lưu văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Cuộc giao lưu văn hóa nào cũng mang lại cho con người nhiều hiểu biết, nhưng cũng gây ra không ít những phức tạp. Trúc Tiên còn nhớ cái thời Tây học đó thường được người ta ví là thời « Mưa Âu gió Mỹ » ;  « Cũ mới tranh nhau », hay « Á Âu xáo trộn ». "Đoạn Tuyệt" của Nhất Linh mang hơi thở của thời đại mới đó. Trong "Đoạn Tuyệt", Nhất Linh phơi bầy sự bất công của xã hội, nêu ra tư tưởng giải phóng phụ nữ.

RFI: Qua vở nhạc kịch này, phải chăng Trúc Tiên cũng muốn gởi gắm một thông điệp về thân phận phụ nữ, ngay cả vào thời bây giờ vẫn còn có những trường hợp như nhân vật chính trong "Đoạn Tuyệt"?

Trúc Tiên: Thưa đúng vậy. Chắc cũng như Trúc Tiên, anh Thanh Phương đã từng nghe bà cố, bà nội, bà ngoại, má… mình kể về  “thân phận làm dâu” thời phong kiến xưa, chuyện mẹ chồng ác nghiệt với nàng dâu, xem con dâu như người ở. Thường mình hay ngẫm chuyện xưa để nhớ chuyện nay.

Trúc tiên đã đọc "Đoạn Tuyệt" hồi bé, nhưng mỗi lần đọc  thì lại ngẫm ra một thông điệp khác nhau. Tuần vừa rồi, Trúc Tiên đọc báo thấy họ kể về thân phận của những người phụ nữ trên thế giới mà buồn, vì hiện tại nhiều phụ nữ vẫn chưa được tự do như mình nghĩ. Trong "Đoạn Tuyệt", Nhất Linh để lại cho người phụ nữ hai chữ "tự do": tự do đi học, tự do chọn một công ăn việc làm, tự do yêu đương, tự do chọn cho mình một tấm chồng, khác với câu ca dao:

"Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài cát, hạt ra ruộng cày"

Chúng ta ở đầu thế kỷ 21, còn bao nhiêu phụ nữ nữa trên thế giới chưa đạt được hai chữ tự do đúng nghĩa của nó, phải không anh ?

Nghệ sĩ Trúc Tiên trong phòng thâu của RFI ngày 06/03/2024.
Nghệ sĩ Trúc Tiên trong phòng thâu của RFI ngày 06/03/2024. © Thanh Phương/RFI

RFI: Với chủ đề đó, Trúc Linh đã chuyển thể tiểu thuyết "Đoạn Tuyệt" thành nhạc kịch đàn ca tài tử. Như vậy là Trúc Tiên vẫn muốn giữ đường hướng mình đã chọn, tức là duy trì bộ môn nghệ thuật này. Nhưng việc chuyển thể có khó khăn lắm không? Trong khi nếu chỉ chuyển thành kịch nói thì có thể dễ hơn? Phần diễn viên đóng các vai chính sẽ bao gồm những ai? Có nghệ sĩ nào từ Việt Nam?

Trúc Tiên: Trúc Tiên dựng nhạc kịch đàn ca tài tử, nên ngoài phần thoại kịch sẽ có phần hát và diễn. Đàn ca tài tử bao gồm những cổ khúc từ nhã nhạc cung đình đến những bài tân nhạc hiện tại. Phần nhạc cổ Trúc Tiên phổ theo nền nhạc đàn ca tài tử miền nam những điệu như nam xuân, xàng xê, kim tiền bản,phụng hoàng,…, để nhắc lại cho các bác, các anh chị nhớ những thể loại nhạc cổ của Việt Nam mình.

Phần tân nhạc thì có những sáng tác của những nhạc sĩ hải ngoại, như anh Ngô Càn Chiếu, anh Đinh Dũng, chị Trang Thanh Trúc, anh Văn Duy Tùng, anh Vũ Hạ.

Phần diễn viên thì tất cả các anh chị diễn viên đều ở Pháp. Riêng 2 anh đàn cổ nhạc thì Trúc Tiên mời từ Việt Nam sang, vì bên này hiếm có người đàn thông thạo những dòng nhạc đàn ca tài tử cổ. Năm nay « gánh hát nhỏ » của Trúc Tiên hân hạnh được anh chị nghệ sĩ cải lương Minh Tâm và Tài Lương đóng chung, góp phần lớn trong vở kịch. Quý khán giả sẽ gặp lại Đình Đại, Linh Quang, Tố Lan, Kim Hoa, Mỹ Dung, Ngọc Phượng, Văn Đệ, những người đã đóng trong các vở nhạc kịch "Lục Vân Tiên" và "Kiều".

Năm nay có thêm Mộng Trang, Đức Tùng, Thu Hồng, nhóm múa Johnny Tuấn…sẽ giúp tụi em trong vở kịch đó. Còn một khách mời nữa rất đặt biệt, mà Trúc Tiên đang cố gắng thuyết phục để mang đến một sự nghạc nhiên thú vị cho quý khán giả Paris.

RFI: Quá trình tập dợt của đoàn kịch diễn ra như thế nào? Do cuộc sống bên Pháp nói chung và ở Paris nói riêng, nên chắc là rất khó tập hợp các diễn viên cùng một lúc để tập dợt với nhau? 

Trúc Tiên: Dạ phải. Cái khó của các anh chị trong nhóm là không chuyên nghiệp, nghĩa là không ai sinh sống bằng nghề đi hát. Ai cũng có công việc riêng, chỉ có thể tập dợt với nhau lúc cuối tuần, nhất là những cuối tuần rãnh rỗi. Cuối tuần thì các anh chi cũng thường bận rộn con cái, có nhiều anh chị cũng đã là ông nội, bà ngoại rồi, cho nên rất là bận. Cái khó khăn của tụi em là tập hợp hết mọi người để tập, tập rất nhiều, tập rất khó, cả năm nay rồi!

RFI: Tổ chức cho một chương trình ca nhạc kịch như vậy không phải đơn giản, chi phí rất tốn kém, nhất là tiền mướn rạp trong Paris rất đắt. Làm sao Trúc Tiên có thể dựng được vở kịch này mà không bị "lỗ". Nhóm của Trúc Tiên được hỗ trợ tài chính nào không?

Trúc Tiên: Không bị lỗ chắc là không có. Lúc nào cũng phải bỏ thêm một chút. Các anh chị nào đã từng tổ chức những chương trình văn hóa ở Paris đều biết việc mướn được một khán phòng vừa có âm thanh, ánh sáng, chổ ngồi tốt, mà vừa túi tiền là một đòi hỏi gần như không thể đạt được.

Vì mong muốn cho quý khán giả có được một khán phòng thoải mái, cho các anh chị em trong nhóm có được một sono ( dàn âm thanh ) tốt, vì công khó bõ ra tập cả năm, mà hát khán giả  không nghe được thì buồn lắm ạ. Nên năm nay Trúc Tiên dồn budget ( ngân sách ) vào salle ( khán phòng ).

Cũng may cho nhóm Cội Nguồn là có một số đông quý khán giả đã từng đi xem những nhạc kịch Đàn Ca Tài Tử "Lục Vân Tiên" và "Kiều" nên tin tưởng và đặt mua vé sớm từ tháng 10 năm ngoái. Ngoài ra có những anh chị đã hỗ trợ thêm tiền cho hội của Trúc Tiên, nhờ vậy Trúc Tiên có tiền để đặt cọc salle và trang trải những chi phí khác.

RFI: Xin cám ơn Trúc Tiên đã dành thời gian cho bài phỏng vấn và xin chúc vở nhạc kịch đàn ca tài tử "Đoạn Tuyệt" gặt hái thành công.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn