Truyện “Kẻ Sống Đã Chết” của Dương Nghiễm Mậu, một trải nghiệm qua hai không gian
Liễu Trương
Kẻ Sống Đã Chết là truyện dài cuối cùng của Dương Nghiễm Mậu viết xong tháng 10 năm 1971, Giao Điểm xuất bản năm 1972, tức gần cuối thời Miền Nam. Trong khi chiến tranh ngày càng khốc liệt thì tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu đưa người đọc trở về thời điểm 1954, khi đất nước vừa bị chia đôi, gây nên một phong trào di cư từ Bắc vào Nam làm đau lòng kẻ ở người đi. Qua những truyện dài, truyện ngắn, bút ký, Dương Nghiễm Mậu luôn sống với thời cuộc, luôn hoà mình với thân phận con người đối diện với lịch sử.
Kẻ Sống Đã Chết là cuộc hành trình của một con người cô đơn mang một tâm trạng khắc khoải, hoang mang trước một tương lai mờ mịt do những biến cố lịch sử gây nên.
I) Nội dung truyện
Phần I: Nhân vật chính trong truyện là một thanh niên tên Hữu. Vào thời kháng chiến, gia đình Hữu rời Hà Nội đi tản cư ở Phú Thọ. Hữu vào bộ đội, cha mẹ Hữu chết vì bom đạn, đứa em gái tên Lan Khanh được một gia đình quen biết, ông bà Lê Văn Hoan, nhận làm con nuôi và đưa về thành cho ăn học. Hữu phấn khởi tham gia những trận chiến ác liệt và trở thành người anh hùng Điện Biên. Năm 1954, khi đất nước bị chia đôi, Hữu được lệnh về thành hoạt động. Công tác của Hữu là ngăn chặn đồng bào di cư vào Nam và tổ chức chuẩn bị đón tiếp bộ đội về thành tiếp thu. Về đến Hà Nội, Hữu gặp Thu nơi nhà người quen, có dịp dạo chơi với Thu và trò chuyện vui vẻ. Hữu nói với mọi người về thành cũng để tìm người em gái tên Lan Khanh. Về sau Hữu phát hiện Thu chính là Lan Khanh, em gái mình, xa nhau đã 10 năm. Thu ngỡ ngàng, xúc động trước hoàn cảnh mới, cứ tưởng ông bà Hoan là cha mẹ mình, nên hết lòng thương yêu ông bà. Nhưng Thu chưa biết hết sự thật mà Hữu không tiết lộ: Thu là em nuôi của Hữu. Khi xưa bố mẹ của Hữu là bạn của bố mẹ Thu. Bố của Thu làm chính trị bị đày đi Côn Đảo và chết ở đấy. Ở nhà mẹ Thu đau yếu cũng chết. Bố mẹ Hữu bèn đem Thu về nuôi. Thế là Thu được làm con nuôi hai lần.
Khi về công tác trong thành, Hữu tưởng sẽ gặp lại một thành phố Hà Nội mà mình hằng mong nhớ, không ngờ phải mục kích một bầu không khí xôn xao, mọi người đều lo lắng, tính chuyện «Đi Nam», và sống cảnh kẻ ở người đi.
Hữu ghé thăm ông Giáo, vị thầy cũ và cũng là bạn của bố Hữu. Phúc người con trai ông Giáo, bạn đồng đội của Hữu, đã hy sinh trong một trận đánh. Trước kia ông Giáo cùng với bố Hữu tranh đấu trong kháng chiến, rồi bất thình lình ông Giáo và gia đình lẳng lặng trở về thành, ông Giáo dạy học, viết sách, không còn làm chính trị nữa. Ông Giáo tin cho Hữu biết ông sẽ đi Nam. Về thành Hữu tưởng thiên hạ sẽ vui mừng vì chiến thắng, nhưng không, nên Hữu có cảm tưởng có nhiều điều mình không hề biết, Hữu hỏi ông Giáo lý do ông định đi Nam. Ông Giáo nói có cuộc tranh chấp Quốc Cộng, việc đi Nam là cơ hội để người Quốc Gia yêu nước không cộng sản chứng tỏ rằng có một con đường tranh đấu khác cho đất nước. Hữu không ngờ tình hình nghiêm trọng đến thế.
Rồi Hữu đến nhà ông Trâm để đưa cho ông bản thảo tập thơ của ông Nguyễn, người chọn ở lại Khu, để ông Trâm giao lại cho một người bạn với hy vọng sẽ được phổ biến về sau. Trước kia ông Trâm ở Khu, ông được lệnh vào thành hoạt động trí vận: chủ trương một tờ báo văn học, xuất bản những tác phẩm có lợi cho kháng chiến. Nhưng rồi ông Trâm lên tiếng tố cáo chủ nghĩa Mác xít. Ông bị khai trừ và bị án tử hình vắng mặt. Đã có mấy vụ ám sát hụt ông Trâm. Ông cho Hữu biết ông sắp đi Nam. Hữu thắc mắc hỏi ông vì lý do gì ông thay đổi lập trường. Ông Trâm trả lời: Tôi ra khu với chính nghĩa rõ rệt: đánh Tây giải phóng dân tộc. Khi chính nghĩa này bị phản bội thì tôi phải hành động. (tr. 67-68)
Khi Hữu trở về căn gác, một người lạ mặt của tổ chức vặn hỏi Hữu một cách nghiêm khắc, ông ta nhận xét Hữu làm công tác một cách lơ là, và hỏi người con gái (tức Thu) đi với Hữu là ai, tại sao Hữu đến gặp ông Trâm. Sau đó Hữu bị rút công tác và bị giam lỏng ở ngoại ô Hà Nội. Tình cờ người phụ nữ lo cơm nước cho Hữu là chị Thanh, chị nuôi của Hữu. Chị Thanh giúp Hữu trốn thoát và chỉ đường cho Hữu để trở vào Hà Nội. Khi Thu và ông bà Hoan thấy Hữu trở về, họ mừng rỡ và tin Hữu biết có người của phòng nhì Pháp tìm kiếm Hữu để giúp Hữu vì Hữu đang bị nguy. Hữu biết tổ chức đang truy lùng mình, mà Hữu cũng không muốn theo người của công an Pháp. Bị kẹp giữa đôi bên, Hữu đi tìm ông Trâm nhờ ông tìm cho một nơi để ẩn trốn. Không những ông Trâm giúp Hữu trốn thoát ông còn giúp Hữu đi Nam với Thu. Mọi việc đã sẵn sàng, Hữu và Thu chỉ việc lên đường.
Qua Phần II của truyện, Hữu và Thu đã đến Sài Gòn. Nhưng ngay từ đầu Hữu bị bắt giam trong hai năm vì bị tình nghi, Hữu lại bị bệnh lao. Còn Thu đã lập gia đình với một thanh niên tên Nhật có cha mẹ ở Thủ Dầu Một, làm chủ vườn cây ăn trái. Khi ra khỏi tù, Hữu viết truyện đăng báo ở Sài Gòn để sinh sống. Vợ chồng Thu thường về thăm Hữu, đưa Hữu lên Thủ Dầu Một chơi. Thu khuyến khích anh mình viết, nhất là viết hồi ký, dự định này Hữu đã có từ hồi ở Hà Nội. Rồi Thu sinh con đầu lòng, xin Hữu đặt tên cho đứa con. Hữu nói để suy nghĩ, nhưng cuối cùng bảo vợ chồng Thu hãy tự chọn tên cho con. Ông Trâm cũng đến thăm Hữu và đề nghị Hữu tham gia vào hoạt động văn hóa chống Cộng của ông, nhưng Hữu không đồng ý với ông. Sức khỏe của Hữu ngày càng sút kém, bác sĩ bảo Hữu bị bệnh tâm thần. Một buổi sáng Thu về thăm Hữu, thấy Hữu ngồi đọc sách, Thu đến gần, hóa ra Hữu đã chết, trong phòng Hữu có nhiều giấy xé vụn rơi rớt khắp nơi.
II) Tâm trạng một con người yêu nước, hết lòng dấn thân
Đối với người dân Việt Nam, nửa đầu thế kỷ 20 là một thời kỳ loạn lạc với cuộc chiến chống Pháp, với những tranh chấp, những đảo lộn chính trị. Vừa sắp thoát khỏi xiềng xích thực dân Pháp thì chịu sự xâm nhập của hệ tư tưởng Mác-xít, rồi đất nước bị chia đôi. Trước một tình huống nan giải như thế, một người trai trẻ giàu lòng yêu nước, đầy nhiệt huyết, biết dựa vào đâu để có đủ sáng suốt mà chọn lựa con đường dấn thân? Đó là hoàn cảnh của Hữu trong truyện Kẻ Sống Đã Chết.
Dưới mắt Thu, người em gái, Hữu là một người khó hiểu. Hữu có Khuôn mặt vuông, những nét thẳng trên mặt, má hóp lại và nước da xanh vẻ bệnh nhưng đôi mắt sáng ngời đầy vẻ thông minh, nụ cười lúc nào cũng như đậu trên môi một vẻ buồn nhẹ giấu kín. (tr. 24) Hữu ít nói, chỉ lắng nghe mọi người và che đậy những ý nghĩ của mình sau cách nói dí dỏm. Khi được hỏi về công tác thì Hữu mỉm cười, lảng sang chuyện khác.
Sự thật, Hữu là con người đa cảm, sống về nội tâm nhiều hơn. Tình thương Hà Nội rất sâu đậm: Ngày ở chiến khu, những lúc nhớ Hà Nội, Hữu thường không giấu được mong ước một ngày trở về sống trong thành phố thân yêu mình đã được sinh ra, lớn lên với những ngày thơ ấu hồng… Nhưng khi về đến Hà Nội, trước cảnh đông đảo người ra đi, thành phố ngày càng trống vắng. Bây giờ, gần mười năm sau, trở về một Hà Nội bàng hoàng, ly tán và ngậm ngùi như phảng phất tiếng thở dài lạnh buốt. Hữu lắng nghe trong im lặng tiếng nói thầm thì của một thành phố quê hương trong đêm tối… (tr. 42)
Và tâm hồn đa cảm của Hữu hướng về cái đẹp của văn chương, văn chương làm đẹp cho đời sống. Khi đi cùng với Thu trong thành phố Hà Nội, một cơn gió se lạnh thổi từ Hồ Gươm, Hữu bèn đọc thầm mấy câu thơ của Nguyễn Đình Thi: Sớm mát như sớm năm xưa, Gió thổi mùa thu hương cốm mới, Cỏ vàng xanh mãi dấu chân em, Gió thổi mùa Thu vào Hà Nội, Lá vàng xao xác heo may, nắng theo ngõ vắng, thềm cũ, lối ra đi lá ngập đầy… (tr. 34) Hữu trao đổi với Thu về nhân vật Dũng trong tiểu thuyết Đôi Bạn, nghĩ đến nhân vật Trương trong tiểu thuyết Bướm Trắng. Văn chương dường như làm nền cho những suy nghĩ của Hữu. Khi đã vào Nam, Hữu bắt đầu nghĩ đến việc viết hồi ký, Hữu ôn lại quá khứ, nhớ lung tung không thứ tự, nhớ khi vượt Rừng Ngang, khi ở nhà ông bà Hoan đường Nhà Thương Khách ở Hà Nội, nhớ khi thoát khỏi nhà giam lỏng, đi xe điện từ Ô Cầu Giấy về Hà Nội, nhớ tiếng bom đạn, nhớ cảnh người bạn đồng đội hấp hối và những ngày tung mình lên chung quanh khu lòng chảo Điện Biên. Bỗng một câu hỏi chợt đến với Hữu: Ta đã làm gì đời ta? (tr. 172) Câu hỏi này làm liên tưởng đến câu thơ của Vũ Hoàng Chương: Ôi ta đã làm chi đời ta, trong bài thơ Đời tàn ngõ hẹp.
Con người đa cảm, lãng mạn đó lại có tính anh hùng. Khi phải chiến đấu chống Pháp, Hữu không ngần ngại cầm súng ra chiến trường và trở thành người anh hùng Điện Biên. Khi bị tổ chức giam lỏng: (…) chàng nhớ tới những ngày đầu vào bộ đội, những ngày công tác, những đêm chong mắt tỉnh thức với trận chiến cuối cùng và bao tin tưởng hào hùng như ngọn lửa đỏ rực rỡ một bình minh… (tr. 94) Khi nhận công tác, Hữu về thành phố với một tâm hồn của kẻ chiến thắng, mọi việc đều rõ ràng, đơn giản. Đối với Hữu, những vấn đề lớn đều được giải thích cặn kẽ, ví dụ: tại sao không thừa thắng xông lên để có nguyên một đất nước độc lập thay vì chấp nhận sự chia đôi lãnh thổ? Hữu trả lời như đã được huấn thị: để tiết kiệm xương máu, dù sao hai năm nữa sẽ có tổng tuyển cử, đất nước sẽ thống nhất. Nhưng về đến nơi, kẻ chiến thắng bất ngờ đối diện với một thực tế phũ phàng.
III) Một trải nghiệm qua hai không gian
Nghệ thuật xây dựng truyện, ngoài yếu tố nhân vật, còn dựa vào hai yếu tố thời gian và không gian. Trong Kẻ Sống Đã Chết, không gian tức Hà Nội trong Phần I, miền Nam trong Phần II, mang dấu ấn của thời gian, tức lịch sử.
Có hai không gian trong truyện: một không gian của tỉnh mộng và một không gian của cái chết.
1/ Không gian của tỉnh mộng
Khi Hữu về Hà Nội để làm cái công tác được giao phó là – như đã nói trên – ngăn cản người dân đi Nam và tổ chức chuẩn bị để bộ đội vào thành tiếp thu, thì Hữu đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Ngỡ ngàng thứ nhất là không thấy ai vui mừng về chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngỡ ngàng thứ hai là số người đi Nam đông đảo, lại có những người đi Khu về cũng đi Nam. Hai tiếng «Đi Nam» hầu như ám ảnh mọi người.
Khi đến thăm ông Giáo và được biết ông sắp đi Nam, Hữu muốn biết lý do sự ra đi của ông. Nhờ sự giải thích của ông Giáo, Hữu được biết con đường tranh đấu của cộng sản không phải là con đường duy nhất, có một con đường khác của những người quốc gia không cộng sản, yêu nước và tranh đấu cho đất nước. Đi Nam là chọn con đường này. Ông Giáo cũng có một nhận xét về thế hệ của Hữu: … lớp tuổi các anh được làm thành bởi ba khuynh hướng văn chương, một chút Tự Lực, một chút Lê Văn Trương, một chút Hàn Thuyên, một con người lãng mạn cá nhân, anh hùng và xã hội…, những thứ mà tự nó đã mâu thuẫn, các anh không thể là người Mác-xít được, có chăng chỉ là người đầu hàng Mác-xít, như cánh bèo các anh sẽ trôi giạt từ tả sang hữu…
Từ giã ông Giáo ra về, lòng Hữu nặng trĩu.
Rồi Hữu đến thăm ông Trâm, ông cũng dự định đi Nam, ông còn giúp thêm nhiều người cùng đi với ông. Cũng như đối với ông Giáo, Hữu tò mò muốn biết lý do sự quyết định của ông Trâm. Như đã nói trên, ông Trâm cho biết: Chính Nghĩa của ông trước sau như một: đánh Tây để giành độc lập, một khi chính nghĩa bị bóp méo, bị phản bội, thì ông rút lui.
Sau khi gặp ông Giáo và ông Trâm, lòng trí của Hữu bị lung lay, Hữu cảm thấy hoang mang, không còn biết đường hướng. Rồi với sự truy nã của tổ chức, Hữu cảm thấy mình như một tử tù, như có cái vung chụp xuống đời mình và bị bắt buộc phải có một quyết định. Đi Nam. Hai tiếng ấy dội lên nhiều xót xa. Hữu phân vân, tự hỏi: đi hay ở? Đi hay ở, Hữu đều không muốn. Cả hai đều là những điều không may. Chàng muốn một đời sống khác. (tr. 108). Nhưng rồi Hữu cũng phải lên đường, rời xa Hà Nội. Hà Nội ngày nào rực rỡ một thơ ấu vẫn còn đó với đôi ba dấu vết đổi thay nhưng vẫn đầy thân yêu (…). Sống tại quê hương, nơi mình đã được sinh ra, lớn lên, đối với Hữu thực sự là một ơn phước lớn lao. Bây giờ Hữu nghe mình rời rã. (tr.131-132)
Một chi tiết đáng chú ý: mưa nhiều trong thành phố Hà Nội khi Hữu đi qua các phố một mình hay khi cùng đi với Thu. Hà Nội khóc chăng trước cảnh ly biệt?
Ngồi trên xe đi Gia Lâm, Hữu nhìn lần cuối Hà Nội với bờ hồ, phố Lò Sũ, Hàng Vôi, Cột Đồng Hồ… Hà Nội nhỏ dần lại phía sau. Thế là hết, Hà Nội thân yêu và cũng là không gian nơi Hữu đã tỉnh mộng.
2/ Không gian của cái chết
Nếu không gian Hà Nội được miêu tả tỉ mỉ với những khu phố, những trạm xe điện, Đền Ngọc Sơn, Nhà Hát Lớn, v.v… thì không gian Sài Gòn rất lu mờ, người đọc không thấy rõ Sài Gòn, chỉ biết đó là một nơi chốn ồn ào. Nói tóm lại, Sài Gòn như không có thật. Sài Gòn như một không gian bị Hữu từ chối, không nhìn nhận. Hữu và Thu vào Nam đã mấy năm thế mà Hữu nói: Anh thấy như mình mới dời Hà Nội hôm qua hôm kia gì, có lẽ vì từ hồi đó tới nay anh không có điều gì để nhớ nữa. (tr. 155) Và trong cái không gian Sài Gòn mập mờ đó có nhiều dấu hiệu của cái chết. Mới đặt chân đến Sài Gòn, Hữu đã bị bắt giam trong hai năm. Bị giam tức không được sống giữa mọi người, không biết sự sống là gì. Hữu lại bị bệnh lao, căn bệnh này dễ đưa đến cái chết.
Khi ra khỏi nhà tù, Hữu dường như tự thu mình vào đời sống nội tâm, xa cách với ngoại giới. Hữu từ chối không tham gia những hoạt động chống cộng của ông Trâm, từ chối niềm vui đặt tên cho đứa con của Thu, từ chối để lại hồi ký, vì khi Hữu chết có nhiều trang giấy bị xé vụn; hồi ký như không cần thiết nữa vì Những vấn đề của đời chàng, của một thế hệ đã qua chừng như không còn là vấn đề của thế hệ kế tiếp… (tr. 164)
Tâm hồn của Hữu như bị biến đổi hoàn toàn, bị cắt đứt với quá khứ. Về việc đặt tên cho đứa cháu, lúc đầu Hữu nghĩ đến những cái tên lớn lao: Trường Chinh, Ái Quốc, những tên gọi gợi lên một ý nghĩa, như khẳng định một con đường, nhưng sao những tiếng ấy đối với chàng nay không còn ý nghĩa nữa, như dấu tích một thời mà chàng không muốn nhắc đến… (tr. 180)
Trong thời gian bị giam cầm, khi nghĩ đến những gì đã xảy đến cho đời mình, tâm trạng Hữu rã rời và Hữu ý thức không riêng gì mình mà cả một thế hệ đã điêu đứng: Những lựa chọn khắc nghiệt, những ngộ nhận chừng như đã choáng ngợp cả đời sống chàng, có lẽ không phải một mình Hữu, cả một thế hệ phải trải qua những gian truân, tan hoang, không hoàn hảo, mọi điều như một cái gì dở dang không thành, chừng như cả những người đã chết đi.
Hữu đã tỉnh mộng, đã xóa bỏ quá khứ, và trước khi thật sự từ giã cõi đời, tâm hồn Hữu đã chết cùng với ảo tưởng.
Trong truyện Kẻ Sống Đã Chết, Dương Nghiễm Mậu vẽ lên hai không gian mâu thuẫn, để nói lên sự sụp đổ của một niềm tin, khi con người bị rơi vào những đảo lộn của lịch sử.
Liễu Trương