‘Chủ quyền’ trên Biển Đông: Trung Quốc nói mãi thì ai cũng tin?

Thứ Hai, 17 Tháng Bảy 20233:00 SA(Xem: 785)
‘Chủ quyền’ trên Biển Đông: Trung Quốc nói mãi thì ai cũng tin?
voatiengviet.com

‘Chủ quyền’ trên Biển Đông: Trung Quốc nói mãi thì ai cũng tin?

VOA Tiếng Việt

Việc đường chín đoạn của Trung Quốc xuất hiện trong các ấn phẩm, sản phẩm văn hóa quốc tế là ‘thủ đoạn tinh vi của Bắc Kinh’ nhằm biến cái không thành có và Việt Nam sẽ gặp khó trong việc đẩy lùi chiến lược tuyên truyền này của Bắc Kinh, một nhà nghiên cứu Biển Đông nói với VOA.

Đường chín đoạn, hay còn gọi là ‘đường lưỡi bò’, là cơ sở Bắc Kinh dùng để tuyên bố chủ quyền với gần như hầu hết Biển Đông và đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ là không có cơ sở pháp lý hồi năm 2016.

Tuy nhiên, đường chín đoạn này lại xuất hiện trong nhiều sản phẩm văn hóa quốc tế, kể cả của Mỹ, khiến giới chức kiểm duyệt Việt Nam phải thận trọng.

Hồi năm 2019, họ đã từng để lọt ‘Abominable’, phim hoạt hình của hãng DreamWorks, và phải đến 10 ngày sau khi phim này được trình chiếu thì họ mới phát hiện và ra lệnh rút nó ra khỏi thị trường, trong khi nhà phát hành CGV bị phạt 170 triệu đồng còn một số quan chức ở Cục Điện ảnh bị khiển trách.

Mới đây nhất, phim ‘Barbie’, sản phẩm của Warner Bros, vốn dự kiến sẽ ra mắt ở Việt Nam kể từ ngày 21/7 cùng thời điểm phát hành trên toàn cầu, đã bị giới chức kiểm duyệt Việt Nam tuýt còi và bị gỡ ra khỏi lịch chiếu của các nhà phát hành phim lớn.

Nguyên do, theo lời ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, được báo chí trong nước dẫn lại là do trong phim Barbie có hình ảnh đường lưỡi bò.

Tháng 3 năm ngoái, ‘Uncharted’, phim hành động phiêu lưu của hãng Sony Pictures, cũng bị Việt Nam cấm chiếu. Trước đó, vào năm 2021, loạt phim trinh thám ‘Pine Gap’ của Úc cũng bị Netflix rút ra khỏi hệ thống ở thị trường Việt Nam vì lý do tương tự.

Cộng đồng quốc tế chấp nhận?

Trao đổi với VOA, ông Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và là nhà nghiên cứu Biển Đông, nói rằng có thể Warner Bros, hãng sản xuất ‘Barbie’, ‘không biết rằng đường lưỡi bò là phi pháp’.

Việc đường chín đoạn của Bắc Kinh xuất hiện ngay cả trong phim ảnh của Hollywood cho thấy ‘Bắc Kinh rất là tinh vi trong việc tuyên truyền cho chủ quyền của họ trên Biển Đông’, ông nhận xét.

“Trung Quốc luôn tìm mọi cách tuyên truyền để tạo ra hình ảnh đường lưỡi bò trong nhiều ấn phẩm khác nhau trên thế giới,” ông nói.

Nhà nghiên cứu này chỉ ra việc các công dân Trung Quốc mang hộ chiếu có in hình đường lưỡi bò sang Việt Nam nhưng không được phía Việt Nam chấp nhận nên không thể thực hiện các giao dịch với các ngân hàng ở Việt Nam.

Ông nhận xét cách làm này của Bắc Kinh là thao túng về tâm lý, vì những điều cho dù sai trái đến đâu mà cứ nói lặp đi lặp lại nhiều lần thì ‘mọi người cũng sẽ tin’.

Một hậu quả nữa là Trung Quốc có thể vận dụng điều này để củng cố thêm yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông, ông chỉ ra.

“Sau này họ sẽ nói rằng ‘Đấy, đường lưỡi bò đã xuất hiện trong rất nhiều ấn phẩm, rất nhiều công trình văn hóa như vậy thì gần như nó đã được phổ biến không ai có ý kiến gì cả, đấy là sự đồng ý của cộng đồng quốc tế đối với đường lưỡi bò,” ông phân tích.

Theo lời ông thì việc này sẽ gây khó khăn cho Việt Nam vì ‘tiềm lực của Việt Nam không mạnh như Trung Quốc’ và ‘Việt Nam chỉ có thẩm quyền trong lãnh thổ của mình nên không thể yêu cầu Warner Bros không được trình chiếu Barbie trên toàn cầu’.

Tuy nhiên, ông cho rằng chính quyền Việt Nam có thể dùng những lập luận pháp lý, nhất là phán quyết của Tòa án quốc tế để ‘lên tiếng một cách rõ ràng’ với Warner Bros rằng ‘những hình ảnh như vậy vi phạm công lý quốc tế, gây ảnh hưởng đến phim nên hãng phim cần cắt bỏ’.

“Làm như vậy là để phòng sau này các hãng phim khác không gặp trường hợp như vậy nữa,” ông Hoàng Việt nói thêm.

“Tôi tin là nếu công bố thông tin này rộng rãi trong công luận quốc tế thì cuối cùng họ cũng hiểu ra, nhất là trong dư luận nước Mỹ vì nước Mỹ luôn có lập trường chống lại yêu sách sai trái của Trung Quốc đối với Biển Đông.”

Mặt khác, Việt Nam cần học theo Trung Quốc là ‘có những chính sách rõ ràng để giúp cho những nhà nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam để họ có những công trình nghiên cứu công bố cho cộng đồng quốc tế biết’.

“Như vậy mới có thể chống lại sức mạnh tuyên truyền của Trung Quốc,” ông nói thêm.

‘Chủ quyền quan trọng’

Một khán giả từ thành phố Hồ Chí Minh nói với VOA với điều kiện giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề cho biết ông ủng hộ quyết định cấm phim Barbie của giới chức kiểm duyệt Việt Nam.

“Bản thân tôi và nhiều người dân đều ủng hộ việc này. Trên mạng xã hội đã có những lời kêu gọi tẩy chay phim Barbie,” ông cho biết.

“Người dân Việt Nam không có gì luyến tiếc khi không xem được những bộ phim bom tấn đó, có cũng được, không có cũng không sao nhưng điều quan trọng nhất là chủ quyền,” ông giãi bày. “Nếu những phim bom tấn đó tiếp tay cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc thì chịu số phận bị tẩy chay thôi.”

Theo lời vị khán giả này thì người Việt dù các tranh cãi với nhau về nhiều vấn đề nhưng khi nói đến bảo vệ chủ quyền biển đảo thì ‘tất cả đều đồng lòng’.

Ông lên án Trung Quốc ‘rất là xảo quyệt’ vì ‘luôn tìm mọi cách để tuyên truyền chủ quyền của họ, thậm chí đối với cả người Việt Nam’.

Ông dẫn chứng phim Trung Quốc ‘Điệp viên Biển Đỏ’ mà ông từng được xem trong rạp ở Việt Nam hồi năm 2018. Theo lời ông thì phim ‘rất hay, rất gay cấn từ nội dung đến hình thức’.

“Phim nói về tàu chiến Trung Quốc đi săn bắt hải tặc, buôn người, buôn ma túy nhưng cảnh cuối cùng lại cho thấy tàu Trung Quốc vào Biển Đông tuyên bố rằng đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc, rồi lại thấy tàu Việt Nam, tàu Philippines phải líu ríu rời đi,” ông kể.

‘Điệp viên Biển Đỏ’ đã ‘chạm đến lòng ái quốc của người dân Việt’, ông nói. Sau đó, trên mạng xã hội ‘đã dậy sóng’ và khán giả Việt Nam ‘chẳng quan tâm đến phim hay phim dở gì cả mà chỉ lên án Trung Quốc tuyên truyền chủ quyền sai trái của họ’.

“Báo chí và người dân lên tiếng thì Cục Điện ảnh mới ra lệnh rút phim xuống,” ông nói và cho rằng lần đó giới chức kiểm duyệt của Việt Nam đã để lọt lưới ‘Điệp viên Biển Đỏ’.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn