chen dudu

Chụp lại hình ảnh,

Chen Dudu bỏ việc trong lĩnh vực bất động sản để về nhà làm "con gái toàn thời gian"

  • Tác giả, Sylvia Chang & Kelly Ng
  • Vai trò, Từ Hong Kong và Singapore

Làm việc quá nhiều và kiệt sức, Julie bỏ công việc người lập trình game ở Bắc Kinh hồi tháng Tư để về làm ‘con gái toàn thời gian’.

Phụ nữ 29 tuổi này hàng ngày rửa bát, nấu ăn cho cha mẹ, và làm các việc vặt trong nhà khác. Cha mẹ Julie trả tiền cho hầu hết các chi phí sinh hoạt hàng ngày của cô nhưng cô từ chối không nhận lương tháng 2000 nhân dân tệ (chừng 280 USD).

Rốt cuộc thì ưu tiên hiện nay của cô là xả hơi sau công việc 16 tiếng một ngày cô từng làm. “Tôi sống như một cái xác biết đi,” cô kể.

Giờ làm việc kéo dài và một thị trường việc làm ảm đạm khiến nhiều người trẻ Trung Quốc có những lựa chọn khác thường.

Julie nằm trong số ngày càng nhiều người trẻ tự nhận là “những đứa con toàn thời gian”, những người trở về nhà vì họ cần nghỉ ngơi sau một giai đoạn làm việc quá sức, hay đơn giản là không kiếm được việc.

Người trẻ Trung Quốc luôn được nhắc nhở rằng nỗ lực họ bỏ ra để học tập và có bằng đại học sẽ được đền đáp. Giờ đây họ cảm thấy bị lừa dối và mắc kẹt.

Hơn một phần năm người trẻ trong độ tuổi 16 tới 24 đang thất nghiệp ở Trung Quốc, và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đang ở mức cao kỷ lục. Theo con số chính thức mới công bố hôm 17/7, con số đó hiện ở mức 21,3% - cao nhất kể từ khi chính quyền bắt đầu công bố số liệu năm 2018. Con số này không tính đến thị trường lao động ở nông thôn.

Nhiều người trong số “những đứa con toàn thời gian” cho biết họ chỉ định ở nhà tạm thời – họ coi đây là một giai đoạn để thư giãn, nhìn lại bản thân và tìm việc tốt hơn. Nhưng nói thì dễ hơn làm.

Julie đã gửi hơn 40 đơn xin việc tới các nhà tuyển dụng trong hai tuần qua – nhưng mới được mời phỏng vấn ở hai nơi. “Thật khó tìm việc trước khi tôi bỏ việc. Sau khi tôi bỏ, lai còn khó hơn,” cô nói.

Kiệt sức, thất nghiệp hay mắc kẹt?

Tình trạng kiệt sức khiến một số người đi làm trở thành “đứa con toàn thời gian” không đáng ngạc nhiên khi ta xét đến cân bằng giữa công việc và cuộc sống nổi tiếng là tệ ở Trung Quốc. Văn hóa làm việc ở nước này thường được nói đến là “996” – mọi người coi chuyện làm việc từ 9 giờ sáng tới 6 giờ tối sáu ngày một tuần là bình thường.

Chen Dudu, cũng là một “con gái toàn thời gian”, bỏ việc ở một công ty môi giới bất động sản hồi đầu năm vì cô cảm thấy ngày một kiệt sức và không được trả lương đúng mức. Cô gái 27 tuổi cho biết cô “gần như chẳng còn gì” sau khi trả tiền thuê nhà.

Khi trở về sống với cha mẹ ở miền nam Trung Quốc, cô Chen cho biết cô “sống như người về hưu” nhưng cô thấy ngày một lo âu hơn. Cô kể cô nghe thấy hai giọng nói khác nhau trong đầu: “Một giọng bảo tôi, hiếm khi được nhàn rỗi thế này, hãy tận hưởng đi. Một giọng khác lại thúc giục tôi nghĩ xem nên làm gì tiếp theo.”

Cô Chen, người sau đó đã bắt đầu kinh doanh riếng, cho biết: “Nếu điều này tiếp tục trong một thời gian dài, tôi có thể sẽ trở thành một kẻ ăn bám.”

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Sinh viên Trung Quốc tại một hội chợ việc làm

Jack Zheng, người gần đây rời Tencent, hãng công nghệ TQ khổng lồ, cho biết anh phải trả lời gần 7000 tin nhắn liên quan tới công việc sau giờ làm việc mỗi ngày. Người đàn ông 32 tuổi coi đây là “làm việc ngoài giờ vô hình” vì anh không được trả lương cho việc này. Cuối cùng, anh bỏ việc vì stress do công việc khiến anh bị viêm nang lông, một bệnh ngoài da do viêm chân lông.

Kể từ đó, anh Zheng đã tìm được một công việc tốt hơn, nhưng anh nói nhiều người anh quen không được may mắn như vậy. Nhiều người cũng phải đối mặt với cái gọi là “lời nguyền tuổi 35” – nhiều người cho rằng các chủ lao động không thích thuê nhân viên trên 35 tuổi – thay vào đó họ thích thuê người trẻ vì “đỡ tốn kém hơn”.

Con dao hai lưỡi phân biệt tuổi tác và cơ hội việc làm ảm đạm là một thách thức cho những người ở độ tuổi giữa 30, phải vay ngân hàng trả tiền nhà hay đang nghĩ đến việc có con.

Tâm lý chán nản cũng không khá hơn trong sinh viên đại học, tới mức có sinh viên cố tình trượt kỳ thi tốt nghiệp chỉ để trì hoãn việc ra trường.

Trong những tuần qua, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập các bức ảnh khác thường thể hiện sự chán chường của sinh viên mới ra trường. Một số ảnh chụp các sinh viên “nằm thẳng cẳng” mặc trang phục tốt nghiệp, che mặt dưới chiếc mũ vuông; một số ảnh khác cho thấy họ giơ bằng tốt nghiệp trên thùng rác, sẵn sàng vứt chúng đi.

Một thời, đi học đại học là điều chỉ có giới tinh hoa ở Trung Quốc theo đuổi. Nhưng từ 2012 tới 2022, tỷ lệ vào đại học tăng từ 30% lên 59,6% khi ngày càng nhiều người trẻ coi tấm bằng đại học là chiếc vé cho các cơ hội tốt hơn trong một thị trường việc làm đầy cạnh tranh. Nhưng kỳ vọng đã nhường chỗ cho thất vọng khi thị trường việc làm giảm sút. Các chuyên gia nói tỷ lệ thất nghiệp cho người trẻ nhiều khả năng sẽ xấu đi khi 11,6 triệu sinh viên mới tốt nghiệp tham gia thị trường lao động.

“Tình hình là khá tệ. Nhiều người mệt mỏi và nhiều người tìm cách thoát ra. Có rất nhiều người chán nản,” bà Miriam Wickertsheim, tổng giám đốc tại hãng tuyển dụng Direct HR có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.

Sự phục hồi kinh tế chậm hơn mong đợi sau Covid là lý do chính cho tình trạng thất nghiệp cao, ông Bruce Pang, kinh tế gia trưởng khu vực Trung Quốc của hãng Jones Lang LaSalle cho biết.

Nguồn hình ảnh, Xiaohongshu

Chụp lại hình ảnh,

MXH Trung Quốc tràn ngập hình ảnh ngày tốt nghiệp chế giễu sự thiếu cơ hội khi ra trường cho người trẻ

Một số người sử dụng lao động cũng không muốn thuê các sinh viên mới ra trường “giấy trắng” có ít kinh nghiệm hơn các lớp trước vì phong tỏa Covid kéo dài, ông Pang nói.

‘Chậm có việc làm’

Mặc dù chính phủ Trung Quốc biết rõ tình hình này, họ tìm cách tuyên truyền giảm nhẹ chúng. Hồi tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình được trích lời trên trang nhất của tờ nhật báo Đảng Cộng sản Trung Quốc, khuyên người trẻ nên “ngậm đắng” và chịu đựng gian khổ.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước định nghĩa lại thất nghiệp. Một bài xã luận tuần trước trên tờ Thời báo Kinh tế dùng thuật ngữ “chậm có việc làm” – mặc dù một số người trẻ đúng là đang thất nghiệp, những người khác “chủ động chọn chậm có việc làm”.

Không rõ nguồn gốc của thuật ngữ này là từ đâu nhưng một bài báo trên tờ Thanh niên Trung Quốc hồi 2018 nói ngày càng có nhiều sinh viên mới ra trường không tìm việc làm ngay, một số đi du lịch hay đi dạy học ngắn hạn và đây là tình trạng “chậm có việc làm”.

Lần này, định nghĩa này gồm cả những người chưa tìm được việc, hoặc chọn con đường tiếp tục học lên cao, học kỹ năng mới hay nghỉ một năm gap year. Cho dù thị trường việc làm khó khăn thế nào, tờ báo khuyên mọi người phải “hành động và làm việc chăm chỉ” – và chừng nào họ làm thế, họ không cần phải lo sẽ thất nghiệp.

Nguồn hình ảnh, Xiaohongshu

Chụp lại hình ảnh,

Ảnh chế sinh viên ngày tốt nghiệp thể hiện sự chán chường về viễn cảnh việc làm

Tuy nhiên, cụm từ này và lời khuyên không được đón nhận tích cực – một số người lấy làm lạ về việc chính phủ “không chịu thừa nhận tình hình thất nghiệp”, còn một số người khác mỉa mai: “Thành ngữ Trung Quốc thật quá sâu sắc,” một người dùng MXH Weibo viết. “Chúng tôi rõ ràng đang thất nghiệp, thế nhưng họ phát minh ra thuật ngữ “chậm có việc làm”. Chậm là thế nào? Vài tháng hay vài năm?”.

Một người dùng mạng Xiaohongshu, tương tự như Instagram, bình luận rằng cụm từ này “bỗng nhiên đẩy hết trách nhiệm cho người trẻ”.

“Dựa trên cách giải thích này, tỷ lệ có việc làm trong cuộc Đại Suy thoái ở Mỹ cuối những năm 1920 phải là 100%, vì hầu hết mọi người đều chậm có việc. Thật là một cách hay để giải quyết một vấn đề toàn cầu!”

"Thất nghiệp là thất nghiệp. Chúng ta phải gọi đúng tên của nó,” Nie Riming, một nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính và Pháp luật Thượng Hải nói.

“Có thể thực sự có người trẻ muốn nghỉ ngơi trước khi bắt đầu công việc tiếp theo, nhưng tôi nghĩ đại đa số những người không có việc làm lúc này đang mong mỏi có việc mà không tìm được.”

* Fan Wang từ Singapore thu thập thêm thông tin