Âm mưu của Trung Quốc từ câu chuyện của nàng Barbie

Thứ Sáu, 14 Tháng Bảy 202310:00 SA(Xem: 974)
Âm mưu của Trung Quốc từ câu chuyện của nàng Barbie
rfa.org

Âm mưu của Trung Quốc từ câu chuyện của nàng Barbie

Bình luận của Trần Kim Nguyên

Âm mưu thâm độc của Trung Quốc

Năm 2009, Trung Quốc đã “trình làng” bản đồ có cái gọi là “đường chín đoạn”, chiếm tới gần 90% Biển Đông. Bản đồ có hình đường chín đoạn này đính kèm với mấy công hàm của Trung Quốc. Năm 2016, Toà Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã ra phán quyết tuyên “đường chín đoạn”này vô giá trị.

Thất bại trên mặt trận pháp lý, nhưng Trung Quốc vẫn chưa thôi dã tâm độc chiếm Biển Đông của mình. Để tiếp tục thực hiện dã tâm đó, Trung Quốc tránh nói tới đường lưỡi bò trong các tuyên bố chính thức, tuy nhiên, Trung Quốc sử dụng rất nhiều cách khác nhau để tìm cách tuyên truyền đường lưỡi bò ra thế giới.

Một mặt, Trung Quốc sử dụng chiến thuật vùng xám trên thực địa với các đội tàu hùng hậu, xâm lấn và đe doạ các quốc gia có vùng biển nằm trong đường lưỡi bò tai tiếng này của Trung Quốc. Trung Quốc đã cho nhiều đội tàu xâm nhập bất hợp pháp EEZ của nhiều quốc gia ASEAN để đe doạ khi họ khai thác tài nguyên trên vùng biển của mình.

Ngoài ra, Trung Quốc với sức mạnh của một cường quốc đang lên đang sử dụng biện pháp tuyên truyền theo cách riêng của họ. Đó là thông qua rất nhiều vật phẩm khác nhau, từ những hộ chiếu của người dân Trung Quốc cũng in hình đường lưỡi bò, đến những quả địa cầu, các phần mềm có xuất xứ từ Trung Quốc… Tinh vi hơn, Trung Quốc biết các nước phương Tây có chế độ tự do và cởi mở nên họ đã tìm cách khai thác yếu tố này.

Dư luận mới đây xôn xao chuyện chính quyền Việt Nam cấm chiếu bộ phim Barbie được sản xuất tại Hollywood do Greta Gerwig đạo diễn và có dàn diễn viên toàn sao bao gồm Margot Robbie và Ryan Gosling. Bộ phim ban đầu dự kiến ra rạp ở Việt Nam vào ngày 21 tháng 7, cùng ngày với ở Mỹ và Trung Quốc. Dựa trên con búp bê nhựa mang tính biểu tượng của Mattel, bộ phim người đóng đã tạo ra một lượng lớn tiếng vang trực tuyến trong những tuần trước ngày phát hành sắp tới, phần lớn nhờ vào chiến lược tiếp thị rầm rộ.

Bộ phim này bị cấm chiếu ở Việt Nam bởi vì có thể hiện đường lưỡi bò đầy tai tiếng của Trung Quốc trong một cảnh phim. Barbie cũng không phải là bộ phim đầu tiên vấp phải sự chỉ trích của các cơ quan truyền thông ở Việt Nam về việc mô tả đường chín đoạn. Trước đó, chính phủ Việt Nam đã rút bộ phim hoạt hình Abominable của DreamWorks và cấm chiếu bộ phim hành động Unchartered của Sony vì lý do tương tự. Vào năm 2021, Netflix đã phải gỡ bỏ bộ phim truyền hình gián điệp của Úc Pine Gap khỏi các dịch vụ của họ ở trong nước sau hai tập chiếu bản đồ mà các quan chức Hà Nội cho là “xuyên tạc chủ quyền của Việt Nam” và đã “gây phẫn nộ và tổn thương tình cảm của toàn thể người dân Việt Nam. ”

barbiemoviemap.jpeg
Một cảnh trong phim Barbie có bản đồ hiển thị đường lưỡi bò trên Biển Đông.

Trung Quốc biện hộ

Trước sự kiện như vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh lại cho rằng: Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Các nước liên quan không nên gắn vấn đề Biển Đông với các hoạt động trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân bình thường” (1).

Mặc dù Trung Quốc phát biểu như vậy, nhưng chính Trung Quốc lại thường xuyên có động tác trả đũa đối với các công ty, từ khách sạn cho đến hãng hàng không, mà họ cho rằng có quan điểm xem Đài Loan không phải là một phần của Trung Quốc. Và các công ty hầu như luôn phải tuân thủ theo các khiếu nại của Trung Quốc vì lo ngại nguy cơ bị loại khỏi thị trường rộng lớn và béo bở này, trong đó có nhiều bộ phim Hollywood đã phải xóa hoặc thêm các cảnh dựa trên phản ứng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Làm gì để chống lại kiểu tuyên truyền độc hại này của Trung Quốc?

Không chỉ Việt Nam cảm thấy bất bình với bộ phim Barbie mà nhiều quốc gia khác cũng cảm thấy như vậy.

Thượng nghị sĩ Philippines Francis Tolentino nói rằng chiếu bộ phim trong nước sẽ làm hại chủ quyền của Philippines. “Điều này sẽ không chỉ gây tổn hại cho Cộng hòa Philippines, mà còn trái ngược với những gì đất nước chúng tôi đã đấu tranh và đạt được theo Phán quyết Trọng tài năm 2016,” Tolentino nói, đề cập đến quyết định của Tòa án Trọng tài Thường trực Hague đã bác bỏ yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nói rằng “đường lưỡi bò” không có cơ sở trong luật pháp quốc tế (2).

Cần phải chống lại các kiểu tuyên truyền sai trái như vậy của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” của họ. Tuy nhiên, để kiểm soát tất cả các vật phẩm văn hoá có “đường lưỡi bò” thì không phải là chuyện dễ. Muốn chống lại thì Việt Nam phải có chiến lược lâu dài. Một mặt, khuyến khích và tuyên truyền đến tất cả mọi người dân Việt Nam từ trong nước đến ngoài nước để chống lại các kiểu tuyên truyền như vậy của Trung Quốc. Cách đây mấy năm, đã có những học giả Việt Kiều gửi thư phản đối tới nhiều tổ chức khoa học trên thế giới về việc nhiều tác giả Trung Quốc đưa hình ảnh “đường lưỡi bò” vào các tạp chí khoa học. Điều này đã giúp ngăn chặn được khá nhiều ấn phẩm bị lợi dụng như vậy.

Ngoài ra, Việt Nam cần phối hợp nhiều quốc gia trên thế giới để cùng nhau lên tiếng chống lại các kiểu tuyên truyền sai trái như vậy. Ví dụ, Đại sứ Australia tại Hà Nội Andrew Goledzinowski có viết trên Twitter của ông ta rằng: “Chúng tôi yêu Margot Robbie, nhưng chúng tôi không sống trong thế giới Barbie. Nước Úc ủng hộ Phán quyết của Tòa án Trọng tài năm 2016, bác bỏ đường chín đoạn.” (3)

Việt Nam có thể kiểm duyệt được những vật phẩm văn hoá khi vào nước mình, nhưng Việt Nam còn có thể phối hợp với Hoa Kỳ để có thể ngăn chặn tận gốc các sản phẩm từ Hollywood bị áp đặt bởi Trung Quốc như bộ phim Barbie.

Từ lâu, Hollywood đã đồng lõa với sự kiểm duyệt và tuyên truyền của Trung Quốc nhân danh lợi nhuận lớn hơn,” Thượng Nghị sĩ Ted Cruz nói trong một tuyên bố như vậy. Báo chí Mỹ cho biết Mỹ sẽ có Đạo luật SCRIPT để đóng vai trò như một hồi chuông cảnh tỉnh bằng cách buộc các hãng phim Hollywood phải lựa chọn giữa sự hỗ trợ mà họ cần từ chính phủ Mỹ và số đô la mà họ muốn từ Trung Quốc.” (4)

Một tài liệu mới đây của Lầu Năm Góc đã nêu rõ: Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ (DoD) sẽ không cung cấp tài trợ cho việc sản xuất khi có bằng chứng rõ ràng rằng việc sản xuất đã tuân thủ hoặc có khả năng tuân thủ yêu cầu từ Chính phủ CHND Trung Hoa, Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoặc một tổ chức làm theo chỉ thị của CHND Trung Hoa hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc để kiểm duyệt nội dung của dự án theo một cách hữu hình nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia của CHND Trung Hoa” (5). Tài liệu cho biết, các sản phẩm truyền thông bao gồm phim truyện, chương trình truyền hình nhiều tập, phim tài liệu và trò chơi điện tử.

Chỉ có thể kết hợp với những quốc gia tiến bộ như Philippines, Australia, Hoa Kỳ… Việt Nam mới có thể ngăn chặn hiệu quả các kiểu tuyên truyền trên các vật phẩm văn hoá về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc được.

_________

Tham khảo:

1. https://www.globaltimes.cn/page/202307/1293708.shtml

2. https://www.npr.org/2023/07/06/1186178724/barbie-movie-philippines-vietnam-china-map

3. https://twitter.com/AusAmbVN/status/1679441370514345984?s=20

4. https://www.military.com/off-duty/movies/2023/07/07/pentagon-will-no-longer-offer-support-moviemakers-who-censor-their-movies-china.html

5. https://www.theepochtimes.com/pentagon-takes-stance-against-chinas-film-censorship_5371091.html

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn