Tin Tức ngày 26 - 01 -2025:

Chủ Nhật, 26 Tháng Giêng 20256:38 SA(Xem: 957)
Tin Tức ngày 26 - 01 -2025:
HoaLuc 8
**************

Donald Trump đề xuất chuyển người Palestine ở dải Gaza sang Ai Cập và Jordani

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/01/2025 đưa ra một số thông báo liên quan đến Israel và dải Gaza. Ông đề xuất di dời người dân ở dải Gaza sang Ai Cập và Jordani như một phần của bản kế hoạch hòa bình nhằm « dọn dẹp » vùng lãnh thổ Palestine, đồng thời tháo dỡ lệnh cấm của chính quyền tiền nhiệm Biden về việc cấp lô bom nặng gần một tấn cho Israel.

Hình tư liệu: Tổng thống Donald Trump (P), trong nhiệm kỳ đầu, tiếp thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu tại Washington, ngày 25/03/2019
Hình tư liệu: Tổng thống Donald Trump (P), trong nhiệm kỳ đầu, tiếp thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu tại Washington, ngày 25/03/2019 AP - Manuel Balce Ceneta
Quảng cáo

Trả lời giới báo chí trên chuyên cơ Air Force One, nguyên thủ Mỹ cho biết đã có cuộc trao đổi với quốc vương Jordani Abdallah II về chủ đề này, và ông sẽ có đề nghị tương tự với tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sissi vào Chủ Nhật, 26/01.

Theo tổng thống Trump, việc di dời này có thể chỉ là « tạm thời hay dài hạn », do việc khu vực này hiện giờ « đã bị phá hủy hoàn toàn và người dân ở đó đang chết dần ». Do vậy, ông « mong muốn có sự tham dự từ một số nước Ả Rập và xây dựng nơi ở tại một chốn khác mà ở đó người dân Gaza có thể một lần được sống yên bình », sau nhiều thế kỷ « nếm mùi vô số xung đột »

Nếu như tuyên bố này của ông Donald Trump được một bộ trưởng thuộc phe cực hữu trong chính phủ Israel hoan nghênh như là một « ý kiến tuyệt vời », phe Hồi giáo cực đoan Jihad và Hamas hôm nay, 26/01, lập tức phản bác, xem đấy như là một lời « khuyến khích phạm tội ác chiến tranh », và cho rằng kế hoạch này của ông Trump sẽ gặp « thất bại ».

Cũng trong cuộc trả lời báo chí hôm qua, tổng thống Trump cho biết thêm « một lượng lớn đơn đặt hàng » vũ khí của Israel đã được giao, đặc biệt là việc dỡ bỏ lệnh cấm giao bom nặng gần một tấn (907 kg) cho Israel của chính quyền Biden.

AFP nhắc lại, năm 2024, tổng thống Biden đã đình chỉ cấp loại bom này cho Tel Aviv  nhằm cản trở một « thảm họa nhân đạo » trước kế hoạch tấn công quy mô lớn của quân đội Israel nhằm vào thành phố Rafah ở phía nam dải Gaza, nơi có 1,4 triệu người Palestine đang tị nạn.


************

Ukraina đề nghị cung cấp than « miễn phí » cho Moldova

Hôm qua, 25/01/2025, nhân chuyến thăm Kiev của tổng thống  Moldova Maia Sandu, lãnh đạo Ukraina Volodymyr Zelensky đã đề nghị cung cấp « miễn phí » than đá cho các nhà máy nhiệt điện tại vùng Transnistria. Vùng lãnh thổ ly khai thân Nga này đang rơi đối mặt với việc khan hiếm khí đốt Nga từ đầu năm đến nay, dẫn đến tình trạng bị cúp điện.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (phải) tiếp đồng nhiệm Moldova Maia Sandu tại Kiev, ngày 25/01/2025.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (phải) tiếp đồng nhiệm Moldova Maia Sandu tại Kiev, ngày 25/01/2025. AP
Quảng cáo

Thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev cho biết thêm thông tin:

« Ukraina đề nghị gởi than đá đến các nhà máy nhiệt điện ở Transnistria, một vùng ly khai thân Nga của Moldova, để đổi lấy điện một khi sản lượng tăng lên. Tại Kiev, tổng thống Moldova Maia Sandu và đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết có đủ khả năng cung cấp các giải pháp để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho người dân vùng Transnistria.

Từ ngày 01/01, hàng ngàn hộ gia đình ở vùng lãnh thổ này đã bị ảnh hưởng do thiếu khí đốt Nga, tác động đến hệ thống sưởi ấm và nước nóng, làm tê liệt ngành công nghiệp khu vực. Kiev và Chisinau đề nghị khôi phục các dịch vụ cơ bản. Tổng thống Ukraina sẽ cử nhân viên đến nhà máy điện lớn nhất của Moldova, nằm ở vùng Transnistria để tăng công suất sản xuất điện.

Điều đó cho thấy sự phụ thuộc năng lượng mà Nga đã thiết lập tại vùng tự trị tự phong Transnistria. Matxcơva đã ngưng cung cấp khí đốt tự nhiên cho khu vực ngay ngày 01/01 khi viện dẫn nợ của Moldova trong khi Kiev không triển hạn hợp đồng giữa tập đoàn Naftogaz của Ukraina và đối tác Nga Gazprom, và do vậy ngưng trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraina.

Cho đến hiện tại, chính quyền Transnistria thân Nga vẫn từ chối đề nghị cung cấp năng lượng từ châu Âu, và trông cậy vào Matxcơva để khôi phục lại việc cung cấp khí đốt. »


***********

Ukraina kêu gọi lập một khuôn khổ đàm phán hòa bình có Kiev tham gia

Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm qua, 26/01/2025, khẳng định rằng các cuộc đàm phán hòa bình với Nga sẽ không thực sự tạo ra kết quả nào và kêu gọi đồng minh tìm ra một khuôn khổ đàm phán cho phép Kiev tham gia. Một ngày trước đó, nguyên thủ Ukraina đã cáo buộc Putin « thao túng » tổng thống Mỹ Donald Trump, để giành thế thắng về chiến tranh Ukraina.

Hình tư liệu từ phải: Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và các đồng cấp Pháp, Mỹ  Emmanuel Macron, Donald Trump gặp trong cuộc gặp ba bên tại phủ tổng thống Pháp Điện Elysée, Paris, ngày 07/12/2024.
Hình tư liệu từ phải: Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và các đồng cấp Pháp, Mỹ Emmanuel Macron, Donald Trump gặp trong cuộc gặp ba bên tại phủ tổng thống Pháp Điện Elysée, Paris, ngày 07/12/2024. AP - Sarah Meyssonnier
Quảng cáo

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng « không thể loại Ukraina khỏi các cuộc đàm phán hòa bình cho nước này »,  theo trích dẫn từ AFP, nêu ra lo sợ rằng Nga sẽ chọn hình thức đàm phán mà không cần quan tâm đến yêu cầu từ phía Kiev.

Tuy nhiên, nguyên thủ Ukraina không nêu rõ là loại hình đàm phán và cơ cấu quá trình đàm phán sẽ ra sao, bởi « chúng tôi không có một kế hoạch chung ». Ông Zelensky kêu gọi Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Nga và cả Ukraina cùng thảo luận để tìm ra một « nền hòa bình công bằng ».

Lãnh đạo Ukraina cũng nhắc đến lời hứa chấm dứt chiến tranh của tân tổng thống Hoa Kỳ, và tái khẳng định rằng chiến tranh chỉ có thể chấm dứt, « nếu Donald Trump để Kiev cùng ngồi vào bàn đàm phán ».

Chánh văn phòng tổng thống Ukraina  Andriï Iermak vào thứ Sáu vừa qua, đã lên tiếng phản đối bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào giữa Vladimir Putin và Donald Trump mà không có sự tham gia của Ukraina.

Từ giữa tháng 10/2024, Kiev đã công khai một « kế hoạch » chiến thắng cho các đồng mình. Thứ Tư vừa qua, tổng thống Ukraina đã ước tính rằng để Kiev thắng Matxcơva trong cuộc chiến này thì cần đến 200 000 lính châu Âu, đến hỗ trợ Ukraina, để bảo đảm an ninh cho nước này, trong trường hợp đạt được thỏa thuận ngừng bắn và tránh bị xâm lược một lần nữa.

Cuộc chiến tại sườn đông châu Âu vẫn gay go. Trong đêm qua, theo chính quyền Kiev, Nga đã phóng 72 drone vào lãnh thổ Ukraina, 50 trong số đó đã bị bắn hạ. Hôm thứ Bảy, các cuộc không kích của Nga đã khiến ba người bị thương ở vùng Kharkiv.

Lính Nga hiện đã tiến gần đến khu vực Dnipropetrovsk, ở miền trung nước này, lần đầu tiên từ đầu cuộc chiến năm 2022.


**********

Tổng thống Hàn Quốc Yoon bị truy tố vì tội nổi loạn do áp đặt lệnh thiết quân luật


Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol.
Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol.

Các công tố viên Hàn Quốc hôm 26/1 đã truy tố Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol với cáo buộc lãnh đạo một cuộc nổi loạn bằng thiết quân luật vào ngày 3 tháng 12 năm ngoái, các luật sư của ông Yoon và đảng đối lập chính cho biết.

Các luật sư của ông Yoon chỉ trích bản cáo trạng là "sự lựa chọn tồi tệ nhất" của cơ quan công tố, trong khi đảng đối lập chính hoan nghênh quyết định này.

Các cáo buộc này là chưa từng có đối với một tổng thống Hàn Quốc và nếu bị kết án, ông Yoon có thể phải đối mặt với nhiều năm tù vì lệnh thiết quân luật gây sốc của mình, vốn nhằm cấm các hoạt động chính trị và quốc hội cũng như để kiểm soát truyền thông.

Động thái của ông đã gây ra một làn sóng biến động chính trị tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á và là đồng minh hàng đầu của Hoa Kỳ. Thủ tướng cũng bị luận tội và đình chỉ quyền lực và một số quan chức quân sự cấp cao bị truy tố vì vai trò của họ trong cuộc nổi loạn.

"Việc Tổng thống ban bố thiết quân luật khẩn cấp là lời kêu gọi tuyệt vọng đối với công chúng về cuộc khủng hoảng quốc gia do phe đối lập mất kiểm soát", luật sư của ông Yoon nói trong một tuyên bố.

Văn phòng công tố không ngay lập tức trả lời các yêu cầu bình luận. Bản cáo trạng cũng được truyền thông Hàn Quốc đưa tin.

Các nhà điều tra chống tham nhũng tuần trước đã đề nghị truy tố ông Yoon, hiện đang bị giam giữ. Ông đã bị quốc hội luận tội và đình chỉ chức vụ vào ngày 14 tháng 12.

Bản thân từng là một cựu công tố viên cấp cao, ông Yoon đã bị giam giữ biệt lập kể từ khi trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên bị bắt vào ngày 15 tháng 1 sau nhiều ngày xảy ra đối đầu có vũ trang giữa lực lượng an ninh của ông và các viên chức tiến hành việc bắt giữ.

Vào cuối tuần, tòa án đã hai lần từ chối yêu cầu của các công tố viên về việc gia hạn thời gian giam giữ ông trong khi họ tiến hành điều tra thêm, nhưng với các cáo trạng, họ đã một lần nữa yêu cầu tiếp tục giam giữ ông, truyền thông đưa tin.

Nổi loạn là một trong số ít các cáo buộc hình sự mà tổng thống Hàn Quốc không được miễn trừ. Tội này có thể bị phạt tù chung thân hoặc tử hình, mặc dù Hàn Quốc đã không xử tử bất kỳ ai trong nhiều thập kỷ.

"Cơ quan công tố đã quyết định truy tố Yoon Suk Yeol, người đang phải đối mặt với cáo buộc là kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn", phát ngôn viên của Đảng Dân chủ Han Min-soo phát biểu tại một cuộc họp báo. "Hình phạt dành cho kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn rốt cuộc cũng bắt đầu".

Ông Yoon và các luật sư của ông đã tranh luận tại phiên điều trần của Tòa án Hiến pháp tuần trước trong phiên tòa về vụ luận tội rằng ông không bao giờ có ý định áp đặt thiết quân luật một cách toàn diện mà chỉ coi các biện pháp này là sự cảnh báo để phá vỡ thế bế tắc chính trị.

Song song với tiến trình xử lý hình sự, tòa án tối cao sẽ quyết định có nên cách chức ông Yoon hay khôi phục quyền tổng thống của ông. Tòa án có 180 ngày để quyết định về vấn đề này.

Quốc hội do phe đối lập lãnh đạo đã luận tội ông Yoon vào ngày 14 tháng 12, khiến ông trở thành tổng thống bảo thủ thứ hai bị luận tội tại quốc gia này.

Ông Yoon đã hủy bỏ tuyên bố thiết quân luật của mình trong vòng sáu giờ sau khi các nhà lập pháp bỏ phiếu bác bỏ sắc lệnh này trong khi đối đầu với những người lính trong quốc hội.

Nếu ông Yoon bị cách chức, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày
************

TIN TỔNG HỢP

Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI

(AFP) – Tổng thống Ukraina khẳng định Putin cố gắng « thao túng » Donald Trump. Hôm qua, 24/01/2025, trong một thông điệp bằng video gửi đi hàng ngày trên mạng xã hội, ông Volodymyr Zelensky đã đưa ra nhận xét như trên. Nguyên thủ Ukraina cho rằng tổng thống Nga Putin « sẵn sàng tiếp tục chiến tranh và thao túng các lãnh đạo thế giới ». Phát biểu trên được đưa Ra sau khi Vladimir Putin khẳng định sẵn sàng trao đổi với tân tổng thống Hoa Kỳ, đàm phán về chiến tranh Ukraina.

(AFP) – Mỹ đóng băng tất cả các hỗ trợ cho nước, ngoại trừ Ai Cập và Israel. Ngày 24/01/2025, trong thông báo của tân ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, các viện trợ cho nước ngoài, sẽ bị đóng băng trong vòng 90 ngày, để đánh giá hiệu quả của các chương trình này, liệu có phù hợp với chính sách của chính quyền Donald Trump hay không. Tuy nhiên, quyết định này không ảnh hưởng tới Ai Cập và Israel, được hưởng hàng tỷ đô la từ viện trợ vũ khí của Hoa Kỳ. Các viện trợ khẩn cấp lương thực cũng vẫn được duy trì, và Gaza vẫn có thể nhận được viện trợ từ Washington. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng không đề cập đến Ukraina, quốc gia được hưởng hàng tỷ đô la để tự vệ trước Nga.

(AFP) - Ả Rập Xê Út hứa với Donald Trump sẽ đầu tư 600 tỷ đô la vào Mỹ. Ngày 23/01/2024, thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman (MBS), cho biết ý định mở rộng đầu tư và thương mại với Hoa Kỳ, có thể lên tới 600 tỷ đô la hoặc nhiều hơn, trong 4 năm tới khi Donald Trump giữ chức tổng thống nhiệm kỳ hai. Trong nhiệm kỳ đầu của mình, Donald Trump đã có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên đến Ryad, giữ quan hệ tốt đẹp với đất nước vùng Vịnh giàu có, với hy vọng thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Israel. Cựu tổng thống Joe Biden đã bắt đầu đàm phán với Ryad về chủ đề này, nhưng chế độ quân chủ đã ngừng các cuộc thảo luận do cuộc chiến giữa Israel và Hamas tại dải Gaza, và đặt ra điều kiện thành lập một Nhà nước Palestine thì mới công nhận Nhà nước Do Thái Israel.

(AFP) – Cam Bốt thông qua luật trừng phạt những ai bác bỏ tội ác của Khmer Đỏ. Hôm nay, 25/01/2025, phát ngôn viên của chính phủ Cam Bốt cho biết luật được thông qua có thể đưa ra mức án lên đến 5 năm tù giam, hoặc khoản tiền phạt 120 ngàn euro, nếu phủ nhận tội diệt chủng và các tội ác khác do Khmer Đỏ gây ra. Luật được soạn thảo theo yêu cầu của cựu thủ tướng Hun Sen, hiện vẫn còn sức ảnh hưởng trong chính trị Cam Bốt, được thông qua 3 tháng trước ngày đánh dấu 50 năm Khmer Đỏ lên nắm quyền, ngày 17/04/1975. Khoảng 2 triệu người đã bị chết đói, hoặc bị hành quyết, tra tấn, dưới chế độ do Pol Pot cai trị từ năm 1975 – 1979.

(AFP) – Sudan : 30 người bỏ mạng trong một vụ tấn công vào bệnh viện. Theo một nguồn tin từ Sudan, một drone đã tấn công vào bệnh viện tối thứ Sáu, 24/01/2025, phá hủy tòa nhà và khu vực cấp cứu, tại vùng Darfour. Từ tháng 04/2023, Sudan trở thành bãi chiến trường giữa quân đội và lực lượng bán quân sự (FSR). Khoảng 80% các cơ sở y tế nước này hiện đã ngừng hoạt động. Tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới cho biết hồi đầu năm nay, chỉ còn Bệnh Viện Ả Rập Xê Út có thiết bị chữa trị vẫn hoạt động.


*************

Có hay không việc hai Facebooker bị phạt vì đăng bài trào phúng về lãnh đạo VietJet?

Hai người dân bị phạt hành chính và buộc xoá bài viết châm biếm về lãnh đạo VietJet

Phuong Thao VietJet
Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo tham dự một cuộc phỏng vấn ở văn phòng của bà ở TPHCM ngày 10/01/2017 (REUTERS/Kham) (KHAM/(REUTERS/Kham))

Hai người dân Hà Nội bị xử phạt vì đăng tải bài viết trào phúng về một lãnh đạo của VietJet, tuy nhiên, một trong hai phủ nhận việc bị xử phạt.

Trên website của mình, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết Thanh tra của cơ quan này ngày 20/1 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai ông/bà có tên viết tắt là N.Q.D và N.T.N vì đưa “thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác” theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 16 của Luật An ninh mạng.

Bản tin không nói hai người bị phạt số tiền bao nhiêu, chỉ cho biết theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 101 của Nghị định 15/2020Nghị định 14/2022, và cũng không nói rõ người bị “xúc phạm” có phải là tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Hội đồng Quản trị của VietJet Air hay không.

Hai nghị định này quy định mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng với cá nhân có hành vi trên, bên cạnh việc bị buộc phải gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Báo Điện tử Chính phủ đưa lại tin trên kèm theo hình ảnh chụp màn hình bài viết đăng tải trên hai danh khoản Facebook là Nga Nguyen và Dzung Art Nguyen có nội dung tương tự nhau.

Bài viết về một nhân vật tên “Chị Thảo,” được tác giả giới thiệu là sáng lập hãng hàng không Vietjet, đến Sài Gòn và gọi món mì ở một tiệm ăn. Tuy món ăn chỉ mất 10.000 đồng nhưng thực khách phải trả nhiều dịch vụ khác, bao gồm cả đũa, muỗng, phí ngồi cạnh cửa sổ… tương tự như VietJet Air thu phí khách hàng.

Thực khách cũng phải mất nhiều thời gian chờ đợi và khó khăn trong việc liên hệ với chủ nhà hàng, tương tự như lời phàn nàn của nhiều khách hàng về việc bị chậm chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ.

Người sáng lập VietJet Air là bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng hàng không được mệnh danh là “Bikini Airlines”

Phóng viên liên lạc qua điện thoại với Facebooker Dzung Art Nguyen có tên và hình đại diện giống với ảnh mà các báo mạng nói trên đăng tải, ông này xác nhận có đăng bài viết với cùng nội dung nhưng đã xoá sau đó chừng một giờ.

Facebooker có trên 35 ngàn người theo dõi này nghĩ rằng, có người đã lập danh khoản giả mạo ông để đăng tải bài viết nói trên sau khi ông đã xoá bài. Ông cũng phủ nhận việc bị nhà chức trách mời làm việc và xử phạt.

Chúng tôi không thể liên lạc với Facebooker Nga Nguyen để xác minh thông tin.

Phóng viên gọi điện cho Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để hỏi thêm thông tin về vụ việc nhưng không ai nghe máy. Phóng viên cũng gửi email tới VietJet Air với đề nghị bình luận, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Nhà báo Nam Việt từ Sài Gòn cho rằng những vụ trừng phạt cá nhân tương tự “xuất phát từ tâm lý những nhà lãnh đạo hay con cái quan chức vẫn sống quen trong lâu đài của mình, và không thể chịu nổi tiếng cười cợt hiện thực ở bên ngoài cánh cửa sang trọng của họ.”

Ông nói trong tin nhắn gửi RFA:

Nếu nhìn lại lịch sử của các triều đại cộng sản ở Đông Âu và châu Á, một trong những bộ môn nghệ thuật bị thủ tiêu đầu tiên đó là hí họa hay biếm họa, chuyện vui cười liên quan đến các quan chức cụ thể đang cầm quyền. Và thậm chí là những câu chuyện cười chính trị, còn gọi là tiếu lâm đen ở trong xã hội vẫn luôn bị săn lùng.”

Ông nói ở Việt Nam, nhà văn Doãn Quốc Sỹ từng chịu án tù dài sau năm 1985, chỉ vì sưu tập những câu chuyện tiếu lâm “đen” liên quan đến những sự kiện ngớ ngẩn của quân đội Bắc Việt trong Chiến tranh Việt Nam cùng sự ngỡ ngàng của họ về sự giàu có của miền Nam, khác hẳn những điều họ được tuyên truyền.

Không rõ ai là người viết bài châm biếm về “Chị Thảo”, tuy nhiên, từ đầu năm bài viết với nội dung tương tự đã được chia sẻ rầm rộ trên nền tảng Facebook của những người dùng Việt Nam. Nhiều bài đăng sau đó đã biến mất khỏi nền tảng mạng xã hội này.


************

Mêhicô chuẩn bị tiếp nhận di dân bị Mỹ trục xuất

Trong một thông cáo đăng ngày 24/01/2025, bộ Ngoại Giao Mêhicô cho biết sẵn sàng tiếp nhận các công dân của nước này bị Mỹ trục xuất. Nằm giữa Hoa Kỳ và vùng Trung Mỹ, Mêhicô đóng vai trò là đường biên giới thứ hai, ngăn dòng người di cư đổ về Hoa Kỳ.

Trại tiếp đón di dân ở Ciudad Juarez, Mêhicô ngày 24/01/2025.
Trại tiếp đón di dân ở Ciudad Juarez, Mêhicô ngày 24/01/2025. AP - Christian Chavez

Từ khi Donald Trump nhậm chức, Mêhicô cũng phải tiếp nhận những người xin tị nạn bị Hoa Kỳ từ chối. Như tuyên bố, tân tổng thống Mỹ muốn trục xuất một triệu di dân mỗi năm. Biện pháp này của tân chính quyền Washington có liên quan đến hơn 11 triệu người không giấy tờ.

Trước tình hình này, chính quyền Mexico đưa ra kế hoạch : « Mêhicô giang tay đón bạn » để tiếp nhận di dân đến từ sáu bang giáp biên giới. Chín địa điểm tiếp đón sẽ được xây dựng, trong đó có một điểm tại Chihuahua.

Từ thủ đô Mexico, thông tín viên Gwendolina Duval tường thuật :

« Tại Ciudad Juarez, chính quyền thành phố đang dựng một trại tị nạn tạm thời. Được thông báo từ nhiều tuần qua, khu lều trại to lớn này, nằm ở El Punto, rất gần với bức tường ngăn di dân và một trong số sân vận động của thành phố, có sức chứa đến 2.500 người.

Mục tiêu của trại này là hướng dẫn các di dân trở về từ Mỹ và nếu cần thiết, tìm chỗ cho họ tại một trong số 30 nơi tạm trú của thành phố. Chính quyền địa phương nói rõ cơ sở này là dành cho những người bị Donald Trump trục xuất, bất kể là công dân Mêhicô hay ít nhất tạm thời là những người quốc tịch khác, chủ yếu là các nước Nam Mỹ hay Trung Mỹ.

Mêhicô không muốn trở thành một nước thứ ba sẽ phải tiếp nhận tất cả các di dân, nhưng nữ tổng thống Claudia Sheinbaum đã tuyên bố rằng dù sao nước này vẫn có thể tiếp nhận công dân các nước khác và hỗ trợ họ hồi hương tự nguyện. Biên giới của Mêhicô có nguy cơ nhanh chóng bị quá tải nếu những đợt trục xuất ồ ạt diễn ra.

Chương trình " Quedate en Mexico", nghĩa là "Hãy ở lại Mêhicô", được thiết lập vào năm 2019 và vừa được ông Donald Trump khôi phục, đã khiến các trại tị nạn ở biên giới chật kín những người buộc phải chờ đợi trên lãnh thổ Mêhicô trong suốt quá trình cứu xét đơn xin tị nạn ở Mỹ. »


**********

Tân ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Việt Nam giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại với Hoa Kỳ

Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio hôm qua, 24/01/2025, đã một cuộc điện đàm với phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, kêu gọi Hà Nội giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại với Mỹ, đồng thời thảo luận về những lo ngại chung liên quan đến Trung Quốc.

Ảnh minh họa: Một xưởng may mặc xuất khẩu tại Hà Nội.
Ảnh minh họa: Một xưởng may mặc xuất khẩu tại Hà Nội. AFP - NHAC NGUYEN
Quảng cáo

Hãng tin Reuters trích dẫn thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, cho biết, trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa lãnh đạo ngoại giao hai nước dưới thời chính quyền mới của tổng thống Donald Trump, hai bên đã chúc mừng 30 năm quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam và những tiến triển đạt được trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện.  Hà Nội và Washington đã nâng quan hệ song phương lên mức cao nhất này vào năm 2023.

Tuy khen ngợi hợp tác kinh tế giữa hai nước, tân ngoại trưởng Rubio cũng đã « khuyến khích » Việt Nam giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại với Hoa Kỳ. Theo các số liệu do phía Mỹ cung cấp trong tháng này, trong 11 tháng đầu năm 2024, xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ đã vượt hơn 100 tỷ đô la, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam hiện là nước có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ đứng hàng thứ tư thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và Mêhicô.

Theo Reuters, mặc dù Việt Nam đã trở thành đối tác an ninh quan trọng của Mỹ, các nhà phân tích xem mức thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ là một rủi ro lớn đối với Việt Nam, quốc gia vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trong bối cảnh tổng thống Trump dọa sẽ áp thuế đối với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Việt Nam hiện là nơi có các hoạt động công nghiệp tập trung vào xuất khẩu lớn cho các công ty đa quốc gia Hoa Kỳ như Apple, Google, Nike và Intel.

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết thêm, trong cuộc điện đàm hôm qua với đồng nhiệm Việt Nam, ngoại trưởng Rubio « cũng đã thảo luận về những quan ngại trong khu vực, trong đó có hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông ».


***********

Philippines đình chỉ khảo sát ở Biển Đông sau khi bị Trung Quốc 'quấy nhiễu'


Đảo Thitu do Philippines chiếm đóng nhìn từ trên cao, thuộc quần đảo Trường Sa có tranh chấp ở Biển Đông, ngày 9 tháng 3 năm 2023.
Đảo Thitu do Philippines chiếm đóng nhìn từ trên cao, thuộc quần đảo Trường Sa có tranh chấp ở Biển Đông, ngày 9 tháng 3 năm 2023.

Philippines ngày thứ Bảy cho biết họ đã đình chỉ một cuộc khảo sát khoa học ở Biển Đông sau khi hai tàu đánh cá của họ đối mặt với "sự quấy nhiễu" và hành vi hung hăng từ hải cảnh và hải quân Trung Quốc.

Manila và Bắc Kinh đã có một loạt các cuộc đối đầu leo thang ở vùng biển tranh chấp của Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược này - nơi 3 ngàn tỉ đôla khối lượng thương mại đi qua hàng năm - chồng lấn các yêu sách chủ quyền của Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Hai tàu đánh cá của Philippines, hôm thứ Sáu đang trên đường đi thu thập mẫu cát từ bãi Sandy Cay gần đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng, đã gặp phải "các thao tác hung hăng" từ ba tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc, lực lượng Tuần duyên của Philippines nói trong một phát biểu vào ngày thứ Bảy.

Trong phát biểu của riêng mình, Hải cảnh Trung Quốc nói Trung Quốc có "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với quần đảo Trường Sa, bao gồm cả Sandy Cay - mà Trung Quốc gọi là Đá Thiết Tuyến - và rằng họ đã chặn hai tàu của Philippines và đuổi đi theo luật pháp.

Hải cảnh Trung Quốc nói các tàu của Philippines đã xâm nhập vùng biển gần Đá Thiết Tuyến mà không được cho phép và tìm cách đổ bộ lên bãi san hô "bất hợp pháp" để thu thập mẫu cát.

Đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh và đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không phản hồi ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

Trung Quốc đã triển khai bốn tàu nhỏ từ các tàu hải cảnh lớn hơn của mình để "quấy nhiễu" hai tàu bơm hơi thân cứng do cục thủy sản triển khai để đưa nhân viên đến Sandy Cay, theo Tuần duyên Philippines, là cơ quan hỗ trợ chuyến khảo sát khoa học này.

Một máy bay trực thăng của hải quân Trung Quốc cũng bay lơ lửng ở "độ cao không an toàn" bên trên tàu Philippines, cơ quan này cho biết.

Các hoạt động khảo sát đã bị đình chỉ "do hành vi quấy nhiễu liên tục này và sự coi thường an toàn của lực lượng hàng hải Trung Quốc," Tuần duyên Philippines cho biết.

Manila và Bắc Kinh đã nhất trí trong một vòng đàm phán vào ngày 16 tháng 1 rằng sẽ tìm kiếm tiếng nói chung và tìm cách hợp tác bất chấp những bất đồng về tuyên bố lãnh thổ ở Biển Đông.

Một tòa án trọng tài quốc tế đã ra phán quyết vào năm 2016 rằng các yêu sách của Trung Quốc, dựa trên các bản đồ lịch sử của nước này, không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, một phán quyết mà Bắc Kinh không công nhận.


************

Zelenskyy hy vọng Châu Âu, Mỹ tham gia đàm phán hòa bình ở Ukraine

Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hi vọng Châu Âu và Mỹ sẽ tham gia vào bất cứ cuộc đàm phán nào về việc chấm dứt chiến tranh của đất nước ông với Nga, ông nói với các phóng viên vào ngày thứ Bảy.

Tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Maia Sandu của nước láng giềng Moldova, ông Zelenskyy nói Ukraine cũng cần tham gia vào bất kì cuộc thảo luận nào về việc chấm dứt chiến tranh để các cuộc đàm phán như vậy có bất cứ tác động có ý nghĩa nào.

"Về việc thiết lập các cuộc đàm phán sẽ như thế nào: Ukraine, tôi thực sự hi vọng Ukraine sẽ có mặt ở đó, Mỹ, Châu Âu và người Nga," ông Zelenskyy nói, sau đó nêu rõ rằng vẫn chưa có khuôn khổ nào được thiết lập.

"Vâng, tôi thực sự muốn Châu Âu tham gia, vì chúng tôi sẽ là thành viên của Liên minh Châu Âu."

Ông Zelenskyy nói ông tin rằng tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể chấm dứt chiến tranh, nhưng ông ấy chỉ có thể làm như vậy nếu đưa Ukraine vào các cuộc đàm phán.

"Nếu không thì sẽ không có tác dụng. Bởi vì Nga không muốn chấm dứt chiến tranh, trong khi Ukraine muốn chấm dứt," ông nói.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã hứa rằng ông sẽ chấm dứt chiến tranh trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức, nhưng các phụ tá của ông kể từ đó đã nói rằng một thỏa thuận có thể mất nhiều tháng.

Tổng thống Mỹ đã bày tỏ mong muốn hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc chấm dứt chiến tranh.

Ngày thứ Sáu, ông Putin nói ông muốn gặp ông Trump để thảo luận về Ukraine. Ông dẫn ra một sắc lệnh năm 2022 của ông Zelenskyy cấm các cuộc đàm phán với ông Putin như một rào cản đối với các cuộc đàm phán.

Tại cuộc họp báo, ông Zelenskyy nói ông đã đưa ra lệnh cấm này để ngăn ông Putin hình thành các kênh liên lạc khác với những người đối thoại ở Ukraine. Ông Zelenskyy cho biết Nga đã tích cực tìm cách thực hiện điều này trước khi ông ký lệnh.


*******

CIA giờ nói COVID-19 ‘có phần chắc’ xuất phát từ phòng thí nghiệm


TƯ LIỆU - Lực lượng an ninh canh gác bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán trong chuyến thăm của nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có nhiệm vụ điều tra nguồn gốc của bệnh do virus corona, tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 3 tháng 2 năm 2021.
TƯ LIỆU - Lực lượng an ninh canh gác bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán trong chuyến thăm của nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có nhiệm vụ điều tra nguồn gốc của bệnh do virus corona, tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 3 tháng 2 năm 2021.

Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) thẩm định rằng đại dịch COVID-19 "có phần chắc" xuất phát từ phòng thí nghiệm hơn là từ thiên nhiên, một phát ngôn viên của cơ quan này nói vào ngày thứ Bảy.

Từ những năm qua, cơ quan này đã nói rằng họ không thể kết luận liệu COVID-19 có phải là kết quả của sự cố phòng thí nghiệm hay bắt nguồn từ thiên nhiên. Nhưng trong những tuần cuối cùng của chính quyền Biden, cựu Giám đốc CIA William Burns đã yêu cầu các nhà phân tích và nhà khoa học của CIA đưa ra xác định rõ ràng, nhấn mạnh tầm quan trọng lịch sử của đại dịch, theo một quan chức cao cấp của Mỹ.

CIA nói họ có độ "tin tưởng thấp" về nhận định của mình rằng "nguồn gốc liên quan đến nghiên cứu của đại dịch COVID-19 có nhiều phần chắc hơn" và lưu ý trong phát biểu của mình rằng cả hai trạng huống - nguồn gốc phòng thí nghiệm và nguồn gốc tự nhiên - vẫn khả dĩ.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Không rõ cơ quan này đã thu thập được thông tin tình báo nào mới về nguồn gốc của COVID-19 và liệu bằng chứng mới đó có được sử dụng để hình thành thẩm định mới nhất hay không.

Chính phủ Trung Quốc nói họ ủng hộ và đã tham gia vào nghiên cứu để xác định nguồn gốc của COVID-19 và cáo buộc Washington chính trị hóa vấn đề này, đặc biệt là vì các nỗ lực điều tra của các cơ quan tình báo Mỹ.

Bắc Kinh đã nói những tuyên bố nói rằng một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm có phần chắc đã gây ra đại dịch là không có cơ sở.

Trong một cuộc phỏng vấn với Breitbart sau khi được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận vào ngày thứ Sáu, Giám đốc CIA John Ratcliffe nói một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là yêu cầu cơ quan này công khai thẩm định về nguồn gốc của đại dịch.

"Đó là việc tôi sẽ làm trong ngày đầu tiên," ông nói. "Tôi từng công khai nói rằng tôi nghĩ nền tình báo, khoa học và sự suy lý thường tình của chúng ta đều thực sự chỉ ra rằng nguồn gốc của COVID là một vụ rò rỉ tại Viện Virus học Vũ Hán."


**************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 10 Tháng Ba 20255:59 SA
Chủ Nhật, 09 Tháng Ba 20257:27 SA
Thứ Bảy, 08 Tháng Ba 20256:52 SA
Thứ Sáu, 07 Tháng Ba 20255:50 SA
Thứ Năm, 06 Tháng Ba 20256:12 SA
Thứ Tư, 05 Tháng Ba 20254:19 SA
Thứ Ba, 04 Tháng Ba 20256:00 SA
Thứ Hai, 03 Tháng Ba 20253:16 SA
Chủ Nhật, 02 Tháng Ba 20256:55 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo