Tin Tức ngày 25 - 01 -2025:

Thứ Bảy, 25 Tháng Giêng 20253:25 SA(Xem: 888)
Tin Tức ngày 25 - 01 -2025:

HoaLuc 7
***********

Serbia : « Một biển người » tràn xuống đường ở thủ đô Belgrade phản đối chính phủ tham nhũng

Hàng ngàn người Serbia hôm qua, 14/01/2025, tiếp tục xuống đường biểu tình, phản đối tình trạng tham nhũng, gia đình trị ở Serbia, và đưa ra lời kêu gọi tổng đình công. Cuộc huy động được khởi xướng sau thảm kịch mái nhà ga Novi Sad vừa được cải tạo nhưng đã bị sập, khiến 15 người thiệt mạng cách nay ba tháng. Nhiều cáo buộc được đưa ra lên án các quan chức tham ô, tắc trách để xảy ra tai nạn này.

Biển người biểu tình phản đối chính phủ tham nhũng tại Belgrade, thủ đô Serbia phangày 24/01/2025.
Biển người biểu tình phản đối chính phủ tham nhũng tại Belgrade, thủ đô Serbia phangày 24/01/2025. AP - Darko Vojinovic
Quảng cáo

Hôm qua cũng là lần đầu tiên lời kêu gọi tổng đình công đã được đưa ra sau các cuộc biểu tình từ nhiều tuần qua. Nhiều trường học, nhà hát, cửa hàng, quán cà phê đã đáp lại lời kêu gọi này, quyết định đóng cửa.

Từ Belgrade, thông tín viên Louis Seiller gửi về bài phóng sự :

Một biển người đã đáp lại lời kêu gọi của giới sinh viên, tràn xuống phố, trên khắp các đại lộ của thủ đô Serbia. Milan Petrovic, 22 tuổi, nói qua chiếc loa của mình : « Hôm nay, chúng tôi kêu gọi thực hiện một cuộc tổng đình công, để tất cả mọi thứ ngừng hoạt động trong một ngày ở Serbia, và để nói với mọi người rằng chế độ không còn hoạt động tại đất nước chúng ta ».

Phong trào của sinh viên, từ biểu tình đến ngăn chặn đường phố, là để đòi công lý cho những nạn nhân trong thảm kịch sập mái nhà ga Novi Sad (khiến 15 người bỏ mạng). Ở giữa đám đông, cô Marta cầm một tấm biển với đôi tay nhuộm đỏ.

Cô nói : « Đó là một trong những biểu tượng của phong trào này. Những bàn bay nhuốm máu đỏ bởi vì chính quyền giữ im lặng trong thời gian dài. Hôm nay, tất cả mọi người phải thức tỉnh, phải xuống đường và tham gia vào cuộc huy động này ».

Kể từ thứ Hai, nhiều trường học tại Serbia đã đình công, ông Petar xuống đường biểu tình cùng những đồng nghiệp giáo viên của mình. Tất cả đều lên án chế độ tham ô Aleksandar Vucic và đảng SNS của ông ấy, đã cầm quyền từ năm 2012. Ông nói : « Công lý không tồn tại ở đất nước này, mafia cầm quyền ở Serbia. Các cuộc bầu cử được dựa trên sự đánh cắp… Tôi chỉ có một từ để nói về chính phủ Serbia, đó là ‘mafia’ ».

Tổng thống Serbia cáo buộc tình báo phương tây tìm cách lật đổ ông ấy, đồng thời huy động sự ủng hộ, kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình vào cuối ngày tại một thành phố ở miền trung đất nước, để phản đối cuộc biểu tình hiện nay

Thảm kịch tại nhà ga xe lửa xảy ra từ hồi tháng 11/2024. Mái nhà ga bị sập không lâu sau khi dự án cải tạo kéo dài 3 năm vừa hoàn thành. 15 người đã bỏ mạng, trong đó có một số trẻ em. Vụ việc đã gây phẫn nộ tại Serbia, theo AFP, nhiều người cho rằng vụ tai nạn xảy ra là do tham nhũng và giám sát kém các dự án xây dựng. Hơn 10 người bị buộc tội có liên quan đến tai nạn, bao gồm cả cựu bộ trưởng Giao Thông Goran Vesic, đã từ chức vài ngày sau khi vụ việc xảy ra.

Cuộc tổng đình công ngày hôm qua, được tổ chức trùng với các cuộc biểu tình tự phát, diễn ra vào mỗi thứ Sáu từ nhiều tuần qua, để giành « 15 phút » mặc niệm cho những nạn nhân.


*************

Thuế quan - vũ khí để tổng thống Donald Trump « bủa vây » cả đối thủ và đồng minh của Mỹ

Thùy Dương

Thời sự nổi bật trong tuần qua xoay quanh tổng thống thứ 47 của Mỹ. Vừa chính thức trở lại Nhà Trắng hôm 20/01/2025 và tuyên bố « kỷ nguyên vàng của nước Mỹ bắt đầu », Donald Trump đã ngay tức khắc ban hành hàng trăm sắc lệnh đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Joe Biden, rút Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris, khỏi Tổ chức Y tế Thế giới ...

Ông Trump cũng hủy bỏ lệnh cấm khai thác dầu khí ngoài khơi, hủy bỏ sắc lệnh bảo vệ những người đồng tính, chuyển giới, đưa Cuba trở lại danh sách các Nhà nước bảo trợ khủng bố.

Và như đã hứa, ông ký lệnh ân xá hơn 1.500 người tham gia vụ bạo loạn ở tòa Nhà Quốc Hội Mỹ (cách nay 4 năm nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2020). Quyết định ân xá ồ ạt nói trên đã bị giới thẩm phán tại Mỹ lên án là bất công, làm xói mòn Nhà nước pháp quyền.

Về hồ sơ di dân, ông Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới phía nam, xếp các băng đảng đưa người vượt biên trái phép là tổ chức khủng bố và điều quân đội đến. Một cách biểu tượng, luật chống di dân bất hợp pháp cũng là đạo luật đầu tiên được thông qua ở Nghị Viện Mỹ thời Trump 2.0. Đạo luật đặc biệt yêu cầu chính quyền liên bang tự động bắt giữ những di dân bất hợp pháp từng bị kết án về một số tội, dĩ nhiên cũng sẽ sớm được tổng thống ký ban hành.

Đáng nói hơn, để chống điều ông gọi là « du lịch sinh con », tân tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp hủy bỏ quyền nơi sinh, tức là quyền bảo đảm cho các di dân sinh ra trên lãnh thổ Mỹ được quyền nhập quốc tịch Mỹ. Ngày 23/01, một thẩm phán liên bang ở Seattle tuyen bố sắc lệnh hủy bỏ quyền nơi sinh là « vi hiến » và ban hành lệnh cấm tạm thời. Hai mươi hai bang trên toàn nước Mỹ và hàng chục hiệp hội đã khởi động các thủ tục để phản đối sắc lệnh chấm dứt quyền nơi sinh.

Về đối ngoại, thuế quan là thứ vũ khí lợi hại mà ông Donald Trump dùng để gây sức ép với các nước, không chỉ là nhắm vào những đối thủ như Trung Quốc, mà còn để đe dọa cả những nước vốn là đồng minh truyền thống, như châu Âu hay Canada.

Nước láng giềng phía nam của Mỹ là Mêhicô thì không chỉ bị đe dọa áp thuế nhập khẩu 25% mà còn chịu sức ép lớn về hồ sơ di dân bất hợp pháp từ Mêhicô sang Mỹ. Một mặt vừa cho tăng cường lực lượng an ninh ở biên giới, mặt khác tổng thống Mêhicô Claudia Sheinbaum hôm 21/01 kêu gọi « giữ cái đầu lạnh », tỉnh táo đối phó với những quyết định đầu tiên của Trump nhắm vào đất nước mình.

Canada và các biện pháp thuế quan đáp trả Hoa Kỳ

Trong bài phát biểu nhậm chức tổng thống Mỹ hôm 20/01, ông Trump không hề nhắc đến thuế quan nhắm vào Canada, nên chính quyền Ottawa tưởng chừng đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Ấy vậy mà chỉ cần một nhà báo Mỹ khơi mào đặt câu hỏi với tổng thống Mỹ tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, vấn đề ngay lập tức trở lại thành đề tài nóng. Nhưng thực ra, Ottawa cũng đã lường trước tình hình, chuẩn bị các biện pháp sẵn sàng đáp trả.

Từ Quebec, thông tín viên Pascale Guéricolas gửi về bài tường trình :

« Tổng thống Donald Trump cho thấy rõ ý định áp thuế hải quan đối với hàng hóa của Canada. Theo ông, Canada đang lợi dụng Hoa Kỳ, để cho quá nhiều người và các loại thuốc gây nghiện như fentanyl được vượt qua biên giới vào Mỹ. Chính vì thế, tổng thống Donald Trump có ý định áp thuế 25% đối với các sản phẩm nhập từ Canada, tính từ ngày 01/02 tới đây.

Trong khi đó, chính phủ Canada vẫn hy vọng có thể đảo ngược quyết định của Trump, bằng việc đầu tư gần một tỷ euro ngân sách để bảo đảm an ninh ở biên giới với Mỹ.

Nếu như Hoa Kỳ áp thuế, Canada có thể sẽ trả đũa. Nhưng bằng cách nào ? Bằng cách đánh thuế ngược lại các sản phẩm của Mỹ, ví dụ nước cam Florida hoặc rượu bourbon, một loại rượu whisky nhập từ bang Kentucky. Nếu những biện pháp này vẫn là chưa đủ, thì các nhà lãnh đạo Canada cũng dự kiến sẽ đánh thuế một số hàng hóa khác của Mỹ. Số thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ đối tác Mỹ có thể lên tới gần 73 tỷ euro ».

Trước thông báo hàng hóa bị áp thuế suất lên đến 25% từ ngày 01/02, đích thân thủ tướng Justin Trudeau, đã từ chức nhưng tiếp tục điều hành đất nước cho đến khi có kết quả bầu cử mới, ngày 23/01 hứa Ottawa sẽ cho Donald Trump thấy là Canada cũng biết cách tự vệ phù hợp trước những loại thuế « bất công » của Mỹ :

« Áp thuế quan đối với các sản phẩm nhập từ Canada chủ yếu sẽ làm tăng giá cả cho người tiêu dùng Mỹ và tăng thuế đối với người dân Mỹ. Không ai muốn điều đó. Nhưng nếu quả thực là tân chính quyền (Mỹ) tiếp tục muốn áp đặt những loại thuế bất công như thế thì Canada sẽ có phản ứng. Chúng ta sẽ hành động đúng mức nhưng cứng rắn, một lần nữa chứng minh rằng người Canada biết cách tự vệ ».

Nước Nga của Putin cũng không thoát đòn thuế khóa mang tên Donald Trump

Từng tự tin khẳng định sẽ chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraina trong vòng chỉ 24 giờ đồng hồ, nhưng theo tiết lộ ngày 22/01 của báo Mỹ Wall Street Journal, tổng thống Trump đã giao cho tướng Keith Kellogg, đã nghỉ hưu, nhiệm vụ chấm dứt chiến tranh Ukraina trong vòng ... 100 ngày.

Theo AFP, tổng thống Trump khẳng định « đã đến lúc tìm ra được một thỏa thuận » và dọa nếu Matxcơva không đúc kết thỏa thuận với Kiev « bây giờ » thì ông sẽ « không có lựa chọn nào khác » ngoài việc áp các loại thuế khóa và các biện pháp trừng phạt đối với mọi mặt hàng Nga bán sang Mỹ, cũng như nhắm cả vào những nước liên kết với Nga.

Giữ im lặng suốt từ khi Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ hôm 20/01, điện Kremlin đến thứ Năm 23/01 mới có phản ứng đầu tiên, khẳng định sẵn sàng đối thoại với chính quyền Donald Trump. Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, khi được báo giới hỏi về các mối đe dọa của tân chính quyền Mỹ, đã nhắc lại là ngay từ nhiệm kỳ I, ông Trump đã chơi lá bài trừng phạt Nga, tức là đây không phải điều gì mới mẻ hay đáng lo ngại cho Matxcơva, nhưng tỏ ý muốn đối thoại :

« Chúng tôi đang theo dõi rất sát sao các tuyên bố và những lời lẽ được sử dụng. Chúng tôi lưu ý đến mọi sắc thái và chúng tôi vẫn sẵn sàng đối thoại. Tổng thống Putin đã nhiều lần nói đến một cuộc đối thoại bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi đang chờ đợi các tín hiệu, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được tín hiệu nào ».

Bắc Kinh trước thời cơ do Donald Trump tạo ra cho Trung Quốc

Cũng bị Mỹ đe dọa tăng thuế nhập khẩu, nhưng Trung Quốc dường như đang cố nắm bắt cơ hội gia tăng ảnh hưởng trên thế giới, sau khi Donald Trump ồ ạt đưa ra thông báo rút Mỹ khỏi hàng loạt thỏa thuận và định chế quốc tế, như Thỏa thuận Khí hậu Paris, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hay việc tái lập các biện pháp trừng phạt chế độ Cuba ….

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Clea Broadhurst ngày 21/01 gửi về bài tường trình :

« Trung Quốc đã thể hiện sự đối lập rõ ràng trong các chính sách gần đây của Donald Trump và tìm cách vươn lên thành quốc gia dẫn đầu thế giới về chủ nghĩa đa phương, hành động vì khí hậu và chăm sóc sức khỏe con người trên toàn cầu.

Bằng cách hỗ trợ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi Hoa Kỳ rút lui, Bắc Kinh đang đặt cược vào hợp tác y tế quốc tế trong bối cảnh hậu đại dịch. Động thái này củng cố ảnh hưởng của Trung Quốc trong việc lãnh đạo thế giới, với khả năng định hướng các ưu tiên của Tổ chức Y tế Thế giới theo hướng có lợi cho chính Bắc Kinh.

Về hồ sơ khí hậu, sự chỉ trích của Trung Quốc về việc Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris đi kèm với một cam kết mạnh mẽ : đạt được mức trung hòa carbon từ nay đến năm 2060. Tham vọng này đặt Trung Quốc vào vị trí trung tâm của nền ngoại giao khí hậu, thu hút sự ủng hộ của Liên Hiệp Châu Âu và những nước tích cực chống biến đổi khí hậu.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đang củng cố vai trò của Bắc Kinh trong các công nghệ xanh, như pin mặt trời và xe điện.

Nhưng những lập trường này của Trung Quốc có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với Washington, nhất là về thương mại và an ninh khu vực. Đối với Bắc Kinh, chiến lược này nhằm mục đích củng cố, tăng cường ảnh hưởng trên thế giới và thu hút các nước đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho sự thống trị của Hoa Kỳ ».

« Đầu tầu » Pháp - Đức có thể dẫn dắt Liên Âu đối phó với Trump ?

Trong nhiệm kỳ Trump 2.0, quan hệ hai bên bờ Đại Tây Dương bước sang trang mới, phức tạp hơn. Hai ngày sau khi Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, một tháng trước kỳ bầu cử lập pháp tại Đức, thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 22/01 công du Paris, gặp gỡ nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron tại điện Elysée. Đây có thể là chuyến công du Pháp cuối cùng của Olaf Scholz trên cương vị thủ tướng Đức, bởi đảng của ông đang bị đảng cực hữu dẫn trước trong các cuộc thăm dò ý kiến.

Thắt chặt quan hệ Pháp-Đức, bộ đôi « đầu tàu » của Liên Hiệp Châu Âu để gia tăng sức mạnh dẫn dắt khối 27 nước đối phó với Donald Trump là mục tiêu của hai nhà lãnh đạo Scholz và Macron. Chính thủ tướng Đức Olaf Scholz xem Trump là một thách thức đối với Liên Âu. Phát biểu tại phủ tổng thống pháp, thủ tướng Đức nhận định :

« Như chúng ta đều biết, tổng thống Trump sẽ là một mối thách thức. Châu Âu và Hoa Kỳ gắn kết với nhau nhờ lịch sử lâu dài về tình hữu nghị và quan hệ đối tác. Chúng ta cần dựa vào nền tảng vững chắc này. Tổng thống Trump đã có hàng loạt quyết định và đã công bố các quyết định đó. Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ phân tích chi tiết với các đối tác châu Âu về các quyết định của Trump.

Quan điểm của chúng tôi về vấn đề này rất rõ ràng. Châu Âu là một khu vực kinh tế lớn với khoảng 450 triệu công dân. Chúng ta mạnh mẽ. Chúng ta đoàn kết. Châu Âu sẽ không co cụm lại và không ẩn mình, mà sẽ là một đối tác mang tính xây dựng và tự tin về mình ».

Có điều đáng lưu ý là Pháp - Đức có thể vượt qua những bất đồng để vực dậy châu Âu và dẫn dắt khối đoàn kết một lòng đối phó với mối nguy từ Donald Trump 2.0 hay không ? Bởi vì ngay chính trong phương sách đối phó với các đe dọa của Trump, hiện giờ Berlin và Paris vẫn muốn theo hai đường hướng trái ngược nhau. Theo Reuters, trong khi Berlin gây sức ép để Ủy Ban Châu Âu ủng hộ một thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Liên Âu và Mỹ, Paris nghiêng về giải pháp đáp trả nếu khối 27 nước thành viên bị tấn công thương mại.

Thế giới « lâm cảnh không thể dự báo » vì Trump, Liên Âu cần phải tăng ngân sách quốc phòng

Vẫn tại Liên Âu, trong lúc quân đội Nga vẫn đang duy trì sức ép trên chiến trường Ukraina, tiếp thủ tướng Donald Tusk của Ba Lan, nước giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, bà Roberta Metsola, chủ tịch Nghị Viện Châu Âu nhận định Donald Trump trở lại Nhà Trắng khiến thế giới « lâm cảnh không thể dự báo ».

Trong bối cảnh đó, ngày 23/01, thủ tướng Ba Lan nhấn mạnh Liên Âu cần phải tăng ngân sách quốc phòng, tích cực trang bị vũ khí mới để phòng vệ trước nguy cơ một cuộc chiến tranh mới có thể nổ ra. An ninh của khối 27 nước được xem như trọng tâm trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Ba Lan :

« Nếu Liên Âu muốn quyết tâm làm những gì chúng ta muốn, thì chúng ta phải tự bảo vệ mình. Đó không phải là lựa chọn của chúng ta, về bản chất tôi không phải là người hiếu chiến, nhưng ở Châu Âu không ai muốn thấy lặp lại những cuộc chiến mà châu lục từng phải trải qua, những cuộc chiến tàn khốc đã làm lục địa của chúng ta nhuốm máu.

Và chính vì những gì đã trải qua, chúng tôi hiểu rõ rằng để tránh những thảm kịch như thế trong lịch sử, chúng ta phải thể hiện sức mạnh và lòng quyết tâm. Có một tinh thần mạnh mẽ nhưng cũng phải có khả năng phòng thủ vững chắc, thế nên quý vị đừng phớt lờ đề xuất chi tới 5% (GDP cho ngân sách quốc phòng) ».


***********

Hoa Kỳ chính thức đổi tên Vịnh Mêhicô thành Vịnh Mỹ

Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ Bộ hôm qua, 24/01/2025, thông báo đã chính thức thay đổi tên Vịnh Mêhicô thành « Vịnh Mỹ » và đổi tên Núi Denali ở bang Alaska trở lại thành Núi McKinley.

Bản đồ Vịnh Mêhicô.
Bản đồ Vịnh Mêhicô. © Wikipedia
Quảng cáo

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh đổi tên các địa danh nói trên như một phần của một loạt biện pháp được công bố vài giờ sau khi nhậm chức ngày 20/01, thực hiện các lời hứa khi ông tranh cử.

Đỉnh núi hùng vĩ Denali nay được gọi lại là Núi McKinley, vinh danh cựu tổng thống Hoa Kỳ William McKinley, trước khi được đổi tên thành Denali, có nghĩa là « cao » trong thổ ngữ Koyukon. Theo thông cáo của bộ Nội Vụ Mỹ, « những thay đổi này khẳng định cam kết của quốc gia đối với bảo tồn di sản độc đáo của nước Mỹ ».

Cũng theo Reuters, tổng thống Donald Trump có thể ra lệnh cho Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đổi tên Vịnh Mêhicô, Tuy nhiên, không chắc là việc thay đổi tên như vậy được quốc tế công nhận. Mêhicô, giống như Hoa Kỳ, có bờ biển dài quanh Vịnh, đã từng tuyên bố tên Vịnh Mêhicô đã được quốc tế công nhận và đã được sử dụng làm tên đối chiếu cho lưu thông hàng hải từ hàng trăm năm qua.

Hãng tin AFP hôm 23/01 trích dẫn các chuyên gia nhận định rằng, khi đổi tên Vịnh Mêhicô thành Vịnh Mỹ, tổng thống Trump trước hết muốn làm vừa lòng công luận trong nước, nhưng việc đổi tên này cũng thể hiện tham vọng bành trướng của tân chủ nhân Nhà Trắng.

Mọi tổng thống đều có quyền đổi tên các địa điểm trong nước Mỹ, nhưng theo nhà hoạt động bảo vệ sinh thái Andrew Thaler, « chưa từng có tổng thống nào của Hoa Kỳ đổi tên các đặc điểm địa chất và hải dương học quốc tế. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm đổi tên toàn bộ Vịnh Mexico đều hoàn toàn mang tính biểu tượng ».

Hôm thứ ba tuần này, nữ tổng thống Mêhicô Claudia Sheinbaum cũng đã tuyên bố thẳng thừng : « Đối với chúng tôi, đó vẫn là Vịnh Mexico và đối với thế giới, đó vẫn là Vịnh Mexico ».


**********

Dân biểu Derek Tran nêu ý kiến về việc TT Trump ân xá nhiều người trong vụ 6/1

VOA Tiếng Việt

Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Derek Tran bày tỏ sự thất vọng trước việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký lệnh đặc xá cho các phạm nhân gây bạo loạn ở tòa nhà quốc hội ngày 6/1 cách nay 4 năm.

“Tôi vô cùng thất vọng vì quyết định này. Bất kỳ ai bị kết án vì hành hung một sĩ quan cảnh sát đều không có quyền quay trở lại đường phố của chúng ta”, ông Tran thuộc đảng Dân chủ viết trên trang X hôm 22/1.

“Chúng ta phải hỗ trợ cộng đồng thực thi pháp luật -- chứ không phải những tên tội phạm đã gây nguy hiểm cho họ”, vị dân biểu gốc Việt nhận định.

Ông Tran nhậm chức dân biểu liên bang hôm 3/1, nắm nhiệm kỳ 2 năm, trở thành dân biểu gốc Việt đầu tiên của tiểu bang California tại Hạ viện Mỹ. Ông đại điện cho địa hạt bầu cử số 45 có đông người gốc Việt trong tiểu bang.

Ngày 20/1, ngay trong ngày nhậm chức, Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa đã ký lệnh ân xá cho khoảng 1.500 người có liên quan đến vụ tấn công Điện Capitol, tức tòa nhà quốc hội Mỹ, vào ngày 6/1/2021.

Vị tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ đã dành những giờ đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của mình để xóa án tích của hơn 200 người đã nhận tội tấn công cảnh sát trong vụ bao vây Điện Capitol và trả tự do cho những người bị kết tội cố gắng lật đổ chính phủ, ân xá cho hơn 1.500 người bị buộc tội trong cuộc nổi loạn nổ ra sau khi ông Trump từ chối chấp nhận thất bại của mình trước đối thủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Tổng thống Trump hôm 21/1 bảo vệ quyết định ân xá này, nói rằng ông ban hành lệnh ân xá vì trong nhiều trường hợp, “những người này đã thụ án một thời gian dài và tôi đã đưa ra quyết định ân xá”.

Sắc lệnh của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cấp “một lệnh ân xá đầy đủ, toàn diện và vô điều kiện cho tất cả các cá nhân khác bị kết án về các hành vi phạm tội liên quan đến các sự kiện xảy ra tại hoặc gần Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1, 2021”, theo sắc lệnh do Nhà Trắng đăng tải.

Ngay sau khi ông Trump ký sắc lệnh, Dân biểu Nancy Pelosi, đảng viên Dân chủ, đại diện cho cử tri địa hạt 11 của bang California, đã chỉ trích lệnh ân xá này.

Trong một thông cáo ngày 20/1, nữ cựu Chủ tịch Hạ viện cho rằng tân tổng thống đã quay lưng lại với những nhân viên cảnh sát “đã hy sinh bản thân” và “đã bảo vệ nền dân chủ trong ngày đen tối đó”.

Bà nhấn mạnh nước Mỹ không được quên lòng dũng cảm phi thường của họ, được bà gọi là “những anh hùng lực lượng thực thi pháp luật”.

Trả lời phỏng vấn đài Fox News hôm 23/1, Tổng thống Trump tiếp tục bảo vệ lệnh ân xá gây tranh cãi của mình đối với những người bị cáo buộc gây bạo loạn ngày 6/1, khẳng định rằng họ hầu hết đều “hoàn toàn vô tội” mặc dù họ đã bị kết án.

Ông Trump nói: “Họ bị đối xử như những tội phạm tồi tệ nhất trong lịch sử. Và bạn biết họ đến đó để làm gì không? Họ phản đối cuộc bỏ phiếu”.

Trong sắc lệnh hành pháp của mình vào tối 20/1, ông Trump nói ông đang chấm dứt “sự bất công quốc gia nghiêm trọng đã gây ra cho người dân Mỹ trong 4 năm qua” để bắt đầu “quá trình hòa giải dân tộc”.

Hôm 22/1, khi được các phóng viên hỏi về lệnh ân xá của Tổng thống Donald Trump, ông Mike Johnson, đương kim Chủ tịch Hạ viện, đảng viên Cộng hòa, đáp: “Chúng tôi không nhìn lại phía sau. Chúng tôi nhìn về phía trước”, theo đài CNN.

Chỉ vài giờ sau, ông Johnson tuyên bố thành lập một tiểu ban chuyên trách mới để tiếp tục cuộc điều tra của đảng Cộng hòa liên quan đến sự kiện ngày 6/1, bởi vì “còn nhiều việc phải làm”. Ông cho biết thêm rằng đảng Cộng hòa cũng sẽ điều tra các lệnh ân xá do Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ đưa ra khi ông sắp kết thúc nhiệm kỳ, vẫn theo CNN.


**********

Đề cử tranh giải Oscar 2025: Phim Pháp đạt kỷ lục

Danh sách đề cử tranh giải điện ảnh Hoa Kỳ Oscar vừa được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ công bố hôm qua, 23/01/2025, trong đó có rất nhiều phim quốc tế, đặc biệt là phim Pháp năm nay lập một kỷ lục lịch sử. Lễ trao giải Oscar lần thứ 97 sẽ diễn ra ngày 03/02/2025 tại Los Angeles.

Một số thành viên trong nhóm làm phim «Emilia Perez» của đạo diễn Jacques Audiard tại Liên hoan Phim Quốc tế Cannes, Pháp, ngày 18/05/2024.
Một số thành viên trong nhóm làm phim «Emilia Perez» của đạo diễn Jacques Audiard tại Liên hoan Phim Quốc tế Cannes, Pháp, ngày 18/05/2024. © Vianney Le Caer/Invision/AP
Quảng cáo

Trong danh sách những người được đề cử tranh giải đạo diễn xuất sắc nhất năm nay có hai đạo diễn Pháp Jacques Audiard và Coralie Fargeat.

Đạo diễn Pháp Jacques Audiard, 72 tuổi, thậm chí còn lập kỷ lục của lễ trao giải Oscar đối với một bộ phim dài không phải là tiếng Anh, với tổng cộng 13 đề cử cho phim “ Emilia Perez”. Đây là một bộ phim nhạc kịch về đề tài chuyển giới, với cảnh trí như ở Mêhicô được dựng tại các phim trường ở ngoại ô Paris, nhưng được quay và hát bằng tiếng Tây Ban Nha, với những ngôi sao điện ảnh Mỹ Zoe Saldaña et Selena Gomez. Phim “Emilia Perez” đặc biệt được đề cử tranh giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất và phim hay nhất. Trong các đề cử khác của “Emilia Perez”, đáng chú ý còn có nữ diễn viên chuyển giới Karla Sofia Gascon, được đề cử tranh giải nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Cách đây 15 năm, một bộ phim khác của Jacques Audiard cũng đã được đề cử tranh giải Oscar phim nước ngoài hay nhất, đó là phim “Le Prophète”.

Đạo diễn Pháp thứ hai được đề cử tranh giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất năm nay là Coralie Fargeat, với bộ phim “ The Substance”, thuộc thể loại kinh dị, được quay bằng tiếng Anh và đánh dấu sự trở lại bất ngờ của nữ diễn viên Mỹ Demi Moore.

Trong danh sách đề cử tranh giải Oscar năm nay có rất nhiều phim đã thắng giải ở Liên hoan Cannes năm ngoái. Ngoài “Emilia Perez” ( Giải thưởng Ban giám khảo) và “ The Substance” ( Giải kịch bản hay nhất ), còn có 6 phim khác trong danh sách tranh giải chính thức của Cannes 2024.


*********

Ukraina tiếp tục các cuộc tấn công drone vào nhiều vùng của Nga

Chỉ huy Trung tâm chống bóp méo thông tin Ukraina, Andreiy Kovalenko, ngày 23/01/2025 thông báo, Kiev đã tiến hành nhiều đợt tấn công drone vào sâu trong các vùng của Nga.

Un soldat ukrainien s'apprête à lancer un drone dans la région de Bakhmout (image d'illustration).
Ảnh minh họa : Một người lính Ukraina chuẩn bị bắn một drone tại vùng Bakhmout, Ukraina. AP - Efrem Lukatsky
Quảng cáo

Một trong các cuộc tấn công đó làm nhà máy lọc dầu Riazan, nằm cách thủ đô Matxcơva 200 km về phía nam, bị bốc cháy.

Hôm nay, bộ Quốc Phòng Nga xác nhận trong đêm qua đã bắn hạ 120 drone Ukraina trên bầu trời của 12 vùng, trong đó có cả vùng Matxcơva. Đây là một trong những đợt tấn công bằng drone nhằm vào lãnh thổ Nga có quy mô lớn nhất kể từ đầu cuộc chiến. Bộ Quốc Phòng Nga cho biết thêm đa số các drone này đều bị bắn rơi trên các vùng biên giới của Nga. Truyền thông Nga cũng đưa tin về những thiệt hại ở nhiều vùng sau vụ tấn công.

Hôm qua, Nga cũng đã tiến hành nhiều cuộc bắn phá bằng tên lửa, bom và drone vào Ukraina, làm ít nhất 3 người chết và 50 người bị thương trong các vùng của Ukraina. Quân đội Nga tiếp tục gia tăng cường độ các cuộc tấn công trên bộ tại mặt trận phía đông, trong vùng Donetsk và Kharkiv. Chính quyền đã ra lệnh sơ tán dân ở nhiều địa điểm trong vùng Kharkiv.

Thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev tường trình :

Mặc dù mùa đông, các cuộc tấn công của Nga vẫn liên tiếp diễn ra trong vùng Kharkiv, chính xác là qua phía sông Oskil, tại đó  quân đội Nga cố gắng mở các cuộc tấn công bộ binh bằng xuồng hơi. Những cuộc tấn công như vậy, đến giờ vẫn bị phía Ukraina đẩy lui, gặp nhiều khó khăn vì điều kiện thời tiết, mặt nước sông không đóng băng.

Các cuộc tấn công chủ yếu nhằm tiêu hao nguồn lực của Ukraina nhưng không thực sự hiệu quả bởi quân Nga không thể thiết lập được hệ thống hậu cần và đưa xe bọc thép yểm trợ bộ binh.

Một phần vùng Kharkiv bị chiếm trong khoảng  thời gian từ tháng 02 đến tháng 09 năm 2022 đã được giải phóng. Nhưng Matxcơva đã mở các đợt tấn công mới. Dấu hiệu cho thấy sự lo lắng của Kiev trong chuyện này là việc những chỉ huy cao cấp phụ trách phòng thủ vùng trước đợt tấn công mới của Nga hồi tháng 05/2024 đã bị bắt cách đây ít ngày. Hai tướng Yurii Halushkin, Artur Horbenko và đại tá Illia Lapin bị cáo buộc đã không bảo vệ được vùng Kharkiv hồi mùa xuân năm ngoái.


*************

Những lần Tô Lâm lấn quyền Lương Cường

Tổng bí thư Tô Lâm (bên phải) và Chủ tịch nước Lương Cường tại Hà Nội hôm 21/10/2024
Tổng bí thư Tô Lâm (bên phải) và Chủ tịch nước Lương Cường tại Hà Nội hôm 21/10/2024 (AP)

Thông tin bạn cần biết là gì?

Tổng Bí thư Tô Lâm đã liên tiếp lấn quyền của Chủ tịch nước Lương Cường, thực hiện các công việc và chức năng, nhẽ ra thuộc về thẩm quyền của Phủ Chủ tịch theo quy định của hiến pháp.

Ông Tô Lâm ít nhất đã ba lần lấn sân, thực hiện chức năng đáng nhẽ ra phải thuộc về ông Lương Cường.

Trao Huân chương Sao Vàng

Ngày 20 tháng 1 năm 2025, Thông Tấn xã Việt Nam đưa tin cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh được trao Huân chương Sao Vàng.

Điều ngạc nhiên là Tổng Bí thư Tô Lâm mới là người trao huân chương chứ không phải Chủ tịch nước Lương Cường.

Huân chương Sao Vàng là huân chương cao quý nhất của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, theo quy định, người đứng đầu nhà nước mới có thẩm quyền trao tặng. Trong trường hợp này là Chủ tịch nước Lương Cường.

Trong các bức hình về buổi trao huân chương được Báo Nhân dân đăng tải, ông Lương Cường xuất hiện dưới hàng ghế khán giả.

Điện đàm với ông Tập Cận Bình

Ngày 15 tháng 1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc. Báo Chính phủ đưa tin cuộc điện đàm này diễn ra nhân dịp Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Việc Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam điện đàm với người đứng đầu đảng Cộng sản của Trung Quốc (ông Tập Cận Bình vừa là Chủ tịch nước vừa là Tổng Bí thư), là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, hiến pháp Việt Nam quy định Chủ tịch Nước là ‘người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại’.

Do vậy, trong bối cảnh nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kỷ niệm việc thiết lập quan hệ, theo hiến pháp, Chủ tịch nước Lương Cường mới là người phù hợp để thực hiện cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc.

Thăm và nâng cấp quan hệ ngoại giao với Malaysia

Tháng 11 năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chuyến thăm chính thức tới Malaysia và được Thủ tướng nước này đón tiếp.

Truyền thông trong nước đã khéo léo không gọi chuyến thăm của ông Tô Lâm là chuyến thăm cấp nhà nước, để tránh biến ông Tô Lâm trở thành người đại diện nhà nước Việt Nam, vì trên thực tế đó là Chủ tịch nước Lương Cường.

Tuy nhiên, ông Tô Lâm đã việt vị khi đưa ra tuyên bố chung với Thủ tướng Malaysia, về việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa nhà nước Việt Nam và nhà nước Malaysia lên mức Đối tác chiến lược toàn diện.

Đây vốn là thẩm quyền của Chủ tịch nước Lương Cường, vì ông mới là người đại diện cho nhà nước Việt Nam trong đối ngoại.

Tại sao bạn nên biết thông tin này?

Các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam gồm bốn vị trí, thường được biết tới với tên ‘tứ trụ’, trong đó có Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, và Chủ tịch Quốc hội. Bốn vị trí được phân chia vai trò và quyền lực rõ ràng. Nhưng kể từ khi lên làm Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã nhiều lần vượt ra khỏi thẩm quyền của mình, điều này cho thấy sức ảnh hưởng to lớn của vị đảng trưởng trong nền chính trị Việt Nam.


***********

Donald Trump tuyên bố không muốn áp thuế cao với Trung Quốc

Theo AFP, tổng thống Mỹ Donald Trump ngày hôm qua đã có tuyên bố quay ngoắt với những gì đã được hứa hẹn, lặp đi lặp lại, là sẽ đánh thuế nhập khẩu nặng với hàng Trung Quốc, đối thủ kinh tế lớn nhất của Hoa Kỳ.

FILE - In this Saturday, June 29, 2019, file photo, U.S. President Donald Trump, left, meets with Chinese President Xi Jinping during a meeting on the sidelines of the G-20 summit in Osaka, Japan.(AP
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (T) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc họp G-20 ở Osaka, Nhật Bản. AP - Susan Walsh
Quảng cáo

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Mỹ Fox News phát sóng ngày hôm qua, 23/01/2025, được hỏi liệu ông có thể đạt được thỏa thuận với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Đài Loan và thương mại hay không ? Ông Trump đáp : « Tôi có thể làm điều đó bởi vì chúng ta có cái mà họ muốn….chúng ta có uy lực rất lớn đối với Trung Quốc, đó là thuế hải quan, họ không muốn bị đánh thuế, còn tôi có thể cũng không muốn sử dụng thuế đó. Nhưng đó là một thứ uy lực kinh khủng đối với Trung Quốc ». 

Đọc thêmMỹ xem xét tăng thêm 10% thuế nhập khẩu đối với hàng Trung Quốc và gây áp lực với Liên Âu

Thứ Hai tuần này, ngay trong ngày nhậm chức, ông Trump tuyên bố mức thuế 10% đánh vào hàng Trung Quốc nhập khẩu sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng Hai tới. Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, ông thậm chí còn dọa tăng mức thuế này lên đến 60%.

Bình luận về những tuyên bố trên của tổng thống Mỹ, Bắc Kinh khẳng định những bất đồng thương mại với Hoa Kỳ có thể được giải quyết bằng « đối thoại và tham vấn » giữa hai bên. Tại buổi họp báo thường kỳ hôm nay, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh : « Hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai bên cùng có lợi ».


**********

Tân ngoại trưởng Mỹ điện đàm, chúc Tết phó TTg kiêm bộ trưởng ngoại giao Việt Nam


Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington hôm 21/1/2025.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington hôm 21/1/2025.

Tân Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đàm thoại với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn hôm 24/1, bà Tammy Bruce, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, loan báo cùng ngày trên trang web của bộ.

“Hai quan chức vui mừng về dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ Mỹ-Việt và tiến bộ đạt được từ Đối tác Chiến lược Toàn diện”, nữ phát ngôn viên cho biết. “Tuy ca ngợi sự hợp tác kinh tế của chúng ta, song Ngoại trưởng khuyến nghị Việt Nam hãy giải quyết tình trạng bất cân đối về thương mại”, vẫn lời bà Bruce.

Lời khuyến nghị của ông Rubio được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống thứ 47 của Mỹ Donald Trump, người nhậm chức lần thứ hai hôm 20/1 vừa qua, đòi hỏi một số đối tác phải cân bằng cán cân thương mại với Mỹ và ông xem đây là một trọng tâm trong chương trình nghị sự của mình.

Ông Trump nhiều lần đe dọa sẽ đánh thuế cao vào những nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, điều mà một số chuyên gia kinh tế nhận định với VOA là đáng lo ngại trong thời gian tới đối với Việt Nam, nước có thương mại hai chiều với Mỹ đạt hơn 132 tỷ đô la trong cả năm 2024.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm ngoái, đất nước này xuất khẩu sang Mỹ hàng hóa có giá trị gần 119 tỷ đô la và nhập khẩu từ Mỹ các sản phẩm trị giá 13 tỷ đô la, như vậy hưởng thặng dư lên đến 106 tỷ đô la. Với các con số vừa nêu, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Cũng trong cuộc đàm thoại, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio chúc Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đón Tết vui vẻ và có một năm an khang thịnh vượng, Phát ngôn viên Tammy Bruce cho biết thêm.

Hai nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước điện đàm chỉ ít ngày sau khi ông Sơn gửi thư chúc mừng tới ông Rubio vào ngày 21/1 nhân dịp chính trị gia 53 tuổi này được Thượng viện Mỹ chuẩn thuận làm ngoại trưởng.

Như VOA đã đưa tin, qua bức thư, ông Sơn tái khẳng định Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ vì lợi ích của nhân dân hai nước, cũng như góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Vị phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao của Việt Nam mời tân ngoại trưởng Mỹ thăm đât nước ở Đông Nam Á trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ, 1995-2025.

Khi hai ông Rubio và Sơn điện đàm hôm 24/1, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ “cũng đã thảo luận về các mối quan ngại trong khu vực, bao gồm cách hành xử hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông”, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ thêm.

Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và một số nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo lên nhau ở các vùng của Biển Đông, nhưng Trung Quốc nêu ra yêu sách nhiều nhất, bị Việt Nam và các nước phản đối do thiếu cơ sở pháp lý.

Trong nhiều năm trở lại đây, với sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội, Trung Quốc ngày càng tăng cường quân sự hóa trên các thực thể mà họ chiếm đóng ở biển này, cũng như có nhiều động thái bị xem là bắt nạt, lấn át Việt Nam và Philippines, dẫn đến những tuyên bố của các chính quyền khác nhau ở Mỹ chỉ trích Trung Quốc, yêu cầu họ chấm dứt các hành vi nguy hiểm và gây bất ổn.

Trong cùng ngày 24/1, Ngoại trưởng Mỹ Rubio cũng đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị nhưng giọng điệu của cuộc này khác hẳn với cuộc giữa hai ông Rubio và Sơn.

Một bản tin của AFP dẫn thông tin từ bà Bruce, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay rằng ông Rubio – vốn lâu nay có quan điểm diều hâu về Trung Quốc – đã nói với ông Vương rằng chính quyền trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump sẽ thực hiện mối quan hệ với Trung Quốc theo cách thức “thúc đẩy lợi ích của Mỹ và đặt nhân dân Mỹ lên trên hết”.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh về “cam kết của Mỹ với các đồng minh của mình trong khu vực và quan ngại sâu sắc về những hành động cưỡng ép của Trung Quốc đối với Đài Loan và ở Biển Đông”.

Đáp lại, ông Vương nói rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép Đài Loan ly khai khỏi Trung Quốc, theo AFP. Ông Vương cũng nêu ý kiến rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần làm việc cùng nhau để tìm ra cách thức đúng đắn mang lại sự hòa thuận trong kỷ nguyên mới.


**********

WHO sẽ cắt giảm chi phí, thay đổi các ưu tiên sau khi Mỹ rút ra


Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Tổ chức Y tế Thế giới sẽ cắt giảm chi phí và xem xét các chương trình y tế nào cần ưu tiên sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Hoa Kỳ khỏi WHO, người đứng đầu cơ quan này đã nói với nhân viên trong một bản ghi nhớ nội bộ mà Reuters đã xem.

Ông Trump đã thực hiện động thái này vào ngày 20/1, ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, cáo buộc cơ quan y tế của Liên hiệp quốc xử lý sai đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng y tế quốc tế khác.

“Thông báo này đã khiến tình hình tài chính của chúng tôi trở nên nghiêm trọng hơn...”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong bản ghi nhớ ngày 23 tháng 1. Bản ghi nhớ cho biết WHO đã lên kế hoạch cắt giảm đáng kể chi phí đi lại và dừng tuyển dụng, ngoại trừ các lĩnh vực quan trọng, như một phần của các biện pháp tiết kiệm chi phí.

Phát ngôn viên của WHO đã xác nhận bản ghi nhớ - được Reuters đưa tin lần đầu tiên - là xác thực nhưng từ chối bình luận thêm.

Liên hiệp quốc đã xác nhận vào ngày 23/1 rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi WHO vào ngày 22 tháng 1 năm 2026, sau thời hạn thông báo một năm theo yêu cầu của nghị quyết chung năm 1948 của Quốc hội Hoa Kỳ. Nghị quyết cũng nêu rõ rằng Washington phải trả phí cho WHO trước khi rời đi.

Hoa Kỳ là nhà tài trợ tài chính lớn nhất của WHO, đóng góp khoảng 18% tổng kinh phí của tổ chức này. Ngân sách hai năm gần đây nhất của WHO, cho giai đoạn 2024-2025, là 6,8 tỷ đô la.

Hoa Kỳ nợ WHO khoảng 130 triệu đô la tiền phí thành viên phải nộp cách đây một năm, vào tháng 1 năm 2024, phát ngôn viên của WHO Christian Lindmeier cho biết trong cuộc họp báo của Liên hiệp quốc tại Geneva vào ngày 24/1, mặc dù ông cho biết sự chậm trễ như vậy không phải là bất thường.

“Chúng tôi cũng chưa nhận được đánh giá năm 2025, tức là phí thành viên, đáng lẽ phải nộp ngay bây giờ”, ông nói. Ông nói thêm rằng khoản đóng góp của Hoa Kỳ cho WHO cũng bao gồm các khoản phí tự nguyện, dành riêng cho một số chương trình nhất định và các khoản thanh toán đó có thể bị dừng bất cứ lúc nào.

Bản ghi nhớ cho biết WHO đã nỗ lực cải tổ tổ chức và thay đổi cách thức tài trợ, với các quốc gia thành viên tăng phí bắt buộc và đóng góp vào vòng đầu tư của tổ chức được khởi động vào năm ngoái.

Nhưng bản ghi nhớ nói sẽ cần thêm kinh phí và đồng thời phải cắt giảm chi phí. Điều này sẽ bao gồm việc mặc định chuyển tất cả các cuộc họp sang hình thức trực tuyến mà không có sự chấp thuận đặc biệt, hạn chế việc thay thế thiết bị Công nghệ Thông tin và đình chỉ việc cải tạo văn phòng trừ khi liên quan đến vấn đề an toàn hoặc cắt giảm chi phí đã được chấp thuận.

“Loạt biện pháp này không toàn diện và sẽ có thêm nhiều biện pháp khác được công bố trong thời gian tới”, bản ghi nhớ viết, đồng thời cho biết WHO có trụ sở tại Geneva sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ và bảo vệ nhân viên.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 10 Tháng Ba 20255:59 SA
Chủ Nhật, 09 Tháng Ba 20257:27 SA
Thứ Bảy, 08 Tháng Ba 20256:52 SA
Thứ Sáu, 07 Tháng Ba 20255:50 SA
Thứ Năm, 06 Tháng Ba 20256:12 SA
Thứ Tư, 05 Tháng Ba 20254:19 SA
Thứ Ba, 04 Tháng Ba 20256:00 SA
Thứ Hai, 03 Tháng Ba 20253:16 SA
Chủ Nhật, 02 Tháng Ba 20256:55 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo