Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 10 -4 -2024

Thứ Tư, 10 Tháng Tư 20245:23 SA(Xem: 967)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 10 -4 -2024
Hoaluc 4*********

Chiến tranh Ukraina: Mỹ cảnh báo Trung Quốc về việc tăng cường hợp tác với Nga

Thanh Phương

Hoa Kỳ hôm qua, 09/10/2024, cảnh báo Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Nga giành thêm lãnh thổ ở Ukraina, sau khi Bắc Kinh nhắc lại cam kết hợp tác với Matxcơva trong chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Nga. 

Đăng ngày:

2 phút

Theo hãng tin AFP, tuyên bố với Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Kurt Campbell cho biết duy trì hòa bình và ổn định ở châu Âu là "sứ mệnh quan trọng nhất trong lịch sử" đối với Mỹ. Ông cảnh báo rằng việc Nga giành được lãnh thổ có thể "làm thay đổi thế cân bằng quyền lực ở châu Âu" theo cách "không thể chấp nhận được", sau hai năm chiến tranh ở Ukraina và trong lúc viện trợ của Mỹ cho Kiev vẫn bị Quốc Hội chặn từ nhiều tháng qua.

Ông Campbell nói thêm: "Chúng tôi đã trực tiếp nói với Trung Quốc rằng việc họ tiếp tục tăng cường hợp tác với Nga sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không ngồi yên cứ như là "mọi chuyện vẫn ổn"

Quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ đã có phản ứng như trên khi được hỏi về chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua, và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông sẵn sàng tăng cường sự phối hợp giữa hai nước. 

Ông Campell nhắc lại Hoa Kỳ đã nhiều lần đe dọa trừng phạt Trung Quốc nếu nước này hỗ trợ đáng kể cho Nga. Theo Washington, Nga đang ngày càng chuyển sang sử dụng vũ khí từ Bắc Triều Tiên và Iran, hai quốc gia đang bị trừng phạt, để tiến hành cuộc chiến ở Ukraina. 

Đáp lại lời cảnh cáo của ông Campell, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh hôm nay tuyên bố Trung Quốc bác bỏ mọi "chỉ trích hay áp lực" về quan hệ giữa Bắc Kinh với Matxcơva. Bà Mao Ninh khẳng định: "Trung Quốc và Nga có quyền có quan hệ hợp tác bình thường về kinh tế và thương mại"

Cũng theo hãng tin AFP, Hoa Kỳ vừa cho phép bán cho Ukraina các thiết bị quân sự trị giá 138 triệu đôla để sửa chữa và nâng cấp các hệ thống tên lửa Hawk. Từ nhiều tháng qua, Kiev vẫn yêu cầu các đồng minh phương Tây cấp thêm đạn dược và hệ thống phòng không để chống trả quân Nga. 

Về tình hình chiến sự, trong đêm qua, quân Nga đã oanh kích vào hai cơ sở năng lượng ở miền nam Ukraina, khiến 2 người bị thương, theo thông báo của quân đội Ukraina. Từ nhiều tuần qua, quân Nga oanh kích liên tục vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina, nhất là tại miền đông bắc, khu vực chung quanh thành phố Kharkiv, gây ra nhiều vụ cúp điện trên diện rộng.


***********

Nga lại cáo buộc Mỹ hỗ trợ các hoạt động "khủng bố" của Ukraina

Trọng Thành

Hôm qua, 09/04/2024, Matxcơva tiếp tục tìm cách quy kết Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây hỗ trợ Ukraina tiến hành "các vụ khủng bố" tại Nga. Ủy ban Điều tra Liên bang Nga mở điều tra về "các tài trợ cho khủng bố", với đích ngắm chính là ông Hunter Biden, con trai của tổng thống Mỹ, nguyên là thành viên ban lãnh đạo một công ty dầu mỏ Ukraina. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ ngay lập tức lên án các cáo buộc nói trên là "hồ đồ".

Đăng ngày:

2 phút

AFP dẫn lại thông báo của Ủy ban Điều tra Nga, cho biết mục tiêu của điều tra là xem xét "các hoạt động cung cấp vốn lên đến hàng triệu đô la" với sự cộng tác của "chính quyền, tổ chức công và tổ chức thương mại của nhiều quốc gia phương Tây". Công ty Burisma bị cáo buộc là tổ chức đóng "vai trò trung gian" trong hoạt động cấp tiền "cho các hoạt động khủng bố tại Nga và nước ngoài nhằm ám sát một số nhân vật có tên tuổi" trong những năm gần đây.

Ông Hunter Biden, con trai tổng thống Joe Biden, là thành viên ban lãnh đạo công ty này từ năm 2014 đến 2019.

Theo Ủy ban Điều tra Nga, cuộc điều tra đã được khởi động theo yêu cầu của một dân biểu Nga về "việc giới chức cao cấp của Hoa Kỳ và các nước NATO tài trợ cho các hoạt động khủng bố".  Trong thông báo hôm qua, phía Nga đã không nêu ra các vụ ám sát cụ thể nào bị tình nghi là có bàn tay của Ukraina.

Con trai của tổng thống Biden cũng là mục tiêu tấn công của phe Cộng Hòa Mỹ từ nhiều năm nay. Cho đến nay, các điều tra về cáo buộc tham nhũng nhắm vào ông Hunter Biden đã không mang lại bằng chứng nào cho phép buộc tội.

Hồi tháng 2 vừa qua, theo cơ quan điều tra Mỹ, một cựu nhân viên chỉ điểm của Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI, ông Alexander Smirnov, 43 tuổi, thú nhận là đã sử dụng "các thông tin bịa đặt về gia đình tổng thống Biden, do tình báo Nga cung cấp", để đưa ra các cáo buộc tham nhũng giả mạo nhắm vào tổng thống Biden và con trai.


***********

Tuần duyên Mỹ: Hoàn toàn hợp pháp khi khám xét tàu cá Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương

Reuters

Tuần duyên Mỹ vừa bác bỏ phát biểu của một nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng việc lực lượng Mỹ cùng cảnh sát địa phương khám xét tàu đánh cá Trung Quốc gần đây ở quần đảo Thái Bình Dương là việc bất hợp pháp. Vẫn Tuần duyên Mỹ nói thêm rằng các cuộc tuần tra chung là theo yêu cầu của các quốc gia Thái Bình Dương để bảo vệ nghề cá ven biển.

Hồi tháng trước, Reuters đưa tin rằng 6 tàu đánh cá Trung Quốc bị phát hiện vi phạm luật đánh bắt cá của Vanuatu sau khi bị khám xét bởi cảnh sát địa phương đi trên chiếc tàu Tuần duyên đầu tiên của Hoa Kỳ đi tuần tra ở vùng biển của đảo quốc Thái Bình Dương.

Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ và cảnh sát Kiribati cũng đã lên khám xét 2 tàu đánh cá Trung Quốc trong một cuộc tuần tra hồi tháng 2, là cuộc tuần tra chung đầu tiên sau một thập kỷ, nhưng không thấy có vấn đề gì trên tàu.

Đại sứ Trung Quốc tại New Zealand Vương Tiểu Long (Wang Xiaolong) nêu trong một lá thư do Đại sứ quán Trung Quốc lưu hành hôm 5/4 rằng việc sử dụng các thỏa thuận về đi chung tàu giữa Mỹ và Vanuatu, Kiribati và Papua New Guinea để “thực hiện các hoạt động thực thi pháp luật nhằm vào các tàu đánh cá của Trung Quốc” là vi phạm luật quốc tế.

Trong thư, ông Vương tuyên bố rằng các thỏa thuận như vậy không áp dụng được đối với đội tàu đánh cá của Trung Quốc.

Bức thư viết: “Trung Quốc không có nghĩa vụ phải chấp nhận việc thực thi pháp luật của các quốc gia khác ngoài các quốc gia ven biển đối với các hoạt động đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của họ”.

Chuẩn đô đốc Tuần duyên Hoa Kỳ Michael Day hôm 10/4 nói rằng tuyên bố của đại sứ Trung Quốc là không chính xác và các thỏa thuận vận chuyển tàu song phương tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ông nói trong cuộc họp báo ở Honolulu đón tàu tuần duyên Hoa Kỳ Harriet Lane trở về sau chuyến tuần tra quần đảo Thái Bình Dương: “Chúng tôi thực hiện những cuộc lên tàu khám xét này theo yêu cầu của những quốc gia sở tại mời chúng tôi đi cùng, để hợp tác với họ trong việc bảo vệ Vùng đặc quyền kinh tế của họ”.

“Một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở được xác định dựa trên việc tuân theo các quy tắc, chuẩn mực và luật pháp quốc tế, và tôi vui mừng nói rằng lực lượng tuần duyên đang tuân thủ tất cả luật pháp quốc tế và đây là những hoạt động lên tàu hợp pháp”.

Trung tá Nicole Tesoniero nói rằng các thỏa thuận đi chung tàu với Samoa, Fiji, Vanuatu và Papua New Guinea mang lại kết quả là 23 cuộc khám xét tàu đánh cá hoạt động ở “những nơi xa trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia liên quan”, với 12 vụ vi phạm bị cảnh sát địa phương phát hiện.

Bà Tesoniero nói: “Việc nhắm mục tiêu vào các tàu trong vùng đặc quyền kinh tế cũng như các hành động thực thi đều do các đối tác của chúng tôi quyết định”.

Cuộc tuần tra diễn ra sau khi Vanuatu và Quần đảo Solomon, các đảo quốc Thái Bình Dương có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, chặn Cảnh sát biển Hoa Kỳ đến cảng để tiếp nhiên liệu vào năm 2022 và 2023 khi lực lượng này thực hiện một cuộc tuần tra đánh bắt cá bất hợp pháp thay mặt cho khối khu vực Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.


***********
voatiengviet.com

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: Sẽ có thêm các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông

Reuters

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay có thể sẽ có thêm các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông sau các cuộc tập trận của Mỹ, Australia, Philippines và Nhật Bản diễn ra hồi cuối tuần trước, Reuters dẫn lời ông Sullivan cho biết hôm 9/4, trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa các lãnh đạo của Mỹ với phía Nhật và Philippines trong tuần này.

Tàu chiến của 4 nước Mỹ, Australia, Philippines và Nhật tổ chức cuộc tập trận hôm 7/4 sau khi Trung Quốc tăng cường áp lực lên Philippines trên tuyến đường thủy chiến lược có nhiều tranh chấp.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Washington vào ngày 10/4 và hai ông sẽ cùng Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos gặp nhau vào ngày 11/4 để hội đàm, bao gồm cả bàn thảo cách đẩy lùi Trung Quốc.

“Về các cuộc tuần tra hải quân, chúng ta vừa thấy hoạt động 3 bên cộng với Australia, một hình thức tuần tra hải quân chung 4 bên mới vào tuần trước, vì vậy quý vị có thể trông đợi là sẽ thấy có thêm nhiều những việc như thế trong tương lai”, ông Sullivan nói trong cuộc họp báo thường kỳ tại Nhà Trắng khi ông thông báo các cuộc gặp thượng đỉnh.

Ông Sullivan cũng cho biết Washington và các đối tác Australia và Anh hiện có trong hiệp ước an ninh AUKUS sẽ xem xét khả năng Nhật tham gia vào Trụ cột II của dự án này.

Ông Sullivan nói: “Chúng tôi sẵn sàng làm việc với các đối tác bổ sung ngoài ba chúng tôi, như thế, họ có thể đóng góp năng lực và Nhật Bản là một trong những quốc gia có thể mang đến nhiều năng lực”.

“Nhật Bản có thể là một nước đóng góp quan trọng. Qúy vị sẽ thấy khi họ nói chuyện vào ngày mai, một dấu hiệu cho thấy đó là hướng chúng tôi đang đi”, vẫn lời ông.

Ông Sullivan cho hay ông Biden và ông Kishida sẽ công bố các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh và khám phá không gian.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình NHK World của Nhật hôm 8/4, ông Sullivan đã đề cập đến kế hoạch thành lập trụ sở mới của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) để giám sát tất cả các hoạt động quân sự của đất nước mà ông Kishida muốn thành lập vào cuối tháng 3/2025.

Ông Sullivan nói rằng mục đích là để cho phép hai nước “làm việc cùng nhau hiệu quả hơn, cùng nhau giải quyết tất cả những thách thức chung mà chúng ta phải đối mặt trong lĩnh vực an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

“Chúng tôi sẵn sàng vào lúc Nhật Bản sẽ tiến một bước trong việc tăng cường công tác chỉ huy tác chiến của chúng tôi tại Nhật Bản và đảm bảo rằng chúng tôi đang tích hợp chỉ huy tác chiến của mình với Nhật Bản vì chúng tôi phải có khả năng hợp tác chung trong một thế giới đầy những mối đe dọa và thách thức luôn biến động và trong một khu vực có nhiều mối đe dọa và thách thức cũng luôn biến động”.

Trong khi Washington quan tâm đến sự tham gia của Nhật Bản, các quan chức và chuyên gia Mỹ cho rằng vẫn còn những trở ngại do Tokyo cần phải triển khai các biện pháp phòng vệ mạng tốt hơn và các quy tắc chặt chẽ hơn để bảo vệ bí mật.


**********

Tin tức thế giới 10-4: Mỹ chuyển vũ khí tịch thu của Iran cho Ukraine, đủ cho 1 lữ đoàn

THANH HIỀN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và thống đốc vùng Kharkov Oleh Syniehubov thị sát các công sự mới cho quân nhân Ukraine trong khu vực ngày 9-4 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và thống đốc vùng Kharkov Oleh Syniehubov thị sát các công sự mới cho quân nhân Ukraine trong khu vực ngày 9-4 - Ảnh: REUTERS

Viện trợ của Mỹ cho Ukraine

* Mỹ gửi vũ khí bị tịch thu của Iran cho Ukraine

Theo Hãng tin Reuters, quân đội Mỹ ngày 10-4 thông báo nước này đã chuyển cho Ukraine hơn 5.000 khẩu AK-47, súng máy, súng bắn tỉa, súng chống tăng RPG và hơn 500.000 viên đạn đã tịch thu được từ Iran hơn một năm trước.

Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOMT) tuyên bố số vũ khí đã bị tịch thu từ 4 tàu "không quốc tịch", khi các tàu này bị hải quân Mỹ và tàu đối tác chặn lại trong khoảng thời gian từ ngày 22-5-2021 đến 15-2-2023.

Mỹ cho biết vũ khí đang trên đường được Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran chuyển cho lực lượng Houthi đóng tại Yemen.

Viết trên mạng xã hội X, CENTCOM thông báo số vũ khí nêu trên đã được Washington gửi cho Kiev từ hôm 4-4 và "đủ để trang bị cho một lữ đoàn Ukraine". Một lữ đoàn bộ binh thông thường có khoảng 3.500 - 4.000 quân.

Đây là khoản hỗ trợ quân sự mới nhất mà chính quyền Tổng thống Joe Biden cung cấp cho Ukraine, trong bối cảnh gói viện trợ trị giá 60 tỉ USD được ông Biden đề xuất vẫn đang bị chặn lại ở Quốc hội Mỹ.

Với việc lực lượng Ukraine đang rơi vào tình thế sắp cạn kiệt vũ khí và đạn dược, nhất là các loại đạn pháo hạng nặng, Mỹ và các đồng minh đang tìm thêm các phương án mới để trang bị quân sự cho Kiev.

Trước thông tin Mỹ chuyển vũ khí tịch thu từ Iran cho Ukraine, phái đoàn thường trực của Iran tại Liên Hiệp Quốc cho biết: "Chúng tôi không thể bình luận về các loại vũ khí vốn chưa bao giờ là của chúng tôi".

* Mỹ sẽ bán 138 triệu USD thiết bị nâng cấp phòng không cho Ukraine

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters rằng Washington sẽ bán cho Ukraine số thiết bị trị giá khoảng 138 triệu USD để duy trì và nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không HAWK, giúp Ukraine bảo vệ chống lại các đợt không kích bằng drone và tên lửa từ Nga.

Mỹ đã bắt đầu vận chuyển tên lửa đánh chặn HAWK tới Ukraine vào năm 2022 như một bản nâng cấp cho hệ thống tên lửa phòng không vác vai Stinger.

Mặc dù Ukraine đã cạn nhiều nguồn tài trợ từ Mỹ, nhưng nước này vẫn nhận được khoản viện trợ quân sự trị giá 300 triệu USD là một phần của dự luật chi tiêu quốc phòng hằng năm.

Số tiền này sẽ được sử dụng để trang bị các thiết bị, bao gồm cả dịch vụ kỹ thuật và tích hợp hệ thống thông tin liên lạc, tân trang các đơn vị hỏa lực HAWK.

Nga tố Ukraine lại tấn công nhằm vào nhà máy điện hạt nhân, Kiev phủ nhận

Ngày 9-4, Nga cáo buộc Ukraine đã tấn công một trung tâm huấn luyện của Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Trong đó, Nga ghi nhận một máy bay không người lái đã rơi trên nóc trung tâm này và không có ai bị thương.

Hãng thông tấn RIA (Nga) cho biết vụ tấn công xảy ra chỉ 10 phút sau khi đại diện phái đoàn Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) rời đi.

Tình báo quân đội Ukraine tuyên bố Kiev không tham gia các hành động quân sự hay khiêu khích nhằm vào các cơ sở hạt nhân.

Ukraine phủ nhận họ đứng sau một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào nhà máy điện hạt nhân này trong các ngày qua.

IAEA đã cảnh báo các cuộc tấn công gây nguy hiểm cho an toàn hạt nhân và tổ chức họp khẩn về vấn đề này vào ngày 11-4 tới.

Thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas vẫn đang bế tắc

Phong trào Hồi giáo Hamas ngày 9-4 cho biết đề xuất của Israel về lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến ở Gaza không đáp ứng được yêu cầu của lực lượng này, song họ sẽ nghiên cứu về đề xuất và đưa ra phản hồi cho các nhà hòa giải.

Các cuộc đàm phán ở Cairo (Ai Cập), có sự tham dự của Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns, cho đến nay vẫn chưa đạt được bước đột phá nào trong việc tạm dừng giao tranh.

Hamas muốn bất kỳ thỏa thuận nào cũng đảm bảo chấm dứt cuộc tấn công của quân đội Israel, rút lực lượng Israel khỏi Gaza và cho phép những người di tản trở về nhà của họ ở Gaza.

Song Israel cứng rắn tuyên bố sẽ không có thỏa thuận nào nếu các con tin bị Hamas bắt giữ không được trả tự do.

Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, đang nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn sau khi yêu cầu Israel làm nhiều hơn để bảo vệ dân thường ở Gaza và cung cấp thêm viện trợ để ngăn chặn nạn đói.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo 400 xe tải viện trợ đã được phép vào Gaza hôm 8-4 - đây là số lượng xe viện trợ lớn nhất được tiến vào kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra vào tháng 10-2023.

Israel cho biết viện trợ đang được chuyển đến Gaza nhanh hơn sau các áp lực quốc tế, tuy nhiên Liên Hiệp Quốc nói rằng viện trợ vẫn ít so với mức tối thiểu để đáp ứng nhu cầu nhân đạo.

Mexico đình chỉ đàm phán FTA với Ecuador

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador ngày 9-4 tuyên bố đình chỉ tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang diễn ra với Ecuador.

Theo TTXVN, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Mexico (ANIERM) Gerardo Tajonar cho biết đây là động thái đáp trả đầu tiên liên quan đến lĩnh vực thương mại của Chính phủ Mexico sau khi nước này tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador.

Phát biểu họp báo, ông Tajonar nhấn mạnh sự cố ngoại giao nghiêm trọng vừa qua giữa hai nước đã lan sang quan hệ thương mại song phương, và chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở việc đình chỉ đàm phán FTA mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực liên quan.

Nhật thực toàn phần

Một máy bay bay qua vùng trời tại Bloomington, bang Indiana (Mỹ) vào thời điểm nhật thực toàn phần ngày 8-4 - Ảnh: Bobby Goddin/USA Today Network

Một máy bay bay qua vùng trời tại Bloomington, bang Indiana (Mỹ) vào thời điểm nhật thực toàn phần ngày 8-4 - Ảnh: Bobby Goddin/USA Today Network


*********

Mỹ bán khẩn cấp phụ tùng hỏa tiễn $138 triệu cho Ukraine

Thanh Long

WASHINGTON, DC (NV) – Bộ Ngoại Giao Mỹ chuẩn thuận bán khẩn cấp phụ tùng tổng cộng $138 triệu cho hệ thống hỏa tiễn Hawk của Ukraine, theo AP.

Bộ Ngoại Giao loan báo thông tin này hôm Thứ Ba, 9 Tháng Tư, cho hay Ukraine đang rất cần phụ tùng để bảo đảm hệ thống hỏa tiễn Hawk sử dụng được.

TS-my-ban-khan-cap-scaled
Hỏa tiễn Hawk do Mỹ sản xuất được bắn trong cuộc tập trận ở Pingtung County, Đài Loan, ngày 18 Tháng Giêng, 2011. (Hình minh họa: Sam Yeh/AFP via Getty Images)

Tháng trước, Bộ Quốc Phòng cũng công bố viện trợ đạn dược $300 triệu cho Ukraine. Cả Bộ Ngoại Giao lẫn Bộ Quốc Phòng đều đang tìm cách tiếp tục viện trợ Ukraine trong khi dự luật viện trợ Ukraine $60 tỷ vẫn bế tắc ở Quốc Hội.

Hawk là hệ thống hỏa tiễn địa đối không tầm trung để phòng không, vốn là một trong những nhu cầu an ninh hàng đầu của Ukraine.

“Ukraine đang rất cần tăng cường năng lực phòng thủ trước những trận không kích của Nga,” Bộ Ngoại Giao cho hay trong thông báo hôm Thứ Ba. “Bảo trì và giữ vững hệ thống hỏa tiễn Hawk sẽ giúp Ukraine tăng cường năng lực bảo vệ người dân cũng như cơ sở hạ tầng thiết yếu.”

Trong buổi điều trần trước Quốc Hội hôm Thứ Ba, ông Lloyd Austin, bộ trưởng Quốc Phòng, tuyên bố nếu không hỗ trợ, Mỹ sẽ bị rủi ro để Ukraine rơi vô tay Nga.

“Ukraine rất quan trọng, và kết quả cuộc chiến ở Ukraine cũng sẽ gây hệ lụy toàn cầu cho an ninh quốc gia của chúng ta,” ông Austin nói.

Ukraine nếu thất thủ có thể gây nguy hiểm cho những quốc gia thành viên NATO ở Baltic là láng giềng của nước này, và có thể lôi kéo lính Mỹ vô cuộc chiến lâu dài ở Âu Châu. (Th.Long)


***********

Kỳ vọng gì từ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật tới Mỹ? Một sự nâng cấp quan hệ quốc phòng

AP

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ trong tuần này. Ông sẽ họp thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden nhằm đạt được sự nâng cấp lớn trong liên minh quốc phòng của hai nước.

Ông cũng sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines tại Washington để thể hiện sự hợp tác của họ trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

Ông Kishida muốn đạt được điều gì?

Sự kiện lớn nhất trong chuyến đi kéo dài một tuần là hội nghị thượng đỉnh của ông với ông Biden vào ngày 10/4. Ông Kishida hy vọng sẽ tăng cường hơn nữa liên minh khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Kishida cũng đang tiếp cận công chúng Mỹ để giới thiệu sự đóng góp của Nhật Bản cho nền kinh tế Mỹ và đảm bảo mối quan hệ ổn định bất kể ai thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay.

Ông Kishida, người đã thúc đẩy những thay đổi sâu rộng nhằm củng cố khả năng phòng thủ của Nhật Bản kể từ khi nhậm chức vào năm 2021, sẽ nhấn mạnh rằng Nhật Bản và Mỹ hiện là đối tác toàn cầu đang nỗ lực duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và Nhật Bản sẵn sàng đảm nhận vai trò quốc tế lớn hơn về an ninh, kinh tế và không gian để giúp đỡ Washington.

Ông Kishida hôm 5/4 nói với báo giới rằng việc mở rộng hợp tác công nghệ và thiết bị vũ khí giữa hai nước và các đối tác cùng chí hướng khác cũng rất quan trọng.

Ông Kishida cần một chuyến thăm Hoa Kỳ thành công để củng cố tỷ lệ ủng hộ thấp ở quê nhà.

Chuyến thăm cấp nhà nước

Với tư cách là quốc khách, ông Kishida sẽ được chào đón trong buổi lễ đến Tòa Bạch Ốc, một quốc yến và các sự kiện chính thức khác. Ông là vị khách cấp nhà nước thứ năm mà ông Biden tiếp đón sau khi đã tiếp đón các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc và Pháp, cho thấy sự tập trung của Mỹ vào quan hệ đối tác an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Kishida là nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên có chuyến thăm cấp nhà nước kể từ ông Shinzo Abe vào năm 2015. Ông Abe đã thực hiện một sửa đổi lớn trong cách giải thích Hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản, cho phép nguyên tắc chỉ phòng vệ được áp dụng cho cả đồng minh của Nhật là Hoa Kỳ.

Tại sao tập trung vào quốc phòng?

Quốc phòng đứng đầu chương trình nghị sự vì lo ngại ngày càng tăng về các mối đe dọa từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Các tàu tuần duyên Trung Quốc thường xuyên tiếp cận các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát gần Đài Loan. Bắc Kinh nói rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và sẽ bị kiểm soát bằng vũ lực nếu cần thiết.

Ngoài ra còn có những lo ngại về các mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên cũng như việc Nga xâm lược Ukraine. Ông Kishida đã cảnh báo rằng cuộc chiến ở châu Âu có thể dẫn đến xung đột ở Đông Á, cảnh báo thái độ lỏng lẻo với Nga sẽ khuyến khích Trung Quốc.

Ông Kishida nói: “Mặc dù chúng tôi duy trì liên minh Nhật Bản-Mỹ làm nền tảng, nhưng chúng tôi tin rằng điều quan trọng là phải hợp tác với các quốc gia có cùng quan điểm, bao gồm cả Philippines”.

Vấn đề chính của thượng đỉnh là gì?

Ông Biden và ông Kishida dự kiến sẽ đồng ý về kế hoạch hiện đại hóa cơ cấu chỉ huy quân sự của họ để họ có thể hoạt động cùng nhau tốt hơn. Mỹ đồn trú 50.000 quân ở Nhật Bản. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang chuẩn bị tái cơ cấu để có bộ chỉ huy thống nhất cho các lực lượng lục quân, không quân và hải quân vào tháng 3 năm 2025.

Dự kiến cũng sẽ có những sáng kiến mới về hợp tác công nghiệp quốc phòng, bao gồm hợp tác sản xuất vũ khí, có thể là một phi đạn mới, cũng như việc sửa chữa và bảo trì các tàu chiến Mỹ cũng như các thiết bị khác ở Nhật Bản để hỗ trợ các hoạt động của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Khả năng Nhật Bản tham gia vào mối quan hệ đối tác an ninh Mỹ-Anh-Úc để phát triển và chia sẻ các khả năng quân sự tiên tiến, bao gồm trí tuệ nhân tạo, chiến tranh điện tử và siêu âm, cũng có thể xuất hiện.

Ông Kishida và ông Biden cũng dự kiến sẽ xác nhận sự tham gia của Nhật Bản vào chương trình mặt trăng Artemis của NASA và sự đóng góp của nước này đối với tàu thám hiểm mặt trăng do Công ty Toyota phát triển và có sự tham gia của phi hành gia Nhật Bản. Một quan chức Mỹ cho biết chiếc tàu thăm dò có chi phí khoảng 2 tỷ đô la này là đóng góp đắt giá nhất cho sứ mệnh của một đối tác không phải người Mỹ cho đến nay.

Mục đích phòng thủ của Nhật Bản là gì?

Kể từ khi áp dụng chiến lược an ninh quốc gia mở rộng hơn vào năm 2022, chính phủ Kishida đã thực hiện những bước đi táo bạo để đẩy nhanh việc xây dựng quân đội của Nhật Bản. Ông hy vọng sẽ chứng tỏ Tokyo có khả năng nâng cao hợp tác an ninh với Mỹ. Ông Kishida đã cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng và tăng cường răn đe chống lại Trung Quốc, quốc gia mà Nhật Bản coi là mối đe dọa an ninh hàng đầu.

Nhật Bản, đang nỗ lực để có được cái mà họ gọi là khả năng “phản công”, đã mua 400 phi đạn hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ. Sau khi cấm hầu hết mọi hoạt động chuyển giao vũ khí, nước này đã hai lần nới lỏng các hướng dẫn xuất khẩu trong những tháng gần đây, cho phép bán vũ khí sát thương cho các quốc gia mà chúng được cấp phép và bán ra nước ngoài loại máy bay chiến đấu mà nước này hợp tác phát triển với Anh. Những thay đổi này đã cho phép Nhật Bản vận chuyển phi đạn PAC-3 do Nhật Bản sản xuất sang Mỹ để giúp thay thế những phi đạn mà Washington cung cấp cho Ukraine.

Còn về hội nghị thượng đỉnh với Philippines thì sao?

Hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa Biden, Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. diễn ra trong bối cảnh Philippines phải đối mặt với căng thẳng hàng hải leo thang với Trung Quốc liên quan tranh chấp Biển Đông.

Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Biden, Ông Biden muốn chứng tỏ rằng ba nền dân chủ hàng hải đã thống nhất khi họ phải đối mặt với hành động hung hăng của Trung Quốc chống lại lực lượng tuần duyên Philippines và các tàu tiếp tế của Philippines ngoài khơi Bãi Cỏ May (Bãi cạn Second Thomas) đang tranh chấp ở Biển Đông.

Nhật Bản đã bán radar ven biển cho Philippines và hiện đang đàm phán một thỏa thuận quốc phòng cho phép quân đội của hai nước đến thăm lãnh địa của nhau để tập trận chung.

Cuộc gặp ba bên diễn ra 8 tháng sau khi ông Biden tổ chức cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc tại Trại David.

“Sự hợp tác giữa ba quốc gia của chúng ta là vô cùng quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như bảo vệ trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên các quy định của pháp luật”, ông Kishida nói hôm 8/4 trước khi lên đường đến Washington.

Điều gì xảy ra ở North Carolina?

Ông Kishida cũng muốn nêu bật những đóng góp kinh tế của Nhật Bản ở Mỹ. Ngày càng có nhiều sự bất an ở Tokyo về cuộc bầu cử ở Mỹ, được phản ánh qua những câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra nếu cựu Tổng thống Donald Trump thắng cử, mặc dù các chuyên gia cho rằng có sự đồng thuận của lưỡng đảng Hoa Kỳ về một liên minh Mỹ-Nhật mạnh mẽ hơn.

Ông Kishida sẽ gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp và thăm nhà máy sản xuất pin xe điện của Toyota đang được xây dựng để dự kiến ra mắt vào năm 2025, cũng như một công ty chi nhánh sản xuất máy bay thương mại của Honda ở North Carolina. Ông cũng sẽ gặp gỡ các sinh viên tại Đại học Tiểu bang North Carolina vào ngày 12/4.

Trong bài phát biểu trước quốc hội ngày 4/4, ông Kishida cho biết ông có kế hoạch truyền đạt “những gì Nhật Bản và Hoa Kỳ muốn truyền lại cho thế hệ tương lai và những gì chúng ta cần làm cho họ”.


******
voatiengviet.com

Quân đội Mỹ sẽ tổ chức huấn luyện tác chiến ở Philippines giữa căng thẳng hàng hải

AP

Quân đội Hoa Kỳ đang triển khai một cuộc huấn luyện chiến trường chung ở Philippines để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, bao gồm việc đảm bảo cung cấp đầy đủ đạn dược và các nhu cầu khác trong điều kiện khó khăn ở rừng nhiệt đới và trên các hòn đảo rải rác, một tướng Mỹ cho biết.

Chính quyền Biden đã và đang củng cố một vòng cung liên minh quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc tốt hơn, bao gồm cả bất kỳ cuộc đối đầu nào về Đài Loan trong tương lai. Hoa Kỳ có động thái phù hợp với những nỗ lực của Philippines nhằm tăng cường phòng thủ lãnh thổ trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và khả năng ứng phó với các thảm họa thiên nhiên thường xuyên.

Khoảng 2.000 binh sĩ Hoa Kỳ và Philippines sẽ tham gia các cuộc tập trận kéo dài nhiều ngày với sự hỗ trợ của trực thăng và hỏa lực pháo binh chống lại kẻ thù có vũ trang trong khu rừng rậm ở miền bắc Philippines vào tháng 6, Thiếu tướng Marcus Evans, tư lệnh Sư đoàn bộ binh số 25 của Quân đội Hoa Kỳ, nói ngày 7/4.

Cuộc huấn luyện chiến đấu sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại Philippines theo yêu cầu của Manila. Tướng Evans nói, không rõ liệu hai đồng minh hiệp ước lâu năm có quyết định biến cuộc diễn tập thành một cuộc tập trận thường niên hay không.

Cuộc tập trận từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 6 năm nay diễn ra sau khi kết thúc hai cuộc tập trận liên tiếp lớn hơn giữa hai lực lượng đồng minh – cuộc tập trận Salaknib, khai diễn ngày 8/4, và cuộc tập trận Balikatan, sẽ bắt đầu vào cuối tháng 4 và bao gồm khoảng 16.000 quân Mỹ và Philippines. Một số nước trong đó có Nhật Bản sẽ cử quan sát viên.

Ông Evans nói với AP trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo, khủng hoảng thiên tai và đó là điều mà cuộc huấn luyện này mang lại cho chúng tôi cơ hội thực hiện”. “Mặc dù chúng tôi cảm thấy tự tin vào lộ trình huấn luyện và sự sẵn sàng tổng thể của mình, nhưng đó là điều mà chúng tôi không bao giờ có thể tự mãn.”

Cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu vào tháng 6 “cung cấp một cơ sở tuyệt vời để chúng tôi nâng cao hơn về khả năng sẵn sàng chiến đấu, tăng cường quan hệ đối tác và sau đó củng cố chuyên môn quân sự của chúng ta bằng cách làm việc cùng nhau trong một môi trường rất đầy thách thức”, ông Evans nói.

Ông Evans nói: “Đó thực sự là một cách để binh lính, lãnh đạo và các đơn vị có thể nhìn thấy chính mình trong một kịch bản môi trường tác chiến mô phỏng.”

Ông cho biết, quá trình huấn luyện chiến đấu trước đây ở Hawaii đã giúp các đơn vị chiến đấu nhỏ hơn và nhanh nhẹn hơn chia sẻ thông tin tốt hơn cũng như cải thiện khả năng chịu đựng chiến đấu. Nó củng cố “khả năng duy trì hoạt động của chúng ta trong môi trường rừng rậm và quần đảo vì không có đường dây liên lạc trên mặt đất, vì vậy chúng ta phải phụ thuộc nhiều vào các khí tài trên không hoặc trên biển để có thể vận chuyển nguồn cung cấp”.

Trung Quốc kịch liệt phản đối việc tăng cường triển khai lực lượng Mỹ ở châu Á, trong đó có ở Philippines. Bắc Kinh cho rằng sự hiện diện quân sự như vậy đang gây nguy hiểm cho sự hòa hợp và ổn định trong khu vực.

Năm ngoái, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã bênh vực quyết định cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại nhiều căn cứ quân sự của Philippines theo hiệp ước quốc phòng năm 2014, nói rằng điều này rất quan trọng đối với việc bảo vệ lãnh thổ của đất nước ông.

Trung Quốc đã cảnh báo sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ sẽ “kéo Philippines vào vực thẳm của xung đột địa chính trị”.


********
voatiengviet.com

Tăng răn đe Trung Quốc, Mỹ sẽ bổ nhiệm tư lệnh bốn sao tại trung tâm chỉ huy mới của Nhật

Reuters

Hoa Kỳ sẽ có một sự thay đổi cơ bản về vị trí chỉ huy quân sự tại trung tâm chỉ huy quân sự mới của Nhật Bản để cho phép phối hợp tốt hơn và tăng cường khả năng răn đe trước áp lực của Trung Quốc, đại sứ Mỹ tại Nhật Bản cho biết hôm 9/4.

Phát biểu trên CNBC một ngày trước hội nghị thượng đỉnh ở Washington giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, đại sứ Rahm Emanuel cho biết các đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang hợp tác với nhau trước sự “uy hiếp” của Trung Quốc và Bắc Kinh cuối cùng sẽ bị cô lập.

Ông Emanuel cho biết một hội nghị thượng đỉnh khác vào ngày 11/4 sẽ chứng kiến ông Biden, ông Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cùng nhau hướng tới “mối quan hệ ba bên lịch sử”.

Ông nói: “Sự kết hợp những thay đổi ở cả hai nước sẽ dẫn đến một loạt hành động làm thay đổi hình thức hợp tác ở cấp độ răn đe cả về ngoại giao, phát triển cũng như về mặt quốc phòng”.

Ông đề cập đến một trung tâm chỉ huy và kiểm soát chung mới mà Nhật Bản sẽ khai trương vào năm tới và cách quân đội Mỹ sẽ tương tác với trung tâm đó.

Ông nói: “Về cơ bản, chúng tôi sẽ thay đổi cách chúng tôi có vị thế ở đó để có thể phối hợp tốt hơn với Nhật Bản và thực hiện hầu hết các nỗ lực nhằm mang lại khả năng răn đe trên chiến trường”.

Ông cũng nói rằng với sự sẵn lòng của Nhật Bản trong việc xuất khẩu công nghệ quốc phòng, một hội đồng công nghiệp quân sự sẽ xem xét những gì Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể hợp tác sản xuất.

Các quan chức Mỹ cho biết hội nghị thượng đỉnh ngày 10/4 với Nhật Bản sẽ là bước nâng cấp mang tính lịch sử trong quan hệ quốc phòng giữa Mỹ-Nhật trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Các nguồn tin am hiểu về kế hoạch này nói với Reuters rằng Washington sẽ xem xét bổ nhiệm một chỉ huy bốn sao để ngang tầm với người đứng đầu tổng hành dinh quân sự mới của Nhật Bản. Các chuyên gia cho rằng một sĩ quan Mỹ ở cấp bậc đó có thể đặt nền móng cho một bộ chỉ huy Mỹ-Nhật thống nhất trong tương lai.


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn