Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 09 -4 -2024

Thứ Ba, 09 Tháng Tư 20244:44 SA(Xem: 421)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 09 -4 -2024
Hoaluc 3************
rfi.fr

Nga thay đổi chiến thuật, “gặm nhấm” lực lượng Ukraina

Chi Phương

Gần đây, Nga đã áp dụng các chiến thuật mới trong cuộc chiến ở Ukraina kéo dài từ hơn hai năm qua. Trong lúc Kiev vẫn mong đợi thêm viện trợ quân sự từ phương Tây, Nga gặm nhấm từ từ lãnh thổ Ukraina, làm tiêu hao nguồn lực của Kiev ; đồng thời, Nga thực hiện các bước tấn công “hiệu quả” hơn, như trong đợt tấn công quy mô lớn vào hạ tầng năng lượng của Ukraina.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW), kể từ tháng 10/2023, Nga đã chiếm được 505 km2 từ lãnh thổ Ukraina. Tuần báo Pháp Le Point nhận định rằng sự tiến triển của lực lượng Nga khá chậm chạp, nhưng lại duy trì cường độ. Hôm 30/03/2024, lần đầu tiên trong vòng 6 tháng, Ukraina đã đẩy lùi được một tiểu đoàn Nga ở gần Adiivka, đây là một nỗ lực đáng kể khi thành phố Adiivka rơi vào tay Nga từ giữa tháng Hai. Mặc dù đã phá hủy được nhiều xe bọc thép của Nga, nhưng quân đội Ukraina đã phải rút lui về giữ thế thủ trên nhiều mặt trận. Báo cáo của ISW cũng chỉ ra rằng khả năng tấn công của quân đội Nga đã buộc Ukraina phải tiêu hao nhiều lực lượng, cả về nhân lực và nguồn lực vốn đã hạn chế để tự vệ.

Trên thực tế, nhà tư vấn về rủi ro toàn cầu, Stéphane Audrand, trả lời Le Point, cho rằng “Nga đang tập trung gặm nhấm quân đội Ukraina hơn là lãnh thổ nước này”. Từ nhiều tháng qua, các đơn vị của Kiev trên chiến tuyến không có sự luân chuyển quân, những tổn thất về nhân lực (bị giết, bị thương, hay bị quân Nga bắt giữ), lại không được thay thế. Gần đây, Ukraina đã hạ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống còn 25 tuổi. Điều này cho thấy Ukraina đang rất cần nguồn lực.

Đọc thêm : Ukraina tìm cách « lôi kéo » các nước Tây Balkan cùng sản xuất đạn dược

Trên chiến trường, Kiev thiếu hụt đạn dược và lợi thế vẫn luôn nghiêng về phía Nga. Không quân Nga cũng hoạt động tích cực, thực hiện hàng trăm phi vụ mỗi ngày. Loại bom FAB-250 và FAB-500 được trang bị thêm cánh và cho phép bay xa đến 70 km đến gần mục tiêu hơn. Các máy bay ném bom của Nga vẫn nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không Ukraina. Các máy bay này tấn công vào tiền tuyến, đặc biệt là các trung tâm chỉ huy và các kho hậu cần của Ukraina, theo như nhận định của Stéphane Audrand.

Theo Le Point, nếu nhận được các chiến đấu cơ F-16, và các tên lửa không đối không, áp lực đối với quân đội Ukraina có thể sẽ giảm đi. Cuộc săn lùng đạn dược, do CH Séc khởi xướng, sẽ cung cấp cho Ukraina 800 000 đạn pháo loại 150 152 mm. Trong lúc chờ đợi viện trợ, Kiev tăng cường sử dụng drone để chống đỡ các vụ tấn công của Nga. Nhiều video cho thấy các drone loại FPV(First Person View) đã tấn công các xe bọc thép và lính Nga trên bộ.

Nga cải tiến kho vũ khí cũ

Tuy nhiên, những thiệt hại của quân Nga trên chiến trường lại thường xuyên được bù đắp. Các kho vũ khí của Nga được cải tiến, ví dụ như các xe tăng cũ được trang bị thêm vỏ bọc và các thiết bị điện tử. Các vũ khí này không phải chất lượng cao nhưng dẫu sao cũng làm tăng thêm số xe tăng trong kho vũ khí của Nga.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Anh (IISS), được công bố vào tháng 2, Nga vẫn còn đủ số xe bọc thép chất lượng thấp hơn trong kho, để bù đắp tổn thất trong khoảng ba năm nữa.

Gần đây, Nga cũng tăng cường sử dụng các thiết bị hạng nhẹ nhưng mang tính cơ động hơn, theo như nhận định của Alexander Clarkson, giảng viên tại King’s College London. Loại xe địa hình AVT ( all-terrain vehicle) do Trung Quốc sản xuất, xuất hiện trên chiến tuyến ở Ukraina vào cuối năm 2023, ngày càng được Nga sử dụng nhiều hơn trong thời gian gần đây. Mặc dù không được bọc thép, những chiếc xe AVT này thường bị các drone của Ukraina phát hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, khả năng di chuyển nhanh chóng, không tạo ra nhiều bụi, có thể khéo léo hạ gục đối thủ một cách bất ngờ. Trang World Reviews Politics, trích dẫn nhận định của nhà phân tích quân sự Rob Lee, thuộc tổ chức tư vấn Foreign Policy Research Institute, cho rằng “việc tăng cường sử dụng loại xe AVT và các thiết bị hạng nhẹ khác hiệu quả hơn, cho thấy các đơn vị của Nga vẫn có thể thích ứng với những thách thức mới, bất chấp những rối loạn trong chế độ Putin”. Sau nhiều sai sót đẫm máu khi lái AVT, lính Nga dần thích nghi và học được những cách lẫn tránh drone của Ukraina, dễ dàng di chuyển trên chiến tuyến.

Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu chiến tranh, vốn theo dõi thường nhật cuộc xung đột, Nga cũng đã sử dụng nhiều phương tiện hơn so với quan sát trước đây trong các cuộc tấn công chiến thuật, “quân đội Nga có thể không còn bị hạn chế hoặc lo ngại về tổn thất xe bọc thép và xe tăng”.

Về phía Ukaina, các xe tăng Leopard, Abrams hay Challenger dĩ nhiên là hiện đại hơn, có khả năng phòng thủ tốt hơn, nhưng số lượng lại ít hơn. Phần lớn các vũ khí của Ukraina chủ yếu có từ thời Liên Xô. Do đó mà Ukraina phải tăng cường phòng thủ, xây dựng các chiến hào và các boongke ngầm ở miền đông đất nước.

Thay đổi chiến lược tấn công vào cơ sở năng lượng của Ukraina

Từ cuối tháng Ba, Nga cũng đã tăng cường các chiến dịch tấn công vào các cơ sở năng lượng của Ukraina, với quy mô lớn chưa từng có kể từ khi xâm lược Ukraina. Giới chuyên gia cho rằng Nga đã thay đổi chiến lược. Thay vì tấn công vào dịp cuối năm, trước mùa đông, khi Ukraina đã có sự chuẩn bị, phòng thủ, quân đội Nga nay thực hiện công tác trinh sát trước, xác định rõ mục tiêu và thiệt hại của cuộc tấn công, cũng như các vị trí phòng thủ của các cơ sở năng lượng, và thường chọn những nơi ít phòng thủ. Trước kia, Nga dùng 3 drone và hai tên lửa tấn công vào mục tiêu, thì nay, Nga phóng 6 tên lửa và 15 drone vào mục tiêu đó. Nhiều cơ sở năng lượng có thể sẽ không được sửa chữa kịp thời trước mùa đông năm sau.

Theo báo Financial Times, trong đợt tấn công phá hủy lưới điện Ukraina, Nga sử dụng các loại vũ khí hiện đại hơn, thay vì “đánh bừa” như trước kia. Ví dụ như vụ tấn công vào một nhà máy điện than, Nga sử dụng tên lửa đạn đạo dẫn đường trị giá 100 triệu đô la, và để bắn hạ thì chỉ có thể sử dụng hệ thống phòng không Patriot mà Ukraina không có nhiều.

Đội ngũ "tân binh" Nga

Thêm vào đó, còn một mối nguy khác đang rình rập Kiev. Sắc lệnh tuyển lính nghĩa vụ quân sự của Vladimir Putin, hồi cuối tháng Ba vừa qua, cho phép huy động khoảng 150 000 lính từ 18 đến 30 tuổi. Khả năng tác chiến của lực lượng “tân binh” này chắc chắn sẽ chưa tốt, nhưng đủ để tiến vào một mặt trận mà Ukraina ít phòng thủ hơn. Như vậy, Nga có thể nhanh chóng thành lập một đội ngũ mới sẵn sàng chiến đấu ngay mùa hè này và đe dọa Kharkiv, thành phố lớn thứ hai Ukraina.

Kharkiv có khoảng 1,5 triệu dân sinh sống trước chiến tranh, với vị trí chiến lược, là trạm trung chuyển về đường bộ và đường sắt ở miền đông Ukraina. Nơi đây cũng tập trung nhiều hoạt động công nghiệp, nhất là các nhà máy sản xuất vũ khí.

Theo nguồn tin từ tình báo Ukraina, được The Economist trích dẫn, Nga đang thực hiện đợt huấn luyện quy mô lớn ở Siberia, với sự tham gia của khoảng 120 000 binh lính. Đầu tháng Tư, 03/04, tổng thống Ukraina dự báo khả năng Nga có thể huy động thêm 300 000 lính. Kharkiv được coi là một trong những mục tiêu tấn công của Nga. Dù đây chỉ là một khả năng, nhưng truyền thông Nga đã nhiều lần đưa tin và mục đích có thể là gieo rắc nỗi sợ hãi cho cư dân Kharkiv, những người vẫn ở lại, hoặc là để xoa dịu phe ủng hộ chiến tranh, sau các cuộc tấn công của Ukraina ở Belogrod.

The Economist nhận định rằng có thể Nga sẽ khó chiếm được Kharkiv, nhưng không loại trừ khả năng quân đội của điện Kremlin sẽ “làm liều”, “phá huỷ thành phố, như là trường hợp ở Aleppo”.


*************
voatiengviet.com

Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với Israel cho đến khi ngừng bắn ở Gaza

Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Ba (9/4) đưa ra những hạn chế xuất khẩu nhiều loại sản phẩm sang Israel cho đến khi lệnh ngừng bắn được tuyên bố ở Gaza, một biện pháp trừng phạt nổi bật đầu tiên của Ankara đối với Israel sau sáu tháng chiến tranh.

Israel cho biết họ sẽ đáp trả các biện pháp này, bao gồm hạn chế xuất khẩu thép, phân bón và nhiên liệu máy bay, cùng với những hạn chế riêng đối với các sản phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ từnng tố cáo Israel về chiến dịch của nước này tại Gaza, vốn được phát động sau vụ tấn công của nhóm chiến binh Hamas của Palestine vào ngày 7/10. Ankara đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, ủng hộ các bước xét xử tội diệt chủng của Israel và gửi hàng nghìn tấn viện trợ cho người dân Gaza.

Tuy nhiên, Ankara cũng duy trì quan hệ thương mại với Israel bất chấp những lời lẽ mạnh mẽ và điều này gây ra phản ứng dữ dội trong nước.

Những hạn chế thương mại, bắt đầu có hiệu lực vào thứ Ba, được đưa ra sau khi Israel từ chối yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch thả hàng viện trợ vào Gaza.

Bộ Thương mại cho biết các biện pháp này sẽ áp dụng cho việc xuất khẩu các sản phẩm từ 54 loại khác nhau, bao gồm sắt, đá cẩm thạch, thép, xi măng, nhôm, gạch, phân bón, thiết bị và sản phẩm xây dựng, nhiên liệu hàng không…

“Quyết định này sẽ được giữ nguyên cho đến khi Israel, theo nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, khẩn trương tuyên bố ngừng bắn ở Gaza và cho phép dòng viện trợ nhân đạo đầy đủ vào Dải Gaza không bị cản trở”, tuyên bố nêu.

Phản ứng trước các biện pháp này, Ngoại trưởng Israel nói Thổ Nhĩ Kỳ đã “đơn phương vi phạm” các hiệp định thương mại với Israel.

Ông Israel Katz nói rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan “một lần nữa hy sinh lợi ích kinh tế của người dân Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ Hamas, và chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng”.

Ngay sau khi chiến tranh Israel-Hamas bắt đầu, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã rút đại sứ trong khi thường xuyên chỉ trích nhau. Động thái hôm thứ Ba là biện pháp quan trọng đầu tiên được Ankara thực hiện chống lại Israel kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.

PHẢN ỨNG TRONG NƯỚC

Trong những tuần gần đây, ông Erdogan đã phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng về việc chính phủ của ông tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại với Israel, gây ra một số cuộc biểu tình chống chính phủ và làm giảm sự ủng hộ của người dân.

Hôm thứ Bảy, cảnh sát ở Istanbul đã bắt giữ hàng chục người biểu tình yêu cầu chấm dứt thương mại với Israel. Lập trường của ông Erdogan đối với Israel và cuộc xung đột ở Gaza là nguyên nhân chính dẫn đến một số thất bại của đảng ông trong cuộc bầu cử địa phương ngày 31/3, với việc Đảng Phúc lợi Mới Hồi giáo (Yeniden Refah) giành được sự ủng hộ nhờ lập trường cứng rắn hơn ở Gaza.

Theo dữ liệu do Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TIM) công bố, trong khi thương mại với Israel giảm kể từ ngày 7/10, xuất khẩu sang Israel vẫn tăng mỗi tháng trong năm 2024 cho đến nay. Tuy nhiên, tổng xuất khẩu trong quý đầu tiên của năm lên tới 1,1 tỷ USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu TIM cho thấy.

Bộ Thương mại cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng gửi cho Israel bất kỳ hàng hóa nào có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) đối lập chính của Thổ Nhĩ Kỳ và các đảng đối lập khác ủng hộ quyết định hạn chế xuất khẩu sang Israel, nhưng nói rằng các biện pháp này chưa đủ.

CHP kêu gọi ngừng hoàn toàn giao dịch thương mại với Israel, trong khi các đảng khác kêu gọi chính phủ phong tỏa không phận và các cảng của họ đối với máy bay và tàu thuyền tới Israel.


************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

4 phút

(Reuters) – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Vương Đình Huệ. Cuộc gặp diễn ra sáng nay, 08/04/2024 tại Bắc Kinh. Theo báo Việt Nam, ông Vương Đình Huệ đã « đề nghị đẩy mạnh hợp tác » song phương, « đẩy mạnh kết nối giữa Việt Nam với những chiến lược phát triển lớn của Trung Quốc ». Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam cũng đã bày tỏ mong muốn « Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng cho hòa bình, hợp tác và phát triển ». 

(AFP) – Chất lượng nước sông Seine quá « tồi tệ » để là nơi tranh tài bơi lội Thế Vận Hội Paris 2024. Tổ chức phi chính phủ Surfrider Foundation hôm nay 08/04/2024 cho biết, 13 trong số 14 biện pháp đo lường chất lượng nước sông đáng « báo động » chất lượng quá « tệ » và « quá thấp dưới mức tối thiểu cho phép » để có thể mở các cuộc đua trên sông. Nước vẫn bị ô nhiễm cho dù đã đầu tư 1,4 tỷ euro,  để « làm sạch con sông » biểu tượng của nước Pháp. Ban tổ chức dự trù tổ chức bộ môn bơi lội kết hợp triathlon, bơi trên sông…

(Reuters) – Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh Quốc Hội lưỡng viện Úc thăm Đài Loan. Dân biểu đối lập Andrew Wallace đã được tổng thống Thái Anh Văn tiếp ngày 08/04/2024 tại phủ tổng thống ở Đài Bắc và đề cập đến chủ đề hợp tác an ninh nhạy cảm song phương. Theo ông Andrew Wallace, « Đài Loan và Úc công nhận tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương… Trong khuôn khổ hợp tác về mặt quốc phòng, quân đội hai nước cam kết hoạt động chung, chia sẻ thông tin tình báo và tăng cường năng lực xây dựng chương trình ».

(Yonhap) – Hàn Quốc phóng thành công lên quỹ đạo vệ tinh do thám thứ hai. Theo thông báo ngày 08/04/2024 của bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, liên lạc đã được nối từ vệ tinh với trạm điều khiển trên Trái đất. Vệ tinh hoàn toàn do Hàn Quốc sản xuất trong nước, được phóng bằng tên lửa Falcon 9 của tập đoàn Space X ngày 07/04. Seoul dự kiến đưa tổng cộng 5 vệ tinh do thám lên quỹ đạo từ nay đến năm 2025 để theo dõi Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, theo nhiều nguồn tin quân sự Hàn Quốc ngày 08/04, Bắc Triều Tiên dường như chuẩn bị phóng vệ tinh do thám quân sự thứ hai trong vài ngày nữa, căn cứ vào hoạt động ở khu vực Sohae ở Tongchang-ri ở tây bắc Bắc Triều Tiên.

(RFI) – Bầu cử cấp địa phương ở Ba Lan, liên minh thân châu Âu giành thắng lợi ở nhiều thành phố lớn. Đảng Liên minh Công dân (Civic Plateforme) của thủ tướng Donald Tusk đã hoàn thành mục tiêu đề ra trong cuộc bầu cử địa phương và cấp vùng diễn ra ngày 07/04/2024. Đảng cầm quyền hoặc liên minh sẽ điều hành khoảng 10 hội đồng cấp vùng, cũng như nhiều định chế quan trọng trong việc chi ngân sách châu Âu mà thủ tướng đang cố tháo gỡ bên phía Bruxelles. Thành công quan trọng nhất đối với đảng cầm quyền là giành được thủ đô Vacxava ngay trong vòng đầu.

(Reuters) – Nga : Hơn 10 ngàn khu dân cư Oural bị ngập lụt. Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga hôm nay, 08/04/2024, cho biết, hơn 10.400 khu dân cư tại Nga đã bị ngập lụt do tuyết tan nhanh dẫn đến việc mực nước sông Oural dâng cao kỷ lục. Sông Oural, bắt nguồn từ dãy núi mang cùng tên và đổ ra biển Caspi, đã dâng cao vài mét chỉ trong vòng vài giờ hôm thứ Sáu, 05/4, tràn bờ đê một con đập gần thành phố Orsk, cách thủ đô Matxcơva 1.800 km về phía đông. Tình trạng ngập lụt cũng được báo động tại Siberia, trên dòng Volga và các vùng miền trung của Nga.

(AFP) – Ngoại trưởng Iran đến Damas. Một tuần sau vụ Israel oanh kích tòa lãnh sự của Iran ở Damas, hôm nay, 08/04/2024, ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã đến thủ đô Syria sau khi đã đến Oman, quốc gia đóng vai trò trung gian giữa Iran và phương Tây. Theo lịch trình, ngoại trưởng Iran có cuộc hội đàm với tổng thống Syria Bachar Al-Assad và đồng nhiệm Fayçal Mekdad. Theo bộ trưởng Thông Tin Syria, nhân chuyến thăm Damas, ngoại trưởng Iran sẽ khánh thành trụ sở mới cho tòa lãnh sự.

(AFP) – Thủ tướng Đức công du Trung Quốc ba ngày. Thủ tướng Olaf Scholz thứ Bảy ngày 13/4 sẽ lên đường đến Trung Quốc. Chương trình nghị sự hiện chưa được công bố, nhưng cuộc hội đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được ấn định là vào ngày thứ Ba 16/4. Trước đó, Chủ Nhật, 14/4, ông sẽ đến Trùng Khánh, thăm các doanh nghiệp Đức. Tháp tùng cùng thủ tướng Đức còn có các bộ trưởng Môi Trường, Nông Nghiệp và Giao Thông. Đây là chuyến công du Trung Quốc lần thứ hai của ông Olaf Scholz kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2021. 


************
rfi.fr

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Trung Á : Một lối thoát kinh tế cho Nga

Minh Anh

Bắc Kinh và Matxcơva đang nhắm đến việc kết hợp Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Trung Quốc đề xướng với Liên minh Á – Âu do Nga lãnh đạo. Điều này báo hiệu một sự quan tâm mới đối với chiến lược của Trung Quốc mà Nga từng coi là một thách thức. 

Đăng ngày:

5 phút

Theo các nhà phân tích được South China Morning Post trích dẫn, việc hợp tác với Bắc Kinh có thể giúp Matxcơva lấy lại niềm tin từ các nước láng giềng ở Trung Á, hiện đang lo ngại trở thành một « Ukraina tiếp theo ».

Khi Trung Quốc thời Tập Cận Bình công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) năm 2013, nước Nga của Vladimir Putin tỏ ra không mấy hào hứng trước các nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ tại các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan, Kyrsyzstan... Vào thời điểm đó, Vladimir Putin xem sáng kiến trên của Tập Cận Bình như là một thách thức cho sự thống trị của Nga tại một khu vực mà Nga xem là « sân sau » nhà mình.

EEU vs BRI

Năm 2015, tổng thống Nga cho thành lập Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU), quy tụ các nước thuộc Liên Xô cũ như Armenia, Belarus, Kazakstan và Kyrgyzstan, nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế và các lợi ích địa chính trị của riêng mình ở Trung Á. Kế hoạch này cũng nhằm đối phó với thị trường chung và liên minh thuế quan của Liên Hiệp Châu Âu (EU), được hình thành từ những năm 1990.

Nhưng khi Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraina, mối đoàn kết trong khối bị sứt mẻ do một số nước thành viên của EEU lo lắng trước nguy cơ trở thành một Ukraina tiếp theo. Bên cạnh đó là những khó khăn do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt nhắm vào Matxcơva trong nhiều lĩnh vực từ mua bán năng lượng, giao dịch ngân hàng.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao, diễn ra ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, phó thủ tướng Nga Alexey Overchuk đề cập đến việc Nga và Trung Quốc đang thảo luận về khả năng « cải thiện kết nối » sáng kiến BRI với liên minh EEU. Theo quan điểm của Wang Yimei, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại đại học Nhân dân Trung Quốc, sự việc cho thấy Nga muốn « tận dụng ảnh hưởng của Trung Quốc để lấy lại niềm tin từ các nước láng giềng, đặc biệt là sự mất lòng tin từ Kazakhstan ».

Trên thực tế, vào năm 2015, Bắc Kinh và Matxcơva đã từng có các thỏa thuận liên kết EEU và BRI, nhằm xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt đi từ Trung Quốc đến châu Âu đi qua Trung Á. Đây là điều mong muốn của Bắc Kinh từ nhiều năm trước, hy vọng « hội nhập Á – Âu » nhiều hơn, biến các chương trình hợp tác song phương thành hợp tác đa phương, tạo thêm động lực cho các kế hoạch trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), ví dụ tuyến đường sắt Trung Quốc – Kyrgyzstan – Uzbekistan, dài 523 km, được đề xuất từ năm 1990, đi đến châu Âu mà không cần quá cảnh qua Nga.

Kết nối EEU với BRI : Cơ hội phát triển kinh tế cho Nga

Nhưng việc xây dựng tuyến đường này chỉ mới bắt đầu từ 2023 do việc « Nga nghi ngờ về sự hiện diện của Trung Quốc ở "sân sau", còn Trung Quốc thì lo lắng khả năng tồn tại về mặt thương mại ». Chuyên gia Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington, nhận định, trong bối cảnh đang bị sa lầy trong cuộc chiến ở Ukraina, « Nga không còn lựa chọn nào tốt hơn là mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc. »

Chính sách này của Nga được thể hiện rõ trong các cuộc gặp giữa hai thủ tướng Nga và Trung Quốc ở Bắc Kinh hồi tháng 5 và tháng 12/2023. Chủ đề này rất có thể sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình – Vladimir Putin, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024.

Còn theo phân tích từ Zoon Ahmed Khan, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu, trụ sở ở Bắc Kinh với SCMP, chiến tranh Ukraina và các lệnh trừng phạt của phương Tây đẩy Nga ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trước triển vọng châu Âu tiếp tục giảm mua năng lượng, Nga sẽ tìm cách « mở rộng sự hiện diện của mình tại các thị trường châu Á và các nước đang trỗi dậy ở phương Nam thông qua dự án Vành đai và Con đường ».

Kế hoạch phối hợp EEU và BRI có thể giúp phát triển các hành lang giao thông nối Nga và Trung Quốc với các nước Á – Âu khác, xây dựng các đường ống năng lượng, tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và các cơ chế tạo thuận lợi cho thương mại. Chuyên gia Khan lưu ý thêm rằng, kế hoạch này sẽ còn mang lại cho Trung Quốc cơ hội hồi sinh dự án Con Đường Tơ Lụa Bắc Cực, cho các tuyến hàng hải xuyên Đại Tây Dương. Và dự án này trùng với sáng kiến của Nga về một tuyến hàng hải phía Bắc ! 


************

Pháp, Ai Cập và Jordan kêu gọi Israel lập tức ngừng bắn

NGUYÊN HẠNH

Lãnh đạo Pháp, Ai Cập và Jordan cảnh báo Israel về việc tấn công thành phố Rafah ở phía nam Gaza, kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức".

Một người đàn ông phong tỏa khu vực khi lực lượng cứu hộ và y tế tìm kiếm thi thể bên trong Bệnh viện Al Shifa, sau khi lực lượng Israel rút khỏi bệnh viện và khu vực xung quanh tại thành phố Gaza, Dải Gaza, ngày 8-4 - Ảnh: REUTERS

Một người đàn ông phong tỏa khu vực khi lực lượng cứu hộ và y tế tìm kiếm thi thể bên trong Bệnh viện Al Shifa, sau khi lực lượng Israel rút khỏi bệnh viện và khu vực xung quanh tại thành phố Gaza, Dải Gaza, ngày 8-4 - Ảnh: REUTERS

Trong một bài xã luận chung đăng trên nhiều tờ báo, lãnh đạo ba nước trên tuyên bố: "Chúng tôi cảnh báo những hậu quả nguy hiểm nếu Israel tấn công Rafah, nơi hơn 1,5 triệu thường dân Palestine ẩn náu".

"Một cuộc tấn công như vậy sẽ chỉ mang lại nhiều cái chết và đau khổ hơn, làm tăng thêm rủi ro và hậu quả của việc người dân Gaza phải di dời hàng loạt bởi vũ lực và đe dọa leo thang trong khu vực", bài xã luận trên nhấn mạnh.

Theo Hãng tin Reuters, bài xã luận có chữ ký của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Quốc vương Jordan Abdullah II.

Mỹ trước đó tuyên bố phản đối bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Rafah, sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ngày tấn công đã được ấn định.

Ba nhà lãnh đạo Pháp, Ai Cập và Jordan cũng thúc giục Israel "thực hiện đầy đủ mà không bị trì hoãn thêm" nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về "lệnh ngừng bắn ngay lập tức" và thả toàn bộ con tin bị Hamas bắt giữ.

"Chiến tranh ở Dải Gaza và những thảm kịch nhân đạo mà nó gây ra phải chấm dứt ngay bây giờ", ba nhà lãnh đạo nói trong bài xã luận đăng trên Le Monde của Pháp, Washington Post của Mỹ, Al Rai của Jordan và Al Ahram của Ai Cập.

Các nhà lãnh đạo kêu gọi "tăng mạnh" viện trợ vào Dải Gaza.

Israel đang chịu áp lực quốc tế ngày càng tăng trong việc đồng ý ngừng bắn, bao gồm cả từ đồng minh hàng đầu và nhà cung cấp vũ khí của họ là Mỹ.

Trong khi đó, Hamas hôm 8-4 cho biết họ đang nghiên cứu đề xuất đình chiến và trao đổi con tin-tù nhân sau cuộc đàm phán ở Cairo.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói đây là thời điểm thích hợp cho một thỏa thuận, sau sáu tháng chiến tranh với phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Nhưng trong khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục, ông Netanyahu bất ngờ tuyên bố ngày đưa quân tới Rafah đã được ấn định.

Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại rằng một cuộc tấn công như vậy sẽ có "tác động cực kỳ tai hại" đối với dân thường và cả an ninh của Israel.


***************

Tin thế giới 9-4: Israel 'đã có ngày' đánh Rafah

NGUYÊN HẠNH

Một gia đình người Palestine chuẩn bị cho lễ Eid al-Fitr, đánh dấu sự kết thúc của tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, tại một trại lều ở Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 8-4 - Ảnh: REUTERS

Một gia đình người Palestine chuẩn bị cho lễ Eid al-Fitr, đánh dấu sự kết thúc của tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, tại một trại lều ở Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 8-4 - Ảnh: REUTERS

* Thủ tướng Israel nói "đã có ngày" cho cuộc tấn công Rafah

Ngày 8-4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này đã có ngày ấn định cho cuộc tấn công vào Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của những người Palestine tại Dải Gaza.

Tuy nhiên, ông Netanyaahu không tiết lộ ngày tấn công Rafah khi vòng đàm phán ngừng bắn mới diễn ra ở Cairo.

"Hôm nay tôi đã nhận được báo cáo chi tiết về cuộc đàm phán ở Cairo, chúng tôi không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình, trước hết là thả tất cả con tin và đạt được chiến thắng hoàn toàn trước Hamas", ông Netanyahu nói.

"Chiến thắng này đòi hỏi phải tiến vào Rafah và tiêu diệt các tiểu đoàn khủng bố ở đó. Nó sẽ xảy ra - sẽ có ngày", Thủ tướng Israel nhấn mạnh.

* Lãnh đạo đối lập Israel nói thỏa thuận con tin khó, nhưng "có thể làm được"

Ngày 8-4, lãnh đạo phe đối lập Israel Yair Lapid tuyên bố một thỏa thuận thả con tin bị giữ ở Gaza sẽ khó khăn nhưng "có thể thực hiện được".

Theo Hãng tin Reuters, ông Lapid và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thảo luận về sự cần thiết của việc Israel và phong trào Hồi giáo Hamas giải quyết xung đột giữa hai nước hôm 8-4.

"Đó là một thỏa thuận khó khăn. Chúng tôi có thể không thích, nhưng thỏa thuận này có thể thực hiện được và do đó cần phải được thực hiện", ông Lapid cho hay.

Chuyến thăm Washington của ông Lapid diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Netanyahu phải đối mặt với áp lực trong và ngoài nước về cuộc chiến ở Dải Gaza.

Người dân dỡ hàng viện trợ y tế từ một chiếc xe tải gần Bệnh viện Kamal Adwan ở phía bắc Dải Gaza, trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas, ngày 6-4 - Ảnh: REUTERS

Người dân dỡ hàng viện trợ y tế từ một chiếc xe tải gần Bệnh viện Kamal Adwan ở phía bắc Dải Gaza, trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas, ngày 6-4 - Ảnh: REUTERS

* Nhà Trắng ép Israel cho phép thêm xe viện trợ vào Gaza

Ngày 8-4, Nhà Trắng hoan nghênh hơn 300 xe tải viện trợ đến Gaza vào một ngày trước đó. Tuy nhiên, phía Mỹ cho biết họ đang thúc ép Israel tăng con số đó lên khoảng 350 xe mỗi ngày, khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận thả con tin và lệnh ngừng bắn tiếp tục.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) William Burns đã tới Cairo hồi cuối tuần qua để tham gia một vòng đàm phán về việc thả các con tin đang bị Hamas giam giữ ở Dải Gaza.

Ông Kirby cũng cho biết Hamas đang xem xét một đề xuất mới.

* Đơn xin làm thành viên của Palestine đã tới ủy ban kết nạp

Ngày 8-4, chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã chuyển đơn đăng ký trở thành thành viên chính thức của chính quyền Palestine tới ủy ban về việc kết nạp thành viên mới.

Đại sứ Malta tại Liên Hiệp Quốc Vanessa Frazier đề xuất ủy ban họp vào chiều cùng ngày (theo giờ Mỹ) để xem xét đơn đăng ký, đồng thời nói thêm rằng việc cân nhắc phải diễn ra trong tháng này. Malta là chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 4-2024.

* Ngoại trưởng Iran khai trương lãnh sự mới ở Damascus

Truyền thông nhà nước Syria đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian đã khai trương lãnh sự quán tại một địa điểm mới ở thủ đô Syria trong ngày 8-4.

Địa điểm trên là một tòa nhà gần lãnh sự quán trước đó đã bị san phẳng trong một cuộc không kích của Israel vào tuần trước.

Theo hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria, Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad đã tham dự lễ khai trương tòa nhà lãnh sự mới.

Trụ sở Cơ quan Tình báo an ninh Canada (CSIS) ở Ottawa, Ontario, Canada - Ảnh: REUTERS

Trụ sở Cơ quan Tình báo an ninh Canada (CSIS) ở Ottawa, Ontario, Canada - Ảnh: REUTERS

* Tình báo Canada phát hiện Trung Quốc can thiệp bầu cử

Cơ quan Tình báo nội địa Canada kết luận rằng Trung Quốc đã can thiệp vào hai cuộc bầu cử vừa qua của nước này.

Theo Reuters, kết luận của một cuộc điều tra chính thức được công bố hôm 8-4 là bằng chứng chắc chắn nhất cho đến nay về nghi ngờ Trung Quốc can thiệp vào chính trị Canada.

Ngày 8-4, ủy ban ngăn về can thiệp nước ngoài do thủ tướng Canada thành lập tuyên bố: "Chúng tôi biết rằng Trung Quốc đã can thiệp một cách bí mật và gian lận vào cả hai cuộc bầu cử năm 2019 và 2021".

"Trong cả hai đợt, các hoạt động can thiệp nước ngoài này đều có bản chất thực dụng và tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ những người được coi là 'ủng hộ Trung Quốc' hoặc 'trung lập' trong các vấn đề mà Chính phủ Trung Quốc quan tâm", ủy ban này cho hay.

Trước đó, Trung Quốc phủ nhận việc can thiệp vào chính trị Canada.

* Hơn 100 người chết trong vụ chìm tàu ở Mozambique

Ngày 8-4, Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi cho biết hơn 100 người thiệt mạng sau khi một chiếc tàu bị chìm ngoài khơi bờ biển phía bắc Mozambique và gần 20 người khác vẫn mất tích.

Một quan chức của Viện Vận tải hàng hải nước này (INTRASMAR) cũng cho hay tàu chở 130 hành khách trên là tàu đánh cá. Tàu này vốn không được cấp phép vận chuyển người và bị quá tải.

Ông Lourenco Machado, quản trị viên của INTRASMAR, nói con tàu đang chở người từ Lunga ở tỉnh Nampula đến đảo Mozambique vào ngày 7-4 khi tai nạn xảy ra, đồng thời cho biết thêm rằng các báo cáo ban đầu cho thấy tàu đã bị sóng thủy triều tấn công.

Cầu vồng trước nhật thực

Cầu vòng hình thành trên thác Niagara ở New York, Mỹ, khi nhật thực đến trong ngày ngày 8-4 - Ảnh: REUTERS

Cầu vồng hình thành trên thác Niagara ở New York, Mỹ, khi nhật thực đến trong ngày ngày 8-4 - Ảnh: REUTERS


************
voatiengviet.com

KKF kêu gọi LHQ hành động chống lại việc Việt Nam đàn áp cộng đồng người Khmer Krom

VOA Tiếng Việt

Liên đoàn Khmer Krom (KKF) vừa kêu gọi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres khẩn trương hành động vì cho rằng chính quyền Việt Nam đàn áp cộng đồng Khmer Krom ở trong nước, đồng thời kêu gọi LHQ đình chỉ tư cách thành viên của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ (HRC).

“KKF khẩn trương kiến nghị lên Đại hội đồng LHQ giải quyết những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng do chính phủ Việt Nam gây ra đối với cộng đồng người Khmer-Krom bản địa. Cụ thể, chúng tôi kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Việt Nam trong UNHRC vì những hành động nghiêm trọng của nước này”, KKF, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ, viết trong thư kiến nghị đăng trên trang change.org.

“Cuộc đàn áp gần đây của Việt Nam đối với cộng đồng người Khmer-Krom bản địa đã đạt đến mức báo động, với nhiều báo cáo về các vụ bắt giữ tùy tiện, bỏ tù bất công và đàn áp tôn giáo”.

KKF nhắc đến hàng loạt các vụ xét xử và bắt bớ người Khmer ở Đồng bằng Sông Cửu Long gần đây như vụ các ông Thạch Cương, Tô Hoàng Chương, Danh Minh Quang, Đinh Thị Huỳnh, bị tuyên mức án từ 2 đến 4 năm tù vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, hay vụ bắt giữ các nhà sư Thạch Chanh Đa Ra, Dương Khải, Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương, Thạch Chóp và Thạch Nha ở chùa Đại Thọ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Ông Thạch Chanh Đa Ra là trụ trì chùa Đại Thọg, đã bị khai trừ khỏi Giáo hội Phật giáo tỉnh vào cuối năm ngoái.

Hôm 1/4, truyền thông nhà nước loan tin rằng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tam Bình đã tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm Đại đức Thạch Xươnl là trụ trì chùa Đại Thọ.

“Sư Thạch Chanh Đa Ra, trụ trì chùa, đã bị họ bắt đem đi bỏ tù rồi họ đưa một ông sư khác của nhà nước đến thì coi như họ đã chiếm chùa rồi còn gì nữa”, ông Trần Manrinh, sinh sống ở bang Pennsylvania, Mỹ, một thành viên của KKF, nêu nhận định với VOA.

Ngoài ra, ngày 1/4/2024, Việt Nam đã cưỡng chế, phá hủy công trình là nơi học tập của sư sãi và tín đồ được xây dựng tại chùa Đại Thọ, theo KKF. “Hành động xúc phạm văn hóa và tôn giáo này không chỉ tước bỏ nơi thờ cúng của người Khmer-Krom mà còn vi phạm nghiêm trọng di sản và bản sắc văn hóa của họ”, KKF viết.

Tổ chức này cho rằng những vi phạm nhân quyền này là bằng chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) cũng lên tiếng chỉ trích việc cưỡng chế này của chính quyền Vĩnh Long.

“Các cuộc tấn công có chủ đích đang diễn ra nhằm vào cộng đồng Khmer Krom chứng tỏ rằng chính phủ Việt Nam tin rằng các quy tắc nhân quyền không áp dụng đối với chính phủ Việt Nam,” ông Mervyn Thomas, Chủ tịch sáng lập CSW, nêu nhận định trong thông cáo hôm 3/4. “ Với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, họ phải duy trì các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế cao nhất”.

Ngoài ra, CSW kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc Việt Nam phải chịu trách nhiệm về việc đàn áp có hệ thống và bịt miệng các nhóm tôn giáo và tín ngưỡng thiểu số, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người bị cầm tù hoặc giam giữ tùy tiện vì thực hiện quyền cơ bản là tự do tôn giáo hay tín ngưỡng”.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Văn phòng của Tổng thư ký LHQ, yêu cầu họ cho ý kiến về các phát biểu trên của KKF và CSW, nhưng chưa được phản hồi.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền và vi phạm tự do tô giáo, khăng khăng rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.


*************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn