Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 08 -4 -2024

Thứ Hai, 08 Tháng Tư 20245:39 SA(Xem: 409)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 08 -4 -2024

HoaLuc 2
***********
rfi.fr

Ngoại trưởng Nga công du Trung Quốc để bàn về Ukraina

Thanh Hà

Chiến tranh Ukraina, tăng cường quan hệ song phương và tình hình trong khu vự Châu Á – Thái Bình Dương là những hồ sơ chính trong hai ngày làm việc 08 và 09/04/2024 của ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov tại Bắc Kinh. Mặt khác, hai bên cũng chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Vladimir Putin dự trù vào tháng 5/2024. Đây sẽ là chuyến xuất ngoại đầu tiên từ khi ông Putin tái đắc cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ.

Đăng ngày:

2 phút

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Nga được AFP trích dẫn cho biết ngoại trưởng Lavrov sẽ có nhiều cuộc trao đổi với đồng cấp Vương Nghị. Hai bên « trao đổi quan điểm trên một số hồ sơ nóng bỏng » như « khủng hoảng Ukraina và tình hình tại Châu Á-Thái Bình Dương ».

Hãng tin Anh Reuters nhắc lại Nga và Trung Quốc cùng muốn lại phác họa ra một trật tự mới trên thế giới thay thế mô hình dân chủ của phương Tây mà đứng đầu là Mỹ.

Về phía Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Mao Ninh nhấn mạnh chuyến đi của lãnh đạo ngoại giao Nga diễn ra trong khuôn khổ một « chuyến viếng thăm chính thức » theo lời mời của ngoại trưởng Vương Nghị.

Liên quan đến cuộc chiến tại Ukraina, Trung Quốc luôn khẳng định thế trung lập và đã đề xuất một kế hoạch gồm 12 điểm để giải quyết xung đột. Nga tuyên bố đánh giá cao sáng kiến này.

Theo Reuters, cho đến nay, dường như Nga chấp nhận đàm phán vãn hồi hòa bình tại Ukraina với điều kiện Kiev chấp nhận « một thực tế », đó là mất quyền kiểm soát 20 % lãnh thổ quốc gia.

Chiến tranh Ukraina là cơ hội để Trung Quốc và Nga mở rộng quan hệ kinh tế : tổng trao đổi mậu dịch hai chiều giữa hai nước trong năm 2023 đạt ngưỡng 240 tỷ đô la, tăng thêm 26 % so với hồi 2022. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng gần 47 % trong năm vừa qua và trong chiều ngược lại Nga cũng đã xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc đến 13 %.

Từ 2022 Nga và Trung Quốc đã khẳng định « mối quan hệ đối tác » và « tình bạn vô bờ bến ».

Tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc đã hai lần gặp nhau tại Matxcơva và Bắc Kinh. Ông Tập từng khẳng định « mức độ tin tưởng lẫn nhau về mặt chính trị ngày càng lớn ». Sau khi tái đắc cử hồi tháng 03/2024 ông Vladimir Putin đánh giá tình hữu nghị của trục Matxcơva – Bắc Kinh là « yếu tố đem lại ổn định » cho thế giới và đánh giá rất cao mối quan hệ cá nhân với chủ tịch Tập Cận Bình.


********
rfi.fr

Thủ tướng Nhật Bản đến Washington siết chặt hợp tác quân sự với Mỹ

Minh Anh

Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida, hôm nay, 08/04/2024, lên đường đến Washington, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tại Mỹ, kéo dài đến ngày 13/4. Sau Washington, lãnh đạo chính phủ Nhật Bản sẽ đến thăm Bắc Carolina.

Đăng ngày:

2 phút

Theo lịch trình, một ngày trước khi Mỹ, Nhật, Philippines họp thượng đỉnh, thủ tướng Fumio Kishida và tổng thống Joe Biden hội đàm với nhau vào thứ Tư 10/4. Nhân cuộc gặp song phương này, lãnh đạo Nhật và Mỹ sẽ thông báo công cuộc cải tổ quan trọng nhất đối với liên minh an ninh của hai nước, kể từ khi ký hiệp ước phòng thủ chung năm 1960.

Từ Tokyo, thông tín viên đài RFI, Frédéric Charles giải thích :

« Nhật Bản và Hoa Kỳ muốn nâng cấp liên minh an ninh tại một quần đảo tập trung nhiều căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Đối với hai nước đồng minh này, cần phải tăng cường hợp tác trên phương diện chỉ huy và quyền lực.

Một ban thường trực hỗn hợp bao gồm nhiều sĩ quan cấp cao Mỹ - Nhật có thể được lập ra ở Nhật Bản. Hiện tại, Tokyo phải xử lý công việc với Bộ Chỉ Huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, đóng tại căn cứ ở Hawai. Điều này làm trì hoãn các quyết định.

Từ cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga tiến hành, Nhật Bản đã quyết định tăng gấp đôi chi tiêu quân sự từ đây trong vòng năm năm trước nguy cơ Trung Quốc xâm lược Đài Loan.

Bất chấp các hạn chế của Hiến Pháp chủ hòa, Nhật Bản cũng quan tâm đến việc hợp tác với liên minh phòng thủ AUKUS, tập hợp các nước Mỹ, Anh và Úc. Cột trụ đầu tiên của liên minh này bao gồm việc trang bị cho Úc các chiếc tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nhật Bản có thể tham gia vào cột trụ thứ hai, liên quan đến chiến tranh tin học, trí tuệ nhân tạo và phát triển tên lửa siêu thanh tầm xa. »


**************

Gaza : Israel tái bố trí lực lượng để ''chuẩn bị'' tấn công Hamas ở Rafah

Thu Hằng

Israel rút quân khỏi thành phố Khan Younes, chấm dứt một chặng quan trọng trong chiến dịch tấn công lực lượng Hamas. Ngày 07/04/2024, bộ Quốc Phòng Israel ra thông cáo giải thích cho việc rút quân khỏi miền nam dải Gaza là để tái bố trí lực lượng « chuẩn bị cho những chiến dịch mới, trong đó có thành phố Rafah », nằm sát biên giới Ai Cập.

Đăng ngày:

2 phút

Thông tín viên RFI Michel Paul tại Jerusalem giải thích :

« Tổng tham mưu trưởng Israel nhấn mạnh ''Chiến tranh còn lâu mới kết thúc. Chiến tranh mang hình thái và cường độ khác''. Dù có thế nào thì sư đoàn lớn nhất của Israel, với các lực lượng tinh nhuệ, đã rời khỏi miền nam dải Gaza ngày hôm qua (07/04) để tái triển khai quanh vùng đất của người Palestine.

Hiện giờ, Israel chỉ để lại duy nhất một sư đoàn, dọc theo tuyến đường cắt ngang Gaza nhằm ngăn người dân đi từ miền nam lên miền bắc. Đây là một chiến lược mới. Theo giải thích của giới chuyên gia quân sự ở Israel, trong trường hợp cần thiết, Israel sẽ chỉ tiến hành những cuộc thâm nhập đúng lúc dựa trên thông tin tình báo chính xác, như mới xảy ra ở bệnh viện Al Shifa ở thành phố Gaza.

Tại Israel sáng nay (08/04), truyền thông thắc mắc về động cơ thực sự của đợt tái triển khai này trong khi các mục tiêu chiến tranh chưa đạt được, nhưng dường như thúc đẩy đàm phán hưu chiến và trả tự do cho các con tin ».

Ngày 07/04, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho rằng quyết định rút quân của Israel là để quân nhân được « nghỉ ngơi sau 4 tháng trên thực địa ». Washington kỳ vọng vào vòng đàm phán mới ở Cairo để kế hoạch tấn công Rafah không thành hiện thực. Hiện giờ, thủ tướng Netanyahu vẫn duy trì kế hoạch, vốn bị tổng thống Mỹ Joe Biden coi là « lằn ranh đỏ ».


***********
voatiengviet.com

Thủ tướng Thái Lan nói chế độ quân sự Myanmar ‘đang suy yếu’

Reuters

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nói với Reuters rằng lúc này là thời điểm tốt để mở các cuộc đàm phán với Myanmar khi chế độ quân sự lên nắm quyền sau cuộc đảo chính hồi năm 2021 đang suy yếu.

Myanmar đang khốn đốn với cuộc nổi dậy trên nhiều mặt trận, với các nhóm chống chính quyền quân sự liên minh với nhau và được một chính phủ ủng hộ dân chủ hỗ trợ. Họ đang nắm quyền kiểm soát một số đồn quân sự và thị trấn, bao gồm một phần của một thị trấn then chốt nằm ở biên giới với Thái Lan vào cuối tuần qua.

Cuộc nổi dậy là thách thức lớn nhất mà chính quyền quân sự Myanmar phải đối mặt kể từ khi họ tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ dân cử vào năm 2021.

“Chế độ hiện tại đang bắt đầu mất đi phần nào sức mạnh,” ông Srettha nói trong một cuộc phỏng vấn trên đảo nghỉ mát Samui hôm 7/4, và nói thêm rằng ‘nhưng ngay cả khi họ thua, họ vẫn có sức mạnh, họ có vũ khí’.

“Có lẽ đã đến lúc tiếp cận họ để thảo luận một thỏa thuận,” ông nói.

Thái Lan đã tìm cách can dự với Myanmar qua nhiều kênh kể từ khi ông Srettha lên nắm quyền hồi tháng Tám năm ngoái, bao gồm cả cung cấp viện trợ cho Myanmar theo một sáng kiến nhân đạo nhằm mở đường cho đàm phán giữa các phe tham chiến.

Quốc hội Thái Lan cũng đã tổ chức một cuộc hội thảo vào tháng trước về tình hình chính trị ở Myanmar với sự tham gia của các phe phái đối lập với quân đội Myanmar, bất chấp sự phản đối của tập đoàn quân sự.

Ông Srettha cho biết Myanmar rất quan trọng đối với Thái Lan và ông và các quan chức Thái Lan khác đã nói chuyện với các phe phái khác nhau ở Myanmar và các đối tác quốc tế bao gồm Trung Quốc và Hoa Kỳ.

“Quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất nếu Myanmar trở nên thống nhất, hòa bình và thịnh vượng là Thái Lan,” ông Srettha nói.

Chính phủ Thái Lan sẽ không đứng về bên nào trong cuộc xung đột ở nước ngoài và chính sách của họ sẽ là giải quyết xung đột một cách hòa bình, phát ngôn nhân chính phủ Chai Watcharong cho biết hôm 8/4 khi được truyền thông hỏi về tình hình ở Myanmar.


*****
voatiengviet.com

Thủ tướng Úc: Giải thích của Israel về vụ tấn công nhầm là ‘chưa thỏa đáng’

Reuters

Israel vẫn chưa đưa ra lời giải thích thỏa đáng cho cái chết của bảy nhân viên cứu trợ vào tuần trước, Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói hôm 8/4 trong khi Úc bổ nhiệm một cựu quan chức quân sự cấp cao để nghiên cứu cuộc điều tra của Israel về vụ việc.

Israel hôm 5/4 biện minh rằng binh sĩ của họ đã tưởng lầm rằng họ đang tấn công các tay súng Hamas mà thực ra họ đang không kích nhóm nhân viên của tổ chức cứu trợ World Central Kitchen chủ yếu là nhân viên quốc tế, trong đó có công dân Úc ‘Zomi’ Frankcom. Hai sĩ quan đã bị cách chức và những người khác bị khiển trách.

Ông Albanese cho biết lời giải thích này là chưa đủ. Do gần 200 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, Israel cũng cần cho biết thêm rằng những họ sẽ làm gì để tránh các vụ việc tương tự trong tương lai, ông nói thêm.

“Chúng tôi không cho những lời giải thích là thỏa đáng cho đến thời điểm này.” ông nói trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình nhà nước ABC. “Chúng tôi cần sự trừng phạt thích đáng, chúng tôi cần sự minh bạch hoàn toàn về hoàn cảnh cuộc tấn công và tôi nghĩ đó là điều mà công chúng Úc mong đợi.”

Thủ tướng Albanese từ chối nói rõ hành động nào mà Australia cho là thỏa đáng, hoặc liệu ông có xem xét các biện pháp trừng phạt ngoại giao hay không nếu Israel không cung cấp thêm thông tin hay không.

Úc hôm 8/4 đã bổ nhiệm một tướng không quân đã nghỉ hưu để nghiên cứu cuộc điều tra của Israel và tư vấn cho Canberra liệu cuộc điều tra có đầy đủ và liệu có cần hành động thêm để trừng phạt những người chịu trách nhiệm hay không.

Hồi tháng trước, Ngoại trưởng Úc Penny Wong nói rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang làm suy yếu vị thế quốc tế của nước ông với cách tiếp cận cuộc chiến như thế.


*************

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

5 phút

(AFP) – Ngoại trưởng Nga công du Trung Quốc. Theo thông cáo ngày 07/04/2024 của bộ Ngoại Giao Nga, ông « Serguei Lavrov sẽ có chuyến công du chính thức Trung Quốc » trong hai ngày 08-09/04. Ngoại trưởng Nga sẽ hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị.

(Financial Times) – AUKUS dự kiến kết nạp thành viên mới. Nhật báo tài chính Anh Financial Times ngày 06/04/2024, trích nhiều nguồn tin nắm rõ hồ sơ, cho biết dường như Mỹ đang gây sức ép để Nhật Bản tham gia AUKUS nhằm răn đe Trung Quốc. Ngày 08/04, bộ trưởng Quốc Phòng ba nước Anh, Mỹ, Úc thảo luận về « Trụ cột 2 » của hiệp định liên quan đến việc cùng nhau phát triển tin học lượng tử, tàu ngầm siêu thanh, trí thông minh nhân tạo và công nghệ mạng. Ngược lại, ba nước không có ý định mở rộng « Trụ cột 1 » liên quan đến việc giao tàu ngầm hạt nhân cho Úc. AUKUS được thành lập năm 2021 nhằm kiềm chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. 

(AP) – Đài Loan: Vẫn còn hơn 600 người bị mắc kẹt sau trận động đất lịch sử. Tính đến hôm nay, 07/04/2024, vẫn còn hơn 600 người bị kẹt, trong đó có gần 450 người tại một khách sạn trong công viên quốc gia Taroko, do địa hình hiểm trở. Tổng cộng có 13 người chết và hơn 1.145 người bị thương trong vụ động đất lịch sử, 7,5 độ Richter, khiến nhiều tòa nhà sụp đổ. Theo giới quan sát, sở dĩ số nạn nhân tương đối thấp ở Đài Loan sau trận động đất rất mạnh như trên, là do các tiêu chuẩn xây dựng nghiêm ngặt và các chiến dịch phổ biến kiến thức rộng rãi tại vùng lãnh thổ thường xuyên xảy ra động đất này.

(AFP) – Donald Trump huy động được hơn 50 triệu đô la cho chiến dịch tranh cử. Trước đó, vào cuối tháng Ba, tổng thống Biden đã huy động được 25 triệu đô la, mà theo nhóm vận động tranh cử của ông đây là “một kỷ lục”. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng một nửa con số được Donald Trump công bố hôm qua, 06/04/2024, sau một buổi tối gây quỹ ở Florida. Vị cựu tổng thống cũng không quên ca ngợi những người đã quyên góp cho mục đích “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. 

(AFP) – Tòa Nhân quyền Châu Âu chuẩn bị ra ‘‘phán quyết lịch sử’’ về khí hậu. Ngày thứ Ba, 09/04/2024, Tòa án Nhân quyền Châu Âu CEDH, sẽ ra phán quyết về trách nhiệm của nhiều quốc gia với biến đổi khí hậu. Đây là lần đầu tiên một tòa án quốc tế ra phán quyết về chủ đề này. Trước đó, một số quốc gia, trong đó có Pháp, bị kết án bởi tư pháp trong nước về việc không hành động đủ trong các cam kết về khí hậu. Tòa CEDH có thể đi xa hơn, khi coi việc không thực hiện đủ cam kết là xâm phạm ‘‘một số quyền căn bản của con người’’. Trong số ba vụ án được Tòa án Nhân quyền Châu Âu xét xử, có vụ 6 thanh thiếu niên Bồ Đào Nha, tuổi từ 12 đến 24, kiện 31 quốc gia (gồm tất cả các nước Liên Âu cùng Nga, Anh Quốc, Na Uy, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ). Vụ án được khởi sự sau trận cháy rừng lịch sử năm 2017. Biến đổi khí hậu được coi là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa này.

(AFP) – Greta Thunberg bị tạm giữ hai lần ở Hà Lan. Thiếu nữ người Thụy Điển, biểu tượng bảo vệ môi trường của giới trẻ thế giới, tham gia cuộc biểu tình phản đối tài trợ cho năng lượng hóa thạch do hội Extincition Rebellion tổ chức ở La Haye, Hà Lan, ngày 06/04/2024. Greta Thunberg được thả sau lần bắt thứ hai và nằm trong số 400 người biểu tình bị thẩm vấn. Người biểu tình tập trung tại một cánh đồng gần đường cao tốc A12 nối hai thành phố La Haye với Utrecht và nhiều lần định chặn giao thông.

(RFI) – Gần 3000 sinh viên tại vùng Île-de-France bị yêu cầu rời khỏi nơi ở để chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic. Mười lăm ký túc xá sinh viên sẽ được chính quyền Pháp trưng dụng để làm nơi ở cho các nhân viên thực thi pháp luật gần các địa điểm tổ chức Olympic. Vì vậy hôm qua, 06/04/2024, các sinh viên đã xuống đường biểu tình trước bộ Thể Thao để yêu cầu hủy bỏ quyết định này. Họ được nhà nước hứa sẽ bồi thường 100 euro và tặng hai vé tham dự các sự kiện Olympic. Tuy nhiên, những phần quà này không đáp ứng được mối quan tâm hiện tại sinh viên : tìm được một nơi ở vào mùa hè này.

(AFP) – Pháp : Bệnh nhân bị phạt 5 euro nếu không đến hẹn khám bệnh hoặc hủy hẹn muộn (ít nhất 24 tiếng trước giờ khám). Khoản tiền này sẽ được trả trực tiếp cho bác sĩ. Đây là một trong số những biện pháp liên quan đến y tế được thủ tướng Pháp Gabriel Attal công bố ngày 06/04/2024 nhằm buộc công dân có ý thức trách nhiệm và để giảm thất thoát khoảng 20 triệu euro từ việc bệnh nhân hẹn tùy tiện và không đến khám.


***********
rfi.fr

Hungary : Hàng trăm nghìn người biểu tình chống chế độ Orban

Hoàng Nguyễn

Hàng trăm ngàn dân Hung đến từ mọi miền đất nước, và cả từ nước ngoài, đã tham gia dự cuộc biểu tình hôm qua, thứ Bảy 6/4/2024, mà địa điểm chung là quảng trường chính trước Nhà Quốc hội Hungary, với thông điệp "chúng ta không sợ", "đủ lắm rồi, không thể tiếp tục nữa", và "cần đóng đinh vào quan tài của thể chế hiện tại". 

Đăng ngày:

3 phút

Nhân vật chính, cũng là người khởi xướng sự kiện là ông Magyar Péter, nhân vật mới nổi lên và thu hút được sự chú ý đặc biệt trên chính trường Hungary vài tháng gần đây.

02:09

Thông tín viên Hoàng Nguyễn (Budapest)

Từ Budapest, thông tín viên RFI Hoàng Nguyễn cho biết cụ thể :

"Nhiều khẩu hiệu rất mạnh mẽ đã được nhà tổ chức đưa ra trong cuộc biểu tình mang tên "Vì một nước Hung mới", như cần thay đổi hoàn toàn thể chế hiện tại, người dân phải nắm trong tay cơ hội thay  và vận mệnh của mình, Hungary cần trở thành "một quốc gia Châu Âu của những người dân tự do", dân Hung không thể là "thần dân trên đất nước của mình", không thể là "nông nô và đầy tớ của những địa chủ mới". Một cộng đồng mang tên "Vùng lên, hỡi người Hung!" cũng được công bố thành lập.

Magyar Péter, chủ xướng phong trào mới này, với quan điểm không dính dáng đến tất cả những chính đảng cũ hiện có trong Quốc hội Hungary, "không tả, không hữu, chỉ có Tổ quốc", là một gương mặt mới được biết đến rộng rãi từ hơn 2 tháng nay, khi đời sống chính trị Hung gặp nhiều sóng gió, kể từ vụ từ chức của Tổng thống Novák Katalin đến những tai tiếng lớn của phe cầm quyền. 

Magyar Péter, vị chủ xướng phong trào mới chống lại chế độ Orbán, là người thế nào?

Chính trị gia này là chồng cũ của cựu bộ trưởng Tư pháp Varga Judit, được xem là người được hưởng mọi ân sủng của chế độ. Magyar Péter -  có dòng dõi được tôn trọng, với phong cách trẻ trung của giới showbiz, ngôi sao điện ảnh - đã bất ngờ  tiết lộ hàng loạt những "thâm cung bí sử" về chế độ mà ông từng "nằm trong chăn", nên biết rõ về những căn bệnh trầm kha của nó. Ông đã không ngần ngại gọi đó là "nhà nước mafia" với những mối quan hệ trên - dưới chằng chịt và ngạt thở, kèm những phi vụ tham nhũng có liên quan tới giới lãnh đạo thượng đỉnh, có thể khuynh đảo bằng cách rút chứng cứ khỏi hồ sơ điều tra và tòa án...

Mặc dù bị truyền thông trong tay chính phủ và các kênh "dư luận viên" thường xuyên đăng tin bội nhọ, nhưng liên tục trên các kênh độc lập và mạng xã hội, Magyar Péter đã tường thuật về những gì ông được biết - trong đó có những trao đổi được thu lại với vợ cũ của ông, cựu Bộ trưởng Tư pháp, từng là một yếu nhân của phe cầm quyền - song song với việc trao chúng cho cơ quan công tố. Magyar Péter đã tổ chức 2 cuộc biểu tình lớn hiếm có trong những năm gần đây.

Cho dù từ nay tới cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu tháng 6 tới, vị chính khách này không kịp lập đảng để tham gia, và do đó khả năng sẽ hiện diện dưới sắc áo một chính đảng nào đó ngoài Quốc hội, nhưng dụng ý của Magyar Péter theo các phát biểu của ông, là nhắm vào tổng tuyển cử Quốc hội 2026, khi mà ông cho rằng nước Hung có thể có lựa chọn khác, ngoài đảng FIDESZ của thủ tướng Orban. Công luận Hungary đang dõi theo hàng ngày các hoạt động của người được ví như một "sao chổi", một Orbán Viktor thời trẻ. Liệu với Magyar Péter, Hungary có khả năng thực sự thay đổi, câu hỏi này vẫn là một ẩn số của tương lai." 


**********
voatiengviet.com

Quân đội Israel giảm quân số ở phía nam Dải Gaza

Reuters

Quân đội Israel đã rút gần như toàn bộ lực lượng bộ binh khỏi phía nam Dải Gaza, ngoại trừ một lữ đoàn, một phát ngôn viên quân sự cho biết hôm 7/4.

Quân đội không cung cấp thêm thông tin chi tiết ngay lập tức. Không rõ liệu việc rút quân có trì hoãn một cuộc tấn mà Israel đe dọa lâu nay nhắm vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza, mà các nhà lãnh đạo Israel cho là hành động cần thiết để loại bỏ Hamas, hay không.

Việc rút quân diễn ra trong khi Ai Cập chuẩn bị tổ chức một vòng đàm phán mới nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin.

Cuộc tấn công của Israel ở Gaza, vốn được phát động sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel sáu tháng trước vào ngày 7 tháng 10, trong những tháng qua đã tập trung vào phía bắc vùng đất của người Palestine.

Rafah đã trở thành nơi lánh nạn cuối cùng của hơn một triệu người Palestine trên vùng lãnh thổ gần biên giới với Ai Cập.

Theo thống kê của Israel, hơn 250 con tin đã bị bắt giữ và khoảng 1.200 người thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 7/10 của Hamas. Theo Bộ Y tế ở Gaza, hơn 33.100 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel.

Một lữ đoàn Israel thường có vài nghìn quân.


************
voatiengviet.com

Hệ thống năng lượng Ukraine ổn định, ​​không cần nhập khẩu nhiều điện

Reuters

Hệ thống năng lượng của Ukraine, vốn bị hư hại nghiêm trọng vì các cuộc tấn công tên lửa của Nga trong những tuần gần đây, hiện gần như đã hoàn toàn ổn định và Bộ Năng lượng hôm 7/4 nói rằng rằng nước này dự kiến sẽ không cần nhập khẩu nhiều điện.

Nhập khẩu điện của Ukraine đạt mức cao kỷ lục vào cuối tháng 3 sau khi một loạt cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng gây mất điện ở nhiều nơi của nước này.

Kể từ ngày 22 tháng 3, các lực lượng Nga đã tấn công các trạm nhiệt điện và thủy điện của Ukraine cũng như các mạng lưới chính gần như hàng ngày, dẫn đến mất điện.

Máy bay không người lái của Nga đã làm hư hại mạng lưới điện cao thế của công ty lưới điện quốc gia ở khu vực phía đông Kharkiv trong đêm, dẫn đến một số vụ cắt điện.

Bộ này cho biết trong một tuyên bố: “Hệ thống năng lượng của Ukraine ổn định và cân bằng”.

Họ cho biết xuất khẩu điện dự kiến đạt 115 megawatt giờ (MWh) hôm 7/4 trong khi nhập khẩu có thể đạt tổng cộng 1.179 MWh.

Ukraine nhập khẩu kỷ lục 18.649 MWh ngày 26/3.

Giám đốc công ty lưới điện quốc gia Volodymyr Kudrytskyi nói với Reuters tuần trước rằng các cuộc tấn công của Nga đã gây ra thiệt hại đáng kể cho hệ thống điện, nhưng khó có khả năng xảy ra sự sụp đổ hoàn toàn.

Công ty lưới điện Ukrnergo cho biết sau đó hôm 7/4 rằng máy bay không người lái của Nga đã gây hư hại mạng lưới điện cao thế của công ty ở Kharkiv ở miền đông trong đêm và công ty quản lý hệ thống đã phải cắt điện một số lần.

Thành phố lớn thứ hai của Ukraine là Kharkiv, nằm cách biên giới Nga khoảng 30 km, đã bị oanh kích dữ dội trong cuộc chiến kéo dài 25 tháng và bị ảnh hưởng nặng nề khi Nga tiếp tục các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào hệ thống năng lượng.


***********
voatiengviet.com

Quân đội Mỹ phá hủy tên lửa của Houthi ở Yemen

Reuters

Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (CENTCOM) hôm 7/4 cho biết rằng lực lượng Hoa Kỳ đã phá hủy một hệ thống tên lửa đất đối không di động trên lãnh thổ do Houthi kiểm soát ở Yemen vào ngày 6 tháng 4.

Tuyên bố của lực lượng này cho biết rằng lực lượng Mỹ cũng đã bắn hạ một máy bay không người lái trên Biển Đỏ, và cho biết thêm rằng một tàu của liên quân cũng đã phát hiện, tấn công và phá hủy một tên lửa chống hạm đang bay tới. Không có thương tích hoặc thiệt hại đã được báo cáo.

Trong một diễn biến liên quan, lực lượng Houthi ở Yemen hôm 7/4 cho biết đã phóng tên lửa và máy bay không người lái vào các tàu của Anh, Mỹ và Israel.

Đây là động thái mới nhất trong chiến dịch tấn công tàu thuyền nhằm ủng hộ người Palestine trong cuộc chiến ở Gaza.

Nhóm liên kết với Iran cho biết đã nhắm mục tiêu vào một tàu của Anh và một số tàu khu trục của Mỹ ở Biển Đỏ, trong khi ở Biển Ả Rập và Ấn Độ Dương, nhóm này đã tấn công hai tàu Israel đang hướng tới các cảng của Israel.

Người phát ngôn quân đội Houthi Yahya Saree cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình rằng các hoạt động diễn ra trong 72 giờ qua.

Ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các cuộc tấn công.

Trước đó, công ty an ninh Ambrey của Anh cho biết họ đã nhận được thông tin cho thấy một tàu bị tấn công hôm 7/4 ở Vịnh Aden, cách Mukalla ở Yemen khoảng 102 hải lý về phía Tây Nam.

Các cuộc tấn công của Houthi đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu qua Kênh đào Suez, buộc các công ty phải thực hiện các chuyến đi dài hơn và tốn kém hơn quanh miền nam châu Phi.

Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen.


**********
voatiengviet.com

Bộ trưởng Quốc phòng nói Israel chuẩn bị xử lý mọi diễn biến với Iran

Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Israel hôm 7/4 nói rằng nước này sẵn sàng xử lý mọi kịch bản có thể xảy ra với kẻ thù Iran, trong khi nước này luôn cảnh giác về một cuộc tấn công trả đũa có thể xảy ra sau vụ sát hại các tướng lĩnh Iran vào ngày 1/4.

Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đưa ra tuyên bố trên sau khi ông tiến hành “đánh giá tình hình hoạt động” với các sĩ quan quân đội cấp cao.

Văn phòng của ông cho biết: “Sau khi hoàn thành đánh giá, Bộ trưởng Gallant nhấn mạnh rằng cơ quan quốc phòng đã hoàn tất việc chuẩn bị ứng phó trong trường hợp có bất kỳ kịch bản nào có thể xảy ra đối với Iran”.

Iran đã đe dọa sẽ đáp trả cuộc tấn công bị nghi là do Israel thực hiện ở Damascus, khiến 7 thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran thiệt mạng, trong đó có một chỉ huy cấp cao.

Cố vấn cấp cao của Lãnh đạo tối cao Iran, Yahya Rahim Safavi, hôm 6/4 nói rằng không có đại sứ quán nào của Israel còn an toàn nữa và Tehran coi việc đối đầu với Israel là một "quyền chính đáng và hợp pháp".

Hãng thông tấn bán chính thức ISNA của Iran đã công bố một hình ảnh hôm 7/4 mà hãng này nói là cho thấy 9 loại tên lửa khác nhau của Iran có khả năng đánh trúng Israel.

Israel chưa xác nhận họ đứng sau vụ tấn công vào Damascus. Dẫu vậy, các nhà lãnh đạo của nước này đã nói một cách tổng quát hơn rằng họ đang hoạt động chống lại Iran, quốc gia ủng hộ các nhóm chiến binh Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon, cả hai đều đã chiến đấu với Israel trong sáu tháng qua.

Hoa Kỳ cũng đang trong tình trạng cảnh giác cao độ và chuẩn bị cho một cuộc tấn công có thể xảy ra của Iran nhằm vào tài sản của Israel hoặc Mỹ trong khu vực.

Israel đã đổ lỗi cho Iran đứng sau vụ đánh bom chết người năm 1994 vào một trung tâm Do Thái ở thủ đô của Argentina, khiến 85 người thiệt mạng và Tehran phủ nhận mọi liên quan.


************
voatiengviet.com

Ngoại trưởng Nga thăm Trung Quốc để thảo luận về cuộc chiến Ukraine

Reuters

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thăm Trung Quốc trong hai ngày 8-9/4 để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine và mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc giữa Moscow và Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, cuộc đàm phán giữa ông Lavrov và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người đã gửi lời mời tới Ngoại trưởng Nga, sẽ bao gồm hợp tác song phương cũng như “các chủ đề nóng” như cuộc khủng hoảng ở Ukraine và châu Á-Thái Bình Dương.

Reuters đưa tin vào tháng trước rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới Trung Quốc vào tháng 5 để hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây có thể là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của người đứng đầu Điện Kremlin trong nhiệm kỳ tổng thống mới của ông.

Trung Quốc và Nga tuyên bố quan hệ đối tác "không giới hạn" vào tháng 2 năm 2022 khi ông Putin đến thăm Bắc Kinh, chỉ vài ngày trước khi ông triển khai hàng chục nghìn quân vào Ukraine, gây ra cuộc chiến tranh trên bộ đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.

Hoa Kỳ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất và Nga là mối đe dọa quốc gia lớn nhất, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lập luận rằng thế kỷ này sẽ được xác định bởi một cuộc cạnh tranh sống còn giữa các nền dân chủ và các chế độ chuyên chế.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, thương mại Trung Quốc-Nga đạt kỷ lục 240,1 tỷ USD vào năm 2023, tăng 26,3% so với một năm trước đó.

Các lô hàng của Trung Quốc đến Nga đã tăng 46,9% vào năm 2023 trong khi nhập khẩu từ Nga tăng 13%.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ đã giảm 11,6% xuống còn 664,5 tỷ USD vào năm 2023.

Một năm sau cuộc chiến Ukraine, vào năm 2023, Trung Quốc đã công bố lập trường gồm 12 điểm về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Nga cho rằng lập trường của Trung Quốc là hợp lý.


**************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn