Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 21-03 -2024

Thứ Năm, 21 Tháng Ba 20243:34 SA(Xem: 1512)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 21-03 -2024


HoaLuc 5
***********
rfi.fr

Bầu tổng thống Indonesia: Ứng cử viên đối lập phản đối kết quả chính thức

Thu Hằng

Ngày 21/03/2023, ông Anies Baswedan, ứng viên tổng thống Indonesia thất cử, đã đệ đơn kháng án lên Tòa Bảo Hiến, cáo buộc những bất thường và gian lận liên quan đến cuộc bầu cử và chiến dịch vận động tranh cử. Trước đó một ngày, Ủy ban Bầu cử chính thức công nhận chiến thắng của ông Prabowo Subianto trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 14/02.

Đăng ngày:

2 phút

Phát biểu với báo giới, ông Ari Yusuf Amir, đứng đầu nhóm luật gia của ứng cử viên đối lập, cho biết đã « chính thức nộp đơn phản đối cuộc bầu cử lên Tòa Bảo Hiến ». Tối 20/03, ngay sau khi có kết quả chính thức, ông Anies Baswedan đã ra thông cáo khẳng định: « Một nhà lãnh đạo được bầu lên từ một quá trình đầy gian lận và vi phạm sẽ dẫn đến một chế độ chỉ đưa ra những chính sách đầy bất công ».

Muhaimin Iskandar, đứng liên danh phó tổng thống với ông Baswedan, nêu lên những bất thường, trong đó có « sự can thiệp của bộ máy nhà nước » theo có lợi cho bộ trưởng Quốc Phòng Prabowo Subianto, đặc biệt là sự ủng hộ của tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo. Con trai của ông Widodo đã tranh  chức phó tổng thống, liên danh với bộ trưởng Quốc Phòng.

Tuy nhiên, nhóm luật gia của tổng thống tân cử Indonesia cho rằng ít có khả năng thay đổi kết quả vì số phiếu chênh lệch quá lớn giữa ông Prabowo Subianto và hai đối thủ. Cựu bộ trưởng Quốc Phòng nhận được đến 58,6% số phiếu, bỏ xa cựu thống đốc Jakarta Anies Baswedan (24,9%) và cựu thống đốc Trung Java Ganjar Pranowo (16%).

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng tổng thống tân cử Indonesia, sẽ chính thức nhậm chức vào tháng 10. Trong thư, được Tân Hoa Xã đăng sáng 21/03, ông Tập nhấn mạnh : « Trung Quốc và Indonesia là những láng giềng có quan hệ hữu nghị lâu đời ».


**************

Gaza: Lần đầu tiên Hoa Kỳ trình Hội Đồng Bảo An dự thảo nghị quyết về ngừng bắn

Thùy Dương

Trả lời phỏng vấn kênh truyền thông Al Hadath trong chuyến công du Ả Rập Xê Út hôm qua, 20/03/2024, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đã đệ trình lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc dự thảo nghị quyết kêu gọi ban hành « một lệnh ngừng bắn ngay lập tức » và trao đổi con tin tại dải Gaza.

Đăng ngày:

2 phút

Theo AFP, ngoại trưởng Mỹ bày tỏ hy vọng là dự thảo nghị quyết của Hoa Kỳ sẽ được các nước ủng hộ. Ông Blinken tái khẳng định Mỹ ủng hộ Israel và quyền tự vệ của nước này, nhưng nhấn mạnh là Washington buộc phải tập trung ưu tiên vào những thường dân đang gặp nguy hiểm và chịu rất nhiều đau khổ.

Kể từ khi nổ ra xung đột tại Gaza, Hoa Kỳ đã phủ quyết một số dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài. Thế nhưng, lần này, trước thảm họa nhân đạo ở Gaza, nơi hàng triệu người dân đang bị nạn đói đe dọa, Washington đang gia tăng nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn để có thể đưa thêm nhiều hàng cứu trợ nhân đạo vào Gaza, hiện đang bị Israel phong tỏa.

Theo dự kiến, hôm nay ngoại trưởng Mỹ đến Ai Cập và ngày mai 22/03 sẽ đến Israel. Trong khi đó, Reuters trích dẫn một quan chức Washington cho biết, theo yêu cầu của bộ Ngoại Giao Mỹ, Israel đã cam kết bằng văn bản là sẽ không sử dụng các vũ khí mà Washington cung cấp để vi phạm nhân quyền ở Gaza. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ đánh giá các cam kết của Tel Aviv có đáng tin cậy hay không và sẽ đệ trình báo cáo lên Quốc Hội Mỹ.   

Cũng trong ngày hôm qua 20/03, ngoại trưởng Canada thông báo ngưng chuyển vũ khí cho Israel. Ngoại trưởng Israel lấy làm tiếc về quyết định mà ông xem là « phá hoại quyền tự vệ » của Israel.

Liên quan đến chiến dịch « tấn công khoanh vùng » nhắm vào Al Chifa, bệnh viện lớn nhất dải Gaza, mà Israel xem là nơi ẩn náu của các chỉ huy lực lượng Palestine Hamas, hôm nay 21/03 quân đội Israel thông báo đã tiêu diệt tổng cộng hơn 140 chiến binh Palestine. Riêng ngày đầu tiên, số chiến binh Palestine bị triệt hạ là hơn 50 người.


**************
voatiengviet.com

Australia, Anh tăng cường hợp tác quốc phòng

Reuters

Úc và Vương quốc Anh vào hôm thứ Năm 21/3 ký một thỏa thuận hợp tác an ninh và quốc phòng mới nhằm tạo thuận lợi hơn cho lực lượng quốc phòng của hai nước hoạt động cùng nhau trên lãnh thổ của nhau.

Ngoại trưởng Anh David Cameron và Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps có mặt tại Úc để hội đàm thường niên vào ngày 22/3 với những người đồng cấp của họ ở Adelaide, ở đó, truyền thông địa phương đưa tin rằng dự báo sẽ có một công ty của Anh được chọn làm nhà thầu chế tạo tàu ngầm hạt nhân theo thỏa thuận AUKUS .

Hiệp ước được ký hôm 21/3 quy định rằng hai quốc gia sẽ tham vấn nhau nếu họ bị đe dọa, ông Shapps nói với các phóng viên ở Canberra.

Ông Shapps phát biểu: “Chưa bao giờ lại có nhu cầu cấp bách hơn hiện nay về việc phải hành động cùng nhau”.

Ông nói thêm rằng thế giới đã chuyển từ thế giới hậu chiến sang thế giới tiền chiến.

Ông nói: “Không phải vì chúng ta sắp tham chiến vào ngày mai, tôi hy vọng thế, mà vì chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn bao giờ hết. Lập trường của chúng ta cần thay đổi”, đồng thời ông liên hệ cuộc chiến ở Ukraine với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles nói rằng hiệp ước này bổ sung một khía cạnh chiến lược vào một trong những mối quan hệ đối tác lâu đời nhất của Úc, đồng thời lưu ý rằng Vương quốc Anh có sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lớn hơn nhiều so với thời gian dài trước đây và nước này sẽ cử một đội tàu sân bay tấn công tới khu vực này vào năm tới.

Ông Marles nói rằng Anh sẽ đóng góp vào lực lượng tàu ngầm luân phiên ở Australia và hiệp ước sẽ tăng cường khả năng hợp tác của quân đội hai nước.

Vương quốc Anh cũng sẽ đóng góp cho Trung tâm Tình báo Kết hợp ở Australia, trong khuôn khổ Tổ chức Tình báo Quốc phòng Australia.

Theo thỏa thuận AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ, Australia sẽ mua một số tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ trong thập kỷ tới và chế tạo một tàu ngầm AUKUS mới tại nhà máy đóng tàu Adelaide vào năm 2040.

Australia đang tăng cường khả năng tương tác quốc phòng và tập trận quân sự với Mỹ và các đối tác khu vực sau khi một báo cáo đánh giá về quốc phòng hồi năm ngoái nói rằng Trung Quốc đang tiến hành xây dựng quân đội với quy mô lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác kể từ khi kết thúc Thế chiến I
************

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

5 phút

(AFP) – Pháp khởi động Lễ hội Pháp ngữ -Festival de la Francophonie. Ngày 20/03/2024, Lễ hội Pháp ngữ chính thức được khởi động và kéo dài trong vòng 6 tháng, cho đến kỳ họp thượng đỉnh Pháp Ngữ vào tháng 10. Nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron sẽ tiếp Louise Mushikiwabo, tổng thư ký của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tại điện Elysée. Cũng kể từ hôm nay, nhiều sự kiện, dự án liên kết với 40 nước và khoảng 400 tổ chức, hiệp hội ở Pháp hay quốc tế, được tiến hành. Mục đích của sự kiện này là « thể hiện sự năng động, sáng tạo của của tiếng pháp trong mọi lĩnh vực, văn hóa, kinh tế, công nghệ và xã hội. »

(Reuters) – Đài Loan cảnh báo những « căn cứ quân sự khổng lồ » của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày 20/03/2024, bộ Ngoại Giao Đài Loan cho biết những căn cứ này nằm trên ba thực thể, đá Xubi (Subi Reef), đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và đá Vành Khăn (Mischief Reef), rất gần đảo Ba Bình, mà Đài Bắc gọi là đảo Thái Bình (Taiping). Trả lời báo giới, ngoại trưởng Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) tái khẳng định chủ quyền của Đài Loan và sẽ bảo vệ chủ quyền đối với hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa.

(AFP - Yonhap) -  Bắc Triều Tiên : Kim Jong Un giám sát vụ thử động cơ tên lửa siêu thanh. Hãng tin của Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA cho biết hôm nay, 20/03/2023, lãnh đạo Kim Jong Un đã đến giám sát vụ thử động cơ nhiên liệu rắn, được sử dụng trong loại tên lửa siêu thanh tầm trung. Vụ thử được mô tả là thành công, diễn ra tại vùng tây bắc của nước này ngày hôm qua. Cũng trong ngày hôm nay, quỹ Kaesong được thành lập để quản lý, hỗ trợ khu công nghiệp liên Triều – từng được coi là biểu tượng hòa giải giữa hai miền nam bắc, đã thông báo kế hoạch giải thể. Các hoạt động tại khu công nghiệp này đã bị đình trệ vì các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên từ những năm gần đây.

(AFP) – Mỹ thông qua hợp đồng 2,2 tỉ đô la bán xe tăng cho Bahrein. Trong thông cáo ngày 19/03/2024, bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết hợp đồng gồm 50 xe tăng Abrams M1A2. Đây là hợp đồng vũ khí đầu tiên giữa hai nước sau 13 năm Bahrein, một đồng minh của Mỹ trong khu vực, bị Washington cấm vận vì trấn áp các cuộc biểu tình hồi Mùa Xuân Ả Rập năm 2011.

(Liên Hiệp Quốc) – Lao động cưỡng bức mang lại 236 tỉ đô la hàng năm trên thế giới. Theo báo cáo được công bố ngày 19/03/2024, Tổ Chức Lao Động Quốc Tế báo động, lợi nhuận từ lao động cưỡng bức tăng mạnh trong những năm gần đây, tăng 37% từ năm 2014. Có hai lý do : Số người bị cưỡng bức lao động tăng lên đáng kể trên thế giới ; lợi nhuận từ hoạt động bất hợp pháp này cũng tăng cao. Hoạt động khai thác tình dục chiếm đến 2/3 lợi nhuận của tình trạng lao động cưỡng bức. Hai khu vực thu lợi nhuận nhiều nhất là châu Âu và Trung Á. Tổ Chức Lao Động Quốc Tế kêu gọi các nước tôn trọng các công ước quốc tế và đề nghị những nước chưa tham gia Nghị định thư 2014 về Công ước Lao động Cưỡng bức, ký vào văn bản này. 

(AFP) – Miến Điện : Dinh thự của cựu lãnh đạo Aung San Suu Ky được mang bán đấu giá. Căn nhà với kiểu kiến trúc thời thuộc địa, cùng khu đất rộng 7.700 m2 nằm trong khu phố xa hoa, gần sứ quán Hoa Kỳ ở Rangoun, đã được đem bán đấu giá hôm nay, 20/03/2024. Nhiều người có mặt tại lúc mở phiên đấu giá, chủ yếu là nhà báo. Một số nhân viên an ninh mặc thường phục chụp ảnh các nhà báo này. Nhà đấu giá cho biết căn nhà được định giá 150 triệu đô la nhưng cuối cùng không tìm được chủ nhân mới.  

(AGP) – 7 năm liên tiếp : Phần Lan là nước hạnh phúc nhất thế giới. Theo báo cáo do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ và được công bố ngày 20/03/2024, các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển, Phần Lan) tiếp tục đứng trong top 10 những nước hạnh phúc nhất thế giới. Bản báo cáo dựa trên 6 tiêu chí : hỗ trợ xã hội, thu nhập, y tế, tự do, nhân ái và không có tham nhũng. Lần đầu tiên từ 10 năm qua, Mỹ và Đức không nằm trong số 20 nước hạnh phúc nhất, lần lượt đứng thứ 23 và 24. Pháp đứng thứ 27. Đứng gần cuối bảng xếp hạng, ở vị trí 143, là Afghanistan, rơi vào thảm kịch nhân đạo kể từ khi phe Taliban trở lại nắm quyền.

(AFP) – Thái Lan : Trâu trắng khổng lồ trị giá gần 500 000 euro. Gần đây, chú trâu trắng có tên là Ko Muang Phet, cao 1,8 mét, đã trở nên nổi tiếng khi tham gia vào nhiều chương trình truyền hình, và mới đây, được bán với giá gần 500 000 euro. Hôm nay, 20/03/2024, chú trâu này đã được thủ tướng Srettha Thavisin tiếp đón tại khuôn viên của tòa nhà chính phủ và chụp ảnh cùng thủ tướng Thái Lan. Hiệp hội chăn nuôi trâu Thái Lan, trên mạng xã hội X, đã kêu gọi chính phủ quảng bá hình ảnh của loài vật vốn gắn liền liền với các hoạt động nông nghiệp, trở thành một loại « công cụ mềm » của Thái Lan.


***********
rfi.fr

Khai mạc Olympic Paris 2024 : Vận động viên Nga và Belarus không được diễu hành

Thanh Phương

Trong cuộc họp tại Lausanne, Thụy Sĩ, hôm 19/03/2024, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã quyết định là các vận động viên của Nga và Belarus sẽ không được tham gia diễu hành trong lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris 2024 ngày 26/07 trên sông Seine. Lý do : các vận động viên này dự Thế Vận Hội Paris với tư cách cá nhân, họ sẽ không được tham gia diễu hành với các các đoàn quốc gia. 

Đăng ngày:

2 phút

Thông tín viên của RFI tại Thụy Sĩ Jérémie Lanche tường trình:

Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO cho biết các vận động viên Nga và Belarus vẫn có thể theo dõi lễ khai mạc, nhưng không nói rõ là sẽ theo dõi cách nào. Còn về lễ bế mạc Thế Vận Hội thì Ủy ban chưa có quyết định gì, bởi vì trong buổi lễ này, các vận động viên tham gia diễu hành với tư cách cá nhân, chứ không phải theo đoàn.

Theo Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế, hiện giờ có 12 vận động viên Nga và 7 vận động viên Belarus đã giành được vé cho Paris 2024. Ủy ban thẩm định là cuối cùng sẽ có khoảng 60 vận động viên được tham gia Thế Vận Hội, ít hơn nhiều so với con số 434 vận động viên Nga và Belarus tại Thế Vận Hội Tokyo. 

Những điều kiện để được tham gia Paris 2024 là : không được ủng hộ chiến tranh Ukraina, không tranh tài theo đoàn quốc gia mà là với tư cách cá nhân, thi đấu dưới một lá cờ trung lập. Một ủy ban sẽ phê chuẩn việc cấp phép cho từng vận động viên Nga và Belarus. Các thành viên của ủy ban này sau đó sẽ theo dõi để bảo đảm là mỗi vận động viên tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định trong thời gian tranh tài. Nếu có vi phạm, chẳng hạn như giương quốc kỳ Nga, ủy ban này sẽ đưa vụ việc ra ủy ban kỷ luật của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế. 

Sáng hôm qua, CIO  đã chỉ trích Nga chính trị hóa thể thao do Matxcơva dự định tổ chức “Đại hội Thể thao Hữu nghị” ngay sau Thế Vận Hội Paris.


*************

Liên Hiệp Quốc và phương Tây chỉ trích luật an ninh mới của Hồng Kông

Thu Hằng

Luật an ninh mới của Hồng Kông bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/03/2024. Văn bản được Nghị Viện Hồng Kông thông qua ngày 19/03 bổ sung thêm 5 loại vi phạm vào danh sách đã được áp dụng từ năm 2020. Liên Hiệp Quốc và nhiều nước phương Tây đồng loạt bày tỏ « quan ngại sâu sắc » và chỉ trích tự do bị vi phạm.

Đăng ngày:

3 phút

Theo AFP, 5 loại tội mới gồm : phản bội, nổi loạn, gián điệp và đánh cắp bí mật Nhà nước, phá hoại gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, ly khai và can thiệp từ bên ngoài. Các tội phản bội hoặc nổi dậy có thể bị kết án tù chung thân. 89 thành viên của Nghị Viện Hồng Kông (LegCo), không có đại diện của phe đối lập, đã khẩn trương thảo luận luật an ninh mới - được gọi là « Điều 23 » và thông qua với đa số tuyệt đối.

Người đứng đầu đặc khu hành chính Lý Gia Siêu (John Lee) đánh giá ngày 19/03 « là một thời khắc lịch sử đối với Hồng Kông » vì luật mới lấp những lỗ hổng của luật an ninh quốc gia được áp dụng từ năm 2020. Theo ông Lý Gia Siêu, văn bản này « sẽ cho phép Hồng Kông ngăn chặn, cấm và trừng phạt hiệu quả hoạt động gián điệp, âm mưu và bẫy do cơ quan tình báo nước ngoài giăng ra, sự xâm nhập, phá hoại của các thế lực thù địch ».

Ngay lập tức, các nước phương Tây đã bày tỏ quan ngại sâu sắc. Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk cảnh báo những điều khoản mơ hồ « có thể dẫn đến việc hình sự hóa một loạt hành vi được luật pháp quốc tế bảo vệ ». Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ quan ngại về « tác động đến các quyền và tự do của người dân Hồng Kông ». Luật mới cũng sẽ tác động đến uy tín và vai trò của trung tâm tài chính Hồng Kông.

Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Vedant Patel đánh giá « những biện pháp này có quy mô rộng, không chính xác » sẽ « khiến xã hội Hồng Kông đóng cửa nhanh hơn ». Ngoại trưởng Anh lên án một văn bản « vi phạm thêm các quyền và tự do của thành phố »« ngăn Hồng Kông thực hiện nghĩa vụ quốc tế ».

Ngoại trưởng Úc, trong buổi tiếp đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị tại Canberra, lưu ý rằng luật mới ở Hồng Kông « làm xói mòn các quyền và tự do » của đặc khu. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi « tất cả các bên có thể gây ảnh hưởng ở Hồng Kông », dù là doanh nghiệp hay chính phủ, Liên Hiệp Quốc, « gia tăng sức ép để chính quyền đặc khu hành chính tôn trọng nhân quyền ».

Ngày 20/03, Bắc Kinh đã phản đối gay gắt các nước « can thiệp chuyện nội bộ », lên án « tâm lý thực dân ăn sâu » của Anh và thái độ đạo đức giả của Liên Hiệp Châu Âu.

Theo tổng kết của AFP, gần 300 người đã bị bắt ở Hồng Kông kể từ khi luật an ninh quốc gia 2020 được áp dụng. Vài chục nhà đối lập chính trị, nhà hoạt động và nhiều nhân vật có tên tuổi khác đã bị kết án tù hoặc buộc phải tị nạn ở nước ngoài.


*************

Dẫn đầu danh sách các mối đe dọa cho Mỹ: Trung Quốc, chứ không phải Nga

VOA News

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine - được các quan chức hàng đầu của Mỹ miêu tả là gây nguy hiểm cho chính nước Mỹ - vẫn đứng sau Trung Quốc khi nói đến các mối đe dọa lâu dài đối với an ninh của Mỹ, theo một quan chức cấp cao của Ngũ Giác Đài.

Lời cảnh báo từ ông Ely Ratner, phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được đưa ra trong lời khai chứng được chuẩn bị cho phiên điều trần ngày 20/3 của Ủy ban Quân vụ Hạ viện về những thách thức an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục đề ra thách thức toàn diện và nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia của chúng ta,” ông Ratner sẽ nói với các nhà lập pháp Mỹ như vậy, theo bản sao lời mở đầu bài diễn văn của ông mà VOA có được.

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn là quốc gia duy nhất với ý chí và khả năng thống trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng tăng và thay thế Hoa Kỳ,” ông Ratner cảnh báo. Vẫn theo phần trình bày của ông, “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang theo đuổi các mục tiêu xét lại của mình bằng các hoạt động cưỡng ép ngày càng tăng ở Eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông, dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế với Ấn Độ và xa hơn nữa”.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Ratner đề cập đến mối đe dọa ngày càng tăng từ Bắc Kinh.

Vào tháng 10 năm ngoái, ông đã chỉ trích quân đội Trung Quốc vì điều mà ông mô tả là “sự gia tăng mạnh mẽ” các hành vi nguy hiểm ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Ông Ratner cũng cảnh báo riêng rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang “ngày càng sử dụng PLA [Quân đội Giải phóng Nhân dân] như một công cụ uy hiếp”.

Ngoài ra, phúc trình thường niên về Sức mạnh Quân sự Trung Quốc của Ngũ Giác Đài còn cho biết kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn dự kiến, trong khi Bắc Kinh đang xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để mở rộng hơn nữa lực lượng hạt nhân của mình.

Trung Quốc đã đáp trả những cáo buộc như vậy bằng cách cáo buộc Mỹ “thổi phồng” mối đe dọa.

Hôm 19/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đưa ra cảnh báo của riêng mình, nhấn mạnh mối đe dọa từ việc Nga xâm lược Ukraine.

“Hoa Kỳ đứng về phía Ukraine vì đó là điều đúng đắn,” ông Austin nói trong một cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine ở Ramstein, Đức. “Nhưng chúng tôi cũng đứng về phía Ukraine vì điều đó rất quan trọng đối với an ninh của chính chúng tôi.”

Ông nói: “Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với những mối nguy hiểm mới nghiêm trọng trong một thế giới nơi sự xâm lược và chuyên quyền đang diễn ra và nơi những kẻ bạo chúa được khuyến khích và nơi những kẻ độc tài nghĩ rằng họ có thể xóa sạch nền dân chủ khỏi bản đồ”.

Các quan chức tình báo Mỹ gần đây lập luận rằng các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc có mối liên hệ với nhau, và rằng cuộc chiến của Nga đã khuyến khích giới lãnh đạo Trung Quốc.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines nói với các nhà lập pháp Mỹ hồi đầu tháng này rằng Bắc Kinh đã cố gắng đạt được những nhượng bộ từ Moscow mà họ mong đợi lâu nay để đổi lấy sự hỗ trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Và Giám đốc CIA William Burns cho biết thành công của Nga ở Ukraine có thể “thúc đẩy tham vọng của giới lãnh đạo Trung Quốc trong các tình huống bất ngờ từ Đài Loan đến Biển Đông”.

Ông Ratner dự kiến sẽ nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ ngày 20/3 rằng Bộ Quốc phòng đang nỗ lực tăng cường các liên minh quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và phát triển cái mà ông gọi là “tư thế lực lượng khu vực” bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Úc.

Ông cũng sẽ khai chứng rằng ngân sách năm 2025 do Ngũ Giác Đài đề xuất đang ưu tiên đầu tư vào sức mạnh trên không, trên biển và dưới biển, cũng như hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Hoa Kỳ nhằm vào các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của chính Bắc Kinh.


**************
voatiengviet.com

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thăm Kyiv, nói viện trợ quân sự của Mỹ 'sẽ đến Ukraine'

Reuters

Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông Jake Sullivan, nói trong chuyến thăm Kyiv hôm thứ Tư 20/3 rằng một gói viện trợ lớn của Mỹ vốn đã bị đảng Cộng hòa chặn trong nhiều tháng sẽ "đến Ukraine" và cam kết rằng sự trợ giúp của Washington sẽ tiếp tục.

Khoản viện trợ quan trọng của Mỹ dành cho Ukraine đã bị mắc lại ở Quốc hội kể từ cuối năm ngoái, gây thêm áp lực lên quân đội Ukraine bị áp đảo về mặt vũ khí trong khi họ chiến đấu chống kẻ thù có trang bị tốt hơn và đông đảo hơn trong hai năm nay kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện.

“Từ góc độ của chúng tôi, chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ giải quyết được việc này. Chúng tôi sẽ chuyển khoản viện trợ này cho Ukraine”, ông Sullivan nói trong cuộc họp báo chung sau khi gặp Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak.

Ông Sullivan không đưa ra mốc thời gian khoản viện trợ sẽ được chuyển đến và tỏ ý bác bỏ ý tưởng cho rằng viện trợ có thể được cấp dưới dạng một khoản vay.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ có được một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng tại Hạ viện ủng hộ mạnh mẽ gói viện trợ dành cho Ukraine và chúng tôi sẽ chuyển số tiền đó đi đúng như việc cần phải làm”.

Quân đội Nga chiếm hơn 1/6 lãnh thổ Ukraine và đang tấn công trở lại sau khi chống trả được cuộc phản công của Ukraine hồi năm ngoái.

Moscow đang tiến từng bước ở miền đông Ukraine trong khi quân đội Ukraine phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo, gặp các vấn đề về nhân lực và có những hoài nghi về về bề dày cũng như độ vững chắc của các tuyến phòng thủ của họ.

Ông Yermak cho hay hai ông đã thảo luận về nhu cầu cho chiến trường hiện nay của Ukraine, về hội nghị thượng đỉnh của khối liên minh quân sự NATO tại Washington vào tháng 7 và hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ mà Kyiv muốn rằng sẽ diễn ra vào mùa xuân này.

Ukraine không có kế hoạch mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh đó, là sự kiện sẽ bàn thảo tiếp trên cơ sở tầm nhìn về hòa bình của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy. Ông đề nghị cần phải rút toàn bộ quân đội Nga nhưng Moscow đã bác bỏ vì coi đó là điều làm cho mọi việc bị dừng lại ngay từ đầu.


***********

EU tìm cách tăng cường phòng thủ, hỗ trợ Ukraine chống lại Nga hiếu chiến

VOA News

Các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu ngày 21/3 họp tại Brussels trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi châu Âu tăng cường mạnh mẽ chi tiêu quốc phòng và công nghiệp, khi Nga giành được ưu thế ở Ukraine và lo ngại ngày càng tăng rằng Moscow sẽ không dừng lại ở đó nếu giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày cũng sẽ giải quyết các vấn đề gây tranh cãi khác, bao gồm cuộc chiến ở Gaza, các thành viên EU tương lai và vấn đề di trú. Nhưng Ukraine và việc tăng cường khả năng sẵn sàng phòng thủ của khối EU là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Bối cảnh sau cuộc họp là một đánh giá u ám của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, kêu gọi các quốc gia thành viên EU chuyển sang chế độ “kinh tế chiến tranh”, cùng với ý thức ngày càng tăng rằng Châu Âu phải hành động một mình, ít nhất là vào lúc này, khi hàng tỷ đô la viện trợ của Mỹ cho Ukraine vẫn bị chặn tại Quốc hội Hoa Kỳ.

Ông Michel cảnh báo trong một bài xã luận đăng trên truyền thông châu Âu hôm 18/3: “Nếu chúng ta không có được phản hồi đúng đắn của EU và không hỗ trợ đủ cho Ukraine để ngăn chặn Nga, thì sau Ukraine sẽ là chúng ta”. Ông nói thêm: “Nếu chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải chuẩn bị cho chiến tranh”.

Bà Kristi Raik, phó giám đốc Trung tâm chính sách Quốc phòng và An ninh của Estonia, nói với chương trình Newshour của BBC, phản ứng với bình luận của ông Michel: “Tôi nghĩ rằng cuối cùng chúng ta cũng thấy rằng EU đang trở nên nghiêm túc hơn trong vấn đề quốc phòng”.

Bà nói thêm: “Có nguy cơ thực sự là Ukraine có thể bị đánh bại trong cuộc chiến này”. “Và tất cả chúng ta ở châu Âu đều đồng ý rằng điều này có nghĩa là mối đe dọa chiến tranh đang đến với chúng ta thực sự là một điều gì đó có thật - và chúng ta cần chuẩn bị cho điều đó cũng như ngăn chặn điều đó xảy ra.”

Lời cảnh tỉnh đang được đáp lại bằng một loạt đề nghị. Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét đề nghị của ông Michel về việc sử dụng hàng tỷ đô la lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để mua thêm vũ khí cho Ukraine. Biện pháp này, được nhiều ngoại trưởng tán thành trong tuần, sẽ cần có sự đồng thuận nhất trí để được thông qua.

Hơn chục thành viên EU cũng đã ký một lá thư kêu gọi Ngân hàng Đầu tư Châu Âu thay đổi chính sách đầu tư quốc phòng, cho phép các mặt hàng như đạn dược và vũ khí. Đầu tuần này, Brussels đã phê duyệt thêm 5,4 tỷ đô la để hỗ trợ quân đội Ukraine. Và hơn chục quốc gia châu Âu đã ký tên chấp thuận sáng kiến của Czech để mua đạn pháo cho Ukraine bên ngoài khối EU, như một giải pháp thay thế cho nền sản xuất đang tụt hậu của khối.

Nhà phân tích Raik nói: “Châu Âu đang thức tỉnh”.

Không thể yếu đuối

Những lời kêu gọi tăng cường mạnh mẽ khả năng sẵn sàng phòng thủ của châu Âu từ lâu đã vang lên từ Estonia, quê nhà của bà Raik, và các quốc gia thành viên EU khác gần Nga cũng như có những ký ức cay đắng về đế chế Xô Viết. Giờ đây, chúng ngày càng được lặp lại bởi các nước phương Tây.

Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người từng cảnh báo chớ nên hạ nhục Tổng thống Nga Vladimir Putin - đã gây bất ngờ và ‘đổi giọng’ khi gợi ý EU có thể gửi lực lượng phương Tây tới Ukraine. Ông kiên quyết với đề nghị đó vào tuần trước, đồng thời lưu ý rằng việc này hiện chưa được đưa lên bàn thảo luận.

Ông Macron nói với đài truyền hình Pháp rằng cuộc chiến ở Ukraine “có ý nghĩa sống còn đối với châu Âu và nước Pháp của chúng ta”, đồng thời cảnh báo rằng một chiến thắng của Moscow sẽ có nghĩa là “chúng ta không có an ninh”. Để có hòa bình ở Ukraine, ông nói thêm, “chúng ta không được yếu đuối”.

Nhà phân tích được nhiều người kính trọng của Pháp, Francois Heisbourg, cho biết sự thay đổi trong lập trường của ông Macron đã bắt đầu từ nhiều tháng trước, được hình thành bởi một số yếu tố. Trong số đó: phi đạn hành trình của Anh và Pháp, được cho là đã cung cấp cho Kyiv, đã giúp phá vỡ sự phong tỏa của Nga đối với các cảng Biển Đen của Ukraine - ông tin rằng đây là chiến thắng lớn duy nhất của Kyiv trong năm ngoái.

Ông Heisbourg cũng ủng hộ sự mâu thuẫn trong tư tưởng của ông Macron trong việc không loại trừ chuyện châu Âu gởi binh sĩ đến Ukraine.

Ông nói về người châu Âu: “Chúng ta phải ngừng nói với người Nga rằng chúng tôi sẽ không làm điều này, chúng tôi sẽ không làm điều kia”. “Đó là điều không khôn ngoan về mặt chiến lược. Trong chiến lược chớ cho không cái gì.”

Dù Đức có lập trường thận trọng hơn nhưng nước này vẫn là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, sau Mỹ. Hôm 19/3, Berlin đã công bố hỗ trợ thêm 542 triệu đô la cho Ukraine, bao gồm đạn pháo, xe bọc thép và các loại xe khác - mặc dù nước này vẫn ngần ngại cung cấp phi đạn Taurus vốn được yêu cầu từ lâu.

Hai nước nặng ký của châu Âu, cùng với nhiều thành viên NATO khác của EU, cũng đã cam kết đáp ứng mục tiêu chi tiêu của liên minh là 2% GDP trong năm nay. Đây là điều lần đầu tiên được thực hiện đối với một số nước.

Ông Heisbourg tin rằng châu Âu phải tăng cường chi tiêu chung lên 3% GDP vào năm 2030 để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược tiềm tàng của Nga vào một quốc gia thành viên EU - và cho một mối quan hệ “giao hảo” hơn với Washington, bất kể ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được ấn định vào ngày 5 tháng 11 năm nay.

Ông Heisbourg nói, sau ba thập niên “rút lui khỏi Chiến tranh Lạnh”, châu Âu giờ đây phải đối mặt với “một thế giới đối đầu quân sự giữa các cường quốc”, bao gồm cả ở châu Á và Trung Đông. “Và chúng ta đơn giản là chưa chuẩn bị cho loại chiến tranh đó.”


**************

Các chế tài có làm tình hình tồi tệ hơn cho người dân Triều Tiên?

VOA News

Các chế tài quốc tế đã góp phần làm tình hình nhân quyền ở Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn, theo tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, trong khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cơ quan ủng hộ các chế tài Triều Tiên, cho rằng chính chế độ Triều Tiên phải chịu trách nhiệm chính.

Human Rights Watch cho biết các chế tài của Liên hiệp quốc áp đặt lên Triều Tiên vào năm 2016 và 2017 đã “làm gián đoạn hoạt động thương mại xuyên biên giới nói chung” với Trung Quốc và làm giảm khả năng người dân tiến hành các hoạt động thị trường phi chính thức để duy trì sinh kế của họ. Các thị trường gần như tư nhân được chính phủ chấp thuận đã hoạt động ở Triều Tiên từ cuối những năm 1990.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết trong một phúc trình được công bố vào ngày 7 tháng 3 rằng các hạn chế hà khắc liên quan đến COVID-19 của đất nước được ban hành vào đầu năm 2020 đã khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

Phúc trình nhan đề “Cảm giác khủng bố mạnh hơn viên đạn” nói Mỹ nên “thực hiện các bước tích cực để chống lại các chế tài ‘tuân thủ quá mức’ của các định chế tài chính và các chủ thể khác, vốn [đang] ngăn chặn các giao dịch và hoạt động nhân đạo chính đáng không phải chịu chế tài.”

Đáp lại, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phải chịu trách nhiệm cuối cùng về sự đau khổ của người dân, vì họ đang chọn chuyển hướng các nguồn lực khan hiếm từ nhu cầu nhân đạo và kinh tế sang WMD [vũ khí hủy diệt hàng loạt] và chương trình phi đạn đạn đạo bất hợp pháp của mình.”

Phát ngôn viên này nói thêm trong một email gửi VOA hôm 13 tháng 3: “Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực quốc tế nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo quan trọng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Chúng tôi hy vọng rằng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ sớm mở cửa biên giới cho các nhân viên nhân đạo quốc tế, những người mà những nỗ lực viện trợ của họ đã bị cản trở bởi việc đóng cửa biên giới của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.”

VOA đã liên hệ với phái đoàn Triều Tiên tại Liên hiệp quốc để xin phản hồi về phúc trình của HRW và bình luận của Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng không nhận được phản hồi.

Triều Tiên đã không cho phép các nhân viên cứu trợ quốc tế vào nước này kể từ khi họ rời đi hơn ba năm trước khi chế độ triển khai các biện pháp chống đại dịch. Nhưng đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã cho phép một số nước ngoài thiết lập lại sự hiện diện ngoại giao của họ trở lại.

Lịch sử vi phạm nhân quyền

Theo Liên hiệp quốc, Triều Tiên có thành tích lâu dài về việc vi phạm một cách có hệ thống các quyền con người của người dân, bao gồm tra tấn, hành quyết mà không xét xử công bằng và giam giữ tùy tiện, bên cạnh việc tước bỏ quyền tự do ngôn luận, tôn giáo, báo chí và hội họp.

Người dân có được nhu cầu thiết yếu của mình, bao gồm cả thực phẩm, từ các khu chợ không chính thức được gọi là jangmadang. Những khu chợ này xuất hiện sau khi Liên Xô cũ sụp đổ và không còn viện trợ cho đất nước nữa. Chế độ xã hội chủ nghĩa của Triều Tiên sau đó đã cắt khẩu phần ăn, nền kinh tế sụp đổ và rơi vào nạn đói lớn.

Hầu hết hàng hóa mua bán ở chợ đều được đưa từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Phúc trình của HRW cho biết các chế tài mà Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua vào năm 2016 và 2017 đã làm giảm khả năng mua “thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm vốn đã bị hạn chế” của người dân từ các thị trường này.

Theo phúc trình, Bắc Kinh đã thực thi các chế tài vào thời điểm đó và thiết lập “các hạn chế biên giới mới” cản trở thương mại.

Ông Greg Scarlatoiu, giám đốc điều hành Ủy ban Nhân quyền ở Triều Tiên, hôm 15/3 viết trong email gửi cho đài VOA rằng: “Các chế tài Triều Tiên không nhắm vào người dân Triều Tiên”.

Ông nói các chế tài của Liên hiệp quốc được thông qua nhằm ngăn chặn Triều Tiên phát triển và phổ biến vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo, đồng thời trừng phạt giới tinh hoa Triều Tiên phụ trách các hoạt động đó bằng cách chấm dứt khả năng kiếm tiền mạnh từ nước ngoài qua việc xuất khẩu các mặt hàng bị cấm vận.

Các chế tài sâu rộng được thông qua vào năm 2016 và 2017 đã cấm Triều Tiên xuất khẩu hải sản, dệt may, nông sản và khoáng sản như than và sắt.

Các hạn chế được đưa ra nhằm đáp trả các vụ thử hạt nhân lần thứ năm và thứ sáu của Triều Tiên cũng như việc phóng phi đạn đạn đạo, bao gồm phi đạn đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 và -15 (ICBM).

Ông Scarlatoiu nói có thể có “tác dụng phụ tiêu cực ngoài ý muốn của các chế tài có thể ảnh hưởng đến an ninh con người của dân chúng Triều Tiên”, nhưng “không thể” đưa ra kết luận đó nếu không thực hiện “sứ mệnh tìm hiểu thực tế trong nước”.

Phúc trình dựa trên các cuộc phỏng vấn, hình ảnh

Phúc trình của HRW cho biết những phát hiện của họ dựa trên các cuộc phỏng vấn với các cựu thương nhân Triều Tiên, những người đào tị có người thân còn ở trong nước, các cựu quan chức chính phủ Triều Tiên, các nhà báo và nhà hoạt động có các mối liên lạc ở Triều Tiên và ở Trung Quốc.

Phúc trình nói họ cũng đưa ra đánh giá dựa trên hình ảnh vệ tinh về biên giới phía bắc của Triều Tiên, được củng cố nghiêm ngặt kể từ đầu năm 2020.

Ông Marcus Noland, phó chủ tịch điều hành và giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson nói với VOA hôm 15/3 qua email rằng các chế tài không phải là vấn đề chính đối với nền kinh tế Triều Tiên.

Ông nói: “Việc chính phủ tự cô lập để đối phó với đại dịch đã củng cố đáng kể những vấn đề cơ bản.”

Đồng thời, các chế tài ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế kinh tế của người dân Triều Tiên vì một số định chế tài chính “không muốn” thực hiện các giao dịch tương đối nhỏ vốn có thể khiến họ gặp rủi ro pháp lý, ông Noland, người viết nhiều về nền kinh tế Triều Tiên, cho biết thêm.


************

Tin tức thế giới 21-3: Ukraine sắp nhận hàng chục F-16; Mỹ tài trợ cho hãng Intel để làm chip

NGỌC ĐỨC

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi khôi phục

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi khôi phục "thế giới pháp trị" bằng cách cùng chống lại Nga - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine kêu gọi khôi phục "thế giới pháp trị"

Theo Hãng tin Reuters, ngày 20-3 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thúc giục lãnh đạo các nước đưa trật tự thế giới vận hành dựa theo luật pháp "hoạt động trở lại" bằng cách đứng lên chống lại Nga.

Phát biểu trên được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ năm 2024 tổ chức tại Hàn Quốc. Trong bài phát biểu qua video tại hội nghị, ông Zelensky khẳng định nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới sẽ hưởng lợi từ việc phục hồi quy định luật pháp quốc tế.

"Cùng nhau, chúng ta có thể biến thế lực tách rời các quy định quay lại với chúng ta, và giúp các quy định có hiệu quả trở lại", ông Zelensky tuyên bố.

Tổng thống Ukraine không quên nhắc nhở Quốc hội Mỹ cần tham gia cùng thế giới với tư cách "đồng tác giả cho sự đáng tin cậy vững chắc" bằng cách thông qua đề xuất ngân sách viện trợ cho Kiev.

Hà Lan viện trợ đạn máy bay F-16, drone cho Ukraine

Phát biểu tại Kiev ngày 20-3 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết nước này sẽ chi 350 triệu USD để viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Trong đó, 150 triệu USD được dành cho việc cung cấp tên lửa dẫn đường không đối đất có thể lắp trên số tiêm kích F-16 mà Ukraine sắp nhận. 200 triệu USD còn lại dùng để mua máy bay không người lái (drone) tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).

Tính đến nay, Hà Lan đã cam kết viện trợ 2 tỉ euro (2,18 tỉ USD) cho Ukraine trong năm 2024. Phần lớn sẽ được dùng cho đạn dược và drone, hai mặt hàng Kiev đang rất cần để có thể đảo ngược cục diện chiến trường.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan cũng cập nhật tình hình viện trợ tiêm kích F-16 cho Ukraine: "Tôi rất tự tin rằng chúng tôi sẽ bàn giao lô F-16 cho Ukraine trong mùa hè này. Lô F-16 của Đan Mạch sẽ đến trước, và chúng tôi cũng đã lên lịch bàn giao. Như vậy, trong nửa sau năm 2024, máy bay F-16 từ Hà Lan sẽ lên đường (sang Ukraine)".

Hà Lan, Đan Mạch và Mỹ được kỳ vọng sẽ gửi hàng chục tiêm kích F-16 cho Ukraine vào giữa năm nay, đáp ứng lời kêu gọi tài trợ loại máy bay chiến đấu này của giới lãnh đạo Kiev nhằm chiến đấu sòng phẳng hơn với Nga trên không.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại nhà máy Intel tại bang Arizona ngày 20-3 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại nhà máy Intel tại bang Arizona ngày 20-3 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ công bố 20 tỉ USD hỗ trợ kinh tế cho hãng Intel

Ngày 20-3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói hỗ trợ kinh tế khổng lồ cho Tập đoàn Intel nhằm kích thích sự tăng trưởng của nền công nghiệp chip bán dẫn nội địa Mỹ.

Cụ thể, Chính phủ Mỹ sẽ tài trợ cho Intel 8,5 tỉ USD và cho chi nhánh Intel ở bang Arizona vay lên đến 11 tỉ USD. Tập đoàn bán dẫn này dự kiến sẽ xây mới hai nhà máy và hiện đại hóa một nhà máy đang hoạt động tại bang này.

"Sau 40 năm, chúng ta sẽ đưa việc sản xuất chất bán dẫn hiện đại quay lại Việt Nam. Nếu chúng ta đầu tư vào chúng ở Mỹ, chúng phải được sản xuất tại Mỹ. Khoản đầu tư này sẽ biến đổi đất nước theo cái cách mà bạn không thể hiểu được", ông Biden tuyên bố.

Chính quyền do ông Biden lãnh đạo dành sự quan tâm lớn với nền công nghiệp bán dẫn. Lo ngại trước tình hình eo biển Đài Loan, hồi năm 2022 ông Biden đã ký thông qua Đạo luật chip và khoa học nhằm kích thích sự phát triển của nền công nghiệp bán dẫn trong nước.

Bằng cách đầu tư lên đến hơn 50 tỉ USD vào lĩnh vực này, Washington mong sẽ cắt giảm được sự phụ thuộc vào chất bán dẫn do Đài Loan sản xuất trong tương lai.

Mỹ di tản công dân khỏi Haiti bằng trực thăng

Ngày 20-3, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chuyến trực thăng đầu tiên chở các công dân Mỹ rời khỏi thủ đô Port-au-Prince của Haiti đã được tiến hành. Chuyến bay này di tản thành công hơn 15 người từ Haiti đến thủ đô Santo Domingo của Cộng hòa Dominica.

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết trung bình mỗi ngày, hơn 30 công dân nước này sẽ được di tản ra khỏi Haiti bằng đường trực thăng.

Đây là động thái bảo hộ công dân của Washington trong bối cảnh thủ đô của Haiti vẫn chìm trong bạo lực băng đảng.

Hầu hết thành phố này đã bị các băng nhóm được vũ trang đầy đủ kiểm soát, và các tổ chức hoạt động vì quyền con người bắt đầu ghi nhận các trường hợp giết người, bắt cóc và xâm hại tình dục hàng loạt.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết đến nay, số công dân Mỹ điền đơn trực tuyến yêu cầu được đưa khỏi Haiti đã lên đến gần 1.600 người.

Ứng viên tổng thống Indonesia vừa đắc cử Prabowo Subianto phát biểu ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố ngày 20-3 - Ảnh: REUTERS

Ứng viên tổng thống Indonesia vừa đắc cử Prabowo Subianto phát biểu ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố ngày 20-3 - Ảnh: REUTERS

Indonesia công bố kết quả chính thức bầu cử tổng thống

Ngày 20-3, cơ quan bầu cử Indonesia công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống vừa diễn ra hồi giữa tháng 2 tại nước này. Theo đó, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto giành chiến thắng vang dội với tỉ lệ ủng hộ lên đến 60%.

Phát biểu ngay sau khi kết quả được công bố, ông Prabowo tuyên bố sẽ trở thành vị tổng thống của toàn thể người dân nước này. Ông gửi lời cảm ơn các cử tri và các tình nguyện viên đã có mặt tại nơi ở của mình ở phía nam thủ đô Jakarta, đồng thời khẳng định cuộc bầu cử đã diễn ra thuận lợi.

"Chúng tôi mời toàn thể người dân Indonesia hướng về phía trước với tinh thần đoàn kết vì các thử thách của chúng ta rất lớn", ông Prabowo tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm xóa bỏ đói nghèo và bất công.

Bên cạnh đó, ông cũng gửi lời cảm ơn đến Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo. Chính nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của ông Widodo mà ông Prabowo đã có thể dễ dàng đắc cử tổng thống.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Prabowo giới thiệu bản thân với các cử tri và nhà đầu tư là "ứng viên tiếp nối" những di sản của ông Widodo. Ngày 20-3, ông Prabowo một lần nữa khẳng định sẽ xem các chính sách kinh tế tiến bộ của ông Widodo là chỉ dẫn cho bản thân.

"Chúng tôi sẽ dùng nền móng vững chắc đã được ông Widodo xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, để có thể làm việc nhanh hơn, chăm chỉ hơn, nhằm mang lại kết quả cho người dân Indonesia càng nhanh càng tốt", ứng viên tổng thống vừa đắc cử khẳng định.

Khi mặt trời đứng lại

Đây là tên dự án nghệ thuật của nghệ sĩ Alain Roche, người đang chơi piano. Ông Roche chơi nhạc trong tư thế treo ngược cùng cây đàn trên một cần trục cao 10m ở Munich, Đức. Khán giả sẽ đeo tai nghe thưởng thức bản nhạc hòa cùng âm thanh của thiên nhiên được thu từ 40 chiếc microphone ở Bavaria và Thụy Sĩ lúc mặt trời mọc - Ảnh:EPA

Đây là tên dự án nghệ thuật của nghệ sĩ Alain Roche, người đang chơi piano. Ông Roche chơi nhạc trong tư thế treo ngược cùng cây đàn trên một cần trục cao 10m ở Munich, Đức. Khán giả sẽ đeo tai nghe thưởng thức bản nhạc hòa cùng âm thanh của thiên nhiên được thu từ 40 chiếc microphone ở Bavaria và Thụy Sĩ lúc mặt trời mọc - Ảnh:EPA

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn