Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 03-02 -2024:

Thứ Bảy, 03 Tháng Hai 20245:09 SA(Xem: 1706)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 03-02 -2024:
HoaLucU
***********
rfi.fr

Mỹ tấn công các cơ sở của Iran tại Syria và Irak để trả đũa

Thanh Hà

HOA KỲ - TRUNG ĐÔNG

Trong đêm qua, 02/02/2024, Hoa Kỳ đã mở chiến dịch oanh kích nhắm vào 85 mục tiêu trên lãnh thổ Irak và Syria. Đó là những cơ sở của Iran hoặc các nhóm vũ trang thân Iran. Theo thông cáo của Nhà Trắng, hành động này là nhằm « trả đũa » vụ ba quân nhân Mỹ bị thiệt mạng hồi tuần trước Mỹ mà Washington đã quy trách nhiệm cho các nhóm vũ trang được Iran yểm trợ.

Đăng ngày:

2 phút

US military vehicle is seen on a patrol in the countryside near the town of Qamishli, Syria, Sunday, Dec. 4, 2022. (AP
Lính Mỹ đi tuần tra tại vùng Qamishli, Syria, ngày 04/12/2022. AP - Baderkhan Ahmad

Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết đã huy động « nhiều chiến đấu cơ, trong đó có cả máy bay ném bom ». 85 mục tiêu nhắm đến tập trung tại 7 địa điểm : 3 trên lãnh thổ Irak và 4 tại Syria. Chiến dịch hôm qua đã chủ yếu nhắm vào « nhiều trung tâm chỉ huy và tình báo, kho cất giữ drone và tên lửa » nhằm hủy diệt những « phương tiện tấn công đe dọa các quyền lợi của quân đội Hoa Kỳ và liên quân quốc tế ».

Theo các nguồn tin quân sự được AFP trích dẫn, Mỹ đã nhắm vào sào huyệt của các nhóm vũ trang thân Iran tại miền tây Irak và gần sát với Syria. Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria sáng nay ghi nhận có ít nhất 18 chiến binh thân Iran tử vong. Chính quyền Damas thẩm định « nhiều người chết, bị thương và thiệt hại vật chất nghiêm trọng ». Về phía chính quyền Bagdad, phát ngôn viên của thủ thủ tướng Irak vừa lên án một hành vi « xâm phạm chủ quyền » của Irak, vừa lo ngại trước những « hệ quả tai hại đối với an ninh nước này và khu vực »

Thông tín viên RFI từ Bagdad, Marie Charlotte Roupie cho biết cụ thể hơn về vị trí những địa điểm đã bị Hoa Kỳ oanh kích trong đêm :

« Trong khoảng 30 phút, 85 mục tiêu bị tấn công trên lãnh thổ Irak và ở Syria. Đây mới chỉ là điểm khởi đầu, như lãnh đạo Lầu Năm Góc đã ghi nhận. Tại miền đông Syria, 4 căn cứ bị nhắm tới. Theo phía Hoa Kỳ thì tất cả đều thuộc nhóm thân cận với Al Qods lực lượng trực thuộc tổ chức Vệ Binh Cách Mạng Iran. Tại Deir Ez Zor nhiều người thiệt mạng trong đợt oanh kích lần này.

Còn tại Irak, một nhà kho chứa tên lửa ở Al Qaim, thành phố sát với biên giới Syria đã phá hủy và gây ra một vụ nổ lớn. Trước mắt các giới chức Irak chưa thể tổng kết về những thiết hại đêm qua. Chỉ biết là có nhiều người tử vong. Phía Hoa Kỳ khẳng định là đã thông báo với chính quyền Bagdad là sẽ hành động sau vụ ba quân nhân tử thương hồi tuần trước. Tổng thống Biden xác nhận là sẽ tiếp tục các đòn trả đũa và Washington sẽ quyết định về thời điểm cũng như là các mục tiêu sẽ nhắm tới. Bagdad thì đã nhanh chóng lên án các vụ ném bóm vừa và coi đây là một sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Irak ». 


************
voatiengviet.com

Hơn 30 nghị sĩ Mỹ phản đối việc xét công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam

VOA Tiếng Việt

Hai nhóm nghị sĩ Mỹ với hơn 30 người vừa kêu gọi chính quyền Biden không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, giữa lúc giới chức Hà Nội cố gắng vận động Washington để sớm chấm dứt cảnh nhiều thập niên nay Việt Nam bị liệt vào hạng kinh tế phi thị trường.

Các yêu cầu của các nghị sĩ được gửi đến Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo trong bối cảnh bộ này đang xem xét lại quy chế cho Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 7 tới.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đại diện bang Massachusettes, người đứng đầu một lá thư có chữ ký của 8 thượng nghị sĩ, nêu quan điểm trong một thông cáo hôm 29/1: “Việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam mà các tiêu chuẩn lao động chưa được cải thiện, bao gồm cả việc bật đèn xanh cho hàng hóa có sử dụng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”.

Các thượng nghị sĩ nhấn mạnh việc sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức ở Việt Nam cũng như mối quan hệ thương mại ngày càng tăng của nước này với Trung Quốc, đồng thời lập luận rằng việc trao quy chế nền kinh tế thị trường sẽ làm trầm trọng thêm những sự méo mó thương mại đang diễn ra và đe dọa người lao động và các ngành công nghiệp Mỹ, theo bức thư đề ngày 28/1.

Bà Warren nói thêm: “Bộ trưởng Raimondo nên lắng nghe mối quan ngại của người lao động Mỹ, không gây nguy hiểm cho an ninh việc làm của họ bằng chính sách thương mại tồi tệ”.

Tương tự, 25 dân biểu cũng gửi thư chung đến Bộ trưởng Raimondo, lập luận rằng Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục để thay đổi tình trạng.

“Chính phủ của chúng ta đã hoàn thành nghiên cứu sâu rộng để xác định rõ vai trò của Việt Nam như là một kênh chuyển tiếp hàng hóa Trung Quốc được buôn bán không công bằng nhằm tránh né luật thương mại đã có từ lâu. Chúng tôi phải đảm bảo luật thương mại của chúng ta không bị xâm phạm”, một thông cáo dẫn lại lời của Dân biểu Rose DeLauro, đại diện bang Connecticut.

Thư của 25 dân biểu gửi Bộ Thương mại yêu cầu không cấp quy chế kinh tế cho Việt Nam.

Thư của 25 dân biểu gửi Bộ Thương mại yêu cầu không cấp quy chế kinh tế cho Việt Nam.

Các nghị sĩ cảnh báo một “quyết định vội vàng … sẽ làm suy yếu việc thực thi luật thương mại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, chỉ càng khuếch trương và tạo lợi thế cho Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam mà thôi”, và làm tổn thương các ngành công nghiệp Mỹ cũng như người lao động của họ”.

Các nghị sĩ cũng nhắc lại việc Bộ Tài chính Mỹ gửi tờ trình tới Quốc hội lưu ý rằng chưa có đối tác thương mại lớn nào thao túng tiền tệ của Mỹ, nhưng đã đưa Việt Nam trở lại “danh sách giám sát” về chính sách ngoại hối. Bộ Thương mại Mỹ công bố vào tháng 10/2023 rằng họ sẽ xem xét tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam, quá trình sẽ hoàn tất trong 270 ngày.

Các dân biểu lập luận rằng có bằng chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam vẫn là một quốc gia chuyên chế với sự kiểm soát của nhà nước đối với các khía cạnh quan trọng của nền kinh tế. “Bộ Thương mại phải bảo vệ tính hiệu quả của luật thương mại quốc gia bằng cách duy trì tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam”, bức thư viết.

“Bất kỳ quyết định quá sớm nào cho chuyển đổi sang trạng thái nền kinh tế thị trường sẽ làm trầm trọng thêm những sự méo mó thương mại kinh tế hiện có, làm suy yếu các biện pháp phòng vệ thương mại đối với người lao động và các ngành công nghiệp Hoa Kỳ, làm xói mòn cơ sở sản xuất của Hoa Kỳ”, vẫn bức thư của các dân biểu.

VOA đã liên lạc Bộ Thương mại Mỹ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho ý kiến về hai bức thư của các nghị sĩ Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.

Gần đây, các lãnh đạo Việt Nam thường xuyên vận động giới chức Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Vào tháng giữa 11/2023, khi phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở San Francisco, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng kêu gọi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế trường. Ông Thưởng nói rằng việc này cần được thực hiện “bằng quyết sách chính trị” chứ “không nên theo quy định một cách cứng nhắc”.

Trước đó, vào tháng 9/2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đưa ra đề nghị tương tự trong cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Rainmondo và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tại thủ đô Washington của Mỹ.

Phản hồi yêu cầu bình luận của VOA vào tháng 11/2023, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ “sẽ xem xét tình trạng của Việt Nam một cách nhanh chóng nhất có thể, phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ”.

Sáu tiêu chí

Trong hai bức thư, các nghị sĩ Mỹ liệt kê 6 tiêu chí dưới đây và cho rằng Việt Nam chưa đáp ứng được bất kỳ tiêu chí nào trong nhóm này.

Tiêu chí số 1: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền quốc gia sang đồng tiền nước khác. Hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục hoạt động dưới sự giám sát của Chính phủ và không hoạt động độc lập. Trong khi đó, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách giám sát của Bộ Tài chính về thao túng tiền tệ.

Tiêu chí số 2: Mức độ mà mức lương ở nước ngoài được xác định thông qua thương lượng tự do giữa người lao động và cấp quản lý. Vào năm 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận thấy Việt Nam áp dụng “những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do lập hội của người lao động” và lưu ý việc nước này “sử dụng lao động trẻ em bị ép buộc”.

Tiêu chí số 3: Mức độ mà các công ty nước ngoài được phép liên doanh hoặc đầu tư. Nền kinh tế Việt Nam chịu sự kiểm soát của nhà nước, gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi kinh doanh tại đây.

Tiêu chí số 4: Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với tư liệu sản xuất. Việt Nam vẫn là một nước cộng sản với nền kinh tế tập trung, nhà nước. Mặc dù đã có một số cải cách trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng các tiêu chí để trở thành một nền kinh tế phi thị trường, vì các doanh nghiệp nhà nước “đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam”.

Tiêu chí số 5: Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng của doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước của mình hơn các đơn vị khác, và điều đó bao gồm việc sử dụng các biện pháp kiểm soát giá, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chủ chốt như “xăng dầu, thép, bê tông, vận tải, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm và thiết bị y tế”.

Tiêu chí số 6: Các yếu tố khác, chẳng hạn như việc Trung Quốc sử dụng Việt Nam để tránh các nỗ lực siết các biện pháp thương mại và thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ: Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào từ Trung Quốc, khiến Việt Nam dễ gặp rủi ro về vấn đề lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng. Việt Nam hiện đang bị áp đặt 25 lệnh chống bán phá giá và 4 vụ điều tra nữa đang chờ xử lý.

Nhận định

Từ Tp. Hồ Chí Minh, chuyên gia kinh tế Mỹ gốc Việt Bùi Kiến Thanh nêu nhận định của ông về yêu cầu của hai nhóm nghị sĩ Mỹ:

“Sáu điều khoản của các nghị sĩ nêu ra rất rõ ràng. Việt Nam phải cố gắng làm sao đáp ứng đầy đủ do pháp luật Mỹ quy định để được công nhận, chứ đi xin họ [công nhận] làm gì. Nếu mình chưa đủ điều kiện thì đừng đi xin xỏ”.

“Tôi thấy 6 điều kiện họ đưa ra là hợp lý. Nếu mình chưa hội đủ điều kiện thì mình đừng nên nói rằng là kinh tế thị trường. Các nhà quản lý của Việt Nam nên xem xét rõ những điều kiện mà các nghị sĩ Mỹ đưa ra để tự xét mình...nếu hội đủ các điều kiện đó thì họ công nhận mình thôi”.

Việt Nam bị Mỹ định danh là một nền kinh tế phi thị trường (NME) kể từ vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên đối với quốc gia Đông Nam Á vào năm 2002, khiến hàng hóa của Việt Nam bị Mỹ áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại khi bán sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ông Marc Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, hôm 2/2 cho hay tại một cuộc hội thảo do Đại sứ quán Mỹ tổ chức rằng Bộ Thương mại Mỹ đang tiếp tục quá trình xem xét quy chế kinh tế phi thị trường của Việt Nam và quy trình này bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái, bao gồm việc lấy ý kiến đóng góp công khai.

“Chúng tôi, chính phủ Mỹ, cam kết thực hiện một quy trình công bằng và minh bạch, phù hợp với các quy tắc quốc tế”, ông nhấn mạnh, đồng thời cho biết rằng Mỹ mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam, làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.


************
voatiengviet.com

Mỹ thu giữ hơn 500 ngàn thùng dầu buôn bán bất hợp pháp của Iran

AP

Bộ Tư pháp Mỹ hôm 2/2 thông báo đang thu giữ hơn 500.000 thùng dầu Iran bị quốc tế trừng phạt mà các quan chức cho biết đã được buôn lậu bất hợp pháp để tài trợ cho lực lượng bán quân sự của Iran.

Ngoài ra, các công tố viên còn công bố cáo buộc hình sự liên quan đến việc bán dầu thô cho người mua ở Trung Quốc, Nga và Syria.

Diễn tiến này xảy ra vào thời điểm căng thẳng vẫn âm ỉ giữa Mỹ và Iran. Hành động của Mỹ là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm phá vỡ nguồn tài trợ cho Lực lượng Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng bán quân sự, một đơn vị viễn chinh được cho là đang làm việc ở nước ngoài tại các quốc gia như Iraq, Li Băng, Syria và Yemen hỗ trợ lực lượng dân quân đồng minh của Iran

Giám đốc FBI Christopher Wray nói trong một tuyên bố: “Iran là mối đe dọa thường trực đối với Hoa Kỳ – cố gắng sát hại người Mỹ ngay trong biên giới của chúng ta, tiến hành một cuộc tấn công mạng vào một bệnh viện nhi, hỗ trợ những kẻ khủng bố trên khắp thế giới, và hơn thế nữa.” “Tất cả tội ác của Iran đều phải trả giá. Và FBI sẽ vẫn cam kết thực thi các chế tài của Hoa Kỳ nhằm khiến tiền không chảy vào kho bạc của họ.”

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland nói trong một tuyên bố rằng “Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục sử dụng mọi thẩm quyền mà chúng tôi có để cắt đứt nguồn tài chính bất hợp pháp và tạo điều kiện cho các hoạt động độc hại của Iran, điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong những tháng gần đây”.

Một vụ án hình sự, được đệ trình ở New York, buộc tội bảy người - bao gồm nhiều nhân viên của một tập đoàn năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ và một lãnh đạo trong Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo - về việc sử dụng các công ty bình phong, tài liệu giả , chỉnh sửa vị trí cũng như dữ liệu vận chuyển để bán cho người mua có liên kết với chính phủ ở Trung Quốc, Nga và Syria.

Các tội danh bao gồm các tội liên quan đến khủng bố, trốn tránh chế tài, gian lận và rửa tiền.

Một vụ án hình sự riêng biệt được đệ trình lên tòa án liên bang ở Washington, D.C., buộc tội một phụ nữ Trung Quốc và một người đàn ông Oman cáo buộc họ liên quan đến việc bán dầu Iran cho các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc.

Đây là những vụ án lớn mới nhất liên quan đến Iran được Bộ Tư pháp tiết lộ trong tuần này. Hôm 29/1, các công tố viên đã công bố cáo buộc chống lại một công dân Iran bị tố cáo thông đồng cùng hai người Canada trong một âm mưu giết người thuê trên đất Mỹ.

Hơn 500.000 thùng dầu mà Mỹ sắp thu giữ có giá trị hơn 25 triệu đô la trên tàu chở dầu Abyss.

Hãng tin AP vào tháng 3 năm 2023 đã phân tích các bức ảnh vệ tinh và dữ liệu theo dõi hàng hải để xác định vị trí của Abyss ở một eo biển hàng hải quan trọng của Châu Á bên cạnh tàu chở dầu thô Oceania để có thể chuyển từ tàu này sang tàu khác.

Hoa Kỳ cũng cho biết đã tịch thu 108 triệu đô la được sử dụng trong kế hoạch này.


***********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

4 phút

(Reuters) – Hà Nội hủy nhiều chuyến bay do sương mù và ô nhiễm. Một quan chức sân bay quốc tế Nội Bài, xin ẩn danh, hôm nay, 02/02/2024, cho biết gần 100 chuyến bay đến và đi từ Nội Bài đều bị hoãn hay phải chuyển hướng sang các thành phố khác. Theo Air Visual, một cơ quan độc lập chuyên giám sát chỉ số chất lượng không khí, hàm lượng các hạt bụi nhỏ độc hại ở mức cực cao là 257 microgram trên một mét khối không khí vào sáng hôm nay. 

(AFP) – Khoảng 130 người Miến Điện, phần lớn thuộc sắc tộc Rohynga, chạy trốn khỏi một trại tị nạn ở Malaysia. Cảnh sát Miến Điện cho biết như trên vào hôm nay, 02/02/2024. Những người này đã trốn khỏi trại tiếp nhận dân nhập cư sau một vụ ẩu đả tại Bidor, bang Perak, miền bắc Malaysia. Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn tới vụ xô xát nói trên.

(AFP) – Hoa Kỳ thông qua hợp đồng 4 tỷ xuất khẩu drone và thiết bị quân sự cho Ấn Độ. Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm 01/02/2023 giải thích quyết định này nhằm giúp New Delhi tăng cường bảo vệ lợi ích trên biển và công tác tuần tra. Hợp đồng bao gồm việc cung cấp 31 drone Sky Guardian, 170 tên lửa Hellfire cùng nhiều thiết bị quân sự khác. 

(AFP) – Hai nhà hoạt động nhân đạo Pháp thiệt mạng trong một vụ Nga oanh kích Ukraina. Tổng thống Emmanuel Macron ngày 02/02/2023 tố cáo hành động « hèn nhát và đáng khinh bỉ » nhắm vào thường dân và các nhà hoạt động nhân đạo. Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao, hai công dân Pháp đã tử vong, 3 người bị thương trong một vụ tấn công của quân đội Nga hôm 01/02/2024 vào thành phố Breyslav, miền nam Ukraina. Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné cho rằng Nga sẽ phải « trả lời về tội ác họ gây nên ».

(Reuters) – Học sinh Nga sẽ được học công nghệ drone quân sự. Thứ trưởng Giáo Dục Nga, bà Tatiana Vasilieva, hôm nay, 02/02/2024, cho biết học sinh Nga sẽ được học về công nghệ drone lưỡng dụng, tức là sử dụng cho cả mục tiêu dân sự và quân sự, trong các giờ học lý thuyết và thực hành. Trước Nghị Viện, thứ trưởng Giáo Dục Nga nêu rõ các giờ học lý thuyết sẽ được dành học vẽ kỹ thuật, kỹ năng cần thiết để thiết kế trên bản vẽ thiết bị bay này.

(Reuters) – Armenia không thể trông cậy vào Nga về quốc phòng. Trên đài phát thanh nhà nước, thủ tướng Nikol Pachinian, đắc cử năm 2018, cho rằng trước đây 95-97% quan hệ quốc phòng là phụ thuộc vào Nga. Kể từ giờ, điều đó là không thể vì nhiều lý do khách quan và chủ quan (…). Ông nói: "Armenia phải hiểu rằng với ai chúng ta có thể thật sự duy trì các mối quan hệ quân sự - kỹ thuật và quốc phòng". Cũng theo thủ tướng Pachinian, Armenia phải tính đến bản chất các mối quan hệ mà nước này dự định thiết lập về mặt an ninh với Mỹ, Pháp, Ấn Độ và Gruzia. Ngoài ra, ông tỏ vẻ ngờ vực về việc Armenia tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh chung (OSTC), một liên minh quân sự do Nga đứng đầu. 

(AFP) – Thể hiện liên đới với Ukraina đang bị Nga xâm chiếm, Latvia thông qua luật cấm các vận động viên quốc gia thi đấu với các đội Nga và Belarus. Quyết định vừa được đưa ra hôm 01/02/2024. Điều khoản này được đưa ra biểu quyết và đã được 74 trên tổng số 100 dân biểu Quốc Hội Latvia ủng hộ. Như vậy là trong khuôn khổ Thế Vận Hội Paris, nếu các vận động viên Latvia gặp phải các đổi thủ Nga hay Belarus thì họ sẽ không được quyền thi đấu.

(Reuters) – Iran sẽ không khơi ngòi xung đột vũ trang. Tổng thống Iran Ebrahim Raissi hôm nay, 02/02/2024, tuyên bố Iran sẽ không khơi ngòi chiến tranh, nhưng sẽ « đáp trả mạnh mẽ » tất cả các hành động đe dọa. Phát biểu này được đưa ra một ngày sau khi Hoa Kỳ thông báo chuẩn bị đánh vào các vị trí của Iran tại Irak và Syria, nhằm trả đũa vụ ba lính Mỹ bị giết chết và hơn 40 binh sĩ khác bị thương trong một cuộc không kích vào căn cứ quân sự Mỹ ở Jordanie, được cho là do Iran thực hiện. Trước khả năng Mỹ tấn công, hôm qua, Vệ Binh Cách Mạng Iran đã rút nhiều sĩ quan ở Syria về nước.


**********

Bỉ triệu đại sứ Israel sau vụ đánh bom tòa nhà ở Gaza


Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib hôm 2/2/2024 cho biết nước này đã triệu tập đại sứ Israel sau khi tòa nhà của cơ quan phát triển Bỉ ở thành phố Gaza bị đánh bom.
Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib hôm 2/2/2024 cho biết nước này đã triệu tập đại sứ Israel sau khi tòa nhà của cơ quan phát triển Bỉ ở thành phố Gaza bị đánh bom.

Bỉ hôm thứ Sáu (2/2) triệu tập đại sứ Israel sau khi tòa nhà của cơ quan phát triển Bỉ ở thành phố Gaza bị đánh bom, Ngoại trưởng Hadja Lahbib cho biết.

“Các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự vi phạm các nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế. Tất cả các bên phải tuân thủ luật”, bà đăng trên nền tảng mạng xã hội X.

Bộ Hợp tác Phát triển Bỉ cho biết họ không được báo có bất kỳ thương vong dân sự nào, và tòa nhà thường không có người bên trong vào thời điểm xảy ra vụ đánh bom. Tòa nhà này cũng được Hội Tàn tật Quốc tế sử dụng chung.

Người phát ngôn của Bộ nói thêm rằng đại sứ Israel hứa sẽ mở một cuộc điều tra.

Không rõ tòa nhà bị đánh bom khi nào. Người phát ngôn cho biết Bỉ đã phát hiện ra sự việc vào tối thứ Năm và nghi ngờ nó đã xảy ra vào thứ Tư.

Bỉ là một trong những quốc gia kêu gọi ngừng bắn nhân đạo lâu dài ở Gaza và chỉ trích Israel về cách xử lý xung đột.


**************
voatiengviet.com

Nga lên án Ecuador vì trao khí tài quân sự của Nga cho Mỹ để hỗ trợ Ukraine

Reuters

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Sáu (2/2) lên án quyết định của Ecuador về việc bàn giao khí tài quân sự do Nga sản xuất cho Hoa Kỳ để sử dụng ở Ukraine là một hành vi vi phạm hợp đồng “liều lĩnh”, hãng tin RIA đưa tin.

Chính phủ Ecuador hồi tháng trước cho biết họ sẽ chấp nhận lời đề nghị từ Washington để trao đổi cái mà họ gọi là “sắt phế liệu của Ukraine và Nga” để lấy thiết bị tiên tiến của Mỹ trị giá 200 triệu USD.

Hoa Kỳ cho biết số vũ khí mà nước này nhận được từ Ecuador sẽ được gửi tới Ukraine để Ukraine sử dụng trên chiến trường chống lại Nga.

Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, nói với RIA rằng quyết định của Ecuador được đưa ra dưới áp lực từ các thế lực bên ngoài.

“Một quyết định liều lĩnh như vậy được phía Ecuador đưa ra dưới áp lực rất lớn từ các phía bên ngoài quan tâm”, bà nói.

“Các đối tác của chúng tôi hiểu rõ các điều khoản trong hợp đồng, trong đó bao gồm nghĩa vụ sử dụng thiết bị được cung cấp cho các mục đích đã nêu và không chuyển giao thiết bị cho bên thứ ba mà không có sự đồng ý của Nga”.

Các nhà chức trách Ecuador cho biết Moscow đã khuyến cáo không nên trao đổi khí tài nhưng họ tin rằng dù sao thì họ cũng có quyền thực hiện điều đó.


************
voatiengviet.com

Giới phân tích: Quan hệ quân sự Nga-Triều khiến Trung Quốc khó xử

VOA News

Trung Quốc, thất vọng trước sự hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên với Nga, có thể tìm cách giữ sao cho mối quan hệ đó không phá vỡ sự ổn định khu vực vì lợi ích của chính họ chứ không phải của Washington, theo các nhà phân tích.

Các chuyên gia lo ngại rằng Triều Tiên có thể có được công nghệ vũ khí từ Nga để đẩy nhanh các chương trình phát triển phi đạn và hạt nhân của Bình Nhưỡng nhằm tạo ra mối đe dọa lớn hơn trong khu vực.

Sự hiếu chiến ngày càng tăng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã làm trầm trọng thêm những lo ngại đó. Ông đã ra lệnh cho nước ông sẵn sàng chiếm đóng Hàn Quốc nếu chiến tranh nổ ra và hủy bỏ chính sách thống nhất.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Nga và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng như điều đó có thể có ý nghĩa gì đối với ý định của ông Kim”, một quan chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc cho biết trong cuộc gọi với các báo ngày 27/1 sau cuộc hội đàm giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Quan chức này nói: “Chúng tôi đã nêu những lo ngại đó trực tiếp với Trung Quốc, do ảnh hưởng của họ đối với Bình Nhưỡng”.

Ông Kim đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Nga vào tháng 9/2023, có lẽ là thảo luận về loại đạn dược mà Triều Tiên có thể cung cấp để hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine để đổi lấy sự trợ giúp kỹ thuật mà Bình Nhưỡng có thể nhận được từ Moscow để cải thiện vũ khí.

Ông Lưu Bằng Vũ, phát ngôn viên của Toà đại sứ Trung Quốc tại Washington, nói với VOA hôm 31/1 qua email rằng ông “không biết về sự hợp tác giữa Triều Tiên và Nga” và “không có gì để chia sẻ” về chủ đề này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói Trung Quốc có thể lo ngại rằng bất kỳ giao dịch vũ khí nào giữa ông Putin và ông Kim đều có thể khiến khu vực trở nên bất ổn hơn.

Ông Robert Manning, một thành viên cấp cao thuộc Trung tâm Stimson, nói: “Tôi nghi người Trung Quốc đang lo lắng rằng ông Putin là kẻ gây rối và không mấy quan tâm đến sự ổn định, đang tạo điều kiện cho chương trình phi đạn và hạt nhân của ông Kim, đồng thời khoan dung hơn với hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng”.

Ông Manning nói với VOA qua email: “Sự kết hợp giữa thái độ thù địch mạnh mẽ của ông Kim đối với Mỹ và Hàn Quốc cùng với sức ảnh hưởng giảm dần khiến [người Trung Quốc] lo ngại hơn về sự ổn định và chúng ta có thể thấy một số hợp tác khiêm tốn với Mỹ”.

Trung Quốc coi Triều Tiên là quốc gia đệm chống lại lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Bắc Kinh đang tìm cách duy trì nguyên trạng trong khu vực.

Ông Ken Gause, chuyên gia phân tích đối thủ cấp cao tại Trung tâm Phân tích Hải quân, cho biết Bắc Kinh lo ngại rằng nếu Bình Nhưỡng gia tăng các hành động khiêu khích bằng cách sử dụng vũ khí tiên tiến được cải tiến bằng công nghệ của Nga, họ có thể nhận được những phản ứng mạnh mẽ hơn từ Mỹ.

“Nếu người Nga thực sự có thể đẩy nhanh tiến độ” để Triều Tiên tăng cường khả năng phi đạn hạt nhân nhằm nhắm vào Mỹ và “đe doạ các thành phố của Mỹ bằng vũ khí của họ”, thì Mỹ sẽ cảm thấy cần phải “giải quyết tình hình”.

Ông Gause tiếp tục: “Nếu Triều Tiên về cơ bản kéo Mỹ đến gần khu vực hơn thì đó không phải là lợi ích của Trung Quốc”.

Trung Quốc đã coi gói biện pháp răn đe hạt nhân mà Washington và Seoul nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4/2023 là mối đe dọa.

Ông John Erath, giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát vũ khí và Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân, tin rằng Trung Quốc sẽ theo đuổi lợi ích riêng của mình với Triều Tiên, bất chấp bất kỳ thỏa thuận nào giữa Moscow và Bình Nhưỡng. Và một trong những lợi ích đó, ông nói với VOA, là “giữ cho Mỹ bận rộn và ít có khả năng can thiệp hơn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng Đài Loan”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với đảo độc lập Đài Loan và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ tái thống nhất đất nước trong bài phát biểu vào Đêm Giao thừa.

Ông Dennis Wilder, thành viên cấp cao của Sáng kiến Đối thoại Mỹ-Trung về Các vấn đề Toàn cầu tại Đại học Georgetown, nói: “Nếu Trung Quốc sử dụng đòn bẩy đối với Triều Tiên thì đó là vì mục đích riêng của họ chứ không phải vì Mỹ”.

Điều mà Bắc Kinh muốn tránh là "một cường quốc khác lợi dụng Triều Tiên và tạo ra vấn đề cho Trung Quốc ở Đông Bắc Á. Người Trung Quốc thích giữ nguyên trạng hơn bất cứ điều gì khác”, ông Wilder, người từng là giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia về Trung Quốc từ năm 2004-2005, nói tiếp.

Ông nói, điều mà Hoa Kỳ muốn ở Trung Quốc vào thời điểm này “có lẽ là thông tin. Tôi nghĩ Hoa Kỳ đang cố gắng đánh giá những gì đang diễn ra giữa Triều Tiên và Putin”.

Ông cho biết một phái đoàn Trung Quốc đến thăm Bình Nhưỡng trong tuần này có thể đã cố gắng tìm hiểu mối quan hệ của nước này với Nga.

​Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông đã gặp Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui vào ngày 26 tháng 1 tại Bình Nhưỡng, nơi hai bên đồng ý “tăng cường hợp tác chiến thuật và đồng hành với nhau để bảo vệ lợi ích cốt lõi chung”, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, vào ngày 30 tháng 1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc đã gặp nhau tại Moscow và thảo luận về một “giải pháp chính trị và ngoại giao” nhằm “giảm bớt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên” cùng nhiều vấn đề khác.


************

Tin tức thế giới 3-2: Mỹ nổ súng trả đũa ở Trung Đông; Ukraine khoe hệ thống phòng không mới

NHẬT ĐĂNG

* Triều Tiên xác nhận phóng thử tên lửa hành trình
* Mỹ không kích vào các mục tiêu ở Iraq và Syria
* Mỹ trừng phạt công ty ở Hong Kong vì liên quan vũ khí ở Iran

Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: REUTERS

Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: REUTERS

Ukraine khoe hệ thống phòng không mới

Ukraine đang gặp thách thức lớn trong mùa đông từ các đợt không kích dữ dội của Nga. Nhưng theo Tổng thống Zelensky, Kiev vừa có sự trợ giúp đặc biệt.

Phát biểu ngày 2-2, ông Zelensky thông báo Ukraine nhận được hai hệ thống phòng không mới, mô tả các hệ thống này có thể "bắn hạ bất cứ thứ gì".

Tổng thống Ukraine tiết lộ đã cùng tướng lĩnh cấp cao thảo luận về chiến tuyến dài 1.000km với Nga hiện nay, thừa nhận tình hình ở thị trấn Avdiivka đang "cực kỳ khó khăn" trước sự vây hãm của đối phương.

Trong đoạn băng phát biểu thường ngày, ông Zelensky nói ông không thể cung cấp thông tin chi tiết về các hệ thống phòng không mới nhận được. Nhưng mô tả đây là một thành tựu xuất phát từ "các nỗ lực không mệt mỏi suốt nhiều tháng" của Ukraine.

"Đây là các hệ thống có thể bắn hạ mọi thứ. Chúng tôi sẽ bảo vệ các khu vực tại đây. Và trong khi các hệ thống này chưa đủ cho toàn bộ hệ thống phòng thủ của Ukraine, chúng tôi vẫn đang cố gắng đạt mục tiêu ấy mỗi ngày", ông nói.

Trước đây, ông Zelensky từng ca ngợi tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất là món vũ khí quan trọng để Ukraine bảo vệ bầu trời, có thể bắn hạ mọi loại tên lửa của Nga. Trong tuần qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng đề cập về một loại vũ khí có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa hơn sẽ sớm được chuyển tới Ukraine.

Tổng tư lệnh Ukraine làm việc giữa tin đồn bị cách chức

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny được cho là một trong những người trình bày báo cáo tại cuộc họp chỉ huy hôm 2-2, theo Reuters.

Thông tin này được đưa ra giữa lúc vài ngày gần đây có tin ông Zaluzhny sắp bị cách chức do mâu thuẫn với Tổng thống Zelensky.

Ukraine đã có cuộc phản công không đạt nhiều đột phá trong năm 2023. Ông Zaluzhny cũng từng gây xôn xao khi đưa ra phát biểu và nhận định trái với lập trường của giới lãnh đạo Ukraine.

Triều Tiên xác nhận phóng thử tên lửa hành trình

Sáng nay 3- 2, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận nước này đã phóng thử tên lửa hành trình và một tên lửa phòng không loại mới trong ngày 2-2.

KCNA dẫn thông báo của Cơ quan tên lửa Triều Tiên nói rõ các vụ thử được tiến hành nhằm thử nghiệm “việc phát triển nhanh các công nghệ trong nhiều khía cạnh khác nhau như chức năng, khả năng và hoạt động của các hệ thống vũ khí mới”. 

Cũng theo thông báo, đây là một trong các hoạt động bình thường của Triều Tiên. Tuy nhiên, thông báo không cho biết Triều Tiên đã phóng thử bao nhiêu tên lửa và các tên lửa bay được bao xa.  

Mỹ chính thức phản đòn sau vụ bị các nhóm do Iran bảo trợ tập kích

Ngày 2-2, Mỹ thực hiện các vụ không kích vào các mục tiêu ở Iraq và Syria, nhắm tới hơn 85 mục tiêu có liên kết với Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các tổ chức vũ trang do Iran bảo trợ.

Đây là động thái đáp trả chính thức đầu tiên của Washington sau khi có tin xác nhận ba quân nhân Mỹ thiệt mạng và ít nhất 34 người khác bị thương trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone).

Thi thể các lính Mỹ thiệt mạng trong vụ tập kích mới đây được đưa về Mỹ - Ảnh: REUTERS

Thi thể các lính Mỹ thiệt mạng trong vụ tập kích mới đây được đưa về Mỹ - Ảnh: REUTERS

Vụ tấn công chết người nhằm vào Mỹ nêu trên đã tạo áp lực lên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc phải mạnh tay với Iran, quốc gia bảo trợ cho các nhóm vũ trang được hiểu đã tập kích Mỹ suốt thời gian qua ở Trung Đông.

Mặc dù các cuộc tấn công của Mỹ vừa qua không nhắm vào bất kỳ địa điểm nào bên trong lãnh thổ Iran, sự kiện này nhiều khả năng làm gia tăng lo ngại về việc căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Hiện nay các nhóm Hồi giáo liên quan tới Iran đang tấn công Mỹ và Israel, phản đối cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza cũng như thái độ ủng hộ của Mỹ đối với cuộc chiến này.

Mỹ sẽ tiếp tục đáp trả

Phát biểu ngày 2-2, Tổng thống Mỹ Biden khẳng định đã chỉ đạo các cuộc tấn công quân sự nhằm vào mục tiêu tại Iraq và Syria liên quan tới vụ tập kích lực lượng Mỹ, đồng thời nhấn mạnh việc tấn công của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục.

"Lời đáp trả của chúng tôi bắt đầu vào hôm nay. Nó sẽ tiếp tục tại thời điểm và địa điểm mà chúng tôi chọn. Mỹ không mong muốn xung đột ở Trung Đông hay bất kỳ đâu trên thế giới, nhưng hãy để những người tìm cách gây hại cho chúng tôi hiểu rằng, nếu các anh tổn thương một người Mỹ, chúng tôi sẽ đáp trả", ông nói.

Mỹ trừng phạt chương trình vũ khí Iran

Cùng ngày 2-2, Mỹ đã áp các lệnh trừng phạt mới nhắm vào chương trình mua sắm tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái của Iran, cũng như đối với các quan chức Iran bị cáo buộc liên quan tới việc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng của Mỹ.

Trong tuyên bố về vấn đề này, Bộ Tài chính Mỹ nói đã trừng phạt 4 công ty trụ sở ở Iran và Hong Kong, khẳng định các công ty này liên quan tới việc cung cấp nguyên liệu và công nghệ cho tên lửa và máy bay không người lái Iran.

Việc trừng phạt của Mỹ phản ánh nỗ lực gây sức ép lên Iran, đáp trả việc các lực lượng ủy nhiệm của Iran tại Iraq, Lebanon, Syria, Yemen và Dải Gaza đã tấn công những mục tiêu của Mỹ và Israel thời gian qua.


*************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn