Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 02-02 -2024:

Thứ Sáu, 02 Tháng Hai 20244:22 SA(Xem: 1747)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 02-02 -2024:
HoaLuc 6
***********
voatiengviet.com

Iran tuyên bố không khơi mào chiến tranh nhưng sẽ đáp trả những kẻ bắt nạt

Reuters

Iran sẽ không khơi mào chiến tranh nhưng sẽ “đáp trả quyết liệt” với bất kỳ kẻ nào muốn bắt nạt nước này, Tổng thống Ebrahim Raisi tuyên bố hôm thứ Sáu, một ngày sau khi Mỹ cho biết họ đang lên kế hoạch tấn công các địa điểm của Iran ở Iraq và Syria.

Trong tuần này đã có nhiều đồn đoán về cách thức Washington có thể trả đũa sau khi ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng vào thứ Bảy tuần trước trong một cuộc tấn công của một nhóm được Iran hậu thuẫn nhắm vào căn cứ của họ ở Jordan.

CBS News dẫn lời các quan chức Mỹ hôm thứ Năm nói rằng Mỹ đã phê duyệt kế hoạch tấn công kéo dài nhiều ngày ở Iraq và Syria nhắm vào nhiều mục tiêu, bao gồm cả nhân sự và cơ sở của Iran tại các quốc gia đó.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Raisi nói: “Chúng tôi sẽ không khơi mào bất kỳ cuộc chiến nào, nhưng nếu bất cứ ai muốn bắt nạt chúng tôi, họ sẽ nhận được phản ứng mạnh mẽ”.

Ông nói thêm rằng: “Trước đây, khi họ (người Mỹ) muốn nói chuyện với chúng tôi, họ nói rằng lựa chọn quân sự đang được cân nhắc. Bây giờ họ nói rằng họ không có ý định xung đột với Iran”.

“Sức mạnh quân sự của Cộng hòa Hồi giáo trong khu vực không phải và chưa bao giờ là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào. Thay vào đó, nó đảm bảo an ninh mà các quốc gia trong khu vực có thể dựa vào và tin cậy”, vẫn lời ông Raisi.

Bốn quan chức Mỹ nói với Reuters rằng Mỹ đã đánh giá rằng chiếc máy bay không người lái giết chết 3 binh sĩ của họ và làm bị thương hơn 40 người khác là do Iran chế tạo.

Các nguồn tin cho biết Lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ của Iran đang rút các quan chức cấp cao ra khỏi Syria.

Các cố vấn Iran hỗ trợ cho các nhóm vũ trang ở cả Iraq, nơi Mỹ có khoảng 2.500 quân, và Syria, nơi Mỹ có 900 quân.


***********
rfi.fr

Nông dân Pháp tạm ngừng phong trào "chiếm đóng"

Thanh Hà

Ngay từ chiều qua, 01/02/2024, hai nghiệp đoàn chính của giới nông gia, FNSEA và JA ( Nông Gia Trẻ ), đã kêu gọi ngừng chiếm đóng xa lộ hay các tòa nhà hành chính, các siêu thị… sau khi chính phủ Pháp và Liên Hiệp Châu Âu có một số nhượng bộ. Tại Paris, thủ tướng Gabriel Attal thông báo huy động 400 triệu euro để cứu nền nông nghiệp Pháp.

Đăng ngày:

2 phút

Dự thượng đỉnh Bruxelles, tổng thống Emmanuel Macron yêu cầu Ủy Ban Châu Âu có những biện pháp cụ thể bảo đảm « cạnh tranh công bằng » cho nông phẩm của khối này.

Theo các nguồn tin cảnh sát, lúc 7 giờ tối qua, nông dân bắt đầu giải tỏa một số điểm chiếm đóng từ nhiều ngày qua như trên xa lộ A6, đường vào phía bắc thành phố Lyon, hay trên xa lộ nối thành phố Le Mans với vùng Bretagne, miền tây bắc nước Pháp. Một đoàn xe máy kéo của nông dân Pháp từ Agen miền tây nam hướng về thủ đô Paris đã quay trở lại điểm xuất phát. AFP cho biết đây là kết quả của nhiều ngày đàm phán và nhất là việc trong chưa đầy một tuần, thủ tướng Gabriel Attal đã thông qua ba kế hoạch hỗ trợ nông dân.

Tổng cộng chính quyền Pháp đã huy động 400 triệu euro cho các nông gia, bao gồm việc giảm thuế và các khoản đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội của giới trồng trọt và chăn nuôi. Chính phủ cũng cam kết kiểm tra chặt chẽ hơn nguồn gốc và chất lượng, cũng như các chuẩn mực vệ sinh, an toàn của các sản phẩm nhập từ nước ngoài để bảo đảm là nông phẩm của Pháp nói riêng và của Liên Âu nói chung không bị cạnh tranh « một cách bất công ». Paris đồng thời « tạm dời lại kế hoạch ECOPHYTO », đòi nông dân giảm 50 % lượng thuốc trừ sâu trước ngưỡng 2030. Thông báo này được coi là một « bước tiến hết sức quan trọng » đối với các nhà sản xuất, nhưng lại bị các hiệp hội bảo vệ môi trường chỉ trích mạnh mẽ, xem đây là một bước thụt lùi trong mục tiêu chống biến đổi khí hậu và bảo vệ sinh thái.

Tuy nhiên phong trào phản kháng của nông dân Pháp mới chỉ « tạm dừng ». Sau 10 ngày đấu tranh, hai nghiệp đoàn lớn là FNSEA và JA kêu gọi ngừng các chiến dịch chiếm đóng các trục chính vào những thành phố lớn, ngừng huy động xe máy kéo gây trở ngại cho nhiều sinh hoạt khác. Nhưng nông dân đòi trông thấy « những kết quả cụ thể đầu tiên » nội trong tháng này, nhất là vào dịp khai mạc Hội Chợ Nông Nghiệp Paris từ ngày 24/02 đến 03/03/2024. Riêng nghiệp đoàn nông dân Confédération Paysanne chủ trương « tiếp tục đấu tranh » để đòi tăng thu nhập cho giới chăn nuôi và trồng trọt. 


*************
voatiengviet.com

Nga nói không định triển khai vũ khí hạt nhân ở nơi nào khác ngoài Belarus

Reuters

Nga sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân ở ngoại quốc, ngoại trừ ở nước đồng minh Belarus, nhưng sẽ tìm cách chống lại bất kỳ việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật nào của Mỹ ở Anh, Thứ trưởng phụ trách kiểm soát vũ khí Nga tuyên bố hôm 1/2.

Tổng thống Vladimir Putin năm ngoái nói Moscow đã chuyển một số vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus, đổ lỗi cho những gì ông gọi là phương Tây thù địch và hung hăng đã gây ra quyết định này.

Các nhà nghiên cứu hạt nhân hàng đầu tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ cho biết không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy vũ khí được đặt ở đâu tại Belarus, hoặc thậm chí chúng có ở đó hay không.

Khi được các phóng viên hỏi liệu Nga có triển khai vũ khí hạt nhân ngoài Belarus hay không, chẳng hạn như ở Nam Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói: “Không, điều đó không có trong kế hoạch”.

“Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus được thực hiện nhằm chống lại các hoạt động ngày càng hung hăng và đe dọa của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Hoa Kỳ lãnh đạo.”

Ngoài ra, ông Ryabkov nói với Russia Today trong một cuộc phỏng vấn rằng kế hoạch của Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Anh sẽ không ngăn cản được Moscow.

Ông Ryabkov nói: “Nếu họ tin rằng việc tái đưa vũ khí hạt nhân vào Anh là một biện pháp ngăn chặn Nga thì họ đã nhầm.” “Chúng tôi kêu gọi họ dừng... leo thang vòng tròn vô tận này.”

Cả Anh và Mỹ đều chưa xác nhận các báo cáo về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. Các nhà nghiên cứu cho biết RAF Lakenheath, một căn cứ không quân ở Suffolk, miền đông nước Anh, đang được tân trang lại để lưu trữ vũ khí của Mỹ.

Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, hiện tại, năm quốc gia NATO - Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ - có tổng cộng khoảng 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại sáu căn cứ.

‘Sẵn sàng đối thoại’

Ông Putin, người đã gửi hàng chục ngàn quân vào Ukraine hai năm trước, thường nhắc nhở phương Tây về quy mô và khả năng của kho vũ khí hạt nhân của Nga, kho vũ khí lớn nhất thế giới.

Ông Ryabkov ca ngợi những gì ông nói là những ý tưởng về cách chấm dứt xung đột Ukraine do các thành viên của nhóm BRICS đề xuất.

“...Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với tất cả những ai quyết tâm thúc đẩy một giải pháp mang tính xây dựng. Và tất nhiên, trong bối cảnh này, chúng tôi tiếp tục thảo luận về chủ đề này với các đối tác BRICS của mình”, ông nói.

Nhóm BRICS bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi và dự kiến sẽ mở rộng hơn nữa.

Kyiv đang thúc đẩy “công thức hòa bình” của riêng mình, trong đó có việc rút toàn bộ quân đội Nga khỏi lãnh thổ của mình, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã chỉ thị rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga đều là bất hợp pháp.

Nga, quốc gia kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine, nói kế hoạch hòa bình của ông Zelenskyy là vô lý vì phớt lờ lợi ích an ninh của chính Moscow. Lập trường này được ông Ryabkov tái khẳng định hôm 1/2.


*********
voatiengviet.com

Trung Quốc tử hình cặp tình nhân vì tội giết hai trẻ em khiến cả nước chấn động

AFP

Hôm 31/1, Trung Quốc hành quyết một cặp tình nhân vì tội ném hai đứa trẻ ra khỏi cửa sổ của một tòa nhà chung cư, trong vụ việc gây phẫn nộ trên toàn quốc, theo AFP.

Ông Zhang Bo và Bà Ye Chengchen trước đây bị xem là phải chịu trách nhiệm về vụ làm ngã chết bé gái 2 tuổi và bé trai 1 tuổi từ tầng 15 của một tòa chung cư ở Trùng Khánh, miền tây nam Trung Quốc.

Ông Zhang, cha của hai đứa trẻ, bắt đầu ngoại tình với bà Ye, người ban đầu không biết ông đã kết hôn và có con.

Sau đó, bà Ye giục ông Zhang giết hai đứa con của ông, bị bà “xem là trở ngại” cho việc họ kết hôn và là “gánh nặng cho cuộc sống chung trong tương lai của họ”, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 5 Trùng Khánh cho biết trong một tuyên bố.

Vào tháng 11/2020, ông Zhang ném hai con của mình ra ngoài cửa sổ căn hộ khi vắng mặt mẹ của các cháu bé, người mà ông đã đồng ý ly hôn.

Tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc đưa tin vào năm ngoái rằng cả hai đều bị kết tội về mưu đồ “giết con gái và con trai nhỏ bằng cách dàn dựng một cú ngã vô tình từ tầng 15 của tòa nhà chung cư của ông”.

Tòa án cho biết cặp đôi này bị kết án tử hình vào tháng 12/2021 và bị thi hành án tử hình hôm 31/1.

Tin tức này phát đi cùng ngày với một vụ tử hình khác gây sự chú ý rộng rãi – ông Wu Xieyu, bị kết tội giết mẹ mình bằng cách liên tục đánh bà bằng một quả tạ vào năm 2015, một tuyên bố của tòa án ở tỉnh phía đông Phúc Kiến cho biết.

Trung Quốc giữ bí mật dữ liệu về việc sử dụng án tử hình, mặc dù tổ chức nhân quyền Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính nước này là quốc gia hành quyết nhiều nhất trên toàn cầu - với hàng nghìn người bị hành quyết và kết án tử hình mỗi năm.

Các bản án thường được áp dụng với các tội phạm từ buôn bán ma túy đến tham nhũng và giết người, trong đó tiêm thuốc độc là phương thức hành quyết phổ biến nhất.

Tội ác của ông Zhang và bà Ye đã gây ra làn sóng chấn động khắp Trung Quốc vì mưu tính máu lạnh của họ cũng như nạn nhân là trẻ em.

Vụ hành quyết cặp đôi này nhanh chóng gây sốt trang mạng xã hội Trung Quốc Weibo hôm 31/1, với gần 200 triệu lượt xem.

“Hôm nay thực sự là một ngày tốt lành”, một bình luận nhận được nhiều lượt thích dưới một bài đăng liên quan của hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã.

“Hình phạt này phù hợp với tội ác”, một người khác viết.


***********
voatiengviet.com

Israel chuyển trọng tâm cuộc tấn công Gaza tới Rafah; Hamas cân nhắc đề xuất ngừng bắn

Reuters

Israel chuẩn bị tiến hành cuộc chiến ở Gaza xa hơn về phía nam, gần biên giới Ai Cập, sau khi tuyên bố đã làm tan rã nhóm Hamas ở Khan Younis. Cùng lúc, các nỗ lực ngoại giao được đẩy nhanh để có thể đi đến lệnh ngừng bắn, theo Reuters.

Hôm 1/2, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói rằng thành công trong cuộc chiến đánh vào phiến quân Palestine ở thành phố Khan Younis miền nam Gaza đồng nghĩa với việc lực lượng của họ có thể tiến tới Rafah ở biên giới phía nam của vùng đất này.

Ông Gallant nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi đang hoàn thành nhiệm vụ của mình ở Khan Younis và chúng tôi cũng sẽ tiếp cận Rafah và loại bỏ các phần tử khủng bố đe dọa chúng tôi”.

Đồng thời, các nhà hòa giải Qatar và Ai Cập hy vọng nhận được phản ứng tích cực từ Hamas, tổ chức điều hành Gaza, đối với đề xuất cụ thể đầu tiên về việc kéo dài thời gian ngừng giao tranh, đã được Israel và Mỹ nhất trí tại cuộc đàm phán ở Paris tuần trước.

Một quan chức Palestine am tường về các cuộc đàm phán nói với Reuters rằng bản dự thảo đề xuất rằng giai đoạn 1 kéo dài 40 ngày, trong thời gian đó giao tranh sẽ chấm dứt trong khi Hamas thả những thường dân còn lại trong số hơn 100 con tin mà họ vẫn cầm giữ. Các giai đoạn tiếp theo sẽ chứng kiến việc bàn giao binh lính Israel và thi thể của các con tin đã chết.

Hôm 1/2, các quan chức y tế trong khu vực cho hay số người Palestine thiệt mạng được xác nhận đã tăng lên trên 27.000 người, với hàng nghìn người khác vẫn đang nằm dưới đống đổ nát.

Theo các quan chức bệnh viện, một cuộc không kích vào một ngôi nhà ở Khan Younis đã làm 13 người bị thương hôm 1/2.

Không có mấy dấu hiệu cho thấy những lời kêu gọi của Mỹ, đồng minh chính của Israel, tới nước này có chút tác dụng nào trong việc xoa dịu nỗi thống khổ của dân thường Gaza.

Tuy nhiên, Washington đang tăng cường áp lực gián tiếp.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm trừng phạt những người định cư Do Thái tấn công người Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng trong làn sóng bạo lực gia tăng do cuộc chiến ở Gaza gây ra.

Ông Biden cũng chịu áp lực phải đáp trả vụ sát hại 3 binh sĩ Mỹ bằng máy bay không người lái ở Jordan vào tuần trước, đây là những binh sĩ Mỹ thiệt mạng đầu tiên trong bối cảnh bạo lực leo thang trên khắp Trung Đông kể từ khi cuộc chiến của Israel ở Gaza bắt đầu vào tháng 10/2023.


************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

4 phút

(AFP) – Trung Đông, trọng tâm cuộc hội đàm giữa bộ trưởng Quốc Phòng Anh Mỹ hôm 31/01/2024 tại Washington. Thông cáo của Lầu Năm Góc cho biết ông Lloyd Austin đã tiếp đồng cấp Grant Shapps tại trụ sở của bộ Quốc Phòng Mỹ. Hai bộ trưởng bàn về phương cách « hạ nhiệt tình hình » trong cuộc xung đột ở Gaza, về những biện pháp nhân đạo và về cách đối phó với lực lượng Hồi Giáo Yemen Houthi đang đánh phá các tàu chở hàng quốc tế trong khu vực Hồng Hải.   

(AFP) – Nhà đối lập Nga Alexeï Navalny kêu gọi biểu tình trên toàn quốc trước ngày bầu cử tổng thống. Hơn một tháng trước bầu cử tổng thống Nga, trên các mạng xã hội, ông Navalny hôm nay, 01/02/2024, kêu gọi dân  Nga xuống đường « chống đối Vladimir Putin ». Theo nhà đối lập đang bị cầm tù, đây sẽ cách thể hiện mạnh mẽ về tinh thân của người Nga. Chính quyền Nga cấm và phạt nặng mọi cuộc biểu tình hay tuần hành chống chính quyền.   

(AFP) – Thư Viện Quốc Gia Pháp BnF bị mất trộm. Hôm qua 31/01/2024, thư viện BnF cho biết chính thức yêu cầu nhà chức trách điều tra về vụ mất một số tác phẩm có liên quan đến nước Nga. Thí dụ gần đây nhất là nhiều bản thảo hay những ấn phẩm nguyên thủy rất hiếm của một số văn hào người Nga được lưu giữ ở Thư Viện Quốc Gia Pháp đã bị đánh cắp, trong đó có bản thảo của nhà văn Alexandre Pouchkine. Theo giới điều tra, hiện tượng mất trộm những tác phẩm quý hiếm của Nga xảy ra không chỉ tại Pháp, mà cả ở Thụy Sĩ, Ba Lan và các nước trong vùng Baltic.  

(AFP) – Nổ nhà máy sản xuất pháo hoa tại Philippines, 2 người chết và 5 người bị thương. Tại nạn xảy ra hôm 01/02/2024. Một nhà máy gần thủ đô Manila hoàn toàn bị thiêu rụi, ít nhất 5 người bị thương nặng và 2 người tử vong. Philippines đang chuẩn bị đón Tết âm lịch và vẫn có truyền thống bắn pháo hoa. 

(Reuters) – HRW kêu gọi các hãng xe hơi không sử dụng sản phẩm từ « lao động cưỡng bức ». Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm nay, 01/02/2024, kêu gọi các nhà sản xuất ô tô như Tesla, Volkswagen và BYD có chi nhánh ở Trung Quốc phải tìm cách không cho những vật liệu được làm ra từ lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ lọt vào chuỗi cung ứng của họ. Trong một báo cáo, HRW cho biết đã tìm thấy bằng chứng các nhà sản xuất nhôm Tân Cương tuyển dụng công nhân từ các chương trình chuyển giao người lao động do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, ép buộc người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi Giáo khác làm việc ở Tân Cương và nhiều khu vực khác.  

(Reuters) – Mỹ bắn hạ các drone ở Yemen. Một quan chức Hoa Kỳ hôm qua, 31/01/2024, thông báo đã bắn hạ 10 drone ở Yemen trước khi chúng kịp cất cánh. Ngoài ra, hải quân Mỹ cũng đã bắn hạ ba drone của Iran và một tên lửa đạn đạo chống hạm của lực lượng Houthi ở Vịnh Aden. 

(Reuters) – Trung Quốc cảnh báo mảnh vỡ một tên lửa vũ trụ có thể rớt xuống một khu vực ở Biển Đông. Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc hôm qua, 31/01/2024, cho biết các mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5, dùng để phóng phi thuyền thăm dò vũ trụ, khi trở lại bầu khí quyển có thể ​sẽ rơi xuống khu vực ngoài khơi đảo Hải Nam của Trung Quốc vào khoảng trưa ngày 01/02/2024.

(AFP) – Pháp : Quỹ Abbé Pierre cảnh báo tình trạng khủng hoảng nhà ở gia tăng. Quỹ từ thiện mang tên cố tu sĩ Pháp Abbé Pierre hôm qua, 31/01/2024, cho biết đơn xin nhà ở xã hội tăng lên thành 2,6 triệu hiện nay so với 2 triệu hồi 2017. Số người thuê nhà bị trục xuất tăng lên mức kỷ lục: 17.500 trong năm ngoái. Số người bị dịch vụ trợ giúp nhà ở khẩn cấp 115 từ chối cũng tăng lên 8.300 người (trong đó có 2.800 trẻ em)/ngày hồi mùa thu so với 6.300 cùng thời gian năm trước.

(AFP) – Mỹ tố cáo phong trào ‘‘Kháng chiến Hồi giáo ở Irak’’ đứng đằng sau vụ tấn công khiến ba quân nhân Hoa Kỳ thiệt mạng tại Jordanie. Theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia, John Kirby, hôm qua, 31/01/2024, các cơ quan tình báo Mỹ cho biết thủ phạm vụ tấn công là phong trào vũ trang thân Iran hoạt động tại Irak. 

(AFP) – Giáo viên Pháp đình công đòi cải thiện các điều kiện cho các trường học. Thêm một khúc mắc khác giữa nhân viên giáo dục và người đứng đầu bộ liên quan là những tuyên bố vụng về gần đây của bà bộ trưởng Amélie Oudéa-Castéra. Cá nhân bà bị chỉ trích là người đứng đầu Bộ Giáo Dục nhưng chính các con bà lại học trường tư. Theo các con số của bộ Giáo Dục, tính đến 12 giờ trưa nay, 01/02/2024, đã có hơn 20 % các giáo viên bãi công. Còn theo thống kê của các đại diện công đoàn, tỷ lệ các giáo chức bãi công lên đến 47 %.


************
rfi.fr

Toàn cầu hóa thúc đẩy cuộc đua tái trang bị hải quân giữa các đại cường

Minh Anh

Từ hơn một thập niên qua, cuộc đua tăng cường sức mạnh hải quân được tăng tốc với mục tiêu là nhằm khẳng định vị thế và bảo vệ các lợi ích quốc gia. Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nước dẫn đầu cuộc đua, đang đối đầu nhau ở vùng Đông Á và đang tranh vị thế siêu cường hải quân hàng đầu thế giới. Theo nhiều chuyên gia, sau nhiều thập kỷ có vẻ yên bình, nguy cơ xảy ra trận bão hải chiến một lần nữa là một giả thuyết hợp lý !

Nhờ vào khả năng bảo đảm khối hàng hóa lớn, đáng tin cậy và chi phí thấp, vận tải đường biển đang trở thành cột sống hậu cần cho chuỗi giá trị toàn cầu. Từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc và cho đến khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008, tăng trưởng trong ngành thương mại quốc tế tăng nhanh hơn là mức tăng trưởng của sản xuất. Hơn 80% khối lượng giao thương quốc tế được thực hiện bằng đường biển. Số liệu thống kê năm 2019 cho thấy tổng khối lượng hàng hóa giao thương là 11 tỷ tấn, tăng gấp 20 lần so với năm 1950, chỉ đạt mức 550 triệu tấn.

Làm chủ biển cả, thống lĩnh thương mại

Toàn cầu hóa cũng làm thay đổi các lộ trình vận chuyển. Cho đến những năm 1970, đó là một thế giới của « Đại Tây Dương ». Các tuyến đường vận tải biển quan trọng nhất tập trung chủ yếu giữa những cảng biển Bắc Âu và vùng duyên hải phía đông của Bắc Mỹ. Nhưng việc chấm dứt các chế độ thuộc địa, sự trỗi dậy của các nước Đông Á trên trường kinh tế quốc tế đã dần dịch chuyển trọng lực kinh tế hàng hải thế giới sang vùng Đông Á.

Sự thay đổi này còn diễn ra toàn diện với việc Trung Quốc ngày càng khẳng định là một cường quốc hàng đầu kể từ những năm 2000. Nếu như lúc ban đầu, con đường hàng hải lớn nhất ở Đông Á chủ yếu là trục Tokyo – Singapore, sau này có thêm các cảng biển Busan của Hàn Quốc, Cao Hùng ở Đài Loan và Hồng Kông trong những năm 1990, thì những trục vận chuyển đường biển này đã bị di dời về phía tây, Trung Hoa Lục Địa.

Bên cạnh đó, các cường quốc Đông Á này còn vướng phải một điểm yếu lớn : Sự phụ thuộc đến hơn 80% vào nguồn dầu lửa Trung Đông. Do vậy, con đường vận tải biển lớn vẫn là châu Á, đi từ Vịnh Ba Tư đến Trung Quốc, băng qua các eo biển Hormuz và Malacca. Đảo quốc Singapore nằm trên tuyến đường hàng hải lý tưởng này, cùng với Rotterdam (Hà Lan) và Houston (bang Texas của Mỹ) là một trong ba điểm tinh lọc và trung chuyển dầu hỏa lớn nhất thế giới.

Nhưng người xưa có câu : « Ai muốn kiểm soát thương mại phải làm chủ biển cả ». Sự toàn cầu hóa « hạnh phúc » này làm lộ rõ một tình trạng « cực kỳ » phụ thuộc vào biển cả. Và hiện tượng « hàng hải hóa » này, theo như cách nói của ông Cyrille Coutansais, giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hải quân, giảng viên trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po, trên đài RFI, đã buộc một số nước nhất định phải đầu tư cho lực lượng Hải quân để bảo vệ các dòng hàng hóa vận chuyển, cũng như là bảo vệ chủ quyền vùng không gian lãnh hải của mình.

Cũng theo ông Cyrille Coutansais, điều này đã dẫn đến việc « xáo lại » các quân bài quan trọng ở cấp độ cường quốc hải quân: « Quá trình toàn cầu hóa này đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của một số nước có đủ nguồn lực để đầu tư cho hải quân. Điều đáng lưu ý là đầu tư cho Hải quân tốn rất nhiều tiền, hơi giống một câu lạc bộ các nước giàu. Điều này giải thích vì sao cho đến gần đây, đó chỉ là một câu lạc bộ gần như độc quyền cho các nước phương Tây. Bây giờ với toàn cầu hóa, người ta nhìn thấy một số quốc gia phát triển như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… những nước có khả năng đầu tư cho Hải quân. »

Biên giới biển mới và thế « tiến thoái lưỡng nan về an ninh »

Một nguyên nhân khác giải thích cho việc phát triển trở lại các năng lực hải quân là nhiều quốc gia có xu hướng tìm kiếm các nguồn tài nguyên biển ở những nơi khác để bù đắp cho những thiếu hụt ở trong nước. Đô đốc Bernard Rogel, cựu tham mưu trưởng Hải quân, nguyên tham mưu trưởng đặc biệt của các tổng thống François Hollande và Emmanuel Macron, trong chương trình Địa Chính Trị của RFI Tiếng Pháp, cho rằng điều đó gây ra những căng thẳng về tranh chấp lãnh hải đang diễn ra trên toàn cầu từ Đông sang Tây, từ Á đến Âu:

« Chúng ta nên biết là tình trạng này đang tạo ra những biên giới mới trên biển, bởi vì các quốc gia có nhu cầu tìm kiếm những gì họ thiếu chẳng hạn như các nguồn cá biển, vốn dĩ rất quan trọng đối với nhiều nước, cũng như các nguồn khí đốt, khoáng sản, dược thảo dồi dào ở biển. Rồi còn có vấn đề công nghệ nữa. Ở đây tôi muốn nói đến quá trình dân chủ hóa công nghệ, tức là phương Tây không còn độc quyền về công nghệ nữa. Người ta sẽ đi tìm ở biển những gì mà họ thiếu. Vì vậy, tình trạng này đang tạo ra điều mà tôi gọi là Những Biên Giới Mới, tức những vùng tranh chấp mới. »

Trung Quốc với vị thế là « công xưởng lớn nhất thế giới », phụ thuộc nhiều vào biển cả cho nhập khẩu nguyên nhiên liệu, lương thực – thực phẩm cũng như là xuất khẩu hàng hóa thành phẩm. Điều hiển nhiên và hợp lý là Bắc Kinh phải trang bị cho mình một lực lượng hải quân để tự bảo đảm nhu cầu an ninh. Nếu như Trung Quốc không thể và cũng không muốn ủy thác trách nhiệm này cho Hải quân Mỹ, thì điều nghịch lý là chính sách tăng cường năng lực hải quân của Trung Quốc cũng như nhiều cường quốc mới trỗi dậy khác phải đối mặt với « thế lưỡng nan an ninh ».

Trên làn sóng RFI Pháp ngữ, Maxence Brischoux, giảng viên ngành Quan hệ Quốc tế, trường đại học Paris II Panthéon Assas, giải thích :

« Nhìn từ điểm này trong lý thuyết quan hệ quốc tế, chúng ta đang đi đến điều được gọi là "tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh". Sự xuất hiện của nhiều cường quốc mới cùng với việc họ tự trang bị các phương tiện để bảo đảm an ninh cho mình đã có những tác động gây bất ổn. Đối với nhiều nước khác, lô-gic tái vũ trang này, một lần nữa, cho dù có tính chính đáng nhất định, có thể mang tính gây rối, nhất là khi điều đó đi kèm với những hành động được cho là hung hăng. Đó chính là những gì chúng ta quan sát được ở Biển Đông. Ta đang phải đối mặt với những hiện tượng lâu dài, đôi khi có thể bùng phát thành khủng hoảng, thậm chí là đi đến chiến tranh. Đây cũng là những gì chúng ta quan sát thấy hiện nay trong cuộc xung đột Nga - Ukraina, bởi vì khía cạnh hải quân có một tầm quan trọng đáng kể. »

Vậy đâu là các tiêu chí để đánh giá một cường quốc hải quân ? Về điểm này, Cyrille Coutansais cho biết:

« Xét về sức mạnh hải quân, tôi nghĩ điều quan trọng đầu tiên là tải trọng. Trên thực tế, chúng ta cộng toàn bộ khối lượng mỗi con tàu và như vậy chúng ta sẽ có được một tầm nhìn về sức mạnh hải quân dựa theo trọng tải. Quả thật, nếu nhìn vào trọng tải, Hoa Kỳ đang ở vị trí hàng đầu. Khía cạnh thứ hai là số lượng tàu. Trung Quốc có nhiều tàu hơn Mỹ, nhưng nếu xét về trọng tải, tức là về sức mạnh, thì Mỹ vẫn dẫn đầu.

Tiếp đến, chúng ta phải xem xét các khả năng mà hải quân một nước có thể triển khai. Ví dụ, nếu chúng ta nhìn vào hải quân Pháp, về mặt trọng tải Pháp thua xa Mỹ, kém hơn Trung Quốc, nhưng vẫn nằm trong phạm vi có khả năng triển khai. Chúng ta có thể triển khai tầu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN), tầu ngầm tấn công hạt nhân (SSN), nhóm tác chiến tàu sân bay. Có thể nói, chúng ta có đầy đủ các lãnh vực và điều này rất quan trọng để phát huy sức mạnh hải quân.

Một yếu tố khác cũng nên đề cập đến đó là khả năng có các điểm neo, tức là các cơ sở để chúng ta có thể cập cảng. Việc tiếp tế, các thuyền viên có điều kiện nghỉ ngơi vì nhiều lý do là điều cần thiết. Về điểm này, Pháp có thể trông cậy vào một số điểm neo đậu nhờ vào các vùng lãnh thổ hải ngoại.

Nhiều lực lượng hải quân khác không có cho nên đang tìm cách có được năng lực này, trong đó có Trung Quốc. Điều này có nghĩa là, khi quý vị muốn triển khai hải quân ở khắp các đại dương trên toàn thế giới, quý vị cần phải có khả năng trông cậy vào những điểm neo đậu ở hầu hết mọi nơi, và đó cũng là một phần của sức mạnh hải quân. »

Chỉ có điều sự trỗi dậy mạnh mẽ của hải quân Trung Quốc chỉ trong hơn hai thập niên khiến Hoa Kỳ và nhiều nước khác trong khu vực lo lắng. Năm 1988, Trung Quốc không có tên trong bảng sắp hạng năm cường quốc hải quân hàng đầu thế giới. Hơn ba thập kỷ sau, Trung Quốc vươn lên chiếm vị trí thứ hai, và đang trên đà qua mặt Mỹ. Lãnh đạo Hải quân Mỹ năm vừa qua báo động Trung Quốc hiện có tổng cộng hơn 350 tầu chiến và tầu ngầm, vượt qua Mỹ về mặt số lượng, vì Mỹ chỉ có hơn 290 chiếc.

Theo một báo cáo được bộ Quốc Phòng Mỹ công bố năm 2020, chỉ trong giai đoạn 2015-2019, Trung Quốc có lẽ đã tự mình xây dựng một lượng tầu tương đương với tải trọng do Mỹ và châu Âu gộp lại. Mục tiêu của ông Tập Cận Bình đề ra là từ đây đến năm 2030, Trung Quốc phải chiếm vị thế hải quân hàng đầu thế giới khi có đến 13 chiếc tầu ngầm trong khu vực.

Để đối phó với Bắc Kinh, năm 2020, Washington đề ra chiến lược mới mang tên « Thế ưu việt trên biển », khẳng định Hoa Kỳ phải làm chủ biển cả để đánh bại sức mạnh kẻ thù, bảo vệ tổ quốc và bảo vệ các đồng minh. Hoa Kỳ phải tiến hành một chương trình hiện đại hóa táo bạo và cần thiết cho lực lượng hải quân, để duy trì khả năng răn đe và bảo đảm lợi thế trên biển. Và lợi thế này phải được bắt đầu bằng sự vượt trội về số lượng cũng như chất lượng.

Trong cuộc đua này, Hoa Kỳ chưa phải là quốc gia đơn độc. Việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh hải quân khiến nhiều nước châu Á trong khu vực cũng phải điều chỉnh chính sách quốc phòng. Hàn Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ đầu tư ồ ạt phát triển các loại tàu phóng tên lửa hay tầu ngầm. Nhiều quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia cũng tăng cường hạm đội tầu chiến và trang bị nhiều vũ khí tân tiến hơn, để đối phó với các tham vọng biển cả và những đòi hỏi chủ quyền lãnh hải quá đáng của Trung Quốc.

Việc tăng cường số lượng trang thiết bị hải quân cũng đi kèm với việc phát triển và đổi mới kho vũ khí bằng loạt công nghệ mới. Hiện tại, xu hướng phát triển các loại drone biển được cho là mốt thời thượng do chi phí sản xuất thấp, phương thức hoạt động kín đáo và hiệu quả cao hơn nhờ vào việc có thể kéo dài thời gian hoạt động sâu dưới biển cho các nhiệm vụ trinh sát, thậm chí là tấn công.

Và trong trường vũ khí mới này, hệ thống hướng dẫn bằng trí tuệ nhân tạo đang được phổ biến nhất là trên phương diện ngăn chặn và khả năng phòng thủ tên lửa. Chiến tranh Ukraina hẳn là một chiến trường thực nghiệm cung cấp nhiều điều bổ ích cho các đại cường !


*************
voatiengviet.com

Cơ quan tị nạn Palestine của LHQ có thể ngừng hoạt động cuối tháng 2 nếu vẫn bị cắt tài trợ

Reuters

Cơ quan tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) hôm thứ Năm cho biết rất có thể họ sẽ buộc phải ngừng hoạt động ở Trung Đông, bao gồm cả ở Gaza, vào cuối tháng nếu không có nguồn tài trợ tiếp tục.

Một loạt quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Đức và Anh đã tạm dừng tài trợ cho cơ quan viện trợ sau khi có cáo buộc rằng một số nhân viên UNRWA có liên quan đến các cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas ở miền nam Israel.

Tổng ủy viên UNRWA Philippe Lazzarini nói: “Cơ quan này vẫn là tổ chức viện trợ lớn nhất tại một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và phức tạp nhất trên thế giới”.

“Nếu nguồn tài trợ vẫn bị đình chỉ, rất có thể chúng tôi sẽ buộc phải ngừng hoạt động vào cuối tháng 2, không chỉ ở Gaza mà còn trên toàn khu vực”, ông Lazzarini nói thêm.

Cuộc tấn công của Israel được phát động sau khi Hamas thực hiện các cuộc tấn công vào miền nam Israel khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 253 người bị bắt làm con tin. Cuộc chiến đã khiến phần lớn dân số Gaza phải di dời, khiến nhiều nhà cửa và cơ sở hạ tầng dân sự bị đổ nát, đồng thời gây ra tình trạng thiếu lương thực, nước uống và thuốc men trầm trọng.

Các nhóm viện trợ và các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ UNRWA, trong khi người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hôm thứ Tư rằng việc cắt tài trợ sẽ gây ra “hậu quả thảm khốc” cho người dân Gaza.

Chính quyền Israel từ lâu đã kêu gọi giải tán cơ quan này, cho rằng nhiệm vụ của cơ quan này đã lỗi thời và nuôi dưỡng tình cảm chống Israel, điều mà UNRWA kịch liệt phủ nhận.

Hôm thứ Tư, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt nhiệm vụ của UNRWA và thay thế nó bằng các tổ chức khác của Liên Hiệp Quốc hoặc không thuộc LHQ.

UNRWA, tên chính thức là Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hiệp Quốc dành cho Người tị nạn Palestine ở Cận Đông, được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1949 sau cuộc chiến xung quanh việc thành lập Israel với tư cách là một nhà nước Do Thái, khi 700.000 người Palestine chạy trốn hoặc bị đuổi khỏi nhà của họ.

Cơ quan này tuyển dụng 30.000 người Palestine để phục vụ cho nhu cầu dân sự và nhân đạo của 5,9 triệu con cháu của những người tị nạn đó ở Dải Gaza, Bờ Tây và trong các trại rộng lớn ở các nước Ả Rập láng giềng.


**************
voatiengviet.com

CBS News: Mỹ chuẩn thuận tấn công các mục tiêu Iran ở Iraq, Syria

Reuters

Các kế hoạch của Mỹ về các cuộc tấn công kéo dài nhiều ngày ở Iraq và Syria nhằm vào nhiều mục tiêu, bao gồm cả nhân lực và cơ sở của Iran đã được phê duyệt, CBS News hôm thứ Năm (2/1) dẫn lời các quan chức Mỹ đưa tin.

Bản tin được đưa ra sau nhiều ngày phỏng đoán về cách thức trả đũa của Washington sau khi ba quân nhân Mỹ thiệt mạng hôm thứ Bảy trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Jordan. Đây là vụ thiệt mạng đầu tiên của binh sĩ Mỹ trong tình trạng bạo lực leo thang khắp các điểm nóng ở Trung Đông kể từ khi cuộc chiến của Israel ở Gaza bắt đầu vào tháng 10.

Trước áp lực phải có hành động cứng rắn, Tổng thống Joe Biden cho biết ông đã quyết định cách ứng phó nhưng chưa công khai kế hoạch.

Bản tin của CBS dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng thời tiết là một yếu tố quyết định thời điểm của các cuộc tấn công theo kế hoạch, vì Washington muốn thực hiện các cuộc tấn công trong điều kiện tầm nhìn tốt khi nhắm vào các mục tiêu nhưng đảm bảo không lạc vào dân thường.

Washington nói cuộc tấn công vào quân đội của họ hôm thứ Bảy ở Jordan gần biên giới Syria có dấu của Ketaib Hezbollah, một lực lượng dân quân thân Iran có trụ sở tại nước láng giềng Iraq. Nhóm này hôm thứ Tư cho biết họ đang đình chỉ hành động quân sự chống lại lực lượng Hoa Kỳ để tránh làm chính phủ Iraq xấu hổ.

Bốn quan chức Mỹ nói với Reuters rằng máy bay không người lái được sử dụng trong vụ tấn công được cho là sản xuất tại Iran.

Bạo lực đã bùng phát ở một số quốc gia Trung Đông nơi “trục kháng cự” của các nhóm vũ trang đồng minh của Iran hoạt động, kể từ khi Israel phát động cuộc tấn công ở Gaza để đáp trả các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10.

***********

Tin tức thế giới 2-2: Israel đánh bật cả lữ đoàn Hamas; Mỹ áp lực thêm cao vào Iran

DUY LINH

Pháo binh Israel khai hỏa vào mục tiêu ở Gaza - Ảnh: REUTERS

Pháo binh Israel khai hỏa vào mục tiêu ở Gaza - Ảnh: REUTERS

Israel tuyên bố đánh bật cả lữ đoàn của Hamas

Trong tuyên bố ngày 1-2, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết các lực lượng Israel đã đánh bật một lữ đoàn Hamas ở miền nam Khan Younis của Dải Gaza như một phần của cuộc chiến kéo dài gần 4 tháng. Bộ trưởng Gallant cũng nhấn mạnh rằng Israel đã loại khỏi vòng chiến 10.000 tay súng của lực lượng này thời gian qua.

"Chúng tôi đang hoàn thành sứ mệnh của mình ở Khan Younis và chúng tôi sẽ áp sát Rafah, loại bỏ các phần tử khủng bố đe dọa chúng tôi", ông Gallant nói trong một tuyên bố. 

Rafah là một thành phố ở biên giới Gaza với Ai Cập, nơi có rất nhiều thường dân tập trung để rời khỏi khu vực này.

Mỹ trừng phạt 4 người Israel

Ngày 1-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm trừng phạt những người Israel định cư có hành vi xấu ở Bờ Tây bị chiếm đóng.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan giải thích lệnh này thiết lập một hệ thống áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính, hạn chế thị thực đối với những cá nhân tấn công hoặc đe dọa người Palestine hoặc tịch thu tài sản của họ.

Ông nói: "Các hành động hôm nay nhằm mục đích thúc đẩy hòa bình và an ninh cho cả người Israel và người Palestine".

Bốn người đàn ông Israel bị cáo buộc đã có hành động bạo lực với người Palestine tại Bờ Tây sẽ bị đóng băng tài sản tại Mỹ (nếu có), bị cấm giao dịch với người và tổ chức của Mỹ. Đây là lệnh trừng phạt mới nhất kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ tháng 10-2023.

Vào tháng 12-2023, Mỹ bắt đầu áp dụng lệnh cấm thị thực đối với những người liên quan đến bạo lực ở Bờ Tây bị Israel chiếm đóng.

Iran bị tố cung cấp drone giết chết lính Mỹ ở Jordan

Hãng tin Reuters dẫn lời 4 quan chức Mỹ cho hay Washington tin rằng Iran đã sản xuất chiếc máy bay không người lái (drone) đâm vào một căn cứ của Mỹ ở Jordan cuối tuần qua, khiến 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và hơn 40 người bị thương.

Các quan chức nói chuyện với Reuters không cung cấp mẫu máy bay không người lái và cho biết việc phân tích vẫn đang tiếp tục.

Mặc dù các dấu hiệu ban đầu cho thấy chiếc drone có khả năng là của Iran, đánh giá chính thức chỉ được thực hiện gần đây sau khi thu hồi được các mảnh vỡ của máy bay không người lái.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, khi được hỏi về vấn đề này tại một cuộc họp báo sau bài báo của Reuters, đã không xác nhận nguồn gốc của máy bay không người lái.

"Chúng tôi vẫn đang thực hiện công tác đánh giá. Nhưng hầu hết máy bay không người lái trong khu vực đều có mối liên hệ với Iran", ông Austin lấp lửng.

Một UAV MQ-9B của Mỹ - Ảnh: AFP

Một UAV MQ-9B của Mỹ - Ảnh: AFP

Ấn Độ mua 4 tỉ USD máy bay không người lái từ Mỹ

Ngày 1-2, Chính quyền Mỹ đã thông qua thỏa thuận bán máy bay không người lái (UAV) hiện đại trị giá gần 4 tỉ USD cho Ấn Độ, mang lại lợi thế mới cho quốc gia đối tác chủ chốt của Washington tại Nam Á..

Thương vụ này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc Ấn Độ mua vũ khí Mỹ. Các quan chức Ấn Độ đã thảo luận về thương vụ UAV nói trên trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Narendra Modi hồi tháng 6 năm ngoái.

Sau nhiều tháng thảo luận, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã thông báo cho Quốc hội nước này về thương vụ mua bán 31 chiếc MQ-9B có vũ trang - loại tiên tiến nhất trong số các UAV Predator do General Atomics chế tạo.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, "thương vụ được đề xuất sẽ cải thiện khả năng của Ấn Độ ứng phó các mối đe dọa hiện tại và tương lai bằng cách giúp nước này thực hiện các cuộc tuần tra do thám và giám sát các tuyến đường biển… Ấn Độ đã thể hiện cam kết hiện đại hóa quân đội và sẽ không gặp khó khăn gì trong việc tiếp nhận các sản phẩm trên và đưa chúng vào lực lượng vũ trang của nước này".

Thương vụ trên vẫn cần được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ, song hiện hầu hết các nhà lập pháp Mỹ đều ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ.

Tướng Ukraine ngầm bác tin sắp bị cách chức

Tư lệnh quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhnyila đã đưa ra một loạt ưu tiên cho Ukraine và nêu tên những thách thức làm suy yếu nỗ lực chiến đấu của nước này trong một bài xã luận ngày 1-2, sau khi một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng ông có thể bị cách chức.

Tướng Zaluzhnyi không đề cập đến sự rạn nứt với Tổng thống Volodymyr Zelensky hoặc khả năng ông bị miễn nhiệm. Trong bài viết của mình, ông Zaluzhnyi cho biết Ukraine cần tìm ra những cách thức và khả năng mới để giành được lợi thế trước Nga.

Ông nhấn mạnh Ukraine cần sản xuất thêm máy bay không người lái. "Điều quan trọng là những hệ thống không người lái này - chẳng hạn như máy bay không người lái - cùng với các loại vũ khí tiên tiến khác, mang lại cách tốt nhất để Ukraine tránh bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh mà chúng ta ở thế bất lợi", ông nói.

Đồng thời, tướng Zaluzhnyi cũng chỉ trích điều mà ông nói là "sự bất lực" của các thể chế nhà nước ở Ukraine trong việc cải thiện trình độ nhân lực của các lực lượng vũ trang, không sử dụng cái mà ông gọi là "các biện pháp không được lòng dân".

Nga bác khả năng đưa vũ khí hạt nhân ra ngoài Belarus

Ngày 1-2, khi được các phóng viên hỏi liệu Nga có triển khai vũ khí hạt nhân ngoài Belarus hay không, chẳng hạn như ở Nam Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov bác bỏ: "Không, điều đó không có trong kế hoạch".

"Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus được thực hiện nhằm chống lại các hoạt động ngày càng hung hăng và đe dọa của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ lãnh đạo", ông này nói thêm.

Ông Ryabkov cũng tuyên bố kế hoạch của Mỹ là triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Anh sẽ không ngăn cản được Nga. "Nếu họ tin rằng việc tái triển khai vũ khí hạt nhân ở Anh là một biện pháp ngăn chặn Nga thì họ đã nhầm. Chúng tôi kêu gọi họ dừng... vòng lặp leo thang vô tận này.", thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Nghệ thuật từ những mảnh đạn

Tin tức thế giới 2-2: Israel đánh bật cả lữ đoàn Hamas; Mỹ áp lực thêm cao vào Iran- Ảnh 3.

Ông Mohammad Nassif (60 tuổi), nghệ nhân Lebanon, dành nhiều giờ mỗi ngày tại xưởng của ông ở thị trấn Shebaa, đông nam Lebanon, để cắt và uốn các mảnh đạn của Israel thành tác phẩm nghệ thuật ủng hộ hòa bình.

Nhiều mảnh đạn pháo đã được tìm thấy trên đỉnh núi Hermon ở biên giới Lebanon - Syria, nơi năm 1973 chứng kiến những trận chiến khốc liệt giữa quân đội Israel và Syria.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn