Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 16-01 -2024: Khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Công Khế

Thứ Ba, 16 Tháng Giêng 20244:04 SA(Xem: 1653)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 16-01 -2024: Khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Công Khế

Hoaluc 3
**********
tuoitre.vn

Khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Công Khế

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Công Khế

Ông Nguyễn Công Khế, ảnh FB Nguyễn Công Khế

Ông Nguyễn Công Khế, ảnh FB Nguyễn Công Khế

Ngày 16-1, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP.HCM, đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Công Khế.

Ông Nguyễn Công khế bị điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản.

Cùng bị bắt với ông Nguyễn Công Khế còn ông Nguyễn Quang Thông. Các sai phạm của 2 ông này được xác định xảy ra trong khi lãnh đạo báo Thanh niên.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đang điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Quá trình điều tra đến nay xác định ông Nguyễn Công Khế - chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên và Nguyễn Quang Thông - nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, đã có nhiều vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại Khu đất số 151 - 155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP Hồ Chí Minh.

19h20, hai xe ô tô của của lực lượng chức năng đã tới Công ty truyền thông Thanh Niên - Ảnh: ĐAN THUẦN

19h20, hai xe ô tô của của lực lượng chức năng đã tới Công ty truyền thông Thanh Niên - Ảnh: ĐAN THUẦN

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 16-1, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tổ bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông.

Cả hai ông bị điều tra dấu hiệu sai phạm về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo Điều 219 Bộ Luật Hình sự. 

Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã phê chuẩn các quyết định và lệnh tố tụng trên.

Hiện vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đang tập trung khẩn trương mở rộng điều tra để làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khác có liên quan, thu hồi tài sản cho Nhà nước.


**********
voatiengviet.com

Nhiều khả năng ông Nguyễn Phú Trọng ‘chỉ ốm nhẹ’

VOA Tiếng Việt

Có những chỉ dấu cho thấy việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vắng mặt trong nhiều ngày chỉ là do ‘ốm nhẹ’ và có khả năng chính quyền lợi dụng việc này để ‘dẹp loạn trên mạng xã hội’, một nhà quan sát chính trị từ trong nước nói với VOA.

Sau nhiều ngày vắng bóng thì cuối cùng ông Trọng đã xuất hiện trở lại tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa 15 vào sáng ngày 15/1 năm 2024, hình ảnh trực tiếp của các kênh truyền hình cho thấy cũng như báo chí trong nước đồng loạt loan tin.

Theo đó, khi được xướng tên, ông Trọng dường như đứng lên một cách khó nhọc với hai tay ghì chặt vào bàn để nhận tiếng vỗ tay chúc mừng của các đại biểu Quốc hội trong khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngồi sát bên dường như có ý muốn đỡ ông Trọng đứng dậy.

Sự xuất hiện trở lại này của ông Trọng ngay lập tức đã dập tắt những đồn đoán râm ran trên mạng xã hội về việc ông Trọng đã rơi vào hôn mê hay thậm chí là đã qua đời và đang được chuẩn bị hậu sự.

Đây không phải là lần đầu tiên những tin đồn trên mạng xã hội về sức khỏe của tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam bị chứng tỏ là sai. Hồi tháng Tư năm 2019, ông Trọng cũng từng bị đồn là bị đột quỵ khi ông vắng mặt suốt một tháng sau chuyến kinh lý đến tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, sau đó ông đã xuất hiện trở lại trong trạng thái khoẻ mạnh và thực thi chức trách cho đến nay.

Trên trang cá nhân của mình, facebooker Hoàng Dũng, một trong những người đưa tin về việc ông Trọng đã chết và nội bộ Đảng Cộng sản đang tìm người kế nhiệm, đã đăng bài xin lỗi vì đã ‘bị việt vị’.

“Nhận được tin Trọng (qua đời), mình có kiểm tra chéo, có thẩm định nhưng đã bị cảm xúc chi phối dẫn đến việc tin chắc rằng Trọng đã chết. Thực ra, chỉ ở mức nhập viện,” facebooker đồng thời là nhà hoạt động này viết hôm 16/1, một ngày sau khi ông Trọng tái xuất.

“Xin được nhận lỗi về việc đưa tin sai vừa rồi,” ông Dũng viết và nói thêm rằng ‘chắc chắn trong thời gian tới ông sẽ tiếp tục bị niềm tin ông Trọng (sức khỏe yếu) chi phối’ nhưng ông ‘sẽ cân nhắc kỹ hơn’.

Ông Hoàng Dũng thừa nhận khi loan tin về ông Trọng ông ‘hy vọng vào những xáo trộn mạnh mẽ trong nội bộ của họ’.

Trong một bài viết được nhiều người chia sẻ lại trên Facebook, trang ‘Nam Quốc Sơn Hà’ cho rằng việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện là ‘cái tát cho những cái miệng độc của bè lũ chống phá’ và gọi những người loan tin về sức khỏe ông Trọng là ‘bọn cơ hội chính trị, bọn thoái hóa biến chất, bọn ưng khuyển chống phá cách mạng’.

“Một lần nữa, chúng ta thấy rõ bộ mặt của chúng,” trang ‘Nam Quốc Sơn Hà’ viết.

‘Dẹp tan dư luận’

Trao đổi với VOA từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, nhà quan sát chính trị và là blogger thường được biết đến với tên gọi Ba Sàm, cho biết trong thời gian ông Trọng biến mất, ông nhận được ba luồng tin khác nhau là ‘ông Trọng qua đời’, ‘ông Trọng hôn mê sâu’ và ‘ông Trọng bị ốm nên nhập viện’.

“Hai cái tin đầu đã chứng tỏ là sai, còn tin thứ ba cho rằng ông chỉ bị cảm cúm gì đấy thôi là đúng, vì qua hình ảnh trên truyền hình tôi thấy ông Trọng còn hát Quốc ca được,” ông Vinh nói.

“Ông ấy chỉ bị ốm nhẹ nhưng vì cẩn trọng nên ông ấy được nhập viện và không tham gia các cuộc gặp quan trọng,” blogger này nhận định. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng ‘chắc chắn ông Trọng yếu hơn trước do mới bệnh dậy’.

Ông Vinh cho rằng việc ông Trọng có mặt tại phiên khai mạc một kỳ họp Quốc hội là cần thiết và ‘cũng là để đánh tan dư luận’. Theo quan sát của ông, lần này chính quyền Việt Nam đã có phản ứng nhanh hơn trong việc đối phó với tin đồn trong khi hồi năm 2019, tin đồn về ông Trọng ‘đột quỵ’ đã âm ỉ được 10 ngày thì bà Nguyễn Thị Kim Ngân, khi đó là Chủ tịch Quốc hội, mới lên tiếng là ‘ông không được khỏe’.

Theo phân tích của ông thì bộ máy tuyên truyền của chính quyền Việt Nam ‘đã được đắc ý’ và nhân cơ hội này đả phá các thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

“Họ muốn cảnh báo dư luận mạng xã hội và vỉa hè đừng có đồn đoán lung tung, đừng có bịa đặt làm hoang mang dư luận mà hãy chờ thông tin chính thức của Nhà nước.”

Ông cho rằng giả sử ông Trọng qua đời hay nằm liệt giường thì Việt Nam ‘sẽ rơi vào khoảng trống quyền lực’ kích hoạt cuộc đua tìm người chấp chính. “Hoàn cảnh rất nhạy cảm phù hợp với mong muốn của nhiều người loan tin đồn,” ông nói.

Nhận định về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, blogger Ba Sàm nói ‘nếu như hết sức giữ gìn, hạn chế những hoạt động xuất hiện hay đi lại thì ông ấy có thể giữ được sức khoẻ để cầm cự đến Đại hội Đảng’.

Tại kỳ Đại hội Đảng kế tiếp vào năm 2026, Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ chỉ định người thay thế ông Trọng, người đã nắm quyền Tổng bí thư ba nhiệm kỳ liên tiếp, nhiều hơn bất cứ ai kể từ thời ông Lê Duẩn.

Hai cuộc tiếp xúc vừa rồi với Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9 và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12 năm ngoái theo ông Vinh là ‘quá dồn dập, không tốt cho ông Trọng’.

“Người đã từng bị tai biến thì rất dễ bị lại, mà đã bị lại thì sẽ rất nặng,” ông cảnh báo.

Khi được hỏi liệu Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam có chuẩn bị ‘kế hoạch B’ cho trường hợp sức khỏe ông Trọng xấu đi hay không, ông Vinh nói ‘họ có kế hoạch dự phòng nhưng khó mà vừa ý ông Trọng’.

“Tôi tin là ông Nguyễn Phú Trọng chưa ưng ý và yên tâm được một ai để kế nhiệm ông,” ông Vinh nói. “Có lẽ người ông tương đối tin tưởng thì vẫn còn non, không có đủ uy tín và quyết tâm làm tới cùng công cuộc đốt lò này.”


********
rfi.fr

Tên lửa Iran tấn công ‘‘căn cứ gián điệp’’ Israel ở Irak

Trọng Thành

Trong đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay 16/01/2024, Iran đã tấn công bằng  tên lửa vào nhiều mục tiêu tại Irak và Syria. Theo bộ Ngoại Giao Iran, các cuộc tấn công với ‘‘độ chính xác cao’’ này là phù hợp với ‘‘quyền tự vệ chính đáng’’ của Teheran nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Đăng ngày:

2 phút

Thông tín viên Siavos Ghazi tường trình từ Teheran :

Theo tuyên bố của lực lượng Vệ binh Cách mạng, các căn cứ của Daech, đặc biệt là chi nhánh Khorasan và đảng Turkestan, ở cực bắc Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, đã là mục tiêu tấn công để đáp trả vụ khủng bố ngày 3/01 ở Kerman khiến gần 100 người thiệt mạng, vụ khủng bố mà Daech đã nhận trách nhiệm. 

Trong khi đó, các cuộc tấn công nhắm vào Erbil, khu vực người Kurdistan ở Irak, vào một trung tâm gián điệp Mossad của Israel, là nhằm đáp trả việc Israel ám sát các chỉ huy của lực lượng Vệ binh Cách mạng và các lực lượng thuộc liên quân chống Israel. Một quan chức cấp cao của Vệ binh Cách mạng, Seyed Razi Moussavi, đã bị giết vào cuối tháng 12/2023 trong một cuộc tấn công của Israel ở Damas, cũng như một thủ lĩnh Hezbollah và một quan chức Hamas đã thiệt mạng trong hai cuộc tấn công ở Liban vào tháng 1. 

Các cuộc tấn công của Iran diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực vốn đã căng thẳng, chiến tranh giữa Israel và Hamas làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lan rộng trong khu vực, đặc biệt là khi các mục tiêu nhắm tới ở Syria nằm cách Iran hơn 1.200 km. Đây là một thông điệp gửi tới Israel, cũng nằm ở một khoảng cách tương tự. Bất chấp cảnh báo từ Hoa Kỳ và Anh, Iran đã thực hiện các cuộc tấn công này, nhằm chứng tỏ Teheran không sợ các đe dọa từ Washington và Luân Đôn. 

Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm nay đã lên án cuộc tấn công của Iran vào khu vực của người Kurdistan ở Irak. Về phần mình, bộ Ngoại Giao Pháp nhấn mạnh đây là các hành động xâm phạm chủ quyền của Irak ‘‘không thể chấp nhận được’’ và ‘‘góp phần làm gia tăng căng thẳng tại khu vực’’.


***********

Ukraina khẳng định bắn hạ hai máy bay chỉ huy và trinh sát của Nga

Quân đội Ukraina ngày 15/01/2024 cho biết đã phá hủy hai máy bay chiến lược của Nga trên không phận vùng biển Azov. Hai phi cơ này dường như đang hoạt động theo hướng vùng Kherson, nơi đang diễn ra các trên giao tranh ác liệt bên bờ tả ngạn sông Dniepr. 

Hình tư liệu minh họa:  Một máy bay trinh sát tầm xa Beriev A-50 của Nga. Ảnh do không quân Na Uy chụp trong bầu trời vùng biển quốc tế ngoài khơi Na Uy ngày 17/08/2027.
Hình tư liệu minh họa: Một máy bay trinh sát tầm xa Beriev A-50 của Nga. Ảnh do không quân Na Uy chụp trong bầu trời vùng biển quốc tế ngoài khơi Na Uy ngày 17/08/2027. AFP - NORWEGIAN AIRFORCE

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết thêm thông tin : 

Sáng thứ Hai, tướng Valery Zaloujny, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina, đã xác nhận thông tin lan truyền từ nhiều giờ trước, theo đó, không quân Ukraina đã triệt hạ một máy bay cảnh báo sớm loại Beriev A-50 cũng như vô hiệu hóa một máy bay chỉ huy loại Iliouchine 22 của Nga. 

Chiếc đầu tiên dường như đã bị nổ tung khi đang bay, còn chiếc thứ hai có lẽ đã bị bắn trúng và bị hư hại nghiêm trọng. Iliouchine 22 dường như đã bay về được căn cứ quân sự Anapa của Nga, nhưng kể từ giờ thì không thể sửa chữa được. 

Những chiếc máy bay A-50 khổng lồ này chuyên thu thập thông tin tình báo trên không phận Ukraina. Quân đội Nga chỉ có 9 chiếc và đây có lẽ là chiếc thứ ba bị ngừng hoạt động. 

Theo nhiều chuyên gia hàng không Ukraina, đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử quân sự thế giới một máy bay radar bị bắn hạ trên không trong lúc tác chiến. 

Hiện chưa biết loại hệ thống phòng không nào đã được sử dụng để bắn trúng hai chiếc máy bay này. Tầm bắn của hệ thống tên lửa Patriot nằm trong khoảng từ 80 đến 100 km. 

Dầu sao thì cuộc tấn công táo bạo này được coi là một dấu hiệu đáng khích lệ trước khi Ukraina triển khai những chiến đấu cơ F-16 đầu tiên trong năm 2024.


*********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

4 phút

(AFP) - Hồng Hải : Lần đầu tiên quân Houthi tấn công tàu Mỹ. Quân đội Mỹ hôm qua, 14/01/2024, cho biết đã bắn hạ một tên lửa hành trình của quân nổi dậy Houthi, ở Yemen. Trước đó, hôm thứ Sáu 12/01, liên quân Anh – Mỹ đã oanh kích hàng loạt căn cứ của Houthi trên khắp Yemen. Kể khi Israel tấn công Gaza, lực lượng Houthi – đồng minh của Iran – đã liên tục tấn công vào tuyến hàng hải huyết mạch đi qua Hồng Hải, chiếm khoảng 12% lưu thông hàng hải thế giới.

(AFP) – Liên Hiệp Quốc kêu gọi đóng góp 4,2 tỉ đô la trong năm 2024 để hỗ trợ người Ukraina, do Nga xâm lược. Kêu gọi được người điều phối cơ quan nhân đạo Liên Hiệp Quốc, Martin Griffiths, đưa ra hôm qua, 14/01/2024 tại Genève. Riêng trợ giúp (cũng nằm trong khoản tiền này) hướng tới khoảng 6,3 triệu người tị nạn Ukraina ở nước ngoài sẽ giảm xuống còn 3,1 tỉ đô la, giảm so với 3,9 tỉ đô la hồi năm ngoái. Liên Hiệp Quốc muốn tập trung cho một số đòi hỏi nhân đạo khẩn cấp cho khoảng 14,6 triệu người ngay tại Ukraina.

(AFP) - Lĩnh vực AI sẽ tác động đến 60% việc làm tại các nền kinh tế phát triển và trỗi dậy. Trên đây là nhận định của giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Kristalina Georgieva, khi trả lời phỏng vấn AFP hôm 14/01/2024. Cho đến nay, Singapore, Mỹ và Canada là những nước chuẩn bị tốt nhất để đón nhận AI. Theo báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, những việc làm đòi hỏi trình độ càng cao thì càng dễ bị tác động, nhưng hệ quả không phải dĩ nhiên là tiêu cực, bởi thu nhập của người lao động có thể được nâng cao. Tuy nhiên, AI cũng thúc đẩy bất bình đẳng về lương.

(AFP) - Maldives yêu cầu Ấn Độ rút quân trước ngày 15/03/2024. New Delhi hiện có 89 binh sĩ trú đóng tại Maldives. Đề nghị được tổng thống Mohamed Muizzu đưa ra sau chuyến công du Trung Quốc trở về trong tuần qua. Theo thư ký về chính sách công của tổng thống Maldives, hồ sơ này được xem xét trong cuộc họp của ủy ban cấp cao giữa hai nước Maldives và Ấn Độ. Từ khi Mohamed Muizzu đắc cử tổng thống hồi tháng 09/2023, Maldives đã ngả mạnh về phía Trung Quốc, « chủ nợ » lớn nhất của Maldives hiện nay.

(AFP) - Trung Quốc bắt giữ một cựu chủ tịch ngân hàng. Tư Pháp Trung Quốc ngày 15/01/2024 thông báo bắt giữ ông Đường Song Trữ, cựu chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng nhà nước Everbright, theo lệnh của Viện Công Tố. Theo các cuộc điều tra, ông Đường bị cáo buộc tham nhũng và có hành vi nhận hối lộ.

(Reuters) - Nga ra mắt Ruwiki, một phiên bản tiếng Nga của Wikipedia. Nhật báo Kommersant, hôm nay, 15/01/2024, đưa tin các thử nghiệm trên Ruwiki – một dạng bách khoa toàn thư – được bắt đầu từ giữa năm 2023 và đã có nhiều bài viết hơn so với phân khúc tiếng Nga của Wikipedia. Hiện tại Matxcơva vẫn chưa có kế hoạch chặn Wikipedia, một trong số ít nguồn thông tin độc lập còn tồn tại ở Nga kể từ khi Matxcơva tăng cường trấn áp các nội dung trực tuyến sau khi nổ ra cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga. Tháng 5/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt các nền tảng mới thay thế cho Wikipedia.

(AFP) – Giải điện ảnh Critics Choice Awards : Phim Oppenheimer về cha đẻ bom nguyên tử giành 8 giải thưởng. Tại Los Angeles, giải Lựa chọn của giới phê bình điện ảnh Mỹ hôm qua, 14/01/2024, đã vinh danh bộ phim của đạo diễn Christopher Nolan với giải thưởng dành cho bộ phim hay nhất, đạo diễn xuất nhất và nhiều giải khác. Theo giới quan sát, đây là một bước đệm hứa hẹn thành công lớn của bộ phim về cha đẻ bom nguyên tử tại giải Oscars. Giải Lựa chọn của giới phê bình điện ảnh Mỹ là giải của tổ chức lớn nhất của các nhà phê bình điện ảnh Mỹ, với khoảng 600 thành viên. Bộ phim Pháp Anatomie d'une chute, Cành Cọ Vàng 2023, cũng được trao giải.


************
rfi.fr

Pháp khó “chen chân” vào thị trường vũ khí Việt Nam

Thu Hằng

Năm 2023, Việt Nam và Pháp đánh dấu kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ hai của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực từ khoa học công nghệ đến văn hóa. Về quốc phòng, hai nước đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2028 và Hiệp định khung về hợp tác quốc phòng.

Tuy nhiên, hợp tác quốc phòng giữa hai nước hiện chỉ dừng ở “phần mềm”. Hoạt động song phương gần đây nhất là Đối thoại hợp tác và chiến lược quốc phòng Việt - Pháp lần thứ ba tại Paris ngày 18/12/2023. Theo trang Vietnam News ngày 20/12, hai bên nhất trí trong thời gian tới, “tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng thiết thực, hiệu quả […] nghiên cứu ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác, huấn luyện, tăng cường hợp tác quân y, hợp tác về an ninh biển, an ninh mạng, chống khủng bố và khắc phục hậu quả sau chiến tranh”.

Dù Việt Nam đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, Pháp vẫn không thể “chen chân” với các đối tác khác của Hà Nội. Lý do tại sao ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, tại Canberra, Úc.


RFI : Một số nhà sản xuất vũ khí, trang thiết bị quốc phòng Pháp tham gia Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2022 và cho biết sẵn sàng hợp tác với các đối tác Việt Nam. Hiện giờ Pháp hợp tác với Việt Nam trong những mảng nào ?

Nguyễn Thế Phương : Hiện nay, quan hệ quốc phòng Việt-Pháp có nhiều mảng khác nhau, có cả mua bán vũ khí, nhưng phần lớn liên quan đến những lĩnh vực hợp tác mang yếu tố ngoại giao quốc phòng. Ví dụ Pháp hỗ trợ Việt Nam mảng gìn giữ hòa bình. Pháp đào tạo cho các sĩ quan Việt Nam một số mảng như quân y, tình báo, công nghiệp quốc phòng. Hai bên phối hợp tăng cường thấu hiểu lẫn nhau, như trao đổi quan điểm trong các tổ chức đa phương.

Mối hợp tác như vậy nổi trội hơn hẳn so với “phần cứng”, ví dụ mua bán vũ khí. Hiện nay, chỉ có Airbus là có hợp tác quốc phòng “sâu rộng” với Việt Nam. Nhưng phải nói Airbus không phải là của Pháp mà là của châu Âu. Mua bán ở đây chủ yếu là máy bay trực thăng. Việt Nam hiện có tầm 12-15 máy bay trực thăng mua từ Airbus. Mối quan hệ giữa quân đội Việt Nam với Airbus cũng tương đối ổn khi mà danh mục mua sắm vũ khí của Việt Nam đang quan tâm tới rất nhiều loại máy bay. Mục đích chủ yếu hiện nay mới là tìm hiểu và xem sắp tới Việt Nam có thể hợp tác nhiều hơn với Pháp hay không, đặc biệt là thông qua Airbus.

Ngoài lĩnh vực hàng không còn phải nói đến lĩnh vực vũ trụ khi mà Pháp hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề chế tạo một số loại vệ tinh nhỏ, ví dụ VNREDSat. Đó là một loại vệ tinh mà Việt Nam và Airbus hợp tác với nhau liên quan tới hàng không vũ trụ. Còn những vấn đề mua bán vũ khí không được nổi trội lắm.

Hiện tại, hợp tác quốc phòng Việt-Pháp không nổi bật lắm khi so với hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước khác, ví dụ với Israel hay với Ấn Độ.

RFI : Vũ khí, khí tài của Pháp - một trong những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới - vắng bóng trong kho của Việt Nam. Đâu là lý do giải thích cho hiện tượng này ?

Nguyễn Thế Phương : Có khá nhiều lý do. Hợp tác quốc phòng Việt-Pháp thực ra đã được khởi động từ những năm 1990 khi Việt Nam bắt đầu bình thường hóa với các nước phương Tây, cũng như tìm cách hội nhập với thế giới. Một trong những nước đầu tiên mà Việt Nam tiếp cận liên quan đến vấn đề hiện đại hóa, chính là Pháp. Điển hình là hợp đồng Việt Nam muốn mua khoảng 12 máy bay Mirage-2000 của Pháp trong những năm 1995-1996. Hợp đồng đó bị đổ bể bởi vì trong giai đoạn đó Việt Nam vẫn bị cấm vận vũ khí. Mỹ là nước ngăn cản thương vụ đó.

Từ giai đoạn đó cho tới gần đây, rõ ràng là vũ khí Pháp, đặc biệt là các vũ khí mang tính “nóng”, tức là đánh nhau được và các vũ khí phức tạp, hoàn toàn không thể chen chân vào thị trường vũ khí Việt Nam được.

Thứ nhất là do vấn đề chính trị, cấm vận vũ khí tới tận 2016 Mỹ mới dỡ bỏ. Thứ hai là vấn đề tích hợp. Điểm này cũng giống với tất cả các loại vũ khí phương Tây khác khi mà Việt Nam đã sử dụng vũ khí hệ Nga-Liên Xô quá lâu. Có nghĩa là toàn bộ chi phí vận hành, bảo dưỡng, huấn luyện, mua sắm liên quan đến hệ vũ khí Nga-Liên Xô nên khi chuyển đổi một hệ vũ khí khác thì sẽ rất tốn kém. Nhưng đó chỉ là một phần. Điểm tiếp theo là giá của vũ khí, đặc biệt là các loại như máy bay, tầu chiến, có nghĩa là các loại vũ khí lớn của Pháp quá mắc. Điều này dẫn tới Việt Nam khá e ngại mua các loại vũ khí của Pháp nói riêng. Vì ngoài Airbus, Pháp còn có nhiều nhà thầu lớn như Dassault, nhưng những loại vũ khí đó so với nhu cầu của Việt Nam hiện tại thì giá thành mắc. Cho nên Việt Nam phải có những lựa chọn khác, rẻ hơn nhưng phù hợp với chi phí vận hành, bảo dưỡng, huấn luyện mà Việt Nam hiện có. Đó cũng là một trong những ba lý do chính.

Ngoài ra còn có những lý do đằng sau, ví dụ liên quan đến tham nhũng. Ví dụ hợp đồng Việt Nam mua ba máy bay vận tải tầm trung của Airbus. Mặc dù không liên quan đến Pháp lắm nhưng có vấn đề liên quan đến cách hai bên mua sắm vũ khí. Quá trình mua sắm vũ khí gặp phải một số bất trắc dẫn tới là hai bên nhiều khi không tìm được tiếng nói chung để có thể đi tới hoàn tất hợp đồng đó. Tham nhũng là một phần. Đây là một yếu tố phụ.

Do đó, vũ khí Pháp, cho tới thời điểm hiện tại, hầu như vắng bóng trong toàn bộ quá trình thảo luận liên quan đến hiện đại hóa, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

RFI : Chúng ta thấy Pháp bán vũ khí cho Indonesia, Malaysia. Ngoài những lý do như vừa nêu về giá, khả năng tích hợp, cấm vận cho đến năm 2016, liệu còn có trở ngại nào khác không, ví dụ vấn đề địa-chính trị, điểm nóng Biển Đông có liên quan đến Trung Quốc ?

Nguyễn Thế Phương : Vấn đề ở đây không phải là từ phía Pháp mà là nhu cầu, cũng như sự lựa chọn của Việt Nam như thế nào. Vấn đề chính từ phía Việt Nam cũng không hẳn là vấn đề lo ngại Trung Quốc hay điều gì khác. Bởi vì nếu lo ngại với Trung Quốc thì Việt Nam đã không hợp tác sâu hơn với Mỹ về vấn đề quốc phòng. Tức là Việt Nam đã hợp tác với Mỹ rồi thì không có cớ gì mà không hợp tác với Pháp được cả. Phải nhấn mạnh như vậy !

Cái chính vẫn là liên quan tới vấn đề giá cả, cũng như lợi ích của loại vũ khí. Bởi vì hiện nay, so với các loại vũ khí Pháp, đặc biệt là những loại vũ khí lớn như máy bay chiến đấu, tầu chiến, thì lựa chọn thay thế của Việt Nam rất là nhiều. Mặc cho cuộc chiến của Nga ở Ukraina, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Nga hiện nay vẫn tốt. Ngoài ra còn có rất nhiều quốc gia khác có thể cung cấp vũ khí tương tự với giá rẻ hơn, ví dụ trong tương lai là Hàn Quốc hoặc các quốc gia Đông Âu như CH Séc và đặc biệt là Mỹ, khi mà quan hệ Việt-Mỹ giờ đã lên mức “đối tác chiến lược toàn diện” thì khả năng trong tương lai ngắn, tầm 5 năm nữa, Mỹ chuyển giao cho Việt Nam một số loại vũ khí “bự”, chẳng hạn máy bay, có tin đồn Mỹ có thể cung cấp F-16 cho Việt Nam.

Điều này dẫn tới khả năng cạnh tranh của các loại vũ khí Pháp nói riêng và Tây Âu nói chung ở thị trường Việt Nam hiện nay tương đối là yếu và khả năng có được một hợp đồng lớn nào đó giữa Việt Nam và Pháp hiện nay khá là thấp.

Ngoài những vũ khí mà Tây Âu có thế mạnh, như trực thăng, cũng như những loại máy bay vận tải tầm trung, thì còn có khả năng nhưng thị trường đó hiện cũng bị cạnh tranh rất gay gắt, trong đó phải kể đến những nước có thể cạnh tranh nhất, ví dụ Nga - thị trường truyền thống của Việt Nam, tiếp theo là Hàn Quốc khi họ bắt đầu vươn lên thành một quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng hàng thứ 4, thứ 5 trên thế giới. Do đó, khả năng cạnh tranh của vũ khí Pháp hiện nay ở thị trường Việt Nam cũng xuống đi rất nhiều.

Nói tóm lại vẫn là yếu tố khả năng cạnh tranh của vũ khí Pháp và nhu cầu của Việt Nam thông qua đánh giá về giá cả cũng như lợi ích mà vũ khí đó mang lại cho Việt Nam cũng như với chiến lược quốc phòng tổng thể của Việt Nam. Còn vấn đề liên quan đến địa-chính trị cũng có nhưng không quan trọng trong cân nhắc của Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến mua bán vũ khí hoặc tiềm năng hợp tác quốc phòng với Pháp.

RFI : Vậy trong tương lai, Pháp và Việt có thể tiếp tục hợp tác trên khía cạnh nào ?

Nguyễn Thế Phương : Vấn đề có thể được đẩy mạnh trong tương lai là hai bên tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng. Ví dụ Pháp và Việt Nam có một số chương trình hợp tác chung để phát triển chung một loại vũ khí nào đó hoặc phát triển được một công nghệ vũ khí nào đó cho Việt Nam. Điều này có thể có khả năng xảy ra, thậm chí là còn cao hơn rất nhiều so với việc Việt Nam mua một loại vũ khí nào đó của Pháp. Bởi vì chính sách hiện nay của Việt Nam cũng là ưu tiên tăng cường kết nối giữa Việt Nam và các nước tiên tiến và giúp đỡ Việt Nam phát triển công nghiệp quốc phòng thay vì mua sắm vũ khí của nước ngoài.

Ưu tiên này cũng dẫn tới khả năng trong tương lai ngắn sẽ không có một hợp đồng lớn nào liên quan đến kiểu mua máy bay, tầu ngầm, tầu chiến mà chỉ là những “phần mềm” đằng sau : hợp tác về gìn giữ hòa bình, huấn luyện cũng như là liên quan tới công nghiệp quốc phòng là chủ yếu. 

RFI Tiếng Việt xin trân thành cảm ơn nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, Canberra, Úc.


***********
voatiengviet.com

Nga tuyên bố sẽ phát triển quan hệ với Triều Tiên

Reuters

Nga sẽ phát triển quan hệ với Triều Tiên trong tất cả các lĩnh vực dựa trên thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo hồi tháng 9, Điện Kremlin cho biết hôm thứ Hai, khi các bộ trưởng ngoại giao của hai nước dự kiến gặp nhau ở Moscow.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui đã đến Moscow hôm Chủ nhật trong chuyến thăm hiếm hoi tới Nga để hội đàm với Ngoại trưởng Sergei Lavrov khi hai nước đang tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự.

Khi Nga đang ngày càng bị quốc tế cô lập vì họ xâm lược Ukraine, các nhà phân tích cho rằng Moscow đã nhận thấy giá trị ngày càng tăng trong mối quan hệ của mình với Triều Tiên.

Về phần Triều Tiên, quan hệ với Nga không phải lúc nào cũng nồng ấm như thời kỳ đỉnh cao của Liên Xô, nhưng nước này đang hưởng lợi từ nhu cầu kết thân của Moscow.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Triều Tiên là nước láng giềng và đối tác thân cận nhất của chúng tôi, những người mà chúng tôi đang phát triển và có ý định phát triển hơn nữa quan hệ đối tác trong mọi lĩnh vực”.

Ông cho biết chuyến thăm này nhằm thảo luận thêm về các thỏa thuận mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đạt được về một cơ sở phóng phi thuyền ở vùng viễn đông của Nga vào tháng 9, nơi Tổng thống Nga Vladimir Putin hứa sẽ giúp Bình Nhưỡng chế tạo vệ tinh.

"Đối thoại ở tất cả các cấp sẽ tiếp tục...Chúng tôi mong muốn có những cuộc đàm phán tích cực và hiệu quả."

Nga đã tăng cường quan hệ với Triều Tiên kể từ khi họ bắt đầu xua quân xâm lược Ukraine gần hai năm trước, mối quan hệ này khiến phương Tây lo ngại, đặc biệt sau những cáo buộc rằng Moscow đã bắn tên lửa đạn đạo do Triều Tiên chế tạo vào các mục tiêu ở Ukraine.

Triều Tiên tiếp tục đẩy mạnh phát triển tên lửa đạn đạo và thử tên lửa siêu thanh tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn mới, KCNA đưa tin, một động thái bị Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lên án.

Moscow và Bình Nhưỡng phủ nhận các thỏa thuận vũ khí nhưng cho biết họ sẽ tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực và đã tổ chức một loạt cuộc gặp cấp cao kể từ năm ngoái, bao gồm cả cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Putin và ông Kim.

Phát ngôn viên Peskov nói Nga hy vọng chuyến thăm của ông Putin tới Triều Tiên, theo lời mời của ông Kim, sẽ diễn ra "trong tương lai gần", nhưng ông cho biết vẫn chưa thống nhất được ngày giờ.

Ông Artyom Lukin, tại Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga, nhận định: “Vì mối quan hệ Nga-Triều đang hình thành khá nhiều mặt, tất cả các vấn đề đều có thể được thảo luận giữa Lavrov và Choe. Nếu bà ấy gặp Tổng thống Nga, đây có thể là một dấu hiệu khác cho thấy Putin sẽ thăm Bình Nhưỡng trong năm nay”.

Một dấu hiệu nổi bật về mối quan hệ sâu sắc hơn xuất hiện vào tháng 7, khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đến thăm Bình Nhưỡng và tham quan một cuộc triển lãm vũ khí trong đó có tên lửa đạn đạo bị cấm của Triều Tiên.

Tiếp theo đó là chuyến đi của ông Kim tới Nga, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.

Ông Lukin nói: “Tóm lại, Triều Tiên ngày càng cảm thấy bất an và dễ bị tổn thương trước Hàn Quốc. Nga hiện là cường quốc duy nhất có thể giúp tăng cường an ninh chiến lược quân sự của Bình Nhưỡng”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết chuyến thăm của ngoại trưởng Triều Tiên sẽ bao gồm các cuộc đàm phán nhưng không nêu chi tiết.

“Người phương Tây liên tục đưa ra câu chuyện rằng Nga bằng cách nào đó lại cư xử khác đi và không có quyền liên lạc với Triều Tiên”, bà Zakharova nói trên kênh truyền hình nhà nước Rossiya-1 hôm Chủ nhật.

“Chúng tôi có quyền làm bất cứ điều gì chúng tôi cho là cần thiết, có tính đến thực tế là chúng tôi liên tục tuyên bố tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Bà Choe hồi tháng 10 nói rằng những lời chỉ trích của Hoa Kỳ và các đồng minh về việc Triều Tiên bị nghi ngờ chuyển giao vũ khí cho Nga đã bị chính trị hóa và bóp méo, đồng thời nói rằng mối quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng sẽ đạt đến một “giai đoạn mới và cao hơn”.

Nga và Triều Tiên chưa bình luận cụ thể về cáo buộc Moscow sử dụng tên lửa Triều Tiên ở Ukraine.


***********
voatiengviet.com

Philippines sẽ phát triển đảo ở Biển Đông

Reuters

Tư lệnh Lục quân Romeo Brawner của Manila nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng Philippines sẽ phát triển các hòn đảo ở Biển Đông mà nước này coi là một phần lãnh thổ của mình để quân đội có thể sinh sống trên những hòn đảo đó.

Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc -- cả hai đều tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và liên tục cáo buộc nhau có hành vi gây hấn trên thủy lộ chiến lược này.

Ngoài Bãi cạn Second Thomas, được người dân địa phương gọi là Ayungin, Philippines chiếm giữ 8 thực thể khác ở Biển Đông và coi chúng là một phần vùng đặc quyền kinh tế của mình.

“Chúng tôi muốn cải thiện tất cả chín hòn đảo, đặc biệt là các hòn đảo mà chúng tôi đang chiếm đóng”, ông Brawner nói sau khi tham dự hội nghị quân sự do Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. chủ trì tại trụ sở quân đội.

Các thực thể này bao gồm đảo Thị Tứ, hòn đảo lớn nhất và quan trọng nhất về mặt chiến lược ở Biển Đông. Đảo Thị Tứ, mà người địa phương gọi là Pag-asa, nằm cách tỉnh Palawan của Philippines khoảng 480 km về phía tây.

Tướng Brawner nói rằng quân đội muốn đưa một máy khử muối đến cho binh sĩ đóng trên một tàu chiến sử dụng. Philippines cố tình neo đậu chiếc tàu chiến đã hỏng này ở Bãi cạn Second Thomas vào năm 1999 để khẳng định yêu sách chủ quyền của mình.

Ngoài Philippines, Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam đều có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau ở Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa trị giá hơn 3 nghìn tỷ đôla qua lại mỗi năm.

Tướng Brawner cho biết, kế hoạch hiện đại hóa quân đội cũng bao gồm việc mua thêm tàu, radar và máy bay khi Philippines chuyển trọng tâm từ phòng thủ nội địa sang lãnh thổ


*********
voatiengviet.com

Quân đội Ukraine tuyên bố bắn hạ hai máy bay quan trọng của Nga

Reuters

Quân đội Ukraine hôm thứ Hai cho biết không quân của họ đã phá hủy một máy bay trinh sát Beriev A-50 của Nga và một máy bay chỉ huy trên không Ilyushin Il-22 ở khu vực Biển Azov. Những thiệt hại này có thể khiến chiến dịch tấn công bằng tên lửa của Nga vào Ukraine bị trì hoãn.

Kyiv không tiết lộ làm thế nào các máy bay tinh vi này của Nga bị tấn công vào thời điểm gần tròn hai năm kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Moscow. Biển Azov nằm cách khu vực Kyiv nắm giữ khoảng 100 km. Bộ Quốc phòng Nga chưa có bình luận ngay lập tức.

Tư lệnh quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhnyi, trong thông báo về vụ tấn công trên Telegram Messenger, đã đăng một đoạn video về bản đồ theo dõi máy bay cho thấy các máy bay đã bị bắn hạ trên Biển Azov, nằm về phía đông bán đảo Crimea bị Nga chiếm đóng.

Reuters không thể xác minh tuyên bố của ông Zaluzhnyi một cách độc lập.

Vài giờ sau tuyên bố của ông Zaluzhnyi, một blog quân sự của Nga chuyên đưa tin về lực lượng không quân đã đăng hình ảnh phần đuôi đầy mảnh đạn của một chiếc Il-22 đang đứng trên đường băng và ca ngợi các phi công là "những anh hùng thực sự".

A-50, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng gần cuối thời kỳ Xô Viết, là máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không cỡ lớn, có thể quét một khu vực rộng vài trăm km để phát hiện máy bay, tàu và tên lửa của đối phương.

Người phát ngôn của Bộ chỉ huy quân sự miền Nam Ukraine, Natalia Humeniuk, nói trong một cuộc họp báo rằng Nga đã sử dụng máy bay này một cách rộng rãi để chuẩn bị và tiến hành các cuộc tấn công tên lửa tầm xa vào Ukraine.

Bà nói: “Chúng tôi cho rằng một máy bay A-50 bị phá huỷ như vậy sẽ khá đau đớn và ít nhất nó sẽ làm trì hoãn các cuộc tấn công lớn bằng tên lửa”.

Một số blogger quân sự Nga cho rằng việc bắn rơi máy bay A-50 sẽ là một tổn thất to lớn đối với không quân Nga vì số lượng máy bay này hoạt động là rất hạn chế.

Bộ Quốc phòng Ukraine định giá chiếc A-50 cỡ 330 triệu đôla.

Hiện chưa rõ Nga có bao nhiêu chiếc A-50 đang phục vụ.

Tổ chức tư vấn IISS có trụ sở tại London cho biết trong một báo cáo năm 2021 rằng Nga có 9 máy bay A-50 đang hoạt động, trong đó có 4 máy bay A-50U đã cải tiến.

Bộ Quốc phòng Nga hồi đầu năm ngoái cho biết máy bay A-50U hiện đại hóa đã thực hiện các nhiệm vụ trong cuộc chiến ở Ukraine.

Máy bay này có tên trên báo cáo của NATO là Mainstay, có thể phát hiện hơn 300 mục tiêu cùng một lúc. Nó có thể phát hiện và theo dõi hoạt động phóng tên lửa ở khoảng cách 800 km và các mục tiêu trên mặt đất và trên biển ở khoảng cách 300 km.


**********
voatiengviet.com

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xuất viện

Reuters

Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã được xuất viện hôm thứ Hai 15/1, hai tuần sau khi nhập viện do biến chứng từ điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Ông Austin, 70 tuổi, được đưa vào Quân y viện quốc gia Walter Reed ở Maryland vào ngày 22/12 để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Ông đã nhập viện trở lại vào ngày 1 tháng 1 do các biến chứng bao gồm nhiễm trùng tiết niệu. Việc nhập viện của ông không được tiết lộ cho đến 4 ngày sau đó và Lầu Năm Góc không nêu rõ lý do tại sao ông phải điều trị cho đến ngày 9/1.

"Tôi rất biết ơn sự chăm sóc tuyệt vời cho tôi tại Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed và tôi xin cảm ơn các bác sĩ và nhân viên điều dưỡng xuất sắc vì tính chuyên nghiệp và sự hỗ trợ tuyệt vời của họ. Tôi cũng xin cảm ơn và đánh giá cao tất cả những lời chúc tốt lành cho tôi chóng bình phục", ông Austin nói trong một tuyên bố khi được xuất viện.

Các bác sĩ tại Walter Reed cho biết nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc đã được xét nghiệm và chăm sóc không phẫu thuật để giải quyết các biến chứng, bao gồm đau chân, và sẽ không cần điều trị ung thư thêm.

Các bác sĩ của ông cho biết trong một tuyên bố do Lầu Năm Góc đưa ra: "Bệnh ung thư tuyến tiền liệt của Bộ trưởng Austin đã được điều trị sớm và hiệu quả, và tiên lượng của ông rất tốt. Ông không có kế hoạch điều trị thêm cho căn bệnh ung thư này ngoài việc theo dõi thường xuyên sau phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt".

Tuyên bố cho biết ông Austin sẽ làm việc từ xa trước khi quay trở lại Lầu Năm Góc.

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Sáu cho biết ông tin tưởng vào ông Austin mặc dù điều mà tổng thống đồng ý là sự sai sót trong phán đoán của người đứng đầu Lầu Năm Góc về việc ông nhập viện bí mật.

Việc ông Austin không thông báo với Tổng thống Biden về việc ông nhập viện đã gây ra sự chỉ trích từ các nhà lập pháp và khiến Nhà Trắng bất ngờ.

Văn phòng tổng thanh tra Bộ Quốc phòng hôm thứ Năm cho biết trong tháng này họ sẽ đánh giá về cách xử lý việc nhập viện của ông Austin.


************
voatiengviet.com

Hamas đăng hình dường như là thi thể hai con tin sau khi cảnh báo Israel

Reuters

Hamas dường như đã đăng hình xác chết của hai con tin Israel hôm thứ Hai 15/1 sau khi cảnh báo Israel rằng họ sẽ giết các con tin nếu Israel không ngừng bắn phá Gaza.

Một video mới do nhóm chiến binh Palestine công bố có chủ đích cho thấy thi thể của Yossi Sharabi, 53 tuổi và Itai Svirsky, 38 tuổi – hai người đã xuất hiện trong video vào hôm Chủ nhật trước đó.

Video cũng cho thấy con tin Israel thứ ba, Noa Argamani, 26 tuổi, nói rằng cả hai con tin kia đã bị giết bởi "các cuộc tấn công của IDF", ám chỉ quân đội Israel.

Ba người này nằm trong số khoảng 240 người bị Hamas bắt làm con tin trong cuộc tấn công bất ngờ xuyên biên giới vào miền nam Israel hôm 7 tháng 10.

Khoảng một nửa số con tin đó đã được thả trong thời gian ngừng bắn ngắn ngủi vào tháng 11, nhưng Israel cho biết 132 con tin vẫn còn ở Gaza và 25 người đã chết khi bị giam cầm.

Ba người Israel này đã xuất hiện trong một video của Hamas hôm Chủ nhật, trong đó họ kêu gọi chính phủ Israel ngừng các cuộc tấn công trên không và trên bộ và tìm cách giải cứu họ.

Video kết thúc bằng chú thích: "Ngày mai (thứ Hai) chúng tôi sẽ thông báo cho các ngươi về số phận của họ".

Hôm thứ Hai, để tiếp tục gây áp lực tâm lý, Hamas tung ra một video có khuôn mặt của 3 con tin và đưa ra 3 lựa chọn: cả 3 đều bị giết, "một số bị giết, một số bị thương", hoặc cả 3 đều được tha. Video kết thúc với chú thích: "Tối nay chúng tôi sẽ thông báo cho các ngươi về số phận của họ".

Lực lượng Israel tiếp tục bắn phá các mục tiêu trên khắp vùng đất của người Palestine hôm thứ Hai và đụng độ với các chiến binh Palestine ở khu vực miền nam và miền trung.

Các quan chức y tế cho biết 12 người Palestine đã thiệt mạng và những người khác bị thương trong cuộc không kích của Israel qua đêm vào một ngôi nhà ở thành phố Gaza ở phía bắc, trong khi những đám khói bốc lên phía trên thành phố chính Khan Younis ở phía nam bị xe tăng Israel pháo kích.

Cơ quan báo chí Palestine SAFA trực thuộc Hamas nói giao tranh ác liệt giữa các chiến binh Hamas và lực lượng Israel ở Khan Younis, trong khi các cuộc tấn công bằng xe tăng của Israel diễn ra gần Al-Bureij và Al-Maghazi ở miền trung Gaza.

Các quan chức y tế Palestine tại Bệnh viện Nasser ở Khan Younis cho biết sau đó trong ngày thứ Hai, 7 người đã thiệt mạng và những người khác bị thương trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của Israel gần cơ sở y tế.

Các quan chức y tế cho biết 132 người đã thiệt mạng trong 24 giờ qua, điều này cho người Palestine thấy rằng cường độ tấn công của Israel hầu như không có dấu hiệu giảm bớt mặc dù Israel đã thông báo chuyển sang giai đoạn mới, có mục tiêu hơn.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn