Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 17-01 -2024

Thứ Tư, 17 Tháng Giêng 20245:00 SA(Xem: 1412)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 17-01 -2024


Hoaluc 4

************
rfi.fr

Philippines chúc mừng tân tổng thống Đài Loan, Bắc Kinh cảnh cáo ‘‘đừng đùa với lửa’’

Trọng Thành

Hai ngày sau khi ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) đắc cử tổng thống Đài Loan, tổng thống Philippines hôm qua 15/01/2024, đã gửi lời chúc mừng và mong muốn sớm được làm việc với ông. Hôm nay, 16/01, Trung Quốc giận dữ cảnh báo Manila ‘‘đừng chơi với lửa’’, đồng thời triệu đại sứ Philippines lên để phản đối.

Đăng ngày:

2 phút

Trả lời họp báo, phát ngôn viên Mao Ninh (Mao Ning) của bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết ‘‘Trung Quốc cực lực phản đối’’ hành động ‘‘xâm phạm nghiêm trọng nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất, xâm phạm nghiêm trọng các cam kết chính trị của Philippines với Trung Quốc, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc’’. Theo bà Mao Ning, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã yêu cầu phía Philippines ‘‘đưa ra một giải thích có trách nhiệm’’.

Theo Reuters, hôm qua, trong một thông điệp trên mạng X (Twitter cũ), nguyên thủ quốc gia Philippines đã ‘‘thay mặt toàn thể nhân dân Philippines, chúc mừng tổng thống tân cử Lại Thanh Đức’’. Lãnh đạo Philippines cũng cho biết mong muốn ‘‘hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy các lợi ích song phương, nỗ lực vì hòa bình và bảo đảm sự thịnh vượng cho nhân dân chúng ta trong những năm tới’’.

Sau phát biểu nói trên của tổng thống Ferdinand Marcos Jr., bộ Ngoại Giao Philippines đã tái khẳng định nguyên tắc một nước Trung Hoa, đồng thời giải thích rõ là thông điệp chúc mừng của tổng thống Philippines là một cách để ‘‘ghi nhận mối quan hệ mật thiết giữa Philippines và Đài Loan’’, nơi có khoảng 200.000 người lao động Philippines sinh sống. Bộ Ngoại Giao Philippines nhấn mạnh: ‘‘Thông điệp chúc mừng tổng thống tân cử Đài Loan của tổng thống Marcos là cách để ông cám ơn Đài Loan đã tiếp đón những người lao động Philippines và tổ chức thành công một cuộc bầu cử dân chủ’’. 

Sau khi ông Lại Thanh Đức đắc cử tổng thống Đài Loan, giới chức cao cấp một số nước, trong đó có các ngoại trưởng Mỹ và Nhật Bản, đã gửi lời chúc mừng, đồng thời kêu gọi tìm một giải pháp hòa bình cho căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Theo nhà báo Sebastian Strangio của trang mạng The Diplomat, việc đích thân nguyên thủ quốc gia Philippines gửi lời chức mừng tổng thống tân cử Đài Loan là một động thái ngoại giao đáng chú ý. 


***********
rfi.fr

Từ Đài Loan đến Hồng Hải, Hắc Hải : Châu Âu mãi làm khán giả ?

Thụy My

Đức, quốc gia duy nhất trong G7 bước vào suy thoái ; Donald Trump khởi đầu cuộc đua vào Nhà Trắng. Tổng thống Macron tổ chức cuộc họp báo quan trọng để giới thiệu kế hoạch cải cách. Tân bộ trưởng giáo dục Pháp bị chỉ trích vì cho con theo học một trường tư danh giá, tỉ lệ sinh con ở Pháp đang giảm sút. Đó là những vấn đề được đưa lên trang nhất các báo Pháp ngày 16/01/2024.

Nguyên trạng ở Đài Loan

Liên quan đến châu Á, Le Monde cho rằng trong một thế giới đang khủng hoảng, Bắc Kinh và phương Tây cùng có lợi khi giữ nguyên trạng ở Đài Loan, sau chiến thắng thứ ba liên tiếp của Đảng Dân Tiến với một tổng thống chống lại việc thống nhất với Hoa lục. Rõ ràng người Đài Loan thật cứng đầu. Đó có thể là kết luận cay đắng mà Bắc Kinh rút ra sau cuộc bầu cử cuối tuần qua.

Tuy tỉ lệ 40 % phiếu mà ông Lại Thanh Đức (Lai Ching Te) thu được thấp hơn so với bà Thái Anh Văn lần trước là 57 %, và Đảng Dân Tiến mất đa số tại Quốc Hội, nhưng đến 2/3 cư dân đảo quốc tự coi mình là người Đài Loan chứ không phải Trung Quốc, trong khi 30 năm trước chỉ có 17 %. Việc đàn áp Hồng Kông khiến khái niệm « nhất quốc, lưỡng chế » không còn thu hút được ai. Ông Lại Thanh Đức bày tỏ ý hướng độc lập mạnh mẽ hơn bà Thái Anh Văn, khiến Bắc Kinh tức tối. Vương Nghị cảnh báo mọi bước tiến về độc lập « sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc », Đài Bắc trả đũa rằng Bắc Kinh nên « tôn trọng kết quả bầu cử, đối mặt với thực tại và từ bỏ việc đàn áp Đài Loan ». 

Le Figaro nhận thấy cuộc bầu cử hôm 13/01 tại Đài Loan được toàn thế giới chú ý, người dân hăng hái đi bầu trong yên tĩnh ; khác hẳn với nước láng giềng khổng lồ, nơi mà mọi ý hướng đối lập đều bị dập tắt ngay lập tức. Người Đài Loan chẳng cần đến Trung Quốc để phát triển : với kỹ nghệ chất bán dẫn tân tiến, Đài Bắc xuất khẩu và đầu tư trên khắp thế giới.

Thái độ kềm chế của phương Tây

Hòa dịu là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tổng thống Joe Biden nhắc lại Hoa Kỳ không ủng hộ Đài Loan tuyên bố độc lập, ngoại trưởng Antony Blinken hoan nghênh chiến thắng của ông Lại Thanh Đức và nhân dân Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh hai cựu viên chức cao cấp Stephen Hadley và James Steinberg đến thăm Đài Bắc hôm Chủ nhật « với tư cách riêng ». Rất khác với thời chuyến đi gây náo động của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi năm 2022.

Về phía châu Âu cũng tỏ ra kềm chế. Pháp và Liên Hiệp Châu Âu chúc mừng « cử tri » « những người được bầu », hoan nghênh sự gắn bó với tiến trình dân chủ nhưng không nêu tên người chiến thắng ; đồng thời nhấn mạnh đến « hòa bình, ổn định và nguyên trạng » ở eo biển Đài Loan.

Le Monde cho rằng lời nhắc nhở này là kịp thời, vì đây là mảng còn thiếu trong tuyên bố của tổng thống Emmanuel Macron sau chuyến thăm Bắc Kinh tháng 4/2023 : việc ông nói rằng không nên đi theo « nhịp độ của Mỹ » trong quan hệ với Trung Quốc đã bị chỉ trích dữ dội. Cũng sẽ là đúng đắn nếu Bắc Kinh cũng có thái độ kềm chế tương tự, ngưng đe dọa Đài Bắc và tránh tất cả mọi sự leo thang tại eo biển.

Đôi bên cùng có lợi hay cùng thiệt hại ?

Theo Le Figaro, « Châu Âu có thể đóng một vai trò trong mối quan hệ Đài Loan-Trung Quốc ». Tờ báo nhắc lại hồi năm 1964, theo chân tướng De Gaulle, các cường quốc phương Tây công nhận Trung Quốc cộng sản và nguyên tắc một nước Trung Hoa, nhưng không chấp nhận việc dùng vũ lực xâm chiếm Đài Loan. Giờ đây lao vào một cuộc phiêu lưu quân sự sẽ là sai lầm chiến lược của Bắc Kinh.

Trước hết, không có gì chắc chắn là quân Trung Quốc có thể đương cự nổi với hạm đội Mỹ ở eo biển Đài Loan ; và Bắc Kinh sẽ bị Mỹ và châu Âu, hai đối tác thương mại lớn nhất, trừng phạt nặng nề, đồng thời sẽ khiến tất cả các nước trong khu vực chống lại mình, chỉ còn lại ba người bạn là Nga, Bắc Triều Tiên và Pakistan.

Tập Cận Bình đã 70 tuổi, chừng như muốn để lại dấu ấn trong lịch sử qua việc thâu tóm Đài Loan. Trung Quốc trước đây tỏ ra ôn hòa, với ý hướng đi theo mô hình phát triển của phương Tây, nên đã nhận được hầu như tất cả đầu tư và công nghệ mà mình mong muốn. Lên cầm quyền năm 2013, ông Tập thay tiếp tục đường hướng đang ổn thỏa này, lại muốn khẳng định sức mạnh. Ông ta hủy diệt nền dân chủ Hồng Kông, quân sự hóa Biển Đông, uy hiếp các láng giềng. Hoa Kỳ bèn cấm vận công nghệ đối thủ mới ở Thái Bình Dương.

Chưa phục hồi nổi sau việc xử lý tệ hại đại dịch Covid, liệu Bắc Kinh có tiếp tục sách nhiễu Đài Loan hay không ? Theo Le Figaro, ở đây châu Âu có thể làm trung gian hòa giải - một vai trò mà Mỹ không thể đóng vì tinh thần chống Trung Quốc càng lên cao trong chiến dịch tranh cử. Có một công thức mà ngoại giao Trung Quốc thích nhắc đi nhắc lại : « win-win », tức đôi bên cùng có lợi. Ông Josep Borrell có thể thuyết phục Bắc Kinh rằng dùng vũ lực ở eo biển Đài Loan chắc chắn sẽ là đôi bên cùng thiệt hại.

Mỹ chưa thực sự ra đòn với phe Houthi ở Hồng Hải

Tương tự, ở Hồng Hải, nhà nghiên cứu Laurent Bonnefoy của CNRS trên La Croix cho rằng « Không ai có lợi khi khởi động một cuộc chiến quy mô ». Khi can dự nhân danh bảo vệ Gaza, phiến quân Houthi giành được cảm tình của dân Yemen, nhưng khó có khả năng leo thang vì năng lực quân sự hạn chế của phe này. Dù việc phá hoại gây tổn thất kinh tế đáng kể, không thể nào làm cán cân thăng bằng nghiêng về phía Gaza và Hamas.

Thời điểm hiện nay phù hợp cho Houthi về chính trị và quân sự, nhưng cuộc đàm phán hòa bình khởi đầu cách đây hai năm với Ả Rập Xê Út sắp đạt kết quả với nhiều lợi ích cho lực lượng này. Còn Hoa Kỳ hiện chỉ dùng đến những nguồn lực hạn chế, nếu Houthi leo thang sẽ có nguy cơ Mỹ thẳng tay. Bà Camille Lons thuộc Ủy ban Đối ngoại Châu Âu (ECFR) cũng nhận thấy « Đáp trả của Mỹ là chừng mực ». Mục đích là răn đe Houthi và Iran, trấn an cộng đồng quốc tế và thị trường năng lượng, cho thấy đại cường số một thế giới không thể để cho lưu thông trên Hồng Hải bị tê liệt.

Bên cạnh đó, tổng thống Joe Biden đang trong chiến dịch tranh cử không muốn bị chỉ trích là không bảo vệ vị trí của Mỹ ở Trung Đông. Các quốc gia trong khu vực kêu gọi Washington kềm chế, nhất là Ả Rập Xê Út đang thương lượng với Houthi. Châu Âu cũng chia sẻ mối quan ngại. Nhiều nước hoan nghênh chiến dịch của Mỹ ở Hồng Hải - đường giao thông hàng hải quan trọng cho nền kinh tế - nhưng không muốn tỏ ra thân Israel. Đó là trường hợp của Pháp : Paris không ký tên vào tối hậu thư gởi đến phe Houthi.

Hắc Hải : Ukraina bảo vệ thành công hành lang ngũ cốc

Les Echos nhận xét, những cuộc oanh kích của Ukraina vào các chiến hạm và cơ sở hạ tầng Nga ở Crimée đã giúp Kiev tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc, và hạm đội Nga đành phải rút lui dần về phía đông. Với những ai tỏ ra thất vọng vì tình hình Ukraina không tiến triển, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không ngừng nhắc nhở rằng ngược lại, Kiev đã giành những chiến thắng lớn lao khi gây thiệt hại nặng nề cho hải quân Nga. Việc Matxcơva phong tỏa thương mại đường biển của Ukraina coi như thất bại. Bất chấp những đe dọa, Kiev đã vận chuyển được 15 triệu tấn ngũ cốc qua hành lang trên Hắc Hải, từ giữa tháng Chín đến cuối 2023.

Ngày 17/07/2023, Nga từ chối gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Và kể từ đó, hạm đội Nga bắt đầu khốn đốn. Hỏa tiễn, drone trên không, drone dưới biển…lực lượng Ukraina tiến hành một loạt oanh kích rất thành công trong mùa hè và mùa thu 2023, khiến Nga phải hạn chế hoạt động trên Hắc Hải. Các chiến hạm Nga tránh xa căn cứ truyền thống Sébastopol. Mười năm sau khi chiếm được bán đảo, Vladimir Putin đành phải tìm một cảng mới cho hạm đội Crimée, rất có thể là ở Abkhazia gần duyên hải Gruzia. Theo tổng kết của Oryx, Matxcơva mất đến khoảng 20 chiếc tàu, trong đó có một tàu ngầm, một phần nhờ hỏa tiễn tầm xa Storm Shadow của Anh và Scalp của Pháp. Kiev tuy giành thắng lợi nhưng còn phải đối phó với những quả mìn trôi nổi trên Hắc Hải.

Một chiến lược quân sự cho châu Âu

Trên lãnh vực quân sự, nhà sử học Thomas Gomart trên Le Monde nhận định châu Âu cần có một chiến lược cụ thể. Ông nhấn mạnh đến tác động qua lại của những cuộc xung đột hiện nay, khiến các nhà lãnh đạo châu lục cần khẩn cấp tái vũ trang, nếu không muốn làm khán giả thụ động đứng nhìn những đảo lộn địa chính trị đang diễn ra.Châu Âu cần phải bảo đảm việc bảo vệ Ukraina, nhất là trong trường hợp Donald Trump đắc cử.

Đặc biệt trên Biển Đông, mọi động thái đều có thể gây ra phản ứng quân sự, vì giai đoạn quan sát đã trôi qua. Khi thấy hậu quả của những vụ tấn công vào các tàu trên tuyến đường thương mại quốc tế ở Hồng Hải, có thể đoán được một cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn ở eo biển Đài Loan. Những quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines, Nhật Bản hoàn toàn không mơ hồ về ý đồ của Bắc Kinh. Sẽ rất sai lầm nếu châu Âu giữ khoảng cách, trong khi bộ máy sản xuất lệ thuộc vào tự do hàng hải.

Bảy lý do khiến Donald Trump có thể thất cử

Về cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ, theo thăm dò ở sáu « swing states » (tiểu bang dao động), và nhất là sau chiến thắng áp đảo ở Iowa, Donald Trump có nhiều hy vọng quay lại Nhà Trắng. Nhưng vẫn còn gần 300 ngày nữa, sẽ có những sự kiện ảnh hưởng đến 150 triệu cử tri Mỹ. Les Echos nêu ra « Bảy lý do khiến ông Trump có thể thất cử ».

Trước hết là giả thuyết ít có khả năng xảy ra nhất : Donald Trump bị loại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa. Đối thủ đáng ngại nhất là bà Nikki Haley, người phụ nữ gốc Ấn bị Trump gọi là « óc chim sẻ ». Trong một quốc gia có đến 50 triệu dân sinh ở nước ngoài và một số lớn hơn có cha mẹ gốc ngoại quốc, chủ trương chống nhập cư cực đoan có thể làm một số cử tri cánh trung không bỏ phiếu cho ông. Thứ nhì là Vladimir Putin : mọi hoạt động quá lộ liễu của Matxcơva ủng hộ Trump có thể phản tác dụng.

Thứ ba, lưỡi gươm Damoclès của tư pháp với 91 tội danh bị cáo buộc. Thứ tư là kinh tế, nếu trong mười tháng tới lạm phát được kiểm soát và tiền lương tăng lên, cử tri sẽ công bằng hơn với nỗ lực của ông Joe Biden. Thứ năm là sức khỏe, Donald Trump chỉ trẻ hơn đối thủ có ba tuổi và cũng đã gần 80. Thứ sáu, những người ủng hộ cực đoan trong những tháng tới có thể có các hành động làm cử tri Cộng Hòa lo sợ. Và trở ngại cuối cùng là chính bản thân ông Trump có thể tự hại mình : những người chỉ trích ông đã ghi nhận đến mấy chục ngàn tuyên bố "linh tinh".


************
rfi.fr

Tổng thống Macron: Pháp sẽ giao thêm tên lửa tầm xa cho Ukraina

Thu Hằng

Trong buổi họp báo ngày 16/01/2024 tại Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Kiev, « không để Nga chiến thắng » trong cuộc xâm lược Ukraina. Ông Macron thông báo « sẽ đến Ukraina vào tháng Hai » và Pháp « sẽ giao hàng loạt vũ khí mới » cho Kiev.

Đăng ngày:

2 phút

Trong số vũ khí sắp được giao cho Ukraina, có 40 tên lửa tầm xa Scalp và « vài trăm quả bom ». Tổng thống Macron cũng cho biết Pháp « đang đúc kết một thỏa thuận » về an ninh với Kiev theo mô hình thỏa thuận mà  Anh Quốc và Ukraina đã ký hôm 12/01, có thời hạn 10 năm. Đích thân tổng thống Pháp sẽ thông báo thỏa thuận này trong chuyến công du Ukraina.

Ngoài ra, Pháp và Liên Hiệp Châu Âu « sẽ có nhiều quyết định mới trong những tuần và những tháng tới nhằm không cho Nga chiến thắng ». Ông Macron phát biểu :

« Đối với tôi, nguy cơ lớn nhất là cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraina. Chúng ta không thể để Nga thắng, chúng ta không được làm như vậy, bởi vì an ninh của toàn châu Âu và của các nước láng giềng của Nga sẽ bị tác động. Để Nga chiến thắng có nghĩa là chấp nhận rằng những quy luật của trật tự quốc tế, như chúng ta đã xác định, có thể không được tuân thủ. Những nước bạn hữu của chúng ta ở vùng Baltic, hay Ba Lan, Rumani, sẽ không còn sống được. Tôi cũng không quên Moldova và các nước ở vùng Kavkaz. Vì thế, chúng ta phải làm tất cả ( để Nga không chiến thắng) . Đối với tôi, đó là vấn đề chính yếu mà chúng ta phải huy động toàn lực và khó khăn cũng là từ đó ».

Tổng thống Ukraina kêu gọi gia tăng trừng phạt Nga

Chiều 17/01, tổng thống Pháp đến dự Diễn dàn Kinh tế Thế giới - WEF tại Davos, Thụy Sĩ. Cũng tại diễn đàn này, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã liên tục gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới và chủ các đại tập đoàn để vận động viện trợ cho Ukraina. Theo AFP, phát biểu trước cử tọa khoảng 1.500 người ngày 16/01, ông Zelensky lên án tổng thống « Putin là hiện thân cho chiến tranh, ông ấy sẽ không thay đổi ». Theo tổng thống Ukraina, biện pháp hữu hiệu nhất là « phải khiến ông ấy mất nhiều nhất có thể » thông qua việc tăng cường trừng phạt, kể cả lĩnh vực công nghiệp hạt nhân, hiện vẫn chưa bị trừng phạt.

Phía Nga « sẽ không bao giờ để bị buộc phải từ bỏ những thành quả đạt được », đó là tuyên bố của tổng thống Vladimir Putin trên truyền hình ngày 16/01. Ông còn bác bỏ « điều được gọi là công thức hòa bình » mà phương Tây và Ukraina thảo luận, ngụ ý nói đến hội nghị cấp cao về hòa bình cho Ukraina mà Thụy Sĩ sẽ tổ chức theo đề nghị của tổng thống Zelensky.


*********
voatiengviet.com

Thượng viện Mỹ bác bỏ nghị quyết đòi phải có báo cáo nhân quyền về Israel

Reuters

Thượng viện Hoa Kỳ hôm 16/1 bác bỏ một nghị quyết đề ra việc đình chỉ viện trợ an ninh cho Israel trừ khi Bộ Ngoại giao đưa ra báo cáo trong vòng 30 ngày xem xét liệu Israel có vi phạm nhân quyền hay không trong chiến dịch đánh vào Hamas ở Gaza, theo Reuters.

72 thượng nghị sĩ bỏ phiếu để gạt nghị quyết sang một bên, so với 11 người ủng hộ nghị quyết này, dễ dàng đạt được đa số đơn thuần cần thiết để hủy bỏ nghị quyết tại Thượng viện có 100 thành viên.

Cuộc bỏ phiếu được thúc đẩy bởi Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, có tư cách độc lập nhưng bỏ phiếu cùng đảng Dân chủ. Mặc dù nghị quyết này đã bị đánh bại một cách dễ dàng, nhưng nó phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng trong một số đảng viên Dân chủ, những người cùng đảng với Tổng thống Joe Biden, đặc biệt là cánh tả, về việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Israel bất chấp thiệt hại nặng nề do cuộc xung đột Gaza gây ra đối với dân thường Palestine.

“Chúng ta phải đảm bảo rằng viện trợ của Hoa Kỳ đang được sử dụng phù hợp với nhân quyền và luật pháp của chúng ta”, ông Sanders nói trong một bài phát biểu kêu gọi ủng hộ, đồng thời phàn nàn về điều mà ông mô tả là Thượng viện đã không xem xét bất kỳ nghị quyết nào bàn về ảnh hưởng của chiến tranh đối với dân thường.

Nhà Trắng nói họ phản đối nghị quyết này, vốn có thể mở đường cho việc áp đặt các điều kiện đối với sự hỗ trợ an ninh cho Israel.

Các thượng nghị sĩ phản đối nghị quyết này nói rằng nó đã gửi đi thông điệp sai vào thời điểm Israel cho hay họ đang chuyển sang một chiến dịch có mục tiêu hơn.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham phát biểu: “Nghị quyết này không chỉ sai lầm mà còn nguy hiểm. Nó gửi tín hiệu hoàn toàn sai và cũng sai thời điểm”.

Hoa Kỳ cung cấp cho Israel 3,8 tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm, từ máy bay chiến đấu đến bom nổ mạnh có thể phá hủy các đường hầm của Hamas. Tổng thống Biden vừa yêu cầu Quốc hội phê duyệt thêm 14 tỷ USD.

Nghị quyết của ông Sanders được đệ trình theo Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài, cho phép Quốc hội chỉ đạo Bộ Ngoại giao cung cấp báo cáo nhân quyền và các thông tin khác về bất kỳ quốc gia nào nhận được hỗ trợ an ninh của Hoa Kỳ.

Israel đã phát động cuộc chiến nhằm tiêu diệt Hamas, một nhóm được Iran hậu thuẫn thề sẽ tiêu diệt Israel, sau khi các chiến binh xông qua hàng rào biên giới vào ngày 7/10, giết chết 1.200 người và bắt giữ 240 con tin, thống kê của Israel cho thấy.

Các cơ quan y tế Gaza, nơi có dữ liệu mà Liên Hiệp Quốc coi là đáng tin cậy, cho biết cuộc chiến, hiện đã bước sang tháng thứ tư, tính đến hôm 16/1 đã giết chết 24.285 người ở vùng đất Palestine.

Chính quyền Biden cho hay họ đã thúc đẩy Israel giảm thương vong cho dân thường, nhưng Israel nói họ sẽ không dừng cho đến khi Hamas bị xóa sổ, và các chiến binh hiện không có dấu hiệu là họ mất các phương tiện để kháng cự.

***********
voatiengviet.com

Các nước Thái Bình Dương họp ở Trung Quốc để cập nhật luật lệ về các cuộc chạm trán

Reuters

Giới chức hải quân từ các quốc gia giáp Thái Bình Dương như Nhật, Nga, Mỹ từ ngày 16/1 sẽ họp tại thành phố Nam Kinh của Trung Quốc để bàn chuyện cập nhật các quy định về các cuộc chạm trán bất ngờ, cùng các vấn đề khác, truyền thông nhà nước cho biết.

Cuộc đàm phán kéo dài ba ngày giữa 70 đại diện từ 30 quốc gia diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, đặc biệt là các cuộc chạm trán trên biển giữa Trung Quốc với Philippines.

Hai nước có tuyên bố chủ quyền khác nhau trên tuyến đường thủy chiến lược này đã liên tục cáo buộc nhau về hành vi gây hấn trong nhiều tháng qua.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, thủy lộ để vận chuyển các chuyến hàng trị giá hơn 3 ngàn tỷ đô la mỗi năm, nơi mà Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Đầu tuần này, Manila tuyên bố Philippines sẽ phát triển các hòn đảo ở Biển Đông mà nước này coi là một phần lãnh thổ của mình để quân đội có thể sinh sống tại những hòn đảo này.

Trung Quốc thỉnh thoảng cũng cáo buộc các tàu hải quân Mỹ xâm nhập trái phép vùng biển mà Bắc Kinh nhận là của họ ở Biển Đông. Tuy nhiên, hải quân Mỹ khẳng định các hoạt động thường lệ của họ ở vùng biển quốc tế là phù hợp với luật pháp quốc tế.

Cuộc họp nhóm công tác tuần này đặt nền móng cho Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương hai năm một lần được tổ chức tại thành phố Thanh Đảo vào tháng Tư năm nay. Sự kiện này được tổ chức lần cuối tại Nhật Bản vào tháng 11 năm 2022.

Kể từ năm 2002, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đã cố gắng thiết lập một khuôn khổ để đàm phán về bộ quy tắc ứng xử Biển Đông, nhưng tiến độ vẫn rất chậm chạp.

Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý, nhưng Bắc Kinh bác bỏ phán quyết này.

Tuy nhiên, mối quan ngại của các thành viên trong hội nghị chuyên đề về hải quân Thái Bình Dương không giới hạn ở vấn đề Biển Đông.

Bên lề hội nghị chuyên đề năm 2022, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã gặp nhau để thảo luận về những thách thức an ninh ba bên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả những thách thức từ Triều Tiên.


************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

4 phút

(AFP) – Miến Điện : Một nhóm nổi dậy thông báo ‘‘kiểm soát’’ được một thành phố miền tây giáp Bangladesh. Nhóm nổi dậy vũ trang thuộc sắc tộc Arakhan (AA) hôm 14/01/2024 thông báo đã chiếm được thành phố Paletwa, bang Chin, cách biên giới 20 km, cùng 6 đồn bốt của tập đoàn quân sự gần biên giới. Thông tin hiện chưa được AFP kiểm chứng. Chiến dịch tấn công nói trên được coi là chấm dứt giai đoạn ngừng bắn kéo dài tại khu vực kể từ cuộc đảo chính. Nhóm nổi dậy AA là một trong ba nhóm vũ trang chính tham gia vào đợt tấn công quy mô chưa từng có, bắt đầu từ cuối tháng 10/2023, nhắm vào tập đoàn quân sự kể từ sau đảo chính.

(AFP) - Bắc Kinh: Washington « bôi xấu » Trung Quốc khi chỉ trích Nauru cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Ngày 15/01/2024, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho rằng quyết định của chính phủ Nauru cắt đứt quan hệ với Đài Bắc chỉ hai ngày sau khi ông Lại Thanh Đức được bầu làm tổng thống « gây thất vọng ». Trong buổi họp báo ngày 16/01, bà Mao Ninh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên án phát biểu « vô trách nhiệm », « vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc ‘Một nước Trung Hoa’ » của đồng nhiệm Mỹ.

(AFP) - Trung Quốc bổ nhiệm con trai Hồ Cẩm Đào làm thứ trưởng. Hồ Hải Phong, 51 tuổi, con trai cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào (2003 – 2013), được bỏ nhiệm làm thứ trưởng bộ Dân Sự, theo thông cáo của chính phủ Trung Quốc ngày 16/01/2024. Hồ Cẩm Đào, năm nay 81 tuổi, sức khỏe yếu, đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông, khi được cho là bị áp giải đưa ra ngoài trái với ý muốn của ông trong lễ bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2022. 

(AFP) - Ukraina sơ tán thường dân tại khoảng hai chục ngôi làng. Thống đốc vùng Kharkiv Oleg Synegoubov ngày 16/01/2024 đã ra lệnh sơ tán người dân tại 26 ngôi làng ở phía đông bắc Ukraina do quân đội Nga liên tục tấn công trong khu vực. Trên mạng xã hội, ông liệt kê rõ tên của 26 địa phương có liên quan, nơi sinh sống của khoảng hơn 3.000 thường dân, trong đó có 279 trẻ em. 

(AFP) – Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ xuất viện sau 2 tuần điều trị. Ông Lloyd Austin ra thông báo cho biết mong muốn phục hồi nhanh chóng và nóng lòng quay trở lại công việc tại Lầu Năm Góc. Vị bộ trưởng 70 tuổi đã biết ông mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến từ đầu tháng 12/2023. Ngày 22/12, ông được phẫu thuật, rồi phải nhập viện trở lại từ ngày 01/01 do biến chứng. Nhà Trắng chỉ được biết tình trạng sức khỏe của lãnh đạo bộ Quốc Phòng ngày 04/01, và chính thức thông báo tin ngày hôm sau 05/01. Việc tình trạng sức khỏe của lãnh đạo quốc phòng Mỹ không được thông tin minh bạch đã gây một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên truyền thông và từ phe đối lập.

(RFI) - Nông dân Đức biểu tình phản đối chính phủ cắt trợ cấp. Ngày 15/01/2024, gần chục nghìn người, cùng với 3.000 máy kéo và 2.000 xe tải đã đổ về Berlin để gây sức ép với các nhà lãnh đạo sau khi chính phủ thông báo hủy trợ cấp vào tháng 12/2023, trong đó có quyết định xóa dần trợ cấp về diesel cho thiết bị nông nghiệp trong vòng 3 năm. Phong trào biểu tình diễn ra trên khắp nước Đức từ ngày 08/01, phong tỏa nhiều khu vực. Chính phủ quyết định cắt một số khoản trợ cấp theo lệnh của các thẩm phán Hội Đồng Bảo Hiến về thắt chặt quy định ngân sách của Đức.

(AFP) - Pháp có hơn 68,4 triệu dân năm 2024. Theo số liệu do Viện Nghiên cứu và Thống kê Quốc gia Pháp (INSEE) công bố hôm nay, 16/01/2024 , tính từ ngày 01/01/2024, nước Pháp có trên 68,4 triệu dân, tăng 0,3% so với năm 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh đẻ trong năm 2023 có xu hướng giảm khi cả nước chỉ có 678 ngàn trẻ ra đời, giảm đến 6,6% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng kỳ, nước Pháp có 631 ngàn người tử vong, giảm 6,5% so với năm 2022, một năm được đánh dấu bởi đại dịch Covid-19 và những đợt nắng nóng cực độ. Nhìn chung, cân bằng tự nhiên của dân số Pháp vẫn ở mức dương, tăng thêm 47 ngàn người. 

(AFP) - Ca sĩ - nhạc sĩ Anh Elton John nằm trong số nghệ sĩ « EGOT » hiếm hoi. EGOT là từ viết tắt của Emmy Award (cho truyền hình), Grammy (âm nhạc), Oscar (điện ảnh), Tony (sân khấu). Tối 15/01/2024, nhạc sĩ 76 tuổi được trao giải Emmy buổi trình diễn hay nhất cho concert Elton John Live : Farrewell from Dodger Stadium từ giã sự nghiệp của ông ngay tại Los Angeles ngày 20/11/2022. Elton John trở thành nghệ sĩ thứ 19 đạt được thành tích này., sau các tên tuổi như Audrey Hepburn, Whoopi Goldberg, Mel Brooks, John Legend, Viola Davis…


*********

Cuộc tấn công của Iran gây xích mích với Iraq giữa lo ngại bất ổn khu vực gia tăng

Reuters

Một cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào các mục tiêu ở miền bắc Iraq đã gây ra một cuộc tranh cãi bất thường giữa các đồng minh láng giềng hôm thứ Ba (16/1), với việc Baghdad triệu hồi đại sứ của mình để phản đối và Tehran khẳng định cuộc tấn công nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ gián điệp Israel.

Truyền thông Iran đưa tin vào cuối ngày thứ Hai rằng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã tấn công nơi mà họ gọi là trung tâm gián điệp của Israel trong khu vực bán tự trị của người Kurd ở Iraq, trong khi lực lượng tinh nhuệ này cho biết họ cũng tấn công các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Cuộc tấn công dường như làm tăng thêm lo ngại về tình trạng bất ổn ngày càng tồi tệ trên khắp Trung Đông kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas bắt đầu vào ngày 7/10, khi các đồng minh của Iran cũng tham gia vào cuộc xung đột từ Lebanon, Syria, Iraq và Yemen.

Cũng có lo ngại rằng Iraq một lần nữa có thể trở thành đấu trường cho xung đột khu vực sau một loạt cuộc tấn công của Mỹ vào các nhóm chiến binh có liên hệ với Iran và cũng là một phần của lực lượng an ninh chính thức của Iraq. Những cuộc tấn công này nhằm đáp trả hàng chục cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ trong khu vực được thực hiện kể từ ngày 7/10.

Lực lượng Vệ binh nói cuộc tấn công vào cuối ngày thứ Hai là để đáp trả “sự tàn bạo” của Israel đối với một số chỉ huy của họ và các lực lượng đồng minh của Iran quanh Trung Đông kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Đây là cuộc tấn công quân sự trực tiếp đầu tiên của Iran trong khu vực liên quan đến cuộc chiến ở Gaza.

Để phản đối cuộc tấn công, Iraq đã triệu hồi đại sứ của mình từ Tehran và triệu đại biện lâm thời của Iran ở Baghdad, đồng thời Bộ Ngoại giao Iraq nói rằng Baghdad sẽ thực hiện mọi bước pháp lý chống lại điều mà họ gọi là vi phạm chủ quyền.

Các cuộc tấn công nhằm vào khu dân cư gần lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thủ đô Erbil của người Kurd, đã bị Thủ tướng người Kurd ở Iraq Masrour Barzani lên án là “tội ác chống lại người Kurd”, trong đó ít nhất 4 thường dân thiệt mạng và 6 người bị thương.

Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos sau vụ tấn công, ông Barzani nói những cáo buộc của Iran về căn cứ gián điệp của Israel là vô căn cứ.

Các quan chức chính phủ Israel không đưa ra bình luận ngay lập tức về vụ việc.

Các nguồn tin y tế và an ninh Iraq cho biết doanh nhân triệu phú người Kurd Peshraw Dizayee và một số thành viên trong gia đình ông nằm trong số những người thiệt mạng khi ít nhất một tên lửa bắn vào nhà họ.

Bênh vực cho cuộc tấn công, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani nói Tehran tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác nhưng đó là “quyền hợp pháp của Iran để ngăn chặn các mối đe dọa an ninh quốc gia”.

Ngoài các cuộc tấn công ở khu vực người Kurd, Lực lượng Vệ binh cho biết họ đã “bắn một số tên lửa đạn đạo ở Syria và tiêu diệt thủ phạm của các hoạt động khủng bố” ở Iran, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo.


*************
voatiengviet.com

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Ukraine Zelenskyy

VOA Tiếng Việt

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vừa có cuộc gặp ngắn bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hôm 16/1 tại Davos, Thụy Sỹ, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Minh đã thảo luận về việc tăng cường quan hệ song phương. Ông Zelenskyy cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và cung cấp viện trợ nhân đạo cho nước này.

Cuộc gặp này diễn ra giữa lúc Ukraine đang tiếp tục thúc đẩy công thức hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 2 năm qua với Nga. Việt Nam, đất nước có quan hệ hữu hảo với Nga, không lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine.

Tổng thống Ukraine viết trên trang X, trước đây là Twitter, sau cuộc gặp với ông Chính: “Tôi cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine cũng như viện trợ nhân đạo cho đất nước chúng tôi”.

Tổng thống Ukraine kêu gọi Việt Nam hỗ trợ thực hiện các quan điểm của Công thức Hòa bình Ukraine, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho hay trong thông cáo.

Ông Zelenskyy và ông Chính cũng thảo luận về khả năng tăng cường liên lạc song phương giữa Ukraine và Việt Nam ở nhiều cấp độ.

Truyền thông Việt Nam chưa loan tin về cuộc gặp này.

Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cho biết vào chiều 16/1 tại Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự với tư cách khách mời chính của WEF tại Phiên Đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu”.

Hồi tháng 5/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp ngắn với Tổng thống Ukraine Zelenskyy trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản.


*********

Quan chức Mỹ: Mỹ lại tấn công lực lượng Houthi, đánh trúng dàn tên lửa chống hạm

AP

Hôm 16/1, quân đội Hoa Kỳ cho biết đã tiến hành một cuộc tấn công mới nhằm vào lực lượng Houthi có trụ sở tại Yemen, đánh trúng các tên lửa chống hạm trong cuộc tấn công thứ ba vào nhóm được Iran hậu thuẫn trong những ngày gần đây, theo hãng tin AP.

Cuộc tấn công diễn ra khi lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công tên lửa nhằm vào tàu chở hàng Zografia mang cờ Malta, cũng vào hôm 16/1, ở Biển Đỏ. Con tàu này bị trúng tên lửa nhưng không ai bị thương. Bộ Chính sách Đảo và Vận tải Hy Lạp cho hay con tàu này đang đi về phía bắc tới Kênh đào Suez thì bị tấn công.

Theo tuyên bố của Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ, cuộc tấn công qua đêm phá hủy 4 tên lửa đạn đạo của Houthi đang chuẩn bị phóng và gây ra mối đe dọa rõ rệt đối với các tàu buôn và tàu Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực. Tuyên bố cho biết cuộc tấn công của Houthi vào tàu Zografia xảy ra sau đó cũng hôm 16/1 và liên quan đến một tên lửa đạn đạo chống hạm, song cũng theo tuyên bố, con tàu này vẫn tiếp tục quá cảnh qua Biển Đỏ.

Vụ tấn công qua lại mới nhất này cho thấy các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào tàu bè trong khu vực không có dấu hiệu ngừng lại, bất chấp cuộc tấn công lớn của Mỹ và Anh vào nhóm này hôm 12/1, ném bom hơn 60 mục tiêu ở 28 địa điểm bằng tên lửa Tomahawk phóng từ tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu.

Cố vấn an ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng Jake Sullivan hôm 16/1 cảnh báo rằng việc giải quyết mối đe dọa Houthi đang diễn ra là một vấn đề “tất cả cùng chung tay” mà Mỹ và các đồng minh phải giải quyết để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Và ông nói rằng các cuộc tấn công trên biển, cùng với các mối đe dọa đang diễn ra từ các phiến quân được Iran hậu thuẫn khác ở Iraq, Syria và Lebanon có nghĩa là các đồng minh phải “cảnh giác trước khả năng rằng trên thực tế, thay vì hướng tới giảm leo thang, chúng ta đang ở trong một tình thế phải leo thang ứng phó”.

Chuẩn Tướng Yahya Saree, người phát ngôn quân sự của Houthi, nói trong một tuyên bố được ghi âm trước rằng nhóm này khai hỏa sau khi thủy thủ đoàn của con tàu từ chối trả lời các cuộc gọi cảnh báo và tàu đang hướng tới một cảng ở Israel. Theo trang web theo dõi vận chuyển Vessel Finder, tàu Zografia đang trên đường tới Suez, Ai Cập.

Quân đội Houthi cho hay tàu Zografia, do một công ty Hy Lạp quản lý, không có hàng hóa trên tàu và chỉ bị thiệt hại vật chất. Thủy thủ đoàn bao gồm 20 người Ukraina, 3 người Philippines và một người Gruzia.

Hôm 16/1, quân đội Mỹ cho biết rằng giữa lúc có các cuộc tấn công mới nhất, lực lượng SEAL của Hải quân Hoa Kỳ đã thu giữ các bộ phận tên lửa do Iran sản xuất và các vũ khí khác từ một con tàu đi tới phiến quân Houthi của Yemen, trong một cuộc đột kích vào tuần trước khiến hai lính biệt kích của SEAL bị mất tích.

Cuộc đột kích này đánh dấu vụ bắt giữ mới nhất của Hải quân Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đối với các chuyến hàng vũ khí dành cho quân nổi dậy, nhóm đã tiến hành một loạt cuộc tấn công hiện đang đe dọa thương mại toàn cầu ở Biển Đỏ và Vịnh Aden vì cuộc chiến của Israel với Hamas ở Dải Gaza. Các bộ phận tên lửa bị thu giữ bao gồm các loại có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công vừa nêu.

Cuộc đột kích của SEAL diễn ra hôm 11/1, với việc lực lượng biệt kích xuất phát từ tàu USS Lewis B. Puller được yểm trợ bởi máy bay không người lái và trực thăng, với Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Hoa Kỳ cho biết nó diễn ra ở Biển Ả rập.

Lực lượng SEAL di chuyển trên các tàu chiến đấu hoạt động đặc biệt cỡ nhỏ do thủy thủ đoàn tác chiến đặc biệt của hải quân điều khiển để lên tàu USS Lewis B. Puller. Vì họ lên tàu giữa lúc biển động, khoảng 8 giờ tối, giờ địa phương, một lính SEAL bị sóng cao đánh ngã và một đồng đội đã lao theo người lính đó. Cả hai vẫn còn mất tích.

Bộ Tư lệnh Trung tâm cho hay lực lượng SEAL đã tìm thấy các bộ phận của tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, bao gồm cả thiết bị đẩy và dẫn đường, cũng như đầu đạn. Bộ Tư lệnh Mỹ nói thêm rằng các bộ phận phòng không cũng được tìm thấy.

“Phân tích ban đầu cho thấy những loại vũ khí tương tự như thế này đã được phe Houthi sử dụng để đe dọa và tấn công những thủy thủ vô tội trên các tàu buôn quốc tế quá cảnh ở Biển Đỏ”, Bộ Tư lệnh Trung tâm nói trong một tuyên bố.

Những hình ảnh do quân đội Mỹ công bố được AP phân tích cho thấy các bộ phận giống như động cơ tên lửa và những bộ phận khác đã bị thu giữ trước đó. Cũng có những thứ dường như là một tên lửa hành trình chống hạm với động cơ phản lực nhỏ, loại được phe Houthi và Iran sử dụng.

Ông Fabian Hinz, chuyên gia tên lửa và nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nói rằng trong các bức ảnh còn có một đầu đạn tương tự được thấy trong các tên lửa chống hạm của Iran, dựa trên thiết kế trước đó của Trung Quốc.

Ông Hinz nói: “Nhìn vào kích thước và độ chắc chắn của nó, nó trông rất giống một đầu đạn chống hạm”.

Ông Hinz cũng lưu ý rằng đầu đạn trong ảnh có nhãn dán ghi “GHAD” trên đó. Iran có tên lửa chống hạm mang tên Ghadir.

Bộ Tư lệnh Trung tâm cho biết Hải quân Mỹ cuối cùng đã đánh chìm con tàu chở vũ khí sau khi cho rằng nó không an toàn. Thủy thủ đoàn gồm 14 người của con tàu đã bị bắt giữ.

Nhóm Houthi chưa thừa nhận vụ bắt giữ và phái đoàn của Iran tại Liên Hiệp Quốc cũng không trả lời yêu cầu bình luận. Tuy nhiên, Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ca ngợi các cuộc tấn công của Houthi.

Một nghị quyết của LHQ cấm chuyển giao vũ khí cho phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Tehran từ lâu phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy, bất chấp các bằng chứng xác thực, nhiều vụ bắt giữ và ý kiến của các chuyên gia khẳng định các vũ khí này liên quan đến Iran.

Kể từ tháng 11/2023, lực lượng Houthi nhiều lần nhắm mục tiêu vào các tàu thuyền ở Biển Đỏ với lý do họ đang trả thù cuộc tấn công của Israel đánh vào Hamas ở Gaza. Nhưng họ thường xuyên nhắm mục tiêu vào các tàu ít có hoặc không có mối liên hệ rõ ràng với Israel, gây nguy hiểm cho hoạt động vận chuyển trên tuyến đường quan trọng của thương mại toàn cầu.

Các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu cũng nhắm vào các vị trí của Houthi hôm 13/1. Để đáp trả, lực lượng Houthi phóng một tên lửa vào tàu chở hàng thuộc sở hữu của Mỹ có tên Gibraltar Eagle ở Vịnh Aden vào ngày 15/1, làm tăng thêm rủi ro trong cuộc xung đột.


*********

Tin tức thế giới 17-1: Mỹ lại đánh Houthi ở Yemen; Ông Putin lên tiếng về hòa bình Ukraine

NGỌC ĐỨC

* Pháp tuyên bố không tấn công vào Yemen cùng Mỹ, Anh để tránh leo thang chiến tranh
* Matxcơva sẽ không từ bỏ những gì "chiến dịch quân sự đặc biệt" gặt hái được
* Sau khi đuổi Pháp đi, Niger bắt tay quan hệ quân sự với Nga

Tàu khu trục USS Carney của Mỹ tấn công lực lượng Houthi trên Biển Đỏ vào tháng 10-2023 - Ảnh: AFP

Tàu khu trục USS Carney của Mỹ tấn công lực lượng Houthi trên Biển Đỏ vào tháng 10-2023 - Ảnh: AFP

Mỹ tiếp tục tấn công Houthi tại Yemen

Theo Hãng tin Reuters, ngày 16-1, Nhà Trắng tuyên bố quân đội Mỹ vừa tiến hành cuộc tấn công mới nhắm vào bốn tên lửa đạn đạo chống hạm chuẩn bị được phiến quân Houthi phóng từ khu vực kiểm soát của nhóm này trên lãnh thổ Yemen.

Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết: "Chúng tôi đang không tìm cách mở rộng [xung đột tại Biển Đỏ]. Nhóm Houthi cần đưa ra quyết định và họ vẫn còn thời gian để đưa ra quyết định đúng đắn. Đó là việc ngừng các cuộc tấn công liều lĩnh này".

Cũng trong ngày 16-1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định Paris không tham gia các cuộc tấn công của Mỹ nhắm vào nhóm Houthi nhằm tránh leo thang căng thẳng khu vực. Pháp có cách tiếp cận "mang tính phòng thủ" với Biển Đỏ và sẽ kiên định với quan điểm này, theo ông Macron.

Israel - Hamas đạt thỏa thuận tăng cường viện trợ cho người dân Gaza

Qatar và Pháp vừa làm trung gian giúp Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đạt thỏa thuận quan trọng về việc viện trợ cho người dân Gaza. Hamas sẽ tiến hành chăm sóc y tế khẩn cấp cho 45 con tin Israel còn bị nhóm này bắt giữ, đổi lại Israel sẽ tạo điều kiện để hàng cứu trợ nhân đạo và y tế cho nhóm thường dân dễ bị tổn thương vào Dải Gaza.

Doha và Paris khẳng định các lô hàng cứu trợ sẽ rời Qatar để đến Ai Cập trong ngày 17-1. Từ Ai Cập, số hàng này sẽ đi qua cửa khẩu Rafah để đến tay những người Palestine ở Gaza.

Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak phát biểu tại họp báo ở Davos, Thụy Sĩ, sau cuộc họp của các cố vấn an ninh quốc gia về

Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak phát biểu tại họp báo ở Davos, Thụy Sĩ, sau cuộc họp của các cố vấn an ninh quốc gia về "công thức hòa bình 10 điểm" của Ukraine ngày 14-1 - Ảnh: REUTERS

Nga nhận định cuộc họp tìm hòa bình của Ukraine "vô nghĩa"

Ngày 16-1, Matxcơva khẳng định kế hoạch giải quyết cuộc chiến kéo dài gần hai năm ở Ukraine của tổng thống nước này, ông Volodymyr Zelensky, không thể thành công.

Bình luận trên website của mình, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định các cuộc họp tìm kiếm hòa bình do Ukraine tổ chức, trong đó có cuộc họp vừa kết thúc tại thị trấn Davos, bang Graubünden (Thụy Sĩ) ngày 14-1, là "vô nghĩa và có hại".

Thay vì đưa Kiev gần với hòa bình hơn, bộ này cho rằng cuộc họp trên đã phơi bày sự khác biệt giữa hàng chục quốc gia và vấn đề Ukraine, đồng thời không khiến những phương án kết thúc chiến tranh của chính quyền ông Zelensky được ủng hộ hơn.

Cũng trong ngày 16-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sự tồn tại của Ukraine dưới tư cách một quốc gia có thể đối mặt "tổn thương không thể chữa lành" nếu tình hình chiến sự hiện tại vẫn tiếp tục.

Người đứng đầu Điện Kremlin tuyên bố đanh thép rằng Matxcơva sẽ không từ bỏ những gì "chiến dịch quân sự đặc biệt" gặt hái được.

Nga và Niger đạt thỏa thuận phát triển quan hệ quân sự

Ngày 16-1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này và chính quyền quân sự tại Niger đã đạt thỏa thuận phát triển quan hệ hợp tác quân sự.

"Các bên ghi nhận tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ Nga - Niger trong mảng quốc phòng và thống nhất tăng cường hành động chung nhằm làm ổn định tình hình trong khu vực", bộ này tuyên bố.

Cơ quan này cũng nhấn mạnh Matxcơva và Niamey sẽ duy trì đối thoại nhằm "tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu" của quân đội Niger.

Hồi tháng 7-2023, quân đội Niger lật đổ tổng thống Mohamed Bazoum và nắm quyền điều hành đất nước.

Chính quyền quân sự Niger đã đuổi quân đội Pháp đóng tại nước này, đồng thời chấm dứt nhiều thỏa thuận an ninh với Liên minh châu Âu (EU). Điều này khiến nhiều nước phương Tây lo ngại nước này sẽ thành "bàn đạp" mới của Nga tại khu vực Tây Phi.

Nga - Triều Tiên ca ngợi tình đồng chí

Ngày 16-1, ông Putin đã có cuộc hội đàm hiếm hoi với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui.

Theo Điện Kremlin, trọng tâm của cuộc họp là báo cáo với tổng thống Nga kết quả cuộc họp vừa kết thúc giữa ông Lavrov và bà Choe. Ngoài ra, chưa có thông tin cụ thể nào thêm.

Trước đó, trong cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng hai nước, bà Choe đã ca ngợi việc tiến hành những thỏa thuận được Matxcơva và Bình Nhưỡng ký kết trong chuyến công du Nga của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 9-2023.

"Việc hai ngoại trưởng thường xuyên gặp gỡ và làm sâu sắc mối quan hệ đồng chí là minh chứng cho quan hệ hữu nghị Nga - Triều, vốn đã có lịch sử giao hảo và truyền thống, đang tiến về phía trước dựa trên những kế hoạch đã được các nhà lãnh đạo thống nhất", bà Choe chia sẻ.

Hãng tin Reuters khẳng định một trong những điều nhiều khả năng sẽ được bàn luận trong cuộc họp giữa ông Putin và hai vị ngoại trưởng là chuyến thăm chính thức của tổng thống Nga đến Triều Tiên.

Trong chuyến công du đến Nga hồi tháng 9-2023 của ông Kim, ông Putin đã nhận lời mời thăm Bình Nhưỡng từ nhà lãnh đạo Triều Tiên.


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn