Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 08 -12 -2023

Thứ Sáu, 08 Tháng Mười Hai 20235:52 SA(Xem: 978)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 08 -12 -2023
HoaLuc 6
***************

Điện Kremlin cáo buộc Biden « bôi nhọ » Nga để giành thêm ngân sách cho Ukraina

Minh Anh

Điện Kremlin ngày 07/12/2023, cáo buộc tổng thống Mỹ Joe Biden tìm cách « bôi nhọ » Nga nhằm thuyết phục Quốc Hội chấp thuận tiếp tục viện trợ cho Ukraina. một hành động mà Matxcơva ví như là « đốt tiền » nộp thuế của người dân. 

Đăng ngày:

1 phút

Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho rằng việc tổng thống Biden nỗ lực thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự mới cho Ukraina, là một điều vô ích và chỉ sẽ kéo dài cuộc chiến mà Nga khẳng định họ phải thắng để bảo vệ an ninh đất nước. 

Ông Peskov lấy làm tiếc là giới lãnh đạo Mỹ « tiếp tục thói quen sử dụng Nga như là một công cụ trong các vấn đề đối nội », « bôi nhọ » nước Nga « một cách trắng trợn », « thao túng các dân biểu và thượng nghị sĩ nhằm tiếp tục đốt tiền nộp thuế của người dân trong lò lửa chiến tranh Ukraina. »  

Giám đốc tình báo của Nga, ông Serguei Naryshkin, hôm qua cảnh cáo Hoa Kỳ rằng sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraina sẽ biến cuộc xung đột này thành một « Việt Nam thứ hai », và sẽ ám ảnh nước Mỹ trong nhiều năm tới. 

Theo Reuters, chính quyền Nga có những lời lẽ gay gắt vào lúc tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Tư 06/12 khẩn khoản kêu gọi các nghị sĩ đảng Cộng Hòa thông qua gói viện trợ mới cho Ukraina, khi cảnh báo rằng thắng lợi của Nga đối với Ukraina sẽ tạo động lực thúc đẩy Matxcơva tấn công các đồng minh của NATO và có thể lôi kéo Mỹ vào một cuộc chiến. 


**********
rfi.fr

Israel chỉ trích tổng thư ký LHQ dùng đặc quyền gây áp lực để có ngừng bắn ở Gaza

Phan Minh

Sau khi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres viện dẫn điều 99 trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc để cảnh báo nguy cơ “sự sụp đổ hoàn toàn” và tìm kiếm lệnh ngừng bắn mới ở Gaza hôm 06/12/2023, ngoại trưởng Israel đã chỉ trích gay gắt, thậm chí coi lãnh đạo Liên Hiệp Quốc là một mối nguy hiểm cho hòa bình thế giới.

Đăng ngày:

2 phút

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten cho biết cụ thể :

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã sử dụng đặc quyền để gây áp lực với Hội Đồng Bảo An hành động để có được lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Gaza. Và chỉ 6 tiếng sau đó, ông bị người đứng đầu ngành ngoại giao Israel chỉ trích gay gắt trên mạng xã hội X và ngoại trưởng Israel khẳng định việc để ông Guterres tại chức là một mối nguy cho hòa bình thế giới.

Lần đầu tiên trong lịch sử Liên Hiệp Quốc, đại sứ Israel, Gilad Erdan, đã từng công khai yêu cầu tổng thư ký Antonio Guterres phải từ chức dựa vào một tuyên bố của ông bị cắt xén. Và ông Erdan tiếp tục có những phát biểu phỉ báng, đến mức mà ngoại trưởng Trung Quốc đã phải nhắc nhở ông trong phiên họp của Hội Đồng vào tuần trước. Kể từ đó, giám đốc WHO, giám đốc UN Women hay cơ quan LHQ về người tị nạn Palestine đã bị quan chức Israel chỉ trích vì tính thiên vị. Và những lời chỉ trích này đang lan tỏa rất mạnh trên mạng xã hội.

Căng thẳng tiếp tục gia tăng cách đây 3 ngày, khi Israel quyết định không gia hạn thị thực làm việc cho bà Lynn Hastings, điều phối viên nhân đạo cho vùng lãnh thổ Palestine. Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu chính phủ Netanyahu xem xét lại quyết định này để không làm gián đoạn các hoạt động nhân đạo đang cần thiết hơn bao giờ hết.

Về tình hình chiến sự, quân đội Israel, hôm nay 08/12, tiếp tục tấn công ở trong và xung quanh các thành phố chính của Gaza. Theo bộ Y Tế của Hamas, số người chết tại đây đã lên đến 17.000, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, trong khi nhiều khu vực rộng lớn đã biến thành vùng đất hoang tàn, rải đầy gạch vụn với những tòa nhà bị oanh kích. Về phần mình, lực lượng vũ trang Hamas tuyên bố đã ngăn chặn được các nỗ lực giải cứu con tin của quân đội Israel tại Gaza.


************
voatiengviet.com

Các cố vấn an ninh Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản họp bàn về Triều Tiên

Reuters

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết các cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ họp ở Seoul vào thứ Sáu 8/12 và thứ Bảy 9/12 để thảo luận về Triều Tiên và các vấn đề toàn cầu khác cùng lúc những nước này tăng cường hợp tác ba bên.

Cố vấn an ninh quốc gia của Seoul, Cho Tae-yong, đã hội đàm song phương với Takeo Akiba của Nhật Bản và Jake Sullivan của Mỹ hôm 8/12, họ nhất trí tăng cường hợp tác để hạn chế mối đe dọa hạt nhân và các vụ gây hấn với tên lửa của Triều Tiên, theo văn phòng tổng thống Hàn Quốc. Họ sẽ họp ba bên vào ngày 9/12.

Ba nước này lên án việc Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát đầu tiên vào tháng trước vì vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Bình Nhưỡng đã bác bỏ những lời chỉ trích và nói rằng việc làm của nước này sẽ tăng cường khả năng theo dõi các hoạt động quân sự của Mỹ và các đồng minh phía Mỹ.

Những tranh cãi này đã làm rạn vỡ một hiệp ước quân sự liên Triều được thiết kế nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra đụng độ vô tình giữa hai miền Triều Tiên, hai nước này trên giấy tờ vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với nhau.

Người phát ngôn chuyên trách an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby nói hôm 6/12 rằng 3 vị cố vấn sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, "đặc biệt là về môi trường an ninh" cùng lúc họ muốn phát triển thêm nữa từ thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo ba nước đạt được tại Trại David để tăng cường hợp tác.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ưu tiên hàn gắn mối quan hệ với Nhật Bản kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2022 và khôi phục hợp tác an ninh ba bên với Hoa Kỳ khi Triều Tiên tăng cường các chương trình vũ khí và công khai đe dọa Hàn Quốc.

Văn phòng của ông Yoon cho hay Mỹ và Hàn Quốc cũng sẽ tổ chức một cuộc họp riêng vào ngày 9/12 để thảo luận về việc mở rộng hợp tác trong các công nghệ tiên tiến như chip, pin, năng lượng sạch và trí tuệ nhân tạo.


***********
voatiengviet.com

TT Putin nói với binh sĩ: Tôi sẽ tái tranh cử tổng thống vào năm 2024

Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hôm thứ Sáu 8/12 với những quân nhân từng chiến đấu trong cuộc chiến Ukraine rằng ông sẽ tái tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2024, một động thái sẽ mở đường cho cựu điệp viên KGB nắm quyền ít nhất là đến năm 2030.

Ông Putin, người được ông Boris Yeltsin bàn giao chức tổng thống vào ngày cuối cùng của năm 1999, đã nắm chức vụ này lâu hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác của Nga kể từ thời ông Josef Stalin, dài hơn cả nhiệm kỳ 18 năm của ông Leonid Brezhnev.

Sau khi ông Putin trao tặng cho các cựu chiến binh Ukraine danh hiệu quân sự cao quý nhất của Nga, huân chương Sao vàng Anh hùng nước Nga, một trung tá tên là Artyom Zhoga, chỉ huy Tiểu đoàn Sparta, đã đề nghị tổng thống tái tranh cử.

“Tôi sẽ không giấu giếm rằng tôi đã có những lúc nghĩ thế này thế khác nhưng giờ là lúc phải đưa ra quyết định”, ông Putin nói với Zhoga và những người lính khác cũng được huân chương.

“Tôi sẽ tranh cử chức tổng thống”, ông Putin phát biểu như vậy trong video chiếu trên truyền hình, cho thấy ông nói ở Sảnh Georgievsky dát vàng, một phần của Đại Cung điện Kremlin.

Zhoga nói với các phóng viên sau đó rằng ông rất vui mừng vì ông Putin đã đồng ý với lời đề nghị và nói thêm rằng toàn thể nước Nga sẽ ủng hộ quyết định này.

Đối với ông Putin, 71 tuổi, cuộc bầu cử chỉ là hình thức: với sự ủng hộ của nhà nước, các phương tiện truyền thông nhà nước và hầu như không có sự bất đồng chính kiến chính thức nào trong công chúng, ông chắc chắn sẽ giành chiến thắng.

Những người ủng hộ ông Putin chỉ ra rằng một số cuộc thăm dò độc lập cho thấy ông nhận được tỷ lệ tán thành là trên 80%. Họ nói rằng ông Putin đã tái lập trật tự và khôi phục một số ảnh hưởng mà nước Nga đã đánh mất trong thời kỳ hỗn loạn do Liên Xô sụp đổ.

Tuy ông Putin có thể không gặp phải sự cạnh tranh thực sự nào trong cuộc bầu cử, song ông đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng nhất so với bất kỳ người đứng đầu Điện Kremlin nào khác kể từ khi ông Mikhail Gorbachev vật lộn với Liên Xô đang sụp đổ hơn ba thập kỷ trước.

Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra cuộc đối đầu lớn nhất với phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962; các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gây ra cú sốc từ bên ngoài lớn nhất cho nền kinh tế Nga trong nhiều thập kỷ; và ông Putin đã phải đối mặt với một cuộc binh biến bất thành của tay trùm lính đánh thuê có nhiều sức mạnh nhất nước Nga, Yevgeny Prigozhin, vào tháng 6.

Prigozhin thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay 2 tháng sau cuộc binh biến. Kể từ sự kiện này, ông Putin đã thắt chặt quyền kiểm soát của mình.

Phương Tây coi ông Putin là một tội phạm chiến tranh và một nhà độc tài, người đã đưa Nga vào công cuộc chiếm đất kiểu đế quốc ở Ukraine, làm suy yếu nước Nga và củng cố thể chế nhà nước Ukraine, đồng thời làm cho phương Tây đoàn kết với nhau và mang lại một sứ mệnh cho NATO.


************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI
Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI

(Reuters) – Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 cấm nhập khẩu kim cương của Nga. Hôm nay ngày 07/12/2023, G7 chính thức thông báo cấm nhập khẩu kim cương của Nga kể từ ngày 01/01/2024. Biện pháp này được đưa ra trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, sau khi nước này thực hiện cuộc chiến tại Ukraina. 

(AFP) – Brazil tăng cường hiện diện quân đội ở biên giới với Guyana và Venezuela. Hôm qua 06/12/2023, quân đội Brazil thông báo đã tăng cường lực lượng nhằm đảm bảo quyền bất khả xâm phạm tại biên giới nước này. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai nước láng giềng Guyana và Venezuela trong việc tranh chấp vùng lãnh thổ Essequibo. 

(AFP) – Ca sĩ Taylor Swift được tạp chí Time vinh danh là “Nhân vật của năm”. Theo tạp chí Mỹ Time ngày 06/12/2023, sau thành công của tour diễn thế giới “The Eras Tour”, Taylor Swift đã vượt qua những chính trị gia quyền lực và nhiều người nổi tiếng khác như tổng thống Nga, chủ tịch Trung Quốc hay vua Charles III để trở thành “Nhân vật của năm 2023”.

(RFI) - Nhiều thương hiệu lớn sử dụng hàng đến từ việc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ. Theo báo cáo được trường đại học Sheffield (Anh Quốc) cùng với  một tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền của tộc Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ công bố ngày 06/12/2023, có 39 thương hiệu hàng may mặc châu Âu đã lợi dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Báo cáo này được đưa ra vào lúc các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đến Bắc Kinh dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU.


*************
voatiengviet.com

Anh triệu tập đại sứ Nga về cáo buộc gián điệp mạng

Reuters

Chính phủ Anh đã triệu tập đại sứ Nga và trừng phạt hai người Nga về điều mà họ cho là âm mưu lâu nay nhưng bất thành của gián điệp mạng Nga tìm cách can thiệp vào chính trị.

Một nhóm tin tặc được các nhà nghiên cứu an ninh mạng đặt biệt danh là ‘Dòng sông lạnh’ vốn làm việc cho Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã nhắm vào các chính trị gia, nhà báo và các tổ chức phi lợi nhuận của Anh trong vài năm, Bộ Ngoại giao Anh cho biết.

“Hôm nay tôi có thể xác nhận rằng Cơ quan An ninh Liên bang Nga, FSB, đứng đằng sau nỗ lực kéo dài nhằm can thiệp vào các tiến trình dân chủ của đất nước chúng ta,” Thứ trưởng Ngoại giao Anh Leo Docherty nói với các nghị sỹ.

Moscow cho biết không có bằng chứng chứng tỏ các cáo buộc của Anh về chiến dịch gián điệp trên mạng, các cơ quan Nga cho biết sau đó hôm 7/12.

Bộ Ngoại giao Nga trước đó đã bác bản tin của Reuters về ‘Dòng sông Lạnh’ và cho rằng đó là ‘tuyên truyền chống Nga’.

Nhóm tin tặc này lần đầu tiên bị các chuyên gia tình báo để ý sau khi nhắm vào cơ quan ngoại giao của Anh hồi năm 2016. Nó cũng đứng đằng sau vụ rò rỉ email cá nhân của cựu điệp viên người Anh Richard Dearlove hồi năm 2022.

Khi được liên lạc qua điện thoại, Korinets, một trong hai cá nhân bị Anh trừng phạt hôm 7/12, nói với Reuters rằng ông không biết về các biện pháp trừng phạt nhằm vào ông, hoặc tại sao lại có các biện pháp trừng phạt như vậy.

‘Dòng sông Lạnh’ nằm trong ‘Trung tâm 18’ của FSB, một trong hai đơn vị gián điệp mạng được mọi người biết tại cơ quan tình báo Nga.

Một quan chức phương Tây nói với điều kiện ẩn danh rằng nhóm này vẫn hoạt động rất mạnh và là một phần của ‘Các biện pháp tích cực’ của Moscow, tức là hệ thống thu thập thông tin tình báo – một thuật ngữ vốn có thời Chiến tranh Lạnh được Liên Xô sử dụng để mô tả các chiến dịch bí mật đưa thông tin sai lệch về chính trị.

Nhóm này nhắm vào hộp thư email cá nhân của các nhân vật cao cấp, Reuters cho biết, bao gồm ít nhất ba cựu quan chức tình báo Anh.

“Do Anh ủng hộ Ukraine, chúng tôi đang ở trong tình trạng ‘chiến tranh xám’ với Nga; và người Nga sẽ dùng mọi phương tiện mà họ có để tấn công lợi ích của Anh nhưng không tới mức xung đột công khai,” ông Richard Dearlove, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Anh MI6 nói với Reuters.

************
rfi.fr

Pháp: Tầm ảnh hưởng toàn cầu đang trên đà suy giảm?

Minh Anh

Với diện tích 550 ngàn km², Pháp – quốc gia rộng lớn nhất trong Liên Hiệp Châu Âu – là nền kinh tế thứ ba tại châu lục và đứng hàng thứ 7 trên thế giới. Nhờ vào một nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, Pháp được xếp là cường quốc quân sự thứ 8 trên toàn cầu. Dù vậy, cũng giống như cảm nhận của hai phần ba người dân Pháp, giới quan sát có chung nhận xét : Pháp không còn là một đại cường và tầm ảnh hưởng của Pháp trên trường quốc tế đang đà suy giảm.

Pháp: Cường quốc được lắng nghe nhưng không được trông đợi

Từ những năm 2000, có một câu hỏi luôn được đặt ra : Pháp có còn là một cường quốc hay không ? Câu trả lời vẫn là « Có », nước Pháp vẫn là một cường quốc quan trọng nhờ ít nhất vào ba lá chủ bài : Một ghế thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, một vị trí trong câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân và một mạng lưới ngoại giao rộng lớn được cho là đứng hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài ra, nước Pháp có thể trông cậy vào ngôn ngữ Pháp, sắp tới sẽ được hơn 300 triệu người sử dụng ; sự hiện diện đông đảo của Pháp tại nhiều định chế quốc tế ; một vai trò quan trọng trong khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO và Liên Hiệp Châu Âu cũng như là một hình ảnh tích cực để thu hút đầu tư và du lịch bất chấp một số bất ổn xã hội gần đây.

Tuy nhiên, nhà báo và cũng là tác giả, Richard Werly, thông tín viên báo « Blick » tại Paris trên kênh truyền hình RTS của Thụy Sĩ ngày 10/11/2023 đánh giá những lợi thế này cũng chưa đủ để nước Pháp ngày nay được « lắng nghe và trông đợi » như dưới thời tướng De Gaulle, thời tổng thống François Mitterand hay Jacques Chirac.

Bởi vì, những lá chủ bài đó của Pháp đâu phải là những điều « bất di bất dịch », như lưu ý của chuyên gia Frédéric Charillon, giáo sư ngành Khoa học Chính trị trường đại học Clermont – Auvergne trên tạp chí Diplomatie số ra tháng 8-9/2023.

Bản thân các định chế Liên Hiệp Quốc cũng đang bị chỉ trích là lỗi thời và ngày càng có nhiều lời kêu gọi cải tổ. Vũ khí hạt nhân thì khó sử dụng tại các nền dân chủ. Thế mạnh kinh tế của Pháp, tuy vẫn nằm trong tốp hàng đầu nhưng đã bị nhiều nước phương Nam khác qua mặt.

Ngôn ngữ Pháp dù được sử dụng rộng rãi nhưng bị rút xuống như là một thứ ngôn ngữ làm việc trong các định chế quốc tế, trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu cũng như ở một số nước Bắc Phi, trong khi các hệ thống giáo dục nổi tiếng của Pháp ở nước ngoài bị cạnh tranh gay gắt từ nhiều nước châu Âu khác.

Trong lòng khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu, Pháp phải quan tâm đến việc có nhiều đối tác không chấp nhận thế trội và sẵn sàng đối đầu trực diện, chống đối tầm nhìn chính trị của Paris.

Châu Phi: « Sân sau » đã mất !

Cũng theo ông Frédéric Charillon, bất chấp các nỗ lực không ngừng từ thời tướng De Gaulle, Pháp vẫn luôn gặp khó khăn trong việc mở rộng ảnh hưởng tại nhiều vùng giờ được cho là những vùng « tâm điểm chiến lược tương lai » như Nam Mỹ, Đông Nam Á, Trung Á và Nam Á…

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là tại châu Phi. Ở những nước thuộc địa cũ, tầm ảnh hưởng của Pháp đã bị giảm mạnh đến thê thảm. Mười năm sau chiến dịch quân sự ở Mali và nước Pháp được chào đón như là một anh hùng năm 2013, Paris giờ phải lần lượt thoái lui ra khỏi sáu nước, từng được xem như là « sân sau » của Pháp sau một loạt các cuộc đảo chính quân sự và làn sóng « bài Pháp » : Mali (2020), Tchad (2021), Guinea (2021) ; Burkina Faso (2022), Niger (2023) và Gabon (2023).

Trong bối cảnh này, Paris buộc phải điều chỉnh chính sách đối với châu Phi. Tại Rwanda, sau nhiều năm căng thẳng bang giao do có liên quan đến nạn diệt chủng năm 1994, nguyên thủ Pháp có lời xin lỗi. Trên bình diện văn hóa, Paris thông qua đạo luật trao trả lại nhiều cổ vật nghệ thuật. Về kinh tế, tổng thống Macron thông báo chấm dứt đồng franc CFA – vết tích sau cùng thời thuộc địa của Pháp trong khu vực.

Làm thế nào giải thích cho sự suy giảm mạnh mẽ ảnh hưởng của Pháp tại châu lục ? Ngoài yếu tố quá khứ thực dân, nhà địa chính trị Niagalé Bagayoko, chủ tịch African Security Sector Network, trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) đưa ra một số nguyên nhân khác  :

« Trước hết có một sự tự phụ, một tham vọng quá lớn trong việc tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố mà người dân thực sự tin tưởng. Pháp tuyên bố sẽ loại bỏ, vô hiệu hóa và tiêu diệt hoàn toàn những kẻ khủng bố, và dư luận đã không nghi ngờ gì về khả năng thực hiện của Pháp. Tuy nhiên, sau hai mươi năm, chúng ta thấy rõ là các đối tác quốc tế đã không thể vượt qua cuộc xung đột này ở bất kỳ chiến trường nào.

Do vậy, sự tín nhiệm dành cho Pháp lúc ban đầu cũng vì thế đã gây ra hoài nghi và nỗi tức giận ngày càng lớn trước sự hiện diện được cho là vô ích. Và theo công luận châu Phi, yếu tố thứ hai đi kèm theo, là thái độ ngạo mạn, lối gia trưởng khinh thường của Pháp khi đối diện với các nhà lãnh đạo và công luận tại chỗ (…)

Rồi cách thức xử lý khủng hoảng khi không đếm xỉa đến sự khác biệt trong phân tích chiến lược, nhất là với các nước trong vùng Sahel đã giải thích phần nào thất bại của Pháp mà chúng ta thấy rõ trong thực tế bất chấp những phủ nhận.

Chẳng hạn việc ngoại trưởng Pháp thời đó là ông Jean Yves Le Drian phản đối thủ tướng Mali phủ quyết mọi cuộc đàm phán với các nhóm khủng bố cho thấy các sai lầm trong việc chọn lựa các giải pháp của Paris. Hay như trong cuộc xung đột giữa Bamako và phe ly khai ở miền Bắc Mali, cách thức Pháp hậu thuẫn cho nhóm vũ trang Touareg đã bị dư luận Mali coi như là một hành động phản bội ».

Trung Đông: Hình ảnh bị lu mờ

Ở Trung Đông, tại những nước có các mối liên hệ truyền thống, địa lý, và văn hóa sâu rộng bắt nguồn từ những mối liên minh xưa cũ như Syria, Libya hay Liban, Pháp cũng đã bị mất ảnh hưởng, trong khi dưới thời tổng thống Jacques Chirac, Paris lại là một đối tác không thể thiếu ở khu vực.

Triển vọng mở rộng ảnh hưởng trong vùng giờ dịch chuyển về phía các cường quốc trong Vùng Vịnh. Tổng thống Emmanuel Macron là nguyên thủ đầu tiên tiếp đón hoàng thái tử Mohammed Ben Salmane của Ả Rập xê Út sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Với Qatar, Paris ký kết một nghị định thư hợp tác, nhưng chính tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Pháp có một căn cứ quân sự từ năm 2009.

Nhà báo Richard Werly, trên kênh truyền hình RTS nhắc lại dưới thời tổng thống Jacques Chirac, nước Pháp đã để lại hai hình ảnh, hai quyết định ấn tượng : Thứ nhất là nói « KHÔNG » với cuộc can thiệp quân sự của Mỹ ở Irak qua bài phát biểu của ông Dominique Villepin tại Liên Hiệp Quốc năm 2003 và thứ hai là hình ảnh ông J. Chirac gạt đoàn hộ tống của Israel để nói chuyện với người dân Palestine ở vùng Đông Jerusalem.

« Ở ông Chirac có một dạng bất đồng chính kiến theo kiểu tướng De Gaulle. Giờ hình thức này còn lại rất ít, đã bị ông Nicolas Sarkozy xóa nhòa đi rất nhiều. Quyết định gia nhập NATO đã đồng nghĩa với việc từ bỏ một phần học thuyết của tướng De Gaulle. Còn tổng thống François Hollande thì vất vả tồn tại trên trường quốc tế. Giờ đến lượt Emmanuel Macron đang nỗ lực "chèo lái" để khôi phục sức mạnh này.

Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi. Khối phương Nam toàn cầu đòi hỏi khắt khe hơn trước và cuộc chiến tranh tại Ukraina đang tạo ra trước mặt chúng ta một "trục" khác bao gồm Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác nữa ».

Khủng hoảng "AUKUS": Vố đau cho công nghiệp quốc phòng

Lãnh vực công nghiệp quốc phòng – chiếc đòn bẩy quan trọng không thể thiếu của Pháp trong đối ngoại – cũng « năm chìm bảy nổi » trong cuộc tranh giành ảnh hưởng khốc liệt, trước một thế giới đã bị phân mảnh và xuất hiện nhiều cường quốc bậc trung, cũng đang đòi hỏi một vị trí trong bàn cờ địa chính trị.

Dù vậy, theo thống kê, Pháp là nước xuất khẩu vũ khí thứ ba trên thế giới (chiếm 11% thị phần toàn cầu), chỉ sau Nga (16%) và thua xa Mỹ (40%). Những khách hàng lớn của Paris trong năm 2022 là Ấn Độ, Qatar, Brazil, Ai Cập và Hy Lạp.

Tuy nhiên, trong năm 2021, chỉ trong vòng có vài tháng, nước Pháp liên tiếp đón nhận hai vố đau : Thụy Sĩ quyết định chọn mua F-35 của Mỹ trong khi các cuộc thương lượng về Rafale của Pháp được cho là có những tiến triển tốt và nhất là, Úc bất ngờ thông báo hủy hợp đồng mua 12 chiếc tầu ngầm của tập đoàn Naval Group của Pháp và thay vào đó là tầu ngầm hạt nhân của Anh – Mỹ.

Cuộc khủng hoảng này xảy ra vào thời điểm tế nhị, Pháp đặt các vùng lãnh thổ hải ngoại vào trọng tâm chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Ấn Độ là một đối tác quan trọng hàng đầu đối với Pháp. Theo đánh giá từ nhà báo Richard Werly, cuộc khủng hoảng này đã để lại một tác động không nhỏ cho ngành công nghiệp quốc phòng Pháp, một mặt cho phép nước này tự chủ về an ninh quốc phòng, nhưng mặt khác lại là một công cụ ngoại giao hữu ích.

« Đây là một sự sỉ nhục. Về mặt hợp đồng kinh doanh, quý vị đã ký cam kết bán 12 chiếc tàu ngầm, và hơn nữa, đó là một hợp đồng rất lớn, và đột nhiên, không hề báo trước, hợp đồng này bị một quốc gia là Úc từ bỏ khi cùng lúc ký một hợp đồng khác với Mỹ, đồng minh của quý vị. Vì vậy, đó là một sự sỉ nhục. Pháp hoàn toàn đúng khi bày tỏ bất bình với Joe Biden. Và ngay sau đó Emmanuel Macron có chuyến thăm cấp nhà nước trên thảm đỏ ở Washington.

Về mặt đánh giá chiến lược, Úc cho rằng thế phòng thủ hải quân thủ tốt nhất trước Trung Quốc là các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Điều đó có thể hiểu được, việc xem xét lại chiến lược của Úc là có thể hiểu được. Tôi nghĩ người Pháp cũng hiểu điều đó. Do vậy, họ đã thương lượng mức bồi thường 500 triệu euro, con số này không hề nhỏ.

Nhưng thực sự, nó giống như một sự sỉ nhục cho thế mạnh của Pháp, đó là một tín hiệu rất xấu. Kể từ đó, E. Macron đã cố gắng lấy lại vị thế này. »

Nhìn từ toàn cảnh này, giới quan sát nhận định việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn có một nước Pháp hùng mạnh và được lắng nghe sẽ là một nhiệm vụ đầy khó khăn. Để trở thành một cường quốc, không chỉ có thế mạnh quân sự mà còn phải có cả các phương tiện kinh tế để thúc đẩy những hồ sơ mà Pháp muốn mở rộng ảnh hưởng. Nhưng rủi thay những công cụ kinh tế này Pháp không còn nữa trong khi mà món nợ khổng lồ hơn 3.000 tỷ euro đang treo lơ lửng đe dọa đến nền kinh tế - xã hội tại xứ sở có hình lục lăng này !


*********
voatiengviet.com

Ông Tập Cận Bình cảnh báo châu Âu ‘đừng đối đầu’ với Trung Quốc

Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 7/12 nói với các quan chức hàng đầu của EU rằng Trung Quốc và châu Âu không nên coi nhau là đối thủ hoặc ‘đối đầu nhau’ do chế độ chính trị khác biệt, trong cuộc gặp thượng đỉnh mặt đối mặt đầu tiên giữa Trung Quốc và EU trong bốn năm.

Trong một cuộc gặp để thảo luận về các vấn đề từ mất cân bằng thương mại cho đến Ukraine, ông Tập cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng đưa Liên minh châu Âu trở thành đối tác kinh tế và thương mại chủ chốt của họ và hợp tác về khoa học và công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo.

Trong các cuộc đàm phán tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, ông Tập đã kêu gọi EU ‘loại bỏ tất cả các hình thức can thiệp’ vào quan hệ song phương, đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết.

Ông Tập nói cả hai bên cần xây dựng ‘nhận thức đúng đắn’ về nhau, và khuyến khích sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cũng đã hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong chuyến thăm kéo dài một ngày.

Ông Lý nói với các nhà lãnh đạo EU rằng Trung Quốc phản đối ‘việc chính trị hóa và an ninh hóa rộng rãi’ các vấn đề kinh tế và thương mại, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường, theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc.

“Chúng tôi hy vọng EU sẽ thận trọng khi đưa ra các chính sách kinh tế và thương mại mang tính giới hạn cũng như trong khi sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm giữ cho thị trường thương mại và đầu tư của EU luôn mở,” ông nói.

Các cuộc họp hôm 7/12 là cơ hội cuối cùng của các quan chức EU gặp mặt các lãnh đạo Trung Quốc trước khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu bắt đầu vào năm tới để thay đổi thành phần lãnh đạo của khối gồm 27 quốc gia.

Trong một đòn giáng khác vào quan hệ EU-Trung Quốc, Ý, một nước thành viên trong khối, đã chính thức thông báo cho Trung Quốc ‘trong những ngày gần đây’ rằng họ sẽ rời khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường do ông Tập đề xuất, các nguồn tin chính phủ Ý nói với Reuters hôm 6/12.

EU muốn Bắc Kinh dùng ảnh hưởng đối với Nga để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine và trọng tâm chính của chuyến đi là kêu gọi ông Tập ngăn các công ty tư Trung Quốc xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng do châu Âu sản xuất sang Nga để nước này sử dụng cho chiến tranh. Brussels ban đầu đã loại các công ty Trung Quốc này ra khỏi gói trừng phạt Nga mới nhất được công bố hồi tháng trước, các quan chức châu Âu cho biết.

Khối này cũng lo ngại về điều mà họ cho là quan hệ kinh tế ‘mất cân đối’ và cho biết thâm hụt thương mại gần 400 tỷ euro với Trung Quốc cho thấy những hạn chế đối với các doanh nghiệp EU làm ăn ở Trung Quốc.

Trung Quốc trước đó đã chống lại cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện của họ và chính sách ‘giảm rủi ro’ của EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc, nhất là các nguyên liệu thô quan trọng.

“Phía Trung Quốc cho rằng cuộc điều tra này... phá vỡ và bóp méo nghiêm trọng chuỗi sản xuất của ngành ô tô toàn cầu... và sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU,” ông Hạ Á Đông, phát ngôn nhân Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 7/12.

Tháng trước, Ngoại trưởng Vương Nghị nói với người đồng cấp Pháp Catherine Colonna rằng rủi ro lớn nhất là ‘sự bất định do chính trị hóa gây ra’ và rằng ‘sự phụ thuộc cần cắt giảm nhất là chủ nghĩa bảo hộ’.

Trong chuyến thăm của bà Colonna, Trung Quốc cũng đề xuất miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của năm nền kinh tế lớn nhất EU trong nỗ lực thúc đẩy du lịch sau đại dịch và cải thiện hình ảnh của Trung Quốc ở phương Tây, sau khi quan hệ xấu đi trong đại dịch Covid-19.


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn