Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 09 -12 -2023

Thứ Bảy, 09 Tháng Mười Hai 20235:18 SA(Xem: 931)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 09 -12 -2023


Hamas 1
*************
rfi.fr

Mỹ và các đồng minh châu Á « sẵn sàng đứng lên » bảo vệ ổn định tại eo biển Đài Loan

Thanh Hà

Kết thúc cuộc họp ba bên Mỹ - Nhật - Hàn tại Seoul vào sáng hôm nay 09/12/2023, cố vấn An Ninh Quốc Gia Nhà Trắng của Mỹ, Jake Sullivan khẳng định Washington và các đồng minh sẵn sàng « đứng lên » vì « ổn định hòa bình tại eo biển Đài Loan, vì quyền tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông và Hoa Đông ».

Đăng ngày:

2 phút

Họp báo với đồng cấp Takeo Akiba của Nhật Bản và Cho Tae Yong của Hàn Quốc, cố vấn An Ninh Quốc Gia của phủ tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến những cam kết bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải tại những vùng biển có tranh chấp chủ quyền. Hãng tin Pháp AFP nhắc lại trong thời gian gần đây, tàu chiến của Mỹ và của nhiều nước phương Tây thường quyên tuần tra qua eo biển Đài Loan và ở khu vực Biển Đông, tăng cường hiện diện tại các vùng biển quốc tế. Nhưng điều đó đủ khiến Bắc Kinh thịnh nộ.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol liên tục củng cố liên hệ giữa Seoul và Washington để đối phó với những « mối đe dọa càng lúc càng lớn » xuất phát từ Bắc Triều Tiên. Chế độ Bình Nhưỡng đã có vũ khí hạt nhân. Cũng trong mục đích này, Seoul nỗ lực vượt lên trên những bất đồng từ quá khứ lịch sử, để sưởi ấm quan hệ với Tokyo. Nhật Bản là một đồng minh khác của Mỹ tại Đông Bắc Á.

Cuộc họp tại Seoul lần này là bước kết tiếp từ hội nghị ở Camp David hồi tháng 08/2023. Mỹ Nhật Hàn cam kết « mở ra một chương mới trong hợp tác ba bên về an ninh ». Cũng tại hội nghị này, Washington và hai đồng minh châu Á đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc có thái độ hung hăng ở Biển Đông.

Trước đó, tổng thống Hàn Quốc báo động : căng thẳng tại eo biển Đài Loan xuất phát từ tham vọng của Bắc Kinh muốn « dùng sức mạnh quân sự thay đổi nguyên trạng ở eo biển Đài Loan ». Điều đó không cấm cản lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc họp thượng đỉnh bên lề Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11/2023 tại Los Angeles, Hoa Kỳ.


*************
voatiengviet.com

Những thách thức với Putin nếu đắc cử thêm nhiệm kỳ 6 năm

Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết muốn lưu lại Điện Kremlin thêm 6 năm nữa bằng cách tham gia cuộc tranh cử vào tháng 3/2024, nơi chiến thắng của ông được nhiều người cho là một kết quả đã được định trước.

Chiến tranh Ukraine

Sau hơn 21 tháng chiến tranh, lực lượng Nga kiểm soát hơn 1/6 lãnh thổ Ukraine. Tiền tuyến không có sự thay đổi đáng kể trong năm qua khi cuộc xung đột đã chuyển thành một cuộc chiến tranh tiêu hao.

Mục tiêu cuối cùng của ông Putin vẫn chưa rõ ràng. Ông đã thất bại trong nỗ lực ban đầu nhằm chiếm thủ đô Kyiv và loại bỏ giới lãnh đạo Ukraine khi lực lượng Nga bị đánh lui khỏi Kyiv. Kể từ đó, ông tuyên bố 4 khu vực của Ukraine là một phần của Nga nhưng chỉ kiểm soát được một phần tại những lãnh thổ đó.

Một số nhà phân tích cho rằng ông Putin dường như tin rằng thời gian đang đứng về phía mình: Moscow hy vọng quyết tâm của phương Tây về việc vũ trang và tài trợ cho Ukraine sẽ dần dà phai mờ, đặc biệt nếu cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới đưa ông Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc.

Nếu chọn cách leo thang, ông Putin có thể khai thác thực tế rằng Nga có nguồn nhân lực dự trữ dồi dào hơn Ukraine bằng cách tuyên bố một đợt huy động mới bên cạnh đợt triệu tập 300.000 quân mà ông đã ra lệnh vào tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, làn sóng đầu tiên diễn ra hỗn loạn và không được lòng dân, khiến hàng trăm ngàn người Nga chạy trốn ra nước ngoài, và Điện Kremlin đã nhiều lần nói rằng không cần phải có đợt huy động thứ hai.

Hoặc ông Putin có thể để cho cuộc chiến chuyển thành một ‘cuộc xung đột đóng băng,’ mà qua đó Nga sẽ cố gắng giữ Ukraine trong tình trạng nghẹt thở bằng cách chiếm đóng vô thời hạn miền nam và miền đông.

Chính sách đối ngoại

Quyết định của ông Putin tiến hành chiến tranh ở Ukraine đã làm rạn nứt quan hệ với phương Tây. Ông đã tiến gần hơn đến Trung Quốc và Ấn Độ như một phần trong nỗ lực phá vỡ sự thống trị của Mỹ trong quan hệ quốc tế và xây dựng cái mà ông gọi là ‘thế giới đa cực,’ đồng thời cũng đang phát triển mối quan hệ với Châu Phi, Trung Đông và Châu Mỹ Latin. Ông Putin đã tổ chức các cuộc họp trong những tháng gần đây với các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Iran, hai quốc gia có cùng quan điểm thù địch với Mỹ và có khả năng cung cấp cho quân đội của ông ở Ukraine. Nhiệm kỳ mới của ông Putin có thể sẽ cho thấy sự nhấn mạnh ngày càng tăng vào mối quan hệ của Nga với nhóm các quốc gia BRICS đang mở rộng mà Moscow đang tìm cách phát triển ngoài thương mại để bao gồm các lĩnh vực mới như hợp tác trong không gian và một sự kiện tranh tài thể thao của BRICS, theo kiểu như Thế vận hội Olympic.

Võ khí hạt nhân

Lực lượng Nga đang bị sa lầy ở Ukraine bởi một đối thủ được trang bị vũ khí phương Tây, nhỏ hơn nhưng quyết tâm cao. Ông Putin đã nhiều lần ca ngợi quy mô và khả năng của kho vũ khí hạt nhân Nga. Ông đã đưa ra khả năng Nga có thể tiếp tục thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô làm như vậy vào năm 1990, mặc dù Moscow cho biết họ sẽ không thử nghiệm trừ khi Mỹ làm như vậy. Triển vọng hiện có vẻ mờ mịt về một hiệp ước gia hạn hoặc kế thừa cho thỏa thuận START Mới nhằm hạn chế số lượng đầu đạn chiến lược mà Nga và Mỹ có thể triển khai. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn sót lại giữa hai nước và sẽ hết hạn vào tháng 2 năm 2026, chưa đầy hai năm sau nhiệm kỳ mới của ông Putin.

Thương mại và Năng lượng

Nga đã mất phần lớn thị trường năng lượng béo bở ở châu Âu kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Để bù đắp, Moscow đang trông cậy vào ba dự án lớn:

- Một ‘trung tâm khí đốt’ mới ở Thổ Nhĩ Kỳ để cho phép Nga định tuyến lại hoạt động xuất khẩu khí đốt của mình.

- Một đường ống mới, Power of Siberia 2, sẽ đưa thêm 50 tỷ mét khối khí đốt của Nga mỗi năm đến Trung Quốc qua Mông Cổ.

- Mở rộng Tuyến đường biển phía Bắc, được thực hiện nhờ băng biển Bắc Cực tan chảy, để nối Murmansk gần biên giới Nga với Na Uy tới eo biển Bering gần Alaska.

Tiến bộ về những vấn đề này trong nhiệm kỳ mới của ông Putin sẽ là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thành công của ông trong việc giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây và xoay trục thương mại của Nga về phía Đông.

Kinh tế nội địa

Ông Putin thường tự hào về khả năng phục hồi của Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tổng sản phẩm quốc nội đã tăng 5% so với cùng kỳ trong tháng 10, nhưng mức tăng trưởng này phần lớn bắt nguồn từ sự gia tăng lớn trong sản xuất quân sự. Quốc phòng và an ninh dự kiến sẽ ngốn khoảng 40% chi tiêu ngân sách năm tới, loại bỏ các ưu tiên khác như giáo dục và y tế. Hàng trăm ngàn người Nga, trong đó có nhiều chuyên gia trẻ và chuyên gia công nghệ thông tin, đã rời khỏi đất nước kể từ khi bắt đầu chiến tranh, dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong các ngành công nghiệp then chốt. Lạm phát ở mức trên 7% và lãi suất ở mức 15%. Trong phần lớn thời gian cầm quyền, ông Putin đã có thể tăng cường sức hấp dẫn của mình đối với người Nga bằng cách nâng cao mức sống, nhưng giờ đây ông phải đối mặt với thách thức ngăn những điều này bị xói mòn.

Thay mới giới tinh hoa

Ông Putin bước sang tuổi 71 vào tháng 10 và sẽ ở tuổi 77 vào cuối nhiệm kỳ mới, vẫn trẻ hơn so với Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông tuyên thệ nhậm chức. Một số nhân vật hàng đầu trong nội bộ của ông Putin đều lớn tuổi hơn ông, bao gồm giám đốc an ninh FSB, Alexander Bortnikov, 72 tuổi, lãnh đạo Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev, 72 tuổi, và Ngoại trưởng Sergei Lavrov, 73 tuổi.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, 68 tuổi, vẫn giữ chức vụ bất chấp những lời chỉ trích gay gắt từ một số nhà bình luận ủng hộ chiến tranh về những thất bại quân sự của Nga ở Ukraine. Ông Putin lâu nay tỏ ra miễn cưỡng trong việc thay đổi đội ngũ của mình và các nhà phê bình cáo buộc ông coi trọng lòng trung thành hơn là năng lực.

Tuy nhiên, ông có thể buộc phải thay đổi một số điều trong nhiệm kỳ tiếp theo. Những nhân vật trẻ hơn cần để mắt như chủ tịch quốc hội Vyacheslav Volodin, 59 tuổi, Bộ trưởng Nông nghiệp Dmitry Patrushev, 46 tuổi, và cựu vệ sĩ của ông Putin là Alexei Dyumin, 51 tuổi, thống đốc vùng Tula.


************
voatiengviet.com

Hội đồng Bảo an yêu cầu đình chiến nhân đạo ở Gaza, Mỹ phủ quyết

Reuters

Hoa Kỳ hôm 8/12 phủ quyết yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về đình chiến nhân đạo ngay lập tức giữa Israel với nhóm Hamas người Palestine ở Gaza. Sự phủ quyết này cô lập Washington về mặt ngoại giao khi bảo vệ đồng minh của mình.

13 thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ một dự thảo nghị quyết ngắn gọn do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đưa ra, trong khi Anh bỏ phiếu trắng.

Cuộc biểu quyết diễn ra sau khi Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres có động thái hiếm thấy hôm 6/12 chính thức cảnh báo hội đồng gồm 15 thành viên về mối đe dọa toàn cầu từ cuộc chiến kéo dài hai tháng nay.

“Thông điệp chúng ta gửi đến người Palestine là gì nếu chúng ta không thể đoàn kết đằng sau lời kêu gọi dừng cuộc oanh tạc không ngừng nghỉ vào Gaza?” phó đại sứ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tại Liên hiệp quốc Mohamed Abushahab chất vấn Hội đồng.

Mỹ và Israel phản đối đình chiến vì họ tin rằng sẽ chỉ có lợi cho Hamas. Thay vào đó, Washington ủng hộ việc tạm dừng giao tranh để bảo vệ thường dân và tạo điều kiện thả thêm các con tin bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công chết người vào Israel ngày 7/10.

Phó đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Robert Wood nói với Hội đồng rằng dự thảo nghị quyết là một văn bản không cân bằng ‘xa rời thực tế.’

Ông Wood nói: “Mặc dù Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ một nền hòa bình lâu dài mà trong đó cả người Israel và người Palestine đều có thể sống trong hòa bình và an ninh, nhưng chúng tôi không ủng hộ lời kêu gọi của nghị quyết này về một cuộc đình chiến không bền vững vốn chỉ sẽ gieo mầm cho một cuộc chiến tiếp theo.”

Hoa Kỳ đã đề nghị những sửa đổi đáng kể đối với dự thảo nghị quyết, bao gồm cả việc lên án các cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel hôm 7/10 mà Israel cho biết đã giết chết 1.200 người và khiến 240 người bị bắt làm con tin.

Đại sứ Anh tại Liên hiệp quốc Barbara Woodward cho biết nước bà bỏ phiếu trắng vì nghị quyết không lên án Hamas.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 7/12 thừa nhận rằng có ‘khoảng cách’ giữa ý định bảo vệ thường dân của Israel với những gì đã xảy ra trên thực địa.

Bộ Y tế ở Gaza cho biết hơn 17.480 người đã thiệt mạng.

Israel đã ném bom Gaza từ trên không, tiến hành một cuộc bao vây và mở một cuộc tấn công trên bộ. Đại đa số trong số 2,3 triệu cư dân Gaza phải thất tán.


*************
voatiengviet.com

Nhật cam kết 4,5 tỷ đô la hỗ trợ Ukraine chống lại Nga

Reuters

Nhật Bản cam kết hỗ trợ 4,5 tỷ đô la cho Ukraine để chống lại Nga, trong đó 1 tỷ đô được dành cho viện trợ nhân đạo, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida loan báo hôm 8/12.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố trong bài phát biểu hàng ngày hôm 7/12 rằng: “Nhật Bản nhất quán và rất nguyên tắc trong việc hỗ trợ đất nước và người dân chúng tôi, và tôi rất biết ơn về sự hỗ trợ này”.

Ông nói quyết định hỗ trợ của Nhật Bản là ‘rất kịp thời và rất cần thiết.’

Trong khi đó, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga đã giết chết một người và làm hư hại cơ sở hạ tầng cảng ở khu vực Odesa của Ukraine, thống đốc khu vực cho biết hôm 7/12.

Ông Oleh Kiper cho hay Odesa đã bị tấn công trong hai giờ và dù lực lượng phòng không đã bắn hạ hầu hết các máy bay không người lái của Nga, nhưng một số trong số đã vượt qua được.

Quân đội Ukraine cho biết cuộc tấn công trên không của Nga có tổng cộng 18 máy bay không người lái nhắm mục tiêu vào Odesa ở miền nam Ukraine và khu vực Khmelnytskyi ở phía tây.

Quân đội Ukraine nói lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 15 trong số 18 máy bay không người lái này.

Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm ngoái và giành quyền kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine, cuộc phản công của Ukraine phát động vào tháng 6 năm nay chưa đạt được đột phá lớn.


**************

Nga áp chiến thuật mới, tấn công Avdiivka gần 50 lần một ngày nhưng thất bại

NGỌC ĐỨC

Quân đội Nga tiến hành đến 49 đợt tấn công nhắm vào thành phố chiến lược Avdiivka trong ngày 7-12 nhưng đều thất bại.

Người dân Ukraine đứng trước một dãy nhà hư hại do giao tranh tại Avdiivka - Ảnh: REUTERS

Người dân Ukraine đứng trước một dãy nhà hư hại do giao tranh tại Avdiivka - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters ngày 8-12, quân đội Ukraine khẳng định phía Nga đang tiến hành một loạt cuộc không kích và tấn công trên bộ quy mô nhỏ nhằm áp sát thành phố chiến lược Avdiivka.

"Trong ngày thứ hai liên tiếp, lực lượng chiếm đóng đã tấn công bằng máy bay không người lái (drone) cảm tử và máy bay chiến đấu. Số cuộc giao tranh đã tăng lên đáng kể", người phát ngôn quân đội Kiev Oleksandr Shtupun cho biết.

Theo tuyên bố của Bộ tổng tham mưu Ukraine, chỉ trong ngày 7-12, các lực lượng Kiev đã đẩy lùi tổng cộng 49 đợt tấn công vào thành phố Avdiivka và các ngôi làng lân cận.

Trang tin Espreso TV khẳng định các cuộc tấn công trên nằm trong chiến thuật mới đang được phía Nga áp dụng. Theo đó, những nhóm tối đa 5 binh sĩ cùng xe thiết giáp và máy bay yểm hộ sẽ áp sát và tấn công dữ dội vào hai bên sườn các cứ điểm của quân Kiev.

Trong nhiều tuần qua, quân đội Nga liên tục đẩy mạnh cường độ tấn công nhằm bao vây Avdiivka, đô thị cách ngoại ô thủ phủ vùng Donetsk do Nga kiểm soát chưa đầy 12km.

Đến nay, lực lượng Ukraine vẫn đang cố thủ tại thành phố này và hứng chịu hỏa lực dữ dội. Ở chiều ngược lại, quân đội Nga tập trung tiến từng bước về phía hai mạn sườn vị trí đóng quân của Ukraine nhằm cắt đứt đường tiếp tế.

Nga tấn công Ukraine dữ dội bằng tên lửa

Ngoài Avdiivka, giới chức Ukraine còn tố Nga phóng 19 tên lửa tầm xa vào nhiều mục tiêu trên khắp lãnh thổ nước này, trong đó có thủ đô Kiev. Đây chính là cuộc tấn công bằng tên lửa lớn đầu tiên của Matxcơva trong vài tuần qua, sau nhiều ngày tấn công chủ yếu bằng drone.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, người phát ngôn Không quân Ukraine Yuriy Ihnat cho biết lực lượng này đã hạ 14 tên lửa trên vùng trời gần Kiev và vùng Dnipropetrovsk.

Ông Serhiy Lysak, thống đốc vùng Dnipropetrovsk, cho biết: "Thật không may, một người đã chết. Báo cáo sơ bộ cho thấy bốn người khác bị thương. Tất cả đều đã nhập viện và hai người trong tình trạng nguy cấp". Ngoài ra, cuộc tấn công cũng gây hư hại một cơ sở công nghiệp và gần 20 ngôi nhà.

Phía Nga hiện chưa phản hồi với những cáo buộc trên.


*************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

2 phút

(Reuters) – Cố vấn an ninh ba nước Mỹ, Nhật, Hàn họp tại Seoul. Hôm nay, 08/12/2023, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, Cho Tae-yong, có cuộc họp song phương riêng với từng đồng nhiệm Nhật Bản Takeo Akiba và Hoa Kỳ Jake Sullivan nhằm tăng cường hợp tác đối phó mối đe dọa hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên. Cuộc họp ba bên sẽ được tổ chức vào ngày mai, để thảo luận về các vấn đề khu vực. Ngoài ra, Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ có một cuộc họp riêng trong ngày 09/12 bàn về mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như chip điện tử, pin năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo. 

(AFP) – Úc ký kết thỏa thuận an ninh với Papua New Guinea. Chính quyền Úc, hôm qua 07/12/2023, đã ký kết một thỏa thuận an ninh với Papua New Guinea. Canberra từng kêu gọi Papua New Guinea ký thỏa thuận này ngày từ đầu năm 2023, nhưng giới lãnh đạo quốc đảo đã chần chừ do lo sợ bị xâm phạm “chủ quyền”. Úc và Hoa Kỳ đang tìm cách chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương với việc tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực.

(AFP) – TT. Thổ Nhĩ Kỳ đặt điều kiện để phê chuẩn kết nạp Thụy Điển vào NATO. Theo phát biểu của tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm nay, 08/12/2023, Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn việc kết nạp Thụy Điển vào NATO phải được tiến hành cùng lúc với việc Quốc Hội Mỹ phê chuẩn bán F-16 cho Ankara.   

(AFP) – Không quân Mỹ thông báo tập trận gần Guyana. Đại sứ Mỹ tại Guyana ngày 07/12/2023 cho biết Bộ Tư Lệnh Miền Nam của Mỹ (USSOUTHCOM) tham gia tập trận với Guyana, đồng thời khẳng định hậu thuẫn quyền chủ quyền của Guyana. Thông báo được đưa ra vào lúc căng thẳng gia tăng giữa Georgetown và Caracas liên quan đến vùng Essequibo, giầu nguồn dầu khí do Guyana quản lý nhưng Venezuela đòi chủ quyền. Chính quyền Caracas chỉ trích cuộc tập trận này là một « hành động khiêu khích đáng tiếc ». Trong khi đó, các nước Nam Mỹ kêu gọi một giải pháp hòa bình. 

(RFI) – Venezuela : Một số nhân vật thuộc phe đối lập bị truy tố vì tội phản quốc”. Một thành viên trong nhóm của bà Maria Corina Machado, ứng cử viên thuộc phe đối lập, đã bị bắt tại nhà riêng vào tối 06/12/2023, và những nhân vật thân tín khác của bà Machado thì đang bị truy tố về tội “phản quốc”. Chính phủ Venezuela vẫn đang tiếp tục thực hiện một làn sóng đàn áp dữ dội, mặc dù vào tháng 10, đã ký với phe đối lập một thỏa thuận nhằm bình thường hóa đời sống chính trị ở nước này.


*************
rfi.fr

Phải chăng quân cảng Ream tại Cam Bốt bắt đầu trở thành căn cứ quân sự của Trung Quốc ở hải ngoại?

Trọng Nghĩa

Chiến hạm Trung Quốc đã trở thành những chiếc tàu đầu tiên sử dụng quân cảng Ream của Cam Bốt vừa được nâng cấp. Sự kiện đã được cả Phnom Penh lẫn Bắc Kinh giấu kín nhưng rốt cuộc đã bất ngờ bị một quan chức cao cấp tiết lộ và ảnh vệ tinh Mỹ vạch trần. Sự kiện này đã lại làm dấy lên phản ứng lo ngại đặc biệt là từ phía Mỹ.

Đăng ngày:

4 phút

Thông tin về việc đã ít nhất hai chiếc tàu Hải Quân Trung Quốc cập bến cảng tại căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt nhìn ra Vịnh Thái Lan đã được đưa ra một cách gián tiếp, thông qua một bài đăng của bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Tea Seiha trên Facebook hôm Chủ Nhật 03/12/2023. Bài viết cho biết là quan chức này đã đến căn cứ Ream để thị sát việc chuẩn bị cho hoạt động huấn luyện của Hải Quân Cam Bốt cũng như kiểm tra tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng ở nơi này.

Bài viết không nêu đich danh Trung Quốc, nhưng lại kèm theo nhiều hình ảnh chụp quan chức Campuchia cùng đại sứ Trung Quốc Vương Vấn Thiên và nhất là cho thấy hai chiến hạm đậu tại bến, một chiếc được xác định là tàu hộ tống Văn Sơn (Wenshan) của Hải Quân Trung Quốc.

Hãng tin Mỹ AP đã tham khảo thêm các bức ảnh vệ tinh do Planet Labs PBC chụp hôm Chủ Nhật cho thấy hai tàu chiến Trung Quốc neo đậu ở căn cứ Ream và hình dáng tương ứng với những hình ảnh được ông Tea Seiha chia sẻ trên mạng. Căn cứ vào kích thước và hình ảnh các con tàu mà bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt công bố, AP cho rằng rất có thể cả hai đều là hộ tống hạm lớp Type 56 của Trung Quốc.

Sự hiện diện của hai chiến hạm Trung Quốc tại căn cứ Hải Quân Cam Bốt Ream đã đặt ra câu hỏi về khả năng Trung Quốc bắt đầu tiếp quản cơ sở quân sự có giá trị chiến lược trọng yếu này.

Vào năm 2019, nhật báo Mỹ The Wall Street Journal đã tiết lộ thông tin về một dự thảo ban đầu của một thỏa thuận theo đó Cam Bốt cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream trong 30 năm, với quyền được bố trí quân lính, lưu trữ vũ khí và cho tàu chiến neo đậu.

Thủ tướng Cam Bốt thời đó là ông Hun Sen đã phủ nhận sự tồn tại của thỏa thuận, nhưng sau đó Phnom Penh đã cho phép Trung Quốc nâng cấp và phát triển đáng kể căn cứ Ream.

Trong một bài phân tích ngày 01/12 vừa qua, báo mạng Asia Sentinel cho biết là hình ảnh vệ tinh trong 18 tháng qua đã cho thấy là quan cảng Ream ở Cam Bốt không chỉ có thêm bến tàu đủ dài để cho tàu sân bay neo đậu, nhưng cũng đồng thời có thêm một ụ tàu lớn trên vùng đất khai khẩn ở phần phía nam của căn cứ.

Theo Asia Sentinel, Tom Shugart, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Trung Tâm An Ninh Mới của Hoa Kỳ, đã phân tích một số ảnh vệ tinh và thấy rằng việc rà phá và làm đường đáng kể đã được thực hiện trong khu vực dành riêng cho quân đội Trung Quốc sử dụng. Việc này sẽ cho phép triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa dẫn đường bằng radar từng được ghi nhận tại các căn cứ hải quân của Trung Quốc.

Việc chiến hạm Trung Quốc bắt đầu sử dụng quân cảng Ream phải chăng là dấu hiệu dự báo cho việc nơi này trở thành căn cứ quân sự thứ hai của Trung Quốc ở hải ngoại sau Djibouti ở châu Phi? Đây là một vấn đề còn đang trong vòng suy đoán, nhưng Hoa Kỳ đã bày tỏ ngay thái độ quan ngại.

Ngay vào hôm qua, 07/12, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ khẳng định rằng Washington đang theo dõi sát sao vụ việc và “thực sự lo ngại về kế hoạch của Trung Quốc nhằm kiểm soát độc quyền các phần của căn cứ Hải Quân Ream.” Mỹ đồng thời thúc giục Cam Bốt đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không được phép “hiện diện hoặc có công nghệ nhạy cảm” tại Ream.


***************
voatiengviet.com

Vành đai và Con đường: Việt Nam kháng cự sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình?

Linh Đan

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố Sáng kiến Một Vành đai và Một Con đường vào năm 2013. Với kế hoạch phát triển hạ tầng và giao thông toàn cầu này, Bắc Kinh muốn thúc đẩy kết nối giữa Trung Quốc với các quốc gia ở các châu lục trên toàn thế giới. Gần 150 quốc gia, tức khoảng 75% dân số toàn cầu, đã tham gia sáng kiến này.

Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, chiếm vị trí trung tâm trên bản đồ Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Theo đánh giá của trung tâm nghiên cứu Mỹ Council on Foreign Relations, Đông Nam Á là nơi hội tụ của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và là “yết hầu chiến lược” cũng như rất quan trọng với uy thế là một cường quốc trên thế giới của Trung Quốc.

BRI, hay “Con đường tơ lụa của thế kỷ 21”, được xem là một chiến lược lâu dài của Trung Quốc để tăng cường sự ảnh hưởng của nước này trong khu vực bằng cách cung cấp cho các quốc gia Đông Nam Á hỗ trợ và đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong khi một số nước trong khu vực đã hồ hởi đón nhận nguồn tài trợ BRI nhưng, theo các nhà phân tích, Việt Nam có một cách tiếp cận thận trọng.

“Việt Nam ủng hộ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và các lãnh đạo Việt Nam thường xuyên tham dự các diễn đàn vành đai và con đường do Trung Quốc tổ chức,” Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, nhận định. “Tuy nhiên về mặt thực tiễn, Việt Nam không tích cực tham gia vào các dự án trong khuôn khổ BRI hay tiếp nhận các khoản đầu tư trong khuôn khổ sáng kiến này.”

Trung Quốc cho rằng hai nước Trung-Việt đang tích cực triển khai việc kết nối và hợp tác giữa “Một vành đai, một con đường” với “Hai lành lang, một vành đai”. Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, Hùng Ba, hồi tháng 11/2021 nói rằng đã có một loạt dự án hợp tác lớn giữa Trung Quốc và Việt Nam được đưa vào khuôn khổ hợp tác BRI, trong đó có tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

Ngoài tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông gây tranh cãi, Trung Quốc còn xếp nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở Bình Thuận vào danh sách các dự án BRI, được xem là “đếm trên đầu ngón tay”, ở Việt Nam.

Thận trọng

Tuy nhiên, Việt Nam không chính thức xác nhận một dự án nào thuộc về BRI.

“Điều này cho thấy tâm lý và thái độ thận trọng của Việt Nam trong việc tiếp nhận các nguồn vốn, các khoản vay qua các kênh chính thức từ phía Trung Quốc,” TS Hiệp, một nhà phân tích chính trị về Việt Nam và khu vực, nói.

Cùng nhận định, nhà nghiên cứu cao cấp của Chương trình Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington của Mỹ, Murray Hiebert, cho rằng Việt Nam không muốn nhận các dự án BRI.

“Sự hoan nghênh của Việt Nam đối với BRI chỉ mang tính ngoại giao nhằm xoa dịu Trung Quốc,” ông Hiebert, tác giả cuốn sách “Dưới cái bóng của Bắc Kinh: Thách thức về Trung Quốc của Đông Nam Á”, nói. “Hà Nội không thực sự quan tâm tới các dự án trong khuôn khổ BRI cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng.”

Theo nhận định của các nhà phân tích, nguyên nhân lớn nhất cho sự thận trọng của Việt Nam với các dự án BRI của Trung Quốc là sự bất đồng giữa hai nước về vấn đề chủ quyền biển đảo.

“Việt Nam và Trung Quốc hiện đang là các bên tranh chấp trên Biển Đông vì vậy Việt Nam rất thận trọng để tránh rơi vào tình huống Việt Nam vay nợ quá nhiều từ phía Trung Quốc,” TS Hiệp nói. “Việt Nam có thể rơi vào tình thế mang ơn Trung Quốc và không thể có sự độc lập trong việc chống lại các sức ép của Trung Quốc trên Biển Đông.”

Hai quốc gia Cộng sản láng giềng, mặc dù gắn kết về hệ tư tưởng, nhưng có nhiều xung đột về lãnh hải, đặc biệt trong những năm gần đây. Việt Nam nhiều lần cáo buộc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền khi đưa tàu vào vùng đặc quyền kinh tế cũng như tiến hành quân sự hóa Biển Đông.

“Việt Nam không muốn bị mắc nợ Trung Quốc trong các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng vào thời điểm mà hai nước có những khác biệt sâu sắc trên Biển Đông,” ông Hiebert nói.

Sự thận trọng của Việt Nam trong việc tiếp cận nguồn vốn của Trung Quốc còn được thể hiện qua việc Hà Nội từ chối khoản vay của Bắc Kinh cho việc xây dựng tuyến đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái và không cho tập đoàn công nghệ của Trung Quốc Huawei tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông 5G của Việt Nam với lý do quan ngại về an ninh quốc gia, theo truyền thông trong nước.

Các bài học từ những dự án dang dở hay đội vốn là một lý do khác khiến Việt Nam không mặn mà với các khoản đầu tư từ chính phủ Trung Quốc.

Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông được ký kết năm 2008, trước khi BRI ra đời, với nhà thầu Trung Quốc và dự kiến được đưa vào sử dụng năm 2016 nhưng phải đến cuối năm 2021 mới hoàn thành với chi phí tăng từ gần 553 triệu USD lên gần 11 tỷ USD vào năm 2018. Dự án này vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các quan chức chính quyền và người dân Việt Nam vì chi phí tăng vọt và tiến độ trì trệ, khiến Việt Nam gánh khoản nợ lãi suất với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên được truyền thông trong nước nói là một trong những dự án yếu kém và khó xử lý nhất của ngành công thương Việt Nam. Dự án có tổng thầu là Tập đoàn Khoa học Công nghệ Luyện kim Trung Quốc đã “đắp chiếu” trong 20 năm qua.Theo VnEconomy, dự án “gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp, gây bức xúc cho cử tri và nhân dân” trong nước.

Cảnh báo về sáng kiến BRI của Trung Quốc, báo Công an Nhân dân của Việt Nam trích dẫn Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế của Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định rằng khoảng 70% các dự án BRI rơi vào tay các nhà thầu hoặc công nhân Trung Quốc. Vị tiến sỹ này cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc mang theo lao động quốc gia họ sang quốc gia bản xứ để làm việc cũng là một vấn đề không thể xem nhẹ.

Các dự án BRI của Trung Quốc ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở châu Phi, được xem là “bẫy nợ” của Bắc Kinh khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua sáng kiến này. Các quốc gia đang phát triển hiện nợ Trung Quốc khoảng 1 tỷ USD.

Ý đã trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố sẽ rời khỏi BRI. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni vào năm 2019 gọi quyết định tham gia BRI là một “sai lầm nghiêm trọng” và cho biết rằng những cam kết kinh tế của sự hợp tác trong sáng kiến này đã không bao giờ thành hiện thực.

Sẽ đón nhận?

Để tránh nhận tiền từ Trung Quốc, Việt Nam đang tìm kiếm các khoản vay như Hỗ trợ Phát triển Chính thức ODA từ Nhật và từ các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB).

Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng trước đề nghị Chính phủ Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Ông Chính cũng đề nghị WB hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng với các khoản vay ưu đãi nhất có thể.

“Việt Nam đang tìm cách xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn tự có và các khoản vay chi phí thấp từ Nhật Bản,” nhà nghiên cứu Hiebert nói. “Nó mang lại cho Việt Nam sự độc lập đáng kể (khỏi Trung Quốc) nhưng nó cũng làm chậm quá trình phát triển cơ sở hạ tầng.”

Dù là một trong những quốc gia có mức phát triển kinh tế cao nhất trong khu vực nhưng Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những hạn chế về ngân sách và nợ công gia tăng.

Trong khi đó, Trung Quốc không ngừng thúc ép Việt Nam tham gia vào BRI.

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã tới Bắc Kinh tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường vì Hợp tác Quốc tế (BRF) và gặp mặt Chủ tịch Tập hôm 20/10. Tại đây, theo ghi nhận về cuộc gặp trên trang web chính thức của BRF, ông Tập thúc giục hai bên “tiến nhanh hơn để phối hợp Sáng kiến Vành đai và con đường” bằng cách “tận dụng tối đa các sáng kiến và thế mạnh về sự gần gũi về mặt địa lý.”

Ông Tập, theo các chuyên gia, khi tới thăm Việt Nam trong tháng này sẽ thúc giục Hà Nội đón nhận BRI một cách nhiệt tình hơn.

Chủ tịch Trung Quốc dự kiến đến Việt Nam ngày 12/12 và cách đây không lâu truyền thông Việt Nam đưa tin về dự án đường sắt 11 tỷ USD nối với Trung Quốc có nhà thầu Trung Quốc tham gia. Trước đó, ông Chính, khi đến thăm Trung Quốc đã hoan nghênh doanh nghiệp Trung Quốc tham gia triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam “với hình thức phù hợp.”

Theo TS Hiệp, Việt Nam có thể đang cân nhắc thay đổi cách nhìn BRI trong khi Trung Quốc cũng có những thay đổi về cách tiếp cận BRI bằng các dự án quy mô nhỏ và mang tính hiệu quả cao.

Chủ tịch Tập tại Thượng đỉnh BRI hồi tháng 10 khẳng định rằng Trung Quốc nhận thấy cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo các quốc gia không rơi vào bẫy nợ và các dự án không gây hại đến môi trường như các dự án BRI trước đây.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, người đồng sáng lập Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, ủng hộ Việt Nam tham gia vào Vành đai và Con đường nếu nó có lợi cho đất nước khi xây dựng cơ sở hạ tầng.

“Nếu bị như Lào và Sri Lanka thì rất là nguy hiểm,” TS Quang A nói, ngụ ý tới khoản nợ hàng chục tỷ đô la của Sri Lanka và khủng hoảng nợ đáng báo động của Lào với Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất. “Nhưng nếu các khoản vay lãi suất vừa phải mà có lợi cho nền kinh tế Việt Nam thì tôi nghĩ việc tham gia (BRI) chẳng làm sao cả.”

Tuy nhiên, theo blogger-nhà văn Phạm Viết Đào, cần phải đặt câu hỏi đối với thiện chí của Trung Quốc trong các dự án BRI.

“Trung Quốc làm chủ được kỹ thuật nhưng như với dự án đường sắt (Cát Linh-Hà Đông) ở Việt Nam, họ cứ trây ra và kéo dài thời gian nên cái dã tâm của họ như thế rất nguy hiểm,” ông Đào, người theo dõi các đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam và viết cuốn sách “Vị Xuyên và Thế sự Việt-Trung”, nói. “Việt Nam không thể tin được Trung Quốc vì họ chỉ cài bẫy.”

Sự ngờ vực của phần lớn người Việt Nam đối với Trung Quốc không chỉ xuất phát từ những tranh chấp ở Biển Đông mà còn từ những kinh nghiệm lịch sử. Điều này thể hiện trong Khảo sát Tình trạng Đông Nam Á 2023, trong đó cho thấy 2/3 số người Việt Nam được hỏi không tin tưởng vào Sáng kiến An ninh Toàn cầu của Trung Quốc.

Nhưng hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng với Trung Quốc, theo TS Hiệp, là cách để Việt Nam cân bằng quan hệ với Bắc Kinh, nơi có mối quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản ở Hà Nội.

“Việt Nam cũng có thể có áp lực từ Trung Quốc phải phát triển quan hệ đồng đều trong bối cảnh Việt Nam vừa nâng cấp và phát triển quan hệ với Mỹ và đồng minh của Mỹ,” TS Hiệp nói, ngụ ý tới sự nâng cấp quan hệ của Việt Nam với Hàn Quốc, vào năm ngoái, và với Nhật, vào tháng trước.

Việc Việt Nam nâng cấp vượt bậc chưa từng có tiền lệ với Mỹ cũng như tăng cường quan hệ mật thiết hơn với các cường quốc trong khu vực, theo các nhà quan sát, là để như giảm sự phụ thuộc vào nước láng giềng khổng lồ, hiện đang là thị trường nhập khẩu số 1 của Việt Nam.

“Đối với Việt Nam, cải thiện quan hệ với Mỹ là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa quan hệ và giảm sự ảnh hưởng quá nhiều từ Bắc Kinh,” ông Hiebert nói. “Nhưng Việt Nam cũng đang cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington bằng cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và Liên minh châu Âu. Việt Nam không muốn rơi vào quỹ đạo của bất cứ một siêu cường nào.”

Tuy nhiên với lượng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn chiếm khoảng 1/3 tổng lượng nhập khẩu cả nước, thì việc giảm sự phục thuộc vào Bắc Kinh “không hề đơn giản”, theo TS Hiệp.

“Nhưng việc nâng cấp quan hệ với các nước khác và ký các FTA (hiệp định thương mại tự do) khác nhau, theo tôi nghĩ, là một bước đi cần thiết để có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc giảm phụ thuộc về mặt thương mại với Trung Quốc trong dài hạn.”

*************

Tin tức thế giới 9-12: Israel tấn công 450 mục tiêu ở Gaza; EU viện trợ cho người Palestine

NHẬT ĐĂNG

* Mỹ cam kết duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở
* Việt Nam trúng cử phó chủ tịch một ủy ban then chốt của UNESCO
* Ukraine chỉ trích Ủy ban Olympic quốc tế

Lính Israel hoạt động tại khu vực phía nam Dải Gaza - Ảnh: IDF

Lính Israel hoạt động tại khu vực phía nam Dải Gaza - Ảnh: IDF

Israel tấn công 450 mục tiêu ở Gaza

Theo báo Times of Israel, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã tấn công 450 mục tiêu tại Dải Gaza vào hôm 7-12, trong lúc chiến dịch tiến quân ở TP Khan Yunis ở miền nam Gaza tiếp diễn.

Cuộc tấn công của IDF được cho đã tiêu diệt "nhiều kẻ khủng bố Hamas" ở Khan Yunis. Đây là một phần trong giai đoạn mới của chiến dịch Gaza, với việc lính Israel dồn hỏa lực vào phía nam sau các lệnh tạm ngừng bắn. 

Israel tuyên bố sẽ xóa sổ các lãnh đạo Hamas, đáp trả cuộc tấn công của Hamas nhằm vào lãnh thổ Israel làm chết khoảng 1.200 người ngày 7-10.

Tổng thống Palestine: Chiến tranh ở Gaza phải chấm dứt

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi chấm dứt ngay chiến tranh ở Dải Gaza, đồng thời tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế nhằm tìm giải pháp chính trị lâu dài tiến tới thiết lập một nhà nước Palestine.

Trong phát biểu với Hãng tin Reuters đăng ngày 8-12, ông Abbas nhấn mạnh giao tranh giữa Israel và người Palestine đã đạt tới giai đoạn đáng lo ngại, cần thiết phải có sự góp mặt của các cường quốc trong một hội nghị quốc tế bàn về giải pháp hòa bình.

Lãnh đạo Pháp và Israel điện đàm

Hôm 8-12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, bàn về tình hình Dải Gaza.

Ông Macron khẳng định sát cánh cùng Israel chống lại chủ nghĩa khủng bố, nhưng cũng kêu gọi ông Netanyahu chấm dứt các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào thường dân Palestine tại khu vực Bờ Tây, nơi Israel đang chiếm đóng.

Theo Điện Elysee, ông Macron cũng nhấn mạnh cần phải bảo vệ thường dân ở Gaza và việc cần thiết phải có một thỏa thuận ngừng bắn dài lâu.

EU công bố viện trợ cho người Palestine

Ngày 8-12, Ủy ban châu Âu cho biết sẽ cung cấp 125 triệu euro số tiền ban đầu cho người Palestine trong năm 2024. Nguồn quỹ phục vụ cho vấn đề nhân đạo này sẽ được chi vào cả Dải Gaza lẫn khu vực Bờ Tây.

Họ cho biết thêm rằng đã huy động nhiều công cụ viện trợ khẩn cấp, bao gồm tổng cộng 1.000 tấn hàng hóa viện trợ tới người có nhu cầu ở Gaza.

Mỹ cam kết duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở

Theo TTXVN, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro đã bày tỏ vui mừng khi quan hệ Việt Nam - Mỹ vừa được lãnh đạo hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, trong buổi tiếp đón Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng thăm và làm việc tại Học viện Hải quân Mỹ ở thành phố Annapolis, thủ phủ tiểu bang Maryland.

Ông Del Toro khẳng định cam kết mạnh mẽ của Mỹ duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, trong đó Việt Nam đóng một vai trò quan trọng.

Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Bộ trưởng Del Toro, bày tỏ vui mừng khi hợp tác giữa hai nước tiếp tục đạt nhiều tiến triển, trong đó có hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, phục vụ thiết thực lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định ở khu vực. 

Việt Nam trúng cử Phó chủ tịch một ủy ban then chốt của UNESCO

Ngày 8-12, trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 18 của Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) diễn ra ở thành phố Kasane (Cộng hòa Boswana), Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào vị trí phó chủ tịch Ủy ban, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đây là lần thứ 2 Việt Nam là thành viên của cơ quan điều hành Công ước 2003, sau nhiệm kỳ đầu tiên từ năm 2006-2010.

Ukraine chỉ trích Ủy ban Olympic quốc tế

Ukraine phản đối việc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho phép vận động viên Nga và Belarus tham dự các giải đấu Thế vận hội tổ chức ở Paris.

Khung cảnh ở Kharkov (Ukraine) ngày 8-12 sau một cuộc tấn công của Nga - Ảnh: REUTERS

Khung cảnh ở Kharkov (Ukraine) ngày 8-12 sau một cuộc tấn công của Nga - Ảnh: REUTERS

Trong bài đăng trên X (Twitter) ngày 8-12, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gọi quyết định của IOC là "đáng xấu hổ" và chà đạp các quy tắc của Olympic.

Nga và Ukraine đang giao tranh sau khi Matxcơva khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine tháng 2-2022. Phương Tây đã gây áp lực lên Nga nhằm phản đối chiến dịch này. Hàng loạt cuộc "tẩy chay" nhắm vào người Nga diễn ra trên khắp các nước phương Tây lẫn các sự kiện quốc tế. Trong khi đó, Belarus là đồng minh thân cận nhất của Nga và ủng hộ chiến dịch trên.

Ukraine khốn đốn vì thiếu điện

Ukraine cho biết mức tiêu thụ năng lượng của nước này đã dao động kỷ lục trong ngày 8-12, khi 500 khu định cư thiếu điện vì các cuộc pháo kích, không kích của Nga cũng như thời tiết xấu.

Quan chức Ukraine cho hay nước này phải nhập khẩu điện khẩn cấp từ Romania và Ba Lan trong tuần này nhằm đáp ứng nhu cầu của người Ukraine. Trong mùa đông, Ukraine đang phải chống chọi với việc Nga tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, bao gồm hệ thống điện, sưởi…

Khi chính khách thích đùa

Chính trị không khô khan như nhiều người tưởng. Điển hình là Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Đức Olaf Scholz bất ngờ tạo dáng trêu đùa khi đoàn đại biểu của hai nước chụp ảnh gia đình nhân dịp tham vấn chính trị song phương ở Berlin ngày 4-12 - Ảnh: AFP

Chính trị không khô khan như nhiều người tưởng. Điển hình là Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Đức Olaf Scholz bất ngờ tạo dáng trêu đùa khi đoàn đại biểu của hai nước chụp ảnh gia đình nhân dịp tham vấn chính trị song phương ở Berlin ngày 4-12 - Ảnh: AFP


***************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn