Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 07 -12 -2023

Thứ Năm, 07 Tháng Mười Hai 20235:23 SA(Xem: 1032)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 07 -12 -2023

Hoaluc 2
**************
voatiengviet.com

Tập Cận Bình sắp thăm Việt Nam, tìm cách thắt chặt quan hệ với Hà Nội

VOA Tiếng Việt

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam từ 12-13 tháng 12 để thảo luận về việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 7/12.

Người phát ngôn Uông Văn Bân cho biết trong một cuộc họp báo rằng hai bên sẽ tập trung vào các lĩnh vực an ninh chính trị, các vấn đề đa phương và hàng hải, đồng thời thúc đẩy hợp tác chiến lược hơn nữa, theo Reuters.

Phu nhân ông Tập sẽ cùng đi với ông trong chuyến thăm này theo lời của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, theo thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 7/12.

Trước đó, một số nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đến thăm Việt Nam khi hai nước tìm cách củng cố mối quan hệ song phương.

Ông Uông nói: “Kể từ đầu năm nay, (Trung Quốc và Việt Nam) đã thường xuyên có những tương tác cấp cao, trao đổi chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực và tiếp tục tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau”.

Ông Uông nói thêm rằng hợp tác sâu sắc hơn sẽ giúp duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập diễn ra chưa đầy ba tháng sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden, và chưa đầy hai tuần sau chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Thưởng. Việt Nam nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ và Nhật trong hai sự kiện này.

“Chuyến thăm của ông Tập diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, ngang tầm với Nga và Trung Quốc sẽ khiến cho Trung Quốc lo ngại là quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sẽ giảm bớt sự thân thiết”, nhà quan sát Dương Quốc Chính, nêu nhận định với VOA hôm 7/12.

“Ông Tập muốn sang Việt Nam để củng cố mối quan hệ với Việt Nam và có lẽ muốn có những hứa hẹn gì đó nâng cấp hơn nữa quan hệ với Việt Nam. Lưu ý là Việt Nam cũng vừa nâng cấp quan hệ với Nhật cũng lên mức cao nhất. Điều đó càng làm Trung Quốc lo ngại bị cô lập, do Nhật và Mỹ, Hàn quốc đều đang ở vị trí có quan hệ quân sự gắn bó, sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc”, ông Chính cho biết thêm.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn nhập khẩu quan trọng cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.

Vào tháng 10, ông Tập nói với quan chức cấp cao thứ hai của Việt Nam rằng cả hai nước không được quên “ước nguyện ban đầu” về tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Truyền thông nhà nước nói rằng chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ hợp tác Đối tác Chiến lược Toàn diện.


*********
rfi.fr

Tổng thống Nga Vladimir Putin được tiếp đón nồng nhiệt tại vùng Vịnh

Thùy Dương

Trong vòng công du Vùng Vịnh, sau chặng dừng chân ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, tổng thống Nga Vladimir Putin tối thứ Tư 06/12/2023 đã đến Ả Rập Xê Út. Đây là chuyến xuất ngoại hiếm hoi của ông Putin kể từ khi bị Tòa Hình Sự Quốc Tế ra lệnh truy nã hồi tháng 03/2023 về tội cưỡng bức di dời trẻ em tại vùng chiếm đóng ở Ukraina sang Nga.

Đăng ngày:

2 phút

Theo AFP, dầu lửa và chiến tranh Gaza là hai chủ đề chính trong chuyến thăm của tổng thống Nga đếnCác Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Ả Rập Xê Út. Chuyến công du lần này được xem là dịp tổng thống Nga Putin trở lại trường quốc tế trong bối cảnh gặp nhiều thuận lợi: Chiến dịch phản công của Ukraina được xem là thất bại, sự chú ý và viện trợ của phương Tây dành cho Kiev cũng giảm do tác động từ chiến tranh Gaza, kinh tế đất nước không sụp đổ bất chấp các đòn trừng phạt của phương Tây …

Truyền thông Nga tuyên truyền rộng rãi về chuyến đi của tổng thống. Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết thêm chi tiết :

« Hàng trăm binh sĩ có vũ trang đứng chờ ông tại cung điện, quốc kỳ Nga treo dọc đường, và thậm chí có cả đội tuần tra trên không của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất bay biểu diễn, thả khói màu cờ Nga trên bầu trời.

Điều này sẽ không phải là quan trọng nếu trên thực tế mọi vị khách đều được đối đãi như vậy. Truyền hình ở Matxcơva chiếu rất nhiều hình ảnh cho thấy tổng thống được đón tiếp nồng nhiệt, nhất là cảnh một trong các đặc phái viên hoan hỉ thốt lên : “Vào lúc này cả thế giới đang quan sát xem Nga và tổng thống Nga bị quốc tế cô lập đến thế nào ».

Trong khi đó, bộ Quốc Phòng Nga lần đầu tiên phát các hình ảnh chiến đấu cơ Sukhoï-25 bay hộ tống máy bay của tổng thống Nga. Các hoạt động ngoại giao vẫn chưa bắt đầu cụ thể nhưng đã được các cơ quan tuyên truyền của Vladimir Putin tranh thủ triệt để. Dường như Vladimir Putin sẽ sớm thông báo ra tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 5.

Các cơ quan truyền thông đang tiếp tục tích cực khai thác chuyến thăm này. Cơ quan báo chí của điện Kremlin gọi Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là một đối tác kinh tế chính của Matxcơva tại thế giới Ả Rập, và nói về một khoản đầu tư của Ả Rập Xê Út, rất quan trọng đang được trông đợi tại Nga ».

Theo AFP, Thượng Viện Nga hôm nay 07/12 thông báo bầu cử tổng thống sẽ diễn ra ngày 17/03/2024.


************
rfi.fr

Thượng Viện Mỹ chặn khoản viện trợ cho Ukraina và Israel

Thùy Dương

Thượng Viện Mỹ hôm qua 06/12/2023 đã không thông qua khoản viện trợ 106 tỉ đô la, trong đó có quỹ viện trợ cho Ukraina và Israel, như mong muốn của tổng thống Joe Biden.

Đăng ngày:

1 phút

Theo AFP, phe Cộng Hòa đòi chính quyền Biden phải nhượng bộ đáng kể về chính sách nhập cư ở biên giới với Mêhicô thì mới ủng hộ việc thông qua dự thảo ngân sách, cho dù nhiều thượng nghị sĩ bảo thủ vẫn ủng hộ Ukraina.

Việc ngân sách 106 tỉ không được Nghị Viện thông qua đã gây thêm thất vọng cho chính quyền Biden bởi trước đó vài giờ, trong một diễn văn rất long trọng, tổng thống Biden đã kêu gọi Hạ Viện thông qua khoản ngân sách này. Ông Biden khi đó đã cảnh báo là nếu không thì đây sẽ là « món quà đẹp đẽ nhất » dành tặng cho tổng thống Nga Putin, và nếu xâm lược được Ukraina, Vladimir Putin sẽ không dừng lại ở đó mà có thể sẽ tấn công vào một nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, buộc Mỹ tham chiến và « các binh sĩ Mỹ sẽ phải chiến đấu chống quân Nga ». Tổng thống Mỹ Biden nhất mạnh điều này hiện chưa xảy ra và chắc chắn Washington không muốn nó xảy ra.

Tạm thời, hôm qua Washington thông báo một khoản viện trợ quân sự mới trị giá 175 triệu đô la cho Kiev, trích từ kho dự trữ của chính quyền Mỹ, gồm các trang thiết bị phòng không, tên lửa và đạn pháo. Từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, Mỹ vẫn là nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho Kiev.


***********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI
Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI

(AFP) – Nga lại oanh kích Ukraina trong đêm. Không quân Ukraina hôm nay, 06/12/2023, cho biết đã bắn hạ 48 chiếc drone Shahed trong cuộc tấn công ban đêm của Nga. Kiev cáo buộc Maxtcơva tìm cách khủng bố tinh thần người dân Ukraina và phá hủy các cơ sở năng lượng như mùa đông năm qua khi hầu như đêm nào cũng dùng tên lửa và drone oanh kích Ukraina.  

(AFP) – Mỹ và Thụy Điển ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Lầu Năm Góc hôm qua, 05/12/2023, thông báo bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã ký thỏa thuận với đồng nhiệm Thụy Điển Pal Jonson. Hiệp ước quốc phòng này sẽ thiết lập « các điều kiện cho phép các lực lượng Mỹ tác chiến ở Thụy Điển », nhất là những gì có liên quan đến « quy chế pháp lý của quân nhân Mỹ, quyền tiếp cận các vùng triển khai quân » và « việc bố trí trước các thiết bị quân sự ». Thỏa thuận được ký kết vào lúc Thụy Điển trông chờ gia nhập khối NATO. 

(AFP) – Venezuela : Tổng thống đề nghị dự luật lập tỉnh mới tại vùng lãnh thổ tranh chấp. Thứ Ba, ngày 05/12/2023, tổng thống Nicolas Maduro đề xuất luật thành lập một tỉnh ở vùng Essequibo, một khu vực giầu dầu mỏ mà Venezuela có tranh chấp chủ quyền với nước láng giềng Guyana. Tổng thống Maduro đề nghị « kích hoạt lập tức cuộc tranh luận tại Quốc Hội và thông qua luật tổ chức thành lập tỉnh Guyana Essequibo ». Cùng ngày tổng thống Venezuela ra lệnh tiến hành « cấp giấy phép khai thác dầu khí ngay lập tức ». 

(AFP) – Nhóm « ngũ ca » năm ông bố gây xôn xao mạng xã hội. Năm ông bố trạc 30 tuổi đến từ thành phố Skellefteå, ở phía bắc Thụy Điển đang gây xôn xao mạng Internet nhờ vào việc hát lại các bản nhạc pop nổi tiếng theo kiểu « a cappella » - hát không có nhạc đệm. Những ông bố « điển hình người Thụy Điển » này tự quay phim ở nhà khi đang chăm sóc con cái. Đăng lần đầu tiên vào mùa hè năm 2022, nhóm ông bố nhạc sĩ « Dad Harmony » này đã thu hút hàng chục triệu lượt người xem trên mạng xã hội và có chuyến lưu diễn đầu tiên trên toàn quốc.


*********
voatiengviet.com

Các nhà lập pháp Mỹ muốn vinh danh các cựu binh Hmong giúp CIA trong Chiến tranh Việt Nam

VOA Tiếng Việt

Năm nhà lập pháp Hoa Kỳ đang dẫn đầu một nỗ lực lưỡng đảng để vinh danh các cựu chiến binh người Hmong từng giúp Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong Chiến tranh Việt Nam bằng cách trao tặng họ giải thưởng dân sự cao nhất của Quốc hội Mỹ.

CIA trong Chiến tranh Việt Nam đã tuyển mộ người Hmong làm binh lính để giúp ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản lan rộng ở Đông Nam Á. Những người Hmong đã chiến đấu trên bộ, thu thập thông tin tình báo về các cuộc di chuyển của quân Bắc Việt, làm gián đoạn việc tiếp tế trên Đường mòn Hồ Chí Minh và giải cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi trong hậu tuyến của địch. Các hoạt động này khi đó được gọi là “cuộc chiến tranh bí mật.”

Theo thông cáo báo chí từ văn phòng của Thượng nghị sỹ Mỹ Amy Klobuchar, đảng viên Dân chủ đại diện tiểu bang Minnesota, người Hmong đã “chịu tổn thất nặng nề” và những người lính Hmong “đã chết với tỷ lệ cao gấp 10 lần so với lính Mỹ ở Việt Nam”.

TNS Klobuchar đã cùng TNS Johnson, đảng viên Cộng hòa đại diện Wisconsin, TNS Gary Peters, đảng viên Dân chủ đại diện Michigan, TNS Tammy Baldwin, đảng viên Dân chủ đại diện Wisconsin, và TNS Thom Tillis, đảng viên Cộng hòa đại diện North Carolina, giới thiệu Đạo luật Huy chương Vàng Quốc hội cho người Hmong (Hmong Congressional Gold Medal Act) nhằm “ghi nhận sự phục vụ xuất sắc của các cựu chiến binh người Hmong cùng với quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam”.

Dự thảo luật, được giới thiệu tới cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ, nói rằng hơn 30.000 người Hmong đã tham gia trong các nhiệm vụ giúp CIA chống lại chủ nghĩa Cộng sản ở Bắc Việt Nam và Pathet Lào.

“Trong Chiến tranh Việt Nam, người Hmong là những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ, họ đã hy sinh mạng sống của mình để giúp đỡ quân đội của chúng ta và cống hiến sự phục vụ của họ cũng như đã hy sinh dũng cảm”, TNS Klobuchar nói trong thông cáo.

Dự thảo luật được giới thiệu nhằm công nhận sự cống hiến của người Hmong bằng cách trao Huy chương Vàng của Quốc hội Mỹ cho họ.

“Sau Chiến tranh Việt Nam, nhiều người Hmong bị mất nhà cửa và làng mạc do bị quân Bắc Việt ném bom hoặc đốt cháy”, dự thảo luật viết. “Hơn 150.000 người Hmong đã chạy trốn khỏi Lào khi đất nước này rơi vào tay của các lực lượng Cộng sản vào ngày 14/5/1975”.

Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam chính thức kết thúc vào ngày 30/4/1975 khi quân Bắc Việt chiếm được Sài Gòn và thiết lập một chính quyền thống nhất do Đảng Cộng sản cầm quyền trên khắp Việt Nam. Cùng năm 1975, Lào cũng trở thành quốc gia Cộng sản khi tổ chức dân tộc cánh tả Pathet Lào, có hợp tác với tổ chức Việt Minh của Bắc Việt, nắm quyền kiểm soát đất nước và thay thế chế độ quân chủ tồn tại 600 năm trước đó.

Theo trang web của Trung tâm người Mỹ gốc Hmong (Hmong American Center), người Hmong bị chính quyền Cộng sản thắng trận ở Lào và Việt Nam ngược đãi. Trung tâm này nói rằng người Hmong bị “truy lùng” và “bị đưa đến các trại tập trung” cũng như “bị bức hại”. Theo ước tính được trung tâm này trích dẫn, hơn 10% (tức khoảng 35.000) trong toàn bộ dân số Hmong ở Lào đã chết do liên quan đến Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.

“Do mối liên hệ của họ với quân đội Mỹ, nhiều người Hmong chạy trốn khỏi Lào đã tới Hoa Kỳ như những người tị nạn và bắt đầu cuộc sống mới ở đây”, dự thảo luật viết.

Trong những thập kỷ sau đó, người Hmong và truyền thống của họ đã ăn sâu vào các cộng đồng trên khắp nước Mỹ. Theo thông cáo của văn phòng TNS Johnson, hiện có hơn 327.000 người Hmong sinh sống ở Mỹ, phần lớn trong số đó ở California, Minnesota và Wisconsin.

Trong thông cáo, TNS Johnson nói rằng ông “vui mừng” được dẫn đầu trong việc giới thiệu đạo luật nhằm “đảm bảo người Hmong nhận được sự công nhận mà họ xứng đáng có được vì những cống hiến của họ trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản”.

Chưa có phản ứng chính thức từ hai chính quyền Việt Nam và Lào về nỗ lực của các nghị sĩ Mỹ nhằm vinh danh các cựu binh Hmong.


***********
voatiengviet.com

Ý nói với Trung Quốc họ sẽ rời khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường

Reuters

Ý đã chính thức thông báo cho Trung Quốc rằng họ sẽ rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), bác bỏ lo ngại rằng động thái này có thể làm xấu đi mối quan hệ và gây thiệt hại cho nền kinh tế Ý, các nguồn tin chính phủ cho biết hôm thứ Tư 6/12.

Ý vào năm 2019 đã trở thành quốc gia phương Tây lớn đầu tiên và duy nhất cho đến nay tham gia chương trình thương mại và đầu tư, phớt lờ cảnh báo từ Hoa Kỳ rằng nước này có thể bị Trung Quốc kiểm soát các công nghệ nhạy cảm và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Tuy nhiên, khi Thủ tướng Giorgia Meloni nhậm chức vào năm ngoái, bà nói rằng bà muốn rút khỏi thỏa thuận vốn được Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ, và nói rằng nó không mang lại lợi ích đáng kể nào cho Ý.

Thỏa thuận năm 2019 sẽ hết hạn vào tháng 3 năm 2024 và một nguồn tin chính phủ Ý cho biết Rome đã gửi cho Bắc Kinh một lá thư “trong những ngày gần đây” thông báo cho Trung Quốc rằng họ sẽ không gia hạn hiệp ước.

Không có bình luận ngay lập tức từ phía Trung Quốc.

Một nguồn tin chính phủ thứ hai cho hay: “Chúng tôi có ý định duy trì mối quan hệ tuyệt vời với Trung Quốc ngay cả khi chúng tôi không còn tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

Ông nói thêm: “Các quốc gia G7 khác có quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc so với chúng tôi, mặc dù thực tế là họ chưa bao giờ tham gia (BRI)”.

Ý sẽ đảm nhận chức chủ tịch G7 vào năm 2024.

Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác trong các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng BRI kể từ khi kế hoạch này được triển khai vào năm 2013. Thủ tướng Ý lúc đó là Giuseppe Conte đã hy vọng vào một cơ hội thương mại khi ông đăng ký tham gia vào năm 2019, nhưng các công ty Trung Quốc dường như đang làm thất vọng các bên hưởng lợi chính.

Theo dữ liệu của Ý, xuất khẩu của Ý sang Trung Quốc đạt tổng cộng 16,4 tỷ euro (17,7 tỷ USD) vào năm ngoái, từ mức 13 tỷ euro vào năm 2019. Ngược lại, xuất khẩu của Trung Quốc sang Ý đã tăng lên 57,5 tỷ euro từ mức 31,7 tỷ euro trong cùng kỳ.

Các đối tác thương mại chính của Ý trong khu vực đồng euro là Pháp và Đức đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn đáng kể vào năm ngoái, mặc dù không phải là một phần của BRI, dựa theo Con đường tơ lụa cổ đại nối Trung Quốc với phương Tây trước đây.

Nhằm duy trì mối quan hệ chiến lược, Ngoại trưởng Antonio Tajani đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng 9 và Tổng thống Sergio Mattarella sẽ đến thăm Trung Quốc vào một ngày phù hợp trong năm tới.

Bản thân bà Meloni cho biết bà muốn tới Bắc Kinh nhưng chưa ấn định ngày cụ thể.

Mặc dù là một phần của BRI, các chính phủ kế nhiệm ở Rome đã thể hiện sự hoài nghi của họ về hiệp ước này bằng cách phủ quyết một số đề xuất mua lại hoặc hạn chế sự ảnh hưởng của các công ty Trung Quốc đối với các đối tác Ý của họ.

Vào tháng 6, nội các của bà Meloni đã hạn chế ảnh hưởng của cổ đông Trung Quốc Sinochem đối với nhà sản xuất lốp xe Ý Pirelli bằng cách sử dụng các quy tắc “quyền lực vàng” được thiết kế để bảo vệ tài sản chiến lược.

Bà Meloni, người đứng đầu một liên minh bảo thủ, được cho là luôn muốn đánh bóng uy tín của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo tận tâm ủng hộ NATO, và một nguồn tin chính phủ cho biết rằng bà đã đảm bảo với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào đầu năm nay rằng Ý sẽ rời khỏi BRI.


***********

Tin tức thế giới 7-12: Ông Biden cảnh báo không để Nga thắng; Israel bao vây nhà thủ lĩnh Hamas

TRẦN PHƯƠNG

* Giao tranh ác liệt ở miền nam Gaza, tại thành phố Khan Younis
* Cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ chỉ trích chính trường tồi tệ
* Ông Biden cảnh báo nếu để Nga thắng ở Ukraine thì có thể tấn công tiếp vào thành viên NATO

Một ngôi nhà ở khu vực Rafah, miền nam Dải Gaza, bị Israel không kích ngày 6-12 - Ảnh: AFP

Một ngôi nhà ở khu vực Rafah, miền nam Dải Gaza, bị Israel không kích ngày 6-12 - Ảnh: AFP

Giao tranh ác liệt ở miền nam Dải Gaza

Ngày 6-12, quân đội Israel tuyên bố đã chọc thủng tuyến phòng thủ của Hamas xung quanh thành phố Khan Yunis, "trái tim" khu vực phía nam Gaza, và thực hiện "các cuộc tấn công có chủ đích vào trung tâm thành phố", tìm thấy và phá hủy 30 đường hầm.

Phát biểu sau đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng chiến dịch bao vây nhà của thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwa ở thành phố này là một "chiến thắng biểu tượng".

Hãng tin AFP mô tả các trận chiến diễn ra ác liệt ở Khan Yunis, nơi hàng trăm ngàn người Palestine ẩn náu sau khi chạy khỏi miền bắc Gaza. Trong khi đó, Israel tiếp tục không kích khắp dải Gaza, nhắm vào hàng trăm mục tiêu.

* Liên Hiệp Quốc cảnh báo trật tự xã hội ở Gaza sắp sụp đổ. Ngày 6-12, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã gửi thư đến Hội đồng Bảo an, trong đó đưa cảnh báo mạnh mẽ hiếm hoi rằng trật tự xã hội "sẽ sớm bị phá vỡ hoàn toàn" ở Gaza. Ngay lập tức, Israel đã chỉ trích động thái của nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc là "nguy hiểm cho hòa bình thế giới".

Cùng ngày, Hội đồng Bảo an đã nhận được một nghị quyết do Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất soạn thảo nhằm yêu cầu "ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức" và dự kiến bỏ phiếu vào ngày 8-12.

Dải Gaza rơi vào khủng hoảng từ ngày 7-10 khi Hamas đánh qua biên giới làm 1.200 người Israel thiệt mạng. Các đợt tấn công đáp trả của Tel Aviv đến nay đã làm hơn 16.000 người Palestine chết ở Gaza.

* Ông McCarthy rời Quốc hội Mỹ. Trong tuyên bố được đưa ra 2 tháng sau khi bị lật đổ, cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy thông báo ông sẽ chấm dứt sự nghiệp 17 năm tại Quốc hội vào cuối năm nay.

"Có vẻ như Washington càng làm nhiều thì nước Mỹ càng trở nên tồi tệ hơn. Những thách thức mà chúng ta gặp phải có nhiều khả năng được giải quyết bằng sự đổi mới hơn là bằng luật pháp", ông viết trên tờ Wall Street Journal, cho biết ông sẽ phục vụ nước Mỹ "theo những cách khác".

Sự ra đi của ông McCarthy, người từng giúp Đảng Cộng hòa giành được thế đa số ở Hạ viện năm 2022, có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm sau. Nó cũng thu hẹp hơn thế đa số mong manh 221-213 của đảng này tại Hạ viện.

* Ông Putin bàn dầu mỏ và xung đột Gaza trong chuyến công du Trung Đông. Ngày 6-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Saudi Arabia sau khi rời Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất trong chuyến công du nước ngoài hiếm hoi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin được Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tiếp đón ngày 6-12 - Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin được Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tiếp đón ngày 6-12 - Ảnh: AFP

Đây là lần thứ 3 ông Putin rời Nga kể từ khi nổ ra xung đột với Ukraine vào tháng 2-2022. Trước chuyến đi, Điện Kremlin thông báo nhà lãnh đạo Nga sẽ thảo luận về thị trường dầu mỏ và thúc đẩy chấm dứt xung đột ở Dải Gaza.

Tại Saudi Arabia, Hãng tin Tass cho biết ông Putin và thái tử Mohammed bin Salman của nước chủ nhà đã bàn hợp tác về giá dầu. Trong khi đó, thái tử Saudi Arabia nói rằng hợp tác với Nga đã giúp loại bỏ nhiều căng thẳng ở Trung Đông và củng cố an ninh.

Ông Biden cảnh báo hậu quả khi ngừng tài trợ cho Ukraine

Ngày 6-12, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc ngừng hỗ trợ cho Kiev chẳng khác nào trao cho Nga "món quà tuyệt vời nhất".

"Điều này không thể chờ đợi được. Quốc hội cần thông qua nguồn tài trợ bổ sung cho Ukraine trước khi họ nghỉ lễ", Hãng tin AFP dẫn lời ông Biden thúc giục trong bối cảnh Đảng Cộng hòa chặn gói hỗ trợ mới 110 tỉ USD cho Ukraine tại Thượng viện.

"Nếu ông Putin chiếm được Ukraine, ông ta sẽ không dừng lại", nhà lãnh đạo Mỹ đề cập đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Biden cảnh báo Nga có thể tiếp tục tấn công các đồng minh NATO và dẫn đến việc quân đội Mỹ chiến đấu với quân đội Nga.

"Chúng ta không thể để ông Putin thắng (ở Ukraine)", ông còn khẳng định sẵn sàng nhượng bộ về vấn đề cải tổ biên giới với Mexico để đạt được gói hỗ trợ mới cho Kiev.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo không để Nga chiến thắng ở Ukraine - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo không để Nga chiến thắng ở Ukraine - Ảnh: REUTERS

Trong tuần này, Nhà Trắng cho biết nguồn tiền cho Ukraine đang cạn kiệt. Bộ Quốc phòng Mỹ đã sử dụng hết 97% nguồn quỹ 62,3 tỉ USD dành cho Ukraine và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sử dụng hết toàn bộ 4,7 tỉ USD phân bổ.

* Ukraine muốn giảm phụ thuộc vào tài trợ. Ngày 7-12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đang gây sức ép lớn trên chiến trường trong lúc cuộc chiến bước vào mùa đông thứ hai. Các hỗ trợ quân sự, đạn dược vô cùng quan trọng với Kiev trong giai đoạn này.

Theo ông Zelensky, Ukraine đang tăng cường sản xuất vũ khí trong nước để giảm phụ thuộc vào tài trợ. "Ukraine không muốn chỉ phụ thuộc vào đối tác", ông phát biểu tại hội nghị quốc phòng chung Ukraine - Mỹ.

* Châu Âu chỉ đặt thêm 60.000 quả đạn pháo cho Ukraine. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cho biết các nước Liên minh châu Âu (EU) chỉ đặt hàng 60.000 quả đạn pháo cho Kiev, cho thấy đang gặp khó khăn trong kế hoạch cung cấp 1 triệu quả đạn cho Ukraine trong 1 năm.

Hồi tháng 3-2023, EU đặt mục tiêu hỗ trợ cho Kiev 1 triệu quả đạn nhưng đến nay chỉ mới giao được 480.000 quả đạn.

Nhọc nhằn chài lưới

Người này đang cố quăng tấm lưới ra xa nhất có thể để thoát khỏi đám rác nhựa chen kín bờ sông Surma. Con sông ở TP Sylhet, Bangladesh này đã bị ô nhiễm vì rác nhựa cùng nhiều loại rác khác và các ngư dân đánh bắt cá cũng khó hơn nhiều so với trước đây. (Rafayat Haque Khan/Zuma Press Wire)

Người đàn ông này đang cố quăng tấm lưới ra xa nhất có thể để thoát khỏi đám rác nhựa chen kín bờ sông Surma. Con sông ở TP Sylhet, Bangladesh này đã bị ô nhiễm vì rác nhựa cùng nhiều loại rác khác và các ngư dân đánh bắt cá cũng khó hơn nhiều so với trước đây. (Ảnh: Rafayat Haque Khan/Zuma Press Wire)


*********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn