Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 08 -11 -2023

Thứ Tư, 08 Tháng Mười Một 20234:43 SA(Xem: 1335)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 08 -11 -2023


HoaLucU
************
rfi.fr

Quân đội Israel "giữa lòng" thành phố Gaza, thủ tướng Netanyahu "không có ý định chiếm đóng" Gaza

Phan Minh

Quân đội Israel hôm nay, 08/11/2023, đã tiến vào giữa lòng thành phố Gaza ở miền bắc dải Gaza, nơi hàng trăm nghìn thường dân vẫn hiện diện và tình hình ngày càng thảm khốc sau một tháng chiến tranh dữ dội.

Đăng ngày:

2 phút

Xe ủi đất của quân đội Israel bên trong thành phố Gaza ngày 07/11/2023.
Xe ủi đất của quân đội Israel bên trong thành phố Gaza ngày 07/11/2023. via REUTERS - ISRAELI DEFENSE FORCES

Theo AFP, bộ trưởng Quốc Phòng Israel, Yoav Gallant, cho biết quân đội hiện đang ở "giữa lòng" thành phố Gaza, nơi các trận giao tranh trên bộ và chiến dịch oanh kích đã gia tăng trong những ngày gần đây nhằm "tiêu diệt Hamas".

Ông tái khẳng định lập trường sẽ không có thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo cho đến khi nào Hamas trao trả các con tin. Theo chính quyền Israel, ít nhất 1.400 người Israel đã thiệt mạng trong vụ tấn công của Hamas ngày 07/10 và hơn 240 người đã bị tổ chức Hồi Giáo cực đoan bắt làm con tin kể từ hôm đó.

Trước tình hình nhân đạo thảm khốc tại vùng lãnh thổ nhỏ bé này, Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ hay lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã liên tục kêu gọi ngừng bắn, nhưng không được đáp ứng.

Hôm 07/11/2023, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình MSNBC của Mỹ, bộ trưởng bộ Chiến Lược Israel, Ron Dermer, tuyên bố thủ tướng Benyamin Netanyahu "không hề đả động đến việc chiếm đóng Gaza" sau khi kết thúc cuộc chiến với Hamas, nhưng Israel vẫn kiên quyết đảm nhận "toàn bộ trách nhiệm về an ninh" cho dải Gaza.

Ông Dermer phát biểu : "Chúng tôi đã rút hoàn toàn khỏi Gaza cách đây 17 năm, nhưng kết quả là chúng tôi lại phải lãnh nhận một Nhà nước khủng bố. Dĩ nhiên là chúng tôi không thể để lặp lại điều này. Một khi Hamas không còn nắm quyền và sau khi cơ sở hạ tầng của họ bị phá hủy, Israel sẽ phải có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho Gaza trong một khoảng thời gian không xác định."

Bình luận của ông Dermer được đưa ra sau khi Hoa Kỳ phản đối việc Israel tái chiếm đóng dải Gaza.


************
voatiengviet.com

Israel loan báo quân đội tiến sâu vào ‘trung tâm thành phố Gaza’

Reuters

Israel ngày 7/11 tuyên bố lực lượng của họ đang tiến sâu vào Thành phố Gaza, nơi người dân cho biết xe tăng đã được bố trí ở ngoại ô để chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiềm tàng vào khu trung tâm đô thị của Gaza.

Thiếu tướng Yaron Finkelman, chỉ huy Bộ Tư lệnh phía Nam của Lực lượng Phòng vệ Israel IDF, nói với các phóng viên gần biên giới Gaza: “Lần đầu tiên sau nhiều thập niên, Lực lượng Phòng vệ Israel đang chiến đấu ở trung tâm Thành phố Gaza. Tại trung tâm của chủ nghĩa khủng bố”.

“Hàng ngày, hàng giờ, lực lượng này đang tiêu diệt các phần tử hiếu chiến, hé lộ các đường hầm, phá hủy vũ khí và tiếp tục tiến vào các trung tâm của kẻ thù.”

Israel trước đó cho biết họ đã bao vây thành phố Gaza, nơi sinh sống của khoảng 1/3 trong số 2,3 triệu dân của Dải Gaza và sẽ sớm tấn công thành phố này để tiêu diệt các chiến binh Hamas đã đột kích các thị trấn của Israel một tháng trước.

Không có chỉ dấu trên thực địa cho thấy lực lượng Israel đã tiến ồ ạt sâu hơn vào thành phố, nhưng phát ngôn viên của quân đội, Richard Hecht, gợi ý rằng quân đội bao vây có thể đang thực hiện các cuộc đột kích bên trong.

Khi được hỏi liệu các cuộc đột kích như vậy có diễn ra hay không, ông nói: “Tôi sẽ không nói về cách chúng tôi hành động trong vòng vây quanh Thành phố Gaza. Mình đang đi đúng hướng, đó là tất cả những gì tôi có thể nói.”

Cánh quân sự của Hamas cho biết các chiến binh của họ đang gây ra tổn thất và thiệt hại nặng nề cho lực lượng tiến công của Israel.
Không thể kiểm chứng các tuyên bố trên chiến trường của cả hai bên.

Tháng tàn sát

Chiến tranh bắt đầu hôm 7/10 khi các chiến binh Hamas xông qua hàng rào bao quanh Gaza và giết chết 1.400 người Israel, chủ yếu là thường dân và bắt cóc hơn 200 người, theo thống kê của Israel. Kể từ đó, Israel đã không ngừng bắn phá dải Gaza do Hamas điều hành, giết chết hơn 10.000 người, khoảng 40% trong số đó là trẻ em, theo thống kê của các quan chức y tế ở Gaza.

“Đã một tháng tàn sát, không ngừng đau khổ, đổ máu, tàn phá, phẫn nộ và tuyệt vọng,” Ủy viên Nhân quyền Liên hiệp quốc Volcker Turk cho biết trong một tuyên bố khi bắt đầu chuyến đi tới khu vực, trong thời gian đó ông sẽ đến thăm của khẩu Rafah từ Ai Cập, con đường duy nhất để nhận viện trợ.

Israel cho người dân thời hạn từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều để rời khỏi thành phố Gaza. Cư dân cho biết xe tăng Israel di chuyển chủ yếu vào ban đêm, trong khi lực lượng Israel chủ yếu dựa vào các cuộc không kích và pháo binh để dọn đường cho cuộc tiến công trên bộ của họ.

“Vì sự an toàn của bạn, hãy tận dụng cơ hội tiếp theo này để di chuyển về phía nam ngoài Wadi Gaza”, quân đội loan báo, đề cập đến vùng đất ngập nước chia đôi Gaza, lãnh thổ ven biển chật hẹp.

Bộ Nội vụ Gaza cho biết 900.000 người Palestine vẫn đang trú ẩn ở phía bắc Gaza, bao gồm cả Thành phố Gaza.

“Chuyến đi nguy hiểm nhất trong cuộc đời tôi. Chúng tôi nhìn thấy những chiếc xe tăng từ khoảng cách gần. Chúng tôi nhìn thấy những bộ phận cơ thể đang phân hủy. Chúng tôi nhìn thấy cái chết”, cư dân Adam Fayez Zeyara đăng một bức ảnh selfie của mình trên đường ra khỏi Thành phố Gaza.

Trong khi hoạt động quân sự của Israel tập trung vào nửa phía bắc của Gaza thì phía nam cũng bị tấn công. Các quan chức y tế Palestine cho biết ít nhất 23 người đã thiệt mạng trong hai cuộc không kích riêng biệt của Israel vào sáng sớm ngày 7/11 tại các thành phố Khan Younis và Rafah ở phía nam Gaza.

Ông Ahmed Ayesh, người được cứu khỏi đống đổ nát của một ngôi nhà ở Khan Younis, nơi các quan chức y tế cho biết 11 người đã thiệt mạng, nói: “Chúng tôi là thường dân”. “Đây là sự dũng cảm của cái gọi là Israel - họ thể hiện sức mạnh và quyền lực của mình chống lại thường dân, trẻ sơ sinh, trẻ em và người già.”

Vào lúc ông nói, những người cứu hộ tại ngôi nhà đã dùng tay để cố gắng giải thoát một cô gái bị chôn vùi trong đống đổ nát đến tận thắt lưng.

Israel muốn kiểm soát ‘vô thời hạn’

Israel cho đến nay vẫn mơ hồ về các kế hoạch dài hạn của mình đối với Gaza, nếu chiến dịch tiêu diệt Hamas thành công. Trong một số bình luận trực tiếp đầu tiên về chủ đề này, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết Israel sẽ tìm cách chịu trách nhiệm về an ninh đối với Gaza “trong một thời gian vô hạn”.

Ông nói với đài truyền hình ABC News của Mỹ: “Chúng tôi đã thấy điều gì sẽ xảy ra khi chúng tôi không có trách nhiệm về an ninh”.

Israel đã rút quân và người định cư ra khỏi Dải Gaza vào năm 2005, và hai năm sau, Hamas lên nắm quyền ở đó, đánh bại Chính quyền Palestine đang thực hiện quyền tự trị hạn chế ở một lãnh thổ riêng biệt do Israel chiếm đóng, Bờ Tây.

Ông Simcha Rothman, một nhà lập pháp trong liên minh tôn giáo-dân tộc chủ nghĩa của Netanyahu, nói trong một bài đăng trên mạng xã hội: “Lực lượng của chúng ta không nên đổ máu để cuối cùng trao Dải Gaza cho Chính quyền Palestine.... Chỉ có sự kiểm soát hoàn toàn của Israel và một sự phi quân sự hóa hoàn toàn dải đất này mới khôi phục an ninh.”

Tuy nhiên, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Kirby nói Tổng thống Mỹ Joe Biden phản đối việc Israel tái chiếm: “Điều đó không tốt cho Israel, không tốt cho người dân Israel”, ông Kirby nói với CNN.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo trong khu vực về việc quản lý Gaza sẽ như thế nào sau chiến tranh. Ông Kirby nói: “Dù thế nào đi nữa, nó không thể giống như ngày 6/10. Không thể là Hamas.”

Lãnh đạo Đảng Lao động đối lập Israel, Merav Michaeli, cho biết Israel cần hợp tác với Mỹ, các nước Ả Rập và Chính quyền Palestine về kế hoạch đạt được “chiến thắng chính trị” ở Gaza để giúp Israel an toàn một khi Hamas bị đánh bại về mặt quân sự.

Cả Israel và Hamas đều từ chối lời kêu gọi ngừng chiến đấu. Israel nói phải phóng thích con tin trước. Hamas nói sẽ không trả tự do cho con tin và không ngừng chiến đấu trong khi Gaza đang bị tấn công.

Washington ủng hộ quan điểm của Israel rằng lệnh ngừng bắn sẽ giúp ích cho Hamas.

‘Các con tôi... không làm gì sai’

Những câu chuyện kinh hoàng không ngớt về sự đau khổ của thường dân ở cả hai bên đã gây chia rẽ dư luận thế giới trong tháng qua.

Ở Shefayim, Israel, Avihai Brodutch mô tả 31 ngày đau đớn sau khi Hamas bắt cóc vợ và ba đứa con của ông từ Kfar Aza, cách Gaza khoảng 3 km.

“Các con của tôi, chúng còn quá nhỏ và chúng chưa làm gì sai với ai cả”, ông nói về cô con gái 10 tuổi Ofri và các con trai Yuval, 8 tuổi và Uriah, 4 tuổi.

Kể từ tuần trước, hàng trăm người Gaza có hộ chiếu nước ngoài đã được phép xuất cảnh qua cửa khẩu Rafah để vào Ai Cập. Nhưng đại đa số bị mắc kẹt bên trong Gaza, và những người trốn thoát được mô tả nỗi đau khổ của họ khi phải bỏ lại những người thân yêu ở lại.

Bà Suzan Beseiso, 31 tuổi, một người Mỹ gốc Palestine đã rời Gaza đến Ai Cập vào tuần trước, nói với Reuters ở Cairo: “Đó chỉ là một bộ phim kinh dị cứ lặp đi lặp lại”. “Không ngủ, không đồ ăn nước uống. Cứ phải di tản hết nơi này đến nơi khác.”
************
rfi.fr

Ủy Ban Châu Âu khuyến nghị mở đàm phán kết nạp Ukraina

Thu Hằng

Hôm nay, 08/11/2023, được xem là « ngày lịch sử » đối với Kiev : Ủy Ban Châu Âu vừa khuyến nghị mở đàm phán kết nạp Ukraina và Moldova vào Liên Hiệp Châu Âu. Ngoài ra, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cũng thông báo trao tư cách ứng viên cho Gruzia. Ngay lập tức, tổng thống Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh quyết định « đúng đắn » của Ủy Ban Châu Âu.

Đăng ngày:

3 phút

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (giữa) và hai lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu tại thượng đỉnh Bruxelles hôm 09/02/2023.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (giữa) và hai lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu tại thượng đỉnh Bruxelles hôm 09/02/2023. AFP - KENZO TRIBOUILLARD

Trước đó, vào tháng 06/2022, Bruxelles đã trao cho Ukraina tư cách ứng viên. Để bước sang được giai đoạn tiếp theo là mở đàm phán kết nạp, Ủy Ban Châu Âu ấn định 7 tiêu chí mà Kiev phải đáp ứng, trong đó có chống tham nhũng trên diện rộng và cải cách tư pháp. Theo AFP, trong chuyến công du Kiev bất ngờ vào cuối tuần trước, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tỏ ra « tin tưởng » là chính quyền Kiev có thể nhận được « quyết định lịch sử mở ra tiến trình đàm phán gia nhập ngay năm nay (2023) » bởi vì Ukraina đã hoàn thành « hơn 90% công việc ».

Thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze tại Kiev cho biết thêm về những nỗ lực chống tham nhũng của Ukraina :

« Để gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Ukraina biết là phải nỗ lực chống tham nhũng. Tuy có nhiều vụ tai tiếng ở Ukraina, ví dụ vụ một số bộ trưởng từ chức rồi đến các vụ bắt giữ vì biển thủ công quỹ vẫn được đề cập trên trang nhất các báo, thì cũng phải nói đến một số tiến bộ, như nhận định của Oleksandr Kalitenko, luật gia của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International).

Ông nói : « Rất nhiều việc đã được thực hiện, mở một cuốn sổ đăng ký cho công chúng có thể truy cập, tái lập quy định bắt buộc các chính đảng phải báo cáo về tài chính. Một biện pháp đáng ghi nhận khác là thông qua chiến lược chống tham nhũng ở cấp liên bang. Quý vị thấy trên truyền thông có nhiều bài viết về những nghi ngờ liên quan đến những chính khách, về một số vụ tai tiếng. Đó là một dấu hiệu tốt, bởi vì sẽ nguy hiểm hơn nếu việc đó diễn ra trong im lặng ».

Ông Kalitenko cũng như nhiều luật gia khác muốn các cơ quan chống tham nhũng được độc lập hơn, đặc biệt là để tránh những can thiệp hoặc xung đột lợi ích, từ cơ quan chống tham nhũng đến công tố viên được chỉ định, rồi tòa án cấp cao và cơ quan phòng chống tham nhũng. Để làm được như vậy, tổ chức Minh Bạch Quốc Tế đã đề xuất 85 khuyến nghị mà chính phủ có thể lựa chọn xem xét hoặc không ».

G7 khẳng định tiếp tục hỗ trợ Ukraina

G7 hứa tiếp tục « đoàn kết » để « kiên định » hỗ trợ Ukraina chống cuộc xâm lược của Nga, « bất chấp tình hình thế giới hiện nay », ý muốn nói đến cuộc xung đột Israel-Hamas. Theo thông cáo ngày 08/11/2023 của bộ Ngoại Giao Nhật Bản, ngoại trưởng các nước G7 họp tại Tokyo cũng khẳng định tiếp tục cùng nhau áp dụng « các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc » đối với Matxcơva, tăng cường nỗ lực tái thiết Ukraina « trong trung và dài hạn », cũng như « nỗ lực hướng tới một tiến trình hòa bình » với các đối tác quốc tế khác.


****
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

**********
voatiengviet.com

Quân kháng chiến Myanmar chiếm một thị trấn từ tay quân đội nắm quyền

Reuters

Các chiến binh đối lập đã chiếm được một thị trấn ở miền trung Myanmar vốn là trung tâm hành chính của một quận sau khi đánh bại quân đội nắm quyền, chính phủ đối lập và truyền thông địa phương cho biết hôm 7/11.

Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) của Myanmar ca ngợi đây là chiến thắng quan trọng, mặc dù một phân tích gia cảnh báo quân kháng chiến có thể sẽ rất khó khăn để nắm quyền kiểm soát thị trấn Kawlin với dân số khoảng 25.000 người.

Quân đội Myanmar đang đối phó với bạo lực gia tăng sau khi các lực lượng chống đối, bao gồm đội quân của các nhóm dân tộc thiểu số, đã mở các cuộc tấn công trong hai năm sau khi các tướng lĩnh lật đổ chính phủ dân cử trong một cuộc đảo chính hồi năm 2021.

Quân đối lập đã tấn công binh lính của chính quyền quân sự ở Kawlin hồi tuần trước, trước khi áp đảo họ vào ngày 6/11 và chiếm lấy thị trấn, NUG cho biết.

Bộ Quốc phòng NUG đăng một video trên mạng xã hội cho thấy binh lính giương cờ của các nhóm quân kháng chiến có liên hệ với chính phủ đối lập.

“Một thị trấn cấp huyện hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi,” Thủ tướng NUG Mahn Winn Khaing Thann viết trên X. “Thật là một chiến thắng đột phá!”

Phát ngôn nhân của chính quyền quân sự Myanmar không phản hồi các cuộc gọi từ Reuters.

Thị trấn này đã thất thủ sau khi một nhóm nhỏ binh lính của chính quyền quân đội đã đầu hàng sau các cuộc giao tranh ác liệt, cơ quan truyền thông địa phương Myanmar Now dẫn lời một người lính của quân đối lập cho biết.

Tuy nhiên, Richard Horsey, cố vấn cấp cao về Myanmar tại tổ chức phi lợi nhuận International Crisis Group cho biết quân kháng chiến có thể gặp khó khăn để giữ lấy Kawlin.

“Không khó để tràn vào và giành lấy một thị trấn miền núi. Nhưng khó lòng giữ được nó,” nhà phân tích này nói với Reuters.

Một cư dân Kawlin 28 tuổi từ chối nêu tên vì lo ngại an ninh cho biết họ đã rời thị trấn hồi cuối tuần qua sau khi giao tranh ác liệt nổ ra giữa quân nổi dậy và quân đội của chính quyền quân sự được không quân yểm trợ.

“Nhà hàng xóm của chúng tôi đã bị trúng đạn. Không thể nào ở lại an toàn,” người dân này nói. “Do đó hầu như mọi người đều rời đi.”

Quân đội kháng chiến đã tiếp quản đồn cảnh sát Kawlin, trụ sở hành chính, ngân hàng và các cơ sở quan trọng khác của quận, NUG cho biết.

Chính phủ NUG, bao gồm tàn dư của chính quyền của bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo bị lật đổ, và những người khác, đã giao tiếp với các nước dân chủ, bao gồm Mỹ, để tranh thủ sự ủng hộ cho cuộc chiến chống lại quân đội Myanmar hùng mạnh.

Trong một cuộc tấn công riêng rẽ, NUG cho biết quân của họ và các đồng minh đã chiếm một thị trấn khác ở Sagaing giáp biên giới Ấn Độ, nơi có thị trấn Kawlin.


**************
voatiengviet.com

G7 vẫn một lòng ủng hộ Ukraine bất chấp chiến sự ở Trung Đông

Reuters

Sự ủng hộ của G7 dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Trung Đông ngày càng quyết liệt, Nhật Bản hôm 7/11 tuyên bố trong lúc các ngoại trưởng của khối chuẩn bị thảo luận trực tuyến với Kyiv trong một hội nghị ở Tokyo.

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ - cũng như Liên minh châu Âu (EU) –nhóm họp tại Tokyo từ ngày 7 đến ngày 8/11 để thảo luận về các chủ đề bao gồm cuộc chiến của Nga ở Ukraine và khủng hoảng Israel-Gaza.

“Cam kết của chúng tôi về việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Nga và sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine không hề dao động chút nào, ngay cả khi tình hình ở Trung Đông ngày càng căng thẳng,” Ngoại trưởng Nhật Yoko Kamikawa phát biểu trong cuộc họp báo.

Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Kamikawa vào cuối ngày 7/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhấn mạnh ‘sự hỗ trợ lâu dài’ của khối đối với Ukraine là một nội dung quan trọng trong nghị trình của hội nghị, nhưng cũng cho biết lúc này là thời điểm quan trọng để đoàn kết trong cuộc chiến Israel-Hamas.

Các ngoại trưởng G7 dự kiến sẽ có cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba vào ngày 8/11.

Các nước G7 nhận ra rằng Nga đang muốn chiến tranh lâu dài ở Ukraine và điều này đòi hỏi hỗ trợ quân sự và kinh tế lâu dài cho Kyiv, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết sau khi các ngoại trưởng của khối gặp nhau hồi tháng 9.

Khối này đã đi đầu trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga kể từ khi Moscow xua quân xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bất ngờ xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima hồi tháng 5.

Trong động thái mới nhất nhằm vào nền kinh tế Nga, G7 đang cân nhắc các đề xuất áp đặt trừng phạt nhằm vào kim cương Nga.

Nhật hôm 7/11 cũng nói rằng họ sẽ không tránh khỏi bị tác động bởi lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào dự án khí hóa lỏng Artic 2 ở Nga mà trong đó các công ty Nhật Mitsui và JOGMEC nắm giữ tổng cộng 10% cổ phần.

Tìm kiếm tiếng nói chung trên vấn đề Ukraine dường như đã được chứng tỏ là dễ hơn đối với G7 so với cuộc khủng hoảng leo thang giữa Israel và Hamas vốn đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và có nguy cơ lan rộng thành xung đột khu vực.

Kể từ khi cuộc chiến này nổ ra, G7 chỉ đưa ra một tuyên bố chung chỉ có vài câu. Các thành viên khác trong khối đã đưa ra tuyên bố riêng rẽ.

Tại Tokyo, G7 có kế hoạch thể hiện sự cần thiết phải tạm dừng giao tranh và cho phép tiếp cận nhân đạo vào dải Gaza, vốn đã bị Israel bắn phá để trả đũa cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel hôm 7/10 khiến 1.400 người thiệt mạng, bà Kamikawa nói.

Nhật Bản, nước chủ tịch luân phiên của G7 đã có cách tiếp cận thận trọng đối với cuộc khủng hoảng này, chống lại áp lực phải đứng về phía lập trường ủng hộ Israel của đồng minh thân cận nhất của họ là Mỹ, các quan chức và nhà phân tích cho biết.

Nhưng tại cuộc gặp với ông Blinken, Ngoại trưởng Kamikawa cho biết có ‘sự đoàn kết vững chắc’ giữa các nước trong khối về vấn đề này.

Sự chia rẽ của G7 cũng thể hiện ở Liên Hợp Quốc, với Pháp bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi ngừng bắn nhân đạo vào ngày 26/10, trong khi Mỹ phản đối, còn các nước còn lại trong khối bỏ phiếu trắng.


**************

EC đề xuất 5 nguyên tắc giải quyết xung đột Israel-Hamas


chu tich ec.jpg
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: iStock

“Đã đến lúc phải cần nỗ lực của quốc tế để đạt được hòa bình trong khu vực Trung Đông. Các đề xuất nghe có vẻ quá tham vọng, nhưng không thể không cố gắng tìm ra giải pháp lâu dài dựa trên sự tồn tại của hai quốc gia cạnh nhau trong hòa bình và an ninh”, hãng tin TASS dẫn lời bà Leyen nói tại cuộc họp với các Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ hôm 6/11.

Các nguyên tắc, được gắn với triển vọng giải pháp hai nhà nước, bao gồm việc chấm dứt sự kiểm soát của Hamas đối với vùng lãnh thổ rộng hơn 2,4 triệu dân này và dỡ bỏ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt do Israel và Ai Cập áp đặt kể từ năm 2007.

Năm nguyên tắc đối với Dải Gaza do Chủ tịch Leyen đề xuất bao gồm: “Không có nơi trú ẩn an toàn cho những tay súng cực đoan; Không có chính phủ do Hamas lãnh đạo; Không có sự hiện diện an ninh lâu dài của Israel; Không có sự ép buộc trục xuất đối với người Palestine; Không có sự phong tỏa kéo dài”.

Tính đến 6/11, Cơ quan y tế ở Dải Gaza cho biết, có ít nhất 9.770 người đã thiệt mạng ở Gaza trong một tháng qua, bao gồm khoảng 4.000 trẻ em. Ngoài ra, các số liệu cho thấy cuộc xung đột Israel-Hamas cũng khiến không dưới 100 nhân viên Liên Hiệp Quốc và nhà báo mất mạng.


*************

Thủ tướng Israel nêu điều kiện chấm dứt chiến sự với Hamas

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đến khi Tel Aviv khôi phục sự kiểm soát an ninh không thời hạn với Dải Gaza.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại căn cứ quân sự Kirya hôm 28-10 - Ảnh: AFP

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại căn cứ quân sự Kirya hôm 28-10 - Ảnh: AFP

Ngày 6-11 (giờ địa phương), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tại Dải Gaza cho đến khi Tel Aviv khôi phục kiểm soát "an ninh tổng thể" tại đây.

"Israel sẽ chịu trách nhiệm vô thời hạn về an ninh tổng thể ở Dải Gaza. Khi chúng tôi không chịu trách nhiệm như thế, thứ chúng tôi nhận là cuộc tấn công của Hamas ở mức độ chúng tôi không thể tưởng tượng", thủ tướng Israel phát biểu trên kênh truyền hình ABC News.

Theo Hãng tin AFP, tuyên bố trên của ông Netanyahu được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột Israel - Hamas kéo dài tròn một tháng, dẫn đến cái chết của hơn 10.000 người Palestine ở Dải Gaza và khiến 1,5 triệu người phải từ bỏ nhà cửa.

Sau một tháng, các cuộc không kích của Israel vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo cơ quan y tế của Dải Gaza, cuộc không kích rạng sáng 5-11 của Israel đã cướp đi sinh mạng của 292 người Palestine, đánh trúng hai bệnh viện nhi và bệnh viện tâm thần duy nhất ở vùng đất này.

"Đó là những cuộc thảm sát! Họ phá hủy ba ngôi nhà với người dân ở trong, gồm phụ nữ và trẻ em", ông Mahmud Meshmesh, người dân Gaza, chia sẻ với Hãng tin AFP.

Ông Meshmesh cho biết ông cùng người dân xung quanh đã kéo được hơn 40 thi thể khỏi đống đổ nát.

Suốt một tháng qua, cộng đồng quốc tế và các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc đã liên tục yêu cầu một cuộc ngừng bắn nhân đạo tại Dải Gaza. Tuy nhiên, Tel Aviv đã từ chối thực hiện điều này.

Ông Netanyahu cho biết: "Sẽ không có một cuộc ngừng bắn nói chung ở Gaza nếu các con tin không được thả".

Thủ tướng Israel cho biết thêm: "Chúng tôi đã tiến hành các cuộc tạm ngừng bắn chiến thuật ngắn, với một tiếng ở địa điểm này, một tiếng khác ở địa điểm kia. Tôi cho rằng chúng tôi sẽ kiểm tra tình hình để đảm bảo hàng hóa nhân đạo tiến vào Dải Gaza và các con tin của chúng tôi rời khỏi".


***********

Lý do Mỹ công khai vị trí tàu ngầm mạnh nhất thế giới ở Trung Đông

GIA MINH

Quân đội Mỹ hôm 5-11 thông báo triển khai tàu ngầm lớp Ohio, tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất thế giới, đi tuần tra các vùng biển xung quanh Trung Đông.

Ngày 5-11-2023, một tàu ngầm lớp Ohio đã đến khu vực chịu trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Mỹ ở Địa Trung Hải - Ảnh: U.S. CENTRAL COMMAND

Ngày 5-11-2023, một tàu ngầm lớp Ohio đã đến khu vực chịu trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Mỹ ở Địa Trung Hải - Ảnh: U.S. CENTRAL COMMAND

Theo Đài NBC News, Mỹ cũng từng tiết lộ tương tự vị trí một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân khi nó đang tuần tra vịnh Ba Tư vào tháng 10-2022. 

Việc Mỹ chủ động công khai vị trí tàu ngầm được cho là muốn gửi thông điệp tới các đối thủ của Mỹ ở khu vực, trong đó có Iran. 

Tong Zhao, nghiên cứu viên chính tại Tổ chức Vì hòa bình quốc tế Carnegie, bình luận với trang tin McClatchy News: “Các tàu ngầm thường dựa vào hoạt động bí mật để duy trì khả năng sống sót và hiệu quả quân sự. 

Mỹ thường không công khai vị trí các tàu ngầm của mình, ngoại trừ việc gửi tín hiệu răn đe tới các đối thủ tiềm năng”.

Ông Zhao còn là tác giả cuốn sách về chiến tranh tàu ngầm. Ông cho rằng thông báo của quân đội Mỹ về việc tàu ngầm lớp Ohio đến Trung Đông là điều bất thường.

Theo ông Zhao, vai trò của Mỹ trong khu vực chủ yếu là tăng cường sự hiện diện của Washington và phô diễn các vũ khí có khả năng tấn công chính xác. 

Điều này sẽ giúp ngăn chặn các nước trong khu vực lợi dụng tình hình bất ổn và thực hiện các cuộc tấn công chống lại lực lượng Israel hoặc Mỹ trong khu vực.

Thông tin trên trang tin Miami Herald cho biết tàu ngầm lớp Ohio đi vào biển Địa Trung Hải, khu vực Trung Đông cùng hai tàu sân bay. Việc Mỹ triển khai tàu ngầm cùng tàu sân bay diễn ra sau khi xung đột Israel-Hamas bùng nổ vào ngày 7-10 vừa qua và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria bị tấn công. 

Thông cáo báo chí của hải quân Mỹ cho biết các tàu ngầm của nước này được thiết kế đặc biệt để thực hiện các cuộc tuần tra dài hạn nhằm ngăn chặn hành động quân sự của đối thủ. 

Tàu ngầm lớp Ohio có thể mang theo hơn 154 tên lửa hành trình Tomahawk, trong đó có chứa đầu đạn nặng 453kg và mỗi tên lửa có thể di chuyển tới 1.600km. 

Nhà sản xuất General Dynamics Electric Boat cho biết tàu ngầm lớp Ohio, dài hơn 170m, “chắc chắn là tàu chiến mạnh nhất thế giới từng được hạ thủy”.

Khi tuần tra trên biển, tàu ngầm lớp Ohio mang theo tên lửa tầm xa và ngư lôi chống tàu ngầm. Chúng được vận hành bằng lò phản ứng hạt nhân và có thể đạt độ sâu hơn 240m. Trên tàu có khoảng 150 thủy thủ.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các tàu ngầm là thành phần cốt lõi trong bộ ba hạt nhân của Mỹ, một cơ chế quân sự gồm ba mũi nhọn để triển khai vũ khí hạt nhân từ đất liền, trên không và trên biển.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chủ Nhật, 10 Tháng Mười Hai 20238:11 SA
Thứ Bảy, 09 Tháng Mười Hai 20235:18 SA
Thứ Sáu, 08 Tháng Mười Hai 20235:52 SA
Thứ Năm, 07 Tháng Mười Hai 20235:23 SA
Thứ Tư, 06 Tháng Mười Hai 202312:12 CH
Thứ Hai, 04 Tháng Mười Hai 20234:33 SA
Chủ Nhật, 03 Tháng Mười Hai 202310:49 SA
Thứ Bảy, 02 Tháng Mười Hai 20237:25 SA
Thứ Sáu, 01 Tháng Mười Hai 20235:02 SA