Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 07 -11 -2023

Thứ Ba, 07 Tháng Mười Một 20233:38 SA(Xem: 1301)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 07 -11 -2023
HoaLucU
*************
bbc.com

Ba Lan sau 30 năm Siêu Đổi Mới thể hiện sức trẻ của nền dân chủ


Ba Lan với sức trẻ của nền dân chủ đang có các lãnh đạo thế hệ 7X và 8X

Ba Lan
Chụp lại hình ảnh,

Quảng cáo tranh cử của Anita Kucharska-Dziedzic, sinh năm 1972. Cô vừa tái đắc cử vào Hạ viện Ba Lan từ cánh của đảng hậu thân thứ ba của đảng XHCN trước 1989

Nguyễn Giang

Viết cho BBC News Tiếng Việt

Chuyến về thăm nhà ngoại của tôi ở Ba Lan tuần trước đúng ra là chỉ để lo mấy việc gia đình, vào rừng mùa thu vàng hái nấm và đi chơi ở vùng giáp biên Ba Lan-Đức-Tiệp Khắc.

Bố mẹ vợ tôi về hưu đã lâu, ngày ngày chăm chú chó nhỏ, chăm nhau và chờ hai cháu nội ở gần tới thăm. Hai cháu ngoại là con chúng tôi thì đã đi làm và học đại học ở Anh, ít về thăm ông bà hơn hồi còn bé.

Nhưng dịp cuối tuần 21-22 tháng 10 vừa qua lại là đúng một tuần Ba Lan vừa làm cuộc bầu cử Quốc hội, tạo cơn địa chấn biến đổi cục diện tưởng đã đóng băng với một đảng bảo thủ Pháp luật & Công lý (PiS) cầm quyền tám năm qua.

Dư âm hào hứng của kết quả bầu cử lan ra trong phòng khách, trong bếp và trên đường đi chợ.

Bà mẹ vợ tôi, một bác sĩ đã nghỉ hưu cùng tôi đi bộ ra siêu thị Leclerc (đầu tư của Pháp) mua ít trái cây và xúc-xích. Chỉ lên tường một khu chung cư còn hình ứng cử viên tranh cử, bà bảo cô đó là ứng cử viên bà chọn, vừa tái đắc cử vào Hạ viện.

Đại diện cho đảng Cánh tả Mới, Anita Kucharska-Dziedzic bằng tuổi tôi, thuộc thế hệ thứ ba của phe tả Ba Lan sau ngày chuyển đổi thể chế.

Chập tối ăn cơm xong ông bố vợ tôi bảo lát nữa trên kênh TVN tướng Miroslaw Rozenski, Thượng nghị sĩ mới đắc cử sẽ dự một chương trình thời sự, rất đáng xem. Hóa ra ông bố vợ tôi đã bỏ phiếu chọn tướng Rozenski vào Thượng viện.

Cử tri Ba Lan hôm 15/10 có quyền bỏ phiếu chọn một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ. Các ứng viên các cụ trong nhà bầu cho đều đã thắng cử, thảo nào ai cũng vui.

Có thể hiểu bố mẹ vợ tôi đều sống qua thời Ba Lan xã hội chủ nghĩa nên bỏ phiếu cho đảng Cảnh Tả Mới vốn là một hậu thân của đảng Xã hội Dân chủ sau 1989 do các cựu đảng viên cộng sản Ba Lan lập ra.

Bố vợ tôi từng là đảng viên Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (cầm quyền từ 1955 đến 1989), nên việc bỏ phiếu cho cựu Tướng Rozanski, người nhập cũ vào giai đoạn cuối của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, là điều dễ hiểu.

Nhưng bà mẹ vợ tôi từng tham gia Công đoàn Đoàn kết ngành y những năm 1980 nay cũng chọn các ứng viên phe Tả thì lại vì cách nhìn con người tốt và thực tiễn...

Bà nói bà biết nghị sĩ Anita Kurcharska-Dziedzic vì cô đã từng đến trạm xá nơi bà làm việc để hỏi trợ giúp cho tổ chức xã hội bảo vệ phụ nữ bị bạo hành.

"Anita còn trẻ, tốt và đứng đắn nên rất xứng đáng vào Quốc hội.”

Trước ngày bầu cử, đồng nghiệp ở BBC News, Sarah Rainsford đã có bài viễt rằng lá phiếu của phụ nữ và cử tri trẻ dưới 26 tuổi đã góp phần tạo thay đổi, khiến đảng PiS bị "tước quyền".

Các số liệu của Ba Lan cho thẫy 68,8% cử tri dưới 29 tuổi đã đi bỏ phiếu hôm 15/10, tăng lên so với con số 46,4% ở lứa tuổi đó trong lần đầu phiếu 2019.

Nhưng ví dụ từ người thân ở Ba Lan của tôi cho thấy các cụ hưu cũng đã bỏ phiếu theo xu hướng Siêu Đổi Mới.

Thay đổi thế hệ lãnh đạo rất ngoạn mục

Đã có nhiều bài báo, gồm cả đánh giá của anh Nguyễn Xuân Bích gửi cho trang web BBC News Tiếng Việt "Trước bầu cử ở Ba Lan, người gốc Việt nghĩ gì?, phân tích dư luận thay đổi ra sao sau hai nhiệm kỳ độc đoán của đảng PiS nên tôi không viết thêm nữa.

Hiện nay, sau bầu cử, đảng PiS bị cử tri "phạt" nên chỉ đạt 195 phiếu nghị sĩ Hạ viện, quá ít để đủ đa số lập tân chính phủ (231 phiếu).

Dù vậy, hôm 06/11/2023, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (cựu đảng viên PiS) vẫn ủy nhiệm cho đương kim Thủ tướng Mateusz Morawiecki (55 tuổi, thuộc PiS) ra lập tân chính phủ sau bầu cử. Đây là thách thức cho ông Morawiecki vì liên minh các đảng đối lập dân chủ chiếm tới 248 ghế nghị sĩ nên sẽ không cho ông làm được gì cho tới khi QH giành lại quyền lập nội các của họ.

Từ nay tới Giáng Sinh chính trị Ba Lan còn giằng co mạnh, nhưng xu thế chung và là điều tôi muốn chia sẻ là những nét mới của nền dân chủ đại nghị ở quốc gia gần 40 triệu dân.

Thứ nhất, trong số 460 nghị sĩ Hạ viện nhiệm kỳ này, có 100 người hoàn toàn mới, trúng cử lần đầu trong cuộc "thay máu" công khai, bình đẳng và dân chủ.

Thứ nhì là Quốc hội Ba Lan năm nay có nhiều nghị sĩ tuổi 7x, 8x, nhiều năng lượng, có tầm nhìn quốc tế sắp nắm quyền.

Zandberg

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Đồng lãnh đạo một đảng cánh Tả ở Ba Lan, nghị sĩ Adrian Zandberg, 43 tuổi, cao 1m98

Nếu như nhà lãnh đạo của liên minh thắng cử, chủ tịch đảng PO, ông Donald Tusk đã 67 tuổi, đã thành công trong việc dùng uy tín của một cựu Thủ tướng, cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU Council President) để tập hợp các đảng khác cùng chí hướng, nhằm “bẻ lái” cho Con đường Ba Lan, thì những nhà lãnh đạo cụ thể của các đảng phái trong liên minh đó đều trẻ hơn ông Tusk, và ...trẻ hơn cả tôi khá nhiều.

Chẳng hạn người phó của ông Tusk là Borys Budka, sinh năm 1978 đã là chủ tịch khối nghị sĩ PO trong Quốc hội. Lứa tuổi lãnh đạo các đảng khác cũng vậy, khá đông thuộc lứa 7X, 8X.

Tức là ngày tôi sang Ba Lan du học cuối 1989 thì "các em đó" vẫn còn học cấp một hoặc ở mẫu giáo. Khi tôi học xong khóa tiếng Ba Lan ở Lodz lên Warsaw vào đại học thì đương kim tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (cánh hữu) cũng vừa tốt nghiệp trung học ở Krakow.

Vẫn về thế hệ 7x, 8x đang làm lãnh đạo các đảng vừa vào Quốc hội Ba Lan, xin nêu ra một số tên tuổi nổi bật nhất:

Đồng chủ tịch đảng Cánh Tả Cùng nhau (Lewica Razem), Adrian Zandberg năm nay 43 tuổi. Đồng chủ tịch đảng Magdalena Biejat còn trẻ hơn nữa, năm nay mới 41 tuổi. Cô này, báo viết là từng làm việc ở Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, thạo tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung. Cả hai sẽ nắm các chức vụ to trong liên minh cầm quyền tới đây, theo nhiều bình luận.

Lãnh đạo đảng PSL, nghị sĩ QH Władysław Marcin Kosiniak-Kamysz sinh năm 1981, có nhiều khả năng sẽ làm Phó Thủ tướng.

Trong ban lãnh đạo của phe cực hữu (Konfederacja, 18 ghế nghị sĩ) cũng không thiếu người trẻ: Krzysztof Bosak, 41 tuổi, Slawomir Mentzen, 36 tuổi. Tôi không đồng ý với các học thuyết của họ nhưng phải thừa nhận là họ được một phần cử tri Ba Lan theo chủ nghĩa dân tộc tín nhiệm.

Lãnh đạo đảng Con đường Thứ Ba (Trzeba Droga- phe trung hữu), lực lượng đang lên rất mạnh là nghị sĩ Szymon Holownia, sinh năm 1976.

Các bàn luận ban đầu cho thấy nhà chính trị 47 tuổi có nhiều khả năng làm Chủ tịch Quốc hội, nhân vật số hai trong bộ máy quyền lực, theo Hiến pháp Ba Lan.

Tôi cũng xem hình cả cô vợ anh: Urszula Brzezinka-Holownia, sĩ quan không quân 35 tuổi, mẹ của bé gái bốn tuổi. Cô tốt nghiệp Học viện Không quân Deblin danh tiếng và đang chuyển từ buồng lái Mig-29 và Su-22 sang học cách bay chiến đấu cơ siêu thanh FA-50, loại do Hàn Quốc cùng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất cho Ba Lan.

Đây là ví dụ này cho thấy Ba Lan đã thay đổi ngoạn mục ra sao từ hệ thống quân sự-chính trị kiểu Liên Xô sang chuẩn EU-Nato và những người như vợ chồng Szymon và Urszula đang nắm vận mệnh đất nước họ ở các vị trí quan trọng nhất, khi mới ngoài 30 và 40.

Xem TV tôi còn thấy các bạn trẻ này rất cao: Adrian Zandberg cao 1m98, Wladyslaw Kosniak-Kamysz 1m90, Szymon Holownia 1m88. Lớn lên trong thời kỳ thịnh vượng có khác.

Urszula Holownia

Nguồn hình ảnh, zyciorysy.info

Chụp lại hình ảnh,

Phi công Urszula Brzezinka-Holownia, 35 tuổi, là vợ chính trị gia Szymon Holownia

Holownia

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Szymon Holownia, lãnh đạo đảng Con đường thứ Ba trong Hạ viện Ba Lan. Nhà chính trị sinh năm 1976 có nhiều cơ hội làm Chủ tịch Quốc hội Ba Lan tới đây nếu như phương án I, chọn nội các PiS không thành

Thế hệ nào thì cũng phải xếp hàng

Môi trường chính trị Ba Lan bị nhiễm độc vì cách “chia để trị” mang tính dân tuý của đảng PiS mấy năm qua, nhưng nét chung vẫn là tốt, nhờ truyền thông tư nhân và báo chí khá tự do.

Một điều đáng nói nữa là cách Ba Lan xử lý những di sản chính trị quá khứ.

Hội nghị Bàn tròn 1989 tạo ra đồng thuận chuyển đổi thể chế, và kể từ đó nhìn chung họ chuyển hẳn sang mô hình dân chủ đại nghị, bảo vệ sở hữu tư nhân, tôn trọng tự do báo chí và nhà nước pháp quyền. Đặc biệt, phe XHCN (cộng sản cũ), hoàn toàn được phe Công đoàn Đoàn kết cũ tôn trọng, cùng tham chính, cạnh tranh quyền lực công bằng.

Ví dụ, các cựu lãnh đạo đã có tuổi, đa số xuất thân từ thời XHCN, kinh qua chuyển đổi dân chủ, có thể là gốc đảng cộng sản, hoặc thân hữu của đảng đó, nhưng mang màu cờ sắc áo mới, hoàn toàn có thể tiếp tục làm chính trị.

Tôi thấy trên TV ông Waldemar Pawlak, cựu lãnh đạo đảng Nông dân (thân cận với đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan trước 1989), cựu thủ tướng hai lần thời mới chuyển đổi dân chủ, vừa đắc cử vào Thượng viện.

Tôi đọc được bài phỏng vấn khá hay và mang tính thời sự, về Ukraine, với một cựu Đệ nhất Phu nhân Ba Lan, Jolanta Kwasniewska. Chồng bà, ông Aleksander Kwasniewski từng là Bộ trưởng Thanh niên (kiểu như Bí thư Trung ương Đoàn ở VN) trong nội các cộng sản cuối cùng của Thủ tướng Rakowiecki.

Ông Kwasniewski thắng cử làm Tổng thống Ba Lan hai nhiệm kỳ, 1995-2005. Bà Jolanta nayvẫn được báo chí mời phỏng vấn, giới thiệu trân trọng. Bà kể về việc giải quyết di sản cuộc thảm sát phe cựu hữu UPA Ukraine thực hiện ở vùng hồi đó thuộc miền Đông CH Ba Lan trước 1945. Cô ruột của bà bị người Ukraine thiêu sống nhưng bà nhắc lại rằng TT Kwasniewski khi cầm quyền đã cùng TT Leonid Kuchma làm tất cả để hai nước hàn gắn. Cha bà, tức là ông nhạc của TT Kwasniewski khi ấy, đã nhắn con rể hãy cố gắng hòa giải, xóa bỏ hận thù với người Ukraine, vì “oán thù sẽ giết dần giết mòn kẻ nuôi thù oán”.

Một chuyện khác là về chính ông Jaroslaw Kaczynski, 74 tuổi, “bố già” của phe hữu và đảng PiS ở Ba Lan. Vào ngày bỏ phiếu ông được bốn năm vệ sĩ của Cục Bảo vệ Lãnh đạo chở ra một điểm bầu cử. Khi định chen hàng, ông đã bị nhiều cử tri hô to “Xếp hàng, xếp hàng!!!” và phải lóc cóc về đứng ở cuối hàng người.

Khi tôi có tới Ba Lan mùa thu 1989, đó là một xã hội nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ. Nhưng nhờ đổi về chính trị, nước Ba Lan đầy nợ nần được Phương Tây hỗ trợ xóa, cải tổ khoản nợ 41 tỷ USD ngay lập tức.

Ngày nay thì Ba Lan đã là nền kinh tế gần 700 tỷ USD và một số ước tính (WorldEconomics) còn nói GPD của Ba Lan tính theo sức mua (Purchasing Power Parity) nay tương đương 1,695 tỷ USD.

Trong 30 năm qua, hàng trăm tỷ euro từ EU đổ vào Ba Lan đã tạo ra động lực kinh tế nhờ các cơ chế chính trị - pháp luật đúng, và nhất là nhờ chất lượng con người và phông văn hóa tốt. Nhưng một chính phủ mới không còn PiS làm chủ sẽ lại mở cửa để EU chuyển cho Ba Lan thêm 100 tỷ euro. Thế mới biết người Ba Lan khôn loan luôn biết đổi hướng đúng lúc để...có tiền, mà toàn tiền tỷ mới nể chứ.

Một điểm khác nữa so với các nền dân chủ già ở Tây Âu, ở Anh là trí thức, truyền thông Ba Lan không "đu trend", không chạy theo các hô hào phù phiếm của phe tả mỵ dân mà khôn ngoan bảo vệ các giá trị đã được thử thách qua thời gian của dân tộc họ.

Về quân sự, cuộc chiến Ukraine gây ra lo ngại cho nhiều người Ba Lan nhưng cũng là dịp họ tự cường và tái vũ trang rất mạnh, qua liên kết với Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Sau khi bỏ ra ngoài “vấn đề nước Đức” trong các tính toán quốc phòng và áp dụng chủ thuyết “Làm tất cả để nước Nga suy yếu vài ba thế hệ”, lục quân, pháo binh Ba Lan sẽ được trang bị tốt bậc nhất EU. Xu thế này, cùng chính sách phía Đông ủng hộ Ukraine sẽ tiếp tục bất kể đảng nào cầm quyền tới đây ở Ba Lan.

Thực ra chẳng có điều gì “kỳ diệu” xảy ra chỉ trong mấy mươi năm mà còn nhờ truyền thống nghị viện hàng trăm nay.

Tôi nhớ khi còn học ở Khoa Luật, ĐHTH Warsaw vào năm 1993 chúng tôi đã có seminar môn luật Hiến pháp, kỷ niệm 500 năm Quốc hội Lưỡng viện đầu tiên của Ba Lan. Hồi đó, vào năm 1493, nhà vua trẻ Jan I Olbracht ở tuổi 34 đã cho đổi Hội đồng Tư vấn Hoàng gia (Curia Regis) thành Đại Nghị viện, gồm có Thượng viện của cho quý tộc và Hạ viện đại diện cho thị dân, quân đội.

Nhà vua tự hạn chế quyền của mình, nhận là Quyền lực thứ ba, đồng thời buộc giới tăng lữ nhả bớt đắc quyền để cải thiện thể chế 'dân chủ quý tộc' khá tiến bộ trên nền châu Âu cuối thế kỷ 14.

Nay, sau 530 năm, truyền thống dân chủ đại nghị Ba Lan lại phát huy, và tuy tình hình châu Âu có khác, quốc gia này đã may mắn có được những con người trẻ, nhiều sức sống và giàu suy tư ra gánh vác việc nước.

Cơ hội đổi chiều, tái gắn bó với EU của họ để trở nên giàu mạnh hơn lại hiện ra rõ rệt hơn trước.

Poland
Chụp lại hình ảnh,

Các số liệu của Ba Lan cho thẫy 68,8% cử tri dưới 29 đã đi bỏ phiếu hôm 15/10, tăng lên so với con số 46,4% ở lứa tuổi đó trong lần đầu phiếu 2019. Lá phiếu của giới thanh thiếu niên đã tạo biến đổi, đưa những đàn anh đàn chị ngoài 30, 40 của họ vào Quốc hội


************
bbc.com

Ukraine: Lựu đạn quà sinh nhật giết chết trợ lý của tướng Ukraine Zaluzhny


Lựu đạn

Nguồn hình ảnh, Ukranian Media

Chụp lại hình ảnh,

Người ta đã tìm ra lựu đạn tương tự như những trái trong căn hộ của thiếu tá Chastyakov ở văn phòng của một đồng đội mang hàm đại tá

  • Tác giả, Paul Kirby
  • Vai trò, BBC News

Một quả lựu đạn được tặng làm quà sinh nhật đã phát nổ và giết chết phụ tá thân cận của Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine, tướng Valery Zaluzhny.

Thiếu tá Hennadiy Chastyakov, 39 tuổi, vừa về tới căn hộ, mang theo quà sinh nhật từ các đồng đội và mở quà cùng con trai thì quả lựu đạn nổ tung.

Ông Chastyakov chết và con trai 13 tuổi bị thương nặng.

Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko cho biết con trai vị thiếu tá lúc mở quà đã bắt đầu kéo chốt an toàn.

“Sau đó, vị thiếu tá giật quả lựu đạn từ tay con trai, kéo vào chốt an toàn và gây ra vụ nổ đau thương.”

Vụ nổ được mô tả là một “tai nạn đau đớn”, và bộ trưởng Klymenko kêu gọi người dân chờ kết quả của cuộc điều tra chính thức. Cảnh sát cho biết vụ nổ tại căn hộ của gia đình ở Chaiky, ngoại thành phía Tây Kyiv, là “kết quả của việc cất giữ và sử dụng vũ khí bất cẩn”.

Nhưng sau đó, có tin năm quả lựu đạn khác đã được tìm thấy trong căn hộ của gia đình. Ông Klymenko cho biết chúng là quà từ một đồng nghiệp trong quân đội.

Hai quả lựu đạn tương tự cũng được tìm thấy khi khám văn phòng đồng đội là đại tá quân đội.

Túi quà có lựu đạn

Hình ảnh từ hiện trường cho thấy các quả lựu đạn khác nằm trên sàn trong căn hộ của Thiếu tá Chastyakov, cùng với các túi đựng quà khác. Thiếu tá Chastyakov đã mang lựu đạn về nhà trong một túi quà cùng một chai whisky.

Một nguồn tin cho hãng Ukrayinska Pravda biết chai whisky nằm trong túi quà có các cốc hình lựu đạn, và vụ nổ xảy ra khi ông Chastyakov mở túi.

Các nguồn tin khác nói đồng đội của ông đã trao cho ông chai whisky và nói: “Thật khó làm anh ngạc nhiên. Vì thế tôi tặng anh lựu đạn và một chai whisky”.

Chỉ huy quân đội Ukraine, tướng Zaluzhny nói ông đau đớn khôn tả và đây là tổn thất nặng nề cho quân đội Ukraine cũng như cá nhân ông. Ông mô tả Thiếu tá Chastyakov như một “bờ vai đáng tin cậy” kể từ những ngày đầu Ukraine bị Nga xâm lăng hồi tháng 2/2022.

Cái chết của ông là tổn thất mới nhất đối với quân đội Ukraine, sau khi một tên lửa Nga giết 19 binh sỹ trong một vụ tấn công vào buổi lễ trao giải thưởng ở gần tiền tuyến trong vùng Zaporizhzhia. Rất nhiều ý kiến chỉ trích việc buổi lễ được phép tổ chức ở một khu vực nguy hiểm như vậy.

Nghị sỹ Maryana Bezulha, người ủng hộ tổng thống Zelensky, nói cái chết của Thiếu tá Chastyakov là do lơ là: “Tôi không bao giờ ngờ là Hennadiy lại có thể chết do sự lơ là của chính bản thân anh ấy trong ngày sinh nhật. Lựu đạn được phát trong quân ngũ, không phải là quà để tặng.”

Tuy nhiên,nguyên nhân chính thức của vụ nổ được các nhà quan sát về Ukraine đặt câu hỏi. Một số người đồn đoán liệu đây có phải là một vụ tấn công nhắm vào Tướng Zaluzhny hay không, với giả định ông có thể sẽ tham dự tiệc sinh nhật của người phụ tá.

Tuần trước, vị chỉ huy trưởng đưa ra một đánh giá thẳng thắn về tình hình chiến đấu ở các mặt trận của quân Ukraine trước lực lượng xâm lăng Nga.

“Cũng như trong Thế chiến Thứ nhất, chúng ta đã đạt tới mức kỹ thuật đưa chúng ta vào thế bế tắc,” ông nói với tờ the Economist. “Gần như chắc chắn sẽ không có đột phát sâu sắc và đẹp đẽ nào hết.”

Cả điện Kremlin và Tổng thống Volodymr Zelensky phủ nhận cuộc chiến đã vào thế bế tắc. “Hôm nay mọi người mệt mỏi, ai cũng mệt mỏi, và có nhiều ý kiến khác nhau. Điều đó là rõ ràng, nhưng không có thế bế tắc,” ông Zelensky nói hồi cuối tuần.

Trong bài phát biểu hàng ngày hôm thứ Hai, ông kêu gọi người dân Ukraine hãy “cùng đồng tâm, tránh sao nhãng và chia rẽ thành các nhóm mâu thuẫn hay phân tán vào các ưu tiên khác.”

Ông cũng thông báo rằng “đây không phải là thời điểm thích hợp” để bầu cử tổng thống, đáng lẽ sẽ diễn ra mùa xuân sang năm, vì hiện nay Ukraine đang trong tình trạng chiến tranh và thiết quân luật”. Ông Zelensky được bầu làm tổng thống hồi 2019.


***********
rfi.fr

Một tháng xung đột Israel – Hamas : Thủ tướng Israel từ chối ngừng bắn

Hôm nay, 07/11/2023, xung đột giữa Israel và Hamas ở dải Gaza bước vào tháng thứ hai. Bất chấp số nạn nhân cao và hàng triệu người dân Palestine phải sơ tán, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua một lần nữa từ chối ngưng bắn, đồng thời cam kết đảm nhận« toàn bộ trách nhiệm về an ninh » cho dải Gaza một khi chiến tranh chấm dứt. 

Đăng ngày:

2 phút

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một cuộc họp báo tại Tel Aviv, Israel, ngày 28/10/2023.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một cuộc họp báo tại Tel Aviv, Israel, ngày 28/10/2023. via REUTERS - POOL

Vào ngày này cách nay đúng một tháng, ngày 07/10/2023, phong trào Hồi Giáo cực đoan Palestine Hamas đã bất ngờ tấn công vào lãnh thổ Israel từ ba hướng: từ biển, trên không và trên bộ. Theo chính quyền Israel, trong vụ tấn công này, hơn 1.400 người bị hạ sát, chủ yếu là thường dân và hơn 240 người khác bị bắt làm con tin.

Để trả đũa, Israel « thề tiêu diệt » quân Hamas, oanh kích không ngơi nghỉ vào Gaza, bao vây toàn diện nơi sinh sống chen chúc của hơn 2,4 triệu người dân Palestine. Kể từ ngày 27/10, quân đội Israel mở chiến dịch tấn công trên bộ vào dải Gaza, thông báo bao vây toàn bộ thành phố Gaza, rồi cho biết đã cắt đôi vùng lãnh thổ này. Tính đến hôm nay, hơn 30 binh sĩ Israel đã tử trận, theo số liệu từ quân đội Israel.

Theo bộ trưởng Y tế của phe Hamas, các cuộc oanh kích của Israel trong vòng một tháng qua đã làm hơn 10 ngàn người thiệt mạng, trong đó có hơn 4.000 trẻ em. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua khi điện đàm với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đề cập đến « khả năng ngưng bắn chiến thuật » trên dải Gaza để thường dân có thể lánh nạn, tránh các cuộc giao tranh.

Trả lời kênh truyền hình ABC News hôm qua, thủ tướng Benjamin Netanyahu tái khẳng định lập trường của Israel là sẽ không ngưng bắn. Ông giải thích :

« Sẽ không lệnh ngừng bắn, không có ngừng bắn toàn diện ở dải Gaza khi nào các con tin chưa được thả. Còn về những lệnh ngừng bắn chiến thuật, một giờ nơi này, một giờ nơi kia, chúng tôi đã thực hiện. Tôi cho rằng chúng tôi sẽ đánh giá từng hoàn cảnh nhằm cho phép hàng hóa, hàng viện trợ nhân đạo đi vào hay từng cá nhân con tin đi ra, nhưng tôi không nghĩ đó là sẽ một lệnh hưu chiến toàn diện. Tôi cho rằng điều đó sẽ cản trở nỗ lực của cuộc chiến, gây trở ngại cho nỗ lực giải cứu con tin của chúng tôi. Điều duy nhất có thể làm được đối với các tội ác của Hamas là gây áp lực quân sự. Đây chính là điều chúng tôi đang thực hiện. »


************
rfi.fr

Chiến tranh Ukraina : TT Zelensky tuyên bố hoãn bầu cử tổng thống 2024

Phan Minh

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm qua, 06/11/2023, tuyên bố sẽ hoãn cuộc bầu cử tổng thống dự kiến được tổ chức vào tháng 03/2024, trong bối cảnh giao tranh vẫn diễn ra dữ dội giữa Ukraina và Nga.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

3 phút

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tại một cuộc họp báo ở La Haye, Hà Lan, ngày 04/05/2023.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tại một cuộc họp báo ở La Haye, Hà Lan, ngày 04/05/2023. REUTERS - YVES HERMAN

Hãng tin AFP trích dẫn tuyên bố của lãnh đạo Ukraina: « Bây giờ là lúc đất nước phải gồng mình chiến đấu và phòng thủ. Số phận của Ukraina và người dân phụ thuộc vào điều này, chứ đây không phải là lúc tổ chức bầu cử. » Nguyên thủ quốc gia Ukraina cũng kêu gọi người dân phải đoàn kết, không để bị chia rẽ và không bị phân tán bởi những cuộc tranh luận "vô bổ" hoặc những vấn đề khác.

Tuy nhiên, Kiev hiện đang khó xử do các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, kêu gọi Ukraina tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ, mặc dù gần 20% lãnh thổ nước này đang bị Nga chiếm đóng và hàng triệu người Ukraina đang tị nạn ở nước ngoài. Ngoài ra, Kiev cũng sẽ phải sửa đổi luật nếu muốn tổ chức cuộc bỏ phiếu trong tình trạng thiết quân luật, vẫn đang có hiệu lực.

Về tình hình chiến sự, tổng thống Zelensky cho biết quân đội Ukraina đã « phá hủy hoàn toàn » khinh hạm Askold, một con tàu quan trọng của hải quân Nga, tại xưởng đóng tàu Kerch, ở bán đảo Crimée, hai ngày sau khi quân đội Ukraina cho biết đã tiến hành các cuộc tấn công « mang lại thành công » ở khu vực này.

Vẫn tại Ukraina, mọi người dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho một mùa đông khắc nghiệt, khi sẽ phải chống trả những cuộc oanh kích dồn dập của quân đội Nga, theo giải thích của thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev :

Năm thứ hai liên tiếp, người dân Ukraina chuẩn bị đối mặt với một mùa đông dưới các trận oanh kích của Nga. Trong suốt cả năm, các cuộc không kích của Matxcơva nhắm vào cả khu dân cư lẫn khu công nghiệp, nhưng Kiev lo ngại những đợt tấn công mới bằng tên lửa và drone nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Maxim Timchenko, lãnh đạo DTEK, công ty sản xuất và cung cấp điện tư nhân lớn nhất ở Ukraina, tóm tắt tình hình: « Chúng tôi đã tích lũy dự trữ các thiết bị, phụ tùng đi kèm, chúng tôi đã cố gắng duy trì sản lượng than ở mức như trước chiến tranh, nên chúng tôi có đủ than, cũng như khí đốt hay xăng dầu. Chúng tôi cũng đã tăng cường các biện pháp bảo vệ xung quanh những nhà máy điện và máy biến áp, vì vậy, chúng tôi đã sẵn sàng. Nhưng tôi nghĩ rằng Nga biết rất rõ về cơ sở hạ tầng năng lượng và những điểm yếu của chúng tôi. Tôi chỉ hy vọng họ không biết chi tiết về sự chuẩn bị của chúng tôi. »

Về phía người dân Ukraina, những ai có khả năng đều đã mua máy phát điện để chống việc bị cắt điện. Còn về phía chính phủ, vào năm ngoái họ đã thiết lập khoảng ‘4.000 địa điểm an toàn’, những nơi mà mọi người có thể sưởi ấm, uống trà, sạc các thiết bị điện và sử dụng wifi. Các địa điểm này có thể hoạt động trở lại trên toàn quốc.


***********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI
Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI

(AFP) - Ủy Ban Châu Âu : Người Do Thái ở châu Âu lại một lần nữa sống trong sợ hãi. Trong thông cáo ngày 05/11/2023, Ủy Ban Châu Âu cho biết trong những ngày qua các vụ bài Do Thái đã tăng cao một cách đặc biệt trên khắp châu Âu. Ủy Ban Châu Âu khẳng định đồng hành với cộng đồng người Do Thái, xem những hành vi bài Do Thái là đi ngược lại các giá trị cơ bản của Liên Âu. Riêng tại Pháp, số vụ bài Do Thái chỉ trong ba tuần qua (857 vụ) đã cao bằng số vụ trong suốt cả năm trước đó.

(AFP) - Diễn đàn Hòa bình Paris 2023 : Tình trạng băng tan chảy và trí thông minh nhân tạo sẽ là hai chủ đề chính. Bên cạnh đó là hội thảo về tình hình nhân đạo ở dải Gaza trong bối cảnh chiến tranh giữa Israel và Hamas, sẽ được tổ chức vào thứ Năm 09/11/2023. Tổng thống Pháp Macron là người có sáng kiến tổ chức Diễn đàn Hòa bình Paris. Theo thông báo hôm nay 06/11 của phủ tổng thống Pháp, sẽ có 25 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ tham dự diễn đàn tuần này tại Paris. Pháp muốn cho thấy là bất chấp các căng thẳng địa chính trị, quốc tế vẫn có thể hợp tác trong những hồ sơ quan trọng khác.

(Reuters) - Putin quyết định tái tranh cử trong kỳ bầu cử tổng thống Nga 2024. Sáu nguồn tin cho Reuters biết là tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định tái tranh cử, để cầm quyền ít nhất là đến năm 2030. Tuy nhiên, phát ngôn viên điện Kremlin hôm nay 06/11/2023 nói tổng thống Nga chưa có tuyên bố gì về vấn đề này và chiến dịch tranh cử tổng thống 2024 vẫn chưa chính thức được thông báo. Ông Putin hiện được 80% dân Nga ủng hộ, nắm trong tay các cơ quan truyền thông nhà nước và đã triệt hạ các nhà bất đồng chính kiến, nên có thể sẽ không gặp khó khăn trong kỳ bầu cử tới.

(AFP) - Thượng Viện Pháp chiều nay 06/11/2023 bắt đầu thảo luận về dự thảo luật nhập cư mới. Đây là dự thảo luật gây nhiều tranh cãi do cánh hữu đề xuất đẩy mạnh trục xuất người nước ngoài có hành vi phạm pháp, còn cánh tả lại muốn tạo điều kiện giúp hợp pháp hoá những người lao động không giấy tờ làm việc trong các lĩnh vực mà nước Pháp đang thiếu nhân lực. Chủ tịch Thượng Viện Bruno Retailleau khẳng định không thể có một đạo luật vừa đẩy mạnh trục xuất người nước ngoài, lại vừa thúc đẩy hợp pháp hóa giấy tờ cho người nhập cư, nhất là khi số hồ sơ xin tị nạn mà chính quyền Pháp phải xử lý trong năm 2022 đã tăng cao. 

(AFP) - Pháp mở phiên tòa xét xử bộ trưởng Tư Pháp Eric Dupond-Moretti. Lần đầu tiên trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, một phiên tòa được mở ra kể từ hôm nay, 06/11/2023, để xét xử một bộ trưởng đương nhiệm, đó là bộ Tư Pháp Eric Dupond-Moretti. Vụ xử sẽ kéo dài 10 ngày tại Tòa án Tư Pháp Cộng Hòa (CJR). Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne, trả lời đài phát thanh France Inter hôm nay, bày tỏ tin tưởng vị bộ trưởng Tư pháp, đồng thời hy vọng ông Dupond-Moretti tiếp tục đảm nhận chức vụ, để duy trì hoạt động bình thường của bộ Tư Pháp trong thời gian bị xét xử. Nhậm chức từ 07/2020, ông Dupond-Moretti đã bị cáo buộc lạm dụng quyền của bộ trưởng Tư Pháp để trả thù các thẩm phán mà ông đã công khai chỉ trích khi còn là luật sư. 

(AFP) - Hoa Kỳ : Cựu tổng thống Donald Trump ra tòa. Cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ được xét xử tại một tòa án ở New York vào hôm nay, 06/11/2023. Vị tỷ phú 77 tuổi bị cáo buộc thổi phồng tài sản của tập đoàn này, để có được các khoản vay tốt hơn. Ngoài phiên tòa dân sự này, ông Trump phải đối mặt với bốn vụ án khác. Vào tháng 3/2024, ông cũng sẽ phải ra trình diện tại một tòa án liên bang ở Washington vì bị cáo buộc cố tình làm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.  

(Reuters) - Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ thành lập nhóm tư vấn cấp cao nhằm đối phó với những đe dọa an ninh mạng từ Bắc Triều Tiên. Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết hôm nay, 06/11/2023, 3 quốc gia Mỹ-Nhật-Hàn đã nhất trí thiết lập một nhóm tư vấn nhằm "tăng cường khả năng đối phó với các rủi ro an ninh mạng toàn cầu, bao gồm việc hợp tác nhằm chống lại các hoạt động tấn công mạng của Bắc Triều Tiên, được cho là nguồn tài trợ chính cho các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của nước này.” Trước đó, Bình Nhưỡng từng bị cáo buộc tấn công mạng để gây quỹ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.  


************
rfi.fr

Việt Nam cố giữ cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc

Thanh Phương

Hãng tin Anh Reuters ngày 06/10/2023 loan tin là các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội có thể vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. 

Cho tới nay, đã đầu tháng 11, cả Hà Nội và Bắc Kinh đều không có thông báo gì về chuyến đi này. Nhưng nếu có diễn ra thì đây sẽ là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam kể từ năm 2017. Chuyến đi này cũng sẽ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam.

Việc chủ tịch Trung Quốc chấp nhận đi thăm Việt Nam phải chăng cho thấy Bắc Kinh đã không có phản ứng gay gắt về việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm Hà Nội vào tháng 9 của tổng thống Mỹ Joe Biden?

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 25/10/2023, nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, Đại học Boston, Hoa Kỳ, nhận định:  

“Đúng vậy. Nguyên nhân chính Bắc Kinh không có phản ứng gay gắt về việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện là do các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam để điều hòa quan hệ với Trung Quốc, ít nhất là từ tháng 6 cho đến nay. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 6 khi tàu sân bay Ronald Reagan ghé thăm Đà Nẵng. Ông Chính cũng có chuyến thăm Trung Quốc lần hai vào tháng 9 tại Nam Ninh chỉ vài ngày sau khi tổng thống Joe Biden thăm Hà Nội. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mới đây cũng đã đến Bắc Kinh và hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình.

Cả ba chuyến viếng thăm trên đều thể hiện một thông điệp chính của Việt Nam là Hà Nội mong muốn hai nước tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao nồng ấm và Việt Nam không có ý định ngả theo Mỹ để chống Trung Quốc. Nếu chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam, đây sẽ là một chỉ dấu rất lớn là các nỗ lực trấn an Trung Quốc của Việt Nam đã thành công. Đây cũng sẽ là chuyến đi đáp lễ 3 chuyến đi của lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là chuyến đi của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10, tháng 11/2022.” 

Nhà phân tích Sebastian Strangio của trang mạng The Diplomat ( Nhật Bản ) cũng có cùng nhận định: 

“Thật khó để tưởng tượng rằng Việt Nam đã không báo trước cho Bắc Kinh về việc nâng cấp quan hệ với Mỹ và trấn an họ rằng hành động này không nhắm vào Trung Quốc. Tổng thống Biden cũng đã nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam của ông là nhằm mục đích xây dựng các mối quan hệ của Hoa Kỳ trên khắp châu Á, chứ không phải để kiềm chế Trung Quốc. 

Nhưng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”, đặt Hoa Kỳ ngang hàng với Trung Quốc và Nga, Trung Quốc có thể cảm thấy cần phải đòi Việt Nam chấp nhận một bản “nâng cấp” mới trong quan hệ song phương.”

Theo hãng tin Reuters, trước chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình, Hà Nội và Bắc Kinh đang thảo luận về việc có thể đưa cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh” vào tuyên bố chung để mô tả mối quan hệ song phương.

Cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh” đã trở nên “thịnh hành” sau khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, thể hiện mức độ quan hệ song phương cao nhất đối với chính quyền Tập Cận Bình. Trung Quốc đã thiết lập “cộng đồng chung vận mệnh” với Lào vào năm 2017 và Cam Bốt vào năm 2018, sau đó là với Miến Điện trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình đến nước này vào tháng 1/2020. 

Mặc dù Bắc Kinh rõ ràng muốn Việt Nam gia nhập nhóm các quốc gia “có chung vận mệnh” với Trung Quốc, hai nguồn tin nói với Reuters rằng các quan chức Việt Nam thận trọng về việc thêm cụm từ đó vào tuyên bố chung. Trung Quốc được cho là đã từng tỏ ý muốn tuyên bố một cộng đồng chung vận mệnh với Việt Nam trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình vào năm 2017, nhưng Hà Nội lúc đó đã bác bỏ.

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang cho rằng dù không muốn “cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc, thật ra Việt Nam cũng khó mà thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh: 

“Theo chính sách ngoại giao của Trung Quốc, cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh" là dành cho những nước mà Trung Quốc coi là những đối tác quan trọng. Việc Việt Nam có đưa cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh" vào tuyên bố chung hay không thật ra cũng không quá quan trọng. Về bản chất, Việt Nam cũng không có nhiều lựa chọn trong quan hệ với Trung Quốc, khi Trung Quốc đã cho Việt Nam thấy rằng các nỗ lực thoát Trung trong quá khứ của Việt Nam đã thất bại, nhất là sau khi Việt Nam phải đồng ý bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trên thế yếu vào năm 1991, sau khi đồng minh Liên Xô đã không còn khả năng giúp Việt Nam thoát Trung như giai đoạn từ 1978 đến 1988.

Trung Quốc muốn một Việt Nam trung lập nằm trong ảnh hưởng của Trung Quốc. Do vậy, nếu Việt Nam có thể đảm bảo với Trung Quốc rằng Việt Nam không có ý định chống Trung Quốc, Trung Quốc cũng không cần phải ép Việt Nam. Nếu Việt Nam chấp nhận đưa cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh” vào tuyên bố chung thì có thể hiểu Hà Nội muốn thể hiện với Trung Quốc rằng quan hệ hai nước vẫn đang phát triển tốt đẹp và là kết quả của các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước từ tháng 6 đến nay, và cũng nhằm để cân bằng bước “nhảy cóc” từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ vào tháng 9 vừa qua.”

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn muốn cho Việt Nam thấy tính chất đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước. Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp với chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ở Bắc Kinh ngày 20/10 nhân diễn đàn “Vành đai và Con đường”, ông Tập Cận Bình kêu gọi Việt Nam “đừng quên cội nguồn của tình hữu nghị” giữa hai quốc gia Cộng sản này. 

Về phần mình, trong cuộc hội kiến với Thái Kỳ, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Võ Văn Thưởng cũng nhìn nhận Việt Nam và Trung Quốc là hai nước “tương đồng về thể chế chính trị, con đường phát triển và mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội”.  Ông khẳng định: “ Việt Nam coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, coi đây là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam”.

Trong bài viết đăng trên trang web của Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ( ISEAS – Yusof Ishak Institute ), một nhà nghiên cứu của Viện này, Lye Liang Fook, nhấn mạnh đến quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam: 

“Việt Nam dường như đang xích lại gần hơn với Hoa Kỳ với việc nâng cấp quan hệ gần đây lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, không nên đánh giá quá cao diễn biến này, vì quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ giữa hai đảng, vẫn bền chặt. ( … ).  Trung Quốc và Việt Nam đều có lợi ích trong việc đảm bảo cho các đảng cộng sản cầm quyền của họ duy trì sự thống trị.”

Lye Liang Fook nhắc lại: “Vào thời điểm quan hệ song phương xuống thấp, Hà Nội và Bắc Kinh đã dựa vào mối quan hệ giữa hai đảng để kiểm soát những bất đồng và đưa quan hệ trở lại đúng hướng. Sau những đụng độ căng thẳng trong sự cố giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cử đặc phái viên Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, tới Bắc Kinh vào tháng 8/2014 để hàn gắn quan hệ. Đổi lại, Tập Cận Bình đã cử ông Du Chánh Thanh (Yu Zhengsheng) đến thăm Việt Nam vào tháng 12/2014. Việc Du Chánh Thanh là nhân vật đứng hàng thứ tư trong Đảng cộng sản Trung Quốc cho thấy quan hệ Việt-Trung đã bắt đầu được cải thiện trở lại.” 

Lye Liang Fook cũng ghi nhận: “Các cuộc trao đổi cấp cao thường xuyên giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam có mức độ tương tác cao hơn so với các trao đổi cấp chính phủ giữa hai nước. Kể từ khi Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có ba chuyến thăm Trung Quốc ( 04/2015, 01/2017 và 10/2022 )”. 

Chuyến thăm tháng 10/2022 nổi bật vì chuyến thăm này nhằm thực hiện lời hứa của Nguyễn Phú Trọng với Tập Cận Bình là sẽ thực hiện chuyến công du ngoại quốc đầu tiên tới Trung Quốc sau khi tái đắc cử tổng bí thư vào tháng 1/2021. Về phần mình, sau khi tái đắc cử tổng bí thư, ông Tập Cận Bình cũng đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên qua chuyến thăm vào tháng 11/2017.  

Phải chăng mối quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc vẫn rất bền chặt và như vậy Việt Nam sẽ phải tiếp tục xem Trung Quốc là đối tác hàng đầu hơn bất cứ quốc gia nào khác, cho dù giữa hai  nước vẫn thường có căng thẳng do tranh chấp chủ quyền Biển Đông? Nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang đưa ra một ý kiến khác: 

“Quan hệ giữa hai Đảng không nói hết được tại sao Việt Nam phải xem Trung Quốc là đối tác hàng đầu. Về bản chất, dù có theo thể chế chính trị nào đi chăng nữa, Việt Nam vẫn là một nước nhỏ so với Trung Quốc, và đã là nước nhỏ thì phải chịu sự ảnh hưởng của nước lớn dù muốn hay không. 

Các hoàng đế phong kiến Việt Nam hơn 1000 năm từ sau khi đất nước giành được độc lập dưới thời Ngô Quyền đều hiểu rõ bài học này, nên cho dù Việt Nam có đánh thắng Trung Quốc trên chiến trường, thì Việt Nam vẫn phải cử sứ giả để cầu hòa và chấp nhận tiếp tục làm chư hầu của Trung Quốc. 

Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quyết tâm thoát Trung vào giai đoạn 1978-1991, nhưng cũng như các triều đại phong kiến Việt Nam, dù thắng trên chiến trường nhưng cũng phải chấp nhận cầu hòa với Trung Quốc, vì Việt Nam không đủ sức mạnh để đối đầu với Trung Quốc lâu dài. Do vậy, Việt Nam nên khôn khéo bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp ngoại giao, do Việt Nam không thể chiến thắng trong một cuộc đua vũ trang với Trung Quốc. Trung Quốc chỉ ủng hộ chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam khi Việt Nam khẳng định với Trung Quốc là chính sách đa phương đó không làm tổn hại tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Bất kể cùng chung ý thức hệ, Trung Quốc giai đoạn 1978-1991 đã cho Việt Nam thấy rằng chỉ cần Bắc Kinh muốn cô lập Hà Nội, thì Hà Nội cũng không có cách nào thoát được, kể cả khi Liên Xô đã nỗ lực giúp Việt Nam thoát Trung.

Nhà phân tích Jeff Zeberlein, nguyên là một sĩ quan hải quân Mỹ, trên trang web của Jamestown Foundation ngày 20/10 đã viết: 

“Các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Kỳ hoan nghênh những phát triển ngoại giao ( trong quan hệ Mỹ-Việt ), nhưng các chuyên gia khu vực cảnh báo rằng bối cảnh địa lý của Việt Nam ngăn cản việc tăng cường hơn nữa quan hệ với phương Tây: Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ và trên biển, đó là một phần lý do tại sao nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Trung Quốc. 

Vì lợi ích chiến lược của mình, Việt Nam không thể đoạn tuyệt hoàn toàn với Trung Quốc. Trong khi đó, Hoa Kỳ được coi là một đối tác không đáng tin cậy, không chỉ vì lý do lịch sử, mà còn do hệ thống chính trị khác nhau giữa hai nước: Dưới con mắt của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam, các tiến trình chính trị dân chủ của Hoa Kỳ dẫn đến việc ra những quyết định thất thường, ngắn hạn. 

Nhưng sự cải thiện rõ rệt trong quan hệ Mỹ-Việt là tích cực cho cả hai nước, ngay cả khi Việt Nam khó có thể từ bỏ cách tiếp cận hòa giải đối với Bắc Kinh. Chính sách Bốn Không sẽ được triển khai với cả các đối tác phương Tây và Trung Quốc để mang lại cho Việt Nam nhiều quyền tự chủ hơn. Các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ có thể thấy thất vọng vì tiến trình hội nhập quân sự chặt chẽ hơn bị đình trệ khi Việt Nam điều chỉnh quan hệ với phương Tây để xoa dịu Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Việt Nam chuyển sang một chính sách Bốn Không ít hạn chế hơn là bằng chứng cho thấy cam kết mạnh mẽ hơn của Việt Nam trong việc đối đầu với hành động mang tính cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông, mặc dù điều đó cũng có thể báo trước nhiều cuộc đụng độ hơn để bảo vệ các yêu sách biển của Việt Nam.”


*************
voatiengviet.com

Trung Quốc kêu gọi Myanmar hợp tác duy trì ổn định biên giới

Reuters

Myanmar nên hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự ổn định trên biên giới chung, một quan chức Trung Quốc ngày 6/11 nói, sau khi giao tranh gia tăng ở Myanmar giữa lực lượng quân đội và quân nổi dậy làm rung chuyển khu vực.

Tuần trước, quân đội cầm quyền của Myanmar cho biết đang cố gắng lập lại trật tự gần biên giới sau khi một liên minh quân đội dân tộc thiểu số đấu tranh giành quyền tự quyết đã phát động một loạt cuộc tấn công phối hợp vào các mục tiêu của chính quyền quân sự.

“Myanmar được kêu gọi hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự ổn định dọc biên giới Trung Quốc-Myanmar, nghiêm túc đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của cư dân biên giới Trung Quốc và thực hiện các biện pháp hiệu quả để tăng cường an ninh cho nhân viên Trung Quốc”, ông Nong Rong phụ tá ngoại trưởng Trung Quốc nói.

Phát ngôn viên quân đội cầm quyền Myanmar chưa đưa ra bình luận ngay.

Trang tin Asia Times đưa tin một công dân Trung Quốc thiệt mạng và một số người bị thương hôm 4/11 khi một quả đạn pháo do quân đội Myanmar bắn đi quá mục tiêu và rơi xuống phía biên giới phía Trung Quốc.

Ông Nong, người đã đến thăm Myanmar từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 11, cho biết Trung Quốc hy vọng Myanmar sẽ khôi phục sự ổn định và hỗ trợ tất cả các bên giải quyết thỏa đáng những khác biệt và đạt được sự hòa giải thông qua đối thoại càng sớm càng tốt.

Thái Lan đang cố gắng đưa 162 công dân bị mắc kẹt do giao tranh ở Myanmar về nước.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2 năm 2021, lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ do khôi nguyên giải Nobel Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

Các nhóm nổi dậy ủng hộ dân chủ ở một số khu vực đã hợp tác với các du kích quân dân tộc thiểu số, những người đã vận động trong nhiều thập niên để giành được quyền tự chủ lớn hơn để chống lại các lực lượng chính quyền.

Trong khi các chính phủ phương Tây lên án quân đội Myanmar và áp đặt các chế tài đối với lực lượng này thì Trung Quốc cùng với Nga lại tỏ ra ủng hộ các tướng lĩnh. Trung Quốc cho biết họ ủng hộ Myanmar tìm ra con đường riêng và kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng chủ quyền của nước này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước cho biết đang theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột ở Myanmar.

Phát ngôn viên Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo thường kỳ: “Chúng tôi kêu gọi các bên ngay lập tức ngừng giao tranh, giải quyết khác biệt một cách hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời tránh leo thang”.

Ông Nong, trong chuyến thăm của mình, đã kêu gọi Myanmar tăng cường an ninh cho các định chế và dự án của Trung Quốc ở đó.

Ông cũng đến thăm đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên dài 793 km, một phần của mạng lưới năng lượng và cơ sở hạ tầng Vành đai, Con đường của Trung Quốc, nối đảo Ramree trên bờ biển phía tây Myanmar với thành phố biên giới Thuỵ Lệ của Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam.


***********
voatiengviet.com

Đông Bắc Trung Quốc chứng kiến trận bão tuyết lớn đầu tiên trong mùa; dự báo tuyết rơi kỷ lục

AP

Tuyết dày bao phủ nhiều vùng phía đông bắc Trung Quốc ngày 6/11, khiến trường học phải đóng cửa và giao thông tạm dừng trong trận bão tuyết lớn đầu tiên trong mùa ở nước này.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết, các đường cao tốc chính ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, đã bị đóng và các chuyến bay bị hủy. Các lớp học cấp 2 đã bị hủy bỏ ngày 6/11 tại các vùng của Hắc Long Giang cũng như các tỉnh lân cận như Liêu Ninh và Nội Mông.

CCTV đưa tin vào cuối ngày 6/11, một phòng tập thể dục ở Hắc Long Giang bị sập một phần, khiến ba người mắc kẹt bên trong, mặc dù nguyên nhân chưa rõ ràng.

Trung tâm Khí tượng Quốc gia nói, lượng tuyết rơi có khả năng “phá kỷ lục lịch sử” trong cùng thời kỳ. Bão tuyết lớn dự kiến sẽ tiếp tục xảy ra ở các khu vực thuộc các tỉnh Nội Mông, Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh, với độ dày lên tới 20 cm ở một số nơi.

Đoạn phim CCTV cho thấy các xe tải mắc kẹt nối tiếp nhau, kéo dài 1 km bên ngoài Cáp Nhĩ Tân.

Cơ quan thời tiết Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo màu cam cho đến hết ngày 7/11, mức cao thứ hai trong thang cảnh báo bốn bậc.

Khuya ngày 6/11, CCTV cho biết một phần của phòng tập thể dục hai tầng đã bị sập ở thành phố Giai Mộc Tư, Hắc Long Giang. Đài truyền hình nói có 3 người bị mắc kẹt và công tác cứu hộ đang được tiến hành.

Đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ tại một địa điểm bị bao phủ bởi tuyết và đống đổ nát. Không có tuyên bố chính thức về vụ việc.


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chủ Nhật, 10 Tháng Mười Hai 20238:11 SA
Thứ Bảy, 09 Tháng Mười Hai 20235:18 SA
Thứ Sáu, 08 Tháng Mười Hai 20235:52 SA
Thứ Năm, 07 Tháng Mười Hai 20235:23 SA
Thứ Tư, 06 Tháng Mười Hai 202312:12 CH
Thứ Hai, 04 Tháng Mười Hai 20234:33 SA
Chủ Nhật, 03 Tháng Mười Hai 202310:49 SA
Thứ Bảy, 02 Tháng Mười Hai 20237:25 SA
Thứ Sáu, 01 Tháng Mười Hai 20235:02 SA