Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 06 -10 -2023

Thứ Sáu, 06 Tháng Mười 20236:15 SA(Xem: 1455)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 06 -10 -2023
HoaLuc 6
***************
rfi.fr

Mỹ : Tổng thống Biden thông báo tiếp tục xây tường ở biên giới Mêhicô

Minh Anh

Chính quyền Biden ngày 05/10/2023, « kín đáo » thông báo sẽ tiếp tục xây tường ngăn chặn dòng di dân ở biên giới với Mêhicô. Dự án này đã bắt đầu dười thời tổng thống ông Donald Trump. 

Tổng thống Mêhicô Andrés Manuel Lopez Obrador ngay lập tức có phản ứng, xem quyết định của ông Joe Biden là một « bước thụt lùi » và sẽ « không giúp giải quyết được vấn đề ».  

Theo AFP, quyết định của nguyên thủ Mỹ cũng làm dấy lên nhiều chỉ trích vì trái với lời hứa tranh cử do chính ông đưa ra. 

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin giải thích thêm :  

Joe Biden đã từng đưa ra lời hứa này trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2020 và đây là một trong số những quyết định đầu tiên của ông ngay sau nhậm chức : Ngừng xây tường ở biên giới do Donald Trump quyết định. Vào thời đó, Joe Biden đã đánh giá xây tường là không hiệu quả. Và hơn nữa, điều đó vẫn luôn đúng, ông giải thích.  

Nhưng ông tự biện minh khi viện dẫn lý do tài chính. Tiền xây tường do Quốc Hội cấp, ông không thể thay đổi được gì. Alejandro Mayorkas, cố vấn an ninh nội địa của ông lấy lại giải thích này, nhưng ông ấy nói thêm rằng còn có một nhu cầu cấp thiết và tức thì để xây các rào chắn và những con đường gần với biên giới nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ Mỹ.  

Tốt hơn hết, để tăng tốc xây thêm khoảng 30 km, việc áp dụng khoảng hai chục điều luật liên bang, đặc biệt có liên quan đến bảo vệ môi trường, bị đình hoãn ở phía nam bang Texas. Đó là vì chính quyền Biden đang chịu áp lực chính trị mạnh về chủ đề này.   

Đảng Cộng Hòa dùng hồ sơ này làm đề tài tranh cử cho năm 2024. Nhưng tổng thống hiện tại cũng phải chịu áp lực từ chính bạn bè của mình : Các thị trưởng thành phố lớn như New York và Chicago nói rằng họ không thể đối phó được nữa trước nhu cầu tiếp nhận và chỗ ở cho di dân


*************
rfi.fr

Việt Nam và Trung Quốc chuẩn bị cho chuyến thăm Hà Nội của ông Tập Cận Bình

Thùy Dương

Các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm có thể diễn ra của chủ tịch Tập Cận Bình đến Hà Nội vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2023. Reuters, hôm nay 06/10, dẫn nguồn tin từ 4 người nắm rõ kế hoạch, cho biết Hà Nội và Bắc Kinh đang đàm phán để đưa ra một tuyên bố chung nhân chuyến công du của ông Tập.

Đăng ngày:

3 phút

Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) bắt tay chủ tịch Tập Cận Bình trước cuộc họp chính thức tại Bắc Kinh. Ảnh ngày 27/06/2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) bắt tay chủ tịch Tập Cận Bình trước cuộc họp chính thức tại Bắc Kinh. Ảnh ngày 27/06/2023. AP - Yao Dawei

Hai trong số 4 người cung cấp tin nói rằng Hà Nội và Bắc Kinh đang thảo luận về việc cùng tồn tại trong một “cộng đồng có chung vận mệnh”, một cụm từ mà ông Tập Cận Bình thường dùng. Theo hai nguồn tin, cụm từ này có thể được hiểu là sự nâng cấp quan hệ giữa hai nước, nhưng không rõ sẽ gồm những gì và đôi bên sẽ công bố những thỏa thuận cụ thể nào.

Chuyến thăm hiện giờ vẫn chưa được thông báo và vẫn có thể bị hủy hoặc hoãn lại, nhưng công tác hậu cần đã được xem xét. Trong cuộc họp báo hôm 05/10, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói : “Tất cả các hoạt động ngoại giao quan trọng của Việt Nam sẽ được thông báo vào lúc thích hợp”. Bộ Ngoại Giao Việt Nam và Trung Quốc đều không hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuters.

Về phía Trung Quốc, một nguồn tin cho biết Bắc Kinh đã cử một nhóm công tác đến Hà Nội để chuẩn bị. Theo một nguồn tin khác, đoàn công tác của Trung Quốc đang tìm cách đặt 800 phòng tại các khách sạn ở Hà Nội, con số này dường như cho thấy đây sẽ là một chuyến thăm cấp nhà nước. Cũng theo nguồn tin này, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến sẽ đến thăm Hà Nội vào giữa tháng 10/2023 để giúp hoàn thiện tuyên bố chung nếu hội đủ điều kiện.

Reuters nhận đinh chuyến công du Hà Nội của ông Tập sẽ nhấn mạnh thêm tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Á, trong khi các cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng tại khu vực trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đang gia tăng. Tổng thống Mỹ Biden cũng đã công du Hà Nội hồi tháng 09 và hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên mức cao nhất : quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Nhà Trắng chuẩn bị cho cuộc gặp Biden - Tập Cận Bình

Trong quan hệ Mỹ -Trung, báo Washington Post hôm 05/10 cho biết Nhà Trắng bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc gặp giữa tổng thống Biden và chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11/2023 tai San Francisco. Theo một quan chức Mỹ xin ẩn danh, có nhiều khả năng chắc chắn cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra. Tuy nhiên, cả đại sứ Trung Quốc tại Washington và Nhà Trắng đều chưa hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuters. Lần gần đây nhất Joe Biden và Tập Cận Bình gặp nhau là bên lề thượng đỉnh G20 được tổ chức hồi tháng 11/2022 ở Indonesia.


**************
rfi.fr

Quốc tế lên án vụ Nga oanh kích khiến 51 thường dân Ukraina thiệt mạng

Thu Hằng

Ngày 06/10/2023, người dân Ukraina để tang 51 người thiệt mạng ở làng Groza, gần thành phố Kupiansk trong vùng Kharkiv, sau khi Nga oanh kích một quán cà phê ngay giữa ban ngày hôm 05/10. Tổng thống Volodymyr Zelensky tố cáo « vụ khủng bố phi nhân tính » của Nga. Các đồng minh phương Tây của Kiev cũng mạnh mẽ lên án. Điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc về Ukraina nhắc lại oanh kích thường dân hoặc nhắm đến thường dân là « một tội ác chiến tranh ». 

Đăng ngày:

2 phút

Làng Groza trong vùng Kharkiv sau vụ tấn công của Nga hôm 05/10/2023.
Làng Groza trong vùng Kharkiv sau vụ tấn công của Nga hôm 05/10/2023. via REUTERS - KHARKIV REGIONAL PROSECUTOR'S OF

Đặc phái viên RFI Emmanuel Chaze tường thuật từ vùng Kharkiv : 

« Đây là vụ oanh kích vào nhà dân tang thương nhất kể từ khi Nga tấn công quy mô lớn vào Ukraina. Đã có những thông tin đầu tiên về các nạn nhân vụ tấn công. Xin nhắc lại là có khoảng 60 người dự tang lễ của một quân nhân, trong số các nạn nhân có vợ, con và mẹ của liệt sĩ này. Nạn nhân trẻ nhất là một cháu bé 6 tuổi. 

Hôm qua (05/10), bộ trưởng Nội Vụ Ukraina Igor Klymenko nhấn mạnh Groza có 330 dân và mọi gia đình đều có mặt tại quán cà phê lúc Nga tấn công. Về phía chưởng lý vùng Kharkiv, đêm qua cho biết là chỉ khoảng 100 người còn sống ở ngôi làng từng bị Nga chiếm đóng năm ngoái, một ngôi làng đã tan hoang lúc bị tấn công. Vùng Kharkiv và cả nước Ukraina đề tang ba ngày. Cú sốc rất lớn. 

Ở Kharkiv, nơi chúng tôi đang đứng, nhiều vụ nổ đã xảy ra vào sáng sớm và ở cả trung tâm thành phố. Thị trưởng Kharkiv cho biết có ba người bị thương, nhiều thiệt hại về vật chất, trong đó có nhiều tòa nhà và ô tô. Ngoài ra nhiều vùng khác ở Ukraina cũng bị tấn công bằng drone Shahed và drone tự sát. Ukraina lại trải qua một đêm khó khăn »

Theo số liệu cập nhật của chính quyền Ukraina, vụ tấn công của Nga sáng sớm 06/10 vào Kharkiv đã khiến một em bé thiệt mạng và 23 người bị thương, trong đó có một bé mới 11 tháng tuổi. Kiev khẳng định đã bắn hạ 25 trên tổng số 33 drone của Nga tấn công trong đêm. AFP nhắc lại là Nga gia tăng tấn công vùng Kupiansk nhằm chiếm lại khu vực và cản trở cuộc phản công của Ukraina ở miền đông và miền nam.  


************

Vụ bắn tên lửa ở Hroza, Ukraine: 52 người chết, nhóm nhân quyền LHQ sẽ điều tra


Hiện trường vụ bắn phá bằng tên lửa ở Hroza, gần Kharkiv, Ukraine, 5/10/2023.
Số người chết trong vụ không kích vào làng Hroza ở đông bắc Ukraine tăng lên thành 52 người hôm thứ Sáu 6/10 trong khi các nhân viên cứu hộ vẫn bới đống đổ nát để tìm các thi thể. Kyiv gọi đây là một trong những cuộc tấn công chết chóc nhất của Moscow nhằm vào dân thường kể từ khi tiến hành xâm lược.

Thống đốc khu vực cho biết nạn nhân mới nhất qua đời trong đêm qua tại bệnh viện, sau khi xảy ra vụ tấn công trong đó một tên lửa lao vào một quán cà phê và một cửa hàng tạp hóa hôm 5/10 đúng lúc người dân tập trung để tưởng nhớ một người lính Ukraine đã hy sinh.

Oleh Synehubov, thống đốc vùng Kharkov, nói với truyền hình Ukraine: “52 người chết vì vụ tấn công tên lửa này. Một người chết tại một cơ sở y tế. Vẫn còn có người ở trong các bệnh viện. Họ bị thương khá nghiêm trọng".

Lực lượng cứu hộ vẫn đang làm việc tại hiện trường, ở đó, người ta tìm thấy các thi thể và các bộ phận cơ thể nằm lẫn lộn trong đống gạch, gỗ vụn và kim loại cong queo.

Đã có thông báo về thời gian để tang kéo dài 3 ngày tại khu vực Kharkiv sau vụ tấn công đẫm máu nhất ở đó kể từ khi nổ ra cuộc xâm lược của Nga hơn 19 tháng trước. Đây cũng là một trong những vụ có nhiều dân thường thiệt mạng nhất trong các cuộc tấn công của Nga tính đến nay.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lên án vụ tấn công tên lửa, một phát ngôn viên của LHQ cho hay hôm 5/10, đồng thời lưu ý rằng “các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự là điều bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế”.

Hôm 6/10, Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) điều một nhóm đến hiện trường để điều tra vụ tấn công, người phát ngôn của OHCHR cho biết tại Geneva.

Người phát ngôn của OHCHR Elizabeth Throssell cho hay nhóm sẽ hỏi han những người sống sót và thu thập thông tin.

Bà nói: “Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Turk từng tận mắt chứng kiến hậu quả khủng khiếp của những vụ tấn công như vậy, hiện vô cùng sốc và lên án những vụ giết chóc này”.

OHCHR cho rằng có khả năng tên lửa đã được Nga bắn đi nhưng hiện còn quá sớm để khẳng định chắc chắn.

Moscow phủ nhận chuyện họ cố tình nhắm mục tiêu vào dân thường, nhưng thực tế là nhiều người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công nhằm vào các khu dân cư cũng như các cơ sở năng lượng, quốc phòng, cảng, kho ngũ cốc và các cơ sở khác.

Các quan chức Ukraine cho hay Nga cũng mới tiến hành thêm các cuộc không kích vào Ukraine vào sáng sớm 6/10, tấn công thành phố Kharkiv ở miền đông bắc và làm hư hại các cơ sở hạ tầng về ngũ cốc và bến cảng ở khu vực Odesa thuộc miền nam
***********

Mỹ Biden có kế hoạch gặp Chủ tịch Tập của TQ vào tháng 11


Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Tập của Trung Quốc đã đàm thoại qua điện thoại và đường video 5 lần.
Báo Washington Post đưa tin hôm thứ Năm 5/10 rằng Nhà Trắng đang lên kế hoạch cho cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco trong tháng 11 tới cùng lúc hai nước tìm cách ổn định mối quan hệ có nhiều rắc rối.

Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã căng thẳng trong những năm gần đây do một số vấn đề bao gồm Đài Loan, nguồn gốc của đại dịch COVID-19, các cáo buộc gián điệp, vấn đề nhân quyền và thuế quan thương mại, cùng những vấn đề khác.

Bản tin của Washington Post dẫn thông tin từ các quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ, trong đó trích lời một trong số họ nói rằng khả năng diễn ra cuộc gặp là "khá chắc chắn".

Tờ báo dẫn lời quan chức này cho biết: “Chúng tôi đang bắt đầu quá trình” lập kế hoạch.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không bình luận cụ thể về thông tin trên. Người phát ngôn của đại sứ quán viết trong một tuyên bố gửi qua email rằng hai nước vẫn giữ liên lạc và cần mở rộng hợp tác "thiện chí". Nhà Trắng chưa có bình luận ngay lập tức.

Nếu diễn ra, cuộc gặp sẽ tiếp nối vào các cuộc tiếp xúc cấp cao khác giữa hai nước trong những tháng gần đây, bao gồm các chuyến thăm của các quan chức Mỹ tới Trung Quốc như Ngoại trưởng Antony Blinken vào tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen vào tháng 7 và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo vào tháng 8.

Gần đây hơn, ông Blinken đã gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng) ở New York và cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Malta.

Cuộc gặp gần đây nhất giữa hai ông Biden và Tập là bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11/2022, đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống. Trước thời điểm hiện nay, họ đã có 5 cuộc trao đổi qua điện thoại và đường truyền video sau khi ông Biden nhậm chức.

Cơ quan an ninh hàng đầu của Trung Quốc hồi tháng trước nói bóng gió rằng bất kỳ cuộc gặp nào giữa hai ông Tập và Biden sẽ phụ thuộc vào việc Hoa Kỳ "thể hiện sự chân thành đúng mức".

Các quan chức Mỹ như hai bà Raimondo và Yellen gần đây phát biểu rằng Mỹ không muốn cắt đứt khỏi Trung Quốc, nhưng về phần mình, Bắc Kinh lại bày tỏ quan ngại về việc Mỹ chấp thuận bán vũ khí và tài trợ quân sự cho Đài Loan.

San Francisco sẽ đăng cai hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 mà ông Tập có thể tham dự. Ông Tập gần đây đã bỏ qua hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, là sự kiện mà ông Biden đã tham dự.

***********

Nhà hoạt động Iran bị cầm tù Narges Mohammadi giành Giải Nobel Hòa bình


Bà Narges Mohammadi, nhà tranh đấu cho nữ quyền người Iran, khi chưa bị giam cầm.

Bà Narges Mohammadi, nhà hoạt động vì nữ quyền người Iran đang bị cầm tù, giành được Giải Nobel Hòa bình hôm thứ Sáu 6/10. Việc chọn bà để trao giải cũng được xem là động thái lên án giới lãnh đạo thần quyền của Tehran và khích lệ tinh thần cho những người biểu tình chống chính phủ.

Ủy ban trao giải cho biết giải thưởng này vinh danh những người đứng sau các cuộc biểu tình chưa từng có gần đây ở Iran và kêu gọi hãy trả tự do cho bà Mohammadi, 51 tuổi, người đã vận động trong ba thập kỷ cho quyền của phụ nữ và đòi bãi bỏ án tử hình.

Bà Berit Reiss-Andersen, người đứng đầu Ủy ban Nobel Na Uy, nói với Reuters: “Chúng tôi hy vọng gửi thông điệp tới phụ nữ trên toàn thế giới đang sống trong điều kiện bị phân biệt đối xử một cách có hệ thống: ‘Hãy can đảm, tiếp tục dấn bước’”.

Bà nói thêm: “Chúng tôi muốn trao giải thưởng để khích lệ bà Narges Mohammadi và hàng trăm nghìn người đang kêu gọi cho chính điều này 'Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do' ở Iran". Cụm từ đó là khẩu hiệu của phong trào phản đối.

Không có phản ứng chính thức ngay lập tức của Tehran, chính quyền này gọi các cuộc biểu tình là hành vi lật đổ do phương Tây cầm đầu.

Nhưng hãng thông tấn bán chính thức Fars đưa tin là bà Mohammadi đã "nhận giải thưởng từ những kẻ phương Tây" và bản tin có đoạn tít nói rằng đó là do bà "có hành động chống lại an ninh quốc gia".

Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Front Line Defenders, bà Mohammadi đang thụ án vì nhiều bản án trong Nhà tù Evin ở Tehran với mức án tổng cộng khoảng 12 năm tù, đây là một trong nhiều lần bà bị giam giữ sau song sắt.

Trong số các tội danh là tội tuyên truyền chống nhà nước.

Bà là phó giám đốc Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền, một tổ chức phi chính phủ do bà Shirin Ebadi, khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình năm 2003, lãnh đạo.

Bà Mohammadi là người phụ nữ thứ 19 giành được giải thưởng 122 tuổi này.

Ông Taghi Rahmani, chồng bà Mohammadi, vỗ tay khi xem buổi công bố giải thưởng trên TV và nói với Reuters tại nhà riêng ở Paris: “Giải Nobel này sẽ đẩy mạnh động lực thêm nữa cho cuộc đấu tranh vì nhân quyền của bà Narges, nhưng quan trọng hơn, đây thực sự là một giải thưởng dành cho phong trào ‘phụ nữ, cuộc sống và tự do’”.

Bị bắt hơn chục lần trong đời mình và ba lần bị giam trong nhà tù Evin kể từ năm 2012, bà Mohammadi đã không thể gặp chồng mình trong 15 năm và các con trong 7 năm.

Giải thưởng của bà trị giá 11 triệu curon Thụy Điển, tương đương khoảng 1 triệu đô la Mỹ, sẽ được trao tại Oslo vào ngày 10/12, cũng là dịp kỷ niệm ngày mất của nhà công nghiệp Thụy Điển Alfred Nobel, người sáng lập giải thưởng được nêu trong di chúc năm 1895 của ông.

Trong số những khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình trước đây có hai ông Martin Luther King và Nelson Mandela.

Bà Mohammadi từng được tờ New York Times dẫn lời nói rằng bà sẽ không bao giờ ngừng phấn đấu vì dân chủ và bình đẳng, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phải ngồi tù
**************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

(AFP) - Ukraina tiếp tục phản công ở miền đông và nam. Ngày 05/10/2023, Viện Nghiên Cứu Chiến tranh (ISW) của Mỹ cho biết Ukraina vẫn tiếp tục các cuộc phản công gần Bakhmut và gần Novoprokopivka (phía tây vùng Zaporijjia). Trong đêm thứ Tư 04 rạng sáng thứ Năm, quân Nga đã bắn 5 tên lửa, tiến hành 60 vụ không kích và bắn 47 rocket vào quân và dân Ukraina. Lực lượng Ukraina đã bắn hạ 24 trên tổng số 29 drone Shahed của Nga. Sáng 05/10, trung tâm Kherson đã bị Nga oanh kích sáng 05/10 khiến hai người bị thiệt mạng. Phía Nga cáo buộc Ukraina đã bắn đạn chùm vào vùng Kursk sáng 05/10 khiến nhiều người bị thương. 

(RFI) - Liên Hiệp Châu Âu « không thể thay thế » hỗ trợ của Mỹ cho Ukraina. Đây là khẳng định của người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Âu Josep Borrell khi tới Granada dự thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu ngày 05/10/2023. Trước đó, tổng thống Mỹ cho biết sẽ sớm phát biểu về hỗ trợ quân sự cho Ukraina. Phát biểu ngày 04/10, ông Joe Biden khẳng định đa số người dân Mỹ vẫn ủng hộ Ukraina, và đa số nghị sĩ Mỹ, kể cả Dân Chủ và Cộng Hòa, cũng ủng hộ Ukraina.  

(AFP) - Một hãng Trung Quốc bán vệ tinh do thám cho lực lượng bán quân sự Nga Wagner.  Trích dẫn nhiều nguồn tin từ các giới chức an ninh của châu Âu, hãng tin Pháp AFP ngày 05/10/2023 tiết lộ Wagner đã ký hợp đồng với công ty Trung Quốc Beijing Yunze Technology trị giá 31 triệu đô la, để mua hai vệ tinh quan sát cho lực lượng bán quân sự của Nga. Một câu hỏi quan trọng là liệu rằng Trung Quốc « đã biết những gì về ý đồ của Wagner » trong cuộc binh biến hôm 24/06/2023 chống lại Matxcơva ? 

(AFP) - Ấn Độ : Ít nhất 14 người chết, 102 người mất tích do nước tràn hồ Lhonak trên dãy Himalaya. Số nạn nhân tiếp tục tăng trong vụ lũ bất ngờ do mưa lớn hôm 04/10/2023 trong thung lũng bang Sikkim và gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng ở hạ nguồn. Ngày 05/10, lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm khoảng hơn 100 người mất tích, trong đó có 22 quân nhân.  

(Reuters) - Tình báo Bỉ rà soát lại sự hiện diện của tập đoàn Trung Quốc Alibaba tại sân bay Liège. Trong thông cáo ngày 05/10/2023, cơ quan tình báo Bỉ VSSE cho biết đang làm việc để « phát hiện và chống các hoạt động có thể được cho là gián điệp và/hoặc can thiệp vào chuyện nội bộ do các thực thể Trung Quốc, trong đó có Alibaba, tiến hành ». Theo nhật báo tài chính Financial Times, cơ quan đầu tiên đưa tin này, tập đoàn Trung Quốc đã phủ nhận mọi cáo buộc về hành vi sai trái. 

(AFP) Ottawa có kế hoạch công khai danh sách những người bị cáo buộc có liên hệ với chế độ Đức Quốc xã, sinh sống ở Canada. Thủ tướng Canada Justin Trudeau, hôm qua 04/10/2023, tuyên bố Ottawa có kế hoạch công khai danh sách những người di cư sang Canada sau Đệ Nhị Thế Chiến, và bị cáo buộc có liên hệ với chế độ Đức Quốc xã. Kế hoạch này được đưa ra sau khi Quốc Hội Canada vào tuần trước đã vinh danh một nhân vật Ukraina từng phục vụ Đức Quốc xã, trước sự chứng kiến của tổng thống Volodymyr Zelensky, khi đó đang công du Canada.

(AFP– Đình công lớn trong ngành y tế Mỹ. Hơn 75.000 nhân viên của Kaiser Permanente, một trong những hệ thống bệnh viện lớn nhất Hoa Kỳ, hôm qua 04/10/2023, đã bắt đầu cuộc đình công kéo dài ba ngày để đòi điều kiện làm việc tốt hơn. Các công đoàn kêu gọi đình công ở California, Oregon, Virginia và Washington cho biết đây là phong trào đình công lớn nhất nhất nhằm cải tổ dịch vụ y tế ở Hoa Kỳ và tố cáo “lao động bất công”.

(AFP) – Bóng đá : Newcastle đè bẹp PSG ở Cúp C1. Ở lượt trận thứ hai trong khuôn khổ bảng F Champions League 2023/2024, câu lạc bộ Newcastle United đã đánh bại Paris Saint-Germain với tỷ số 4-1 trên sân nhà St James’ Park. Ở lượt trận tiếp theo, Newcastle sẽ tiếp AC Milan, câu lạc bộ từng 7 lần lên ngôi vương ở châu Âu, trên sân nhà.


***********
rfi.fr

Nhà văn Na Uy Jon Fosse đoạt Nobel Văn Học 2023

Thanh Hà

Ủy ban Nobel hôm 05/10/2023 thông báo giải thưởng Văn Học 2023 vinh danh nhà văn người Na Uy Jon Fosse, 64 tuổi. Là tiểu thuyết gia, nhà soạn kịch, nhà thơ, Jon Fosse được trao tặng giải thưởng cao quý này bởi những tác phẩm của ông mang tính « tiên phong và nói lên được những điều không thể nói lên thành lời ».

Đăng ngày:

1 phút

Nhà văn Na Uy Jon Fosse, Nobel Văn học 2023.
Nhà văn Na Uy Jon Fosse, Nobel Văn học 2023. AFP - BORIS ROESSLER

Năm 1983 Jon Fosse công bố cuốn tiểu thuyết đầu tiên mang tựa đề Đỏ, Đen và trong tác phẩm đầu tay này, ông đã khẳng định văn phong riêng biệt của mình. Cũng trong thập niên 1980-1990 qua tiểu thuyết La remise à bateau và Melancholia ông đã nhanh chóng được xem là một trong những cây bút lớn của văn đàn châu Âu.

Fosse đã tình cờ bước vào thế giới kịch nghệ mà như chính tác giả đã giải thích : ông soạn kịch vì kế sinh nhai. Chẳng ngờ những vở kịch như là Một ngày mùa hạ, Và Chúng ta mãi mãi bên nhau hay Tôi là Gió đã đưa tên tuổi của ông đến với công chúng. Những tác phẩm này đã được dịch ra khoảng 50 thứ tiếng khác nhau.

Văn phong và dòng sáng tác của ông gần gũi với cuộc sống hàng ngày, nơi mà mỗi nhân vật có nhiều uẩn ức « không thể nói nên lời ». Tiểu thuyết, thơ hay kịch của Jon Fosse nói về những gia đình tan vỡ, về nỗi cô đơn, nhưng như Ủy ban Nobel ghi nhận « sức mạnh trong ngòi bút của tác giả người Na Uy này là sự im lặng, là những gì không thể nói thành lời ».

Năm 2007 báo Anh Daily Telegraph bình chọn Fosse là một trong số 100 thiên tài của làng văn học đương đại trên thế giới.   


************
rfi.fr

Việt Nam : Dự án khí đốt với Exxon và Gazprom bị trì hoãn vì tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông

Thu Hằng

Các dự án khai thác khí đốt ngoài khơi Việt Nam của tập đoàn Mỹ Exxon Mobil và tập đoàn Nga Gazprom bị chậm tiến độ ít nhất vài năm, làm dấy lên lo ngại về tương lai của những dự án này ở những khu vực tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

Đăng ngày:

2 phút

Ảnh minh họa: Một nhà giàn khai thác dầu khí của Việt Nam ở Trường Sa, Biển Đông
Ảnh minh họa: Một nhà giàn khai thác dầu khí của Việt Nam ở Trường Sa, Biển Đông Reuters

Thông tin được nêu trong một dự thảo đánh giá các dự án đề ngày 31/08/2023 của bộ Công Thương Việt Nam và được hãng tin Anh Reuters đưa tin ngày 05/10. Dự thảo có thể trở thành báo cáo chính thức từ nay đến cuối tháng 11.  

Dự án thứ nhất là Cá Voi Xanh của tập đoàn Mỹ Exxon Mobil vẫn giậm chân tại chỗ. Theo kế hoạch năm 2011 của chính phủ Việt Nam, 5 nhà máy điện của dự án có tổng công suất gần 4 GW sẽ đi vào hoạt động vào khoảng năm 2024 khi có khí đốt do dự án Cá Voi Xanh cung cấp.

Nhưng cho đến nay, chưa một nhà máy nào được xây dựng. Trong văn bản dự thảo ngày 31/08, bộ Công Thương Việt Nam nêu kế hoạch 5 nhà máy này sẽ đi vào hoạt động « vào khoảng năm 2028 » trong triển vọng khí đốt sẵn sàng ở mỏ Cá Voi Xanh.   

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay Exxon Mobil tìm cách rút khỏi dự án Cá Voi Xanh do sức ép nhằm ưu tiên các loại năng lượng xanh. Khi được hỏi về sự chậm trễ và tính toán của Exxon Mobil, Michelle Gray, người phát ngôn của tập đoàn Mỹ, chỉ bình luận rằng « hoạt động thương mại vẫn tiến triển ». Bộ Công Thương Việt Nam và tập đoàn dầu khí PetroVietnam – đối tác của Exxon trong dự án Cá Voi Xanh từ năm 2009 – không trả lời đề nghị bình luận của Reuters.

Dự án thứ hai liên quan đến nhà máy nhiệt điện có công suất 0,34 GW dùng khí đốt do tập đoàn Nga Gazprom khai thác tại mỏ khí Báo Vàng (Quảng Trị). Hoạt động thăm dò khí đốt được khởi công từ năm 2000, ở vùng biển giữa Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Theo dự thảo văn bản của bộ Công Thương, Gazprom « vẫn đang thăm dò dự trữ khí đốt » nên khó có khả năng nhà máy nhiệt điện này đi vào hoạt động trước năm 2030, trái với trù tính hồi tháng 05/2023 của chính phủ Việt Nam.  

Theo Reuters, những chậm trễ của các dự án nói trên có thể tác động đến khả năng cung ứng điện của Việt Nam trong bối cảnh liên tục xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên trong những tháng gần đây. Việt Nam muốn đưa khí đốt khai thác trong nước, trong đó có những dự án của Exxon và Gazprom, chiếm khoảng 10% sản lượng điện từ nay đến năm 2030.  


************
rfi.fr

Cộng Đồng Chính Trị Châu Âu tập trung bàn về chiến tranh Ukraina và khủng hoảng Azerbaijan-Armenia

Thanh Hà

Lãnh đạo 45 nước thành viên Cộng Đồng Chính Trị Châu Âu - CPE họp thượng đỉnh trong hai ngày 5 và 06/10/2023 tại Granada, miền nam Tây Ban Nha, chủ yếu bàn về chiến tranh Ukraina và khủng hoảng quan hệ giữa Azerbaijan và Armenia  trong vấn đề Thượng Karabakh.

Đăng ngày:

3 phút

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đến dự Thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu, Granada, Tây Ban Nha, ngày 05/1/2023.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đến dự Thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu, Granada, Tây Ban Nha, ngày 05/1/2023. AP - Fermin Rodriguez

Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo đến dự thượng đỉnh và sẽ hội đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong bối cảnh Kiev lo mất viện trợ quân sự của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu mệt mỏi vì một cuộc chiến kéo dài. 

Tuy nhiên thượng đỉnh CPE lần thứ ba năm nay bị chi phối bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Thượng Karabakh sau khi quân đội Azerbaijan dễ dàng chiếm được ốc đảo này nơi đa số dân cư là người Armenia. 

Trong cương vị chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, Tây Ban Nha kỳ vọng thượng đỉnh CPE tại Granada là cơ hội để thủ tướng Armenia Nikol Pachinian và tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev gặp nhau để làm giảm căng thẳng. Thế nhưng Baku đã hủy chuyến đi của tổng thống Aliev. Tổng thống Azerbaijan viện cớ Pháp đứng về phía Armenia, cam kết viện trợ quân sự cho chính quyền Erevan. 

Đặc phái viên RFI Valérie Gaz từ Granada tường thuật : 

« Giả thuyết tổ chức một cuộc gặp tại Granada giữa tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev và thủ tướng Armenia, Nikol Pachinian nhằm làm dịu căng thẳng vốn không ngừng gia tăng từ khi quân đội của Baku tấn công vùng Thượng Karabakh : Giả thuyết này đã không  thành hiện thực.   

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev thông báo không đến dự thượng đỉnh và thậm chí đã chỉ trích lập trường của Pháp và những tuyên bố ủng hộ Armnia của bà ngoại trưởng Catherone Colonna nhân chuyến công tác tại Erevan vừa qua.

Paris xem lập luận này của Azerbaijan là chỉ là cái cớ để từ chối thảo luận và tổng thống Azerbaijan muốn chứng minh rằng ông không tuân thủ những đòi hỏi của châu Âu vào lúc mà Liên Âu đang nghiên cứu khả năng gây áp lực qua việc ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào Baku. Thế nhưng, lựa chọn trừng phạt không được tất cả các đối tác châu Âu tán đồng. 

Trong bối cảnh căng thẳng tột độ như vậy, tổng thống Emmanuel Macron sẽ bảo vệ quan điểm của Pháp nhân thượng đỉnh Granada lần này, đó là phải bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cho Armenia, qua việc cố gắng đàm phán một thỏa thuận hòa bình.

Pháp lo ngại sau khi chiếm lại Thượng Karabakh Azerbaijan sẽ tiến hành những đợt tấn công nhắm vào Armenia. Mọi người đều nghĩ đến một tiền lệ, đó là việc Nga tấn công quân sự Ukraina. Đây là kịch bản mà bằng mọi giá, Emmanuel Macron không muốn để tái diễn tại Armenia ». 

CPE là một sáng kiến của Pháp, bao gồm 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu và 18 nước tại Châu Lục sát cạnh, trong đó bao gồm từ Thụy Sĩ đến Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia đang xin gia nhập vào Liên Âu như Ukraina và một số nước từng thuộc Liên Xô cũ như Gruzia, Armenia,  Azerbaijan …


**********
voatiengviet.com

Kyiv: Nga bắn tên lửa vào quán cà phê và cửa hàng ở Ukraine, giết chết 51 người

Reuters

Các giới chức Ukraine cho biết một tên lửa của Nga đã đâm vào một quán cà phê và cửa hàng tạp hóa ở một ngôi làng ở miền đông bắc Ukraine hôm thứ Năm (5/10), giết chết ít nhất 51 người khi họ đang tổ chức lễ tưởng niệm.

Thống đốc khu vực Oleh Synehubov cho biết quán cà phê và cửa hàng đã bị tấn công và biến thành đống đổ nát vào đầu giờ chiều tại làng Hroza, quận Kupiansk, vùng Kharkiv, đồng thời cho biết thêm rằng nhiều thường dân đã có mặt tại đây vào thời điểm đó.

Các giới chức đã đăng tải cảnh các nhân viên cứu hộ trông có vẻ bàng hoàng đang bò qua đống đổ nát vẫn còn đang âm ỉ. Một số bức ảnh cho thấy những thi thể nằm cạnh các tấm bê tông và kim loại bị xoắn lại, trong khi những bức ảnh khác cho thấy các nhân viên cứu hộ đang khiêng các thi thể đi.

Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko cho biết cư dân của ngôi làng khoảng 330 người đã tổ chức lễ tưởng niệm trong quán cà phê bị trúng đạn, và các quan chức địa phương cho biết họ đang ngồi dùng bữa.

Người phát ngôn của chính quyền quân sự khu vực Kharkov nói với đài truyền hình công cộng Ukraina Suspilne rằng đây là vụ tấn công nguy hiểm nhất ở khu vực Kharkiv kể từ khi xảy ra cuộc xâm lược của Nga hơn 19 tháng trước.

Đây dường như cũng là một trong những vụ thường dân thiệt mạng nhiều nhất trong bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga kể từ khi bắt đầu chiến tranh.


************
voatiengviet.com

Các nước G7 muốn cấm kim cương Nga

VOA News

Nhóm G7 gồm các quốc gia công nghiệp hóa dự kiến sẽ cấm kim cương khai thác ở Nga, nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới, sau cuộc xâm lược toàn diện của Moscow vào Ukraine năm ngoái.

Tuy nhiên, sự phức tạp của thương mại đồng nghĩa với việc sẽ khó ngăn chặn kim cương Nga xâm nhập thị trường toàn cầu, vốn trị giá 87 tỷ đô la mỗi năm.

Nhà sản xuất lớn nhất thế giới

Khoảng một phần ba số kim cương trên thế giới được khai thác ở Nga bởi công ty nhà nước Alrosa, công ty vận hành các mỏ ở Yakutia, Siberia và Arkhangelsk, ở cực bắc của đất nước. Ngành thương mại này mang lại lợi nhuận cho Điện Kremlin hơn 1 tỷ đô la mỗi năm.

Các nước phương Tây quyết tâm tước đoạt nguồn thu đó của Nga. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 tháng 5, các thành viên đã thảo luận về việc áp đặt lệnh cấm kim cương của Nga. Nhưng việc thực thi nó sẽ không dễ dàng.

Trung tâm Ấn Độ

Hầu như tất cả kim cương trên thế giới đều được cắt và đánh bóng tại thành phố Surat của Ấn Độ. Edahn Golan, một phân tích gia trong ngành kim cương, giải thích: Lỗ hổng trong các quy định của Hoa Kỳ có nghĩa là kim cương Nga được tự do thâm nhập vào thị trường Mỹ - thị trường chiếm 55% doanh số toàn cầu.

Ông nói với đài VOA: “Ấn Độ chiếm khoảng 95% việc sản xuất và đánh bóng kim cương toàn cầu”. “Theo quy định của Hoa Kỳ, một sản phẩm đã trải qua sự chuyển đổi lớn tại một quốc gia cụ thể nào thì được coi là sản phẩm của quốc gia đó.

Ông Golan nói thêm: “Trong trường hợp kim cương thô của Nga [được] đánh bóng ở Ấn Độ: Theo quan điểm của các quy định của Mỹ, đó là những viên kim cương của Ấn Độ”. “Và vì thế, kim cương này không còn là của Nga nữa”.

Truy xuất nguồn gốc

Tiến trình Kimberley, được ban hành vào năm 2000, đã đưa ra khả năng truy xuất nguồn gốc đối với những viên kim cương chưa cắt để ngăn chặn lợi nhuận thúc đẩy xung đột - cái gọi là “kim cương máu”. Tuy nhiên, tiến trình này không áp dụng cho những viên kim cương đã cắt, đánh bóng - và hệ thống này còn nhiều thiếu sót, ông Golan nói.

“Câu hỏi đặt ra là, Tiến trình Kimberly giải quyết một lô hàng chứa kim cương thô từ nhiều nguồn gốc như thế nào? Câu trả lời là cụm từ ‘hỗn hợp’,” ông nói. “Vì vậy, bây giờ, nếu bạn có một bưu kiện hoàn toàn là kim cương của Nga - nhưng một viên kim cương trong đó đến từ một quốc gia khác - thì đó là bưu kiện ‘hỗn hợp’.”

Phản đối

Không phải ai cũng ủng hộ lệnh cấm được đề nghị. Một phái đoàn G7 đã tới Ấn Độ vào tuần trước để tìm kiếm sự hợp tác nhằm loại trừ Nga khỏi hoạt động buôn bán kim cương. Nhưng New Delhi tỏ ra hoài nghi, ông Golan nói.

Ông Golan cho biết: “Trước hết, nếu không có sản phẩm của [công ty Nga] Alrosa, họ sẽ mất 1/3 sản lượng toàn cầu sắp tới”. “Thứ hai, Ấn Độ nói chung không muốn tham gia các lệnh trừng phạt đối với Nga, bởi nền chính trị toàn cầu của họ khác với chính trị toàn cầu của Mỹ và châu Âu”.

Ông Golan nói: “Điều này đặc biệt nhạy cảm với giới lãnh đạo Ấn Độ, với [Thủ tướng Narendra] Modi, bởi vì phần lớn các nhà sản xuất và kinh doanh kim cương Ấn Độ là người Gujarati và ông Modi là người Gujarati, vì vậy đó là một nền kinh tế quan trọng đối với khu vực bầu cử của ông”.

‘Kim cương Nga không phải là mãi mãi’

Liên hiệp châu Âu đã vạch ra kế hoạch vào tháng 5 để cấm nhập khẩu kim cương của Nga. Họ hy vọng sẽ loại Alrosa khỏi thị trường bắt đầu từ năm 2024, với quy trình truy xuất nguồn gốc và thực thi được triển khai trong những tháng tiếp theo.

“Chúng tôi sẽ hạn chế buôn bán kim cương của Nga. Kim cương Nga không phải là mãi mãi”, ông Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, cho biết trong cuộc họp báo hồi tháng 5 năm nay, sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima.

Theo kế hoạch của EU, kim cương có thể được cấp giấy chứng nhận xuất xứ và sẽ được kiểm tra tại các trung tâm thương mại như Antwerp ở Bỉ. Nhưng hệ thống này có thể phản tác dụng, theo Giáo sư Koen Vandenbempt, nhà kinh tế học tại Đại học Antwerp.

“Có lẽ họ sẽ không đi qua Antwerp nữa. Hoạt động thương mại lớn này sẽ di chuyển đến Dubai và từ Dubai đến Ấn Độ hoặc trực tiếp tới Ấn Độ - điển hình là những quốc gia sẽ không và có thể sẽ không bao giờ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga”, ông nói với AFP.

Thợ mỏ châu Phi

Các công ty khác trong ngành đang thúc đẩy một hệ thống chứng nhận dựa trên sự tin cậy, ít công nghệ hơn - một đề xuất được hỗ trợ bởi tập đoàn kim cương De Beers của Anh và Nam Phi.

Ông Golan nói: “Rất dễ dàng để đưa những người khai thác thủ công vào hệ thống đó, ở những nơi như phía đông bắc [Cộng hòa Dân chủ Congo]”. “Những người đó không có khả năng sử dụng các phương tiện công nghệ phức tạp, nhưng họ có iPad và điện thoại di động.”

Thông tin chi tiết về các đề nghị của G7 dự kiến sẽ được công bố trong những tuần tới. Ông Golan cho biết đây là cơ hội để cải thiện hình ảnh của ngành công nghiệp kim cương.

Ông Golan nói thêm: “Tôi nghĩ rằng có thể đưa ra một giải pháp tốt phù hợp cho cả mục đích chính trị của Hoa Kỳ và Châu Âu”. “Tôi nghĩ có một cách có thể phục vụ rất tích cực cho ngành công nghiệp kim cương, cần sự tham vấn của cả hai bên.

“Cảm nhận về ngành công nghiệp kim cương rất tiêu cực trong mắt người tiêu dùng. Và đó là một cách tuyệt vời để chứng minh rằng ngành công nghiệp kim cương hoạt động hiệu quả,” ông nói với VOA.


***********
voatiengviet.com

Các tiểu bang hạnh phúc nhất và bất hạnh nhất ở Mỹ

VOA News

Tiền có thể không mua được hạnh phúc, nhưng một phân tích mới về các tiểu bang hạnh phúc nhất và bất hạnh nhất ở Mỹ cho thấy chuyện thiếu tiền có thể góp phần khiến con người trở nên khốn khổ.

Bà Miriam Liss, giáo sư tâm lý học tại Đại học Mary Washington ở Fredericksburg, bang Virginia, nói: “Vấn đề giữa tiền bạc và hạnh phúc nằm ở chỗ giàu hơn không khiến bạn hạnh phúc hơn, nhưng trải qua nghèo khó chắc chắn có thể khiến bạn không hạnh phúc”.

Đó là bởi vì các nhu cầu cơ bản về chỗ ở, thực phẩm, quần áo, an toàn, chăm sóc sức khỏe và đi lại khó được đáp ứng khi mọi người không được đảm bảo về mặt tài chính, bà nói thêm.

Để đánh giá mức độ hạnh phúc ở tất cả 50 tiểu bang, công ty tài chính cá nhân WalletHub đã xem xét ba yếu tố chính: sức khỏe thể chất và tinh thần, môi trường làm việc, cùng với cộng đồng và môi trường. Theo phân tích của WalletHub thì các tiểu bang gồm Utah, Hawaii, Maryland, Minnesota và New Jersey là những tiểu bang hạnh phúc nhất của Mỹ.

Bà Liss cho rằng việc Utah nổi lên là tiểu bang hạnh phúc nhất là hợp lý, nơi có khoảng 60% dân số là tín đồ Mặc Môn.

Bà Liss nói: “Tôi không ngạc nhiên về điều đó, bởi vì tôi nghĩ có mối liên hệ giữa tôn giáo và hạnh phúc”. “Và điều đó phần lớn là do cộng đồng và sự kết nối mà mọi người trải nghiệm nếu bạn cảm thấy được cộng đồng của mình nuôi dưỡng và yêu thương.”

WalletHub xác định các tiểu bang không hạnh phúc nhất tại Mỹ là Arkansas, Kentucky, Louisiana, Tennessee và West Virginia.

“Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên đối với tôi. Đây là những tiểu bang nghèo,” bà Liss nói. Bà nói thêm rằng để hạnh phúc, một người phải có ý thức tự chủ, cảm thấy mình có năng lực và có những mối quan hệ bền chặt và có ý nghĩa với người khác.

Bà Liss nói: “Bạn cần có đủ tiền để được an toàn và có thể đáp ứng cả những nhu cầu cơ bản của con người về nhà ở và sự an toàn.”

“Nhưng còn có nhu cầu tâm lý cần có thời gian để xây dựng các mối quan hệ, khả năng tham gia vào công việc có ý nghĩa - chứ không phải chỉ để thanh toán các hóa đơn - và khả năng có một số quyền tự chủ và linh hoạt trong cách bạn sử dụng thời gian trong ngày của mình.”

Phân tích cho thấy chỉ phân nửa số người Mỹ cảm thấy “rất hài lòng” với cuộc sống cá nhân của mình. Bà Liss nói rằng có một thành tố di truyền tạo nên hạnh phúc mà con người không thể thay đổi, nhưng phần lớn hạnh phúc đó - khoảng 40% - bị ảnh hưởng bởi việc tham gia vào cái mà bà gọi là các hoạt động “có chủ đích”.

“Thực sự để ý và tận hưởng khi chúng ta ăn, khi chúng ta ở một địa điểm đẹp sẽ nâng cao chánh niệm,” bà nói.

“Thực hành lòng biết ơn là một hoạt động thực sự mạnh mẽ, có chủ ý và có một số tác động thực sự mạnh mẽ. … Sự kết nối cộng đồng và lòng tốt luôn song hành với nhau, rất nhiều hoạt động thiện nguyện, thực hiện các hành động phục vụ, tham gia vào cộng đồng. Đó là tất cả những điều có thể làm tăng hạnh phúc của bạn.”

Vẫn theo lời bà, việc dọn đến một trong những tiểu bang hạnh phúc nhất sẽ không tự động khiến bạn hạnh phúc, trừ khi những nhu cầu quan trọng nhất của bạn được đáp ứng.

Bà Liss nói: “Hãy sống ở một nơi mà bạn có đủ khả năng chi trả cho đời sống của mình, bởi vì nếu bạn không thể, điều đó thực sự hạn chế quyền tự chủ của bạn”. “Bạn cũng muốn sống ở một nơi mà bạn có một công việc ý nghĩa, nơi bạn cảm nhận được khả năng và năng lực. … Nhưng tôi cũng nghĩ việc sống ở một nơi mà bạn có thể phát triển những kết nối và những mối quan hệ thực sự và có ý nghĩa với người khác là điều thực sự quan trọng.”


*********
voatiengviet.com

Tổng thống Nga Putin cảnh báo phương Tây về thử hạt nhân

Reuters

Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Năm (5/10) đưa ra khả năng Nga có thể nối lại thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên sau hơn ba thập niên và có thể rút lại việc phê chuẩn hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân mang tính bước ngoặt.

Ông Putin, người ra quyết định cuối cùng ở cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, cũng cho biết Moscow đã thử thành công tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân - Burevestnik - mà ông gọi là có khả năng vô song.

Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin nói không cần phải thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga, vì bất kỳ cuộc tấn công nào vào Nga cũng sẽ gây ra phản ứng trong tích tắc bằng hàng trăm tên lửa hạt nhân mà không kẻ thù nào có thể sống sót.

“Tôi nghĩ không một người có đầu óc tỉnh táo và trí nhớ minh mẫn nào lại nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga”, ông Putin nói.

“Tôi nghe thấy những lời kêu gọi bắt đầu thử nghiệm vũ khí hạt nhân và quay trở lại thử nghiệm”, ông Putin nói thêm, đề cập đến những đề xuất từ các nhà khoa học và nhà bình luận chính trị theo đường lối cứng rắn cho rằng động thái như vậy có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ tới những kẻ thù của Moscow ở phương Tây.

Ông lưu ý rằng Hoa Kỳ đã ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện nhưng không phê chuẩn trong khi Nga đã ký và phê chuẩn.

“Tôi chưa sẵn sàng để nói liệu chúng ta có thực sự cần tiến hành thử nghiệm hay không, nhưng về mặt lý thuyết, có thể hành xử giống như Mỹ”, ông Putin nói.

“Nhưng đây là câu hỏi dành cho các đại biểu Hạ viện. Về mặt lý thuyết, có thể rút lại việc phê chuẩn này. Thế là đủ”, ông nói.

Phát biểu của ông Putin nhằm trả lời câu hỏi của nhà khoa học chính trị theo đường lối cứng rắn người Nga Sergei Karaganov, người muốn có lập trường hạt nhân cứng rắn hơn.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng việc Nga, Mỹ hoặc cả hai nối lại thử nghiệm hạt nhân sẽ gây bất ổn sâu sắc vào thời điểm căng thẳng giữa hai nước đang lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong 60 năm qua.

Vào tháng 2, ông Putin đã đình chỉ việc Nga tham gia hiệp ước START mới, là hiệp ước nhằm hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân mà mỗi bên có thể triển khai.

Ông Putin hôm thứ Năm cho biết Nga gần như đã hoàn thành công việc chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat thế hệ mới, có khả năng mang từ 10 đầu đạn hạt nhân trở lên.

Ông cho biết Nga cũng đã thử thành công tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik, nhưng không cho biết khi nào.

Ông Putin nói rằng chính phương Tây đã kích động xung đột ở Ukraine, cuộc xung đột mà ông coi là một phần của cuộc đấu tranh lớn hơn nhiều giữa Nga và một phương Tây kiêu ngạo mà ông cho là đã mất đi cảm nhận thực tế trong nhiều thập niên kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Phương Tây coi cuộc chiến này là sai lầm chiến lược lớn nhất của Moscow kể từ cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô năm 1979, và các nhà lãnh đạo phương Tây nói rằng họ đang trang bị vũ khí cho Ukraine để nước này có thể tự vệ và đánh bại lực lượng Nga.


*********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn