Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 04 -10 -2023

Thứ Năm, 05 Tháng Mười 20235:06 SA(Xem: 1559)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 04 -10 -2023


Hoaluc 4
**************
rfi.fr

Liên Âu thông qua chính sách chung về tị nạn và di dân

Phan Minh

27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU), hôm qua 04/10/2023, đã thông qua một văn bản liên quan đến chính sách “tị nạn và di cư” chung của khối. Văn bản này đề cập đến việc giải quyết các tình huống khủng hoảng, khi một quốc gia phải đối mặt với làn sóng di dân ồ ạt và đột ngột.

Đăng ngày:

1 phút

Hình minh họa: Những di dân vượt biển từ châu Phi được tàu Guardia di Finanza, cứu đưa vào cảng Lampedusa, Ý ngày 15/09/2023.
Hình minh họa: Những di dân vượt biển từ châu Phi được tàu Guardia di Finanza, cứu đưa vào cảng Lampedusa, Ý ngày 15/09/2023. AFP - ALESSANDRO SERRANO

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình :

Nhiều điều khoản đã bị lược bỏ trong 61 trang của văn bản thỏa hiệp này. Chẳng hạn, trong đó có yêu cầu của Ý về việc trả những người được các tổ chức phi chính phủ giải cứu về những quốc gia có các tổ chức đó, đa phần là của Đức.

Cuối cùng, đề xuất của Ý đã được rút ra khỏi văn bản và được chèn vào lời mở đầu chung. Hơn nữa, để đạt được sự chấp thuận của Đức, trong văn bản có ghi giấy trắng mực đen rằng các gia đình không thể bị tách rời ; tương tự, nếu di dân bị đưa vào các trung tâm tạm giữ khi đến nơi, thì trong mọi trường hợp, họ không thể bị giam giữ ở những nơi được sử dụng làm nhà tù.

Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng di dân, các nước có thể kéo dài thời gian tạm giữ di dân trong các trung tâm này từ 12 lên 20 tuần. Việc xem xét sơ bộ đơn xin tị nạn sẽ được rút ngắn thời gian, và các chuyến bay trả về nước xuất xứ cũng được tăng cường.

Việc phân bổ tiếp nhận và cho tái định cư những người xin tị nạn ở các nước thành viên Liên Âu dường như là bắt buộc, bất chấp thất vọng của các quốc gia Trung Âu : Cộng Hòa Séc, Áo và Slovakia đã bỏ phiếu trắng, còn Ba Lan và Hungary bỏ phiếu chống.


**********
rfi.fr

TT Joe Biden ra sức trấn an các đồng minh về việc Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ cho Ukraina

Trọng Nghĩa

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm qua 03/10/2023 đã nói chuyện với một loạt lãnh đạo các nước đồng minh, cũng như với Liên Hiệp Châu Âu và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Mục tiêu là để khẳng định việc Mỹ tiếp tục giúp đỡ Ukraina trong cuộc chiến chống Nga, đồng thời cảnh báo rằng việc giảm hỗ trợ có thể khiến Nga trở nên táo bạo hơn, làm cho chiến tranh thêm nghiêm trọng.

Đăng ngày:

2 phút

Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) tiếp đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 21/09/2023.
Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) tiếp đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 21/09/2023. REUTERS - KEVIN LAMARQUE

Theo Nhà Trắng, tổng thống Biden đã điện đàm với các lãnh đạo Canada, Đức, Ý, Nhật Bản, Ba Lan, Rumani, Anh và Pháp, cũng như với những người đứng đầu Liên minh Bắc Đại Tây Dương - NATO, Ủy Ban Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu.

Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ John Kirby đã khẳng định với báo giới: “Tổng thống Biden đã nói rõ rằng trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi không thể để cho nguồn hỗ trợ mà Mỹ dành cho Ukraina bị gián đoạn.

Theo ông Kirby, Hoa Kỳ vẫn còn kinh phí đã được duyệt để đáp ứng nhu cầu chiến trường của Ukraina trong “vài tháng” tới đây, nhưng cần được sự phê chuẩn của Quốc Hội để cung cấp viện trợ một cách liên tục.

Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ nhắc lại lời chỉ trích trước đó của tổng thống Biden nhắm vào một nhóm nhỏ dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện đã ngăn chặn việc chi viện cho Ukraina, nhưng đồng thời lưu ý rằng hầu hết các nghị sĩ của đảng Cộng Hòa đều ủng hộ Kiev.

Ông Kirby cảnh báo: “Tình trạng thiếu vắng hậu thuẫn như vậy sẽ khiến cho Putin tin rằng ông ta có thể yên tâm tiếp tục cuộc chiến cho đến khi chúng ta cùng các đồng minh và đối tác bỏ cuộc.”

Nhiều đồng minh của Hoa Kỳ lo ngại về khả năng Washington bớt ủng hộ Ukraina chống lại cuộc xâm lược của Nga, sau khi Quốc Hội Mỹ loại bỏ các khoản viện trợ cho Ukraina ra khỏi dự luật khẩn cấp tránh nguy cơ chính phủ bị tê liệt một phần do không có nguồn tài chính.

***********

Viện trợ cho Ukraina : Kiev và Bruxelles buộc phải hòa giải với Hungary

Minh Anh

Cho đến nay, Liên Hiệp Châu Âu đã cấp 5,6 tỷ euro viện trợ cho Ukraina trong khuôn khổ FEP (Cơ chế châu Âu vì Hòa bình). Tuy nhiên, việc tháo khoán gói viện trợ thứ tám trị giá 500 triệu đô la bị bế tắc vì thủ tướng Hungary Victor Orban đã phủ quyết.

Đăng ngày:

2 phút

Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Quốc Hội Hungary ở Budapest, ngày 25/09/2023.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Quốc Hội Hungary ở Budapest, ngày 25/09/2023. AP - Zoltan Mathe

Đây là cách để thủ tướng Hungary phản đối chính quyền Ukraina đưa vào danh sách đen một ngân hàng Hungary hiện vẫn duy trì các hoạt động giao dịch tại Nga. Để tháo gỡ bế tắc, Kiev đã chấp nhận « dịu giọng » với Budapest.

Từ thủ đô Hungary, thông tín viên đài RFI, Florence La Bruyère giải thích :

« Hồi tháng 05/2023, Ukraina đã đưa ngân hàng OTP của Hungary vào danh sách đen. Ngân hàng này vẫn còn có hơn hai triệu khách hàng tại Nga. Chính quyền Kiev cáo buộc ngân hàng tài trợ cho cuộc chiến tranh do Matxcơva tiến hành.

Chính phủ Orban cho rằng đó là một cáo buộc quá đáng và đã dùng quyền phủ quyết. Thủ tướng Hungary đã chặn một khoản viện trợ quân sự của châu Âu trị giá 500 triệu euro, vào lúc Ukraina đang cần khẩn cấp nguồn hỗ trợ này. Hơn nữa, khoản tiền sáu tỷ đô la mà Hoa Kỳ hứa cũng đã bị Quốc Hội Mỹ đình hoãn.

Trong thế túng, Kiev đã tạm thời rút ngân hàng Hungary ra khỏi danh sách đen. Việc xóa tên sẽ diễn ra khi nào ngân hàng này hoàn toàn cắt đứt liên hệ với Matxcơva. Cơ sở tài chính này cũng đã đưa ra những cam kết theo chiều hướng này.

Nhưng Ukraina chưa phải là bên duy nhất muốn hạ giọng với Viktor Orban. Ủy ban Châu Âu rất có thể sẽ giải ngân 13 tỷ euro từ Quỹ châu Âu cho Budapest, và đã bị Bruxelles phong tỏa vì việc không tôn trọng Nhà nước Pháp quyền.

Đổi lại, theo báo Financial Times, Ủy ban Châu Âu dường như đề nghị Viktor Orban bỏ phiếu thông qua ngân sách châu Âu sắp tới, bao gồm một khoản hỗ trợ quan trọng cho Ukraina. »


*************
rfi.fr

Maldives : Tổng thống tân cử thân Bắc Kinh thông báo trục xuất binh sĩ Ấn Độ

Minh Anh

Mohamed Muizzu, đắc cử tổng thống Maldives trong cuộc bỏ phiếu ngày 30/09/2023, thông báo, các lực lượng quân sự Ấn Độ trú đóng tại đảo quốc này sẽ phải hồi hương. 

Đăng ngày:

1 phút

Hãng tin Pháp AFP ngày 03/10/2023 cho biết, trong một cuộc mit-tinh được tổ chức ở thủ đô Malé hôm thứ Hai, 02/10, tổng thống tân cử Mohamed Muizzu, 45 tuổi, đã tuyên bố sẽ « trả (về nước họ) những lực lượng quân đội trú đóng tại Maldives theo đúng luật pháp ». Cũng theo ông Muizzu, « những ai đã đưa những lực lượng quân sự này đến đây đều không muốn trả họ về nước, nhưng người dân Maldives đã đưa ra quyết định này ». 

Việc triệt thoái các lực lượng Ấn Độ là một trong những chủ đề tranh cử của ông Mohamed Muizzu. Ấn Độ đã điều một nhóm binh sĩ đến Maldives để điều khiển bốn chiếc máy bay trinh thám dưới quyền sử dụng của Maldives nhằm giám sát vùng lãnh hải rộng lớn. 

Trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 30/9, ông Mohamed Muizzu đã bỏ xa đối thủ là tổng thống mãn nhiệm Mohamed Solih, người chủ trương tăng cường quan hệ với Ấn Độ, đồng minh truyền thống của đảo quốc. Thắng lợi của Mohamed Muizzu có thể sẽ dẫn đến việc đảo quốc Ấn Độ Dương này xích lại gần hơn với Trung Quốc.  

Là một điểm đến du lịch cao cấp, Maldives nằm trên một trong số những tuyến hàng hải có mật độ lưu thông lớn nhất thế giới. Đảo quốc này cũng là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa Ấn Độ và Trung Quốc.


***********
voatiengviet.com

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ lâm bệnh, đang được điều trị tại Sài Gòn

VOA Tiếng Việt

Đại lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, người được nhiều người trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất xem là lãnh đạo tối cao, đang lâm trọng bệnh và đang được điều trị tích cực tại một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh, một vị thân cận với ông nói với VOA.

Hòa thượng Tuệ Sỹ, 80 tuổi, kể từ tháng 9 năm ngoái đã là Chánh Thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống của giáo hội vốn không được Nhà nước Việt Nam công nhận sau khi Hội đồng Giáo phẩm Trung ương được tái lập và suy cử ông vào chức vụ này.

Thông bạch được Tổ đình Viên Giác tại Hannover, Đức, nơi đặt Hội đồng Hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đưa ra hôm 24/9 cho biết ‘vài tuần qua bệnh tình của Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã trở nặng nên phải vào bệnh viện điều trị’.

“Dù hiện tại bệnh tình của Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ tạm ổn định và việc chữa trị tương đối có kết quả khả quan, sức khỏe của Ngài vẫn còn rất yếu,” thông bạch viết.

Thông bạch cho biết Hòa thượng Tuệ Sỹ lâm bệnh trong lúc Giáo hội ‘đang rất cần sự có mặt’ của ông ‘để tiếp tục xây dựng lại nền tảng vững chắc cho ngôi nhà Phật pháp và công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh’.

‘Không nặng, không nhẹ’

Trao đổi với VOA hôm 30/9, Hòa thượng Thích Minh Tâm, Viện chủ chùa Phật Ấn, huyện Long Thành, Đồng Nai, vốn là trú xứ của Hòa thượng Tuệ Sỹ, cho biết hiện Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đang được điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ, Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, đã được ba tuần.

“Bây giờ nói rằng nguy hiểm thì cũng chưa nguy hiểm, mà nhẹ thì cũng không nhẹ, mà nặng thì cũng chưa đến chi là nặng lắm,” Hòa thượng Thích Minh Tâm cho biết và nói thêm rằng Hòa thượng Tuệ Sỹ mới vừa được các bác sỹ rút dịch màng phổi. (00:15)

Cũng theo lời vị trụ trì này thì các bác sỹ nói rằng ‘bệnh của Ngài tương đối khó chữa’ và ‘họ sẽ cố gắng tối đa’.

Hòa thượng Thích Minh Tâm mô tả Hòa thượng Tuệ Sỹ tự ngồi lên nằm xuống được, khi mệt thì nằm nghỉ nhưng ‘đi lại thì phải có người dìu đỡ’ và đang được hỗ trợ thở ôxy nên có lúc khó ngủ.

Về tinh thần của Hòa thượng Tuệ Sỹ thì ông cho biết ‘vẫn nói chuyện được, vẫn sáng suốt lắm’.

“Hôm kia tôi trực tiếp đến thăm Ngài, nghe Ngài nói Ngài muốn cười nhưng cười không nổi vì thấy đau quá,” ông kể về tinh thần lạc quan của Hòa thượng Tuệ Sỹ.

“Ngài nói chữa được thì chữa, chữa không được thì chết, vậy thôi, đơn giản lắm,” Hòa thượng Minh Tâm thuật lại.

‘Vẫn làm việc’

Theo lời ông thì mặc dù đang nằm trên giường bệnh, Hòa thượng Tuệ Sỹ vẫn xử lý công việc hàng ngày trên cương vị lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. “Ngài nghe báo cáo và ra quyết định những công việc cần thiết,” ông nói.

Hòa thượng Tuệ Sỹ đang tập trung điều hành công việc của Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng Kinh vừa được ông làm mới để tiếp nối công việc của các vị tiền bối. Hội đồng trước đây được Viện Tăng thống thành lập vào năm 1973 gồm có 18 vị tôn túc, trưởng lão.

Tuy nhiên sau 50 năm, 16 trong tổng số 18 vị đã viên tịch, chỉ còn Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Từ, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm hiện đã 100 tuổi và Đại lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Cho nên Hòa thượng Tuệ Sỹ đã tìm và mời thêm những vị đủ năng lực để bổ sung vào hội đồng, Hòa thượng Minh Tâm cho biết.

Hiện Hội đồng đã dịch và in xong 29 tập của bộ Thanh Văn Kinh, tức là một phần của Tam Tạng Kinh, và đã cho công bố hồi đầu năm nay trong sự hoan hỉ của giới tăng ni và tín đồ Phật giáo. Hội đồng Phiên dịch sẽ tiếp tục dịch các phần còn lại của Đại Tạng Kinh ra Tiếng Việt, cũng theo lời viện chủ chùa Phật Ấn.

Về sinh hoạt của Giáo hội Thống nhất dưới sự điều hành của Hòa thượng Tuệ Sỹ, Hòa thượng Minh Tâm cho biết là ‘vẫn thông suốt’ nhưng ‘không có gì nổi bật’ do ‘Ngài chỉ im lặng xử lý công việc trong nội bộ, chỉ có tiếp các phái đoàn ngoại giao của Pháp, Mỹ thôi’.

“Ngài mong tương lai của Giáo hội vẫn sinh hoạt để tiếp nối sự nghiệp của chư Tổ,” Hòa thượng Minh Tâm thuật lại những lời trao đổi của Hòa thượng Tuệ Sỹ với các phái đoàn ngoại giao nước ngoài.

“Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi chủ trương không làm chính trị, không tham gia Giáo hội của Nhà nước vì Giáo hội của Nhà nước (tức Giáo hội Phật giáo Việt Nam) họ đang làm chính trị - họ nằm trong Mặt trận Tổ quốc,” ông thuật lại lời Hòa thượng Tuệ Sỹ.

Khi được hỏi Hòa thượng Tuệ Sỹ có sắp xếp công việc của Giáo hội hay có viết di chúc như thế nào hay chưa, Hòa thượng Minh Tâm nói ‘có lẽ là đã có vì Ngài cũng đã dự liệu sức khỏe của mình yếu, vô thường chưa biết đến lúc nào, nhưng chỉ là chưa công bố thôi’.

Theo lời Hòa thượng Minh Tâm thì Hòa thượng Tuệ Sỹ ‘với trách nhiệm nặng nề vẫn luôn trăn trở về sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn còn nội ma ngoại chướng nhiều’.

‘Lo lắng’

Hòa thượng Thích Minh Tâm cho biết các vị giáo phẩm trong Giáo hội đang ‘rất lo lắng’ cho sức khỏe của Hòa thượng Tuệ Sỹ vì ‘nếu Ngài viên tịch thì chúng tôi cũng mất đi người lãnh đạo tài ba của Giáo hội’.

Tuy nhiên, công việc của Giáo hội giờ đã có Hội đồng Giáo phẩm Trung ương nên ‘Ngài cũng yên tâm một phần’ vì ‘nếu Ngài không còn thì đã có Hội đồng Giáo phẩm xử lý công việc’.

Theo lời Hòa thượng Minh Tâm thì Hội đồng Hoằng pháp của Giáo hội ‘không tổ chức cầu nguyện rầm rộ’ nhưng các tăng ni, Phật tử ‘đều trì nguyện, hộ niệm cho Ngài để mong Ngài vượt qua cơn hiểm nghèo’.

Ông cũng cho biết từ khi Hòa thượng Tuệ Sỹ chấp chưởng công việc của Giáo hội đối lập, chính quyền Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ‘chưa có thái độ gì’ cũng như ‘chưa có hiện tượng gây khó dễ cho Ngài trong hoạt động và chữa bệnh’.

Đại lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được nhiều người xem là một trong những tu sỹ Phật giáo ‘thông tuệ nhất’. Ông từng bị chính quyền cộng sản bắt vào năm 1984, bị kết án tử hình năm 1988, nhưng thoát án vào năm 1998 sau các đợt vận động và can thiệp của quốc tế.


************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

(AFP) - Nhật Bản : Chính phủ bối rối vì một thượng nghị sĩ đi thăm Nga. Bộ Ngoại Giao Nga ngày 02/10/2023, loan báo cuộc hội đàm trực diện giữa trợ lý ngoại trưởng Nga Andreï Rudenko và ông Muneo Suzuki, thượng nghị sĩ đảng Cách Tân Nhật Bản, một đảng chính trị mang tư tưởng dân túy. Phản ứng về vụ việc này, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, Hirokazu Matsuno, hôm nay, 03/10/2023, trong buổi điểm tin thường nhật khẳng định « chính phủ đã không được ông Suzuki thông tin về chuyến đi Nga này ». Tokyo đã lên án mạnh mẽ cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga và áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt chống Matxcơva. 

(AFP) - Con trai tổng thống Mỹ hầu tòa. Hunter Biden, 53 tuổi, con trai tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay, 03/10/2023, sẽ phải trình diện trước tòa vì tội tàng trữ vũ khí trái phép. Ông bị buộc tội nói dối khi phủ nhận nghiện ma túy lúc điền đơn xin mua súng năm 2018 nhưng sau đó lại thừa nhận. Luật sư của ông cho biết Hunter Biden sẽ không nhận tội trong phiên điều trần công khai tại tòa án liên bang ở Wilmington, Delaware, bang quê hương của gia đình ông Biden. 

(RFI) - Pháp : Nhiều trường trung học bị đóng cửa vì báo động bom. Từ hôm thứ Hai, 02/10/2023, nhiều trường trung học ở khắp nhiều nơi trên nước Pháp đã phải đóng cửa sau khi nhận được tin nhắn hoặc qua thư điện tử, hoặc qua hộp thư thoại dọa có tấn công khủng bố hay bom cài đặt trong trường. Báo động bom tiếp diễn sáng hôm nay, 03/10. Trường trung học Louis Armand, xã Nogent-Sur-Marne, tỉnh Val-de-Marne thông báo đóng cửa nguyên ngày sau khi hiệu trưởng nhận được mail báo có bom trong cơ sở.  

(AFP) - Mỹ : Hãng xe hơi Ford tạm thời sa thải thêm hơn 300 lao động do đình công. Thông báo của Ford được đưa ra hôm 02/10/2023 trong bối cảnh phong trào đình công đòi tăng lương do nghiệp đoàn ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ, UAW, phát động từ giữa tháng 09/2023 vẫn chưa đến hồi kết. Theo công ty Ford, hệ thống sản xuất của hãng có tính kết nối cao giữa các nhà máy. Việc nhân viên tại một nhà máy của hãng ở Chicago đình công gây ảnh hưởng đến việc làm của người lao động tại hai nhà máy chế tạo linh kiện khác, một cũng ở Chicago và một tại Lima, bang Ohio.

(AFP) - Tháng 09/2023 là tháng Chín nóng nhất từng được ghi nhận ở Nhật Bản tính từ 125 năm trở lại đây. Theo Cơ quan khí tượng quốc gia Nhật, nhiệt độ trung bình trong tháng 09 cao hơn gần 2,7 độ C so với mức bình thường mọi năm. Tháng 09/2023 cũng là tháng nóng nực nhất chưa từng được ghi nhận ở Đức, Ba Lan, Thụy Sỹ, Pháp, Anh. Riêng tại Pháp, Cơ quan khí tượng quốc gia hôm thứ Sáu 29/09 thông báo nhiệt độ trong tháng 09 vừa qua cao hơn trung bình từ 3,5 đến 3,6 độ so với tháng 09 trong giai đoạn 1991-2000.

(Le Monde) - Nga không có ý định huy động thêm quân dự bị động viên sang chiến đấu tại Ukraina. Bộ trưởng Quốc Phòng Nga, Sergueï Choïgou, hôm nay 03/10/2023 khẳng định quân đội Nga có đủ quân. Trong thông cáo, bộ trưởng Choïgou cho biết thêm là từ đầu năm 2023 đến nay đã có hơn 335.000 người nhập ngũ theo dạng ký hợp đồng hoặc tập huấn tự nguyện. 

(AFP) - Ba Lan và Ukraina thông báo quyết định về quá cảnh ngũ cốc Ukraina. Ngày 03/10/2023, Vacxava và Kiev đã thông báo một quyết định liên quan đến cả Litva, cho phép đẩy nhanh quá trình quá cảnh ngũ cốc Ukraina xuất khẩu sang các nước khác. Đây là thỏa thuận đầu tiên giữa hai nước láng giềng, đồng minh, kể từ khi Ba Lan thông báo hồi giữa tháng 9 cấm nhập ngũ cốc Ukraina. Theo bộ trưởng Nông Nghiệp Ba Lan, từ ngày mai (04/10), việc kiểm tra tại biên giới Ba Lan-Ukraina các loại ngũ cốc quá cảnh qua Litva sẽ được thực hiện trong lãnh thổ của Litva, tại cảng của nước này. 

(AFP) - Ukraina thông báo bắn hạ 29 drone của Nga. Quân đội Ukraina ngày 03/10/2023, cho biết trong đêm qua đã bắn hạ 29 drone và một tên lửa của Nga. Theo lực lượng phòng không Ukraina, đó là các drone loại Shahed 131/136 do Iran chế tạo và một tên lửa hành trình Iskander-K. Tổng cộng, Nga đã phóng 31 drone và một tên lửa từ bán đảo Crimée. Trong tháng 9, Nga đã sử dụng đến 500 drone Shahed để tấn công Ukraina, một con số kỷ lục theo giới quan sát quân sự. 

(AFP) - Báo Nga hé lộ dự định ra tranh cử tổng thống của ông Vladimir Putin. AFP dẫn nguồn tin báo Nga, Kommersant cho biết tổng thống Vladimir Putin có thể sắp thông báo ra ứng cử tổng thống vào năm 2024. Nếu tái đắc cử, ông Putin sẽ tiếp tục ở đỉnh cao quyền lực tại nước Nga cho đến năm 2030. Báo Kommersant trích các nguồn tin không xác định cho hay ông Putin có thể sẽ thông báo ra tranh cử trong một cuộc họp báo dự kiến trong tháng 11 tới đây. 


************

Có nguy cơ gì trong cuộc tranh cãi tại Quốc hội Mỹ về viện trợ Ukraine?

Reuters

Quốc hội Mỹ không đưa khoản tiền mới nào cho Ukraine vào dự luật chi tiêu tạm thời thông qua hôm 30/9 để giữ cho chính phủ liên bang mở cửa, nêu bật sự miễn cưỡng ngày càng tăng của một số đảng viên Cộng hòa trong việc tài trợ cho Kyiv.

Còn bao nhiêu tiền cho Ukraine?

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, Quốc hội đã phê duyệt 113 tỷ đô la viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine kể từ khi Nga xâm chiếm vào tháng 2 năm 2022.

Một quan chức Mỹ cho biết, tính đến ngày 2/10, Bộ Quốc phòng còn lại 1,6 tỷ đô la để thay thế vũ khí đã gửi đến Ukraine, không còn quỹ nào dưới Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) và dưới Thẩm quyền Rút tiền của Tổng thống trị giá 5,4 tỷ đô vốn cho phép Tổng thống Joe Biden lấy từ kho dự trữ quốc phòng của Mỹ để trang bị cho Ukraine.

Tại sao Quốc hội tranh cãi về chuyện tiếp tục viện trợ Ukraine?

Dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người Mỹ vẫn ủng hộ viện trợ cho Ukraine, nhưng sự ủng hộ đó đang bị xói mòn.

Một nhóm đảng viên Cộng hòa tương đối nhỏ nhưng có tiếng nói đã chỉ trích sự hỗ trợ cho Ukraine ngay từ đầu, cáo buộc chính phủ ở Kyiv không chống tham nhũng đầy đủ, điều mà các quan chức Ukraine và Mỹ phủ nhận. Họ cũng lập luận rằng khi Hoa Kỳ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, chính phủ liên bang nên chi tiền trong nước hoặc tăng cường khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.

Nhiều người trong số những đảng viên Cộng hòa này có mối quan hệ chặt chẽ với cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu để trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2024. Ông Trump, người bị luận tội vào năm 2019 vì giữ tiền viện trợ cho Ukraine để gây áp lực buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phải giúp đỡ ông về mặt chính trị, đã tuyên bố sẽ kết thúc chiến tranh Ukraine sau 24 giờ nếu ông tái đắc cử và rằng cuộc chiến này quan trọng đối với châu Âu hơn là Hoa Kỳ.

Làm thế nào để giải quyết chuyện này?

Có một số cách để viện trợ bổ sung cho Ukraine có thể trở thành luật.

Viện trợ có thể được đưa vào một dự luật chi tiêu lớn hơn mà Quốc hội phải thông qua vào cuối năm nay để tránh việc đóng cửa. Biện pháp được thông qua vào ngày 30/9 chỉ cung cấp chi tiêu cho đến giữa tháng 11. Hoặc nó có thể được đưa ra dưới dạng một dự luật chi tiêu riêng biệt hoặc kết hợp với nhiều tiền hơn cho an ninh biên giới.

Mỹ có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine ở mức độ như xưa nay không?

Đảng Dân chủ, những người ủng hộ mạnh mẽ viện trợ cho Ukraine, nhấn mạnh rằng Quốc hội sẽ tiếp tục hỗ trợ. Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, bao gồm cả những nhân vật có ảnh hưởng như Lãnh đạo Đảng Cộng hòa Mitch McConnell, cũng nói như vậy.

Nhưng bức tranh lại kém rõ ràng hơn nhiều ở Hạ viện, nơi phe Cộng hòa chiếm đa số và nơi một số thành viên cực hữu đang tìm cách lật đổ Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, với lý do ông sẵn sàng thỏa hiệp với đảng Dân chủ về các dự luật chi tiêu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3/10 đã nói chuyện với lãnh đạo các nước đồng minh, Liên hiệp châu Âu và liên minh quân sự NATO, tái khẳng định hậu thuẫn của Mỹ dành cho Ukraine và cảnh báo rằng sụt giảm hỗ trợ sẽ càng khiến Nga củng cố hơn và biến xung đột mở rộng hơn.

Cuộc gọi bao gồm các nhà lãnh đạo Canada, Đức, Ý, Nhật Bản, Ba Lan, Romania, Anh và Pháp, cũng như những người đứng đầu NATO, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu, Tòa Bạch Ốc cho hay.

“Tổng thống Biden nói rõ chúng ta không thể, dưới bất kỳ trường hợp nào, để cho sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine bị gián đoạn,” phát ngôn nhân an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết.

Mỹ có đủ ngân quỹ cam kết để đáp ứng nhu cầu chiến trường của Ukraine “lâu hơn một chút” nhưng cần sự hỗ trợ của Quốc hội để không bị gián đoạn trong việc tiếp tế quân sự hỗ trợ Ukraine, ông nói thêm. Khi được hỏi “lâu hơn một chút” là bao lâu, ông Kirby nói “khoảng một vài tháng”.


**********
rfi.fr

Thượng Karabakh : Khí đốt Azerbaijan và nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, hai xiềng trói chân châu Âu

Minh Anh

Cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan nhằm vào Thượng Karabakh đã dẫn đến việc tan rã nước cộng hòa tự phong và một làn sóng tị nạn. Trong thảm kịch này, cộng đồng quốc tế, nhất là Pháp và Liên Hiệp Châu Âu bị chỉ trích có thái độ « thờ ơ, thụ động », vào lúc người dân Armenia lo sợ một cuộc tấn công khác của Azerbaijan, đặt lại vấn đề đường biên giới của chính đất nước Armenia.  

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

5 phút

Người Arrménia di tản từ Thượng Karabakh đến làng Kornidzor, vùng biên giới Armenia, ngày 29/09/2023.
Người Arrménia di tản từ Thượng Karabakh đến làng Kornidzor, vùng biên giới Armenia, ngày 29/09/2023. REUTERS - IRAKLI GEDENIDZE

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna hôm nay, 03/10/2023 đến thăm Erevan, nhằm tái khẳng định « sự hậu thuẫn của nước Pháp về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Armenia ». Vì những lý do có mối liên hệ lịch sử - văn hóa lâu đời, kết nối Pháp và Armenia, đương nhiên, Paris là thủ đô châu Âu được trông đợi nhiều nhất trong hồ sơ Thượng Karabakh.   

Chính phủ Macron bị phe đối lập và một số nhà trí thức chỉ trích mạnh mẽ là không có phản ứng tương xứng với hành động quân sự của Azerbaijan. Theo báo Pháp Le Figaro, mối quan hệ tồi tệ mà tổng thống Pháp ông Emmanuel Macron duy trì với các đồng nhiệm Nga Vladimir Putin và Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cũng đã hạn chế phần nào khả năng hành động của điện Elysée.    

Hai nguyên tắc đối lập  

Nhưng không chỉ có Pháp, Liên Hiệp Châu Âu cũng « vắng bóng » trong hồ sơ này. Thông cáo của Liên Âu cho thấy có một phản ứng rất chừng mực khi dẫn lời ngoại trưởng Pháp bày tỏ mong muốn có một « hành động ngoại giao quốc tế trước việc Nga bỏ rơi Armenia », đồng thời lên án « sự đồng lõa » của Nga mà không nêu đích danh Azerbaijan. Thông cáo của Liên Âu cũng không nêu lên những hành động đáp trả chống lại Baku do bị một số nước phản đối.  

Bà Marie Dumoulin, cựu ngoại giao Pháp, giám đốc chương trình Châu Âu mở rộng tại Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu trên nhật báo công giáo La Croix, giải thích : trái với Ukraina, tính chất phức tạp của hồ sơ Thượng Karabakh vấp phải hai nguyên tắc đối ngược nhau trong luật pháp quốc tế : Quyền tự quyết của một dân tộc và việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia.  

Chính vì điều này mà không một nước nào trên thế giới dám công nhận nước cộng hòa tự phong Artsakh sau thắng lợi của người Armenia trong cuộc chiến với Azerbaijan hồi đầu thập niên 1990. Trong suốt ba thập niên, Azerbaijan luôn cho mình là nạn nhân của việc nước cộng hòa tự phong này chiếm đóng một phần lãnh thổ, ngoài vùng Thượng Karabakh, dẫn đến hệ quả là người dân Azerbaijan thời kỳ đó buộc phải di tản ồ ạt.   

Mọi ý đồ đạt được một thỏa thuận đàm phán đều bị Armenia – khi ấy trong thế thượng phong – bác bỏ. Đây thực sự là một sai lầm chính trị của người Armenia theo như đánh giá của nhà địa chính trị học Didier Billion, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS trên tờ Midi Libre ngày 03/10/2023.  

Khí đốt : Một chiếc xiềng khác của châu Âu  

Chỉ có điều việc Nga bận tâm với cuộc chiến ở Ukraina, bỏ bê đồng minh Armenia đã mang lại cho Azerbaijan một « thời cơ vàng » để thu hồi toàn bộ vùng lãnh thổ mà Baku cho là thuộc chủ quyền của họ, và đó cũng là một chủ đề nhậy cảm đối với nhiều nước châu Âu dù những nước này có bày tỏ sự đồng cảm đối với lý lẽ của người Armenia Thượng Karabakh.  

Tuy nhiên, cũng trên tờ La Croix, nhà nghiên cứu Francis Perrin, cộng tác viên cho Policy Center For The New South, và là giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, chính sự phụ thuộc vào khí đốt của Liên Âu vào Azerbaijan là « một yếu tố » giải thích cho sự đáp trả yếu ớt của khối 27 nước.   

Nhằm đa dạng nguồn cung, tránh dùng khí đốt của Nga vì cuộc chiến Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu mùa hè năm 2022 đã đúc kết một thỏa thuận với Baku. Tính đến hôm nay, EU đã nhập khẩu 12 tỷ mét khối khí đốt Azerbaijan và có thể sẽ đạt mức 20 tỷ mét khối vào năm 2027. Đương nhiên, con số này vẫn còn quá ít so với mức 150 – 160 tỷ mét khối khí đốt mà Nga cung cấp cho EU trước khi có chiến tranh.  

Đối với châu Âu lúc này, Azerbaijan là một phần giải pháp thay thế, tuy ít, nhưng không thể bỏ qua, nhất là trong bối cảnh những biến động của thị trường khí đốt có tác động mạnh lên mức giá điện trong khu vực. Do vậy, việc bỏ qua khí đốt của Azerbaijan để đi tìm từ 10-20 tỷ mét khối ở nơi khác có lẽ sẽ là điều không dễ.   

Cuối cùng, trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng hiện nay, Liên Âu cũng khó mà trừng phạt Azerbaijan. Quốc gia này là một nước cựu thành viên Xô Viết. Điểm mặt Baku lúc này chẳng khác gì một lần nữa đẩy Azerbaijian vào vòng tay của Matxcơva.  

Dù vậy, giới chuyên gia đều có chung một kết luận, đối với châu Âu, đang bị cuộc chiến Ukraina đeo bám, rõ ràng tình hình ở Thượng Karabakh không hẳn là một ưu tiên !  


**************
rfi.fr

Ukraina ký hàng loạt hợp đồng vũ khí với các nhà công nghiệp quốc phòng Pháp

Anh Vũ

AFP dẫn các nguồn thạo tin ngày 02/10/2023 cho biết, Ukraina đã ký với nhiều tập đoàn công nghiệp Pháp một loạt hợp đồng cung cấp vũ khí nhân diễn đàn công nghiệp quốc phòng được tổ chức tại Kiev trong tuần qua. Đã có 15 hợp đồng được ký, phần lớn là những thỏa thuận hợp tác sản xuất vũ khí tại Ukraina.

Đăng ngày:

3 phút

Lính Ukraina chuẩn bị khai hỏa khẩu pháo tự hành CAESAR - do Pháp sản xuất ở gần Avdiivka, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 26/12/2022.
Lính Ukraina chuẩn bị khai hỏa khẩu pháo tự hành CAESAR - do Pháp sản xuất ở gần Avdiivka, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 26/12/2022. AP - Libkos

Theo nguồn tin bộ Quân Lực Pháp, tập đoàn Nexter, đại diện Pháp trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Pháp-Đức (KNDS) sẽ cung cấp thêm 6 đại bác loại Caesar (loại pháo cơ động 155 ly tầm bắn 40 km), ngoài 30 khẩu Caesar đã được giao và 19 khẩu khác đã chuyển từ Đan Mạch cho Ukraina.

Để đáp ứng nhu cầu, công ty Nexter đã phải tăng tốc sản xuất khẩu pháo Caesar, rút ngắn thời gian sản xuất từ 3 năm xuống 18 tháng, tăng sản lượng mỗi tháng từ 2 lên 6 khẩu.

Nexter đã ký hợp đồng với một công ty của Ukraina trong việc bảo trì pháo Caesar và xe bọc thép AMX-10, cũng như chế tạo tại chỗ một số phụ tùng. Bên cạnh đó còn có hợp đồng lắp đặt vũ khí trên các loại xe quân sự của Ukraina.

Công ty Pháp CEFA cũng ký hợp đồng cung cấp 8 robot rà phá mìn và 8 hệ thống xà lan cơ động để chuyên chở các chiến xa hạng nặng qua sông hồ. Các hệ thống này có thể dùng để lắp ráp thành cầu phao khi cần thiết.

Trước đó, hồi mùa hè công ty Delair đã ký hợp đồng cung cấp cho quân đội Ukraina 150 drone trinh sát và lần này công ty nhận thêm đơn hàng 150 chiếc khác. Ngoài ra, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng khác của Pháp như Thales, Turgis & Gaillard cũng đã ký thỏa thuận với nhiều hãng Ukraina để cùng chế tạo các drone.

Bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp, Sébastien Lecornu hôm 28/09 đã đến thăm Kiev và dự diễn đàn của các nhà công nghiệp quốc phòng, lần đầu tiên tổ chức tại thủ đô Ukraina. Tháp tùng ông có khoảng hai chục đại diện các hãng công nghiệp Pháp. Mục đích chuyến đi là thảo luận phương thức hỗ trợ quân sự của Pháp cho Ukraina trong tương lai. Tổng số có 15 hợp đồng của các hãng công nghiệp pháp, một thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục vũ khí Pháp (DGA) đã được ký với phía Ukraina, trong chuyến thăm của bộ trưởng Quân Lực Pháp.

Tuy nhiên, hiện tại chưa có thông tin liên quan đến cách thức chi phí cho các hợp đồng nói trên. 

Trên RFI Pháp ngữ, tướng Dominique Trinquand, nguyên trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc phân tích về chủ trương của Paris hỗ trợ Kiev sản xuất vũ khí tại chỗ : 

« Tôi cho rằng chiến lược này đáp ứng viễn cảnh một cuộc chiến tranh lâu dài mà Ukraina và các nước châu Âu đang đối mặt. Các nước xây dựng chủ trương hậu cần để giúp thúc đẩy cung cấp các khí tài phù hợp cho quân đội Ukraina. Chiến lược mang tính sống còn cho Ukraina và các nước châu Âu. Cần phải tăng năng lực sản xuất của công nghiệp quân sự. Trước tiên là để rút ngắn đường vận chuyển bằng cách sản xuất tại Ukraina, đồng thời cũng là để hỗ trợ hiệu quả hơn cho Ukraina. Trái lại có điểm khá nhạy cảm là các điểm sản xuất sắp được đặt tại Ukraina có thể trở thành mục tiêu của các tên lửa Nga. Vì thế mà tổng thống Zelensky đã đề nghị nỗ lực đặc biệt vào hệ thống phòng không. »


************
rfi.fr

Liên Hiệp Châu Âu công bố danh sách các công nghệ quan trọng cần tăng cường giám sát, bảo vệ

Thùy Dương

Ủy Ban Châu Âu dự kiến ​​hôm 03/10/2023 công bố danh sách các công nghệ quan trọng cần được giám sát và bảo vệ tốt hơn trước các quốc gia đối thủ, chẳng hạn Trung Quốc. 

Đăng ngày:

2 phút

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (P) cùng ủy viên Thị trường Nội địa Châu Âu Thierry Breton ở Bruxelles, Bỉ, ngày 28/09/2023.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (P) cùng ủy viên Thị trường Nội địa Châu Âu Thierry Breton ở Bruxelles, Bỉ, ngày 28/09/2023. AP - Virginia Mayo

Theo AFP, danh sách các công nghệ quan trọng cần được Liên Âu giám sát và bảo vệ tốt hơn có thể bao gồm trí thông minh nhân tạo, công nghệ lượng tử hoặc chất bán dẫn. Danh sách chính thức sẽ được công bố vào chiều nay. Một cuộc họp báo theo dự kiến diễn ra vào 15h30, giờ châu Âu.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh trong tháng 09/2023, Liên Âu đã mở một cuộc điều tra vì nghi ngờ Bắc Kinh tài trợ cho các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc, làm dấy lên căng thẳng với Trung Quốc. Về mặt chính thức, các phương thức kể trên không nhắm vào Trung Quốc, nhưng trên thực tế, vừa là đối tác vừa là đối thủ chiến lược của châu Âu, Trung Quốc đang bị nhắc đến nhiều.

Ủy viên Châu Âu đặc trách thị trường nội địa, Thierry Breton, tuyên bố là Bruxelles « giữ lời hứa giảm thiểu các nguy cơ cho kinh tế châu Âu (...) Đây là một bước quan trọng để tăng cường khả năng phục hồi » của Liên Âu. Ông Thierry Breton nói thêm : « Chúng ta phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các công nghệ quan trọng của mình, đánh giá nguy cơ rủi ro và nếu cần thì có biện pháp để bảo vệ các lợi ích chiến lược và an ninh của mình. Châu Âu thích nghi với thực tế địa chính trị mới, chấm dứt kỷ nguyên ngây thơ và giờ đây hành động như một cường quốc địa chính trị thực thụ ».

Để bảo đảm an ninh về các công nghệ then chốt, Liên Âu phải xác định nhiều kiểu biện pháp mà họ có thể dùng đến : thiết lập các quan hệ đối tác quốc tế, hỗ trợ cho các lĩnh vực công nghệ then chốt của châu Âu, áp dụng các công cụ đáp trả mới như các kiểm soát xuất khẩu hoặc kiểm soát đầu tư, phong tỏa khả năng tiếp cận thị trường công của khối, chặn cấp phép đưa vào thị trường Liên Âu một số sản phẩm nước ngoài…

Cũng vào chiều nay, theo dự kiến, Ủy viên Thương mại châu Âu Valdis Dombrovskis điều trần trước Nghị Viện Châu Âu về quan hệ thương mại với Trung Quốc. Thâm hụt thương mại của Liên Âu với Trung Quốc năm 2022 lên tới gần 400 tỷ euro.


**********
rfi.fr

Hoa Kỳ : Chủ tịch Hạ Viện bị chính phe mình kiến nghị bất tín nhiệm

Anh Vũ

Sau khi cho thông qua vào phút chót luật cung cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ liên bang Hoa Kỳ, chủ tịch Hạ Viện thuộc đảng Cộng Hòa Kevin McCarthy đang có nguy cơ bị phế truất. Ngày 02/10/2023, một dân biểu thuộc phái cứng rắn trong đảng Cộng Hòa đã nộp kiến nghị bỏ phiếu bất tính nhiệm đối với ông Kevin MacCarthy. Thủ tục rất hiếm khi xảy ra tại Quốc Hội Hoa Kỳ này hứa hẹn sẽ còn làm dấy lên những xáo động trong chính trường Mỹ những ngày tới.

Đăng ngày:

2 phút

Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy phát biểu trước cánh báo chí, tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 23/09/2023.
Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy phát biểu trước cánh báo chí, tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 23/09/2023. REUTERS - JONATHAN ERNST

Thông tín viên RFI tại Washington, Guillaume Naudin cho biết chi tiết :

"Dân biểu bang Florida, Matt Gaetz đã cảnh báo, nếu ông Kevin McCarthy phải cần đến những lá phiếu của phe Dân Chủ để tránh tình trạng « shutdown » ( chính phủ Mỹ phải đóng cửa vì hết tiền chi trả) , ông sẽ ra kiến nghị bất tín nhiệm buộc chủ tịch Hạ Viện mất chức. Và ông đã giữ lời. Trong tối thứ Hai, ông đã nộp đơn yêu cầu toàn thể Hạ Viện cho ý kiến về việc có duy trì vị trí chủ tịch Hạ Viện hay không.

Nếu như ông Matt Gaetz có thể làm điều đó là vì hồi tháng Giêng năm nay, để được bầu làm chủ tịch Hạ Viện sau 15 vòng bỏ phiếu, ông Kevin McCarthey đã chấp nhận nhượng bộ, theo đó chỉ cần một thành viện của phe đa số là đủ để có thể đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Kể từ đó, phe cứng rắn trong đảng Cộng Hòa đã không ngại gì đưa ra đe dọa.

Điều mà ông Matt Gaetz chỉ trích ông Kevin McCarthy đó là đã thỏa thuận bí mật với tổng thống Joe Biden để tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraina. Cho dù tổng thống Mỹ đã đích thân công khai nhắc đến thỏa thuận này hôm Chủ Nhật vừa rồi, ông Kevin McCarthy vẫn từ chối xác nhận.

Nhiều dân biểu Cộng Hòa tỏ ý sẵn sàng bỏ phiếu chống lại lãnh đạo của họ. Chắc chắn số này đủ đông để đương sự muốn giữ được chức sẽ phải cần đến sự hỗ trợ của phe Dân Chủ.

Vẫn còn chưa có quyết định nào, nhưng sự ủng hộ, dù là một phần, của phe Dân Chủ chắc hẳn sẽ không vô tư. Những nhượng bộ đó sẽ càng làm dấy thêm nỗi phẫn nộ của những người cực kỳ bảo thủ trong phe Cộng Hòa."


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn