Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 26 -1-2023 ( Cập nhật nhiều lần )

Thứ Năm, 26 Tháng Giêng 20234:20 CH(Xem: 1837)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất ngày 26 -1-2023 ( Cập nhật nhiều lần )

Hoaluc 3
***************

Quân Israel đột kích vào Jenin, giết chết 7 tay súng và 2 thường dân Palestine

Reuters

Biệt kích Israel giết chết 7 tay súng và 2 thường dân trong một cuộc đột kích vào một thị trấn điểm nóng ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng hôm 26/1, các quan chức Palestine cho biết, làm dấy lên lo ngại sẽ có thêm xung đột sau vụ việc đơn lẻ có số người chết lớn nhất trong nhiều năm giao tranh.

Các nhà hòa giải của Liên Hợp Quốc và Ả rập cho biết họ đang đàm phán với Israel và các phe phái Palestine với hy vọng ngăn chặn leo thang sau cuộc đụng độ ở Jenin, là một trong các địa điểm ở phía bắc Bờ Tây vốn đã chứng kiến việc Israel tăng cường các hoạt động hồi năm ngoái.

Quân đội Israel cho biết họ đã triển khai lực lượng đặc biệt vào Jenin để bắt giữ các thành viên của nhóm vũ trang Thánh chiến Hồi giáo bị nghi ngờ đã thực hiện và lên kế hoạch ‘nhiều cuộc tấn công khủng bố lớn’, bắn một số người trong bọn họ sau khi họ nổ súng.

Thánh chiến Hồi giáo, còn gọi là phong trào Jihad, cho biết hai người của họ đã chết trong lúc chiến đấu với cuộc đột kích sâu bất thường vào trại tị nạn ở Jenin, một cứ điểm của phiến quân. Bốn tay súng bị giết được Hamas nói là người của họ, một người khác thuộc cánh vũ trang của Fatah, phong trào chính trị của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Hai người chết khác là một nam và một nữ thường dân, người dân địa phương cho biết.

Các cuộc đàm phán của ông Abbas với Israel do Mỹ bảo trợ để bàn về quy chế nhà nước Palestine đã bị đình trệ hồi năm 2014.

Người phát ngôn của ông Abbas lên án vụ tấn công vào Jenin là ‘thảm sát được tiến hành trong bối cảnh cộng đồng quốc tế im lặng đáng ngờ’.

Trong cuộc đụng độ kéo dài ba giờ, tiếng súng vang lên trong những con hẻm chật chội của trại tị nạn, cũng như những tiếng nổ thi thoảng từ những quả bom tự chế do các chiến binh kích nổ. Thanh niên ném đá vào xe quân đội. Không có thương vong từ phía Israel.

Sau khi binh lính rút lui và khói và hơi cay bay hết, những dân thường đã chạy ra xa liền đổ về trại tị nạn để kiểm tra thương vong. Một tòa nhà hai tầng là tâm điểm giao tranh đã bị thiệt hại nặng nề.

Bạo lực đã gia tăng kể từ khi có một loạt các cuộc tấn công đường phố chết chóc của người Palestine ở Israel vào tháng 3 và tháng 4. Bế tắc ngoại giao đã giúp Hamas và Jihad tranh thủ được sự ủng hộ của người Palestine. Hai nhóm này từ chối chung sống hòa bình với Israel. Nước này gần đây có chính phủ mới cứng rắn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu với các thành viên nội các phản đối việc Palestine thành lập nhà nước.

Một quan chức Jihad nói với Reuters rằng họ đã yêu cầu các nhà hòa giải quốc tế cảnh báo Israel rằng bạo lực Jenin ‘có thể lan rộng khắp nơi’. Phó lãnh đạo Hamas, ông Saleh Al-Arouri, cho biết trong một tuyên bố rằng phản ứng vũ trang ‘sẽ sớm xảy ra’.


**********
bbc.com

Nga phóng tên lửa vào Ukraine sau khi phương Tây tuyên bố viện trợ xe tăng


  • Tác giả, James Waterhouse và Marita Moloney
  • Vai trò, BBC News, Kyiv và London

Reuters

Nguồn hình ảnh, Reuters

Nga đã phóng một loạt tên lửa vào Ukraine hôm thứ Năm, một ngày sau khi Đức và Hoa Kỳ cam kết cung cấp xe tăng để hỗ trợ Kiev chống lại cuộc xâm lược.

Lực lượng cứu hộ khẩn cấp của Ukraine cho biết đã có 11 người tử vong và 11 người khác bị thương sau khi 35 tòa nhà bị đổ sập ở một số khu vực.

Lực lượng này cho biết thêm các tòa nhà dân cư là ở khu vực Kyiv bị thiệt hại nặng nề nhất.

Giới chức cũng báo cáo rằng đã có các cuộc tấn công nhắm vào hai cơ sở năng lượng ở khu vực Odesa.

Cuộc tấn công diễn ra vào lúc Nga nói họ coi việc cung cấp xe tăng là sự can dự "trực tiếp" của phương Tây vào cuộc xung đột.

Trong một cuộc tấn công liên tục và trên diện rộng, người đứng đầu quân đội Ukraine cho biết Moscow đã phóng 55 tên lửa trên không và trên biển trong hôm thứ Năm.

Ông Valery Zaluzhny nói thêm rằng 47 quả trong số đó đã bị bắn hạ, trong đó có 20 quả ở khu vực quanh Kyiv.

Trước đó, lực lượng không quân Ukraine cho biết họ đã bắn hạ một nhóm máy bay không người lái tấn công do Iran sản xuất mà quân Nga phóng đi từ Biển Azov ở miền nam Ukraine.

Các quan chức cho biết một người đàn ông 55 tuổi đã thiệt mạng và hai người khác bị thương khi các tòa nhà không phải là nhà ở ở phía nam thủ đô bị tấn công.

Cuộc tấn công là sự tiếp nối chiến thuật kéo dài nhiều tháng của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Trong mùa đông lạnh giá, các nhà máy điện đã bị phá hủy và hàng triệu người không có điện thắp sáng.

DTEK, hãng sản xuất điện tư nhân lớn nhất của Ukraine, cho biết sau các cuộc đình công hôm thứ Năm, việc cắt điện khẩn cấp đã được thi hành ở Kyiv và một số khu vực khác để giảm bớt áp lực lên lưới điện.

Trước đó một ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hứa sẽ cung cấp cho Ukraine 14 xe tăng Leopard 2, sau nhiều tuần chịu sức ép quốc tế. Chúng được coi là nằm trong số những xe tăng chiến đấu hiệu quả nhất hiện có.

Những thứ vũ khí hạng nặng này dự kiến sẽ đến nơi vào cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư.

Tổng thống Joe Biden sau đó tuyên bố Hoa Kỳ sẽ gửi 31 xe tăng chiến đấu M1 Abrams, đánh dấu sự đảo ngược lập luận lâu nay của Lầu Năm Góc rằng chúng không phù hợp với chiến trường Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh động thái này nhưng hối thúc việc giao xe tăng nhanh chóng. Ông cũng kêu gọi phương Tây gửi tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu.

Nhưng để xe tăng trở thành "thứ làm thay đổi cuộc chơi", Ukraine sẽ cần có từ 300 đến 400 chiếc, một cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói với chương trình Today của BBC Radio 4.

"Chúng tôi càng sớm đánh bại Nga trên chiến trường bằng vũ khí phương Tây bao nhiêu thì chúng tôi càng sớm có thể ngăn chặn cuộc khủng bố tên lửa này và khôi phục hòa bình," ông Yuriy Sak nói.

Phát biểu trong cùng một chương trình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết việc gửi xe tăng tới Ukraine sẽ tạo ra sự khác biệt lớn đối với khả năng giành chiến thắng của Ukraine trong cuộc chiến.

Ông cũng cảnh báo rằng Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công mới, ngay khi có các tường thuật từ Ukraine về các cuộc tấn công tên lửa sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hồi đêm.


**********
voatiengviet.com

Nga xem như phương Tây dính líu trực tiếp khi hứa giao xe tăng cho Ukraine

Reuters

Nga cho biết hôm 26/1 họ coi việc phương Tây hứa giao xe tăng cho Ukraine là bằng chứng Mỹ và châu Âu dính líu trực tiếp và ngày càng nhiều vào cuộc xung đột.

Điện Kremlin lần đầu tiên phản ứng trước các tuyên bố của Mỹ và Đức hôm 25/1 rằng họ sẽ trang bị cho Ukraine hàng chục xe tăng chiến đấu trong cuộc chiến với Nga.

“Có những tuyên bố liên tục từ các thủ đô châu Âu và Washington rằng việc chuyển các hệ thống vũ khí khác nhau đến Ukraine, bao gồm cả xe tăng, không hề cho thấy sự dính líu của các nước này hay của liên minh NATO vào chiến sự ở Ukraine”, phát ngôn nhân Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.

“Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với điều này, và ở Moscow, mọi việc mà liên minh quân sự và các nước - mà tôi đã nêu - đang làm đều được coi là dính trực tiếp vào xung đột. Chúng tôi thấy sự dính líu này ngày càng tăng”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các xe tăng này ‘không gây ra mối đe dọa tấn công’ nào đối với Nga và chúng cần thiết để giúp quân Ukraine ‘cải thiện khả năng cơ động trên địa hình rộng lớn’.

Ukraine đang muốn có hàng trăm xe tăng hiện đại để tạo thành ‘nắm đấm tự do’, theo cách dùng từ của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, có thể đem mang lại hỏa lực cho quân Ukraine để phá vỡ các tuyến phòng thủ của Nga và giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng ở miền nam và miền đông. Cho đến nay, cả Ukraine và Nga đều chủ yếu dựa vào xe tăng T-72 có từ thời Liên Xô.

Nga, đã phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine vào ngày 24/2 năm ngoái, ngày càng miêu tả nó như là cuộc đối đầu với NATO.

“Tiến trình chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cho thấy Mỹ và NATO có ý định tiếp tục nỗ lực kéo dài xung đột quân sự này và đã trở thành các bên tham chiến”, ông Nikolai Patrushev, đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin và là thư ký Hội đồng An ninh của ông, được dẫn lời nói hôm 26/1.

Các nhà bình luận quân sự Nga tập trung chú ý vào các xe tăng Leopard do Đức sản xuất, mà cả Berlin và các thành viên NATO khác ở châu Âu hiện đang chuẩn bị chuyển đến Ukraine, mô tả chúng là mối đe dọa nhưng không phải là nhân tố xoay chuyển tình thế.

“Xe tăng Leopard (báo đốm) tương tự như loài mèo có họ hàng với cái tên của nó ở chỗ thoắt ẩn thoắt hiện. Có lẽ nó là loại xe tăng được ngụy trang tốt nhất, không dễ phát hiện, ngay cả từ trên không. Do đó, tấn công nó từ xa có những khó khăn nhất định”, phóng viên chiến trường Semyon Pegov nói. “Nhưng về bản chất, không có xe tăng nào là không thể phá hủy được”.

Một blogger chiến tranh khác, Yuri Kotenok, cho biết xe tăng phương Tây không phải là ‘vũ khí kỳ diệu’ nhưng sẽ đòi hỏi Nga phải thay đổi chiến thuật.

“Cần phải bơm vũ khí chống tăng cho các đơn vị trên tiền tuyến, súng phóng lựu, cả cầm tay và gắn trên xe, để xoáy vào các điểm yếu của xe tăng”, ông nói.


**********
bbc.com

Đức, Mỹ gửi xe tăng: Ukraine vui mừng, Nga nói Berlin ‘bị Mỹ ép’


Xe tăng M1 Abrams của Mỹ

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Xe tăng M1 Abrams của Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/1 đã xác nhận rằng Mỹ sẽ gửi 31 xe tăng Abrams tới Ukraine sau khi Đức đồng ý gửi xe tăng Leopard 2 cho Kyiv.

Số lượng 31 xe tăng của Mỹ tương đương với một tiểu đoàn tăng theo quy chuẩn của Ukraine.

Tổng thống Biden cho biết ông "biết ơn" Thủ tướng Olaf Scholz về đề nghị của Đức gửi xe tăng Leopard 2 tới Ukraine.

Cam kết với Ukraine là một "cam kết toàn cầu", Biden nói thêm.

Đức không muốn trở thành quốc gia duy nhất gửi xe tăng cho Ukraine, vì thế động thái của Washington được xem là nhằm hỗ trợ cho quyết định của Berlin.

Đức loan báo sẽ gửi một lô hàng đầu tiên gồm 14 xe tăng Leopard 2 A6, loại xe tăng chiến đấu chủ lực nặng 55 tấn với tầm bắn khoảng 311 dặm.

Tốc độ và tính dễ sử dụng của phương tiện này được coi là lợi thế đối với Ukraine.

Berlin cũng đã cho phép các nước châu Âu khác cung cấp xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất.

Viết bằng tiếng Anh và tiếng Ukraine, Tổng thống Volodomyr Zelensky bày tỏ lòng biết ơn đối với Hoa Kỳ và Tổng thống Joe Biden.

Ông ca ngợi đó là "một bước quan trọng trên con đường dẫn đến chiến thắng".

Đức sản xuất phần lớn xe tăng hạng nặng hiện đại ở châu Âu - loại tăng Leopard 2. Khoảng 2.000 xe tăng này được phân bổ giữa các đồng minh châu Âu. Và Đức nắm giữ tất cả các giấy phép xuất khẩu.

Vì thế, dù những nước khác như Ba Lan mong muốn cung cấp xe tăng cho Ukraine càng sớm càng tốt, họ đã bị ngăn cản vì thiếu đèn xanh tái xuất từ Berlin.

Na Uy đã xác nhận rằng họ sẽ gửi xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất tới Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjørn Arild Gram nói với đài truyền hình NRK, nhưng ông từ chối cho biết Na Uy sẽ cung cấp bao nhiêu xe tăng.

Ngày 25/1, khi được một phóng viên hỏi tại sao Mỹ cuối cùng lại quyết định gửi xe tăng - và liệu quyết định này có được đưa ra sau áp lực từ Đức hay không - Joe Biden cho biết ông muốn đảm bảo các đồng minh phương Tây hành động phối hợp.

"Nước Đức không buộc tôi phải thay đổi quyết định," ông nói. "Tôi muốn chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều ở bên nhau... như chúng ta đang làm bây giờ."

Phản ứng của Nga

Đại sứ Nga tại Mỹ đã phản đối quyết định của Mỹ gửi xe tăng M1 Abrams tới Ukraine, nói rằng động thái như vậy sẽ dẫn đến một "sự khiêu khích trắng trợn chống lại Liên bang Nga".

"Nếu Mỹ quyết định cung cấp xe tăng, thì việc biện minh cho bước đi đó bằng những lập luận về 'vũ khí phòng thủ' chắc chắn sẽ không hiệu quả", ông Anatoly Antonov viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

"Rõ ràng là Washington đang cố tình gây ra một đòn chiến lược đánh bại chúng tôi."

Người đứng đầu Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, Andrey Kortunov, phát biểu rằng Đức đã khuất phục trước áp lực từ bên ngoài.

"Rõ ràng là Hoa Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng ở đây, nhưng Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic và một số quốc gia khác ở Trung Âu cũng kiên trì thúc giục Đức làm điều này. Cuối cùng, quyết định đã được thông qua."

Trong khi đó, Fyodor Lukyanov, giám đốc nghiên cứu của Câu lạc bộ thảo luận Valdai, nói việc Berlin đồng ý gửi xe tăng Leopard là hệ quả của quá trình quân sự hóa chung của châu Âu.

"Rõ ràng là trong môi trường hiếu chiến hiện đang hình thành ở phương Tây, người Đức thực sự không thể từ chối."

Cùng ngày 25/1, phát biểu nhân Ngày Sinh viên Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine là để tự vệ.

"Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, mục tiêu chủ yếu là để bảo vệ người dân và chính nước Nga khỏi các mối đe dọa đặt ra cho họ trên vùng đất lịch sử giáp lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi không thể cho phép điều này xảy ra."


***********
rfi.fr

Tây Ban Nha thông báo cấp chiến xa Leopard cho Ukraina

Thùy Dương

Ảnh tư liệu : Xe tăng Léopard 2 của quân đội Đức trong một cuộc thao dượt tại căn cứ Munster, Đức, ngày 28/09/2011.
Ảnh tư liệu : Xe tăng Léopard 2 của quân đội Đức trong một cuộc thao dượt tại căn cứ Munster, Đức, ngày 28/09/2011. AP - Michael Sohn

Sau quyết định của Berlin đồng ý cấp xe tăng chiến đấu hạng nặng Leopard của Đức cho Ukraina chống quân Nga xâm lược, đến lượt Tây Ban Nha thông báo sẽ gửi chiến xa Leopard cho Kiev. Tuy nhiên, chính phủ của thủ tướng Pedro Sanchez hôm qua, 25/01/2023, không nói rõ sẽ cấp cho Ukraina bao nhiêu xe tăng.

Từ Madrid, thông tín viên François Musseau giải thích về quyết định của chính quyền Sanchez :

« Ngay từ đầu, đảng Xã Hội đã nói rõ rằng họ sẽ bật đèn xanh cho việc cấp xe tăng chiến đấu cho Kiev nếu và chỉ nếu trong trường hợp có một thỏa thuận của châu Âu được đưa ra trước. Đối với họ, quyết định của Đức là đủ để Tây Ban Nha tham gia vào nhóm các nước tiếp bước ủng hộ. Felix Bolanos, nhân vật số hai trong chính phủ cánh tả, phát biểu : « Tại sao chúng ta lại có thể không hiện diện ở nơi mà các đồng minh cần chúng ta ? ». Chính phủ của thủ tướng Sanchez nói rõ rằng nếu các nước châu Âu không có một lập trường rõ ràng và cứng rắn với Putin, thì Nga có thể không dừng lại ở việc xâm lược Ukraina.

Tây Ban Nha có 168 xe tăng chiến đấu Leopard, một nửa trong số đó là tại Saragosse, tỉnh Aragon. Nhưng theo bộ trưởng Quốc Phòng, những chiến xa này đang trong tình trạng tồi tệ. Có một khó khăn khác, đó là sự phản đối công khai của đảng cực tả Unidas Podemos, đảng thành viên chính phủ liên minh của thủ tướng Pedro Sanchez. Unidas Podemos cho rằng việc gửi xe tăng có thể gây ra những hậu quả không lường trước được và chủ trương nên ưu tiên con đường ngoại giao với Matxcơva. »


**********
rfi.fr

Chiến tranh Ukraina : Mỹ cấp xe tăng hạng nặng Abrams cho Kiev

Thanh Hà

HOA KỲ CUNG CẤP XE TĂNG CHO UKRAINA

Đăng ngày:

Ảnh tư liệu : Xe tăng chiến đấu Abrams tại ga xe lửa Pabrade gần Vilnius, Litva, ngày 21/10/2019.
Ảnh tư liệu : Xe tăng chiến đấu Abrams tại ga xe lửa Pabrade gần Vilnius, Litva, ngày 21/10/2019. AP - Mindaugas Kulbis

Sau nhiều tuần lễ do dự, ngày 25/01/2023, tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ sẽ chuyển giao 31 chiếc xe tăng hạng nặng Abrams cho Ukraina, để giúp Kiev « bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ». Trong một phát biểu ngắn gọn, lãnh đạo Nhà Trắng nhấn mạnh đây không là một hành động « gây hấn với Nga », đồng thời cho biết Washington đã tham khảo ý kiến các đối tác châu Âu Anh, Pháp, Đức và Ý, trước khi ra quyết định.

Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều thời gian cho đến khi quân đội nước này làm chủ được những xe tăng mà Mỹ chuyển giao.

Từ thủ đô Washington, thông tín viên Guillaume Naudin giải thích :

« Abrams M1, mà Mỹ sẽ giao 31 chiếc, là loại xe tăng lợi hại nhất trên thế giới. Tổng thống Hoa Kỳ đã hãnh diện tuyên bố như trên. Lợi hại nhất, nhưng cũng rất khó sử dụng. Sẽ mất nhiều tháng từ nay cho đến khi lính Ukraina sẵn sàng để được trao loại chiến xa này. Họ phải được đào tạo để sử dụng và kể cả bảo trì, bởi đây là những loại thiết bị hết sức phức tạp và không chắc là hoàn toàn thích hợp với địa hình, theo như giải thích của quân đội Mỹ.

Trước mắt, quyết định của Hoa Kỳ đã thuyết phục nhiều quốc gia khác hỗ trợ Ukraina về mặt quân sự dứt khoát trao xe tăng hạng nặng cho Kiev. Đức sẽ gửi 14 chiếc Leopard 2, có thể là không lợi hại bằng Abrams của Mỹ, nhưng cũng thuộc loại hiện đại nhất và hơn hẳn các kiểu xe tăng của Nga. Leopard 2 của Đức dễ sử dụng hơn và không đòi hỏi quá nhiều thời gian để đưa tới hiện trường. Berlin cũng đã đồng ý cho các quốc gia khác, như Ba Lan hay Tây Ban Nha, cung cấp cho Ukraina xe tăng của Đức mà họ đang có. 

Nhà Trắng cho biết mục tiêu của Washington là cùng với các đối tác châu Âu nhanh chóng giúp Ukraina có được ít nhất 2 tiểu đoàn để giành chiến thắng trên trận địa. Ngoài mục đích quân sự đó, Washington cũng đang nhắm tới mục tiêu ngoại giao, đó là thể hiện sự đoàn kết với các đối tác châu Âu trước việc Nga đưa quân xâm chiếm Ukraina.

Tranh cãi xung quanh việc giao xe tăng hạng nặng cho chính quyền Kiev trong những tuần qua có vẻ như đã làm suy yếu mức độ đoàn kết đó, bởi Mỹ lo ngại Nga sẽ coi đây như một hành động leo thang chiến tranh. Do vậy, trong phát biểu hôm qua, Joe Biden đã cố nhấn mạnh đến những nỗ lực của châu Âu, và đã nêu đích danh tất cả những nước đã viện trợ quân sự cho Ukraina. Tổng thống Biden đặc biệt hoan nghênh thái độ của thủ tướng Đức. Ông cũng không quên nhắc đến vai trò đầu tàu của Mỹ trong liên minh quốc tế này ».

Phản ứng của Nga

Matxcơva hôm qua coi việc phương Tây nhất trí trao xe tăng hạng nặng cho Ukraina là một quyết định « cực kỳ nguy hiểm ». Đại sứ Nga tại Berlin Sergueie Netchaev cho rằng « xung đột Ukraina sẽ được đẩy lên một cấp độ mới » và thái độ của Đức và các nước đồng minh cho thấy phương Tây « không muốn giải quyết khủng hoảng Ukraina bằng con đường ngoại giao ». Theo ông, các Âu Mỹ « chỉ muốn làm cho tình hình căng thẳng thêm ».


************

Sau xe tăng, Ukraine sẽ yêu cầu phương Tây cấp máy bay chiến đấu

Reuters

Ukraine giờ đây sẽ thúc đẩy để có được các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của phương Tây như F-16 của Mỹ sau khi đảm bảo nguồn cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực, một cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết ngày 25/1.

Ukraine đã giành được một sự hỗ trợ lớn cho quân đội của mình khi Đức công bố kế hoạch cung cấp xe tăng hạng nặng cho Kyiv hôm 25/1, chấm dứt nhiều tuần bế tắc ngoại giao về vấn đề này. Hoa Kỳ ngay sau đó cũng tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine 31 xe tăng chiến đấu tiên tiến nhất.

Ông Yuriy Sak, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, nói với Reuters qua điện thoại: “Rào cản lớn tiếp theo bây giờ sẽ là các máy bay chiến đấu.”

Lực lượng Không quân Ukraine có một phi đội máy bay chiến đấu cũ kỹ từ thời Liên Xô, được đưa ra khỏi dây chuyền lắp ráp trước khi Kyiv tuyên bố độc lập hơn 31 năm trước. Các máy bay chiến đấu được sử dụng cho các nhiệm vụ đánh chặn và tấn công các vị trí của Nga.

“Nếu chúng tôi có được chúng (máy bay chiến đấu phương Tây), lợi thế trên chiến trường sẽ vô cùng lớn... Không chỉ F-16 (máy bay chiến đấu đa năng của Mỹ): máy bay thế hệ thứ tư, đây là thứ chúng tôi muốn.”

Hỗ trợ quân sự của phương Tây rất quan trọng đối với Kyiv và đã phát triển nhanh chóng trong chiến tranh. Trước cuộc xâm lược, ngay cả ý tưởng cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraine cũng gây nhiều tranh cãi nhưng các nguồn cung cấp của phương Tây kể từ đó đã phá vỡ hết điều cấm kỵ này đến điều cấm kỵ khác.

“Họ không muốn cung cấp cho chúng tôi pháo hạng nặng, sau đó họ đã làm. Họ không muốn cung cấp cho chúng tôi hệ thống Himars, sau đó họ đã làm. Họ không muốn cung cấp cho chúng tôi xe tăng, giờ họ đang cung cấp cho chúng tôi xe tăng. Trừ vũ khí hạt nhân, không có gì còn lại mà chúng tôi sẽ không nhận được,” ông Sak nói.

Ukraine, quốc gia bị Nga xâm chiếm vào tháng 2 năm ngoái, cũng cho biết họ muốn nhận phi đạn tầm xa từ phương Tây.

Moscow đã phản ứng dữ dội vào ngày 25/1 khi Đức chấp thuận chuyển giao cho Ukraine xe tăng Leopard 2, chủ lực của các quân đội trên khắp châu Âu, trong một quyết định chắc chắn sẽ củng cố sức mạnh tấn công của Ukraine.

Ông Justin Bronk, một nhà nghiên cứu tại cơ quan nghiên cứu RUSI ở London, cho biết Lực lượng Không quân Ukraine sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ các máy bay chiến đấu phương Tây về khả năng không đối không và khả năng sát thương không đối đất.

Tuy nhiên, ông viết trên Twitter rằng họ vẫn có nguy cơ cao trước các phi đạn đất đối không của Nga, buộc chúng phải bay rất thấp gần tiền tuyến, điều này “sẽ làm giảm đáng kể tầm bắn hiệu quả của phi đạn và hạn chế các lựa chọn tấn công”.

Mặc dù thiếu bất kỳ chuyển động rõ rệt nào về vấn đề này, Lực lượng Không quân Ukraine đã khao khát có được những chiếc máy bay tốt hơn trong suốt cuộc chiến.

Tháng trước, một phi công người Ukraine có mật danh Juice nói với Reuters rằng nhiều đồng nghiệp của ông trong Lực lượng Không quân đang học tiếng Anh trong thời gian rảnh rỗi với dự đoán rằng một ngày nào đó Kyiv sẽ nhận được máy bay nước ngoài như máy bay chiến đấu F-16.


**************
voatiengviet.com

Nhóm lính đánh thuê của Nga tuyển mộ tù nhân đi chiến đấu, y như chiến thuật Stalin

VOA News

Tòa Bạch Ốc xác nhận với VOA điều mà các chuyên gia đã nói từ lâu—rằng Nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga ngược đãi những tù nhân bị đưa ra tiền tuyến tại Ukraine và tỷ lệ thương vong thật đáng kinh ngạc.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu 20/1 với VOA: “Tỷ lệ thương vong của các tù nhân ấy là cực kỳ cao. Trên thực tế, chúng tôi nghĩ là 90% thương vong của họ là những người tù.”

Khi Nga vất vả để giữ lãnh thổ ở Ukraine, các quan chức Hoa Kỳ tin rằng Điện Kremlin đang ngày càng dựa vào Tập đoàn Wagner để tuyển mộ hàng ngàn tù nhân đưa ra tiền tuyến của cuộc chiến.

Theo ước tính của tình báo Hoa Kỳ, công ty quân sự tư nhân của Nga do Yevgeny Prigozhin, một nhà tài phiệt và là người thân tín của Tổng thống Vladimir Putin, điều hành, hiện có 50.000 quân ở Ukraine, 40.000 trong số đó là tù nhân Nga.

Vào giữa mùa hè, Prigozhin đến một số nhà tù trên khắp nước Nga để tuyển mộ tù nhân cho nỗ lực chiến tranh.

Những nỗ lực của ông này phần lớn đã thành công và hàng chục nghìn tù nhân đã đồng ý gia nhập hàng ngũ của Tập đoàn Wagner.

Bà Olga Romanova, giám đốc điều hành của nhóm dân quyền Russia Behind Bars, nói với VOA rằng các tù nhân đồng ý ký hợp đồng sáu tháng với tập đoàn được trả khoảng 3.000 đô la một tháng. Nhưng tiền bạc không phải là động cơ thúc đẩy họ.

“Tất nhiên, động cơ chính của họ là được tự do,” bà Romanova nói. Những người bị kết án gia nhập Tập đoàn Wagner được hứa sẽ được ân xá hoàn toàn và trả tự do khi kết thúc hợp đồng của họ.

Nhưng thực tế cuộc sống dọc theo chiến tuyến - đặc biệt là sự lạm quyền của các chỉ huy Wagner - đã gây sốc đến mức mong muốn được phục vụ của những người bị kết án giảm đi đáng kể vào cuối năm.

“Việc tuyển mộ của họ đã thực sự yếu đi,” bà Romanova nói. “Trước hết là vì những vụ hành quyết phi pháp, những lời hứa không được thực hiện và tất nhiên là thương vong cao — rất cao.”

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn chính trị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, đã viết trên Twitter vào tuần trước rằng “khoảng 77% trong số 38.244 tù nhân Nga được đưa đến chiến đấu ở Ukraine đã bị giết, bị thương hoặc bị bắt hoặc mất tích”.

Moscow bác bỏ các con số tử vong trong chiến tranh do nước ngoài hay các bên độc lập công bố, khẳng định hoạt động chiến tranh của họ đang diễn ra theo đúng kế hoạch và quân đội của họ đang củng cố các thành quả.

Nhưng những tuyên bố đó hoàn toàn trái ngược với thực tế trên thực địa: Quân đội Nga rút lui ở phía nam và đông bắc Ukraine; việc sử dụng hàng nghìn tù nhân để giữ tiền tuyến ở Donbas; và lệnh động viên 300.000 thường dân của ông Vladimir Putin vào tháng 9 năm ngoái.

Hoàn cảnh bất ngờ

Ông Denis Korotkov, điều tra viên tại Trung tâm Dossier có trụ sở tại London, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với VOA: “Ban đầu, theo như tôi biết Tập đoàn Wagner dự kiến sẽ không tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine.”

“Nhưng sau khi các trung đoàn chính quy của quân đội Nga bị tiêu diệt phần lớn và hao tổn sức mạnh vào tháng 3-tháng 4 năm 2022, Tập đoàn Wagner bất ngờ xuất hiện ở Ukraine và hóa ra là một trong những đơn vị quân sự chuyên nghiệp nhất của Nga,” ông nói.

Ông Korotkov cho biết kể từ khi thành lập vào năm 2014, Tập đoàn Wagner đã duy trì các quy trình tuyển chọn nhân viên tương đối chặt chẽ với các kỳ thi thể chất và kiểm tra lý lịch.

“Nhưng vào mùa xuân năm 2022, mọi thứ đã thay đổi. Nếu bạn có tay, chân và tốt nhất là có đầu, thì bạn đã tham gia,” ông Korotkov nói.

Tổn thất nhân sự nặng nề ở Ukraine cuối cùng đã buộc Wagner phải bắt đầu tuyển mộ tù nhân, những người mà việc sử dụng họ trên chiến trường Ukraine đã bị các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích.

Phóng viên chiến trường Ukraine Yuri Butusov đã phỏng vấn một số cựu tù nhân của Wagner sau khi họ đầu hàng hoặc bị bắt. Ông nói với VOA rằng trong trận chiến giành Soledar hơn một tháng qua, người Nga đã mất vài trăm binh sĩ mỗi ngày, hầu hết tất cả đều là tù nhân.

Ông nói: “Họ đang gọi những tù nhân này là ‘những người thế mạng’. “Để tấn công các cứ điểm của Ukraine, kẻ thù đang sử dụng các tiểu đoàn trong giới tù tội. Đây không phải là một phát minh mới. Thời Xô Viết, Stalin đã làm như vậy.”

Các tiểu đoàn trong Thế chiến II đó bao gồm các tù nhân Gulag của Liên Xô và được giao những nhiệm vụ khó khăn nhất, chẳng hạn như vượt qua hỏa lực dữ dội mà không có bất kỳ thiết bị hạng nặng nào hỗ trợ.

Trong một số trường hợp, ông Butusov cho biết, các tù nhân được trang bị kém của Nga được sử dụng cho các nhiệm vụ tương tự, chẳng hạn như thu hút hỏa lực của pháo binh Ukraine.

“Khi họ bị bắn, các chỉ huy Nga phát hiện ra vị trí pháo binh của kẻ thù,” ông Butusov nói.

Không lối thoát

Các nhà quan sát nói rằng những người bị kết án bị tước quyền không có lựa chọn nào khác ngoài việc chịu đựng sự lạm dụng. Bất kỳ cuộc nổi loạn hoặc cuộc đối đầu nghiêm trọng nào với các chỉ huy của Wagner thường dẫn đến hành quyết. Chỉ một vài tù nhân được biết là đã hoàn thành hợp đồng của họ và giành được tự do.

Ông Romanova cho biết trong số hàng chục nghìn tù nhân do Prigozhin tuyển mộ, cho đến nay chỉ có 106 người được trả tự do và được phép về nhà. “Nhưng có vẻ như tất cả bọn họ đều đã ký hợp đồng mới.”

Ông Romanova nói việc tù nhân ngày càng không mặn mòi với Tập đoàn Wagner không có khả năng làm gián đoạn kế hoạch sử dụng họ cho các mục tiêu địa chính trị của Điện Kremlin.

“Prigozhin sẽ đẩy thêm 20 đến 30 ngàn người ra khỏi nhà tù, và sau đó chính quyền sẽ bắt đầu huy động chính thức,” ông Romanova nói.

Vào tháng 11 năm ngoái, ông Putin đã ký thành luật một dự luật cho phép huy động những cá nhân có tiền án hoặc chưa được xóa tội, tạo ra một nhóm tân binh tiềm năng thậm chí còn lớn hơn.


***********

Đức tuyên bố đưa 'ít nhất 2 tiểu đoàn' xe tăng Leopard 2 đến Ukraine

TUOI TRE ONLINE

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm nay 25-1 tuyên bố sẽ đưa tới Ukraine xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, khẳng định Kiev sẽ có ít nhất hai tiểu đoàn loại này.

Đức tuyên bố đưa ít nhất 2 tiểu đoàn xe tăng Leopard 2 đến Ukraine - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Scholz thăm một căn cứ quân sự ở Bergen (Đức) hồi tháng 10-2022. Sau lưng ông là xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 - Ảnh: REUTERS

Quyết định của Đức sẽ mở đường cho các quốc gia khác như Ba Lan, Tây Ban Nha và Na Uy cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Hiện chưa rõ phiên bản nào sẽ được chuyển cho Ukraine.

Các binh sĩ Ukraine sẽ được Đức huấn luyện cách sử dụng và trực tiếp điều khiển chiến đấu. Điều này nhằm loại bỏ lo ngại NATO chính thức dính líu xung đột với Nga.

"Quyết định này phù hợp quan điểm đã nói trước đây là hỗ trợ Ukraine hết khả năng. Chúng tôi đang hành động với sự phối hợp chặt chẽ trên phạm vi quốc tế", ông Scholz cho biết trong một tuyên bố.

Theo thủ tướng Đức, mục tiêu của Berlin là giúp Kiev có được ít nhất hai tiểu đoàn xe tăng Leopard 2. Tùy vào cách quy định của từng nước, số lượng có thể dao động từ 45 đến hơn 50 xe tăng.

Trước mắt, Đức sẽ chuyển cho Ukraine 14 xe tăng Leopard 2 có sẵn trong kho dự trữ, kèm theo đạn dược và các hỗ trợ hậu cần khác. Thủ tướng Scholz cũng cam kết sẽ bật đèn xanh cho các nước khác chuyển xe Leopard 2 cho Ukraine "một cách nhanh chóng".

Chính phủ của ông Scholz đã trì hoãn viện trợ xe tăng chiến đấu chủ lực cho Kiev. Điều này là do Berlin lo ngại Nga leo thang xung đột hoặc có thể khiến NATO trở thành một bên trong xung đột.

Áp lực đã gia tăng lên Đức sau khi Anh, một nước trong NATO, tuyên bố sẽ gửi xe tăng Challenger 2 cho Ukraine.

Mỹ, nước dẫn dắt NATO, dự kiến cũng sẽ chuyển 30 xe tăng M1 Abrams cho Kiev trong vài tháng tới.

Đức tuyên bố đưa ít nhất 2 tiểu đoàn xe tăng Leopard 2 đến Ukraine - Ảnh 2.

Ukraine muốn 300 xe tăng

Đây là con số mà một quan chức phương Tây đã mô tả là "không quá đáng" và cần thiết cho một cuộc phản công hiệu quả ở chiến trường miền đông.

Leopard 2 là xe tăng hiện đại nhất châu Âu, được đánh giá cao hơn Challenger 2. "Người Ukraine thực sự muốn Leopard 2 vì số lượng xe tăng này là rất nhiều nếu tính trên khắp châu Âu", một quan chức Pháp am hiểu vấn đề nói với tờ Politico.

Anh và Ba Lan đã ngay lập tức hoan nghênh quyết định của Đức. Hiện Nga chưa lên tiếng bình luận, song trước đó Điện Kremlin đã cảnh báo sẽ "thiêu đốt" các xe tăng của Mỹ tại Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi sự hỗ trợ của Mỹ là "lãng phí tiền bạc", một "ý tưởng phi lý và thảm họa về công nghệ". Theo ông Peskov, những chiếc xe tăng này sẽ không tạo ra được khác biệt lớn cho quân đội Ukraine trên chiến trường.

"Những chiếc xe tăng này cũng sẽ cháy như những chiếc khác mà thôi", đại diện Điện Kremlin tuyên bố.


***********

Những cái tên nào vừa ra đi trong đợt thanh lọc nội bộ của tổng thống Ukraine?

La Vi

Chính quyền của Tổng thống Zelensky nói rằng các động thái này cho thấy nhà lãnh đạo đang quan tâm đến các ưu tiên của người dân. Ông Zelensky cảnh báo sẽ có thêm nhiều người phải ra đi trong những ngày tới.

Những người bị thay thế bao gồm Thứ trưởng Quốc phòng Vyacheslav Shapovalov, người bị cáo buộc thổi giá thực phẩm cung cấp cho quân đội; Phó Tổng công tố Oleksiy Symonenko sau khi được cho là đã dành kỳ nghỉ Tết cùng gia đình kéo dài 10 ngày ở bờ biển Tây Ban Nha bất chấp cuộc xung đột đang diễn ra; và Phó chánh văn phòng tổng thống Kyrylo Tymoshenko, người đã bị chỉ trích vì lái xe ô tô thể thao trong thời gian chiến sự. Ông Tymoshenko không đưa ra lý do từ chức.

Những cái tên nào vừa ra đi trong đợt thanh lọc nội bộ của tổng thống Ukraine? - ảnh 1

Thứ trưởng Quốc phòng Vyacheslav Shapovalov, Phó chánh văn phòng tổng thống Kyrylo Tymoshenko và Phó Tổng công tố Oleksiy Symonenko (từ trái sang)

chụp màn hình video

Trước đó ông phủ nhận hành vi sai trái và nói rằng những chiếc xe này được thuê.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng phủ nhận các cáo buộc nâng khống giá cả thực phẩm, nhưng cũng nói rằng động thái sa thải sẽ giúp duy trì niềm tin vào cơ quan này.

Còn văn phòng công tố cho biết ông Symonenko ra đi theo nguyện vọng của bản thân. Tổng thống Zelensky nói rằng trong tương lai, không quan chức chính phủ nào được phép rời khỏi đất nước trong thời chiến trừ khi đi công tác.

Ngoài ra, 5 thống đốc của các tỉnh chiến trường cũng bị cách chức.

Tổng thống Zelensky, trước đây là một diễn viên hài, đã lên nắm quyền với tư cách là một người ngoài chính trường, hứa hẹn sẽ giúp Ukraine thoát khỏi những nạn tham nhũng trầm kha.

Nhưng cuộc chiến đã đóng băng nền chính trị trong nước và các đối thủ chính trị đã bị đẩy sang một bên để tập trung vào sự sống còn của đất nước.


************

Vì sao hệ thống HIMARS ngày càng quan trọng đối với Ukraine?

La Vi

Các quan chức của cả hai nước nói rằng tổ hợp pháo phản lực HIMARS, loại vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh với tầm bắn khoảng 80 km, đã được sử dụng trong cuộc tấn công. Mỹ lần đầu tiên cung cấp cho Ukraine tổ hợp pháo phản lực tầm xa HIMARS vào tháng 6 - giúp Kyiv tăng gấp đôi tầm tấn công của pháo binh so với trước đó.

HIMARS là gì?

HIMARS do Lockheed Martin sản xuất, viết tắt của High Mobility Artillery Rocket System (Hệ thống pháo phản lực cơ động cao).

Theo ông Ian Williams, phó giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), HIMARS là một trong những tổ hợp pháo phản lực tiên tiến nhất thế giới với tầm bắn xa hơn các vũ khí tương tự Ukraine đang sở hữu.

Vì vậy khi được chuyển giao hệ thống này, Kyiv có khả năng tấn công các mục tiêu sâu hơn phía sau tiền tuyến với độ chính xác cao hơn nhiều.

HIMARS được coi là hiệu quả nhất để tấn công các mục tiêu cố định như cơ sở hạ tầng và quân đội trong một khu vực tập trung. Các chuyên gia cho rằng tên lửa HIMARS là một phần không thể thiếu đối với Ukraine trong khả năng phòng thủ và tấn công.

Ông George Barros, một nhà phân tích về Nga và Ukraine tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), cho biết: “HIMARS đã giúp Ukraine giành lại nhiều thành phố và lãnh thổ quan trọng về mặt chiến lược".

Vì sao hệ thống HIMARS ngày càng quan trọng đối với Ukraine? - ảnh 1

Một chỉ huy Ukraine đứng cạnh tổ hợp HIMARS

cnn

Ukraine đã sử dụng HIMARS ra sao?

Tên lửa HIMARS đặc biệt hiệu quả trong việc chống lại cuộc tấn công của Nga ở Donbass. Cụ thể, hệ thống này cho phép Ukraine tấn công các kho tiếp tế và đạn dược của Nga. HIMARS cũng rất quan trọng trong việc buộc Nga phải rút khỏi Kherson.

Ông Barros cho biết Ukraine bắn HIMARS để làm suy yếu những cây cầu ở đây và nếu không có hệ thống này, Kyiv khó mà giành lại được TP.Kherson.

Trước vụ hủy diệt trại lính Nga vào ngày đầu năm mới, tên lửa HIMARS chủ yếu được sử dụng để nhắm vào cơ sở hạ tầng. Ông Williams nói: “Điều khác biệt về cuộc tấn công gần đây là HIMARS đánh vào một khu vực có rất nhiều quân nhân Nga, vì vậy có số lượng thương vong rất cao. Trước đó, HIMARS được sử dụng để bắn phá kho dự trữ vũ khí và pháo binh của Nga".

Vai trò của Mỹ

Kể từ tháng 6.2022, Mỹ đã cung cấp ít nhất 20 xe phóng HIMARS cho Ukraine. Giới chức Mỹ cho biết có những hạn chế nhất định đối với các xe phóng HIMARS cung cấp cho Ukraine. Chúng không thể bắn loại tên lửa ATACMS có tầm bắn hơn 300 km. Mỹ cũng muốn Ukraine đảm bảo rằng HIMARS sẽ không được bắn vào lãnh thổ Nga.

Theo các nhà phân tích, những hạn chế này là cách để Washington ngăn chặn cuộc xung đột leo thang thành giao tranh trực tiếp giữa Mỹ và Nga.

Trong khi đó, Moscow lâu nay luôn lên án việc Mỹ và các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đồng thời, Nga cũng cảnh báo rằng các chuyến hàng chở vũ khí đến Ukraine sẽ là mục tiêu chính đáng của nước này.


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn