Tưởng niệm nhà nhiếp ảnh thời trang Alice Springs

Thứ Ba, 20 Tháng Tư 202111:53 SA(Xem: 3392)
Tưởng niệm nhà nhiếp ảnh thời trang Alice Springs
rfi.fr

Tưởng niệm nhà nhiếp ảnh thời trang Alice Springs

Tuấn Thảo

Trong làng nghệ thuật quốc tế, Alice Springs nổi tiếng là người bạn đồng hành của "huyền thoại nhiếp ảnh" Helmut Newton. Cặp vợ chồng nghệ sĩ Úc-Đức này đã định cư tại Monte Carlo từ năm 1981. Sau khi ông Helmut từ trần, bà chủ yếu quản lý Quỹ lưu trữ Newton tại Berlin. Hôm 09/04/2021 vừa qua, bà Alice Springs đã vĩnh biệt cõi đời, hưởng thọ 97 tuổi.

Tên thật là June Browne-Newton (1923-2021), bà sinh trưởng ở thành phố Melbourne trong một gia đình có năng khiếu nghệ thuật. Từ thời còn trẻ, bà đã chọn đeo đuổi sự nghiệp sân khấu, do vậy bà đã lấy nhiều nghệ danh trước khi thành hôn vào năm 25 tuổi (1948) với nhiếp ảnh gia người Đức Helmut Newton. Riêng cái tên "Alice Springs" đủ cho thấy gia đình của bà xuất thân từ nước Úc. Khi chọn một nghệ danh để hoạt động trong nghề nhiếp ảnh, bà đã lấy Alice Springs, tên của một thành phố ở Lãnh thổ Bắc Úc (Northen Territory) còn được dân bản xứ gọi là "Mparntwe". 

Từ bỏ sàn diễn để theo chồng lập nghiệp

Lần đầu tiên xuất hiện trên sàn diễn vào đầu những năm 1940, June Browne có nghệ danh là June Brunell. Trong phim tài liệu "Helmut by June", bà cho biết đã gặp ông qua lời giới thiệu của bạn bè, lúc ấy bà cần một bộ ảnh chân dung cho sự nghiệp sân khấu của mình. Thời bấy giờ, ông Helmut còn mang tên Neustädter, kiếm sống nhờ nghề chụp hình đám cưới chứ chưa phải là "huyền thoại" Helmut Newton về sau này. Là người gốc Do thái, ông đã rời nước Đức năm 1938, từ trước khi xẩy ra Đệ nhị Thế chiến.

Đến lập nghiệp tại Melbourne,  ông tạm thời biến căn hộ nhỏ xíu của mình thành một studio nhiếp ảnh ở trung tâm thành phố. Quen nhau từ cái thuở hàn vi, ông Helmut nghèo đến nổi không đủ tiền trả một cuốc xe taxi khi đi chơi với cô bạn gái. Bất chấp sự phản đối của gia đình, bà June Browne quyết định lấy ông Helmut Neustädter, vì tin chắc rằng sớm muộn gì ông cũng sẽ trở thành một tên tuổi lớn.

Vài năm sau khi thành hôn, bà June Browne đoạt giải thưởng sân khấu kịch nghệ "Erik Kuttner" dành cho nữ diễn viên xuất sắc nhất năm 1956. Dù sự nghiệp diễn xuất của bà đang trên đà thành công, nhưng bà vẫn gác công việc của mình qua một bên và khăn gói theo chồng sang châu Âu lập nghiệp vào đầu những năm 1960. Do ông Helmut Newton chuyên về nhiếp ảnh thời trang, cho nên Luân Đôn cũng như Paris là hai thủ đô "lý tưởng" để ông rèn luyện tay nghề. Trong vòng 10 năm liền, ông hợp tác với nhiều tuần báo phụ nữ hay tạp chí chuyên ngành thời trang, quan trọng nhất vẫn là Elle và Vogue Magazine rất thịnh hành thời bấy giờ. Tại Paris, bà June Browne lại không có "đất dụng võ", một mặt do rào cản ngôn ngữ, mặt khác bà không quen biết nhiều giới sân khấu điện ảnh Pháp.

Khi nhiếp ảnh gia vào nghề bất đắc dĩ

Khi cuộc sống tại Paris được ổn định, bà từ bỏ sự nghiệp diễn viên và chủ yếu giúp ông Helmut một tay, bằng cách chuẩn bị các thiết bị chụp hình trong studio, cũng như chuẩn bị phòng rửa ảnh, rồi sắp xếp lưu trữ các thước phim nhựa, các tài liệu ghi chép, các bộ ảnh chụp. Bà June Browne-Newton chuyển sang ngành nhiếp ảnh một cách ngẫu nhiên khi phải thay thế vào giờ chót ông Helmut Newton (phải đột xuất nhập viện) và thực hiện đợt chụp ảnh quảng cáo cho hiệu thuốc lá Gitanes năm 1970. Sau thành công bước đầu này, bà lấy tên thành phố Úc Alice Springs làm nghệ danh.

Vào nghề bất đắc dĩ ở tuổi 47, Alice Springs ban đầu chụp ảnh cho các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm nhưng lúc nào cũng tạo dựng hình ảnh của phụ nữ đẹp không phải nhờ có những đường cong lý tưởng mà đẹp ở lối sống, ở phong cách đầy cá tính. Nhờ vào tài năng của chính mình mà tên tuổi của Alice Springs thoát khỏi cái bóng quá lớn của chồng là Helmut Newton. Các tạp chí thời trang từ Elle, Vogue đến Vanity Fair đều đặt hàng với nhà nhiếp ảnh người Úc. Trong vòng 40 năm sau đó kể từ năm 1974 trở đi, Alice Springs bên cạnh ảnh chụp thời trang, sẽ chuyên về ảnh chân dung. Bà thu vào ống kính những tên tuổi nghệ sĩ lẫy lừng nhất trong lãnh vực của họ : bà chụp chân dung của các bạn "đồng nghiệp" như nhiếp ảnh gia Richard Avedon, Brassaï hay là Ralph Gibson, các ngôi sao màn bạc như Nicole Kidman, Audrey Hepburn, Catherine Deneuve, Isabelle Adjani hay Charlotte Rampling, các nhà thiết kế trứ danh Yves Saint Laurent, Karl Lagerfeld hay Christian Lacroix, giới nghệ sĩ như Sting, Robert Mapplethorpe, Dennis Hopper, hay Gerard Richter cũng đều nhờ đến tài nghệ chụp ảnh của bà.

Ngay từ khi mới bắt đầu chụp ảnh, Alice Springs đã đem lại một góc nhìn khác với người bạn đời. Ông Helmut Newton càng công phu cầu kỳ bao nhiêu trong cách sắp đặt bố cục, dàn dựng bối cảnh thì bà Alice Springs lại có một lối tiếp cận cởi mở, tự nhiên. Có thể nói là nhãn quan về hình tượng "phụ nữ" của hai nhà nhiếp ảnh này bổ sung cho nhau. Helmut Newton thể hiện người đàn bà qua góc nhìn của phái nam với dục vọng tiềm tàng, trong khi Alice Springs chú trọng đến hình ảnh của phụ nữ tự do, phóng khoáng.

Cùng ra mắt tác phẩm sau 40 năm chung sống

Từ năm 1976 trở đi, ông Helmut Newton giao cho vợ quyền quản lý tất cả những dự án xuất bản sách và thư mục triển lãm của ông. Mãi đến năm 1998, tức sau 40 năm làm đám cưới và sống chung với nhau, cặp vợ chồng nghệ sĩ này mới hợp tác để hoàn thành một phẩm "Us and Them", xen kẽ chân dung của những người bình thường với khuôn mặt của những ngôi sao cực kỳ nổi tiếng. Theo nhà phê bình José Alvarez, hai nghệ sĩ này tuy khác nhau nhưng lại tìm ra được một sân chơi chung, hai vợ chồng vẫn giữ được một nếp sống đơn giản bình dị cho dù họ luôn tiếp xúc trong công việc một thế giới lộng lẫy ngời sáng, muôn ánh hào quang.

Quyển hồi ký của Alice Springs mang tựa đề "Mrs Newton" được xuất bản sau khi ông Helmut Newton qua đời vào năm 2004. Một cách hóm hỉnh, bà nhường lại vị trí quan trọng nhất cho chồng mình, nhưng hẳn chắc là đằng sau sự thành công của ông Helmut, thường có bóng hình của "Bà Newton". Alice Springs tiếp tục bảo tồn di sản của chồng, bà hợp tác với hội đồng thành phố Berlin, nguyên quán của ông Helmut để thành lập Viện bảo tàng nhiếp ảnh kiêm Qũy lưu trữ Newton.      

Khi vĩnh viễn ra đi, Alice Springs để lại nhiều dự án quan trọng, kể cả một cuộc triển lãm lớn nhân 100 năm ngày sinh của Helmut Newton trong năm 2020 nhưng bị dời lại do dịch Covid-19. Đối với một nghệ sĩ mang tên Alice Springs, tháng 04/2021 lại là mùa xuân cuối cùng. Qua hình tượng "Helmut by June" (Helmut theo lời kể của June), bà bỗng nhớ lại cái thuở tình yêu ban đầu, khi đôi bạn tưởng chừng ngồi chung chuyến taxi chưa tới một giờ, nào ngờ lại đồng hành với nhau suốt cả một đời.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn