Một góc văn học bị bỏ quên: hai nhân vật Lý Toét và Xã Xệ.

Thứ Bảy, 13 Tháng Giêng 20181:00 SA(Xem: 7617)
Một góc văn học bị bỏ quên: hai nhân vật Lý Toét và Xã Xệ.
Văn chương trào phúng là một thứ dị ứng, đố kỵ với cái mới quá và nhất là cái cũ mà rích. Văn chương đó gắn liền với thực tế xã hội nhất định của một thời đại. Nó phản ánh xã hội đó, nó phóng chiếu và đưa ra cái nhìn soi mói, giễu cợt về thực tại xã hội, nhìn ra được những nét thô kệch, dị hợm đã quá đát, hoặc quá tải của một thời.

Nhiều người nói nó là tấm gương phản chiếu xã hội cũng không xa lắm đâu. Nhưng nó vẫn nhằm mục đích tối hậu là vui đùa, là diễu cợt, dí dỏm hóm hĩnh. Không đạt được điều đó, nó thành thứ văn chương phê bình có đao thớt, có đâm chặt mất vui. Cái khó là ở chỗ đó. Vì thế, thời xưa Aristote đã nói một câu đáng đời: hài ước là biểu tỏ một trình độ khôn ngoan và tri thức cao.


1. Trào phúng dị ứng với cái rởm

Mỗi khi cười là cười cái rởm, cái ngờ ngệch, cái khác người, cái không giống ai. Không ai lại đi cười cái bình thường. Trong cuộc sống nối tiếp cái cũ cái mới, cứ thế nối đuôi nhau, hết cũ rồi mới và mỗi lần có thay đổi tạo ra những xung đột liên tục. Đó là vấn đề xung đột mới cũ muôn thuở. Cái mới hôm nay sẽ trở thành cái cũ ngày mai và cái cũ đó tạo cớ cho một cái mới sẽ hình thành. Nhưng khi có những người lụt đụt đi tụt hậu, hoặc bảo thủ về đời sống, về cách suy nghĩ, ăn mặc của họ khác người, lúc đó nó trở thành cái rởm và trở thành đối tượng của trào phúng. Cái rởm nhiều khi có thể tha thứ đuợc vì là chuyện nhỏ, chuyện cá nhân, chuyện của một người. Trào phúng nhân kích nó lên, phóng to thêm, tô đậm thêm, trở thành chuyện xã hội. Bao giờ trào phúng cũng là cái quá tải của cái rởm. Nghĩa là có một nó xít ra mười. Chẳng hạn sống bên này mà ăn xong cứ xỉa răng vung vít như múa gậy. Từ chỗ xiả răng nói quá thành múa gậy, chỗ đó là trào phúng. Nhưng mới quá đôi khi cũng trở thành quá tải, chướng mắt mọi người, cũng trở thành trào phúng. Nhớ hồi ngoài Bắc, trước 1954, tôi thấy phụ nữ nào mặc quần sa tanh hay lụa trắng để hằn cái quần lót bên trong, tự nhiên bản thân tôi đánh giá thấp về phẩm giá đạo đức người đó. Đúng là rởm. Nhất là tóc phi dê thì đích thị là me tây rồi. Người ta gọi giiễu là "đội rế" trên đầu. Đội rế là hài ước đấy. Vào đến trong Nam, chỗ nào cũng thấy các cô mặc quần trắng, tóc uốn quăn lại thấy đẹp, cái ống quần trắng lốp, ống rộng đến một người chui vô lọt đến ham nuốt nước bọt muốn chui vô cho rồi, lại nổi hằn cái mông lên. Lúc đó lại không cười, vì ai ai cũng mặc giống nhau. Và nghĩa là chỉ thành trò cười, dù nó rởm khi nó là thiểu số. Chẳng hiểu nếp sống xã hội thay đổi hay cái đầu tôi thay đổi. Biên giới tốt xấu, giá trị đạo đức nằm ở chỗ nào trong tôi ở hai thời kỳ mà trước là xấu, sau là tốt. Rầy rà thật.

Khi người ta tiếp xúc với cái mới thì cái cũ trở thành rởm, quê mùa cổ lỗ. Cái búi tó củ hành của đàn ông vào thời 1930 trở thành cái rởm, trò cười cho thiên hạ. Hiểu thế, cũ đồng nghĩa với xấu, gàn dở hủ lậu cần bỏ. Mới đồng nghĩa với tốt, tiến bộ, đẹp, đáng theo. Chính trong cái lúc giao thời đó, lúc mới cũ còn trong vòng tranh cấp mà trào phúng có mặt. Trào phúng của Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ) là nhằm bêu giiễu cái cũ, cổ súy cái mới. Cái cũ qua hình ảnh Lý Toét, Xã Xệ mà đặc điểm là thủ cựu, quê mùa, dốt nát, gàn dở, ăn mặc lôi thôi, lếch thếch. Quần ống cao, ống thấp, đi đâu cũng cắp cái ô. Cái mới được nâng cao qua hình ảnh Loan và Dũng trong Đoạn Tuyệt, trong Nửa Chừng Xuân hay Hồn Bướm Mơ Tiên.

Nhưng như trên đã nói, mới cũ là chuyện tương đối, mới đó rồi cũ đó, mới hôm nay cũ ngày mai.. Cuộc sống mỗi ngày mỗi thay đổi, mới cũ đan vào nhau tạo thành những khủng hoảng tiến bộ đến độ không bao giờ có mới cũ rõ rệt. Cái rõ rệt là cái giao thời đến nỗi có thể nói thời nào cũng là giao thời cả.


2. Lý Toét Xã Xệ, biểu tượng xã hội mới cũ của một thời

Ngày nay, nói đến Lý Toét, Xã Xệ nhiều người không nhớ nữa. Hoặc có còn nhớ cái tên là cùng. Bài này, xin cùng với độc giả gợi lại cả một thời, dựa vào một số hình ảnh tài liệu cũ mà tôi nuối tiếc gọi bằng một tên: Một góc văn học kể từ 1930 đến 1945 đã bị bỏ quên. Quên thật. Sách văn học sử từ Dương Quảng Hàm đến Phạm Thế Ngũ, tài liệu giáo khoa, tài liệu báo chí, gần như chẳng còn ai nhắc nhở đến thời kỳ văn học mang bóng dáng Lý Toét, Xã Xệ nữa.

Về nguồn gốc của Lý Toét và Xã Xệ

Nhiều người có thể lầm cho rằng hai nhân vật này có mặt đầu tiên trên tờ Phong Hóa trước khi có tờ Ngày Nay của TLVĐ. Không phải vậy. Tưởng thế là lầm. Hai ông có mặt trong một vở gọi là Chèo cải luơng vào khoảng năm 1930. Lúc đó Lý Toét lại đóng vai ông Lý Đình Dù. Lý Đình Dù tức là ông lý trưởng làng Đình Dù. Chức lý trưởng, xã trưởng chỉ thuộc tổ chức hành chánh miền Bắc mà thôi, trong Nam không có chức như thế. Ông lý trưởng đại diện trung gian giữa chính quyền cấp trên và dân làng ở dưới, dưới lý trưởng có phó lý, có mộc triện và có bọn khán thủ, trương tuần lo việc tuần phu, canh gác an ninh và đề phòng trộm cướp. Cứ như thế thì mọi việc trên làng, trên dưới một tay lý trưởng, trên đội dưới đạp. Từ việc ăn uống an ninh, nhất là thuế má, một tay lý trưởng cả. Trên là bọn chánh phó tổng đến các ông tiên chỉ, thứ chỉ. Chức xã trưởng chỉ là chức vị mà người ta có thể bỏ tiền ra mua, mua rồi thì miễn phu phen tạp dịch. Làng có đình đám thì được ngồi chiếu trên.

Đến thời Pháp thuộc thì có cải tổ hành chánh, có hội đồng xã với xã trưởng, bên cạnh có ông hương sư lo việc dạy học và ông thủ bạ lo việc sổ sách. Câu hỏi đặt ra ở đây, thế thì hà cớ gì người ta lại mang ông ra làm trò giễu cợt. Thói thường dân chỉ biết có ông, thu thuế cũng ông nên cứ ông mà ghét mà oán mà thật ra ông chỉ là tà lọt cho ở trên chỉ đâu đánh đó. Ông là thiểu số so với dân làng. Không có thiểu số một bên, đa số một phía, không có trào phúng. Ông trở thành đối tượng cho người ta chê cười, đùa nghịch giễu cợt cũng như anh mõ. Cho dù thế nào đi nữa, cũng phải tìm ra một nhân vật tế thần. Chọn ông là phải, vừa được nhiều người biết và nhất là nhiều người ghét, đồng thời ông là biểu tượng cuối cùng của cái còn sót lại như cái gai cần phải nhổ. Ông chạy đi đường nào được. Không chọn ông thì chọn ai.

Trong dân gian nói chung, người ta thường chỉ nói tới hai ông Lý Toét và Xã Xệ làm ta mường tượng đến Laurel, Hardy về cái vẻ bề ngoài. Một anh mập phì, một anh gầy bé. Cũng đúng đấy. Nhưng thật ra, thời đó còn một nhân vật nữa mà đại đa số chúng ta đã quên, quên đứt mất. Tôi xin giúp ông đội mồ sống lại và phục hoạt danh giá cho ông. Ông là ai, thưa là ông Bang Bạnh. Trong ba người thì Bang Bạnh khốn khổ nhất, vì bị người đời ghét cay ghét đắng. Thứ nhất bởi gốc gác của ông. Theo một số người xấu mồm đồn thổi thì ông chỉ là thứ tà lọt, thứ lính canh. Nhưng ông có cái tài chỉ mình ông có được là thức khuya không buồn ngủ, hay có ngủ thì ông ngủ đứng. Để ông canh gác, ông vẫn đứng mà ngủ thành không anh trộm nào dám ló mặt ra. Làng nước được yên. Chỉ nhờ cái tài đó mà ông được thăng trương tuần và đến năm sau được bầu làm chánh tổng. Nào đã xong. Có lần trời mưa tầm tã kéo dài ngày này qua ngày khác đến nước sông dâng lên muốn lụt. Ông ra hộ đê cứ đứng trông mà thật ra ông vẫn ngủ. Ông sứ tình cờ đi quan sát vào lúc tờ mờ sáng vẫn thấy ông tận tụy đứng ở đó, ông sứ cảm động quá khi nhìn thấy một người chức sắc tận tụy với dân, khi về bèn tức khắc phong ông lên chức bang tá. Ông có cái tên Bang Biện từ đó. Bang Biện mà người ta gọi chệch ra Bang Bạnh thì xỏ lá quá. Người đời bắt đầu xầm xì ghen với ông, ghét ông từ đó. Ông cũng mập chả thua Xã Xệ. Nhưng người ta ghét ông nên từ cái khăn vuông đội đầu, đến ánh mắt nhìn của ông, người ta cũng xếp loại: đồ ti hí mắt lươn, giai thì trộm cướp, gái buôn chồng người. Không có cái mắt mở ti hí đó làm sao ông ngủ đứng được, làm sao ông leo lên chức bang tá được. Rồi cứ thế, miệng người đời, có một đồn mười: nào ông ăn mặc chẳng khác một ông quan, đi xem diễn binh thì chèo mẹ nó lên cột đèn cho thoải mái, chẳng giống ai. Đi tắm biển thì ông sai vác một cái ghế cao cẳng, cao đến hơn thước, ngồi chễm trệ trên đó. Dưới là đám thị dân tắm. Thật chẳng giống ai. Tắm ông không xuống biển, cứ mặc cả quần áo, rồi sai người làm xuống biển múc nước rồi ngồi trên đó dội nước kỳ cọ. Một lô cái không giống ai nữa, chướng nữa, lố nữa. Chừng ấy cái không giống ai, chừng ấy cái chỉ mình ông dám làm. Bị mang ra làm trò cười là cái chắc. Chỉ có thế mà người ta ghét cay, ghét đắng ông. Nay đã thành danh, theo thói đời, ông cũng mượn tay một anh nhà nho viết cho cái câu đối treo giữa nhà. Ông gặp một anh thâm nho xỏ lá (pince-sans-rire) viết tặng câu sau đây: Vạn lý trưởng thành. Câu đó đã được anh đồ nho giải nghĩa cho ông là muốn ví ông có công đức chẳng khác gì bức trường thành ở Trung Hoa bảo vệ cho dân lành khỏi giặc giã cướp bóc. Có lý lắm. Đắc ý ông treo bức trướng lên giữa phòng khách. Có biết đâu, anh nhà nho có thêm dấu hỏi vào chữ "trường" thay vì dấu huyền. Hai chữ đó nhắc nhở cái gốc gác của ông trước đây chỉ là chân lý trưởng quèn chứ hay ho gì. Dĩ nhiên, quý vị cũng hiểu là chế Bang Bạnh cũng là để giễu những chức sắc trong chính quyền, vốn xuất thân chả ra gì nay một bước lên cao... Nhưng dù sao, cũng vẫn thấy tội nghiệp cho Bang mà còn Bạnh nữa.

Vai trò của Lý Toét Xã Xệ trong văn chương trào phúng

Kể từ khi Lý Toét đóng vai ông Lý Đình Dù, bỗng nhiên ông trở thành nổi tiếng như một tài tử màn bạc. Ông bắt đầu xuất hiện trên một số lớn báo chí miền Bắc đạo mạo như Nam Phong, Phong Hoá rồi nhất là Ngày Nay... Đặc biệt nhất, nhiều tranh giễu của ông được dân Pháp ưa chuộng nên ông lại xuất hiện thường trực trên báo Tây nữa, mà xuất hiện ngay trang bìa. Lý Toét, Xã Xệ chễm trệ trên báo Tây. Thật là kỳ lạ. Ông Lý Toét chuyên môn chửi Tây lại được báo Tây đăng mới đáng nói chớ. Chửi mà được người ta thích, người ta mê.

Cái sự nổi tiếng trong suốt mười mấy năm, báo chí đăng mỗi ngày đã hơn hẳn những Út Trà On, Thành Dược, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Thái Thanh và thêm Nguyễn Cao Kỳ nữa cộng lại. Mặc dầu Thái Thanh, Khánh Ly còn đó, tôi vẫn phải mạo muội xúc phạm đến danh tiếng của hai bà. Mặc dầu ông Nguyễn Cao Kỳ được cả trong lẫn ngoài nước nói qua nói lại. Tôi vẫn giữ lời, tôi nói không sai, nói có sách mách có chứng. Đã có lần trong một kỳ thi, chẳng biết thi gì, tiểu học, hay tú tài, ông giám khảo đã hỏi thí sinh: Sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà, trò cho biết ai đã lên kế vị Lý Thái Tổ. Câu hỏi có vẻ bắt bí, hơi khó, anh học trò còn đang ậm oẹ thưa: Lý... Lý... Lý gì thì anh chưa nhớ ra. Ông giám khảo không kiên nhẫn, thấy bực nhưng nhắc khéo... Lý này bắt đầu bằng chữ T... Anh học trò sướng quá, phá ra cười, nhớ ra được rồi nói thật to: Thưa ... Lý Toét! Nhưng hình các ông Lý Toét thì đều có gương mặt, điệu bộ như tuồng giống nhau cả. Đúng thế, thật ra chỉ có mình họa sĩ Mạnh Quỳnh vẽ thường xuyên cho các báo, rồi sau này, nhiều báo theo cái nét chính đó để mô phỏng hình Lý Toét Xã Xệ. Các ông được phổ biến rộng rãi đến độ không biết ai là tác giả các hình vẽ nữa. Vì báo nào cũng đua nhau vẽ hoặc thuê vẽ. Người ta thích các ông đến độ mở tờ báo là lật ra xem trước hình vẽ tếu về Lý Toét Xã Xệ. Mua báo là để mua đọc và xem hình Lý Toét và Xã Xệ chẳng khác gì bây giờ, nhiều người mở tờ báo mỗi tuần ra là xem cáo phó, xem ai chết và nhất là xem ai còn sống. Anh chết đã đành, anh sống thì muốn nhắc nhở mọi người: ta còn đây này. Đó là nền văn học hải ngoại phúng điếu.

Nói đứng đắn ra thì có thể nói, bên cạnh cái nội dung văn chương viết, có một chỗ đứng không nhỏ cho một loại hình văn học dựa trên các hình phóng họa hài ước, như sau này có hoạ sĩ Choé chẳng hạn. Không có nó, tờ báo kém hấp dẫn, bớt độc giả. Nó là cần câu cơm của tờ báo. Đồng thời nó biểu thị bộ mặt xã hội của một thời kỳ. Thời kỳ từ 1930 đến 1945. Nhìn Lý Toét, Xã Xệ là nhìn một xã hội của thời kỳ đó thu gọn lại.

Về nội dung trào phúng

Hình ảnh Lý Toét, Xã Xệ là hình ảnh xã hội những năm 1930-45 thu hẹp lại với hai thế giới. Thế giới của xã hội cũ và mới. Hai ông là điển hình cho cái xã hội cũ đang suy thoái với những vụng về, lố bịch, buồn cười qua cái bề ngoài khăn đóng áo dài, cắp cái ô, người ốm tong teo, lưng khòm... Đeo kính xệ xuống, râu ria mọc bừa bãi, nói nhăng nói nhít, ngớ ngẩn, nhận xét dấm da dấm dớ đến lố bịch buồn cười. Nó có cái gì quá đáng, nó có cái gì quá tải, có cái gì vượt quá cái bình thường, cái chưa chắc đã có thật ngoài đời. Nhưng đó lại là điều kiện ắt có và đủ của nghệ thuật trào phúng. Trào phúng mà như tả chân, nói thật, có cái gì nói cái đó thì ai cười cho được [1] .


Vì thế, hình ảnh Lý Toét đã được kích xấu lên nhiều lần, thô kệch hoá cả con người từ hình dáng, điệu bộ, cử chỉ, tính nết. Thuộc đến đâu xin viết đến đó:

Ông Lý Toét mà cắp cái ô
Đi ra phố gặp lúc mưa to
Có bác Xã Xệ mà muốn đi nhờ
Tay thì vời vợ, miệng thét bô bô
Kìa ông Lý, thục nhĩ ha sao.
Gọi như thế mà chẳng xem sao
Giá có cúp rượu thì đến chơi liền
Đi nhờ một tý thì cứ vênh vênh
Ô ông Xã thật rõ lôi thôi
Ô tôi năng cụp mà bất năng xòe
Năng dựng đầu hè mà bất năng treo


Nội dung chê cái quê mùa của Lý Toét

Theo tôi, có lẽ đây là điều mà các nhà văn, nhà báo nhắm vào Lý Toét. Họ muốn khai thác triệt để cái dốt, cái quê mùa, cái không thích ứng không theo kịp đà tiến của văn minh xã hội bấy giờ. Chê thì dễ rồi, nhưng làm thế nào chê mà vẫn thấy lố bịch buồn cười mới được. Tài là ở chỗ đó. Cái đề tài "tỉnh" với "quê" cũng là một trong những đề tài được sử dụng nhiều lần, nhiều trường hợp. "Tỉnh" đồng nghĩa với văn minh, tiến bộ, theo mới. "Quê" đồng nghĩa với chậm lụt, dốt nát. Khi người ta gọi ai là "nhà quê" là theo cái nghĩa đó.

Và đây là câu chuyện thứ nhất

Một hôm cụ Lý Toét đi ra tỉnh. Cụ có cái ý định ra nhà bưu điện để gửi một điện tín về cho cụ bà mà nội dung vỏn vẹn có mấy chữ: "Tôi đã đến nơi". Thâm ý của cụ không phải là muốn báo tin đi đến nơi bằng an cho bằng muốn nhắn gửi cho vợ và người làng người nước biết rằng: Tôi cũng văn minh, tiến bộ, tôi cũng ra tỉnh đây, đừng có coi thường tôi. Cái cắc cớ là thằng cha bưu điện đã hỏi một điều không cần hỏi là: "Thế cụ bà ở nhà có biết đọc không, thưa ông?" Cụ Lý hơi sững sờ trước câu hỏi móc méo đó. Cụ nghĩ thầm. Ừ nhỉ, mụ vợ nhà mình có biết đọc quái đâu. Mù chữ mà lỵ. Nhưng cụ đã ứng đáp mau lẹ và trả lời lão thư ký tỉnh bơ: Đâu có sao, cứ để đó có gì mà vội. Khi nào tôi về làng sẽ đọc cho bà ấy nghe. có gì mà vội. Trả lời tuyệt vời.

Câu chuyện thứ hai:

Cụ có cái tật là rất thích lên tỉnh. Tại sao thì không biết. Nhưng mỗi lần lên lại có chuyện để nói và có chuyện để cụ nhận xét về lối sống văn minh thành thị. Quan sát để thấy cái hay, cái dở và dĩ nhiên dưới nhãn quan của cụ thì nó thường là dở, không nói đến ngu xuẩn. Cái buồn cười là cụ tin những nhận xét của cụ là đúng mà thực sự không phải như vậy. Lần này cụ đang đi trên hè phố, cụ thấy một chiếc xe trải nhựa đường. Cụ tưởng lầm là là tài xế đã quên, để cho nhựa chảy ra đường. Phản ứng tự nhiên, cụ vội vã đuổi theo xe, kêu réo đòi tài xế ngừng xe lại. Hắn đã chẳng ngừng mà còn tiếp tục lái xe đi, ném cho cụ cái nhìn khinh bỉ. Cụ không tài nào hiểu được sao lại có thứ người ngu xuẩn đến thế, nhựa chảy kêu ngừng, cứ tiếp tục để chẩy. Cụ thất vọng lủi thủi đi và lẩm bẩm một mình: Văn Minh gì đâu không thấy, đồ ngốc để xe chảy nhớt ra đường như vậy mà vẫn cắm đầu chạy. Tôi thì thấy thằng cha ngốc thật. Muốn biết tại sao, cứ hỏi cụ Lý.

Câu chuyện thứ ba:

Câu chuyện này mới thật lý thú và dĩ nhiên, tôi đồng quan điểm với cụ. Lần này, cụ không đi một mình mà rủ thêm cụ Xã Xệ nữa. Các cụ nghe nói trên tỉnh có trò chơi đá banh mà thiên hạ rủ nhau đi coi đông lắm. Các cụ cũng muốn đi một lần cho sáng mắt. Hai cụ vào mua vé, ngồi vào chỗ rồi thấy lạ quá. Có mỗi một trái banh mà hai mươi mấy cầu thủ đá banh cứ giành nhau, tranh qua tranh lại. Cụ xem chán mắt và rất bực mình. Cụ quay sang cụ Xã Xệ nói: Cụ xem có vô lý không, có mỗi một trái banh mà cứ tranh qua tranh lại. Tại sao không phát cho mỗi người một trái để đá thì hết tranh giành, lại giữ được hoà khí không? Phải, tại sao không phát cho mỗi người một trái banh? Viết đến đây, hồi nhỏ, tôi nhớ có đọc nhà văn Duhamel (Georges), hình như trong Chronique des Pasquier thì phải không nhớ rõ. Ông có nhận xét rất ngộ là dân chúng Pháp cứ nói tới tinh thần thể thao, chuộng thể thao, nhưng thực ra có ai chơi thể thao đâu, tinh thần thể thao cũng không nốt. Hằng trăm ngàn người ngồi ra đấy la hét ồn ào trong khi thực sự chỉ có hai mươi mấy cầu thủ thực sự chơi thể thao mà thôi. Câu chuyện và nhận xét của Duhamel vì thế còn nhớ mãi cho đến bây giờ. Vậy thì nhận xét của cụ Lý đã chắc gì là sai, phải không ạ?

Câu chuyện thứ tư, giễu cái dốt Tây học:

Lý Toét người ốm toong teo thế ắt là có bịnh. Lần này cụ thử đi đốc tờ thay vì đến cụ lang ở làng. Xin nói thêm về bệnh trạng của cụ. Thường ngày, hai cụ thường ngồi trước chai rượu Văn Điển chứ không phải thứ dấm dớ Hennesy đâu. Cứ thế, hết chén này đến chén khác bàn về thế sự, chỉ trích tây ta, lối sống mới các cụ cho là rởm.

Các cụ không có cái lối than vãn giống một cụ bà thời xưa đã gửi thư cho con cái đi du học, đăng trong Nam Phong số 142, tháng 9, năm 1929. Câu chuyện xảy ra cách đây 75 năm: "Trong lá thư gửi cho mẹ ở Singapore, con có nói ở trên tầu, con được nghe các bà Pháp chơi Piano vui lắm. Tới Paris, thể nào con cũng học. Đờn Tây, mẹ không muốn con học. Khiêu vũ mẹ lại còn không muốn cho con tập, một người đàn bà Annam, nhảy đầm dưới mắt mẹ chẳng những là không đẹp mà lại dơ nữa." Chết thật, cụ bảo dơ nữa. Cụ nặng lời quá. Hay là một tâm trạng tuyệt vọng như trong nhận xét sau đây trong lời đề tựa cuốn Thi Nhân Việt Nam: "Chúng ta ở nhà Tây, đội mũ Tây, mặc áo Tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe, lửa, xe đạp... còn gì nữa. Nói làm sao xiết những điều thay đổi vật chất đã đưa tới giữa chúng ta, cho đến những nơi hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống không còn giữ nguyên hình ngày trước. Nào dầu Tây, điện Tây, nào vải, nào chỉ Tây, kim Tây, đinh Tây. Đừng tưởng tôi ngụy biện. Một cái đinh cũng đem theo nó một chút quan niệm của Phương Tây về nhân sinh, về vũ trụ và có ngày sẽ thấy thay đổi cả quan niệm về Phương Đông. Những đồ dùng kiểu mới, chính là dẫn đường cho tư tưởng mới."

Đọc xong hai đoạn văn vừa trích dẫn, không biết độc giả nghĩ thế nào, tôi thì cứ lịm đi. Khiếp thật, cũ mới đối nhau chan chát, lời lẽ các cụ như dao chém thớt, không dung nhượng. May thay có Lý Toét, người cùng thời với các cụ đã lý giải sự việc thanh thoát hơn nhiều. Trở lại câu chuyện đi khám bác sĩ của Lý Toét. Quan đốc tờ đưa ra một tràng lý thuyết, rồi nói đến cái hại của rượu đối với lục phủ ngũ tạng sau đó răn đe nói với Lý Toét: Gan, phèo phổi của cụ sắp hư ráo trọi rồi. Tôi chỉ cho phép cụ uống tối đa một ngày hai lỵ rượu thôi. Cụ Lý Toét vâng dạ, hứa vâng theo. Một bữa nọ, hai cụ lại ngồi uống rượu. Cụ Xã Xệ thấy cụ Lý Toét uống đến cốc thứ sáu thì ngạc nhiên hỏi cụ. Xã Xệ: "Đốc tờ chỉ cho phép bác uống mỗi ngày hai cốc rượu mà thôi, sao bác lại làm tới sáu cốc rồi?" Lý Toét: "Thì tôi vẫn vâng lời quan đốc tờ đấy chứ. Vì tôi đi khám ba ông đốc tờ, mỗi ông đều cho phép uống hai cốc, thế chẳng phải ba ông là sáu cốc sao?"

Chuyện các cụ kéo dài hơn chục năm, gần như mỗi ngày một chuyện, người viết xin tạm ngưng về phần này.


3. Vài nhận xét của người viết

Trước đây, đã có cụ quở người Annam trong một bài có nhan đề: Người Annam, cái gì cũng cười. Sự chê trách đó tỏ ra bất công quá. Người Annam nếu quả thật cái gì cũng cười thì mới còn sống nhăn răng cho đến ngày nay. Đó là nét quý, nét đẹp của người Annam. Riêng các cụ Lý Toét, Xã Xệ thì quả là vốn văn học không thể chối bỏ được. Tôi xin chứng dẫn một nhận xét của một người Tây vào thời đó, ông G. Pisier đăng trong Indochine, không nhớ số, ngày: "Tels sont les types populaires annamites les plus célèbres. Ils ont diverti toute une génération et à ce titre ont bien mérité de la patrie. En récompense des éminences services rendus à la cause de l!umour et en souvenir de leur inépuisables exploits, le peuple d!Annam reconnaissant leur a décerné, par une assimilation flatteuse et une dernière pointe d!humour, le qualificatif rituel et symbolique de Tam Da (Les trois abondances)"

Nói cho cùng, hình ảnh trào phúng của Lý Toét, Xã Xệ chỉ nối tiếp cái lối trào phúng qua các câu vè, trong ca dao truyền khẩu, khi mà nghề in chưa được thịnh hành. Nó mở đầu cho một loại hoạt kê mới mẻ không phải bằng thơ mà bằng hình ảnh hí hoạ. Muốn hiểu được nó, đôi khi phải vận dụng một chút trí óc và nhất là tinh thần hài ước. Và chỉ trong một vài năm, hình ảnh Lý Toét, Xã Xệ đã xâm chiếm toàn bộ báo chí miền Bắc (Tôi có hỏi những anh em trong Nam Kỳ, trong đó có ông chủ bút báo Đi Tới, ông cho biết chỉ có nghe về Lý Toét, Xã Xệ mà không biết rõ) và toàn thể các giai tầng xã hội thời đó từ trí thức đến dân giã... Mặc dầu chế giễu cái cũ, nhưng không có chứa ác tính nên giễu mà vui vẻ cả làng, người đi giễu đến người bị giễu đều chỉ cười xòa. Trong cái câu chuyện của thầy giám khảo, dĩ nhiên vua triều Lý chẳng phải là Lý Toét như anh học trò trả lời. Chả biết anh được mấy điểm. Nếu tôi là giám khảo, tôi cho anh đủ điểm. Nhưng mặc dù chính sử không nói Lý Toét lên ngôi năm nào, đã hẳn là thế thì ít ra hai cụ cũng là vua không ngai rồi.. Nhưng một nước không thể có hai vua. Lý Toét là Hoàng Đế, còn Xã Xệ là phó vương (Vice- roi). Thế còn Bang Bạnh? Rầy rà nhỉ. Xin nhờ độc giả phong một tước gì đó cho Bang Bạnh kẻo tội nghiệp ông.

Phần cảm nghiệm thuở bé của tôi khi đi học ở cái thời đó, cũng xin được nói ra: Thứ nhất về giáo dục, ai trong chúng tôi thời đó cũng đều nằm lòng sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp đồng ấu. Những câu chuyện rành mạch, nghĩa lý đơn giản và có giá trị giáo dục cao, cao lắm. Chả biết có thua gì Thánh Kinh hay Coran không. Ngày nay, nhiều người lớp đàn anh của tôi chắc cũng cùng một cảm nghiệm đó. Cảm nghiệm thời đi học mà mỗi chữ, mỗi câu chuyện kể trong sách Quốc Văn là kim chỉ đường cho chúng tôi vào đời.

Thứ đến là Lý Toét, Xã Xệ mà ít lắm cũng là nhân tố đem lại một chuỗi cười bổ béo cho cả một dân tộc lầm than. Họ những Lý Toét, những Xã Xệ, những Bang Bạnh và sau này những bọn đàn em Tùng Lâm Tùng Liếc, Trần VănTrạch xổ số mau lên sống để làm đẹp cho đời, đem reo vui vào nơi bất hạnh, đem ánh sáng vào nơi tối tăm, đem an bình vào nơi tranh đấu, đem tiếng cười vào nơi khóc than, để lau mắt an ủi mẹ già, trẻ thơ khi mà bom đạn bắt đầu cầy xéo quê hương. Họ, cả ba đã chết khi tiếng súng bùng nổ mở đầu cho một giai đọan liên quan đến số phận, đất nước con người. Họ đã chết lúc nào và chôn ở đâu không ai biết. Riêng tôi và chắc một số người còn nhớ đến họ.

Trước đây năm sáu năm gì đó, tôi đã viết bài tựa đề: Tôn vinh các ông Lý Toét, Xã Xệ. Nay viết lại lần nữa và thầm cảm ơn cái người chủ bút đã cho tôi múa bút mà cây bút còn vụng về non dại. Vì thế mà có bài viết lại này.

Một câu hỏi vẫn còn vướng mắc trong tôi liên quan đến văn học: chẳng hiểu Vũ Trọng Phụng có chịu ảnh hưởng gì khi viết về anh chàng Số Đỏ? Bang Bạnh có phải là thứ hồn ma nhập vào Số Đỏ như là nguồn gợi hứng cho ông không? Dĩ nhiên, câu hỏi chẳng bao giờ có câu trả lời. Nhưng hỏi thì cứ hỏi.


© 2004 talawas


[1]Vì thế xin nhân tiện đây góp ý với nhà văn Hoàng Hải Thủy viết trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong khi ông phê bình cuốn Giông Tố của Vũ trọng Phụng kéo dài cả năm nay. Nhà văn HHT đã mang cuốn Giông Tố của Vũ Trọng Phụng ra in từng đọan, rồi lý giải, rồi phê bình cái sai, cái dở của Vũ Trọng Phụng. Xin trích dẫn đoạn văn trích dẫn của nhà văn HHT: "Nghị Hách nằm gối đầu vào bụng Thị Tin, cô nàng hầu được yêu nhất. Sau lưng cặp này, Thị Lễ nằm khẽ phe phẩy cái quạt lông vào gáy quan." Và đây là nhận xét của nhà văn HHT: "Tả cảnh người nằm hút thuốc phiện thế là không đúng. Gối đầu lên bụng Thị Tin, Nghị Hách không hút thuốc phiện được. Bụng đàn bà mềm, bập bồng, có hơi thở ra vô nên dập dềnh lên xuống, lại cao hơn khẩu đèn thuốc phiện quá nhiều. Rồi nhà văn đề nghị với VTP: Nghị Hách phải gối lên gối, thường là gối sứ, thứ được chế tạo riêng cho người dùng gối đầu để hít tô phe." (Trích báo VNTP, số 671, trang 85) Quả thực, xét về mặt lý luận, mặt thực tế, có thể thấy nhà văn HHT có lý, vì rất nhiều chi tiết viết quá tải, không đúng sự thật, mâu thuẫn nữa. Nhưng có cái thực tế nào áp đặt Nghị Hách phải gối đầu lên cái gối sứ mới được. Hứng chí, mượn cái bụng, dù có không tiện vẫn hào hứng, vẫn cảm giác hơn nhiều... Ở địa vị tôi, tôi cũng làm giống Nghị Hách và có thể làm hơn thế nữa. Nhưng nói chung, người đọc khi đọc đã bỏ qua tất cả những chi tiết đó mà chỉ có những người như nhà văn HHT mới có thì giờ mổ xẻ vạch ra. Người đọc đi tìm cái vui và bị cái tếu, cái lố bịch, cái buồn cười kéo tuốt đi đến chẳng ai để ý đến những chi tiết đó làm gì. Mà có biết cũng bỏ qua, xính xái đi hết, không chấp. Vấn đề còn lại là câu chuyện hấp dẫn từ đầu tới cuối. Buồn cười với rất nhiều cái rởm. Cái rởm không thực mà có chứa cái thực hơn cả cái thực. Thị Mịch, Nghị Hách, thị Tín, thị Lễ rất là rởm không thực, nhưng người đọc vẫn nhận ra một nhân vật sống động linh họat là thật đằng sau những nhân vật đó. Văn tài ở chỗ đó. Cũng vậy, những nhân vật trong Số Đỏ như Min đơ, Min toa, bà Phó Đoan, Xuân tóc đỏ đều là những nhân vật rởm, hành động rởm đến vô lý, rởm đến không chịu được, không thực. Nhưng tất cả cái lố lăng đến buồn cười lại là những nhân vật được Vũ Trọng Phụng nưng chiều và người đọc thích thú. Nhà văn HHT đã phê bình cái khiếm khuyết của văn chương VTP, chỉ vì ông quá biện bạch về một thế giới thực và thế giới giả. Nhận xét của HHT đúng mà hóa ra chẳng đúng gì cả. Bỏ cái đoạn nằm gối đầu lên bụng đàn bà đi thì mất hay rồi. Nhưng chính cái đó lại làm cho sự nghiệp văn chương của VTP lớn lên từ đó. Có thể cũng cùng một nhãn quan như thế, cùng một lối nhận định về tính chất của văn chương trào phúng như thế, nhóm TLVĐ đã bỏ rơi một văn tài. Thật là uổng. Rất may, nay có người Mỹ thưởng thức văn ông chứ không phải văn Nhất Linh. Thế mới lạ, cái hay một thời vị tất đã hay mãi. Bây giở cứ mang một cuốn Đọan Tuyệt và cuốn Số Đỏ hay Giông Tố, tự nhiên biết độc giả chọn cuốn nào để đọc... Vả lại nói đến cái lý, cái có thực trong văn chương thì nói đến bao giờ cho đủ. Truyện của tác giả Kim Dung là những truyện hoang tưởng nhất, đẩy trí tưởng tượng đến chỗ không ai tin nổi, hư cấu đến hoang đường nếu không gọi là nói phét... Vậy mà hấp dẫn từ đầu đến cuối, tình lý, đạo nghĩa, triết lý, tâm lý, sinh lý, kiếm pháp, lịch sử, địa lý, khoa hoc, y khoa, cái gì có chữ khoa là được đưa vào hết. Bấy nhiêu thứ trong một câu chuyện. Cái thực của thế giới văn chương và cái thực của đời sống đôi khi chả biết cái nào thực hơn cái nào. Nếu nói đời sống là thực thì tại sao độc giả lại bỏ cái thực đi tìm đọc cái giả. Rồi biết thế giới văn chương là giả, tại sao lại mê coi nó là thực. Hẳn là người đọc không đến nỗi ngu muội đến thế. Vì thế, điều mà nhà văn HHT chê lại là cái làm nên tác phẩm, cái lớn của nó, đến có thể nói thiếu nó tác phẩm còn gì nữa. Cũng vì thế đã có hàng tỷ người đọc ông Kim Dung. Riêng Vũ Trọng Phụng mới đây, cuốn Số Đỏ của ông đã được dịch sang tiếng Mỷ và thành một thứ Best-seller. Các nhà phê bình văn học chỉ biết ngả mũ vì nó lạ quá, buồn cười. Họ vừa khám phá ra một thế giới mới chưa bao giờ họ biết tới. Mới mà hấp dẫn, mà buồn cười. Buồn cười không thể tả được. Và không cười sao được. Người Mỹ có đủ mọi thứ, có thiếu thứ gì. Ngay trong lãnh vực giải trí, lãnh vực chọc cười, họ thua gì ai. Vậy mà họ khám phá cái lối cười, cái lối giễu rởm của Vũ Trọng Phụng, cái cách nhìn sự vật, nhìn thực tại xã hội của hơn nửa thế kỷ về trước vẫn có một cái gì đáng đọc. Một cái anh nhà văn thời đó bị coi là văn chương ngoại biên, chả đáng nói. VTP cách đây hơn nửa thế kỷ, lúc chết chả biết có manh chiếu che thân, bị coi thường, nay được người ngoại quốc trân trọng. Thật là vinh hạnh cho ông, cũng tội cho ông.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn