Những người có duyên nợ với “Về Kinh Bắc”

Thứ Bảy, 13 Tháng Giêng 201811:00 SA(Xem: 4893)
Những người có duyên nợ với “Về Kinh Bắc”

Hoàng Cầm kể

Hoàng Hưng ghi

Nhà thơ Hoàng Cầm (phải) và Hoàng Hưng. Ảnh: Hoàng Hưng

1/ Cô “Cần Thơ”:

Cần Thơ là ai? Tôi quan hệ thế nào với cô?

Nguyên tôi có người bạn ở trong Sài Gòn là anh Nguyễn Bùi Chấn, anh ruột cô Nguyễn Thị Bắc, là hoa khôi tỉnh Bắc Giang – tôi định nhờ cô Bắc diễn vở kịch Kiều Loan rút cuộc là không thành mà thành một người tình của tôi.

Nguyễn Bùi Chấn là bạn học cũ của tôi suốt từ năm đồng ấu cho đến năm lớp nhất ở tỉnh Bắc Giang. Năm 1979, anh có viết thư cho tôi đại ý là: Ở bên Pháp có một nữ bác sĩ còn ít tuổi hâm mộ thơ của anh, tên cô ấy là Bùi Thị Cần Thơ, vậy thì nhận được thư này anh làm ơn cho tôi biết ngay là anh có vui lòng quan hệ với một người như thế không? Cô ấy cũng nói anh thích có cái quà gì hoặc anh thích bất cứ cái gì, cô ấy sẽ gửi tặng anh. Vốn tính tôi khi thấy có một độc giả yêu thích thơ mình như thế, nhất lại là nữ, thì tôi sốt sắng ngay.

Thế là tôi viết thư cho ông Nguyễn Bùi Chấn là tôi sẵn sàng quan hệ với độc giả ở xa; còn về quà, thì hiện nay ở Hà Nội việc mua kháng sinh và những cái thuốc tốt của nước ngoài thật là khó khăn, vậy nếu cô ấy là bác sĩ thì tôi muốn cô ấy tặng tôi một ít thuốc nhưng thuốc chính là kháng sinh, tóm lại là tất cả các loại kháng sinh về bệnh đường ruột, đường hô hấp, đường tiết niệu v.v… để cho gia đình dùng.

Độ hai tháng thì tôi nhận được giấy báo của bưu điện Hà Nội ra nhận gói hàng ở phố Lê Thạch. Họ đưa cho tôi một tờ giấy để khai, khai cả tên người gửi, tôi để trống chỗ ấy. Khi đưa tờ giấy khai thì cô ở bưu điện có vẻ hống hách lắm, bảo “Bác không đề tên người gửi vào đây thì chúng tôi biết thế nào mà phát”. Tôi cũng đâm cáu, tôi nói hơi to: “Xin nói với chị rằng tôi là Hoàng Cầm, một người làm thơ rất nhiều độc giả ở khắp nơi trên thế giới này, người ta có thể biết tôi, thế thì người nào đó gửi quà cho tôi, tôi chịu, không biết tên được, chị chỉ việc tìm người gửi cho tôi thôi chứ bây giờ chị hạch tôi như thế thì thôi tôi chả cần phải lĩnh đâu tôi đi về đây”. Lúc bấy giờ có lẽ cô bưu điện thấy như thế là quá đáng, cô bảo “Không, không cháu nói thế thôi, bác đứng lại để cháu tìm”. Xong rồi cô tìm ra gói hàng đó thì cô đọc tên người gửi và hướng dẫn tôi ghi vào bản khai: người gửi là Bùi Thị Cần Thơ ở thành phố Troie bên Pháp.

Tôi lĩnh được một cái gói hàng vuông vắn bằng các-tông đúng 1kg, mở ra toàn là thuốc, đúng như lời tôi yêu cầu trong thư gửi anh Nguyễn Bùi Chấn, các thứ thuốc kháng sinh, trong nam gọi là trụ sinh, toàn thứ thuốc tốt cả, bên cạnh đó là một lô thuốc bổ cực kỳ đắt tiền ví dụ H500,… Thuốc bổ thì tôi không muốn dùng mặc dù tiêm vào thì cũng tốt thôi, nhưng mà trong hoàn cảnh gia đình tôi không có đủ tiền sinh hoạt hằng ngày, mà khi lĩnh thuốc ngay ở bưu điện đã có những anh đi buôn thuốc theo về tận nhà xin mua.

Gói hàng đó có 1kg thôi và không có cái thư nào gài vào đấy cả, nhưng cô Cần Thơ viết ở phía trong cái bìa. Cô viết khéo lắm, cứ thỉnh thoảng viết về thuốc thì cô gài cái ý ngoài, đại ý là: bên này em là bác sĩ một ngày chỉ làm việc ở bệnh viện nửa ngày thôi, còn nửa ngày nghỉ, em đọc thơ anh rất nhiều, nhưng mà em rất mong có những bài thơ mới của anh về quê hương đất nước, thơ chưa in cũng được, anh gởi cho em ít bài vì bên này cần những cái đó lắm.

Tôi có ông bạn hay nói đùa, làm ở bệnh viện Việt Đức, ông bảo: tên bà là Cần Thơ tức là bà đang cần cái thơ của anh. Lại còn họ Bùi? Bùi Thị Cần Thơ! Tôi nghĩ ngay chưa chắc đó là tên thật nhưng cô ấy lấy họ Bùi chắc cũng là một cách đối phó với chính quyền hay gây những khó khăn trong quan hệ xã hội, lấy họ Bùi để người ta có thể nghĩ là em gái hay họ hàng gì với ông Bùi Hoàng Cầm. Sau đó độ 1, 2 ngày thôi thì tôi viết được ngay một bài thơ, lâu rồi tôi quên mất đầu đề, những câu đầu như thế này “Một áng hương em gói lỏng xuân, Từ đâu bỡ ngỡ cánh thiên thần”. Bài thơ cũng dài tất cả 8, 9 đoạn mỗi đoạn 4 câu.

Tôi gửi thư ngay theo địa chỉ đề ở trong hộp quà, ở cách Paris về phía Đông Nam khoảng 100 km. Thế là từ đấy trở đi quan hệ với cô Cần Thơ này càng ngày càng xiết chặt và tôi luôn luôn gửi thư, cứ độ một tháng có một cái thư, gửi cái nào thì tôi đều nhận được một bưu thiếp thôi chứ không phải là thư, cô ấy trả lời bằng bưu thiếp để cho tôi dễ nhận – cô ấy biết nếu gửi thư thì có thể là thư đề địa chỉ Hoàng Cầm sẽ bị kiểm duyệt.

Cách đến 3 năm sau thì có lần cô gửi một cái thư tay qua một người bạn đem đến tận nơi, cùng với 100 đô biếu tôi. Thư ấy rất dài, cô kể tỉ mỉ việc cô ấy làm, cô ấy mới nói ra là cô có khuynh hướng theo Phật. Có một lần cô ấy đi xuống phía Nam nước Pháp để nghiên cứu về bệnh trẻ em, cô đến đấy và gặp trên lưng chừng một quả đồi có một ngôi chùa người ta tụng kinh, làm lễ Phật, người ta ngồi thiền, và cô ấy thấy rất cảm động và say mê, cho nên cô ấy có khuynh hướng không làm bác sĩ nữa mà đi hẳn vào con đường tu hành.

Trong đời tôi chưa hề có độc giả nào giúp đỡ tôi đều đặn đến như thế, suốt từ năm 1979 đến nay, lúc tôi bị bắt thì bên ấy cô cũng biết tin ngay và cô gửi cho bà Yến 100 đô, đó là người đầu tiên gửi tặng tiền tôi khi tôi ở trong tù, và từ năm tôi ở tù và sau khi ra tù thì cứ mỗi một năm thế nào cô cũng gửi cho tôi đến hai lần quà và tiền, càng về sau thì tiền gửi dễ dàng hơn; trước kia gởi bằng quà, bằng thuốc, lúc đầu chỉ 1kg sau dần dần cô gửi tới 5kg.

Qua những cái thư cô viết cho tôi, đầy nhân hậu, và cũng đầy triết lý, dần dần tôi mới hiểu Bùi Thị Cần Thơ là tên giả trong nhiều tên giả lắm, tên thực của cô là Cao Ngọc Thu. Làm việc thiện từ khi 16, 17 tuổi, hoạt động ở Sài Gòn, cô Ngọc Thu học ở đại học Vạn Hạnh, sau làm đệ tử của một vị tu sĩ nổi tiếng thế giới là Thích Nhất Hạnh. Thầy Thích Nhất Hạnh chỉ vì những hoạt động xã hội và từ thiện đã bị chính phủ Diệm trục xuất. Cô Ngọc Thu sang Pháp theo sư phụ và từ đấy không về nước nữa. Từ năm 1985 cô đã cắt tóc đi tu và bỏ làm bệnh viện nhà nước Pháp nhưng vẫn đem cái hiểu biết y học đi chữa bệnh cho người Việt Nam ở miền Nam nước Pháp. Thầy Thích Nhất Hạnh lập ra một làng Việt Nam, đầu tiên gọi là Village des Roses nhưng gần đây thì gọi là Village des Pruniers vì trồng nhiều cây mận, tức là làng Mai, tập trung các đệ tử tu thiền theo pháp môn của mình.

Từ ngày thống nhất đất nước đến bây giờ, cô Cao Ngọc Thu (đến nay thì tôi biết pháp danh của cô là Chân Không) có viết cho tôi một cái thư hơi cay đắng: “Hiện nay em đang ở Mã Lai, đi theo thầy để giảng đạo ở đấy, em biết rằng bây giờ em chỉ còn cách tổ quốc 200km mà vẫn xa xôi, tưởng như không bao giờ quay lại tổ quốc được”. Có lần trong thư cô ấy kể cho tôi câu chuyện, cô đi quyên tiền khắp thế giới để cứu các em nhỏ là nạn nhân của chiến tranh hoặc là tàn tật, mồ côi, bố mẹ chết trong chiến tranh, hoặc là gia đình tan tác.

Bà Cao Ngọc Thu – Chân Không. Nguồn: Hoàng Hưng

Có một nghịch lý là chính phủ Nguyễn Văn Thiệu cho rằng thầy Nhất Hạnh và cô ấy đi theo cộng sản, còn ở ngoài Bắc thì lại cho họ là tay sai của C.I.A, thế thì buồn cười lắm. Trong thực tế tôi thấy là thầy Thích Nhất Hạnh viết nhiều sách, toàn sách về đạo, triết học, dân tộc, các cách tu luyện, làm thế nào để con người yêu thương lẫn nhau, làm thế nào để tâm hồn con người luôn luôn trong sáng v.v… toàn là những việc tốt cả. Còn cô Ngọc Thu – Chân Không thì tôi thấy là một người độc giả yêu tác giả đến mức như thế suốt từ 1979 đến nay gần 20 năm trời, luôn luôn ủng hộ tiền nong, với những bức thư đầy tình nghĩa và luôn luôn nói đến tâm hồn con người làm thế nào cho cao quí, chính đó là nguồn cảm hứng của tôi, thì đó là người tôi phải biết ơn suốt đời.

2/ Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng:

Lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Mạnh Hùng là năm 1979, do anh Dương Tường đưa đến nhà. Anh là tiến sĩ kinh tế dạy đại học Montreal, Canada, anh lấy vợ người Canada con ông thứ trưởng một bộ gì đó (tôi quên rồi). Anh là con người rất yêu nước, trong suốt cuộc chiến tranh anh theo dõi tin tức của Việt Nam, nhất là anh em văn nghệ sĩ mà anh yêu mến. Khi giải phóng miền Nam thì anh có đặt vấn đề về hẳn Việt Nam để phục vụ nhân dân Việt Nam. Việc không thành vì người vợ không chịu, đó cũng là một trong những lý do dẫn đến hai người ly hôn. Năm 1978 anh về nước lần đầu, trong thời gian đó anh quan sát, nghiên cứu tình hình kinh tế và viết ra mấy đề án cải tiến đưa cho ông Phạm Văn Đồng xem, ông Phạm văn Đồng quí đến mức ra lệnh cho cấp dưới từ nay trở đi anh Nguyễn Mạnh Hùng từ Canada về không cần phải xin giấy nhập cảnh nữa. Thế là anh thường xuyên đi đi về về.

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Hoàng Hưng

Ngay lần gặp đầu tiên, anh khoe đã thuộc một số bài thơ cũ của tôi như là bài ‘Bên kia sông Đuống’, vài bài trong tập “Tiếng hát quan họ” đã in từ trước. Từ đấy anh hay đến tôi. Lúc anh sắp đi thì anh có đưa nhà thơ Nguyễn Duy đến thăm tôi, anh đem đến tặng tôi chai rượu Johnnie Walker và một áo sơ mi còn ở trong túi nilon rất đẹp. Ba anh em cùng uống rượu và nói chuyện thơ. Nguyễn Duy bảo “Ôi giời ơi! Kinh Bắc của anh thì chữ nghĩa nó ma quái lắm”. Nguyễn Mạnh Hùng thì bảo “Em thích nhất là bài gì có câu ‘Lớn lên em đừng tìm mẹ phía cơn mưa’, câu thơ nó vang động trong em, vang động cả một tình cảm quê hương”.

Gặp nhau nhiều lần, tôi thấy anh Nguyễn Mạnh Hùng quả là một người bạn đồng cảm đáng tin cậy. Nên tôi nhờ anh mang hộ một băng cassette sang Pháp cho cô Cần Thơ. Tôi có ngâm vào đấy độ 9, 10 bài thơ, trong đó có bài ‘Bên kia sông Đuống’ mà chính cô Cần Thơ đã có văn bản rồi, nhưng đặc biệt có những bài mà cô chưa có, một số bài trong tập “Về Kinh Bắc” ví dụ ‘Lá Diêu Bông’, ‘Quả vườn ổi’, ‘Về với ta’… Cái băng cả hai mặt 90 phút, tôi thu cái băng đó ở nhà hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn, hôm đó có mấy người bạn đến nghe và xem tôi thu, có cậu Ngô Đăng Tuất làm ở nghe nhìn trung ương, cậu ấy đánh guitar rất giỏi rất hay, cậu đệm cho tôi 90 phút, tôi đã sang lại một băng để ở nhà còn một băng gửi Nguyễn Mạnh Hùng mang đi. Nguyễn Mạnh Hùng nhận lời, lần ấy là năm 1981. Đến đầu năm 1982 Hùng lại về, lần này ở lâu trong nước độ 3, 4 tháng. Trong thời gian ấy anh yêu một cô làm việc ở điện ảnh, có tổ chức cưới ngay ở nhà hàng Phú Gia, nhưng anh xin lỗi không mời tôi vì trong đám cưới đó có nhiều quan khách lắm. Sau đó thì Nguyễn Mạnh Hùng có mời tôi với vợ tôi đến một cửa hàng ăn bình thường ở phố Chả cá.

Lần này Nguyễn Mạnh Hùng xin tôi tuyển chọn cho anh một số tác phẩm của tôi, Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, Đặng Đình Hưng. Đến khi tôi cho anh xem tập “Về Kinh Bắc” thì anh mê quá, nhất định xin tôi toàn bộ tập thơ đó. Lúc bấy giờ chưa có photocopy, chỉ có đánh máy mà đánh máy vừa lâu vừa tốn tiền, thế nên tôi ngồi tôi chép ra cho anh. Anh mang vào Sài Gòn để chuẩn bị trở về Canada thì tôi bị bắt. Dương Tường nghe tin Hoàng Cầm bị bắt một cái là lập tức bảo Nguyễn Mạnh Hùng “Tất cả cái gì của Hoàng Cầm thì giao lại cho Dương Tường”, thế là Dương Tường gửi anh Cao Xuân Hạo tập “Về Kinh Bắc”, anh giữ kín và thỏa thuận với anh Cao Xuân Hạo cũng giữ kín không nói cho ai biết là anh Nguyễn Mạnh Hùng có gửi tập “Về Kinh Bắc” ở đây. Quả nhiên anh Nguyễn Mạnh Hùng ra sân bay Tân Sơn Nhất về Canada thì bị khám kỹ lắm, sau này anh có kể chuyện là họ bắt cởi hết quần áo ra, chỉ mặc cái quần đùi để cho họ khám xem có tài liệu gì của Hoàng Cầm trong người không. Từ đấy anh hầu như không được phép về Việt Nam nữa, mãi đến năm 1987 tức là 5 năm sau anh mới được về, lúc ấy thì tôi đã được phục hồi.

3/ Hoàng Hưng:

Cũng năm 1982, Hoàng Hưng, một nhà thơ trẻ từ Sài Gòn ra, đến thăm tôi và bảo: “Em ra Hà Nội chỉ độ một tuần nữa thì em về Sài Gòn, vậy anh làm thế nào anh chép cho em toàn bộ tập “Về Kinh Bắc”. Ở trong ấy em có sinh hoạt với nhóm anh em trẻ làm thơ, họ muốn có tập “Về Kinh Bắc” của anh để nghiên cứu bởi vì cứ nghe đồn hoặc là thuộc vài câu vài bài thích lắm mà tam sao thất bản cả, anh chịu khó chép giúp em”. (Trước kia tôi đã chép cho Hoàng Hưng ba bài: ‘Tam cúc’, ‘Diêu bông’, ‘Vườn ổi’).

Tôi còn chần chừ thì ông Minh Đức Trần Thiếu Bảo đến bảo là “Hoàng Hưng bảo nó xin anh tập Về Kinh Bắc thì anh cho nó đi! Tôi có bảo cậu ấy bồi dưỡng cho anh, giờ anh nghỉ bán rượu để chép thì anh làm gì có tiền mà chi tiêu”. Ông Minh Đức mua giúp Hoàng Hưng 200 tờ giấy trắng đẹp lắm, mỗi một hôm bán rượu đến độ rỗi rãi vắng khách thì tôi mới ngồi chép, thường thường về đêm, khoảng 10h30 tôi lại chép độ 1 tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ. Thành ra độ 10 ngày tôi mới chép xong.

Khi tôi giao cho Hoàng Hưng tập “Về Kinh Bắc” tại nhà ông Trần Thiếu Bảo – lúc ấy nhà ông cũng mới mở quán ăn uống – thì Hoàng Hưng lại sẵn có một bìa do anh Văn Cao trình bày và bốn tranh phụ bản của Bùi Xuân Phái, có ba cái tôi thích lắm bởi vì anh Bùi Xuân Phái đã đọc “Về Kinh Bắc” rồi và anh đã từng vẽ phụ bản cho tôi chép một tập mà tôi cho cà phê Lâm. Chính cái bản cho cà phê Lâm có một hôm tôi đã mượn về, vì có mấy anh bạn uống rượu cứ đòi xem, họ uống suốt từ 9h sáng cho đến chiều, ngồi uống rồi đọc tập “Về Kinh Bắc”. Đến chiều hôm ấy tôi không tìm thấy lại tập thơ nữa. Tập ấy là tập tôi chép rất đẹp, cũng có bốn phụ bản của Bùi Xuân Phái cũng rất đẹp, anh vẽ những cảnh hội Kinh Bắc, hai cô con gái quan họ, một chân dung của tôi, thành ra anh Lâm giữ như là của gia bảo…

Mấy ngày sau khi giao bản chép tay “Về Kinh Bắc” cho Hoàng Hưng thì tôi bị bắt (ngày 20/8/1982). Đêm đầu tiên vào Hoả Lò, tôi mới được mấy người tù cũ cho biết ngày 18/8 Hoàng Hưng cũng bị bắt vào đây, ở đúng buồng này. Hôm sau có lúc tôi thoáng thấy anh đi cung ngang qua sân nhà giam… Sau tôi được biết Hoàng Hưng bị giam tù 39 tháng vì tập “Về Kinh Bắc” và những bài thơ anh ta làm từ trước, chép trong sổ tay để ở nhà. Mãi sau Đổi mới, tôi mới gặp lại anh ở Sài Gòn.

4/ Những người toan tính xuất bản Về Kinh Bắc:

Sau ngày “Đổi mới”, tôi và anh em Nhân Văn-Giai Phẩm đã được phục hồi, nhà thơ Xuân Quỳnh là người đầu tiên sốt sắng xuất bản “Về Kinh Bắc”. Xuân Quỳnh làm thơ rất hay, tôi coi cô như con gái, cô rất thân với con gái tôi là Hoàng Yến. Xuân Quỳnh đã đọc tập thơ này từ lâu rồi khoảng năm 1974, 1975 gì đó, tôi cho cô mượn đến một tháng trời, cả hai vợ chồng Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh đều rất thích.

Xuân Quỳnh đến tận nhà tôi bảo là “Chú à, cháu là biên tập ở nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, chú để cháu in tập Về Kinh Bắc”. Lúc bấy giờ tôi giữ ý, tôi bảo đừng lấy tên “Về Kinh Bắc”, người ta vẫn còn săn nó ghê lắm, người ta còn thành kiến ghê lắm, tên tập thơ “Về Kinh Bắc” quá nổi nên công an người ta không thích, nếu cô có in thì in thêm bài “Bên kia sông Đuống”, lấy tên tập thơ là “Bên kia sông Đuống” thì được. Cô Xuân Quỳnh bảo “Thôi được rồi chú cứ để mặc cháu, miễn chú đồng ý là được rồi, cháu đấu tranh thế nào để tập thơ nó phải ra đời không thể giữ kín mãi được, phải để cho độc giả người ta đọc”.

Thế rồi cô ấy biên tập xong, cô làm bản nhận định đưa cho giám đốc là anh Vũ Tú Nam, anh Vũ Tú Nam cũng đã ký vào rồi và chuẩn bị in rồi thì đùng một cái có bốn ông công an đến nhà xuất bản Tác Phẩm Mới yêu cầu không được in tập thơ này. Đã xảy ra một cuộc cãi lộn rất lớn giữa Xuân Quỳnh và anh Vũ Tú Nam, sau này Xuân Quỳnh có thuật lại cho tôi biết. Vũ Tú Nam nói với Xuân Quỳnh rằng “Ở trên (ý nói lãnh đạo, nói chung bao giờ cũng dùng chữ “ở trên”) người ta không đồng ý tôi in cái tập này đâu thì thôi Xuân Quỳnh xoá nó đi không in nữa”, thì Xuân Quỳnh bảo “Các anh buồn cười nhỉ, chính anh đã ký vào bản nhận định của tôi rồi, ký vào rồi là đồng ý đi in rồi, tại sao bây giờ anh lại rút ra, sao anh hèn đến như thế, anh cũng làm thơ anh cũng viết văn, anh xem cái tập thơ này nó xấu ở chỗ nào? nó làm hại dân tộc làm hại tổ quốc ở chỗ nào, anh đã đồng ý rồi bây giờ anh thấy công an đến anh sợ anh lại đòi hủy đi, thế là thế nào tôi không hiểu, tôi không hiểu được thái độ của anh… Thôi được rồi, anh không in tôi in, bởi vì anh đã ký vào đây rồi, tôi vẫn còn giữ cái bản ấy đây, tôi đem in, nếu nhà xuất bản không bỏ vốn tôi sẽ tìm cách bỏ vốn tôi in”.

Vũ Tú Nam sợ quá nói gần như van như lạy: “Thôi, Xuân Quỳnh nghĩ đến anh một tí, anh là phụ trách, giám đốc thì tất nhiên về mặt chính trị, về mặt pháp luật thì phải chịu trách nhiệm”, thế thì Xuân Quỳnh bảo “Tôi chỉ có thể nhân nhượng cho anh là vẫn in mà đổi tên, không lấy “Về Kinh Bắc” nữa mà có thể lấy “Bên kia sông Đuống” bởi vì “Bên kia sông Đuống” là bài thơ tốt trong kháng chiến chống Pháp ai cũng biết rồi, nhưng ở bên trong thì vẫn in đầy đủ các bài của tập “Về Kinh Bắc”. Tôi chỉ nhân nhượng anh về điều đó thôi còn nếu không thì tôi vẫn cứ đem in đây này”.

Tôi nghe câu chuyện đó thì tôi bảo “Thôi Xuân Quỳnh à, Xuân Quỳnh cũng nên thôi và nếu có in thì nên chọn một nửa thôi, một nửa số bài trong “Về Kinh Bắc” là những bài nổi tiếng, đổi tên đi và thêm vào đấy một số bài mới hoặc thêm những bài trong kháng chiến chống Pháp ví dụ bài ‘Giữ lấy tuổi trẻ’, bài ‘Đêm liên hoan’ hay là bài ‘Tâm sự đêm giao thừa’ hay bài ‘Bên kia sông Đuống’, đấy là những bài đã được khẳng định trong kháng chiến chống Pháp, lẫn lộn vào đấy như thế cho nó nhẹ bớt Về Kinh Bắc đi”. Xuân Quỳnh cự lại tôi “Khổ quá chú bị ở tù rồi bây giờ chú đâm ra nhát quá, cháu cứ in thì đã làm gì, chả làm sao cả, bây giờ ai đem ra tranh luận tập thơ này xem nó xấu ở chỗ nào thì cháu có thể đảm bảo với chú cháu sẽ đánh bại mọi ý kiến nào đả phá nó”.

Còn dằng dai như thế thì ở trong Huế, anh Nguyễn Trọng Tạo cùng với anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, lúc bấy giờ anh Hoàng Phủ Ngọc Tường là chủ tịch Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế còn anh Trọng Tạo là biên tập của Nhà xuất bản Thuận Hóa của Huế, hai anh có ý định in tập “Về Kinh Bắc” nhưng cũng vui lòng lấy tên là “Bên kia sông Đuống” hoặc “Thơ Hoàng Cầm” thế thôi. Các anh chuẩn bị đến mức là xong ở nhà in rồi, chuẩn bị giấy má, tiền công in và anh Trọng Tạo định in một vạn rưỡi cuốn vào năm 1988.

Nhà thơ Hoàng Cầm (trái) và Nguyễn Trọng Tạo. Nguồn: Hoàng Hưng

Nhưng một hôm tôi đang ngồi giặt ở máy nước trước cửa trông thông thống ra ngoài đường thì thấy ca sĩ Ngọc Bảo vẫy vẫy tôi một cách rất vội vã, anh vẫy tôi ra chứ anh không vào. Tôi chạy ra xem anh bảo cái gì, thì anh ghé vào tai tôi nói thầm “Này cậu in tập thơ gì ở Huế phải không? Cậu đánh điện cho nó bảo thôi đi chớ nếu không tay Nhạ (phòng an ninh chính trị Sở Công an Hà Nội) nó bắt cậu lại ngay lập tức, bởi cậu có cái lệnh tạm tha thôi lúc nào nó bắt lại cậu cũng được, ở tù thì khổ lắm, tôi thương cậu tôi biết chuyện đó tôi mách cậu đấy, nên bảo nó hoãn đi, đừng in vội thì cậu thoát nếu không thì nó ra cái lệnh bắt nữa thì khổ cậu lắm”.

Thế là tôi đâm sợ, đâm hoảng thật vì ở tù thì chả có ai thích cả, muốn quyết tâm gì, muốn khí phách gì chăng nữa chứ ở tù thì cũng khổ lắm, tôi thì vốn nhát cái chuyện đó, lúc nào người ta bắt tôi chả được, tôi là con giun, con dế họ dẫm mãi cũng chết, tôi chưa muốn chết, chả tội gì mà đâm đầu vào đấy làm gì, nó có giá trị thì để 50 năm nữa in vẫn cứ được.

Tôi nghĩ như thế nên tôi đánh điện vào cho anh Hoàng Phủ Ngọc Tường yêu cầu hoãn không thời hạn việc ấn hành tập thơ của tôi, dưới bức điện ký tên Hoàng Cầm. Sau này anh Trọng Tạo mới kể lại chuyện với tôi là “Nhận được cái điện ấy thì anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đang phân vân, Trọng Tạo bảo ‘Tôi đã chuẩn bị đầy đủ rồi cả tranh bìa rồi, việc in, giấy má, hợp đồng là xong hết cả rồi, chỉ có việc đánh máy và đưa đi in thôi, còn có cái gì nữa đâu, cứ in bừa đi, cái ông Hoàng Cầm hay nhát lắm, chắc có ai dọa ông ấy sợ”.

Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường thì chín chắn hơn, anh bảo “Không, giá ai đánh điện thì tôi cứ làm nhưng đây chính anh Hoàng Cầm đánh điện, anh ký tên hẳn hoi ở dưới, nếu tôi làm nhỡ ra anh ấy có bị làm sao thì có phải tôi đẩy anh ấy vào chỗ chết không”.

Rồi đến Nhà Xuất bản Văn học cũng lại thế. Lúc bấy giờ còn anh Lý Hải Châu làm giám đốc, anh Lý Hải Châu cũng định in ít bài “Về Kinh Bắc” độ 5, 3 bài thôi còn thì in những bài thơ cũ của tôi hoặc những bài thơ mới làm, cuối cùng anh Lý Hải Châu cũng bị công an đến yêu cầu, anh Lý Hải Châu cũng tranh luận với họ một lúc, nhưng sau đó anh Lý Hải Châu bảo với tôi rằng “Trong lúc an ninh người ta đang làm căng thẳng thì tôi không nên đẩy thêm căng thẳng làm gì, mà đẩy thêm thì chỉ khổ cho anh thôi. Thế thì thôi anh cứ hoãn cũng được, lúc nào tình hình khá lên, dân chủ mở ra một chút nữa, đổi mới này nó khá lên một chút nữa ta in thì chả làm sao cả, tác phẩm hay thì lúc nào in cũng được”.

Người thứ tư muốn in “Về Kinh Bắc” là anh Sinh, trưởng ban biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ, anh muốn in những bài nổi tiếng như bài ‘Diêu Bông’, ‘Tam Cúc’ trong một tập thơ của tôi nhưng chỉ đề là ‘Thơ Hoàng Cầm’ thôi, thế là lập tức công an đến, rồi ông Quang Phòng Tổng cục phó Anh ninh viết cái thư cho anh Sinh “Anh Hoàng Cầm có thể in tất cả những bài thơ mới của anh nhất là những bài thơ tình anh mới viết, riêng tập “Về Kinh Bắc” thì còn phải chờ một thời gian nữa, yêu cầu nhà xuất bản Phụ nữ không in bất cứ một bài nào trong tập Về Kinh Bắc cả”.

Đang trong tình cảnh chán nản như thế, thì một hôm tôi mang một tập thơ toàn những bài thơ tình, cả thơ cũ lẫn thơ mới làm, đến anh Quang Huy tức là Nhà xuất bản Văn hóa, tôi đề ở ngoài là “Mưa Thuận Thành”, tôi cũng không yêu cầu gì với anh Quang Huy là in hay không in, tôi chỉ nói “Tôi có một tập thơ toàn những thơ tình mới cả đây tôi đưa anh đọc”. Quang Huy mới bảo “Ôi giời ơi! Thơ tình của anh để tôi xuất bản, tôi sẵn sàng xuất bản ngay anh không cần bỏ vốn ra, thơ của anh tôi bán được”.

Thế là anh Quang Huy tự nhận lấy việc in tập thơ “Mưa Thuận Thành” không có một bài nào trong tập “Về Kinh Bắc” cả. Nhưng rồi anh Quang Huy lại bảo “Nếu in “Mưa Thuận Thành” thì anh phải cho mấy bài đã nổi tiếng đã đăng báo rồi như ‘Diêu Bông’, ‘Tam Cúc’, ‘Về với ta’, ‘Tắm đêm’… có độ 7, 8 bài anh đã in báo, có bài đã đăng hai lần rồi, chẳng có dư luận xấu nào đối với anh cả, anh nên cho thêm vào để tập thơ có giá trị, nếu chỉ có “Mưa Thuận Thành” không thì chưa chắc người ta đã thích mua đâu”. Tôi bảo “Ôi giời tập “Về Kinh Bắc” thì công an người ta đã ra chỉ thị tuyệt đối không có nhà xuất bản nào được in dù là một bài ở trong tập ‘Về Kinh Bắc’”.

Quang Huy bảo “Thôi được rồi anh cứ mặc tôi, nếu cần đấu tranh thì tôi đấu tranh, anh đừng phải quan tâm gì cả anh cứ thay cho tôi 8 bài, 8 bài nào mà anh thấy kém nhất trong tập “Mưa Thuận Thành” anh thay bằng những bài “Về Kinh Bắc” đã đăng báo rồi, tôi dựa vào chuyện đã đăng báo rồi tôi sẽ đấu tranh được”.

Quả nhiên là khi bản thảo tập “Mưa Thuận Thành” đã đến tay anh Quang Huy thì lại có 4, 5 cán bộ công an trên tổng cục xuống yêu cầu nhà xuất bản cho mượn cái bản thảo rồi cho xem những bản đã đánh máy vi tính, thế thì anh Quang Huy nói lại rất mềm dẻo nhưng cũng rất cứng, anh bảo “Thưa các đồng chí cái này nó đã vào kế hoạch xuất bản của tôi rồi, đã vào kế hoạch thì tôi không thể thay quyển khác vào đây, nếu các đồng chí mượn thì tôi cũng vui lòng đưa các đồng chí xem, chỉ có một điều là những bài chúng tôi chọn của anh Hoàng Cầm ở đây có một số bài hình như có trong tập “Về Kinh Bắc” đấy, nhưng toàn là những bài đã đăng báo từ ngày đổi mới đến giờ, có bài đã đăng 2, 3 lần, chúng tôi thấy cũng không có vấn đề, độc giả vẫn hoan nghênh, cũng không có ý kiến nào phản đối những bài thơ đó cả, vậy thì các đồng chí nên xem xét để chúng tôi in cho nó nhanh cho nó kịp, các đồng chí mượn thì xin các đồng chí trả đúng thời hạn”.

Không biết bên công an nghĩ thế nào, nhưng rồi cuối cùng tập “Mưa Thuận Thành” cũng ra trót lọt, ra được 8 bài trong “Về Kinh Bắc” toàn là bài hay. Tập “Mưa Thuận Thành” tôi không biết bên trong anh Quang Huy in bao nhiêu nhưng đề bên ngoài 1000 bản, có 15 ngày thì bán hết.

Vậy là từ sau ngày tôi bị kỷ luật, nói cách khác, tính từ quyển cuối cùng in ở Nhà xuất bản Văn Học năm 1956 cho đến năm 1989 tức là sau 33 năm tôi mới trở lại việc ấn hành một tập thơ. Dư luận quanh tập “Mưa Thuận Thành” đang sôi nổi thì lại có việc nhạc sĩ Trần Tiến dựa theo ý thơ ‘Lá Diêu Bông’ sáng tác ra bài ‘Sao em nỡ vội lấy chồng’. Bài hát của Trần Tiến rất là nổi, đó là bài hát dung dị dễ thuộc, dễ nhớ, mang nhiều tính chất dân giã, thành ra cả năm 1990, 1991, rồi cả năm 1992, 1993 nữa, thậm chí tôi nghe cả xẩm ngoài đường, xẩm chợ Hôm, chợ Hàng Bè hát bài ấy.

Đến năm 1994 thì Nhà xuất bản Văn Học của anh Lữ Huy Nguyên được một anh cán bộ an ninh trên Trung ương xuống nói rằng “thôi bắt đầu từ bây giờ tập thơ “Về Kinh Bắc” được mở ra rồi, tức là cái chỉ thị cấm in đã hủy bỏ”. Thế là khoảng tháng 7 tháng 8 năm 1994, “Về Kinh Bắc” chính thức ra mắt tại NXB Văn Học.

5/ Nguyễn Doãn Nhạ:

Sau này về tôi mới biết chuyện tôi bị bắt chắc chắn là do Tố Hữu, Tố Hữu có công an riêng của ông, chính là công an Hà Nội, để mà săn sóc những người Nhân Văn Giai Phẩm. Người bắt tôi là là trưởng phòng an ninh chính trị của Sở Công an Hà Nội, tên là Nguyễn Doãn Nhạ.

Tôi mới gặp ông Nhạ có một lần vào năm 1974, chưa giải phóng. Lúc ấy tôi đang uống bia ở Hồ Tây thì có một anh trẻ tuổi, độ 18, đến bảo “Chú ơi, chú về nhà đi, chú về đi rồi cháu sẽ đến gặp chú”, cậu ta nói rất nhỏ… Tôi đoán là có chuyện gì rồi, nhưng chả việc gì phải trốn tránh. Buổi chiều cậu ta đến, nhưng không dám vào nhà mà kêu tôi ra cửa. Cậu ta có vẻ rất e dè, nói thì thào: “9h sáng mai chú đến sở công an ở đường Trần Hưng Đạo, chú đến đấy sẽ có người đón chú vào”.

9h sáng hôm sau tôi đến cổng Sở Công an thì có người đón, đưa tôi vào cái buồng nho nhỏ có bàn có ghế. Ngồi mấy phút thì một anh cán bộ chừng 40 tuổi mặt xam xám, mắt hầu như không có lòng đen, người gầy quắt, mặt thì choắt, cười thì miệng cười rất rộng răng thì rất trắng nhe ra làm cho tôi thấy hơi rùng mình. Tôi có cảm giác gặp một bộ mặt của tử thần, mà cái cảm giác đó rất rõ.

Anh ta nói với tôi thế này: “Ít lâu nay anh có truyền bá những bài thơ anh làm, ảnh hưởng rất nặng đến tư tưởng của thanh niên thủ đô. Cấp trên của chúng tôi rất lấy làm không hài lòng về việc đó, tôi cho gọi anh đến đây để yêu cầu anh từ sau Nhân Văn anh có làm những bài thơ gì, chép cho ai, đọc cho ai nghe, tặng biếu những ai thì anh phải thu hồi về hết và từ nay trở đi tuyệt đối anh không chép bất cứ một câu nào, bài nào cho bất cứ ai, nếu anh không chấp hành thì anh phạm vào kỷ luật nặng đấy, để đến lần thứ hai tôi phải nhắc anh như thế này thì chúng tôi nhắc ở trong tù, trong nhà giam chứ không phải nhắc ở đây. Bây giờ anh viết kiểm điểm, từ sau Nhân Văn cho đến bây giờ anh sáng tác những cái gì? Và những sáng tác ấy mang tư tưởng gì? Cái đó chúng tôi đã biết cả, những bài thơ của anh nó lan truyền trong giới thanh niên, sinh viên, học sinh, khá nhiều đấy, truyền miệng truyền tay nhau toàn những bài thơ mang một nội dung không lành mạnh, nội dung mang tính chất chống phá chủ nghĩa xã hội”.

Tôi nói: “Tôi có sáng tác một số bài thơ nhưng đấy là những bài thơ về quê hương cũ, đó là tình cảm riêng của tôi không có gì là chống phá cách mạng cả, thơ thì có thể hiểu theo nghĩa này cũng được, hiểu sang nghĩa khác cũng được, chứ tôi không có ý gì sau Nhân Văn, tôi không có ý gì chống lại đường lối hoặc chính sách của Đảng”.

Anh ta bảo: “Đó là anh nói thế thôi, chứ rõ ràng nếu những bài thơ tốt cho chế độ thì có thể đăng báo được chứ làm sao mà không đăng được? Dù kỷ luật của anh thế nào đi chăng nữa, nhưng anh thử gửi những bài thơ tốt đối với chế độ này thì tôi tin là các báo đăng ngay, đây không có báo nào đăng gì cả, vậy thì tại sao anh làm cái chuyện lưu truyền trong thanh niên… Cơ quan tôi nhận rất nhiều báo cáo về những bài thơ ấy ở trong thanh niên, sinh viên, học sinh, trí thức, cán bộ văn nghệ văn hóa, thế thì tại sao? Có phải là anh truyền bá đi không, mà truyền bá như thế là truyền bá những tư tưởng chống đối, anh có nhận như thế là sai không?

Tôi trả lời: “Tôi có chép cho một số người, một số bạn, chép một số bài chứ không nhiều, cái đó có, những bài thơ không có chống đối gì hết, còn ai nghĩ là chống đối tôi không thể nào biết được. Bây giờ bảo tôi thu hồi thì tôi thu hồi thế nào đây, nếu như người ta đã thuộc rồi thì tôi làm thế nào mà thu hồi lại được, vì thơ là một cái gì nếu hợp với người ta thì nó có cánh nó bay đi nó đậu lại trong bụng dạ người ta thì tôi làm thế nào mà thu hồi?” – “Có bài nào anh chép cho người ta, cho anh X, anh Y nào đó thì anh biết để đòi lại chứ, cái đó có thể thu hồi được, còn bài nào người ta thuộc rồi thì tất nhiên không thể lấy lại được, đấy có phải là cái tội của anh không? Tại sao những bài thơ người ta thuộc một cách bí mật, người ta lan truyền nhau một cách lén lút? Đó phải là những bài thơ chống đối cách mạng, hợp với bọn thanh niên bất mãn, bọn sẵn sàng chống đối chế độ, hợp với bọn ấy cho nên chúng nó thuộc”. Thế là anh cán bộ bắt tôi viết kiểm điểm. Tôi viết hai trang, tôi viết sự thật, cũng có chép tay cho một số người 5, 3 bài thơ trong tập “Về Kinh Bắc” của tôi, tôi hứa từ nay không chép cho ai nữa, không truyền bá đi nữa. Sau đó thì tôi về.

Về sau tôi có hỏi một anh ở công an nhưng có tình thân gia đình tức là anh Bảo Hùng, em chồng bà Tuyết Khanh, anh Bảo Hùng nói đó là anh Nhạ, trưởng phòng an ninh chính trị. Bấy giờ tôi mới biết tên anh là anh Nhạ, chứ chưa biết họ, cho đến năm 1982 khi nghe đọc lệnh bắt và khám nhà ký tên là Nguyễn Doãn Nhạ, trưởng phòng an ninh chính trị Sở Công an Hà Nội…

Sau khi giao tập thơ cho Hoàng Hưng thì tôi về, tôi chả nghĩ ngợi gì cả. Mấy ngày sau, tức ngày 20 tháng 8, buổi sáng lúc ấy gần 9h vợ tôi đi chợ rồi, cũng chưa có khách đến uống rượu, tôi vẫn nằm trên gác bắt đầu giở bàn đèn ra; mới hút độ hai điếu tôi thoáng thấy bóng một anh áo vàng, tức là công an đi qua cửa sổ thì tôi vội vàng đi xuống, thì hóa ra anh cán bộ ở đồn, quen biết, anh ta có vẻ thân mật nói là chỉ vào thăm bác thế thôi, tôi cũng mời nước, mời thuốc lá, xong thì anh ta lại đi.

Tôi tưởng xong rồi chẳng có chuyện gì lại lên gác, lại định châm đèn lên để hút thì lập tức thấy bóng áo vàng thêm mấy người nữa mặc civil. Tôi bắt đầu biết là có chuyện rồi, tôi lại tắt đèn đi xuống. Vừa xuống thì gặp 3 người công an đến, một anh tên là Phú, còn hai anh kia đi theo có súng ống đầy đủ, có cả mặt công an hộ tịch ở đấy, có mặt cả đại biểu khu phố. Anh tên là Phú đọc lệnh, đại ý là căn cứ vào cái này, căn cứ vào cái khác, điều nọ điều kia của bộ luật gì đấy thì: điều thứ nhất, bắt tên Bùi Đăng Việt (tôi định cải chính ngay là không phải Bùi Đăng Việt mà tôi là Bùi Tằng Việt, nhưng mà thôi kệ muốn là cái gì thì nó cũng đến bắt tôi rồi, có cải chính cũng thế) vì tội sáng tác, tàng trữ, lưu hành những tài liệu có tính chất đồi trụy và phản động; điều thứ hai là khám xét nhà cửa cẩn thận để thu lại những bằng chứng của những tài liệu mang tính chất phản động và đồi trụy đó – nghĩa là vừa khám nhà, tịch thu tài liệu và bắt.

Cái lệnh nội dung là thế, đến khi vào trong tù thì tôi thực sự hoang mang không biết bắt vì lý do gì là chính chứ còn lý do kia là áp đặt thế thôi, làm gì có tài liệu gì gọi là phản động, đồi trụy. Họ không dám nói là thơ, họ nói là tài liệu thôi, trong lệnh bắt không nói là sáng tác thơ. Lúc bấy giờ tôi chẳng cãi, hơi đâu mà cãi, đằng nào cũng thế rồi, tôi cứ im lặng đi theo họ khám suốt từ 9h cho đến 2h chiều. Rồi tôi sực nhớ bốn hôm trước anh Trần Dần đến chơi, có thuật lại ông Tố Hữu mới họp tuyên huấn nói rằng cái bọn Nhân Văn là chúng tôi tuồn tài liệu ra nước ngoài, để xuất bản hoặc là bán, vậy thì tôi bị bắt chắc là vì đã gởi thơ cho Nguyễn Mạnh Hùng, cho cô Cần Thơ.

Giữa chừng vợ tôi về, bà ấy cứ tưởng rằng bắt về đồn, tức là đồn 14 Lý Quốc Sư như mấy lần trước, bắt tôi ra để cảnh cáo về việc bán rượu lậu, vợ tôi lại ngây thơ như thế cơ! Khi thấy họ đem hết giấy tờ của tôi đi, vợ tôi có xin lại những bức thư hồi mới quen nhau tôi có gửi cho bà ấy, khoảng 10 bức, có cả thơ nữa, không có liên quan đến “tài liệu” gì hết, nhưng họ bảo không được, những cái gì đã là chữ viết của anh Hoàng Cầm thì chúng tôi có lệnh đều phải tịch thu hết. Họ tịch thu cả những thư của con Loan gửi cho tôi từ Sài Gòn, cả những thư của bà Cần Thơ ở bên Pháp gửi về, họ tịch thu hết những gì gọi là chữ, dù chỉ một chữ mà tôi viết lằng nhằng gì đấy ở trên một miếng bìa hoặc một tờ giấy gói thuốc lá thì đều thu bằng hết.

Cũng nói rõ thêm về việc bán rượu lậu của tôi. Dạo ấy cũng nhờ bán rượu gia đình tôi có thêm miếng cá miếng thịt còn trước kia thì khổ lắm. Nguyên do một hôm con gái tôi Bùi Hoàng Yến với chồng nó là Quang Thái, hai vợ chồng về chơi, thấy mâm cơm chỉ vẻn vẹn một bát nước mắm và một bát dưa chua thế thôi, nó ngồi nó phát khóc vì thương tôi quá. Nó bảo làm thế nào để bố kiếm sống thêm chớ bố già rồi mà sống thế này thì khổ quá, để con nghĩ xem, hay là bố bán cafe đi hay bán cái gì ở trong nhà chớ ra ngoài đường chả có chỗ ngồi, bán cái gì để bạn bè bố đến ủng hộ.

Chính vì lẽ đó mà tôi mở quán rượu, chính con gái tôi cho tôi được 50 đồng, tôi để ra 10 đồng mua chén, đóng thêm mấy cái ghế, còn 40 đồng thì mua đúng 5 lít rượu quê, mua được 5 lít rượu quê là con rể tôi phải đèo xe máy tôi về Lạc Đạo mua. Lúc 2, 3 tháng đầu bán lác đác phát chán, ôi giời ơi! Bán như thế một ngày không lãi nổi một đồng bạc thì chán lắm, nhưng tôi không biết làm cái gì thì cứ để đấy, dần dần cũng đông khách, từ năm 1980 trở đi thì đông khách lắm, nhất là vào những dịp như Noel hay là chiều thứ 7, chủ nhật hoặc là những ngày nghỉ lễ thì có thể nói là đông đến mức không có chỗ ngồi, khách ngồi cả lên giường nằm, ra cả ngoài sân đem rượu ra đấy uống. Thành ra vì chuyện bán rượu mà hơi rầy rà đối với chính quyền.

Chính quyền không cho bán rượu, cái chính vì tôi là Hoàng Cầm, người đã có lỗi trong thời kỳ “Nhân Văn Giai Phẩm”, mà bây giờ bán rượu tức là để tụ tập vào rồi sinh ra cái chuyện tuyên truyền lăng nhăng chăng. Người ta ngại chuyện đó cho nên luôn luôn độ tuần lễ hay mươi hôm là phải gọi tôi lên đồn một lần để yêu cầu đình chỉ ngay việc bán rượu. Cứ lên đấy thì tôi viết kiểm điểm rồi giấy cam đoan như thế, nhưng về rồi thì vẫn cứ bán, vì nếu ngừng một ngày bán rượu là không có tiền.

Khám xong, làm biên bản xong thì độ hơn 2h chiều, sau khi làm biên bản thì đọc lại, trong khi tịch thu tài liệu thì không có đụng chạm gì tài sản của gia đình ví dụ như quần áo, tiền hay bất cứ tài sản gì vật chất nào đấy. Bà Yến phải chứng thực điều đó, sau đó thì ra xe, đến lúc bấy giờ ôtô mới đến, ôtô bịt kín của công an đi bắt người, tôi và hai cái hòm tài liệu có niêm phong đưa về Hỏa Lò. Trong hai cái hòm ấy có nhiều bản thảo thơ, kịch thơ của tôi chưa xuất bản. Đó là tài sản duy nhất của tôi.

Sau khi Đổi mới, nhiều lần tôi đề nghị công an Hà Nội trả lại, họ cũng đồng ý nhưng cứ lần lữa mãi không trả. Đó là một điều tiếc hận nhất trong đời làm thơ của tôi. Cho đến gần đây, Sở Công an Hà Nội đối với tôi rất tốt, ngay cả những người phụ trách cũng muốn tìm và trả lại tôi, nhưng rốt cuộc họ không tìm ra! Tôi cho rằng theo lệnh của ai đó họ đã đốt đi từ lâu rồi, vì đó là những sáng tác hay của tôi không được phép lưu lại ở đời này, chắc là họ ra lệnh đốt rồi, nếu thực sự là tài liệu cần thiết cho luật với án thì họ phải giữ lại chứ?

Buổi chiều ngày 20 tôi vào Hỏa Lò, tôi chỉ mong được giam vào đâu để có thể ngã xuống nằm, có thể là sàn gạch hay sàn xi măng cũng được. Nhưng họ bắt tôi ngồi vào cái bàn và có một anh công an đưa từng cái thư từng bài thơ một, bắt tôi ký vào, kể từ cái phong bì, nếu cả quyển thì phải ký vào bìa và ký vào ruột, liên miên như thế suốt từ khoảng 2h30 cho đến 5h chiều. Trong hai tiếng rưỡi cứ ký liên miên đến nỗi mắt tôi nhíp lại vừa mệt vừa buồn ngủ, đưa cái gì là tôi ký vào thôi chẳng biết có phải của tôi hay không nữa, lúc đầu còn biết bài thơ này của tôi hay cái thư này của con Loan nhưng về sau hoa mắt cả lên, mệt lắm rồi, đã không có được một điếu nào từ sáng rồi, lại đi ỉa chảy vài lần rồi mà chưa được ăn uống gì.

Trước khi lên ôtô về Hỏa Lò thì bà vợ tôi vội vàng ra phố mua nắm xôi với mấy miếng chả gì đó, tôi đâu kịp ăn chỉ gói vào giấy báo, đến 5h chiều thì nó khô cứng cả rồi và tôi cũng chẳng nhớ ở đâu mà ăn. Đến 6h thì anh Phú đưa tôi đến cái hành lang, ở đó có một cái bàn mà không có ghế, anh bảo “Ông có mệt thì nằm trên cái bàn này nghỉ tạm một tí rồi thu xếp buồng đưa ông vào”. Anh Phú còn trêu tôi “Ôi giời ông nghe có vẻ thơ hay lắm nhỉ, thì đọc một bài đi nhỉ, cái bài gì mà tôi thấy nhiều người truyền lắm, Diêu bông diêu biếc gì đấy”. Chẳng nhẽ anh công an bắt tôi, anh bảo đọc mà tôi không đọc, thế là tôi cũng cố gượng đọc bài “Lá Diêu Bông”. Anh cười cười bảo “Ôi giời thơ thế này nó hay thế nào tôi chả biết nhưng chả hiểu gì”…

Sáng hôm sau thì ông Nhạ xuống, xuống cái phòng của ông trung tá trưởng phòng an ninh điều tra xét hỏi, ông này cũng tham gia vào việc hỏi cung, nhưng là phụ, còn ông Nhạ là chính. Mở đầu ông Nhạ bảo “Hoàng Cầm đấy à, tôi là Nguyễn Doãn Nhạ, đây là anh Nguyễn Trọng Cường trưởng phòng điều tra xét hỏi”. Ông ta ngồi hai tay chắp vào để trên đầu gối, chân ghếch lên ghế, có vẻ thoải mái. Ông nói “Anh Cầm, thiệt bất đắc dĩ, thật khó cho tôi, vạn bất đắc dĩ – ông nhấn mạnh – vạn bất đắc dĩ mới gọi anh đến đây, bởi vì chắc anh nhớ gần 10 năm rồi tôi đã nhắc anh không được truyền bá thơ thẩn của anh vì nó mang nhiều tư tưởng xấu lắm, thế mà anh vẫn cứ làm, anh gởi rất nhiều nơi trên thế giới, gởi sang Canada, Mỹ, Pháp, tư tưởng anh sau Nhân Văn quá nặng nề như thế”.

Tôi vẫn giữ bình tĩnh “Tất nhiên tôi có tội hay lỗi gì đó mà anh bắt, chứ không có lỗi gì thì làm gì mà bận tâm”.

Ông Nhạ nói tiếp “Tôi hôm nay không phải hỏi cung anh đâu, tôi không có trách nhiệm hỏi cung nhưng mà nói cho anh biết, anh quá tệ, nhà nước với Đảng đối với anh như thế là rất tốt rồi, đáng lẽ cho anh đi cải tạo từ lâu rồi, nhưng đã khoan hồng vì các anh là văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp cũng có những đóng góp như là bài thơ “Đêm liên hoan” hay “Bên kia sông Đuống” tôi cũng có thuộc cơ mà. Về sau hòa bình thì các anh dần dần quá tệ, làm thơ văn làm báo làm chí chống phá, cho nên tôi nói là bất đắc dĩ tôi phải giam giữ anh, giam giữ anh thì cốt là để thế này, cốt để anh thực sự nhìn thấy tội lỗi của anh, thực sự nhìn thấy sai lầm của anh đi, và từ nay trở đi già rồi còn sống ngày nào thì phải sống cho nó tử tế. Đảng đã khoan hồng như thế không bắt đi cải tạo, các anh tương đối là tự do, đến bây giờ là bao nhiêu năm rồi, từ năm 1955 cho đến nay là hơn 20 năm trời rồi mà anh chứng nào vẫn tật ấy thì thực sự lạ thật, anh không biết nghĩ à?

Ông nói một tràng rất dài như thế, tôi cứ ngồi nghe thôi. “Hôm nay tôi chưa phải hỏi cung, tôi cũng là người yêu văn thơ, đấy, nhưng người ta làm thơ dễ hiểu, nói cái gì là ra cái ấy ngay “Xe không kính không phải vì không có kính, vì đạn vì bom nó phá đi rồi” thì cái đó nó rõ ràng như thế, anh thì mập mà mập mờ, với tư tưởng chống Đảng nó cứ ẩn náu vào đây mãi, thì báo cho anh biết lần này là lần cuối cùng đấy, anh cố mà thay đổi hẳn đi cái tư tưởng của anh chớ không thì không có cách gì cứu vãn được nữa, bây giờ anh phải tự cứu lấy anh thôi”. Ông thuyết một hồi thì lại tôi một điếu thuốc, cái dạo ấy còn thuốc Trường Sơn, thứ thuốc hạng bét, rồi ông lại mỉa “Hút đi! Đây là Trường Sơn anh nhé chớ không có 3 số 3 siếc gì đâu, tôi không quen 3 số thuốc ngoại sang trọng”…

[Cũng chính ông Nhạ này đã vui mừng vì “thành công” trong việc ép Hoàng Cầm nhận tội chống Đảng chống chế độ qua mấy bài thơ “Về Kinh Bắc”, bố trí để nhà thơ đọc bản kiểm điểm thu băng cassette và hứa sẽ thả cho về trước Tết như Hoàng Cầm đã kể trong lời tâm sự với bạn đọc Talawas mà Văn Việt đã đăng – VV]

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn