Điếm Cỏ Cầu Sương - Nguyễn Trọng Hoàn Phóng Tác

Chủ Nhật, 28 Tháng Năm 20236:12 CH(Xem: 7729)
Điếm Cỏ Cầu Sương - Nguyễn Trọng Hoàn Phóng Tác

748e
( HNPD ) Điếm cỏ cầu sương
Hát buồn hát tủi
Thiêm thiếp trường giang tháng đợi năm chờ
Anh lái Trương Chi hát rung mầu trăng lạnh
Vọng sang lầu Thừa tướng, Mị Nương mơ.


* Lời người viết: Năm 1970 Đơn vị tôi đóng quân ở phía đông con sông Vàm Cỏ, bên này là nhà máy đường Hiệp Hòa, bên kia sông là mật khu Ba Thu, là khu vực Tiểu đoàn phải lần lượt đưa một đại đội qua sông để đóng chốt ở phía bên, cũng để tránh cho Chi khu Đức Huệ khỏi bị pháo kích. Còn Bộ chỉ huy Tiểu đoàn thì đóng trong khu vực quân lỵ, có cư xá khang trang của các viên chức thuộc nhà máy đường Hiệp Hòa.
. . . Có một cô sinh viên trường Đại học Vạn Hạnh, từ Sài Gòn lên thăm bạn, người cha cô này là kỹ sư của nhà máy. Cô đã gặp Trung úy X. Chuyện tình này, tôi muốn viết cho họ đã lâu. . .
Năm nay, tôi có được đọc truyện ngắn Tình Muộn của nhà văn Trung Quốc nổi tiếng Trương Vĩnh Thâm. Thấy tình tiết na ná như chuyện của cô sinh viên với anh chàng Trung úy của Tiểu đoàn tôi. Tôi nhờ cốt chuyện, nhờ bối cảnh, nhân vật của Trung Quốc để gửi lòng tôi về một chuyện tình rất Việt Nam ngày nào. . .
N.T.H

I. Trở về mái nhà xưa.

Hai người bước chân vào đầu làng thì trời đã chạng vạng. Hàng tre hai bên đường xao xác, nỉ non như muốn xin trời đất cho đêm tối mau về, cho gió nồm mạnh thêm. Cây đa to xù ở ngay đình làng đang từ từ biến thành mầu xám. Khói bếp nhà ai đã nhạt dần, lãng đãng như đang chạy theo những tiếng chim gọi nhau về tổ.
Thiếu Sơn quay đầu lại. Con đường nhỏ của những ngày xưa với biết bao nhiêu kỷ niệm giờ đây như chìm dần trong cảnh huy hoàng của hoàng hôn. Đằng xa, chỉ còn một màu tái tím.
Dương Thiếu Sơn chỉ vào phía thôn Hạ, nói với một phụ nữ trẻ, giọng của anh như nghèn nghẹn:
- Đến nhà rồi, đến nhà rồi. Nó ở dưới gốc cây gạo kia kìa. . .
Người đàn bà gật gật cái đầu.
Thiếu Sơn khoác trên hai vai, hai bọc vải xanh to tướng. Trên đường đi, thỉnh thoảng ông lại đổi vai, nhưng ông biết, hai túi vải đều nặng như nhau. Người đàn bà thì đi tay không, trên vầng trán thanh thú của cô có lấm chấm mồ hôi. Cái áo dài bằng vải lụa trắng cô đang mặc, đỏ quạch bụi đường.
Sơn rút khăn ra, dịu dàng cúi xuống chấm những giọt mồ hôi ấy. Người đàn bà cứ đứng im như thế như cô lúc nào cũng muốn nhận sự ân cần của anh. . .
Cô ngẩng mặt về phía anh, hơi lắc đầu:
- Được rồi anh ạ, thôi được rồi. Tôi biết anh còn mệt cả gấp trăm lần tôi đấy mà. . .
Con đường còn lại, trông thì ngắn nhưng hình như vừa qua trận mưa rào nên bùn đất nhão nhoét. Thiếu Sơn cầm tay cô gái. . . Có đoạn đường xấu, anh quàng cả đôi cánh tay lực lưỡng của mình vòng qua cái eo thon nhỏ, như muốn truyền cho cô sự an ủi cùng sức mạnh của anh.
Người đàn bà khẽ đẩy tay anh ra:
- Thôi khỏi, anh ạ, tôi đi được mà.
- Sắp đến nhà rồi, ráng một chút nữa đi Như nhé.
Nghe tin có người hồi hương. Dân làng kéo nhau ra đứng hai bên đường để trông lại người chiến binh năm xưa ấy. Anh ta đã khác hẳn năm xưa, vóc dáng thì vẫn to con, nhưng trên gương mặt phong sương, với hàm râu quai nón lởm chởm kia, không ai còn nhận ra được người con trai đã sống qua “ một thời để yêu và một thời để chết”, để lại cho xóm làng một câu chuyện tình thiên thu, một thiên tình sử ngút ngàn ấy. . .
- Mà anh ta lại dắt ai về kia thế nhỉ? Nét quý phái cùng gương mặt kiều mỵ của cô ấy, chứng tỏ gốc gác của cô ta không phải là người quê mùa.. . . Mà sao lạ như thế kìa, người đàn bà đẹp ấy lại bị mù sao? Ông trời sao lạ thế nhỉ?
- Úi dào, nói chuyện trời xanh, với trời tím làm gì thời chiến tranh này cơ chứ! Cho ai cái gì thì lấy lại của người ta cái kia. .,. . Quái ác thật đấy!
Đó là những tiếng rì rầm của dân làng.
Căn nhà chìm trong những tàn cây cao. Đứng rất gần cũng không thể nào nhìn thấy những hàng ngói đã bị tháng năm phủ lên đấy những lớp rêu mầu xanh đậm. Còn hàng cửa mặt tiền kia, người ta không còn phân biệt được nước sơn ở những cánh cửa nữa. Cũng ông thần tai quái thời gian ấy đã bóc chúng đi từng mảng. Ở hàng cột có khắc những hàng chữ nhưng chữ thì còn , chữ thì mất. Một tấm bảng còn nguyên ba chữ sơn son thiếp vàng: “ Dương Gia Phủ” nằm gác trên gốc cây, tấm bảng nằm trên chỗ ấy từ ngày cải cách Đại Trại. . . Một mùi ẩm mốc phà ra.
- Mười mấy năm rồi còn gì? Thiếu Sơn ngậm ngùi nghĩ. Anh tính dìu người đàn bà bước qua ngưỡng cửa, nhưng nghĩ sao anh lại nói:
- Thôi cô cứ đứng lại đây, để tôi tìm cái chổi đã.
Anh tìm mãi không thấy chổi, rồi dùng cái khăn, cái khăn lúc nãy ông đã dùng lau mồ hôi cho cô trải xuống bậc thềm. Đỡ cô Như ngồi lên trên đấy.
- Cô cứ ngồi nghỉ tí đã. Tôi vào trong nhà dọn dẹp.
- Sao anh không ngồi xuống nghỉ một chút cái đã. Đường xa quá. . .
Căn nhà đã lâu không có người ở nên vừa hoang tàn vừa ẩm mốc. Một bầy chim sẻ đậu trên những xà nhà. Kêu rúi rít, thấy có bóng người, chúng ùa bay ra phía cửa. Có lẫn những bóng dơi đen ngỏm. Anh bắt đầu lau bàn thờ, hình bố mẹ ông đã bị bụi thời gian che mờ. Anh lau đi lau lại hai di ảnh, anh lau đến bát nhang, anh có cảm tưởng, những chân nhang anh đã thắp khi bắt đầu bước chân ra mặt trận, mặt trận kháng Mỹ viện Triều 10 năm về trước vẫn còn đọng lại trong bát nhang này. Bây giờ cuộc chiến tranh đã chấm dứt. . .
Anh nghĩ miên man cho đến khi anh dọn xong cái phòng phía đông lúc nào anh không hay. Căn phòng này, trước kia mẹ anh ở, bây giờ anh sẽ để dành nó cho cô Như. Còn anh sẽ ở căn phòng phía tây, cách căn này một bàn thờ.
- Phòng đã dọn xong rồi, cô vào nghỉ lưng đã. Tôi còn dọn tiếp.
Anh đỡ cô vào nhà, anh đon đả :
- Chà chà, trông vẫn còn tươm tất ra phết, cô thấy thế nào ?
Chợt ông biết là mình đã nói hớ với cô Như câu ấy. Cô ấylàm sao có thể nhìn thấy được cơ chứ ! Mình thật là vô ý vô tứ quá đi thôi !
- Tôi đi dọn phòng cái phòng tắm cho cô dùng. Đường xá bụi quá trời.
Căn phòng tắm có chung vách với căn nhà bếp. Anh ra phía giếng nước, tìm thấy chiếc gầu có quai xách đã mục, anh tìm sợi dây trong balô của anh, rồi kéo nước xối ào ào vào phòng tắm. Khi đã sạch sẽ. Anh nói với cô Như:
- Nào,Tôi đỡ cô đi tắm.
Cô Như đã lấy trang phục của mình của mình để bên cạnh. Anh dẫn cô xuống phòng tắm. Chờ cô đóng then cài xong, anh tính quay lên dọn tiếp căn phòng phía tây. Anh nghĩ là trong nhà bếp kia có thể có một cái chổi cùn. Anh bước vào. Chợt anh nghe thấy tiếng nước xối, anh ngước nhìn về phía phòng tắm. Bỗng nhiên cả người anh như bị điện giật. Một tấm ván bị mất trên vách đủ để cho anh thấy, trong bóng chạng vạng của trời chiều. Cả thân hình trần truồng của Hải Như, giống y tạc một bức tượng thần vệ nữ, hiện ra trước mắt anh. Anh cứ ngây ra đứng ngắm. Cho đến khi lương tâm anh kéo nhẹ anh đến cái cột nhà trước bàn thờ. Nó đánh đầu anh vào cái cột đầy bụi ấy rồi bắt anh lẩm bẩm:
- Mày là thằng tồi. Tồi qua thể đi, Thiếu Sơn ạ !

II. NGƯỜI ẤY. . .
Mùa xuân năm 1943, khi nước Trung Hoa đắm chìm dưới bàn tay sắt của quân phiệt Nhật. Lúc ấy, cậu con trai mồ côi cả cha lẫn mẹ, tuy vốn con nhà quan nhưng từ khi bị đấu tố, gia đình anh trở thành bần hàn, anh trót yêu cô tiểu thư Vương Cam Hạ, con ông phú hộ Vương Bảo Trường, ông này đã giầu có lại có thế lực. Cha Thiếu Sơn khi sinh tiền cùng với ông Vương là chỗ đồng liêu, cho nên khi gia đình Sơn bị khánh tận, ông đem Sơn về nuôi, ông cho Sơn ăn học, nhưng để tạo chí cho anh, sau giờ học, ông sai Sơn đem đàn trâu đi chăn. . . Anh có gương mặt khôi ngô. Điều này đã làm cho cô bé Cam Hạ phải đêm nhớ ngày trông. Mỗi buổi chiều, khi những tiếng mõ trâu len lỏi vào tận khuê phòng, Cam Hạ biết là Thiếu Sơn đã lùa trâu về đến nhà. Cam Hạ xỏ vội đôi dép, bước chân sáo làm hai mớ tóc bím của nàng rung rinh như tiếng đập của cả hai con tim thanh xuân lần đầu tiên biết yêu:
- Tôi có hái cho tiểu thư bó hoa này, tiểu thư thấy có đẹp không?
Cam Hạ nhìn bó hoa bách tuế vàng ươm, cô xúc động nhìn Sơn :
- Đã bảo không được gọi là tiểu thư , sao không nghe lời em?
Cô hôn lên bó hoa tươi còn vương mùi thơm dìu dịu của hoa đồng cỏ nội. Má cô đỏ hồng, miệng cô hít hà, đôi mắt cô liếc nhìn anh chàng Sơn như ngầm bảo:
- Em đang hôn anh đấy, chàng khờ ạ !
Rồi cô cầm bó hoa chạy vào nhà bỏ mặc Thiếu Sơn đứng như trời trồng. Bỗng anh nhớ tới hòn đá cuội nhiều màu anh lượm
được ở triền suối. Anh gọi to:
- Cam Nhi ơi! Cam Hạ ơi!
Không có tiếng trả lời nhưng, một tiếng vút mạnh của một ngọn roi của ai đó vào ngay má của chàng trai.
- Ai cho mày cái quyền gọi cô chủ bằng tên?
Thiếu Sơn ôm mặt, một nhát roi thứ hai của lão quản gia họ Trình, cũng vào ngay mặt làm tung mớ tóc bồng bềnh của Sơn.
- Nói, ai cho mày nói như thế. Cái đồ bìm bịp lại muốn leo nhà cao? Mày tuy là con quan nhưng bây giờ chỉ là thứ hạ dân. . .
Hai cái roi mạnh như vũ bão ấy, một cái làm chảy máu mặt, và một cái vào ngay đỉnh đầu đã khiến Sơn lên cơn sốt. Anh bỏ ăn, anh đang nằm co ro trong buồng cỏ, thì bỗng có tiếng của Cam Hạ, tiếng gọi của nàng như tiếng sóng vỗ của một dòng sông, làm anh tỉnh hẳn người.
- Dương đại ca ở đâu? Sơn ơi!
Cô sợ hãi thấy Thiếu Sơn đang nằm co ro, càng sợ hãi hơn khi thấy người chàng như cục than hồng, trên mặt đẫm máu:
- Trời ơi! Sao thế này! A! Khốn nạn, vết roi này của lão Trình đây mà.
Cô vội chạy lên nhà, gọi bà nhũ mẫu đem nước xuống lau rửa vết thương cho Sơn. Rồi cô đến thư phòng của cha, lấy một cái roi ngựa, chạy thẳng đến phòng lão quản gia:
- Lão già kia, quỳ xuống!
Họ Trình đã biết chuyện gì rồi, nhưng lão vẫn làm bộ:
- Có việc gì vậy cô chủ?
- Quỳ xuống ta bảo!
Lão biết tính khí nam nhi của cô chủ, nhưng vẫn nói cứng:
- Cô chủ có gì cứ dậy, tôi già rồi, vả lại trong phủ, tôi cũng có chức có quyền.
Cam Hạ nổ đom đóm mắt, nàng nhớ ngay tới khuôn mặt đẫm máu của Thiếu Sơn, cô điên tiết lên, vung roi:
- Này, có chức có quyền này. . .
Nàng đánh tới tấp vào mặt lão, rồi vất roi chạy xuống nhà chứa cỏ. Còn lão họ Trịnh với khuôn mặt sưng vù lên phòng của Vương Bảo Trường.
Ông nhà giầu, vợ chết sớm, rất thương cô gái rượu nhưng cũng phải vỗ bàn:
- Thế này thì quá lắm rồi.
Lão quản gia bèn lí nhí:
- Đối với nô gia đây, bị chủ đánh, chỉ là chuyện bình thường, nhưng lão nô chỉ lo chuyện mai hậu của tiểu thư mà thôi.
Rồi lão đem những điều lão thấy, lão nghe gia nhân xì xào, lão thêm mắm thêm muối vào. Cho đến khi Vương ông đập bàn quát:
- Nhà ngươi lui! Ta đã có chủ kiến.
Chủ kiến của người cha ấy là chọn ngay cho Cam Hạ một người chồng. . .
Cam Hạ vừa khóc, vừa chỉ tay lên trời:
- Con thề có trời linh thiêng, có mẹ linh hiển. Cha gả chồng cho con là cha giết con đó ! Con chỉ có một người chồng duy nhất là Dương Thiếu Sơn mà thôi.
- Nó chỉ là con cú sao đậu được cành mai cơ chứ?
- Con sẽ từ cành mai, lao xuống vực thẳm cho cha xem !
Nói là làm, chờ cho moị người say ngủ. Cam Hạ lẳng lặng ra khỏi nhà, lao xuống cái vực lởm chởm đầy đá ở phía đông của làng, cao tới mười mấy trượng, phía dưới là những hốc đá tai mèo. . .
Thiếu Sơn nghe tin dữ, khóc ầm lên, chàng chạy đến nhà họ Vương. Không ngờ ông ta đã sắp xếp sẵn bốn người lính Nhật và vô số tráng đinh, trói gô chàng Sơn đau khổ lại rồi đem đi làm lao công tại mỏ than ở Liễu Châu.
Cho đến khi chiến tranh Triều Tiên khởi xướng. Thiếu Sơn tình nguyện đi làm lính viễn chinh. . .

Đó là chuyện tình của mình. Sơn đem kể cho Như nghe. Nghe xong Như bật khóc, cô lau nước mắt:
- Giá như Cam đại tẩu còn sống, tôi có người bầu bạn rồi. Hôm nào, anh tìm hỏi mộ của chị ở đâu, dẫn cho tôi đi với. . .
Ngay sau khi chỗ ăn, chỗ ở tạm ổn. Thiếu Sơn tìm ngay đến một người tên Mộc Ngưu, Mộc Ngưu là anh bà con thúc bá với Cam Hạ lại là Bí thư chi bộ. Thấy một cựu chiến binh trở về ông ta đon đả hỏi:
- Anh mói về, thay mặt bà con chòm xóm, xin chào anh?
Rồi anh ta nói luôn:
- Anh có cần chúng tôi giúp đỡ gì không ?
Thiếu Sơn nói :
- Không, thưa anh, tôi biết anh ngoài tư cách đại diện chính quyền, anh còn là anh của Vương Cam Hạ. . . Anh có thể cho tôi biết, mộ của cô ấy chôn ở đâu không ?
Mộc Ngưu nhìn Thiếu Sơn, cả một cuộc tình đẫm máu và nước mắt như hiện ra trước mặt anh. Nhân vật chính của câu chuyện đẫm nước mắt ấy, từ chiến trường trở về, đang ngồi trước mặt anh. Anh trầm ngâm :
- Ở Cốc Bắc đấy anh ạ! Anh có cần tôi hướng dẫn đi thăm cô ấy không?
Thiếu Sơn đứng dậy, tạ từ rồi nói :
- Không, cám ơn anh Ngưu, tôi tự tìm đến đấy được rồi. Ngày xưa, nơi ấy, có ngày nào tôi không thả trâu đâu anh?
Ngay ngày hôm sau Sơn dẫn cô Như đi tìm mộ của Cam Hạ. Đường vào Cốc Bắc đối với anh không có gì là lạ cả, tuy xa quê đã hơn mười năm, anh thấy tất cả cảnh vật ở đây như không có gì thay đổi. Cốc Bắc là nghĩa trang của thôn, đó là nơi an nghỉ của tám đến chín đời người chết của làng. Cây gạo ngay cái cổng bằng đá kia, ngày xưa, anh cùng đám mục đồng vẫn chơi khăng đánh đáo đấy mà. Cả cái miếu kia nữa, ngày xưa, bọn anh đã được nghe biết bao nhiêu chuyện ma, chuyện quỷ hiện ra ở đó. . .
Như có ai đó đưa đường chỉ nẻo. Thiếu Sơn dìu cô Như đến ngay một ngôi mộ xây, có cỏ lau mọc quá đầu người. Ông ngậm ngùi chỉ bia mộ:
- Cam Hạ nằm đây này!
Thiếu Sơn phủ phục trước mộ:
- Cam Hạ ơi! Ngày em ra đi là ngày người ta đầy anh đi làm khổ dịch, rồi cứ thế biền biệt. . .
Có tiếng Như nói trong gió:
- Mười mấy năm rồi anh nhỉ?
- Vâng đã hơn mười năm.
- Vâng, có những cái chết cho dù mười năm, hai mươi năm hay thiên thu chăng nữa, ta vẫn thấy những kỉ niệm ấy như vẫn còn ray rứt, vẫn còn như ở ngay bên cạnh. . .
Cô Như sụt sùi khóc. Sơn biết cô đang nhớ đến một mùa đông lạnh khủng khiếp cùng với chiến tuyến Tam Bát, nơi người chồng yêu dấu của cô đã vĩnh viễn bỏ cô đi. . .
- Chỉ có những người chết là không biết đau khổ.
Tiếng cô Như ảo não. Đàn bà thì khó quên, chứ đàn ông các anh cũng không thể nào quên được hở anh?
- Làm sao quên được cơ chứ? Nó đã nằm nguyên trong con tim của mình rồi. Nó đã khắc sâu vào tâm khảm của mình rồi. Cam Hạ của tôi như một dòng sông, nó mãi mãi trôi chảy, như mạch máu đi về trong trái tim tôi. Nó như những lớp rêu, cứ ngày qua ngày, lớp rêu ấy càng lúc dày. . .

III. CHIẾN ĐẤU.
Ngoài trời mưa. . .Dù cửa sổ đã đóng, dù không thấy bầu trời bên ngoài, nhưng Như có cảm giác, cô đang trông thấy những tia sáng chớp lòe, ở từ phía xa, cô nghe thấy những tiếng sấm rì rầm, có tiếng ễnh ương gọi nhau râm ran quanh nhà như một khúc nhạc buồn, quanh hiu. Cô cắn răng khi những ký úc nặng trĩu ùa ập tới
Như nhớ đến những ánh nắng vàng mật của mùa Thu, những cơn mưa ươm căng tình yêu chớm Hạ của ngày xưa hồi cô còn sáng mắt. Gió đuổi mưa, cô theo gió, cánh áo mỏng nõn ôm lấy thân hình tròn lẳn của cô. Triệu Đông ơi ! Anh có nhớ anh đã đến với em lúc nào không ? Hình ảnh anh đã vào trong trái tim em lúc nào không ?
Rồi Như lấy chồng, chồng cô là Đông. . . Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy. . . Những cơn mưa bất chợt ấy, như bóng hình người con trai lần đầu tiên cô ngả mái đầu trinh tân vào cánh tay trần của anh. Có tia chớp lóe lên, có tiếng sét khét lẹt. Cô còn nhớ, cô đã ngã quỵ, rồi cô tỉnh dậy. . .
- Tôi đang ở chỗ nào đây ?
Một khuôn mặt điển trai hiện ra :
- Cô vừa bị hôn mê, trời mưa to quá !
Người con trai đưa cao cái giỏ :
- Mối, những chú mối to vàng, cô bắt được, chúng còn sống nhăn đây này. . .
Như chợt cảm thấy toàn thân cô nóng bừng bừng. Cô đang mặc quần áo của ai đây ? Bộ quần áo ấm áo cô đang mặc không phải cái áo cánh nõn ướt sũng nước mưa ?
Người con trai hiểu ý :
- Áo của Tâm Hiền đấy, cô thấy vừa không ?
- Tâm Hiền nào ? Có phải Hiền Bạch Tuyết không ?
- Sao cô biết biệt danh của em tôi ?_ Người con trai nói như muốn khóc. Anh nghèn nghẹn, anh nhớ đến em gái anh đã bỏ gia đình đầm ấm nhà anh để ra đi mãi mãi. . . Trời ơi, nếu ngày ấy anh chiều em thì em anh đâu có ra nông nỗi như thế.
. . " Tâm Hiền nghiêng mái đầu có hai cái bím như hai chiếc đuôi mèo :
- Anh, anh, giỏ đây này, anh ra bắt cho em mối chúa đi anh. Mối ra nhiều quá, thế nào cũng có mối chúa. Anh bắt cho em con mối chúa. Người ta bảo, ai bắt được con ấy, sẽ trường sinh bất lão. . .
- Anh bận quá Tâm Hiền à. Vả lại em không thấy sao, trời lại đổ tuyết như thế này, để nắng lên anh đi đào, bắt mối chúa cho em.
Rồi anh vào phòng, rồi Hiền phóng ra sân với chiếc giỏ tre, rồi anh đi tìm Hiền, trong gió tuyết của góc núi Thổ Sơn ấy, cô bé đã nằm chết cứng, với chiếc giỏ trong đó không những chỉ có một con mà có tới bốn con mối chúa. . ."
. . . Em phải bắt cho bằng được mỗi người trong nhà mình một con mối chúa. Chúng ta cùng sống với nhau cho đến thiên thu vạn tuế. Đầu chúng ta không bao giờ phải bạc. . . Rồi cả nhà chúng ta sẽ lãng du ở tận thiên nhai hải giác. . .
Người con trai ấy là Đông, là chồng của Hải Như, là một Đại đội trưởng anh hùng của trận Giáp Bát, là những tiếng thở dồn dập cùng những lời nói đứt quãng trong những lần ái ân, trong những đêm mưa rả rích như đêm nay. . .

Như lăn lộn với những xúc cảm cứ dấy lên từng đợt trong cơ thể còn xuân của cô. Chỉ cách đây, cách cái gian phòng này, cách có cái tủ thờ kia. Có một phần trái tim cô đang gửi nhờ anh ấy từ ngày chồng cô tử trận. . .
Cô bước xuống giường. Cô xỏ chân vào đôi dép cỏ, rồi cô lại khẻ đẩy đôi dép vào trong gầm giường. Cô đi chân trần. Nền nhà lạnh giá. . . Một chiếc cột. . . Hai chiếc cột. . . Đã gần đến chiếc tủ đứng của anh rồi. . . Cô vẫn yêu Đông, nhưng cơ thể của cô đang tìm Sơn. . . Tiếng thở của anh đều đều, cô có cảm tưởng, có cả làn hơi ấm đang truyền vào người cô, đang kích thích mạch máu trong cơ thể cô. Hai tay cô quơ quơ trong một màu không gian tối thẳm như bàn tay cô xòe ra trong bếp lửa mùa đông ngày nào. . . Đông ơi ! sao anh không lấy tên mùa nào trong năm cho đời anh khỏi phải khắc nghiệt như thế , cho đời em không dang dở, cho em đang phải loạng quạng đi tìm cái cảm giác ái ân của một giống cái trắc nết như thế này. . ?
. . . Đến cái cột thứ ba rồi, ngay bên cột là chiếc giường , là tấm thân, là cánh tay anh, cô biết cánh tay ấy gân guốc và vạm vỡ lắm, Cô sẽ chết nghẹt trong vòng tay ấy, cô ôm chặt lấy cây cột lạnh giá. Nước mắt cô trào ra. Cô đánh đầu cô liên hồi trên chiếc cột bàng gỗ lim nhẫn thín ấy. Rồi cô đi như chạy trở về phòng của cô, như cô đã từng làm như thế trong biết bao nhiêu đêm từ ngày Thiếu Sơn từ mặt trận Giáp Bát đến đón cô về ở với anh. . .

IV. MỘT NỬA VẦNG TRĂNG, MỘT NỬA TRÁI TIM.
Thiếu Sơn nói với Đội trưởng sản xuất :
- Anh có thể sắp xếp cho tôi một việc gì để làm trong đội được không ?
- Việc gì bây giờ chứ ? A,mà cũng dễ thôi, anh may đấy, mùa màng năm nay bội thu. . Anh xem kìa, sân hợp tác xã của ta đang đầy những lúa vàng. . .
Chợt người Đội trưởng vỗ vào trán :
- Anh có biết đánh xe ngựa không nhỉ ? Có chân ấy còn khuyết.
- Trong quân đội, hồi mới nhập ngũ, tôi còn dẫn ngựa kéo pháo. Ông Đội biết không, những con ngựa Mông Cổ cao gấp rưỡi lần tôi mà tôi còn trị được chúng nữa là. . .
- Thế thì tốt. Thôn sẽ giao cho anh cỗ xe tải có tới ba con ngựa kéo. . .
Thế là từ đấy, Thiếu Sơn trở thành người Tài xế của Xã. Tay anh lúc nào cũng có chiếc roi da màu hồng nhạt, những lúc không đánh xe, hay trên con đường trở về nhà, anh nhớ tới Như đang ngồi tựa cửa, anh huơ huơ cái roi lên trời. Anh hát câu hát thuộc lầu.
“...Từ mùa đông chinh chiến xa nhau,. . . Từ mùa đông chinh chiến xa em !
Đó là một cỗ xe ba ngựa, bánh bằng cao su, chạy nhanh như gió. Cầm càng là con ngựa ô mầu mun sung sức. Anh tự làm một chiếc yên thật tốt đặt lên lưng nó. Vào những buổi chiều tà sau giờ làm việc, anh thường đỡ Như lên mình ngựa, anh cầm cương, dắt ngựa đi chầm chậm trên thảo nguyên, có bóng mặt trời đang từ từ lặn xuống bên kia dẫy núi để lại những tia sáng yếu ớt, vương trên khuôn mặt đẹp như Hằng Nga của Hải Như, vương đọng trên đôi mất lúc nào cũng mở to, như đang tìm kiếm một hình bóng nào đó trong cõi xa xăm. . .
Có lúc, anh dắt ngựa có Như ngồi đi vào những ngỏ vắng quanh co trong làng.
Như nghe rõ có tiếng nói hồn hậu của một cô gái :
- Chú Dương ơi ! Sao không lấy thím Như đi, thím đẹp thế kia. . .
- Này cậu Dương này, làm đám cưới đi chứ ? Năm nay mùa màng khấm khá, chúng ta mỗi người một tay như bầy chim tha cỏ làm tổ, cho tổ ấm hạnh phúc cô chú.
Những lần như vậy, Như nói trong nước mắt :
- Chúng cháu, cô nam quả nữ sống trong một căn nhà vắng vẻ thế kia, đã được xóm thôn không đàm không tiếu là phúc đức lắm rồi. Con xin thay mặt anh Thiếu Sơn muôn vàn đội ơn cô bác.
Một buổi chiều cười hè. Trời không gió, những hơi nóng ùa từ vùng cao như thiêu như đốt, Thiếu Sơn dẫn Như ra bờ hồ ngồi đón gió. Mùa hè nên dân làng đổ ra ngoài này khá đông. Chỗ ngồi của hai người là một tảng đá, bên cạnh là một cái cầu gỗ, dân trong làng thường ra đây để giặt lụa, quần áo.. . .
Có một người đàn bà, tay ôm con, tay kia mang lỉnh kỉnh nào là thau chậu, quần áo, tã lót. Đứa bé, chừng như đói sữa, khóc ré lên từng hồi.
- Ngoan nào, đừng khóc, để giặt xong đồ, mẹ cho bú.
Đứa bé vẫn khóc. Như bước chầm chậm đến, chìa tay ra :
- Đưa cô bế, cô thương nào.
Lạ thay, như đã biết nhau từ lâu lắm rồi, đứa bé chìa hai tay ra, em bé nằm gọn trong lòng Hải Như nín im thin thít. Hải Như cảm thấy như có một luồng điện ấm áp đang truyền từ đứa bé vào cô rồi lại từ cô qua đứa bé.
Còn Sơn nhìn cảnh ấy, lòng anh chùng hẳn xuống. Anh thấy đôi má Hải Như đỏ hồng lên. Nàng đẹp thật. Anh cúi xuống hôn đứa nhỏ. Cả mặt khuôn mặt anh như vùi trong vùng ngực của Như, anh nghe như có tiếng đập rộn rã từ trong tim của cô toát ra. Có phải hơi thơm của sữa, hay mùi thơm da thịt đàn bà làm cho Sơn ngất ngây? Anh nhớ đến. . . Có những đêm như đêm qua. . .
. . . “ Ánh trăng chênh chếch chiếu rõ phần còn lại trống trải của chiếc chiếu rộng. Anh lăn qua lăn lại. Cái cảm giác khó tả ấy, cứ hằng đêm, hằng đêm hành hạ anh. Chỉ có cách anh chiếc tủ thờ và ba cây cột. Có những đêm, anh đã bước từng bước trên cái gót chân chai sạm để tiến tới chiếc giường mà anh biết, chỉ cần vén chiếc màn tuyn trắng hồng ấy ra, là anh đã có thể mở ra cả một khung trời hạnh phúc, cả một vùng biển có những đợt sóng thần đam mê mà anh thèm muốn. . .
Nhưng, mỗi lần đến gần nàng, mỗi lần đến chiếc cột cuối cùng là hình bóng Cam Hạ lại hiện về.
Anh nghe rõ đoạn đối thoại đầu đời của tình yêu của anh và Cam Hạ
Anh nói :
- Để cuối mùa này, anh sẽ tìm người, đến nhà em xin cưới em làm vợ. . .
Cam Hạ ngả đầu vào vai anh chàng chăn trâu, Chú Ngưu lang của cô Chức nữ :
- Tại sao phải chờ cho đến cuối mùa nhỉ ? Tại sao chúng mình không làm vợ chồng ngay từ bây giờ nhỉ ?

- Tiền đâu mà làm đám cưới hả em, rồi tìm đâu ra bà mối hả em, rồi còn tìm đâu ra họ hàng, người quen mặc áo đỏ quần hồng để đứng trước cổng với những sính lễ để rước dâu. . . Rồi, trời ơi ! Rước được em rồi, chiếc kiệu hồng sẽ đi về đâu. . . Về đâu ? Cam Hạ ơi !
Cam Hạ lim dim đôi mắt nhãn. Cô ước chi, giá có một ông Bụt hiện ra lúc này, cho cô một phép mầu ngay bây giờ, cô sẽ xin, phải ! Ngay bây giờ, cô được thành thân với người cô yêu, mà chỉ hiến dâng cho anh chàng Thiếu Sơn có vầng trán thông minh kia, có nụ cười hiền hậu kia mà thôi. . .
Có tiếng Thiếu Sơn ru cô vào giấc ngủ :
Điếm cỏ cầu sương. . .
Hát buồn hát tủi. . .
Thiêm thiếp Trường giang tháng đợi năm chờ.
Anh lái Trương Chi hát rung màu trăng lạnh. . .
. . . Vọng sang lầu Thừa tướng, Mị nương mơ. . .

Đấy là hình bóng, và dư âm tình yêu đầu đời, đấy là những cái thắng đã kìm hãm anh trên khoảng cách rất ngắn của ba chiếc cột. Còn nếu, anh sợ nhất nó đã diễn ra như thế này :
. . . Anh vẫn cứ muốn bước đến, vén chiếc mùng tuyn có nhập nhoạng ánh trăng sao, mà anh thấy rõ khuôn mặt diễm lệ của Như, cả thân hình của nàng, với chiếc chăn đơn hờ hững vắt ngang. . . Thì anh lại bị. . . Như có một người khác, đang vịn vào vai anh, đang bím vào vai anh, đang nói với anh những tiếng thì thào trong mùi thuốc súng khét lẹt, trong tiếng đạn pháo rì rầm có tiếng Triệu Đông thều thào những câu cuối đời, những câu đứt ruột :
- Ông thày ơi, thày ở lại chăm sóc Như giùm cho em. . . Em chết, Như sẽ bơ vơ, héo hắt cả đời. . .
Anh bị cả hai người ấy níu lấy chân anh. . . Còn nếu, anh vượt được những chướng ngại vật ấy. . . Anh còn nhớ, có những đêm, anh đã vượt được, thì chiếc cột lạnh ngắt, cuối cùng kia lại bám lấy cả thân hình vạm vỡ, lực lưỡng, hâm hấp mồ hôi cuồng nhiệt của anh rồi nó nói với anh rằng :
- Anh là thằng tồi! Tiểu đoàn trưởng gì mà lại đi ăn nằm với vợ góa của thuộc hạ mình như thế?
“Nó”đã trừng phạt anh, bằng cách ấn đầu anh, đập đầu anh vào chiếc cột nhẫn thín liên hồi. Những tiếng đập ấy, anh không biết có thể Như đã nghe thấy rất rõ
. . .
( Những chuyện ấy vẫn diễn ra nhiều đêm trong một tháng, giống y như cô Như, có khác chăng cuộc chiến đấu của những thân thể tràn đầy sinh lực với con tim hừng hực ấy. Với Như nó thường diễn ra vào những đêm mưa gió, trong những tiếng nước mưa rả rích từ trên mái ngói. . . Còn với Thiếu Sơn, kỳ lạ thay. . . vào những đêm trăng tỏ. . .)
Sau những cái đánh đầu và ông quan tòa cột lạnh lùng kia, Thiếu Sơn lại rón rén về chỗ nằm, nhưng ánh trăng quái ác kia nào có buông tha cho anh đâu? Nó chạy rung rúc vào trái tim anh, đẩy mạch máu của anh chạy nhanh hơn, đẩy bàn tay của anh kéo cái quần cộc của anh xuống tận đầu gối, đẩy những mơn trớn nhịp nhàng trên cái phần căng cứng như muốn vỡ toác ra ấy. Cho đến khi, tất cả như một làn sóng, xô tới xô lui, oằn oại, đẩy cả tấm thân nhễ nhãi mồ hôi của anh dướn người lên, hơi thở của anh dồn dập, với hình ảnh Hải Như lõa lồ trong cái gian nhà tắm. . . Anh đang đè nàng xuống, rồi cái phần cứng kia thọc sâu vào một vùng huyền bí, phóng ra những đợt sóng mà làm cả người anh rung lên bần bật. . . Cho đến khi, vùng bụng của anh nhơm nhớp, có cả mồ hôi, có cả những chất nước đặc quánh, nồng nồng.
Anh rã rời, anh mê lịm đi trong ánh trăng khuya lọt qua cửa sổ, có hình ảnh lẫn lộn của cả Cam Hạ và Hải Như . . .

V. NẾU CÔ ẤY CÓ MỆNH HỆ NÀO. . .
- Mùa thu tới, anh nên lấy vợ đi anh Sơn ạ ?
- Cái gì, cô lại nói cái gì nghe lạ vậy ?
Anh cười như mếu :
- Cô Hạ chết cả mười năm rồi, tôi lấy ai đây ?
- Tìm một người khác, người nào mà chẳng được. . .
- Cô không nên ăn nói quàng xiên như thế, cô Như ạ? Hai chúng ta, phải hai chúng ta, sống đầm ấm dưới một căn nhà như thế này không phải tốt quá rồi hay sao ?
- Nhưng, tôi không chịu nỗi. . . Rồi lại làm lỡ cả cuộc đời của anh, anh có còn nhớ tiếng khóc, có cả tiếng cười của chú bé hồi chiều không ?
( Cả Thiếu Sơn và Như đến giờ phút này đều có một cảm giác y như nhau :
. . . Sao mình không vượt chiếc cột cuối cùng trong đêm kia nhỉ, sao mình không sà vào lòng nhau đi ? Sao chúng ta không chuyền cho nhau những mầm mạch để biến thành đứa hài nhi đẹp như tiên đồng kia nhỉ ?”
)
- Lỡ cái gì. Cuộc đời này, chuyện lỡ làng thì đã lỡ làng rồi! Đừng có tự dày vò mình như thế cô Như ạ. Hơn nữa, Như biết không, tôi đã nhận lời rồi. . .
Như tê tái, cô như bị điện giật, anh ấy đã có hứa hôn với người nào đó trong thôn rồi ư ? Cả người cô lạnh toát. Cô bật khóc :
- Thế thì mừng cho anh!
- Mừng cái gì ?
- Mừng cho anh đã nhận lời, buông lời cầu hôn với cô nào đó.
Thiếu Sơn sung sướng quá, anh nhìn thấy khuôn mặt nhợt nhạt kia đang nói với anh rằng, cô Hải Như có mặt lạnh băng hàng ngày của anh không dấu được anh chuyện nàng đã yêu anh ?
Anh tiếp tục :
- Cô mừng tôi, tôi xin cám ơn! Còn cô, cô còn trẻ, cô cũng phải cần có người bạn đường sống bên cô suốt đời chứ ? Để đi với cô hết con đường chứ? Cô còn trẻ như thế này, cô cũng cần phải con chứ?
Hải Như bịt lấy hai tai lại, cô vùng chạy vào nhà. . . Bỗng chiếc ngưỡng cửa kéo mạnh cả thân hình mảnh mai của cô đổ rập xuống. . .
Không còn kịp nữa, khi Thiếu Sơn chạy tới, thì cả người của Hải Như đã nhũn ra, nàng mê lịm rồi! Sơn vừa bế nàng vào giường, vừa nói như khóc :
- Không! Không phải mà, Như ơi, anh không hứa với ai đâu, em tỉnh lại đi ! Anh chưa nói hết câu mà, anh nói là anh đã hứa với anh Triệu Đông, người chồng trước của em mà thôi. . .
. . . Sao ta lại dùng chữ “chồng trước” nhỉ? Thế hóa ra ta là người chồng bây giờ của cô ấy sao ? Ý nghĩ ấy cứ bám lấy Thiếu Sơn trên những vó ngựa, anh đang rạp mình xuống, phóng nước đại đến nhà ông thày thuốc.
Trẻ con hai bên đường nhìn người ngựa, ngơ ngác hỏi nhau :
- Sao chú Dương hôm nay phóng ngựa nhanh thế kia?
- Sao chú ấy lại có một mình một ngựa như vậy?
- Sao cô Như không ngồi đằng sau ôm chặt lấy chú như mọi khi vậy cà?
- Sao chú chạy trở về, lại có ông thày thuốc Lã Ông thế nhỉ?
Còn ông thày thuốc, sau khi xem mạch đã nói với Thiếu Sơn :
- Qua đêm nay mới biết được sống hay chết!

Đến quá nửa đêm. Thiếu Sơn có cảm tưởng cả người Như là cục than hồng. Cô đang lên cơn sốt, anh lấy khăn thấm từng đợt mồ hôi trên trán cho cô. Cả người Hải Như ướt sũng, anh lấy quần áo thay cho cô. Lại một tấm thân lồ lộ như một pho tượng tuyệt kỷ đang phơi bầy ra từng phần trước mặt anh, nhưng quái lạ thay! Lần này, anh không thấy có chút gì thèm muốn cả. . Hình ảnh của một Cam Hạ tái nhợt kia sao nó giống Hải Như quá chừng như thế này. . ?
Anh chỉ lo cho cô. . . “Nếu cô ấy có mệnh hệ nào, thì ta làm sao sống nổi trên cái thế giới này với chỉ một bóng hình vò võ.”
Có tiếng Như ú ớ :
- Tha lỗi cho em nghe anh ?
Nàng xin ai tha lỗi kìa? Nếu chữ “ anh” là người chồng cũ thì nàng đã sang ngang với ta. Nếu anh là Thiếu Sơn này thì có phải là câu nói cô chào vĩnh biệt trước khi dời nhân thế ?
Nhưng đến khi con gà trống ở chái nhà gáy sáng, rồi khi những tia sáng nhợt nhòa yếu ớt làm tỏ dần hình ảnh một chú Thiếu Sơn tiều tụy đang gục đầu trên cánh tay thì Như tỉnh dậy, vật đầu tiên cô chạm phải là mái đầu của Sơn
- Sao anh không đi ngủ đi ?
- Em tỉnh lại rồi ư ? Thế là mới có Trời Phật chứ ?.
Như đang tính xoa bàn tay mình trên mái tóc anh, nhưng cô nhớ đến lời thú nhận của anh,  Anh ta đã có sự lựa chọn rồi. . . Cô bỏ tay xuống rồi cô khóc rấm rức như một đứa trẻ!
Thiếu Sơn chồm qua người Như kéo nàng về phía anh :
- Anh đã nhận lời, phải anh đã nhận lời, nhưng với anh ấy kia kìa! Anh đã hứa với ảnh sẽ chăm sóc cho cô suốt đời mà!
Cả người Hải Như bị chấn động, bây giờ thì cô mới vỡ lẽ ra rằng: Cô vẫn còn có Thiếu Sơn mãi mãi bên mình cô. . .
Cả hai người muốn chầm ôm lấy nhau, nhưng cả hai người như đều bị một sức mạnh vô hình nào đó cản lại. . .
- Nhưng anh phải lấy vợ mới được ? Anh lấy vợ, anh sẽ có con, em sẽ là nhũ mẫu cho cháu, cho cháu mãi mãi. . .
Hình như đó là lần đầu tiên cô xưng em với Thiếu Sơn.
- Không! Chúng ta cứ sống như thế này, cứ sống hạnh phúc mãi mãi như thế này. . .

VI. MỘC NGƯU CAN THIỆP.
Bí thư chi bộ Mộc Ngưu khề khà:
- Có nói ngang nói dọc như thế nào cũng không làm cho anh ta hiểu, cả cái cô gái mù kia cũng vậy, không thể để cuộc sống dở trăng, dở đèn của họ như thế này được. . .
Đội sản xuất quyết định mở một cuộc họp phê bình cuộc sống kỳ quặc của hai người. . .
Ba gian nhà đặc nghẹt đầu người. Có mỗi một chiếc đèn dầu bé tí như một hạt đỗ, lúc mờ lúc tỏ, những tiếng ho sù sụ từ những khu đàn ông đang hút thuốc.
Mộc Ngưu lên tiếng :
- Chúng tôi phải mời anh Thiếu Sơn ra đây, để làm sáng tỏ một chuyện, đành rằng đó là chuyện riêng của anh, nhưng anh chị là những người đãgóp công, góp sức, góp cả một phần cơ thể cho cuộc chiến này, anh chị không thể sống như thế được! Tôi nói như vậy, ở cuối gian có ai không nghe được không? Tôi xin nói tiếp: Một người ở phòng phía đông, một người ở phòng phía tây. Ăn chung một nồi cơm nhưng lại ngủ riêng mỗi người một giường. Anh chị sống như một nhà, nhưng lại chẳng phải một gia đình. Cứ sống mãi cuộc đời như thế, không phải khó khăn cho cả hai người lắm hay sao ?
Tôi xin đại diện bà con, chúng tôi không bằng lòng với lối sống như thế. . .
Bác phó thôn, Trưởng ban phụ nữ lên tiếng, tiếng của bác nhẹ như hơi sương :
- Tôi thì tôi nghĩ, cái gì thì cũng phải rạch dòi, trẻ con, thanh niên sẽ nghĩ sao nếu một cô nam cứ ngày nào, đêm nào cũng sống chung với một quả nữ, trong một căn nhà, chẳng có cưới hỏi gì ?
Mộc Ngưu nhớ đến Cam Hạ, cô em họ của mình đã chết. . . Vì cái anh chàng dấm dớ này Anh bỗng dưng to tiếng :
Anh Dương tốt thế, thím Như sao xứng đáng với anh được chứ! Bà con thử nghĩ mà xem, thím Như trông cũng được đấy, lại tốt bụng khéo tay. Chỉ phải tội không trông thấy gì mà thôi. Chứ thím ấy mà sáng mắt như người ta ấy à. . . Thì đời thuở nào lại chịu chui vào cái nhà cũ rích như cái ổ chuột của anh kia chứ!
Thiếu Sơn nghe đến thế, anh không còn chịu thêm nữa rồi. Làm nhục anh thế nào cũng được nhưng không được làm nhục đến cố ấy. . .
Anh bèn co chân lên, giật phắt chiếc giầy ra ném mạnh. Chiếc giầy trúng ngay vào ngọn đèn dầu. Căn phòng lập tức tối om, anh lao về phía chủ tọa, anh giẫm lên mọi người. Có tiếng la, tiếng gọi nhau. Anh túm được Mộc Ngưu, đấm đá tời bời. Đến khi đèn được thắp lên, mọi người thấy mặt mũi anh ta tím ngắt.
Thiếu Sơn đứng ngay lên bàn, tuyên bố như ra nghị quyết :
- Xin cám ơn bà con thôn xóm đùm bọc, chuyện chúng tôi sẽ tự giải quyết. .

VI. VẾT THƯƠNG QUÁ KHỨ.
Căn nhà, đúng, nó nói đúng, nó tuy là phủ gia một thời, nhưng đã đổ nát hết rồi, chỉ còn có khu tiền đường xiêu vẹo. Đúng, nó đúng là cái ổ chuột thật đấy, nhưng ổ chuột thì phải dơ dáy hôi hám. Đằng này, nó sạch sẽ từ trước tới sau. Hương thơm của những cánh hoa, tràn ngập căn nhà. .
Hải Như muốn gì anh cũng chiều, đến cái khăn tắm cọ lưng anh cũng mua hai chiếc. Anh biết cô ưa sạch sẽ, nên chung quanh cô, anh lau chùi từ nhà đến vật dụng trong nhà. . .
. . . Xe xuống dốc Thanh Long. Con ngựa xám bất ngờ bị một con chim từ hốc núi phóng ra, trúng ngay mắt, nó lồng lên. Mọi người nhốn nháo, nghiêng hẳn người. Thiếu Sơn lao xuống, anh dùng đôi vai trần ghìm cái càng xe lại, bả vai anh bị cào toác, trong tiếng hỏi liên hồi thôi thúc của hành khách.
- Anh, có sao không anh Dương ?
Anh lại xé thêm vạt áo nữa ra quấn chặt lại, rồi anh ngước nhìn mọi người, giọng anh như năn nỉ :
- Chuyện đâu bỏ đó nhé ! Đừng có nói đi nói lại với cô Như đấy! Cô ấy lại cằn nhằn tôi cho mà xem!
Nhưng chỉ vài hôm sau Như cũng biết. Cô bắt anh cởi áo ra, rồi lấy nước ấm rửa vết thương, bôi thuốc tím. Vô tình bàn tay của cô chạm vào vết sẹo lớn khác. Lòng cô quặn thắt. Tiếng súng trận cùng tiếng vi vu của những bông tuyết theo gió lạnh từ một miền chiến trận cũ ùa về. . .
Tay cô lần xuống nửa, lại những vết sẹo dài, dài cả tấc. . .
- Tất cả. . . Tất cả anh bị bao nhiêu vết thương ?
- Sau lưng thì sáu, trước ngực ba. . . Tất cả chín vết. . .
- Cả chín vết cho một trận hay sao ?
- Không, ba lần đụng địch, mấy lần sau bị mảnh bom cứa. . .
- Đều từ mùa đông ấy phải không anh ?
- Mùa đông ấy nặng nhất, những vết thương từ mùa đông ấy nặng nhất.
- Thế còn anh ấy bị nhiều không ?
Thiếu Sơn đã tính nói : . .Cả một chân trái nát vụn, cả một tay trái bay mất. . . Nhưng anh chỉ thở dài :
- Nặng, nặng hơn tôi nhiều. . .
Cả hai im lặng. Trong lòng họ như đang bị những lưỡi dao của quá khứ cưa cắt. . . . Ảnh bị nặng cho nên anh ấy mới bỏ cô để đi, tháng chạp mùa đông năm ấy, có một bức thư cuối cùng từ tiền tuyến gửi về : . . . Em yêu ơi, người vợ vò võ của anh ơi ! Chiến tranh đang làm chia cắt hai đứa chúng mình, nhưng cũng chiến trận khốc liệt này, anh mới thấy thế nào là tình anh yêu em. . . Đánh xong trận này, anh sẽ trở về với em, sẽ ăn chung một cái tết đoàn tụ trong cái tổ ấm bé nhỏ của mình! Em có mừng không em? . . Này, nhớ nhé, mua cho anh một chai Nhị Oa Dầu, anh sẽ cùng những người bạn cũ, xả láng một bữa cho bõ những ngày trường chinh vạn lý. . .
Cô đã mua luôn cả một thùng, nhưng anh đã không bao giờ trở về với cô, không bao giờ hôn lên má lên môi. Không bao giờ được nghiêng ngả, chân nam đá chân chiêu với chai Nhị Oa Dầu nữa. . . Khói súng đã đem anh đi, đem anh đi mãi rồi. . . Triệu Đông ơi!

Hải Như bật khóc. Cô biết, cô không bao giờ quên được anh ấy cũng như không ai có thể xóa nhòa đi hình ảnh một cô Cam Hạ trong lòng của anh Thiếu Sơn. Đã yêu, người ta chỉ yêu có một lần, mãi mãi chỉ yêu có một lần với mỗi một người mà thôi!
Chính vì thế, cô quyết định phải trả nợ cho anh. . .
Cô chọn ngày, nhưng có lẽ cô đã chọn nhầm.
Đó là một ngày mưa, Thiếu Sơn phải nghỉ đánh xe, trời càng lúc càng lạnh, hình như có bão rớt thì phải. Thiếu Sơn đem chiếc áo bông đang khâu dở cho Hải Như ra khâu tiếp. Đàn ông mà! tay chân thì vụng về, mũi kim to, mũi kim nhỏ cứ đan vào nhau, quyện vào nhau một cách vô trật tự như tình cảm lẫn lộn anh dành cho cô.
Khi ướm thử Hải Như đã bật khóc :
- Vừa quá, ấm quá đi thôi, nhưng em cứ mang ơn anh như thế này. . .
Rồi cô cởi phăng ra, những nút áo trong cũng vô tình bật ra, đôi vú căng tròn lồ lộ:
- Hay, anh lấy em đi. . .
Thiếu Sơn nhắm mắt lại. . . Giọng anh thảng thốt:
- Sao cô lại nói lẩn thẩn như thế được? Cô là vợ anh ấy, tôi là chồng của Cam Hạ chúng ta sống với nhau như thế này, một căn nhà như thế này.
Nói đến đây, người anh rung lên, khuôn mặt kia đang ngước lên nhìn anh, đôi nhúm vú đỏ au, chênh chênh kia đang chờ anh, đôi môi hơi trễ xuống kia đang chờ anh. Người anh cồn cào rạo rực như đang bị cơn đói hành hạ, nhưng lạ quá kìa, đôi mắt mở to kia, anh vẫn biết, chỉ nhìn thấy một màn tối đen xịt, nhưng anh biết, Hải Như biết, từ trong mung lung sâu thẳm ấy, vẫn luôn có bóng một người. . .
- Hiện giờ chúng ta không phải một gia đình. Tôi đã không chịu nổi nữa rồi, lấy tôi đi, lấy tôi đi anh. . ..
- Không, không được đâu cô Như ạ, cô là vợ anh ấy, tôi không thể nào, không thể nào, tôi đã nhận lời với anh ấy, đã nhận lời chăm sóc cô cho tới răng long đầu bạc.
Anh vừa nói, vừa lùi dần, cho đến khi, sống lưng của anh đụng vào chiếc cột nhẫn thín, chiếc cột mốc cuối cùng hằng đêm của những cơn dục tình giầy xéo. . .
Anh quay đầu lại, anh đánh mạnh liên hồi vào chiếc cột ấy.
Hải Như bỗng rung cả người, cô chợt nhớ đến những tiếng kịch kịch ấy cứ vài đêm một lần cô đã nghe thấy. Cô chạy đến , ôm lấy Sơn:
- Đừng anh! Đừng tự hành hạ mình như thế Sơn ơi!
Cả hai người ôm lấy nhau. Hai đôi môi nóng bỏng đang muốn tìm nhau! Bỗng có tiếng gõ cửa, gõ cửa liên hồi. Rồi tiếng của Mộc Ngưu:
- Đã chuẩn bị xong cho cuộc tập trận ngày mai chưa chú Dương ơi. . .

VII. NGƯỜI VỀ ĐÂU?
Giá như không có tiếng gọi của cái anh chàng Mộc Ngưu quỷ tha ma bắt ấy, Giá như không có cuộc tập trận ấy thì có lẽ Như và Sơn cứ sống với nhau như thế, cứ hàng ngày, buổi sáng chim hót, hoa nở. Buổi chiều khói bếp dịu dàng ôm lấy mái nhà cũ kỹ để một người ngồi chờ cơm một người. . .
Nhưng trận diễn tập đã thay đổi tất cả. Các binh chủng tham gia diễn tập rất đông có cả hải lục không quân. Dân làng sợ nguy hiểm nên phải kéo nhau đến núi Thanh Long để tránh. Mọi người lên núi bằng xe của Thiếu Sơn
Hôm ấy trời mưa lâm nhâm, lầy lội mà con đường thì hẹp. Khi chiếc xe ngựa ì ạch đến chân núi. Bỗng mọi người thấy có hàng chục chiếc xe jeep phóng như bay tới. Thiếu Sơn ghìm càng ngựa đứng lên, nhường đường cho chiếc jeep. Hai chiếc xe vọt lên, chiếc thứ ba dừng lại.
Một vị tướng thấp nhỏ bước xuống trước. Đó là ông Trung tướng. sau đó ba vị Thiếu tướng và hơn chục vị cấp tá lần lượt bước xuống.
Viên Trung tướng kinh ngạc nhìn Thiếu Sơn, chỉ một tích tắc, ông lao tới Sơn, ôm chặt lấy Sơn
- Tiểu đoàn trưởng ơi! đúng là anh rồi phải không anh Thiếu Sơn?
Sau phút bở ngỡ, Thiếu Sơn cũng nhận ra ngay:
- Nhục Đình đấy ư?
- Tôi đây mà Tiểu đoàn trưởng ơi! Không thể tin là anh vẫn còn sống!”
Rồi hai người, một Tướng, một thường dân, quên hẳn vai vế của mình, cứ thế ôm nhau, cứ thế buông nhau ra, cứ thế nhìn trừng trừng vào nhau như cả hai đang dìu nhau tìm về một khoảng thời gian của chiến trường xưa xa vắng. . .
Thiếu Sơn thúc cái roi ngựa vào vai ông Tướng:
- Đằng ấy lên nhanh quá nhỉ? Tới chức nào rồi!
- Anh mà không bị thương, không bị chuyển về phía sau, anh còn lên nhanh hơn tôi nữa là đằng khác.
Viên Tướng trả lời thêm rằng, ông ta vừa nhận chức Tư lệnh Quân đoàn và đang chỉ huy cuộc diễn tập ở tuyến phía đông.
Thiếu Sơn chép miệng:
- Ừ làm thế cũng được đấy!
Quay về mấy vị tướng khác, ông Trung tướng nói :
- Đấy! Chính là Tiểu đoàn trưởng Sơn mà tôi từng kể cho mọi người nghe.
- Anh lại kể tếu về tôi phải không ?
- Một anh hùng, một người anh hùng thật sự ! Mang trên mình cả chín vết thương !
- Ai trong chiến tranh thì cũng can đảm như thế thôi, anh còn nhớ Triệu Đông không ?
- Ồ, Anh hùng Triệu Đông đã bỏ chúng ta đi trong trận Giáp Bát. . . Bỏ lại cô vợ rất trẻ, lại bị hơi bom làm hư đôi mắt ấy mà, quên làm sao được cơ chứ ? không biết giờ này, người ấy phiêu dạt về đâu ?
Sơn cầm roi ngựa chỉ về một người đàn bà đang ngồi trên xe, đang chăm chú nghe từng lời đối thoại của hai người. . .
- Kia kìa! Cô ấy đang ở đây này.
Vị tướng lại nhào tới :
- Chị Hải Như phải không ? Tôi biết chị mà. Các đại đội đều biết chị, khi Đại đội trưởng Đông dẫn chúng tôi đi qua làng chị, trời hôm ấy lạnh quá, chị cho mỗi người chúng tôi một cái bánh bao nóng hổi. . .
Hải Như giơ tôi tay trắng ngần sờ khắp mặt của ông Tướng, hình như nàng đang tìm về một khuôn mặt nào đó trong ký ức của cô.
Đối với họ, mùa đông năm ấy đã đi vào cõi vĩnh hằng. Với những câu chuyện của lính vừa bi tráng vừa xót xa. Đại đội chỉ còn có ba chục người, được lệnh giữ một điểm cao 800 mét so với mặt biển, chống lại một tiểu đoàn quân Mỹ cùng với một tiểu đoàn của phía Lý Thừa Vãn. Trận chiến xáp lá cà, tuyết bay phủ khắp không gian nồng nặc khói đạn, máy bay xà thấp, buông ra những trái bom ngạo nghễ. . . Cả đơn vị chỉ còn có năm người còn sống.
Trong màn tuyết trắng đầy trời như đám lông ngỗng ấy, Triệu Đông biết mình phải nói gì rồi, anh đã đuối sức :
- Tiểu đoàn trưởng ơi, ông thày Thiếu Sơn của tôi ơi ! Nhớ nghe ! Nhớ nghe, nếu còn sống, nhớ tìm về Đan Đông, bên con sông Áp Lục, nơi ấy, có một người vợ trẻ nhưng đã bị mù vì hơi bom, đang chờ bàn tay chăm sóc của Tiểu đoàn trưởng đấy. . .
Thiếu Sơn nhớ là mình đã khóc khi ôm người thuộc cấp :
- Yên tâm để đi đi, Đông ạ ! Nếu còn sống, anh sẽ tìm cho được vợ của em , anh sẽ lo cho cô ấy, y như cô em ruột của anh., suốt cả đời. . .
Mùa đông với lời thề ấy, như lại hiện ra, như cả một mùa đông hiện ra. Như những bông tuyết có hình lông ngỗng vẫn rơi rơi trước mặt. . .

VIII. CHỮA MẮT.
Thực tình mà nói, khi viết truyện này, trong lòng tôi vô cùng bối rối, bởi vì nó hoàn toàn có thực. Kể làm sao bây giờ, cho vừa lòng cả người sống đến người đã chết ?
. . .Sau ngày ấy, Thiếu Sơn trở thành người có tăm tiếng ! Cả huyện, thành phố rồi Bắc Kinh xa xôi, người ta nườm nượp đến thăm anh. . . Khi ấy, tôi đang được nghỉ phép về thăm nhà, thấy một đoàn xe đang tìm đến một căn nhà, trước kia là một dẫy nhà của một vương phủ. . .
Chủ tịch Tỉnh sau khi vấn an xong, đưa biếu Thiếu Sơn 5000 đồng, anh lưỡng lự một lúc rồi nhận tiền. Anh lấy ra một trăm để mua nhiều bộ quần áo mới cho cô Như. Chỗ còn lại anh gói cẩn thận đưa cho tôi. Anh hỏi tôi bao giờ trở về Thiên Tân. Tôi nói hai ngày nữa. Anh nói như một quyết định :
- Tôi sẽ theo anh đem Như về đó chữa mắt, có một bệnh viện của người Mỹ mới lập, một bệnh viện rất hiện đại, lập ra để chữa cho các nạn nhân chiến tranh. . .
Hôm Như đang nằm trong phòng chờ giải phẫu. Thiếu Sơn đứng ngoài hành lang, anh thì thầm cầu xin cả Triệu Đông lẫn Cam Hạ cho cô khỏi bệnh, cho cô thấy lại ánh sáng. . .
. . . Hiện giờ Thiếu Sơn và Như đang ở nhà tôi, ngày mai họ sẽ lên đường đi Bắc Kinh. Anh hỏi xem tôi viết gì về anh, về Cam Hạ về Đông về một cô Hải Như xinh đẹp vừa thấy lại ánh sáng. . . Tôi đã đọc cho anh nghe từ đầu đến cuối. Anh nghe rất chăm chú, nghe xong. . . mãi không nói gì, chỉ ngồi hút thuốc. Sau cùng, anh đứng lên và nói :
- Chuyện đúng là của chúng tôi, để khi nào đến Bắc kinh, tôi sẽ viết thư cho anh, để anh có thể viết tiếp đoạn kết. . .

IX. Kết :
- Em nghe người ta thường nói : Cứ nhớ mãi về người chết, linh hồn của họ không siêu thoát được đâu ! Em phải quên Đông cho anh ấy được xuôi chèo mát mái về đến bến vĩnh hằng.
- Anh cũng phải quên Cam Hạ để cô ấy trở về với thiên thai, trở về với thượng nguồn của cam tuyền hạnh phúc của riêng cô ấy chứ !
- Từ nay, em sẽ gọi anh là Triệu đại ca !
- Từ giờ anh sẽ gọi em là Cam Nhi !
- Chúng ta sẽ trở về căn nhà gần chân núi Hoàng Long ấy, bây giờ em có thể nhìn thấy con ngựa, chiếc xe, bờ hồ, và những mảng khói ôm lấy mây xanh vươn lên từ mái bếp.
Sơn cười sung sướng :
- Căn nhà ấy, sẽ không có những hàng cột ngăn cách ái ân của chúng ta nữa. . .
Hai người ôm chặt lấy nhau, họ hôn nhau, tuy đây là nụ hôn đầu tiên nhưng hình như họ đã hôn nhau từ lâu lắm rồi.
Ánh trăng thu, có lẫn hơi gió mát, thấp thoáng những sợi sương la đà, soi rõ bóng của hai người trên nền nhà, bóng họ có lúc chập vào, có lúc tách ra, nhưng sau đó. . . Có lẽ mãi mãi trong những đêm trăng sau đó, những bóng hình kia chỉ còn là một. . .


NGUYỄN TRỌNG HOÀN ( HNPD )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn