Mùa xuân lên đỉnh non cao

Thứ Bảy, 23 Tháng Hai 20193:00 CH(Xem: 8489)
Mùa xuân lên đỉnh non cao

Nếu Xuân này bạn có dự định đi chơi núi non, cao nguyên, đừng chần chờ, hãy thực hiện.

Đã dự định đi núi hẳn bạn muốn tránh thành thị ồn ào, chật chội. Hầu như tất cả mọi thành thị trên thế giới đều xây dựng bên một dòng sông, tại lũng thấp của địa thế. Do đó núi non luôn luôn là nơi vắng người, của thiên nhiên, của không gian và sự tĩnh lặng.

Dân thành thị hầu như không bao giờ thấy không gian. Đi giữa những con phố New York người ta thấy mình như trong hẻm núi, không ai ngước nhìn bầu trời. Phố xá Sài Gòn không đến nỗi cao như New York nhưng nơi đây ta chỉ thấy xe và người, không hề có không gian trống trải. Trong đời sống thành thị, hình khối, vật thể và tiếng ồn choáng hết lòng người. Sống lâu trong thành thị người ta tưởng chỉ có thế, con người sớm mất khái niệm về thiên nhiên rộng mở và lặng lẽ. Vì thế tâm con người “văn minh” chỉ là một chuỗi liên tục của cảm xúc và ý niệm được sinh ra từ sự chộn rộn từ bên ngoài.

Mùa xuân lên đỉnh non cao
(Ảnh qua vietvisiontravel.com)

Con người mơ đến núi non là phải. Trong vô thức con người mơ hồ biết đến một cái gì khoáng đạt, tĩnh lặng, bên trong và bên ngoài. Người Sài Gòn nghĩ đến Đà Lạt, người Hà Nội nghĩ đến Sa Pa. Cả hai nơi đều đạt được một độ cao trên 1500m. Trên đó không gian đã bắt đầu hiện hình sâu thẳm. Cao độ vượt mức 3000m ta có thể kể Fansipan, đỉnh cao nhất Việt Nam, Nga Mi sơn của Trung quốc hay Lhasa của Tây Tạng. Trên độ cao đó không gian bắt đầu lạ lùng mang đầy màu sắc, hơi thở dồn dập của con người nghe rõ trong sự tĩnh lặng. 4810m là độ cao của Mont Blanc, ngọn núi mà các thế hệ leo núi Alps tại châu Âu mơ ước. Nhưng tất cả đều khuất phục dưới Hy mã lạp sơn, dãy núi tuyết tại biên giới Ấn độ và Trung quốc mà một mình nó đã có chục ngọn trên 8000m. Cuối cùng đỉnh Everest với độ cao 8848m là đích đến cao nhất của các nhà leo núi mà Tensing Norgay và Edmund Hillary là những người đầu tiên đạt đến năm 1953. Tiếc thay ngày nay hàng năm có khoảng 300-500 người leo đỉnh Everest. Đỉnh núi này đã bị thương mại hóa. Nơi đây người ta thiết lập mọi phương tiện leo núi, từ thang dựng sẵn, đến bình oxy, đến điện thoại vệ tinh để ai bỏ tiền ra cũng “chinh phục” được Everest.

Nhiều nhà chinh phục của phương tây nhìn núi non như thế. Núi non là đỉnh cao để chinh phục, để đứng cao chóp đỉnh và tự hào về thành tích của mình. Hay thâm trầm hơn, núi non là “ngã rẽ giữa cái sống và chết” để tìm sự “chứng thực” bản thân mình, nói như Reinhold Messner, nhà leo núi nổi tiếng. Nhưng trong ý nghĩa sâu thẳm hơn, núi non là nơi không gian vô tận hiện hình rõ nhất, là nơi sự tĩnh lặng hầu như có thể sờ được. Vì vậy đến với núi non theo cách của người phương đông là đến với cái trống rỗng của không gian, với cái lặng lẽ của sự an tĩnh.

Bởi thế nếu bạn có dự định đi núi, bạn không cần phải lo núi mình có cao nhất không, liệu mình có đủ sức leo tới đỉnh. Hãy quên tâm lý ham thành tích, hãy đến một cao nguyên, bốn phương là bầu trời. Bạn hãy bỏ lại đằng sau tiếng ồn của phố thị và lắng nghe sự im lặng. Làm sao có thể nghe được sự im lặng? Bạn đã quen nghe âm thanh, tiếng ồn nên cho rằng sự im lặng không thể nghe được. Tương tự như thế bạn đã quen nhìn thấy vật thể nên khi nhắm mắt bạn nghĩ là không thấy gì cả. Thực ra khi nhắm mắt bạn thấy “cái tối đen”. Thì cũng như thế bạn có thể nghe sự im lặng.

Hãy lắng nghe sự im lặng và tự biết rằng sự im lặng của mình nghe được khác với sự tĩnh lặng của một xác chết. Xác chết không biết nghe, nó chẳng nghe tiếng ồn cũng chẳng biết sự tĩnh lặng.

Lắng nghe cái im lặng một hồi lâu bạn sẽ phát hiện ra một điều kỳ dị: cái im lặng chính là khả năng nghe của bạn, ở đây ta tạm gọi là Tính nghe. Tính nghe không phải ở trong chẳng phải ở ngoài. Dường như Tính nghe, khả năng nghe đó đã “dàn” ra thành sự im lặng. Và hơn thế nữa, mọi âm thanh bình thường đều là những gì nhảy múa trên sự im lặng đó, từ đó mà xuất đi.

Cũng tương tự như thế, nếu bạn không chú tâm nhìn sự vật mà nhìn không gian, trong đó sự vật xuất hiện, bạn sẽ khám phá khả năng thấy hay Tính thấy dường như dàn ra thành không gian mà trong đó sự vật chiếm cái chỗ của mình. Không có không gian thì không thể có sự vật.

Quan sát thêm một hồi lâu, bạn sẽ thấy có một khả năng biết hay Tính biết đang dàn trải. Nó trống rỗng như không gian, lặng lẽ như sự im lặng. Nó ghi nhận mọi sự, âm thanh hay sự vật, cảm xúc hay ý tưởng, bên ngoài hay bên trong. Nó làm bạn khác với một xác chết. Bạn gọi Tính biết đó là Sự sống thì cũng được, gọi nó là Thượng đế chắc cũng được nốt. Những lúc đó có lúc bạn nhớ đến mình, có lúc không. Nếu Tính biết đó liên tục ghi nhận những gì đang xảy ra, bạn không còn hơi đâu mà nhớ đến mình. Lúc đó chỉ có Tính biết tinh khôi như mùa xuân đang vận hành. Đó là thời khắc bạn tự chứng nghiệm lấy những gì xảy ra, không thể miêu tả.

Bạn sẽ hỏi, tất cả những trò này để “được” cái gì. Không được gì cả. Đến với nó là để mất chứ không phải để được. Mất là mất sự ồn ào náo loạn trong tâm. Bạn sẽ để một gánh nặng xuống chứ không thêm thành tích của sự chinh phục nào cả. Đó chính là sự khác biệt cơ bản giữa người đi chinh phục đỉnh cao và người buông xuống gánh nặng của tự ngã.

Bạn quay về thành phố và ngạc nhiên nhận ra rằng, lâu nay mình đã bỏ sót rất nhiều. Không gian và sự im lặng sờ sờ trước mắt nhưng mình không thấy không nghe. Không gian chỉ là khoảng cách giữa các vật thể. Không gian trong một góc phòng nhỏ hẹp không hề khác với không gian trên núi. Sự tĩnh lặng giữa những tiếng ồn cũng là sự tĩnh lặng trên cao nguyên, thậm chí giữa hai hơi thở cũng có sự tĩnh lặng.

Bạn lại trở về lũng thấp đầy tiếng ồn, vật thể và sự hỗn loạn. Phần lớn chúng ta sẽ rơi trở lại trong thói quen thường ngày của tự ngã. Tất cả những chứng nghiệm của những ngày qua lại sẽ rút lại vào kho chứa của vô thức. May mắn thay cho những ai giữ được mãi chứng thực tâm linh của mùa xuân và non cao.

Nguyễn Tường Bách
Đăng lại từ tạp chí Chim Việt Cành Nam (Chimviet.free.fr)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Năm, 01 Tháng Hai 20183:30 SA
Tết Mậu Tuất năm nay là đúng nửa thế kỷ đã qua kể từ Tết Mậu Thân. Với nhiều người Việt, Mậu Thân 1968
Thứ Tư, 31 Tháng Giêng 20184:15 SA
Không hiểu bằng một cách nào đó, bà cụ Tám, hồi còn trẻ đã lặn lội tới tận Miếu Ba Cô ở làng Vĩnh Tràng, huyện Đất Đỏ, tỉnh Sơn Tây
Chủ Nhật, 28 Tháng Giêng 20184:46 SA
Nhiều người biết đến Đài Loan từ những tiểu thuyết lãng mạn của nhà văn Quỳnh Dao thịnh hành hồi thập niên 70 của thế kỷ trước,
Thứ Năm, 25 Tháng Giêng 20184:15 SA
Khi cánh cửa phòng giam trại thẩm vấn tù binh Ngã Tư Sở, Hà Nội, đóng lại cài then khóa chặt phía ngoài vào buổi chiều ngày 9 Tháng Ba năm 1971, mọi dự tính trốn thoát của t
Thứ Ba, 23 Tháng Giêng 20183:00 SA
Những người phụ nữ quê tôi không ai không biết đến chiếc đòn gánh vì ai cũng đã từng hơn một lần gánh nó trên vai. Quê tôi miền Trung nghèo lắm.
Thứ Sáu, 19 Tháng Giêng 20182:30 SA
Muà Xuân lại một lần nữa trở về khu xóm nhỏ ven sông đầy những mành đời âm thầm buồn tẻ, cơn gió tháng Chạp
Thứ Năm, 18 Tháng Giêng 20185:08 CH
(HNPD) Tường áp tay vào tay vợ. Cái thằng thiệt vô tình. Hắn còn sống!Cả phòng ồ lên. Để tôi nói tiếp về cái thằng bạn Biệt động quân trời đánh
Thứ Tư, 17 Tháng Giêng 20183:00 SA
Sự thật được cô bé năm nào tiết lộ sau 10 năm mới gặp lại đã khiến bác tài xế không ngăn được nước mắt
Thứ Ba, 16 Tháng Giêng 20186:00 SA
Cộng quân ồ ạt xua quân xâm chiếm toàn cỏi lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Lúc bấy giờ Pháo Đội của tôi chia làm ba. Một đóng tại quận Sơn Hà,
Thứ Hai, 15 Tháng Giêng 20186:00 SA
Ngày cuối năm, đọc lại những bài thơ trong đời. Hình như, có bước chân trở về quá khứ. Ở đó, thấy lại mình ngày nào. T