Khủng long có cơ hội tồn tại đến ngày nay?

Thứ Năm, 24 Tháng Năm 201810:00 CH(Xem: 6437)
Khủng long có cơ hội tồn tại đến ngày nay?
John Pickrell BBC Future

Mô hình khủng long Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Mô hình khủng long

Đó là một ngày tận thế mà chúng ta khó tưởng tượng ra được. Một tiểu hành tinh với đường kính 15km đâm sầm vào Trái Đất hồi 66 triệu năm trước với một lực tương đương với khoảng 10 tỷ quả bom Hiroshima.

Một quả cầu lửa phóng xạ thiêu đốt mọi thứ trong phạm vi hàng trăm dặm và tạo thành những cơn sóng thần bao phủ nửa vòng Trái Đất.

Bầu khí quyển khi đó có lẽ đã bốc cháy và không có động vật nào có trọng lượng trên 25kg sống sót được; thực tế là khoảng 75% tất cả các chủng loài đã bị tuyệt chủng.


Các loài khủng long không cánh đã không có hy vọng sống sót, chỉ những loài khủng long nhỏ, bay được và có lông mà ngày nay đã tiến hoá thành chim mới vượt qua được.

Nhưng nếu lịch sử đã đi theo một hướng khác thì sao? Nếu tiểu hành tinh đó bay trật mục tiêu hoặc đến sớm hơn vài phút thì sao?

Đó là viễn cảnh được các nhà nghiên cứu có tên trong một tài liệu gần đây của BBC, “Ngày khủng long chết”, nêu ra.

Các nhà khoa học này, trong đó có nhà địa chất học Sean Gulick thuộc Đại học Texas, cho rằng nếu tiểu hành tinh này chỉ đến sớm hoặc muộn hơn mấy khoảnh khắc, thay vì va vào vùng nước nông của bán đảo Yucatan ở Mexico, nó có lẽ sẽ lao sâu xuống vùng biển Thái Bình Dương hoặc Đại Tây Dương, khiến lực tác động bị giảm và hạn chế việc phóng thích lưu huỳnh làm nghẽn bầu khí quyển trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới.

Nếu điều đó xảy ra, thảm họa vẫn xảy ra và nhiều loại sẽ tuyệt chủng, nhưng một số loài khủng long lớn hơn đã có thể sống sót.

Đây là một chủ đề luôn có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà khoa học về khủng long.

Liệu có cơ hội nào để ngày nay khủng long vẫn tồn tại? Những loài khủng long mới nào đã có thể xuất hiện? Liệu khủng long có phát triển trí thông minh giống con người? Động vật có vú liệu có trở nên loài kém ưu việt hơn? Con người liệu có tìm cách tồn tại song song với chúng như đã được miêu tả trong bộ phim năm 2015 của Disney - Chú khủng long tốt bụng?

Một số nhà nghiên cứu cho rằng ngay cả khi tiểu hành tinh không va vào Trái Đất thì triều đại của khủng long cũng đi đến hồi kết.

Mike Benton, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Bristol ở Anh nói: “Khủng long vẫn sẽ tuyệt chủng vì khí hậu lạnh dần. Chúng gần như chỉ tồn tại được cho đến cuối Kỷ Phấn Trắng nhưng chúng ta cũng biết rằng động vật có vú khi đó đang đa dạng hóa ... [và] khủng long vốn đã bắt đầu biến mất trong vòng 40 triệu năm."


Benton tin rằng động vật có vú vẫn sẽ thay thế loài khủng long. Ông là tác giả của một bài báo năm 2016 cho thấy khủng long chậm chân hơn động vật có vú trong việc thay thế các loài đã tuyệt chủng.

Những chuyên gia khác lại có nhìn nhận rất khác.

Chuyên gia nghiên cứu khủng long ăn thịt Tom Holtz thuộc Đại học Maryland tại College Park ở Mỹ đồng ý rằng kiểu gì thì nhiều loài cũng tuyệt chủng vào 66 triệu năm trước do những lần phun trào và các dòng dung nham ồ ạt chảy ở khu vực Deccan Traps tại Ấn Độ.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Khủng long bay khổng lồ có thể đã một thời thống trị bầu trời

Tuy nhiên, ông nói: “Nếu không có gì xảy ra, thời Cực Đại Nhiệt Cổ-Thuỷ Tân (Palaeocene and Eocene) sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sinh học chung của khủng long. Đó sẽ là thế giới mà các khủng long từ Kỷ Phấn Trắng vẫn có thể thích nghi."


Stephen Brusatte của Đại học Edinburgh cho biết thêm rằng khủng long đã sinh tồn tốt, đã đa dạng hóa rất tốt qua các thời kỳ thay đổi khí hậu trong 160 triệu năm.

“Khủng long vẫn còn thích nghi rất tốt vào cuối Kỷ Phấn Trắng, đó không phải là dấu hiệu của một nhóm sinh vật đang tàn lụi đến mức tuyệt chủng và chỉ đang đợi một tiểu hành tinh nào đó đến đánh bật chúng. Đó là dấu hiệu của một nhóm sinh vật vẫn có nhiều tiềm năng tiến hóa. "

Giả sử khủng long sống sót, những yếu tố nào có thể đã định hình quá trình tiến hóa của chúng?

Biến đổi khí hậu có lẽ đã là trở ngại lớn đầu tiên.

Một sự kiện được biết đến là Cực Đại Nhiệt Cổ-Thuỷ Tân (Palaeocene-Eocene Thermal Maximum), cách đây 55 triệu năm, khi mà nhiệt độ trung bình trên Trái Đất nóng hơn ngày nay 8 độ C, và các khu rừng nhiệt đới trải rộng khắp hành tinh.

Trong thế giới ngày nay với thảm thực vật phong phú có lẽ những khủng long chân thằn lằn cổ dài đã có thể phát triển nhanh hơn, sinh sản ở độ tuổi trẻ hơn và có kích cỡ nhỏ lại; một số loài khủng long chân thằn lằn (sauropod) nhỏ hơn (một số lớn hơn con bò) được cho là đã xuất hiện tại các hòn đảo ở châu Âu vào cuối Kỷ Phấn Trắng. Những con thằn lằn hộ pháp (titanosaur) lớn nhất tại Nam Mỹ vào Kỷ Phấn Trắng, với độ dài 40m (131ft) nặng hơn hai máy bay phản lực, thì đã biến mất từ lâu.

Một xu hướng khác vào cuối Kỷ Phấn Trắng là sự trỗi dậy của các thực vật có hoa hoặc những cây hạt kín. Trong suốt kỷ Jura, hầu hết thực vật là dương xỉ và cây hạt trần (bao gồm bạch quả, cây mè và cây lá kim). Chúng có ít dinh dưỡng hơn so với cây hạt kín, và kích thước khổng lồ của loài khủng long chân thằn lằn là do thời gian xử lý thức ăn và kích thước ruột cần có để tiêu hóa hiệu quả.

"Nếu sự tiến hóa của thực vật tiếp diễn như trong thế giới hiện đại của chúng ta, những khủng long ăn cỏ hầu như chắc chắn sẽ chỉ ăn những cây có hoa," Matt Bonnan, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Stockton bang New Jersey, nhận định.

“Vì thực phẩm của chúng sẽ dễ tiêu hóa hơn, có lẽ chúng ta sẽ thấy sự suy giảm chung về kích thước cơ thể, kích cỡ khổng lồ của những loài khủng long thời Đại Trung Sinh."

Bản quyền hình ảnh SPL
Image caption Khủng long ba sừng lẽ ra có thể tiến hoá thành loài khủng long ăn cỏ có khả năng di chuyển nhanh nhẹn, giống như các loài động vật có vú sống trên các đồng cỏ

Song song với thực vật có hoa, trái cây cũng xuất hiện, đồng phát triển với động vật có vú và chim để giúp thực vật phát tán hạt. Có thể khủng long giống khỉ đã tiến hóa để tận dụng tài nguyên này, đúng như động vật linh trưởng đã làm trong niên đại của chúng ta?

"Nhiều con chim ăn trái cây. Vì vậy, cũng có thể có những con khủng long không phải chim đã thích nghi với chế độ ăn quả," Bonnan nói.

Brusatte đồng ý rằng một số "loài khủng long nhỏ có lông có thể đã đi theo con đường của loài linh trưởng", vì nhiều loài lúc đó đã bắt đầu kiếm ăn quanh các cành cây. Trong quá trình này, những loài khác có thể đã trở thành loài hút mật, truyền phấn từ hoa này sang hoa khác.

Một sự kiện quan trọng khác, cách đây khoảng 34 triệu năm ở thời kỳ Thủy-Tiệm Tân (Eocene-Oligocene) là sự phân tách Nam Mỹ và Nam Cực. Điều này khiến dòng chảy quanh vùng Nam Cực phát triển, dẫn đến sự hình thành lớp băng ở Nam Cực và quá trình làm mát cũng như làm khô Trái Đất. Trong suốt thời kỳ này, đồng cỏ trải rộng khắp các vùng lớn của hành tinh.

"Các động vật có vú chân mảnh, chạy nhanh và ăn cỏ trở nên phổ biến - trong quá khứ bạn có thể đi lại hoặc nhảy vọt và trốn đi, nhưng bạn không thể trốn vào các đồng cỏ lộ thiên. Đó là khi, trong lịch sử của chúng ta, chúng ta bắt đầu thấy một sự bùng nổ các loài động vật ăn cỏ có móng khác nhau cũng như các động vật ăn thịt săn bắt bắt chúng.

Darren Naish, một nhà nghiên cứu cổ sinh vật học có xương sống ở Southampton nước Anh, cho biết, có lẽ trong niên đại thay thế của chúng ta, các con vật giống khủng long ăn cỏ và nhanh nhẹn sẽ là những hậu duệ của họ hàng loài khủng long ba sừng (Triceratop) hoặc họ hàng của loài khủng long hai chân ăn cỏ mũi khoằm (Hypsilophodon).

Ông nói thêm: "Các loài khủng long đã có một loạt lợi thế tiến hóa mà các động vật có vú mất một thời gian dài mới có để tiến hóa," và sẽ có một khởi đầu thuận lợi trong việc thích nghi với đồng cỏ.

Loài khủng long mỏ vịt có bộ hàm lên đến 1000 cái răng, trái ngược với một con ngựa có khoảng 40 cái răng, vì vậy có thể rút ngắn bớt việc nhai cỏ.

Khủng long cũng có thị lực tốt hơn động vật có vú, với khả năng nhìn màu sắc ngày càng tăng, và tinh thông hơn trong việc phát hiện nguy hiểm. Ngựa và bò có mõm phẳng rất có ích cho việc gặm cây cỏ cứng ở dưới thấp, cho nên thú mỏ vịt và động vật chân thằn lằn đã phát triển thành mũi vạt vuông và cổ của động vật chân thằn lằn đã thu ngắn lại để giúp nhai cỏ dưới chân mình.

Thậm chí gần đến ngày nay, khủng long sẽ phải đối phó với các thời kỳ băng hà khác nhau trong 2,6 triệu năm qua. Nhưng chúng ta biết rằng khủng long Kỷ Phấn Trắng đã sống ở phía trên Bắc Cực.

Naish cho rằng ”có thể ở những nơi lạnh hơn bạn sẽ thấy các loài với lớp da dày và trau chuốt, phủ đầy lông tơ và lông vũ xuống đến đầu ngón chân và đuôi của chúng”.

Chuyên gia về khủng long có giáp từ Bảo tàng Hoàng gia Ontario ở Canada, Victoria Arbor, cho biết: "Sẽ không quá khó khăn để khủng long bạo chúa hoặc họ hàng khủng long ăn thịt Velociraptor tiến hoá nếu chúng có lông."

"Có lẽ những con khủng long sừng (ceratopsian), khủng long mai giáp (ankylosaur) và khủng long mỏ vịt (hadrosaur) sẽ đều trở nên xù xì và lông lá."

Bản quyền hình ảnh SPL
Image caption Chúng ta lẽ ra không cần phải vào bảo tàng mới xem được các bộ xương hay mô hình khủng long, nếu như tiểu hành tinh không va vào Trái Đất hồi 66 triệu năm trước

Có những dạng thích nghi phổ biến ngày nay nhưng lại hiếm thấy ở khủng long. Chẳng hạn như thói quen đào bới, Paul Barrett, một nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, nói.

“Kỳ lạ là loài khủng long thật ra đã không làm vậy bao giờ, vì đây là cách sống phổ biến giữa những loài thằn lằn và rắn. Nếu có thêm thời gian, một số loài khủng long có thể đã trở thành các chuyên gia dưới lòng đất – động vật có vảy và lông tương tự với chuột chũi có vú.

Đại dương lại là một địa hạt ít được khủng long khám phá. Loài khủng long thằn lằn gai xương sống (Spinosaurus) đã đắm mình ở các cửa sông và môi trường sông nước, và hóa thạch của loài khủng long mai giáp thường được tìm thấy trong các trầm tích biển và dọc các miền duyên hải.

Liệu các loài khủng long thằn lằn gai xương sống hoặc khủng long mai giáp đã theo đường của cá voi có vú và phát triển để sống hoàn toàn trên biển?

Chúng có thể đã trở lại đất liền để đẻ trứng hoặc cuối cùng được sinh ra và sống ngay trên biển, như loài khủng long thằn lằn cá (ichthyosaur) hoặc khủng long thằn lằn cổ rắn (plesiosaur).

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn