Câu chuyện điệp viên - Lê Phan

Thứ Sáu, 06 Tháng Tư 20183:27 SA(Xem: 5675)
Câu chuyện điệp viên - Lê Phan
Phóng viên về an ninh của đài BBC, Gordon Corera, kể lại là hôm 24 tháng 9 năm 1971, đã có một party ở tổng hành dinh của cơ quan MI5 tức là cơ quan tình báo quốc nội Anh. Một cái tủ két vốn thường bị khóa vì nó được dùng để dấu những chai rượu, đã được mở ra và một hay có thể hai chai đã được chọn ra để ông giám đốc có thể mời nhân viên một ly và một lời toast chúc tụng nữ hoàng. Nguyên nhân của sự ăn mừng đó là “Operation Foot tức là Chiến dịch cái chân”. Chiến dịch này thưa quý vị chính là khi Anh quốc trục xuất 105 nhà ngoại giao Nga có liên hệ đến tình báo.

Điệp viên của Nga đã làm loạn ở nước Anh trong suốt những năm của thập niên 1960. Họ đông đến nỗi MI5 đã gặp khó khăn theo dõi sự di chuyển của họ. Vụ trục xuất đó là một đòn nặng mà KGB, cơ quan tình báo hải ngoại của Liên bang Sô viết, đã không bao giờ hồi phục lại được như trước.

Lần đó, tuy các đồng minh chúc mừng Anh quốc nhưng họ không bắt chước làm theo. Lần này khác hơn. Đồng minh đã hưởng ứng nồng nhiệt. Nhưng ảnh hưởng của lần này liệu có lớn như lần trước không?

Mục đích được công bố lần này là cả để gửi một thông điệp, và cũng để có ảnh hưởng đáng kể lên khả năng của các cơ quan tình báo Nga trong việc thu thập bí mật và thực hiện những chiến dịch ở ngoại quốc. Và cuộc trục xuất tập thể liệu có tạo khó khăn cho Nga chăng?

Ảnh hưởng đối với tình báo Nga.

Cũng như trong thời Chiến tranh Lạnh, các nhân viên tình báo ở các tòa đại sứ được sử dụng để tuyển và điều khiển những người giúp cung cấp các tài liệu mật cho Mạc Tư Khoa. Họ thường là nhân viên của GRU tức cơ quan tình báo quân đội (thường được gọi tắt là quân báo)- và SVR, cơ quan tình báo hải ngoại hậu thân của KGB. Liên hệ với những người họ đã tuyển để cung cấp thông tin có thể bị gián đoạn vì người tuyển mộ và điều khiển họ bị trục xuất về nước, và có những trường hợp gián đoạn có thể dẫn đến mất luôn nguồn tin đó.

Khác với thời Chiến Tranh Lạnh, những điệp viên này (và những bạn đồng nghiệp của họ trong cơ quan tình báo quốc nội FSB) cũng có thể có nhiệm vụ thu thập tin tức về những người Nga lưu vong. Một số sẽ dính líu đến “những biện pháp tích cực” –tức là những hành động lén lút vốn có thể bao gồm việc phổ biến tuyên truyền và ảnh hưởng chính trị. Những hoạt động này có thể bị ảnh hưởng xấu khi nhiều những viên chức phụ trách bị trục xuất. Những hành động “tích cực” hơn nữa như đe dọa hoặc ám sát thường không phải do những điệp viên tại chỗ thực hiện.

Ngoài chuyện là Nga đột nhiên mất một số lượng lớn điệp viên từ nhiều quốc gia, một trong những biện pháp được coi như là đáng kể nhất có thể là việc đóng cửa tòa Tổng lãnh sự Nga ở Seattle. Tòa tổng lãnh sự này được nói rất gần một căn cứ tàu ngầm và công ty sản xuất phi cơ Boeing, vốn có một số lớn lực lượng lao động đa quốc của họ tại đó. Điệp viên từ tòa tổng lãnh sự này như vậy rất dễ liên lạc và mua chuộc những người làm việc ở hai cơ sở này để lấy tin.

Những tòa tổng lãnh sự có thể đóng một vai đáng kể về tình báo vì chúng không những đóng vai căn cứ cho các điệp viên, nhưng cũng có tiềm năng là cơ sở cho những dụng cụ nghe lén.

Ảnh hưởng tuy vậy có lẽ không hoàn toàn giống như thời Chiến Tranh Lạnh. Một trong những lý do chính là không gian ảo trên mạng. Trong quá khứ, cách duy nhất cho Nga thu thập tình báo hay đánh cắp bí mật là qua tình báo do người thực hiện và chặn nghe lén thông tin, nhưng ngày nay họ có thể sử dụng những tay tin tặc hữu hiệu để đánh cắp bí mật và thu thập những tài liệu không bảo mật từ xa.

Dĩ nhiên tình báo điện tử không thể hoàn toàn thay thế điệp viên và những nguồn tin của họ -và trên thực tế thì cả hai bên thường kết hợp khi hoạt động –nhưng nó cũng là một phương cách mới. Không gian ảo cũng có thể cho Nga một cách trả đũa các quốc gia đã trục xuất các nhà ngoại giao của họ. Có thể không phải chỉ là qua đánh cắp những bí mật, nhưng còn thực hiện được những “biện pháp tích cực” hay “chiến dịch gây ảnh hưởng” và ngay cả có thể phá hoại trên internet qua những hình thức mà trong quá khứ không ai làm nổi.

Ai cũng biết là Nga sẽ phản ứng với một loạt trục xuất khác. Nhưng sự thật là hầu hết các quốc gia khác, ngay cả Hoa Kỳ, được nghĩ là có ít gián điệp ở Nga hơn là Nga có trên các lãnh thổ của họ. Nga sẽ gửi thêm điệp viên mới để thay thế.

Hy vọng sẽ là mức độ của việc trục xuất này –và bản chất quốc tế của chúng- sẽ ngăn ngừa Nga đừng sử dụng điệp viên ở ngoại quốc thực hiện những hành động như đã bị nghi là đã xảy ra ở thành phố cổ kính Salisbury (Đọc là Sal-sbury).

Sự gián đoạn này cũng sẽ cho phép các cơ quan phản gián và săn điệp viên, như MI5 ở Anh và FBI ở Hoa Kỳ, để có một chút lấy sức và tái tập trung cố gắng của họ một lần nữa.

Thành ra, có thể lần này lại có thêm một vài chai rượu được lấy từ tủ két cho một chút ăn mừng.

Chuyện gì xảy ra khi một nhà ngoại giao bị trục xuất

Tại sao các quốc gia trục xuất các nhà ngoại giao? Và chuyện gì xảy ra khi một nhà ngoại giao được bảo phải rời bỏ một quốc gia?

Các nhà ngoại giao trên toàn thế giới được nước chủ nhà cho quyền miễn tố -có nghĩa là họ không thể bị ra tòa ở nước đó. Tuy nhiên quyền của họ ở lại một quốc gia có thể bị rút lui nếu họ vi phạm luật pháp, gây bực tức cho nước chủ nhà –hay cả trong một cuộc khủng hoảng ngoại giao như giữa Anh và Nga hiện nay.

Công ước quốc tế Vienna về Liên hệ ngoại giao điều khiển cách mà các quốc gia đối xử với nhau trong lãnh vực bang giao. Theo điều 9 của Công ước Vienna, nước chủ nhà có thể “bất cứ lúc nào và cho bất cứ một lý do nào, tuyên bố một người là “persona non grata” tức là người không được ưa thích nữa, và yêu cầu người đó rời nước mình.

Quốc gia chủ nhà sẽ quyết định nhà ngoại giao nào phải đi hay ở lại. Hôm thứ bảy tuần rồi, đại sứ Anh đã bị Mạc Tư Khoa triệu vào để loan báo danh sách và chính ông phải đích thân loan báo tin này cho các nhân viên. Ngược lại ở Luân Đôn trước đó, đại sứ Nga cũng đã bị triệu vào để thông báo một danh sách tương tự.

Nhưng ông John Everard, cựu đại sứ Anh ở Bắc Hàn, thì không có “một hình thức cố định nào để thông báo” về ai phải ra đi. Một quốc gia có thể triệu đại sứ đến như ở trên hay là gửi một văn thư chính thức.

Và khi được loan báo thì một nhà ngoại giao sẽ phải ra đi. Từ chối không ra đi là vi phạm các hiệp ước quốc tế và có thể tạo nên một cuộc khủng hoảng lớn. Sir Christopher Meyer, cựu đại sứ Anh ở Hoa Kỳ giải thích “Không có gì để chống cự cả. Họ phải làm đúng hạn kỳ mà chúng ta đặt ra và chúng ta phải đáp ứng hạn kỳ của họ.” Lần này Nga cho các nhà ngoại giao Anh một tuần lễ để ra đi, có những khi hạn kỳ này rất gấp gáp, 72 tiếng đồng hồ hay có khi chỉ có 24 giờ.

Hồi thập niên 1960, một công ty bảo hiểm Anh đã có một hợp đồng hết sức đặc biệt. Công ty J.N. Dobbin & Co đã sẵn sàng bán một hợp đồng bảo hiểm cho các nhà ngoại giao và các quân nhân để chống đỡ với một hiểm nguy của nhiệm sở Mạc tư khoa: đột ngột bị trục xuất và những thiệt hại cá nhân cho họ bao gồm từ tiền đi học tiếng Nga đến tiền cho bữa tiệc chia tay với toàn sở. Với giá tiền 210 đôla một năm, các nhà ngoại giao Tây phương có thể được hưởng 5,000 đô la và hợp đồng kéo dài hai năm, vốn thường là thời hạn của một nhiệm kỳ. Theo tạp chí Time thì công ty này quả may mắn vì cho đến khi chương trình kết thúc, trong số khoảng 50 nhà ngoại giao đã ký hợp đồng với công ty chỉ có hai người bị trục xuất.

Khi đại sứ Everard được hỏi là một nhà ngoại giao làm gì khi nhận được lệnh trục xuất thì ông bảo bản thân chưa bao giờ bị cảnh đó nhưng thêm là nó cũng như bất cứ những ai bất thình lình bị sở đổi đi nơi khác vậy. “Suốt tuần đó sẽ không làm được việc gì cả,” ông giải thích vì mối lo lớn nhất là con cái và chỗ học''. Rồi thì “Chào càng nhiều bạn bè càng tốt và nếu có thể được mở một party chia tay.”

Các viên chức Nga ở tòa đại sứ Luân Đôn có vẻ có đủ thời giờ để mở tiệc chia tay như trong tweet này.
Lê Phan
http://www.bbc.co.uk/news/world-europe-43440882
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn