'Thế hệ vô dụng' và nỗi sợ của năm 2023

Thứ Sáu, 22 Tháng Mười Hai 20237:00 SA(Xem: 1019)
'Thế hệ vô dụng' và nỗi sợ của năm 2023

Năm 2023, Byron Reese, doanh nhân công nghệ và là tác giả của cuốn sách The Fourth Age: Smart Robots, Conscious Computers, and the Future of Humanity, gọi đây là "năm của nỗi sợ hãi AI".

Từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho đến doanh nhân, nhóm hoạch định chính sách đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua rằng AI sắp thay đổi thế giới. Nhưng vấn đề là không ai dám chắn điều đó sẽ xảy ra theo cách nào. Chính sự không chắc chắn đã tạo nên cảm xúc hoang mang, mâu thuẫn, đặc biệt ở những người không can dự vào quá trình phát triển và điều chỉnh AI, hay chính xác hơn là phần lớn dân số trên thế giới.

"Không ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, không ai có thể nhìn thấy trước tương lai và điều đó thực sự đáng sợ với con người", ông Reese nói với Bloomberg.

Tuy nhiên, khi những cảm xúc, suy đoán tiêu cực bao trùm, vẫn có những người nhìn thấy mặt tích cực và cả cơ hội. Đó là nhóm tin rằng AI sẽ không thay thế mà chỉ giúp con người làm việc hiệu quả hơn, dù cho nhiều ngành nghề đang thực sự biến mất vì trí tuệ nhân tạo.

Sợ hãi và hy vọng

Gen Z, những người sinh từ năm 1997 đến 2012, lớn lên trong một xã hội mà công nghệ đóng vai trò quan trọng. Cuối năm 2022, thế hệ này chiếm 24% nguồn nhân lực toàn cầu. Còn tại Việt Nam, dự kiến đến năm 2025, Gen Z chiếm 1/3 dân số trong độ tuổi lao động, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Theo khảo sát của Adobe, 47% Gen Z cho rằng AI sẽ giúp cải thiện cuộc sống, trong khi chỉ 11% nhận định trí tuệ nhân tạo sẽ khiến mọi thứ tồi tệ hơn.

Điều này chứng tỏ Gen Z khá lạc quan về triển vọng của AI. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo tại nơi làm việc là một trong những mối quan tâm hàng đầu.

Theo khảo sát của Morning Consult, 73% Gen Z cho rằng AI sẽ gia tăng số lượng việc làm mới, làm tăng năng suất và hiệu quả trong nhiều ngành nghề.

the he vo dung anh 2

Gen Z vừa lo sợ lẫn kỳ vọng vào sự phát triển của AI. Ảnh: mashable.

Bên cạnh cái nhìn lạc quan, Gen Z cũng có những lo lắng nhất định.

Gen Z hiểu rằng sự hiện diện của AI tại nơi làm việc là không thể tránh khỏi, nhưng chỉ 23% số người được Adobe khảo sát bày tỏ sự hào hứng với những công nghệ mới.

Trong cuộc khảo sát của ZipRecruiter, 76% Gen Z lo ngại sẽ mất việc vì ChatGPT. Hầu hết công việc cấp thấp được coi là bệ phóng đầu tiên cho sự nghiệp của người trẻ, nhưng đó cũng là nơi AI đang phát triển mạnh nhất.

Theo tác giả Byron Reese, khi một công nghệ mới bùng nổ, mọi người có cảm giác lo lắng là điều tự nhiên, dễ hiểu. "Bởi vì đa phần mọi người sẽ dễ dàng thấy khả năng hủy diệt của công nghệ, nhưng cần thời gian để nhìn ra những gì nó có thể kiến tạo".

Những người sẽ tồn tại

Tomoe Ishizumi, chuyên gia trong lĩnh vực AI đồng thời là tác giả của cuốn sách AI Chuyện chưa kể, cho rằng chúng ta cần hướng đến một xã hội nơi công nghệ AI và con người sẽ cùng tồn tại, cộng tác trong cả công việc và cuộc sống.

"Đã từng có giai đoạn mà việc sử dụng điện hoặc Internet là một vấn đề lớn, nhưng bây giờ nó đã trở thành điều hiển nhiên. Vai trò của AI nên và sẽ theo cùng một hướng phát triển như vậy.

Hiện tại, chúng ta thấy nhiều chuyên gia đang lãng phí thời gian vào những công việc thường ngày đơn điệu. Nhưng với sự hỗ trợ của AI, họ có thể sử dụng thời gian hiệu quả và khôn ngoan hơn, đồng thời có cuộc sống như mình mong muốn", bà Ishizumi nói.

Khi suy nghĩ về những kỹ năng cần thiết để trở thành người có thể tồn tại trong thời đại AI, chuyên gia người Nhật Bản cho rằng có 3 kiểu người có thể tồn tại trong tương lai AI.

the he vo dung anh 3

Tomoe Ishizumi nhận định AI không thay thế mà sẽ hỗ trợ con người trong nhiều công việc, ngành nghề. Ảnh: Bloomberg.

Đầu tiên là kiểu "chuyên môn hóa". Đây là những người có chuyên môn cao, nghiệp vụ tốt, kỹ năng điêu luyện trong lĩnh vực của mình. Bà Ishizumi lấy ví dụ về những người làm ra các sản phẩm không thể bắt chước trên thị trường, nghệ sĩ nổi tiếng, vận động viên chuyên nghiệp, nhà nghiên cứu chuyên sâu, bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư...

Những người này đã đạt đến trình độ mà AI khó lòng bắt chướt hoặc làm tốt hơn.

Thứ hai là kiểu "dễ thích ứng". Đây là những người có thể thích ứng với nhiều môi trường khác nhau. Họ luôn suy nghĩ và học hỏi để đáp ứng được nhu cầu mới của thị trường lao động.

Theo bà Ishizumi, những kỹ năng của nhóm hai thậm chí còn quan trọng hơn nhóm một vì dù có trình độ cao đến đâu mà tầm nhìn hạn hẹp thì cũng sẽ bị đào thải.

Và cuối cùng là kiểu "tổng hợp". Đây là nhóm người lao động có kiến thức liên ngành, khả năng giao tiếp cao, có thể tập hợp nguồn nhân lực từ các lĩnh vực khác nhau.

Khi công việc được tự động hóa nhiều hơn bằng AI, phần việc còn lại con người có thể đảm nhận là suy nghĩ về cách chuyển đổi dữ liệu thu được từ AI thành giá trị và kết nối nó với doanh nghiệp.

Trong thời đại AI, người lao động vẫn có rất nhiều cách để thể hiện giá trị của mình. Chính vì vậy, thay vì suy nghĩ "AI cướp đi công việc và khiến con người trở nên vô dụng", mọi người nên bắt đầu với quan điểm "con người sẽ không cần làm các công việc có thể giao phó cho AI" và "con người có thể thử thách mình ở những thứ đòi hỏi sự sáng tạo, chuyên môn hơn".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn