Ngô Nhân Dụng - Joe Biden trước thực tế và ảo tưởng giữa xung đột Hamas - Israel

Chủ Nhật, 17 Tháng Mười Hai 20236:00 SA(Xem: 597)
Ngô Nhân Dụng - Joe Biden trước thực tế và ảo tưởng giữa xung đột Hamas - Israel

08 

Tình trạng vùng đất này quá rắc rối, phức tạp, với quá nhiều quyền lợi chồng chéo, kình chống nhau. Người đứng ngoài chỉ có thể nêu lên những giải pháp lâu dài, như công nhận cả hai quốc gia Israel và Palestine.

Tổng thống Joe Biden muốn Thủ tướng Benjamin Netanyahu thay đổi chính sách của Israel. Trong thực tế, ông Netanyahu không còn nắm quyền quyết định nữa.

Ông Biden cũng muốn chính quyền Palestine sẽ đảm nhiệm việc quản trị vùng Gaza sau khi quân Israel tiêu diệt lực lượng Hamas. Nhưng đó chỉ là một ảo tưởng.

Nói chuyện tại Washington, với những người góp cho quỹ tranh cử của mình, ông Biden kể chuyện cuộc điện đàm với thủ tướng Netanyahu: “Tôi nghĩ ông ấy phải thay đổi.” Và ông Biden giải thích rằng trong chính phủ Netanyahu có những người cực hữu quá khích, họ không chấp nhận giải pháp “Hai Quốc Gia.” Ông nói thẳng tên một người, Itamar Ben-Gvir, bộ trưởng An Ninh. Nói như vậy không khác gì bảo Israel phải thay đổi chính phủ! Chưa thấy một tổng thống Mỹ nào can thiệp vào nội bộ Israel như vậy!

Ý kiến “Hai Quốc Gia,” Israel và Palestine sống bên nhau, đã được nêu lên trong Thỏa ước Oslo trước đây ba chục năm, chính phủ Israel và Mặt trận Giải phóng Palestine ký kết, do Mỹ thúc đẩy. Nhờ hỏa ước đó, Chính quyền Quốc gia Palestine (PNA) ra đời. Các nước Á Rập từng làm chủ các vùng đất này đã đồng ý cho PNA quản trị vùng Bờ Tây sông Jordan và giải Gaza – nằm hai bên lãnh thổ Israel – cho tới bây giờ. Chính quyền Palestine PNA vẫn do đảng Fatah kiểm soát, nhưng họ đã bị đảng Hamas đánh bại trong cuộc bỏ phiếu ở Gaza từ năm 2007.

Nói với các nhà ủng hộ tài chánh, ông Biden cảnh cáo hành động ném bom liên tục trong giải Gaza khiến dư luận thế giới ủng hộ Israel đang giảm dần, sau khi quân Hamas đột kích giết 1.200 người Israel và bắt cóc hơn 200 người vào ngày 7 tháng Mười. Theo bộ Y tế Gaza, bom đạn Israel đã giết hơn 18.000 thường dân, trong khi binh sĩ Israel thiệt mạng dưới 100 người. Chính phủ Mỹ bị nhiều nước phản đối khi phủ quyết một quyết nghị của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu ngưng bắn. Để gỡ lại thể diện, ông Biden đã yêu cầu ông Netanyahu giảm cường độ các cuộc dội bom và hết sức tránh không giết oan thường dân.

Xung khắc quan trọng nhất giữa Benjamin Netanyahu và Joe Biden là tương lai Dải Gaza, sau khi cuộc chiến chấm dứt. Chính phủ Mỹ không chấp nhận quân đội Israel sẽ chiếm đóng Dải Gaza và muốn Chính quyền Palestine (PNA) sẽ đảm nhiệm việc cai trị. Thủ tướng Israel công khai bác bỏ: “Tôi không muốn lặp lại sai lầm của thỏa ước Oslo!” Ông nói rõ: “Dải Gaza sẽ không thuộc quyền Hamas, cũng không thuộc đảng Fatah!”

Khi công khai lên tiếng yêu cầu thủ tướng Israel thay đổi, ông Joe Biden đã bỏ qua một thực tế là quyền lực của ông Benjamin Netanyahu không còn như năm ngoái nữa.

Quyền chỉ huy quân sự hiện nằm trong tay năm vị tướng lãnh, trong đó quan trọng nhất là Benny Gantz và Gadi Eisenkot, hai lãnh tụ đảng đối lập, được mời tham gia chính phủ sau ngày 7 tháng Mười để tỏ tình đoàn kết quốc gia. Những vị tướng này quyết định khi nào bắt đầu tấn công, họ chọn từng bước chiến lược, đánh bom hay dùng bộ binh, ở nơi nào, trong bao lâu. Họ quyết định thời gian ngưng bắn để chuộc một số con tin. Bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant cùng đảng với Netanyahu nhưng xung khắc. Tháng Ba vừa qua ông thủ tướng đã tính cách chức Gallant, bị phản đối nên phải bỏ.

Ông Netanyahu cũng bất lực không điều khiển được các bộ trưởng trong chính phủ liên hiệp của mình. Bà bộ trưởng Bộ Tình báo, dù không có quyền nào đối với các cơ quan tình báo, đã tuyên bố phải trục xuất tất cả dân chúng Dải Gaza (hơn hai triệu) sang sống bên Egypt (Ai Cập). Các chính phủ Mỹ và Egypt cực lực phản đối. Một bộ trưởng khác, phụ trách về di sản văn hóa quốc gia, đã lên tiếng đề nghị dùng bom nguyên tử đánh quân Hamas. Cả hai lần, ông thủ tướng phải cải chính rằng đó chỉ là những ý kiến cá nhân. Trên nguyên tắc, nước Israel không bao giờ công nhận họ đã có bom nguyên tử.

Vì cần đủ số phiếu trong quốc hội, ông Netanyahu phải liên hiệp với một số đảng cực hữu, một số do các giáo sĩ bảo thủ cầm đầu. Họ muốn nước Israel phải rộng lớn, tương xứng với lãnh thổ của tổ tiên người Do Thái đã được Thượng Đế ban cho, theo kinh Cựu Ước. Chính họ khuyến khích người gốc Do Thái lập những trại định cư mới trong vùng Tây Ngạn, có khi tấn công, chiếm đất của người Á Rập. Giống như Dải Gaza, đây là vùng đất bị quân Israel chiếm cứ từ năm 1967, sau khi đánh bại quân các nước Á Rập. Theo luật pháp quốc tế, quân thắng trận không được phép di dân nước mình tới vùng đất bị chiếm đóng.

Các đảng mang màu sắc tôn giáo trong chính phủ Netanyahu được nắm bộ tài chánh và ngân sách, họ tặng rất nhiều tiền cho các “trường đạo” chỉ chú ý đến việc dạy giáo lý. Họ cấp tiền cho những người đi chiếm đất lập trại định cư. Bộ trưởng An ninh Ben-Gvir, thuộc một đảng cực hữu, cấp giấy phép mang súng dễ dàng cho những người này. Các đảng cực hữu sẽ không bao giờ chấp nhận có một quốc gia Palestine!

Uy tín của ông Netanyahu đã xuống rất thấp, vì bị coi là chịu trách nhiệm không ngăn chặn được cuộc tàn sát ngày 7 tháng 10. Ba phần tư dân chúng muốn ông từ chức ngay, hoặc sau khi chiến tranh chấm dứt. Ông cố trốn trách nhiệm, lên tiếng đổ lỗi cho quân đội và tình báo Israel thất bại không biết trước cuộc khủng bố của quân Hamas. Không một người lãnh đạo nào lại chỉ trích quân đội nước mình khi đang lâm chiến! Netanyahu đã xin lỗi nhưng quá muộn.

Tổng thống Mỹ đã công khai kêu gọi chính phủ Israel phải thay đổi đường lối; nhưng ông Biden cũng biết rằng Thủ tướng Netanyahu không đủ quyền quyết định.

Đối với Chính quyền Quốc gia Palestine (PNA), ông Biden còn nêu một đề nghị thiếu thực tế hơn nữa. Người cầm đầu PNA hiện nay là ông Mahmoud Abbas, 88 tuổi, chỉ cai trị một trong 2 triệu người Palestine ở Tây Ngạn, số còn lại do quân Israel kiểm soát. Đảng Fatah của Abbas đã thua phiếu đảng Hamas tại Gaza năm 2007. Sau đó, ông vẫn trả lương cho các công chức và cảnh sát cũ sống ở Gaza mặc dù Hamas đã sa thải.

Ông Abbas bị dân Palestine trong cả hai vùng bất tín nhiệm, vì cầm đầu một guồng máy công chức bị mang tiếng là tham nhũng và bất lực. Chính quyền PNA không có quân đội; chỉ có một lực lượng cảnh sát 30.000 người, lương không đủ sống nên nhiều người tự ý nghỉ không đi làm. Có 160.000 người Palestine ở Tây Ngạn làm việc trong nước Israel hay các làng định cư của người Do Thái, mang lại nguồn lợi $370 triệu đô la mỗi tháng, theo báo Economist. Sau ngày 7 tháng 10, những người này bị cho nghỉ hết.

Theo thỏa ước Oslo, sở quan thuế của PNA do Israel phụ trách, họ đánh thuế trên hàng nhập cảng rồi chuyển giao. Khi chiến tranh ở giải Gaza bắt đầu, bộ tài chánh Israel ngưng chuyển tiền, ngân sách PNA bị khiếm hụt 80 %. Viện trợ của các nước Á Rập thường góp 30 % vào ngân sách PNA, hiện xuống chỉ còn dưới 1 %. Chính quyền Abbas đang xin vương quốc Qatar cấp cho $900 triệu đô la để sống trong 6 tháng. Nhưng Qatar và các nước Á Rập dầu lửa giàu có còn do dự. Họ lo sẽ tạo ra một tiền lệ giúp Israel viện cớ để từ nay không đóng góp tiền nuôi chính quyền PNA nữa!

Tổng thống Joe Biden đưa ra một đề nghị không tưởng, trao cả Dải Gaza với vùng Tây Ngạn – phân cách vì nước Israel nằm chắn giữa – cho PNA cai quản. Trước hết, vì đa số dân Palestine không ưng thuận, mà ông Abbas cũng không dám nhận. Trong mười năm vừa qua, nhiều lần chính phủ Egypt, được chính quyền Hamas đồng ý, đã đề nghị Abbas cử một vài bộ trưởng qua làm việc ở Gaza, Abbas vẫn lắc đầu. Ông cũng từ chối không gửi lính đến gác biên giới giữa Gaza và Egypt.

Mười năm trước, cũng như sau này, Mahmoud Abbas biết gánh thêm hơn 2 triệu dân ở Gaza không lợi lộc gì cả. Đó là một vùng đất nghèo, kinh tế khó phát triển vì bị Israel phong tỏa bốn mặt. Chưa kể, sau cuộc chiến này, dân Gaza sẽ căm thù quân đội Israel hơn và sẽ không ngừng tổ chức khủng bố hoặc nổi dậy.

Chắc chắn ông Joe Biden biết rõ cả nội tình Israel rối ren, cũng như khả năng của Chính quyền Palestine yếu kém. Tại sao ông vẫn lên tiếng yêu cầu ông Netanyahu phải thi hành các giải pháp của Mỹ? Tại sao ông vẫn đề nghị chính quyền Abbas đứng ra cai trị cả hai vùng Tây Ngạn và Gaza?

Có lẽ vì ông không biết cách nào khác để nói. Tình trạng vùng đất này quá rắc rối, phức tạp, với quá nhiều quyền lợi chồng chéo, kình chống nhau. Người đứng ngoài chỉ có thể nêu lên những giải pháp lâu dài, như công nhận cả hai quốc gia Israel và Palestine. Nhưng muốn thực hiện điều này, chắc phải qua mấy đời tổng thống Mỹ nữa.

NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 16.12.2023)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn