Hy vọng vào 'quyền lực mềm' ở APEC cuả TQ tiêu tan ( Obama đắc tội với Lịch sử vì quá " nể " TQ )

Thứ Hai, 19 Tháng Mười Một 20186:52 SA(Xem: 5306)
Hy vọng vào 'quyền lực mềm' ở APEC cuả TQ tiêu tan ( Obama đắc tội với Lịch sử vì quá " nể " TQ )

Khi lãnh đạo Mỹ và Nga đều vắng mặt tại APEC, nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn không thành công trong việc thúc đẩy quyền lực mềm của Bắc Kinh tại diễn đàn kinh tế khu vực.

Trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bước đến hội nghị cấp cao APEC ở Papua New Guinea ngày 17/11, dấu ấn của cường quốc châu Á đã hiển hiện rõ.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã rót hơn 1,3 tỷ USD vốn phát triển cơ sở hạ tầng cho các đảo quốc Thái Bình Dương. Riêng nước chủ nhà Papua New Guinea vay khoảng 590 triệu USD. Cùng với chuyến thăm của ông Tập, Bắc Kinh tiếp tục hứa hẹn sẽ dành ra 4 tỷ USD giúp nước chủ nhà xây dựng mạng lưới quốc lộ đầu tiên.

Dù đưa ra những khoản vay đầy hào phóng, nhà lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng vẫn phải rời Papua New Guinea với sự bực bội và thất vọng trong cuộc chơi quyền lực mềm tại khu vực, theo CNN.

Những điểm trừ về hình ảnh

Những bất đồng về thương mại từ Trung Quốc được cho là nguyên nhân khiến nước chủ nhà Papua New Guinea, lần đầu tiên trong lịch sử 25 năm hoạt động của APEC, kết thúc hội nghị cấp cao mà không có tuyên bố chung. 

Phái đoàn Bắc Kinh còn thêm bẽ bàng sau thông tin 4 quan chức tìm cách xông vào văn phòng Ngoại trưởng Papua New Guinea Rimbink Pato để tác động lên dự thảo tuyên bố chung. Ông Vương Tiểu Long, Vụ trưởng Các vấn đề Kinh tế Quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, sau đó phải lên tiếng phủ nhận vụ lùm xùm, bảo vệ thể diện của phái đoàn ngoại giao.

Hy vong bat thanh cua TQ nham thuc day 'quyen luc mem' o APEC hinh anh 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị cấp cao APEC ở Papua New Guinea. Ảnh: Reuters.

“Chúng tôi có quan hệ ổn định và thân thiết với các đồng nghiệp Papua New Guinea. Các bên luôn trao đổi sát sao và thường thống nhất quan điểm cả về quy trình lẫn nội dung chương trình nghị sự”, ông Vương khẳng định.

Ông cũng cố xoa dịu nước chủ nhà, nói phía Trung Quốc "ngưỡng mộ" Papua New Guinea với vai trò chủ tịch và gửi lời chúc mừng các đồng nghiệp "đã tổ chức kỳ APEC thành công”.

Vụ lùm xùm ngày 18/11 không phải là điểm trừ duy nhất về mặt hình ảnh của Trung Quốc tại APEC 2018.

Trước thềm hội nghị cấp cao, các quan chức ngoại giao Trung Quốc đã gây thất vọng khi ngăn hàng loạt hãng tin quốc tế tham dự diễn đàn kinh tế giữa ông Tập và lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương ngày 16/11. Chỉ những báo đài của nước này được phép tham gia đưa tin sự kiện. Phía Trung Quốc viện lý do không gian hạn chế và yêu cầu an ninh.

Cách tổ chức này khiến giới quan sát tiếp tục đặt dấu hỏi về mức độ minh bạch của Bắc Kinh trong nỗ lực thắt chặt quan hệ với khu vực. Các nhân tố ảnh hưởng truyền thống ở khu vực như Australia, New Zealand và Mỹ cũng có thêm lý do để dò xét sự hiện diện của Trung Quốc với con mắt hoài nghi, theo Reuters.

“Quyết định đó khiến Trung Quốc có vẻ đang mua ảnh hưởng chứ không phải xây dựng quan hệ”, Jonathan Pryke, chuyên gia Viện Lowy của Australia, đánh giá.

Đối trọng từ Mỹ và đồng minh

Kỳ APEC sóng gió của Trung Quốc không dừng lại ở những lùm xùm về ngoại giao. Gã khổng lồ châu Á còn vấp phải sự đối đầu công khai từ Mỹ cùng đồng minh ngay tại diễn đàn quốc tế.

Đầu tháng 11, trong một động thái được đánh giá là nhằm đối trọng Trung Quốc trên sân nhà, Australia tuyên bố dành ra gần 2,2 tỷ USD thúc đẩy đầu tư phát triển các đảo quốc Thái Bình Dương. Đến ngày 17/11, nước này tiếp tục cùng Mỹ và Nhật Bản ra tuyên bố chung hợp tác ba bên, bắt đầu xác định những dự án cơ sở hạ tầng cần hỗ trợ tài chính.

Mỹ - Australia - Nhật Bản nhấn mạnh sẽ tuân thủ đúng theo “các chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế về phát triển như minh bạch, cởi mở, tài khóa bền vững”. Bộ ba cường quốc khẳng định cách tiếp cận này “vừa đáp ứng nhu cầu của khu vực, vừa tránh tạo gánh nặng nợ thiếu bền vững cho các nước”.

Hy vong bat thanh cua TQ nham thuc day 'quyen luc mem' o APEC hinh anh 2
Bài diễn văn của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence được xếp ngay sau phần phát biểu của ông Tập Cận Bình ngày 17/11. Ảnh: Getty.

Bài phát biểu của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 17/11 còn khiêu khích Trung Quốc nhiều hơn.

Dù diễn văn dài 25 phút của ông không một lần nhắc đến sáng kiến "Vành đai, Con đường", phó tổng thống Mỹ vẫn bóng gió mỉa mai mô hình cho vay phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh Mỹ đưa ra “lựa chọn tốt hơn” cho khu vực, cam kết “không dìm đối tác trong biển nợ”, không ép buộc đối tác phải “thỏa hiệp chủ quyền”.

Bên cạnh đó, Mỹ và đồng minh còn cho thấy họ sẵn sàng đối trọng sức ảnh hưởng từ Trung Quốc về quân sự. Phát biểu tại APEC, ông Mike Pence tuyên bố Mỹ sẽ cùng Australia và Papua New Guinea nâng cấp, thiết lập một căn cứ hải quân chung trên đảo Manus.

“Chúng tôi sẽ cùng nhau bảo vệ chủ quyền và những quyền lợi hàng hải trong khu vực các đảo quốc Thái Bình Dương”, ông nói.

Thất bại quyền lực mềm

Đảo Manus là ví dụ sống động về sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ trong nỗ lực tăng ảnh hưởng khu vực. Hồi tháng 8, The Australian từng đưa tin chính Trung Quốc là bên có khả năng thắng thầu dự án nâng cấp cảng tại đây.

Hòn đảo là một trong những căn cứ quan trọng nhất của hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương vào Thế chiến thứ II. Cơ sở quân sự trên đảo Manus mang đến những giá trị chiến lược rất lớn vì đây là cảng nước sâu, đủ năng lực tiếp nhận tàu sân bay và hàng trăm tàu chiến.

Hy vong bat thanh cua TQ nham thuc day 'quyen luc mem' o APEC hinh anh 3
Tàu đổ bộ USS Greenbay của Mỹ diễn tập ngoài khơi thủ đô Papua New Guinea ngày 15/11 trong thời gian hỗ trợ đảm bảo an ninh APEC 2018. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Nhiều chuyên gia nhận định Manus có thể trở thành phòng tuyến thứ 2 của Mỹ trong trường hợp sức mạnh hải quân Trung Quốc vượt khỏi “chuỗi đảo thứ 1” (các đảo và quần đảo nằm gần Trung Quốc gồm Kuril, Nhật Bản, Đài Loan, Bắc Philippines, đảo Borneo và bán đảo Malay).

Thông báo về dự án nâng cấp căn cứ hải quân Manus không khác gì một lời cảnh báo gián tiếp gửi đến Trung Quốc giữa diễn đàn kinh tế quan trọng hàng đầu khu vực.

APEC đã không trở thành thời khắc Trung Quốc khẳng định vị thế siêu cường và “quyền lực mềm” của mình ở Nam Thái Bình Dương. Ông Tập cũng không chiếm trọn được ánh hào quang như kỳ vọng.

Thay vào đó, ông phải tìm cách bảo vệ các chính sách thương mại quốc gia, phản bác những nhận định rằng "Vành đai, Con đường" ẩn chứa động cơ địa chính trị hay quân sự, trấn an đối tác và thế giới Bắc Kinh không có ý định “gài bẫy nợ” hay mua sức ảnh hưởng.

Đáp lại bàn tay hào phóng của Trung Quốc giờ đây không chỉ có sự hoan nghênh. Những diễn biến vừa qua tại APEC cho thấy nhiều nước trong khu vực đã bắt đầu lo ngại và phản đối tham vọng tạo ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn