Việt Nam: ‘Nước chiến trường’ trên bàn cờ Biển Đông

Thứ Bảy, 25 Tháng Mười Một 20171:00 SA(Xem: 5573)
Việt Nam: ‘Nước chiến trường’ trên bàn cờ Biển Đông

Tác giả: Ngô Di Lân

Nói đến nước Mỹ, người ta sẽ lập tức nghĩ đến các bang lớn và nổi tiếng như California, Texas hay New York. Thế nhưng về mặt chính trị, đây không phải là những bang chủ chốt. Bằng chứng là số tiền các ứng viên tổng thống rót cho các chiến dịch tranh cử ở những bang lớn này thường thấp hơn nhiều so với số tiền được đổ vào những “bang chiến trường” (battleground state) như Michigan, Ohio, Pennsylvania, v.v… Trong khi đa số các bang còn lại gần như luôn luôn bỏ phiếu ủng hộ một đảng duy nhất thì những bang chiến trường có thể nghiêng về bất kỳ bên nào và do đó cả hai đảng buộc phải cạnh tranh quyết liệt tại những bang này để giành chiến thắng.

Xét trên phương diện này, chính trị quốc tế không khác chính trị Mỹ là bao. Ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới đều có những quốc gia quan trọng hơn và các quốc gia kém quan trọng hơn. Tương tự, ở đâu cũng có những nước nằm chặt trong bán cầu ảnh hưởng của một cường quốc nhất định và có những nước có thể ngả về bất kỳ bên nào tùy thuộc vào hoàn cảnh.

Ở khu vực Biển Đông hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước chiến trường có vai trò đặc biệt quan trọng nhờ vị trí địa-chính trị trung tâm và mối quan hệ đặc biệt với cả hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc. Do đó, Việt Nam có thể tận dụng vị thế đặc biệt của mình hiện nay để mặc cả với cả hai siêu cường trong vấn đề Biển Đông, song điều này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro mà các nhà làm chính sách Việt Nam sẽ phải lường trước để chuẩn bị kế sách ứng phó.

Việt Nam trên bàn cờ Biển Đông

Không phải tình cờ mà Việt Nam trở thành tâm điểm của khu vực Đông Nam Á trong gần như suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngoại trừ Trung Quốc thì Việt Nam là nước duy nhất vừa nằm trên lục địa Á Châu, vừa có phần lãnh thổ trải dài, gần như bao quanh trọn một cạnh của Biển Đông. Trong khu vực Đông Nam Á chỉ có duy nhất Việt Nam vừa có chung biên giới trên đất liền với Trung Quốc, vừa có phần lãnh thổ tiếp giáp với Biển Đông. Thế nên xét về mặt địa lý, Việt Nam có vị trí vô cùng thuận lợi để tiếp cận với Biển Đông và các đảo, đá đang có tranh chấp.

Bên cạnh đó, tuy Việt Nam là một nước nhỏ nhưng lại là nước đông dân thứ ba trong khu vực (chỉ sau Indonesia và Philippines). Quân đội Việt Nam nổi tiếng thiện chiến và là nước duy nhất từng đánh bại nhiều cường quốc khác nhau qua các thời kỳ. Hiện nay, Việt Nam đang sở hữu một trong những nền kinh tế năng động bậc nhất ở khu vực Châu Á và nền chính trị Việt Nam cũng hết sức ổn định.

Về mặt ý thức hệ, Việt Nam gần gũi hơn với Trung Quốc so với những nước như Mỹ, Nhật Bản, v.v… Tuy nhiên về mặt an ninh, sự song trùng lợi ích lại lớn hơn giữa Việt Nam và Mỹ cũng như một số quốc gia láng giềng khác. Hơn nữa, từ trước đến giờ chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn nhấn mạnh tính độc lập, thể hiện qua nguyên tắc đối ngoại – quốc phòng “ba không”. Vì vậy, không có lý do gì để bất kỳ ai nghĩ rằng Việt Nam “thuộc” về bất kỳ cường quốc nào. Tùy vào tình thế cụ thể, Việt Nam có thể là lực lượng trấn giữ con đường nam tiến của Trung Quốc, là tiền đồn cho bất kể thể lực nào muốn kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc, mà cũng có thể là một nước láng giềng hữu nghị và là một vùng đệm để Trung Quốc ngăn chặn sự tiếp cận của các thế lực thù địch.

Nhà địa chính trị nổi tiếng Halford MacKinder từng viết rằng “Ai kiểm soát được Vùng đất trung tâm, sẽ chỉ huy được đảo-thế giới; ai kiểm soát được đảo-thế giới, sẽ chi phối được cả thế giới”. Ngày nay, chúng ta có thể đưa ra nhận định rằng “Ai kiểm soát được Việt Nam, sẽ chỉ huy được Biển Đông; ai kiểm soát được Biển Đông sẽ chi phối được khu vực Châu Á”. Vì lẽ đó, chừng nào Mỹ-Trung còn cạnh tranh quyền lực ở Biển Đông thì cả hai còn phải coi trọng mối quan hệ của mình với Việt Nam. Đây chính là con át chủ bài của Việt Nam vào lúc này.

Hàm ý đối với chính sách đối ngoại Việt Nam

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ diễn ra căng thẳng, các nhà lãnh đạo Việt Nam khi đó đã khéo léo khai thác mâu thuẫn Trung-Xô, tránh nghiêng quá về bên nào nhưng cũng không hoàn toàn trung lập, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cả hai. Lúc này hơn bao giờ hết, với vị thế là một nước chiến trường, Việt Nam nên tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại “đu dây” giữa hai siêu cường Mỹ-Trung thay vì liên minh với một bên để chống lại bên còn lại. Lý do bởi một khi chúng ta chọn gắn mình với một siêu cường duy nhất thì chúng ta sẽ đánh mất vị thế của mình và không còn sức mặc cả với cả hai siêu cường nữa. Điều này rất có thể sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia khi hai siêu cường đạt được thỏa thuận với nhau hay một bên rút về và không tiếp tục can dự vào khu vực Châu Á nữa.

Mặt khác, để bảo toàn được vị thế này Việt Nam luôn phải để ngỏ khả năng sẵn sàng nghiêng về một bên nếu bị đẩy vào đường cùng. Nếu như chúng ta tuyên bố rằng Việt Nam sẽ kiên trì theo đuổi chính sách “ba không” dù bất kỳ chuyện gì xảy ra thì rất có thể sẽ gửi đi tín hiệu sai lệch đến các nước láng giềng và khiến một số nước hành xử hung hăng hơn. Các cường quốc sẽ hành xử một cách có kiềm chế đối với Việt Nam ngày nào họ còn tin rằng chúng ta có thể sẽ bắt tay với một bên khác để chống lại họ.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng vị thế then chốt của Việt Nam chỉ được đảm bảo ngày nào Mỹ-Trung còn cạnh tranh ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Nếu như Mỹ-Trung mặc cả thành công như khi Nixon đến Trung Quốc hay Mỹ không thể tiếp tục duy trì sự hiện chính trị – quân sự của mình ở khu vực này thì Việt Nam rất có thể sẽ lâm nguy.

Chính vì vậy, một trong những mục tiêu đối ngoại lớn trong thời gian trước mắt là duy trì được sự quan tâm của chính quyền Trump đối với khu vực Biển Đông. Trong chuyến thăm tới Việt Nam mới đây, Tổng thống Trump đã nói với Chủ tịch nước Trần Đại Quang rằng Mỹ sẵn sàng đóng vai trò “trung gian hòa giải” trong tranh chấp Biển Đông. Việc Mỹ đóng vai trò trung gian hòa giải không đảm bảo sẽ mang lại kết quả có lợi cho Việt Nam nhưng Trump luôn tự hào rằng mình là một nhà đàm phán “thượng thặng”, việc Việt Nam bật đèn xanh đối với mong muốn trở thành nhà trung gian hòa giải của Trump rất có thể sẽ duy trì được sự quan tâm của vị tổng thống Mỹ đối với khu vực này và giảm thiểu rủi ro Mỹ rút lui khỏi Châu Á hoặc dùng Việt Nam làm con bài để mặc cả với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên.

Ngô Di Lân là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chủ Nhật, 05 Tháng Mười Một 20177:00 SA
Thức ăn đường phố phong phú đã giúp người dân Triều Tiên tồn tại trong nhiều thập kỷ qua nhưng lại khiến các quốc gia khác khó thấy được tác động của các l
Chủ Nhật, 05 Tháng Mười Một 20172:00 SA
Sau một tuần hội họp với những hoạt cảnh quen thuộc mà cứ mỗi 5 năm người ta lại thấy một lần, Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 19
Thứ Bảy, 04 Tháng Mười Một 201712:35 CH
(HNPD) Muốn tìm hiểu kỹ lưỡng, sâu xa hơn, tất nhiên là chúng ta phải tìm đọc những cuốn sách đáng tin cậy về chuyện này…
Thứ Bảy, 04 Tháng Mười Một 20179:00 SA
Chính sách ngoại giao với Malaysia của ông Trump là một bài học tuyệt vời cho chính sách đối ngoại của nước Mỹ mà Nhà Trắng đã rất cần trong hơn một thập niên qua
Thứ Sáu, 03 Tháng Mười Một 201711:53 SA
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông không chắc nhà ngoại giao cao cấp nhất của ông, Rex Tillerson, sẽ tiếp tục giữ chức vụ này đến hết nhiệm kỳ
Thứ Sáu, 03 Tháng Mười Một 20178:00 SA
Sự im lặng của tổng thống Mỹ trước hành động xâm lấn của Trung Quốc củng cố sự tái sa ngã của ASEAN
Thứ Sáu, 03 Tháng Mười Một 20177:05 SA
« Cuộc tấn công hôm thứ Ba (31/10/2017) nhắc lại rằng sự sụp đổ của « quốc gia Hồi Giáo califa » tại Irak và Syria vẫn không phá vỡ được chiến dịch
Thứ Sáu, 03 Tháng Mười Một 20176:00 SA
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần này bắt đầu một chuyến công du châu Á dài 12 ngày (03/11-14/11/2017). Một chuyến đi đầy khó khăn
Thứ Sáu, 03 Tháng Mười Một 20173:48 SA
Một cựu quan chức cấp cao của Triều Tiên cho biết một vụ tấn công quân sự phủ đầu của Mỹ vào Triều Tiên sẽ kích hoạt một cuộc trả đũa tự động,
Thứ Năm, 02 Tháng Mười Một 20174:51 SA
Ngay sau khi Trung Quốc đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng, Việt Nam đã cử đặc phái viên sang Bắc Kinh tìm hiểu “tinh thần” của tư tưởng này