Navalny đột tử: “Chuông nguyện hồn ai”?

Chủ Nhật, 25 Tháng Hai 20244:00 SA(Xem: 626)
Navalny đột tử: “Chuông nguyện hồn ai”?
rfa.org

Navalny đột tử: “Chuông nguyện hồn ai”?

Bình luận của Blogger Trần Hiếu Chân

Alexei Navalny đột tử, giới đấu tranh dân chủ cho Việt Nam có suy tư “Chuông nguyện hồn ai”? Rồi liên tưởng, ở xứ ta ai còn, ai mất? Nhìn tấm gương nghĩa liệt từ Cụ Lê Đình Kình đến Trần Huỳnh Duy Thức hay Phạm Đoan Trang… liệu chính quyền Hà Nội có nhẹ tay với những người dám phê bình chế độ?

_____________________

Lấy tài sản của Putin viện trợ Ukraine

Một bộ phận người Nga và phần lớn công dân ở các nước dân chủ văn minh đều tôn vinh Navalny như một anh hùng. Còn Putin và bè đảng gọi Navalny là tội phạm. Trước khi qua đời đột ngột vào ngày 16/02/2024 tại nhà tù khét tiếng IK-3 ở Kharp, khu tự trị Yamalo-Nenets, miền bắc nước Nga, vào tuổi 47, Alexei Navalny được cho là “khắc tinh” của Putin vì nhiều lẽ. France 24 điểm lại sự nghiệp đấu tranh của nhà luật sư dũng cảm dám trực tiếp thách thức chính quyền Nga của Putin. Vợ và hai con của Alexei Navalny hiện đang sống ở Đức. Yulia Navalnaya cho biết bà sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu của người chồng đã hy sinh vì một “nước Nga tự do” và kêu gọi những người ủng hộ hãy phản đối Putin, với sự giận dữ hơn bao giờ hết. Danh tiếng của vị luật sư theo Chính Thống giáo không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, theo số lần ông bị bắt, bị đầu độc và bị cầm tù. Do cách làm việc và những tiết lộ động trời của ông về hệ thống tham nhũng của Putin, truyền thông phương Tây đặt biệt danh cho Navalny là “Julian Assange của Nga”, hàm ý nói đến nhà sáng lập trang WikiLeaks (1).

Kết thúc Hội nghị An Ninh Munich lần thứ 60 từ 16 – 18/2, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố, 27 quốc gia EU sẽ sớm đồng ý về loạt trừng phạt thứ 13 đối với Putin và các đồng đảng. Các quan chức EU nói rằng điều này sẽ xảy ra nay mai. Bà Baerbock: “Chúng tôi chứng kiến Tổng thống Nga đã dùng vũ lực tàn bạo để đàn áp những công dân của mình xuống đường biểu tình đòi tự do hoặc viết về điều đó trên báo chí. Chúng tôi sẽ đề xuất các biện pháp trừng phạt mới sau cái chết của ông Alexey Navalny”. Nước Đức kêu gọi, ngay lập tức nước Mỹ trả lời. Hôm 20/2, Tổng thống Joe Biden tuyên bố, Hoa Kỳ sẽ công bố một gói chế tài lớn chống lại Nga vào ngày 23/2 liên quan đến cái chết của Navalny. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết, các chế tài mới nhất đối với nước Nga sẽ nhắm vào một loạt hạng mục, bao gồm các cơ sở công nghiệp và quốc phòng của nước này, cùng với các nguồn thu cho nền kinh tế. Phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết gói này sẽ “bắt Nga phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra với ông Navalny” (2).

Với cú đột tử của Navalny cũng như với các cuộc tấn công của Nga trên phạm vi toàn bộ chiến tuyến Ukraine, trang mạng “Foreign Policy in Fokus”, một think-tank ở Mỹ bình luận rằng, việc đánh giá thấp chủ nghĩa Putin là rất nguy hiểm. Một số chính trị gia phương Tây và thậm chí cả những người theo chủ nghĩa đối lập ở Nga như Navalny, trước đây nghĩ rằng Putin sẽ không hành động như một tên mafia trắng trợn bằng cách giết chết đối thủ của mình ngay lập tức. Nhưng từ ngày chiếc máy bay chở cựu lãnh đạo Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin bị phá hủy. Và bây giờ là cái chết của Alexei Navalny, mục tiêu xâm lược rộng hơn của Putin đã chuyển sang phạm vi tương tự như của Adolf Hitler hay Vladimir Lenin. Nước Nga đế quốc của Putin muốn thôn tính châu Âu hay, nói như những người ủng hộ chủ nghĩa sô-vanh của ông, “để mở rộng nước Nga từ biển này sang biển khác”. Tầm nhìn này không có điểm chung nào với nước Nga xinh đẹp của Navalny (3).

(4) Kevin Cook thì có cái “tuýt” táo bạo hơn, khi đề nghị ngoài việc bày tỏ lòng thương tiếc đối với Navalny, chính phủ các nước trên thế giới phải tìm cách tịch thu tài sản chìm nổi của Putin để viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine (5).

Vô luân, vô pháp giống hệt nhau

Khi Alexei Navalny đột tử, trong giới đấu tranh dân chủ Việt Nam có nhiều người suy tư: “Chuông nguyện hồn ai”? Chúng ta cúi đầu trước những con người đáng kính, dù là Nga hay Việt, hay bất cứ công dân của nước nào khác. Một thủ lĩnh tinh thần của Đồng Tâm như Cụ Kình không thể nào tìm kiếm công lý và công bằng trên một đất nước đầy rẫy những oan sai dành cho số phận người dân thấp cổ bé miệng. Cụ Kình đã chọn cuộc chiến cuối với thái độ rất rõ ràng và quyết liệt. Bốn năm đã trôi qua, Tết vừa rồi ở Hà Nội vẫn còn nhiều người nhắc lại hình ảnh Cụ Kình, bị bắn gãy rời chân trái, đầu be bét máu do bị trúng đạn ở tim. Cụ ra đi đúng 3 giờ sáng ngày 9/1/2020, nhằm ngày rằm tháng Chạp gần giáp Tết Kỷ Hợi, ngay tại nhà riêng. Ai có thể biện minh cho hành động huy động ba ngàn công an, quân đội xông vào nhà dân, đánh giết họ như “đánh úp kẻ thù” vào lúc 3 giờ sáng? Và sự vô pháp vô luân vẫn còn đấy: Bà quả phụ Dư Thị Thành cho biết cho đến nay, chính quyền không làm giấy khai tử cho Cụ Kình, vì Công an vẫn ép Cụ bà phải ký giấy xác nhận Cụ ông bị chết ở cánh đồng Sênh, chứ không phải tại tư gia (6).

Rồi chúng ta liên tưởng đến những người còn, kẻ mất khác nữa? Trước Cụ Kình khá lâu từng có Trần Huỳnh Duy Thức, một một kỹ sư tin học, một doanh nhân thành đạt. Ông đã cùng với Lê Công Định, Nguyễn Sĩ Bình hợp tác viết sách “Con đường nước Việt”. Một nhân cách coi trọng danh dự hơn tính mạng; dù bị kết án 16 năm tù nhưng Trần Huỳnh Duy Thức vẫn từ chối nhận tội để đổi lấy lệnh đặc xá và định cư đi nước ngoài (7). Mỗi năm Giáng Sinh về hay Tết đến, xã hội dân sự trong nước vẫn tìm mọi cách có thể để thắp sáng lên những ngọn nến trước những làn gió độc của chế độ toàn trị, gieo trồng và giữ niềm tin vào tương lai của xứ sở, nơi các giá trị tự do – dân chủ – nhân quyền vẫn lấp lánh bởi những Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy và nhiều anh chị em khác đang trong chốn ngục tù. Bàn tay sắt của chế độ công an trị của Hà Nội đối với xã hội dân sự ở Việt Nam có “nương nhẹ hơn” so với chế độ độc tài của Putin ở Nga?

Tuy nhiên, theo nhà báo Nguyễn Hùng viết trên VOA ngày 22/2/2024, trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam dường như theo gương Nga và mạnh tay hơn với các tổ chức xã hội dân sự khiến nhiều tổ chức phi chính phủ đã buộc phải đóng cửa. Và Nguyễn Hùng đưa ra dự báo, “kinh tế Việt Nam có khá lên, nhưng tự do báo chí của đất nước ‘con Rồng cháu Tiên này hiện xếp thứ 178/180 theo Phóng viên Không Biên giới, kém cả Iran và Myanmar, chỉ trên được Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Việt Nam đặt mục tiêu sẽ trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2050 nhưng nếu điều đó thành sự thật mà tự do tư tưởng vẫn nằm trong nhóm 10 nước kém cỏi nhất thì e rằng quê hương sẽ nhan nhản trọc phú (8). Người viết hoàn toàn chia sẻ với nhà báo Nguyễn Hùng và xin nhắc lại ở đây Tuyên bố của Human Rights Watch đòi trả tự do cho 160 tù nhân chính trị ở Việt Nam! HRW kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác quốc tế cần gây sức ép để chấm dứt tình trạng đàn áp một cách có hệ thống nhằm vào những người lên tiếng phê phán ôn hòa. Hãy sát cánh cùng chúng tôi kêu gọi phóng thích ngay lập tức tất cả những người đang bị giam, giữ vì thực thi các quyền con người của mình một cách ôn hòa (9).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn