Ông Prabowo nắm chắc vị trí tổng thống trong tay

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Prabowo được hơn 57% phiếu số bầu trong vòng kiểm phiếu sơ bộ của cuộc bầu cử ngày 14/2

Ông Prabowo Subianto được hơn 57% phiếu số bầu trong vòng kiểm phiếu sơ bộ của cuộc bầu cử ngày 14/2, đang trên đường trở thành tổng thống kế tiếp của Indonesia.

Ông Prabowo từng khiến người dân Indonesia khiếp sợ, nhưng giờ lại là hình mẫu đáng yêu của giới trẻ, những người không biết tới quá khứ “đẫm máu” của ông.

"Tuy lớn tuổi hơn rất nhiều, nhưng ông ấy có thể hòa nhập với thế hệ chúng tôi," Albert Joshua, 25 tuổi, một người ủng hộ ông Prabowo, nói.

Nổi tiếng với tính khí nóng nảy và thất thường, nếu Prabowo trở thành tổng thống của nền dân chủ có dân số lớn thứ ba thế giới, những chính sách của ông là vô cùng khó lường.

Tuổi thơ ở nước ngoài

Ông Subianto sinh năm 1951 trong một gia đình quyền lực bậc nhất ở Indonesia. Ông là người con thứ ba trong bốn người con.

Cha ông, ông Sumitro Djojohadikusumo, là một chính trị gia có tầm ảnh hưởng và là bộ trưởng dưới thời cả hai tổng thống Sukarno và ông Suharto.

Cha của Prabowo ban đầu làm việc cho Sukarno – người lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc khỏi Hà Lan và sau đó trở thành tổng thống đầu tiên của Indonesia.

Tuy nhiên, sau đó ông Sumitro buộc phải lưu vong do chống lại thủ lĩnh của mình.

Vì vậy, ông Prabowo đã trải qua phần lớn thời thơ ấu ở nước ngoài và nói được tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Hà Lan.

Năm 1967, gia đình ông trở về Indonesia vào lúc tướng Suharto lên nắm quyền sau khi đàn áp cuộc đảo chính cánh tả.

Ông Prabowo đăng ký vào Học viện Quân sự Indonesia năm 1970, tốt nghiệp năm 1974.

Bàn tay ‘đẫm máu’

Năm 1976, ông Prabowo gia nhập lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ Kopassus của Indonesia và chỉ huy một nhóm hoạt động ở khu vực ngày nay là Timor-Leste.

Các nhóm nhân quyền cáo buộc rằng Prabowo có liên quan đến một loạt vi phạm nhân quyền ở Timor-Leste vào những năm 1980 và 1990, khi Indonesia chiếm đóng quốc gia này.

Điển hình là vụ thảm sát Santa Cruz năm 1991 khi quân đội Indonesia nổ súng vào những người biểu tình không vũ trang ủng hộ nền độc lập – hơn 200 người đã chết và hơn 400 người bị thương.

Ông Prabowo đã phủ nhận những cáo buộc này.

Các cuộc biểu tình của sinh viên năm 1998 góp phần lật đổ chế độ độc tài của ông Suharto

Nguồn hình ảnh, BBC/ Jonathan Head

Chụp lại hình ảnh,

Các cuộc biểu tình của sinh viên năm 1998 góp phần lật đổ chế độ độc tài của ông Suharto

Sau đó đã có thêm nhiều cáo buộc vi phạm nhân quyền và khiến ông Prabowo phải rời quân ngũ.

Năm 1998, ông bị thải ngũ sau khi binh lính Kopassus bắt cóc và tra tấn các đối thủ chính trị của tổng thống tại nhiệm Suharto – cha vợ ông Prabowo lúc đó.

Khó khăn kinh tế, đàn áp chính trị và những nỗ lực của Suharto nhằm giúp con trai ông ta kế vị đã gây ra tình trạng bất ổn xã hội lan rộng.

Cũng vào năm 1998, có 22 nhà hoạt động bị bắt cóc, 13 người hiện vẫn đang mất tích. Một vài lính của ông Prabowo đã bị xét xử và kết án liên quan đến các vụ bắt cóc trên, nhưng bản thân ông thì chưa bao giờ phải hầu tòa.

Năm 2014, ông nói với đài Al Jazeera rằng ông đã ra lệnh bắt cóc họ nhưng chỉ làm theo lệnh của cấp trên.

Hướng tới ghế tổng thống

Tổng thống đương nhiệm Widodo về phe ủng hộ ông Prabowo

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống đương nhiệm Widodo về phe ủng hộ ông Prabowo

Hiện tại, ông Prabowo đang hướng tới vị trí kế nhiệm Tổng thống Joko Widodo (còn được gọi là Jokowi).

Ở tuổi 72, ông không còn vững vàng như xưa và thường xuyên tỏ vẻ mệt mỏi trong các hoạt động tranh cử.

Ông Prabowo đã chính thức tranh cử vị trí tổng thống ba lần – năm 2014, năm 2019 và năm nay. Hai lần đầu ông đều thất bại trước tổng thống đương nhiệm Joko Widodo.

Theo hiến pháp Indonesia, mỗi vị tổng thống chỉ được tại nhiệm hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ kéo dài năm năm.

Đảng Dân chủ Đấu tranh, đảng lớn nhất của Indonesia, là lực lượng ở Quốc hội hậu thuẫn cho ông Jokowi trong suốt 10 năm ông nắm quyền, đã bị sốc khi ông Jokowi chuyển sang sát cánh cùng ông Prabowo vào năm ngoái.

Con trai Tổng thống Jokowi, ông Gibran Rakabuming Raka, là ứng cử viên phó tổng thống của ông Prabowo. Có thể ông Jokowi muốn đây là một bước chuyển tiếp để con trai của ông tiến tới ghế tổng thống trong tương lai.

Một tòa án hiến pháp, nơi anh trai của ông Widodo giữ chức chánh án, đã mở đường một cách đầy tranh cãi cho Gibran, 36 tuổi, tranh cử phó tổng thống dù ông chưa đủ tuổi theo luật pháp Indonesia.

Đắc cử nhờ Tiktok?

Hóa thân của ông Prabowo (bên trái) và ông Gibran (bên phải) tràn ngập khắp Indonesia.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hóa thân của ông Prabowo (bên trái) và ông Gibran (bên phải) tràn ngập khắp Indonesia.

Theo kết quả sơ bộ, vị cựu tư lệnh quân đội với quá khứ đáng sợ đã giành được hơn 57% số phiếu trong cuộc bầu cử hôm 14/2.

Tuy số liệu chính thức chưa được công bố, nhưng trong quá khứ, các kết quả kiểm phiếu sơ bộ đã cho thấy sự chính xác cao. Khả năng ông Prabowo chiến thắng và làm tổng thống là gần như chắc chắn.

Sự thành công này được cho rằng đến từ sự biến hình ngoạn mục của ông Prabowo – từ vị chỉ huy bị cáo buộc vi phạm nhân quyền thành một “ông nội” dễ thương được chế ảnh meme.

Chiến dịch tranh cử của ông Prabowo được đánh giá là tập trung vào thế hệ những người không có ký ức về thời kì “đen tối” của ông dưới trướng Suharto.

Mạng xã hội là trở thành công cụ chính trong hoạt động tiếp cận cử tri của ông Prabowo. Thế hệ Millennial và Gen Z chiếm hơn một nửa trong số 205 triệu cử tri Indonesia đủ điều kiện bầu cử, họ cũng chiếm phần lớn trong 167 triệu người Indonesia sử dụng mạng xã hội.

Diễu hành ủng hộ ông Prabowo

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Theo dữ liệu của Meta, tài khoản Facebook cá nhân của ông Prabowo cùng các tài khoản liên kết chính thức đã chi 140.000 USD (3,4 tỉ VND) cho quảng cáo trong ba tháng qua.

Giờ đây, nhiều người cuồng nhiệt đã đặt cho ông biệt danh "gemoy” đầy âu yếm.

Còn họ tự gọi mình là "biệt đội gemoy".

Một vài sinh viên tham gia diễu hành ủng hộ ông Prabowo nói với phóng viên Jonathan Head của BBC rằng họ cảm thấy thông điệp của ông phù hợp hơn với giới trẻ.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi chính sách nào hấp dẫn nhất, những sinh viên trả lời một cách không chắc chắn.

Họ chỉ thích giọng điệu cũng như cách truyền tải thông điệp của chiến dịch và cảm thấy rằng bất cứ ai được ông Jokowi hậu thuẫn đều là người tốt.

Một cử tri khác, hiện sống ở Đức, ủng hộ ông Prabowo lên nắm quyền, cho rằng “Indonesia rất cần một cá nhân mạnh mẽ.”

Từ thù thành bạn

Ông Gibran (bên trái) là con trai cả của tổng thống đương nhiệm Widodo

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Gibran (bên trái) là con trai cả của tổng thống đương nhiệm Widodo

Ông Budiman Sujatmiko, phát ngôn viên của ông Prabowo, từng có một quá khứ rất khác.

Ông từng vào tù 13 năm do chống lại tổng thống Suharto, cựu lãnh đạo và cha vợ của ông Prabowo.

Cuối những năm 1990, phóng viên Jonathan Head đã tường thuật về phiên tòa của ông Budiman, nơi ông đã dành nhiều giờ đồng hồ lên án sự đàn áp của chính phủ Indonesia.

Giờ đây, vị chỉ huy quân sự thất sủng và nhà hoạt động nhiệt huyết khi xưa nay đã đứng cùng một phe trong cuộc bầu cử.

"Thời kỳ những năm 1990, thách thức của chúng tôi [Indonesia] là chế độ độc tài. Chúng tôi cần dân chủ. Giờ đây, thách thức chủ yếu là lạc hậu và bất bình đẳng," ông Budiman nói trong văn phòng tranh cử trước thềm bầu cử.

"Con người thay đổi sau 25 năm, tôi cũng vậy," ông Budiman nói. "Hai chúng tôi trở nên giống nhau hơn."

Ông Budiman không phải là trường hợp cá biệt. Sáu trong số chín người sống sót sau vụ bắt cóc năm 1998 đã làm việc cho ông Prabowo hoặc ủng hộ việc ông đắc cử tổng thống.

Lý do của họ tương tự với ông Budiman.

Ông Budiman Sujatmiko bên ngoài nhà tù năm 1998 (ảnh bên trái) và trong văn phòng chiến dịch tranh cử
Chụp lại hình ảnh,

Ông Budiman Sujatmiko bên ngoài nhà tù năm 1998 (ảnh bên trái) và trong văn phòng chiến dịch tranh cử

Năm 2019, kết quả chiến thắng bầu cử tổng thống của ông Widodo bị thách thức bởi đối thủ cạnh tranh khi đó – ông Prabowo.

Tuy nhiên, tại đỉnh điểm của sự cạnh tranh gay gắt, hai người đã xóa bỏ bất đồng một cách êm ái.

Ông Jokowi đề nghị ông Prabowo làm bộ trưởng quốc phòng. Vị trí quyền lực này buộc Mỹ phải bãi bỏ lệnh cấm thị thực đã áp đặt lên ông Prabowo do những cáo buộc vi phạm nhân quyền của ông.

Hiện tại đang có nhiều câu hỏi xoay quanh tương lai của mối quan hệ này nếu ông Prabowo đắc cử vị trí tổng thống.

Vẫn rất khó lường

Ông Prabowo hứa sẽ mang lại thêm sự ổn định và phát triển kinh tế mà Tổng thống đương nhiệm Jokowi đã thúc đẩy trong thập kỷ cầm quyền.

Tổng thống Widodo đã tận dụng trữ lượng kẽm, than, dầu và khí đốt dồi dào của Indonesia để dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đi qua một thập kỷ tăng trưởng và hiện đại hóa nhanh chóng, giúp mở rộng đáng kể mạng lưới đường bộ và đường sắt.

Việc này bao gồm cả dự án trị giá 30 tỷ đô la Mỹ để xây dựng thủ đô mới có tên là Nusantara.

Một báo cáo từ liên minh các tổ chức phi chính phủ cho biết gia đình ông Prabowo hưởng lợi từ dự án Nusantara, nhờ vào các lợi ích về đất đai và khai thác mỏ mà gia đình ông nắm giữ ở Đông Kalimantan - địa điểm của thành phố mới.

Một thành viên trong gia đình đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc trong báo cáo.

Điều khiến nhiều người lo lắng là sự trở lại của một "Prabowo cũ" - nóng nảy và thất thường.

Hình ảnh ông Prabowo ở Đông Timor những năm 1970

Nguồn hình ảnh, Prabowo Subianto/FB

Chụp lại hình ảnh,

Hình ảnh ông Prabowo ở Đông Timor những năm 1970

Tính cách của Prabowo trái ngược hoàn toàn với Tổng thống đương nhiệm Jokowi.

Trong khi tổng thống nổi tiếng là người có giọng nói nhẹ nhàng và tinh thần hòa giải thì ông Prabowo lại nổi tiếng với sự gay gắt và chuyển biến khó lường trong tính cách.

Theo Tiến sĩ Eve Warburton, Giám đốc Viện Indonesia thuộc Đại học Quốc gia Australia, một số bài phát biểu gần đây của ông Prabowo có những dấu hiệu cho thấy điều đó.

"Không ai biết Prabowo sẽ điều hành đất nước như thế nào," bà nói.

"Ông ấy có thể là một tổng thống ‘không can thiệp’, chủ yếu quan tâm đến uy tín, chức vụ và các nghi lễ hơn là trọng trách điều hành. Hầu hết những người hiểu rõ ông đều nhấn mạnh tới cá tính khó đoán của ông ấy. Tính cách này không bao giờ tốt trong quản trị.”

Ông Andreas Harsono từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá: “Sự bốc đồng và bản năng của ông ấy là của một người bài ngoại, một nhà lãnh đạo độc tài. Tôi e rằng con người và tính cách ông ấy không hề thay đổi.”

Nếu có điều gì đó khiến ông Prabowo, vốn đã 72 tuổi với sức khỏe không ổn đinh, mất khả năng điều hành, người còn thiếu kinh nghiệm là ông Gibran sẽ kế nhiệm và có thể phải trông cậy vào sự giúp đỡ từ cha mình.