Toà Bạch Ốc có đang 'viết lại lịch sử' ?

Thứ Năm, 26 Tháng Bảy 20186:23 SA(Xem: 7721)
Toà Bạch Ốc có đang 'viết lại lịch sử' ?
bbc.com
Jon Sopel Biên tập viên Bắc Mỹ

trump Bản quyền hình ảnh Getty Images

Đây là bài bình luận của phóng viên Jon Sopel, phóng viên chuyên về mảng tin Bắc Mỹ của BBC.

Đã đến lúc chúng ta buộc phải ngồi xuống và bàn về sự thật và minh bạch.

Tôi không muốn bài bình luận này của tôi trông có vẻ ngây ngô. Tôi đã viết về chính trị đủ lâu để biết chính trị gia sẽ luôn tìm cách bóp méo sự thật, biến chúng thành vũ khí để phục vụ tốt nhất cho lợi ích của họ.

Và tôi cũng biết chính trị gia chỉ yêu thích sự minh bạch khi nó có lợi cho bản thân họ.


Nhưng trong hai tuần qua, một ranh giới đã bị vượt qua.

Hãy để tôi bắt đầu với một sự kiện có vẻ rất nhỏ.

Ông Donald Trump và bà Theresa May tại cuộc họp báo hôm 13/7 Bản quyền hình ảnh AFP/GEtty Images
Image caption Ông Donald Trump và bà Theresa May tại cuộc họp báo hôm 13/7

Hôm 13 Tháng Bảy, tôi đã có mặt tại cuộc họp báo giữa Tổng thống Donald trump và Thủ tướng Anh Theresa May ở vườn Chequers khi ông Trump bàn về Brexit.

Và đột nhiên, vị tổng thống Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố rằng ông đã dự báo được trước kết quả của cuộc trưng cầu dân ý Brexit hồi 2016 khi ông ở sân gôn ở Turnberry, Scotland một ngày trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hôm 23/6.Tôi ngồi bật dậy. Vì chính tôi đã có mặt ở đó, cạnh ông Trump trong chuyến đi đến Turnberry hồi tháng Sáu, 2016.

Thực tế, một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý, chúng tôi mới đến Turnberry.

Ông Trump đã không ở đó hôm 22/6, ông chỉ mới đến Scotland hôm 24/6.

Tôi chỉ ra điều này trên Twitter, nói rằng điều này có chút gì đó quái lạ.

trump Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Ông Trump tại Turnberry, Scotland hôm 25/6.

Tôi biết câu chuyện ông Trump kể sẽ hấp dẫn hơn nếu ông có thể tuyên bố rằng ông là một người có tầm nhìn, một người có thể tiên đoán trước chuyện gì có thể xảy ra. Tôi cũng biết rằng với một người ở độ tuổi 72 thì đôi khi chuyện quên đây quên đó cũng là bình thường. Ai chẳng có lúc đãng trí như thế? - mặc dù có lẽ khó có thể mà nhầm lẫn với một sự kiện quan trọng như thế.

Dù sao thì, hãy quay lại trở lại với dòng tweet của tôi, khi tôi nói rằng ngài tổng thống đã không chính xác.

Ngay lập tức tôi nhận được phản hồi từ Stephanie Grisham, giám đốc truyền thông của Phu nhân Tổng thống, và cũng chính là người đại diện báo chí cho ông Trump trong chuyến đi đến Turnberry.

Grisham nhắn lại với tôi trên Twitter rằng tổng thống có quyền nói những gì ông đã nói và cô có những bức ảnh để chứng minh điều đó.

Tôi phải chỉ trích xuất lại một dòng tweet của ông Trump vào ngày 24/6 nói rằng "Vừa đến Scotland ...".

Một người khác cũng tìm thấy tờ khai chuyến bay, xác nhận rằng phi cơ phản lực của ông Trump đã đến Scotland hôm 24 tháng Sáu.

Tôi hoàn toàn đồng ý đây là một chuyện bé xé ra to (a storm in a teacup).

Việc này không nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến hòa bình thế giới.

Nhưng tôi đã cố gắng để hiểu động cơ của Steph (Grisham). Tại sao cô ấy lại vội vã đi bào chữa cho một lời nói dối? Và tại sao khi có bằng chứng cho thấy cô ấy đã sai, thì cô ấy không thể nói được một câu: "được rồi - lỗi của tôi".

Tâm lý học có một từ tuyệt vời để mô tả động thái này - gaslighting.

Theo định nghĩa của Wikipedia: Gaslighting là một hình thức bạo hành tâm lý, trong đó kẻ bạo hành liên tục phủ nhận, bóp méo sự thật, nói dối, đánh lạc hướng, và tạo sự mâu thuẫn khiến nạn nhân lo lắng, bối rối và nghi ngờ về chính trí nhớ, nhận thức và óc phán đoán của họ.

Từ Chequers đến Helsinki, một cuộc hội nghị bất thường khác lại diễn ra, nhưng lần này với Vladimir Putin.

Cuộc họp báo hôm 16/7 ở Helsikin, Phần Lan Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Cuộc họp báo hôm 16/7 ở Helsikin, Phần Lan

Toàn bộ cuộc hội thượng đỉnh này đã khá là khác thường, càng khác thường hơn khi anh chàng ngồi bên cạnh tôi bị Mật vụ lôi ra khỏi sau khi bị lộ ra rằng anh ta đang lên kế hoạch biểu tình phản đối tại cuộc họp báo.

Và trong phần trả lời phỏng vấn với báo giới, Jeff Mason của Reuters đã được gọi để đặt một câu hỏi. Mason hỏi, có phải ông Putin đã muốn ông Donald Trump thắng cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và đã chỉ đạo một quan chức Nga nào đó để giúp ông Trump đắc cử không?

Không hề do dự, Vladimir Putin nói: "Đúng vậy, tôi đã làm thế. Bởi vì ông [Trump] nói muốn đưa mối quan hệ Mỹ-Nga trở lại bình thường."

Đó là một khoảnh khắc ấn tượng.

Nhưng sau đó tôi lại thấy một dòng tweet mà ông Donald Trump viết ngày hôm qua để chứng minh rằng ông rất cứng rắn với Nga:

"Tôi rất lo lắng Nga sẽ tìm cách để gây ảnh hưởng vào cuộc bầu cử [Quốc Hội] sắp tới. Dựa trên thực tế là không một Tổng thống nào gặp khó khăn với Nga hơn tôi, họ sẽ rất nỗ lực để giúp đỡ cho đảng Dân chủ. Họ chắc chắn là không muốn Trump!"

Vì vậy tôi đã kiểm lại những gì ông Putin đã nói ở Helsinki một tuần trước đó.

Nhưng cũng kể từ đây, mọi thứ trở nên rất mờ ám. Tất cả các bản sao chép lại nội dung cuộc đối đáp giữa Mason và ông Putin đã hoàn toàn bị xóa khỏi bản ghi chép chính thức của Nhà Trắng về cuộc họp báo. Trong hồ sơ chính thức, cuộc hội thoại đó không tồn tại.

Đây có phải chỉ là một lỗi sao chép văn thư? Cũng có thể, vì đã có một số nhầm lẫn việc phiên dịch bản chi ghép, nhưng có lẽ sửa lại cho chính xác và đầy đủ tài liệu là một điều tốt.

Và bây giờ là một sự kiện ngẫu nhiên khác xảy ra ngày hôm qua.

Nhà Trắng công bố là sẽ ngừng cung cấp thông tin về các cuộc gặp tương lai của tổng thống và các nhà lãnh đạo khác, mặc dù Nhà Trắng đã luôn làm điều này từ trước đến nay.

Ghi chép rõ các đoạn hội thoại là một công cụ hữu ích để biết được những điểm ưu tiên trong chính sách đối ngoại của các chính khách.

Và nó rất hữu ích để đối chiếu và so sánh với những gì Điện Krelim đã ghi chép về cuộc gặp, so với những gì Nhà Trắng đã viết.

Người biểu tình phản đối ông Trump khi ông có chuyến thăm bốn ngày đến Anh Quốc hôm 14/7 Bản quyền hình ảnh AFP/Getty Images
Image caption Người biểu tình phản đối ông Trump khi ông có chuyến thăm bốn ngày đến Anh Quốc hôm 14/7

Giờ thì chúng ta không thể làm điều đó được nữa.

Và một điều cuối cùng mà tôi cũng phải nói, đó là một câu phát biểu vô cùng đáng nhớ của ông Trump tại một cuộc tuần hành tranh cử ở thành phố Kansas.

Nhất là khi câu nói này nghe như thể nó được trích dẫn thẳng ra từ cuốn tiểu thuyết phản không tưởng (dystopia) '1984' của George Orwell:

"Hãy nhớ rằng, những gì quý vị thấy và những gì quý vị đọc không phải là những gì đã xảy ra," ông Trump nói.

Hoặc có thể nó chính là cái đã xảy ra. Chỉ là đã có một số tổ chức - hoặc đôi khi là một nỗ lực có hệ thống để khiến bạn phải nghĩ điều ngược lại.

Hãy quên những gì được gọi là "sự thật thay thế" (alternative facts) đi. Đây chính là việc lại lịch sử.

Jon Sopel là một phóng viên mảng chính trị cho BBC từ 1983. Ông từng là phóng viên chính phụ trách mảng chính trị cho BBC News 24, và là một người dẫn chương trình Politics Show trên BBC One và BBC News Channel. Giờ Sopel hiện đang là biên tập viên phụ trách vùng Bắc Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Bảy, 28 Tháng Bảy 201811:00 SA