Ai thấu hiểu "nỗi buồn" của Bí thư Triệu Tài Vinh?

Thứ Bảy, 28 Tháng Bảy 20186:00 SA(Xem: 6152)
Ai thấu hiểu "nỗi buồn" của Bí thư Triệu Tài Vinh?
trieu_tai_vinh_vnn
Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Hà Giang. Ảnh: VietNamNet

Trong thời gian qua, báo chí đề cập nhiều về câu chuyện cả nhà Bí thư tỉnh làm quan, việc này không chỉ gây bão dư luận ở xứ sở sương mù Hà Giang mà trên cả nước. Cụ thể, ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, có vợ Bà Phạm Thị Hà - Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, em trai Triệu Tài Phong - Bí thư Huyện ủy huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, em trai Triệu Sơn An - Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, em trai Triệu Tài Tân - Phó phòng Hành chính Viễn thông tỉnh Hà Giang và em gái Triệu Thị Giang - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hà Giang. Ngoài ra còn có em rể Mạc Văn Cường - Phó trưởng Công an thành phố Hà Giang, anh họ Triệu Là Pham - Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang, em họ Triệu Thị Tình - Phó giám đốc phụ trách Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Hà Giang.

Trước những sự việc cụ thể trên, vị Bí thư này thẳng thắn thừa nhận, thông tin báo chí phản ánh là chính xác, nhưng ông cũng không quên khẳng định rằng, việc bổ nhiệm các chức vụ nêu trên đều tuân thủ đúng quy định của Đảng, nhà nước. (Bổ nhiệm không đúng nhưng khi bị phê phán thì quay trở lại lại bảo “làm đúng quy trình”. Câu nói “làm đúng quy trình” là câu muôn thuở để biện bạch cho những sai lầm của chúng ta trong công tác cán bộ - GS. Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Pháp luật- Kinh tế ASEAN (theo dân trí).

Vâng, tất cả mọi việc bổ nhiệm điều đúng luật, đúng quy trình, đúng quy hoạch, ông không làm gì sai, ngay cả Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận việc bổ nhiệm cán bộ của tỉnh là đúng quy trình. Vậy tại sao thiên hạ lại bàn tán làm ông phải tâm tư, đáng ra phải hiểu và thông cảm cho ông. Chẳng phải ông đã nói, ông có bao giờ thích làm lãnh đạo đâu, tại.... và ông cũng không vui khi người thân bị ép làm lãnh đạo. Hơn thế nữa nhiều lần ông đã ngăn cản việc bổ nhiệm người nhà nhưng bất thành vì "lực" của một Bí thư tỉnh có hạn. Đấy, tuy là Bí thư một tỉnh nhưng khi cấp dưới của ông (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang) đưa ra đề nghị, trình bổ nhiệm vợ ông là bà Phan Thị Hà làm phó giám đốc sở này, vợ chồng ông phải đến tận nhà vị giám đốc này… xin không nhận nhiệm vụ. Đến năm 2013, vợ ông lại “bị trình lên”, đúng vào thời điểm khó khăn về nhân sự nên đành phải nhận. (Theo báo người lao động 17/09/2016 ). Làm quan như ông thiên hạ được mấy người?

Mặc dù những lời phân trần của ông không ai tin, nhưng ông cũng phải nói, phải thanh minh cho đỡ ức vì đất nước này thiếu gì những trường hợp như gia đình ông, có khi còn hơn. Chỉ có điều ông càng thanh minh thì càng "lố".

Phải nói thêm, gia đình Bí thư Vinh gốc gác không phải là tầm thường, cha ông là Triệu Đức Thanh - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Điều đó cho thấy rằng, con đường quan lộ của anh em họ Triệu có sự ảnh hưởng nhất định của người cha và ông Vinh là sự kế thừa đó. Ví dụ ông Triệu Tài Phong, năm 2007 là phó Giám đốc đài truyền hình, năm 2011 làm phó chủ tịch huyện, năm 2012, làm chủ tịch huyện, năm 2014 làm bí thư huyện, nếu không phải là em đương kim Bí thư tỉnh, con của nguyên Chủ tịch tỉnh thì liệu có lên chức nhanh như vậy không?

Sử sách cứ viết rằng, chế độ Ngô Đình Diệm là chế độ gia đình trị (nghiên cứu kỷ thì không hẳn là vậy), nhưng nếu so với trường hợp của gia đình ông Vình thì chẳng là gì - cha làm lãnh đạo, con làm lãnh đạo, anh em họ hàng cũng được chọn làm lãnh đạo. Có thể nói đây là hình mẫu chế độ "họ trị" thời hiện đại.

Phải thừa nhận rằng, chủ nghĩa gia đình trị đang trở lại và là một đặc trưng của chế độ xã hội này - thời đại rực rở. Nó xảy ra mọi cấp, mọi ngành và trong mọi lĩnh vực. Điều đó cho thấy đó không phải là một trường hợp riêng lẽ mà là hiện trượng khá phổ biến. Ví dụ như, chuyện cả họ làm quan ở Mỹ Đức (Hà Nội), Phổ Yên (Thái Nguyên), An Dương (Hải Phòng), chuyện một xã có có 12 người họ hàng làm quan ở Hạ Sơn (Quỳ Hợp, Nghệ An). Hay như chuyện ở Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam có 15 người trong gia đình - họ hàng cùng làm việc, trong đó có tới 11 người giữ chức vụ.

Về khách quan mà nói, việc cả nhà, cả họ điều làm quan chẳng có gì là xấu, mà đó còn là vinh dự cho một gia đình, dòng họ. Nhưng ở một chế độ độc tài, không dân chủ, không minh bạch, luật pháp không được thượng tôn, trong khi chủ nghĩa lý lịch lên ngôi thì lấy gì bảo đảm chọn và bổ nhiệm đúng người, đúng việc.

Đạo làm quan, người xưa răn rằng: "Tài hèn, đức mọn, quyền cao là đại họa". Nên xét nghĩ, việc bổ nhiệm quan chức không dựa trên thực tài mà dựa vào quan hệ thân quyến, gia tộc thì dễ phát sinh nguy cơ thao túng quyền lực và vụ lợi, điều chỉ gây hại cho đất nước.
Lã Yên

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Bảy, 28 Tháng Bảy 201811:00 SA