Một cảnh trong phim Muôn vị nhân gian

Nguồn hình ảnh, IFC Films

Chụp lại hình ảnh,

Một cảnh trong phim Muôn vị nhân gian

  • Tác giả, Lê Hồng Lâm
  • Vai trò, Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn

Phim Muôn vị nhân gian của đạo diễn Trần Anh Hùng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt khi được công chiếu tại Việt Nam. Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm gửi cho BBC News Tiếng Việt bài viết chia sẻ đánh giá của ông về bộ phim này.

Hơn ba thập niên trong sự nghiệp điện ảnh vang danh của mình, đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng luôn theo đuổi sự duy mĩ và đề cao ngôn ngữ điện ảnh để mang lại cảm giác cho người xem hơn là “kể chuyện”.

Muôn vị nhân gian (tiếng Anh: The Taste of Things; tiếng Pháp: La Passion de Dodin Bouffant) có lẽ là bộ phim thể hiện rõ nhất cho ngôn ngữ điện ảnh chín muồi của vị đạo diễn này, khi mượn chủ đề ẩm thực Pháp để tôn vinh niềm hoan lạc của cuộc sống và tình yêu ở ý nghĩa cao nhất của chúng: “tình chỉ đẹp khi tình là tri kỷ”.

‘Nghệ thuật là sự thật được đeo mặt nạ’

Hơn hai thập niên trước, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của tôi với đạo diễn Trần Anh Hùng tại Hà Nội sau bộ ba (trilogy) phim về chủ đề Việt Nam, anh từng nói rằng: “Tôi luôn quan niệm nghệ thuật là sự thật được đeo mặt nạ, để cảm nhận được chúng đòi hỏi phải có một sự tìm kiếm những bí ẩn đằng sau những chiếc mặt nạ đó.

Ở thời điểm ấy, Trần Anh Hùng đã có một quan điểm khá cực đoan về điện ảnh, đó là khước từ lối kể chuyện truyền thống, bởi theo anh, “một người bán đồng nát cũng kể chuyện được mà”. Việc khước từ lối kể chuyện truyền thống này với Trần Anh Hùng, đơn giản là anh không muốn điện ảnh minh họa lại văn chương hay kịch nghệ mà tìm ra sức mạnh của hình ảnh và âm thanh để mang lại những cảm giác mới cho người xem.

Cũng trong bài phỏng vấn trên, Trần Anh Hùng nói rằng: “Chọn thủ pháp làm phim đề cao ngôn ngữ điện ảnh với tôi không có gì khác ngoài mục đích tự thân khi làm điện ảnh: tìm kiếm những cảm giác mới và sung sướng được khám phá chúng. Tất nhiên, nó cũng phải đạt đến một hiệu quả thực sự về mặt nghệ thuật và tạo ra những cảm giác mới cho người xem.

Tất nhiên, để theo đuổi phong cách làm phim cực đoan này, anh cũng cho rằng đó là một con đường cực kỳ mạo hiểm vì điện ảnh rất tốn kém về mặt kinh tế, trong khi dạng phim này không chiều theo số đông.

Sau bộ ba phim Việt Nam thành công và gặt hái những giải thưởng danh giá (Mùi đu đủ xanh đoạt giải Camera d’Or cho Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Cannes 1993 và đề cử Oscar phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất năm 1994; Xích lô đoạt giải Sư tử vàng tại LHP Venice năm 1995), sự nghiệp điện ảnh của Trần Anh Hùng chật vật hơn sau đó với một vài dự án bị hủy bỏ vào phút chót hay những bộ phim thất bại về doanh thu và không đoạt thêm bất cứ một giải thưởng quốc tế nào đáng giá (I Come with the Rain - 2009, Norwegian Wood - 2010 và Eternity - 2016).

Điều này cũng minh chứng cho con đường mạo hiểm theo đuổi sự duy mĩ và cực đoan trong điện ảnh mà Trần Anh Hùng nói ở trên.

Muôn vị nhân gian cũng là một dự án điện ảnh mà Trần Anh Hùng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất do bị cắt kinh phí sản xuất xuống còn 1/3 so với số vốn đầu tư ban đầu và được quay trong thời gian rất ngắn: chỉ 25 ngày.

Thế nhưng, bất chấp những khó khăn đó, Trần Anh Hùng vẫn làm nên một bộ phim xuất sắc và giành được một giải thưởng lớn tại LHP Cannes năm 2023: Đạo diễn xuất sắc nhất. Đây là một thành tựu mà rất ít đạo diễn châu Á (hoặc gốc Á) đạt được. Trong 76 kỳ LHP Cannes, chỉ có 7 đạo diễn người châu Á giành được giải thưởng này.

Chưa bao giờ đi chệnh khỏi con đường “khước từ kể chuyện và tôn vinh ngôn ngữ điện ảnh” của mình, nhưng với Muôn vị nhân gian, tôi cảm nhận được “độ chín” của Trần Anh Hùng trong một bộ phim giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp thi vị, bay bổng của đời sống với nhiều sự chiêm nghiệm mang dấu ấn cá nhân của đạo diễn trong đó.

Đó là một bộ phim hoàn mỹ khiến ta khao khát được chiêm ngưỡng và tận hưởng, từ nghệ thuật dàn cảnh, những cú máy điệu nghệ… đến những ý tứ vừa triết lý sâu xa mà vẫn chân thành gần gũi, rằng sống trong đời này là một niềm hoan lạc. Và hãy tận hưởng sự hoan lạc ấy trong từng phút giây của đời sống này.

Nói đến hoan lạc chúng ta thường nghỉ đến chuyện giường chiếu. Nhưng xem Muôn vị nhân gian, tôi lại thấy niềm hoan lạc ấy dâng tràn trên đầu môi, đầu lưỡi, của cả những món ăn ngon và những lời tình tự của những người yêu nhau dành cho nhau.

Những món ăn được chế biến và trưng bày trong phim như một tác phẩm nghệ thuật cho những kẻ sành ăn. Và mối giao cảm của cặp nhân vật chính được hai diễn viên kỳ cựu của điện ảnh Pháp (Benoît Magimel và Juliette Binoche) diễn xuất ăn ý đến mức ta thấy được sự hòa quyện giữa hai tâm hồn tri âm tri kỷ, từ cách họ “tán tỉnh” nhau bằng những lời hoa mỹ mà vẫn chân thành và luôn vẹn nguyên sự “tương kính như tân” của thuở ban đầu.

Đạo diễn Trần Anh Hùng cùng hai diễn viên người Pháp Juliette Binoche và Benoit Magimel tham dự buổi ra mắt phim Muôn vị nhân gian

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Đạo diễn Trần Anh Hùng cùng hai diễn viên người Pháp Juliette Binoche và Benoit Magimel tham dự buổi ra mắt phim Muôn vị nhân gian tại Paris vào tháng 11/2023

Trần Anh Hùng là một đạo diễn yêu thích ẩm thực và luôn đưa những hình ảnh về ẩm thực vào trong các bộ phim của mình, nhưng với Muôn vị nhân gian, ẩm thực đã được nâng lên tầm mỹ học.

Khi đến một bữa tiệc ta phải thấy được cấu trúc của những món ăn và ý tưởng của người đầu bếp” – ông Dodin (Benoît Magimel) nói - nhất là với những bữa tiệc xa hoa của giới quý tộc Pháp đôi khi kéo dài tới… tám tiếng đồng hồ mà ông chê rằng: “có luật lệ nhưng không có trật tự, có diễu hành nhưng không có hàng lối”.

Bậc thầy của ẩm thực nước Pháp thế kỷ 19 ấy được xưng tụng là “Napoleon của giới ẩm thực”. Nghĩa là ông được ví như một kẻ chinh phục, một người khám phá giữa muôn vị nhân gian để chế biến thành mĩ vị nhân gian được hòa quyện trong những món ăn của ông và người cộng sự, nàng thơ, tình yêu lớn nhất của đời ông, nàng Eugénie (Juliette Binoche).

Có lần khi nói về năng khiếu ẩm thực của Pauline, cô bé mới hơn 10 tuổi mà chỉ ra vanh vách những thứ nguyên liệu cầu kỳ được Eugenie nấu trong món xúp, ông nói với bà rằng con bé ấy sẽ khám phá ra những món ăn tuyệt diệu. Mà với ông, “việc khám phá ra những món ăn mới mang lại nhiều hoan lạc cho nhân loại hơn là việc khám phá ra một hành tinh mới”.

Ẩm thực và văn hóa của nước Pháp, tập trung chủ yếu trong giới quý tộc tinh hoa của nước Pháp thế kỷ 19 được Trần Anh Hùng tri ân và tôn vinh một cách tinh tế, sang trọng và lịch lãm khiến ta chỉ biết chiêm ngưỡng và thán phục.

Đạo diễn phải tinh tế và tài hoa như thế nào, để làm một bộ phim về văn hóa và ẩm thực của một đất nước được xem là vua trong nền ẩm thực của thế giới mà khiến giới hàn lâm phải gật đầu. Nhưng xem bộ phim này của Trần Anh Hùng, tôi cũng thấy nhiều chất của Việt Nam trong đó. Nó ẩn hiện một chút trong căn bếp, trong chế biến món ăn và cả trong khu vườn của họ nữa.

Thế nên tôi nghĩ, cái “hương vị” Việt Nam trong anh Hùng vẫn còn nhiều lắm. Mà ẩm thực Việt Nam, chẳng phải cũng đang là một ngôi sao mới của nền ẩm thực thế giới đó sao?

Trong những lời tán dương của giới phê bình hay giới làm phim quốc tế dành cho Muôn vị nhân gian, tôi chú ý tới một bài tiểu luận ngắn của đạo diễn người Mỹ James Mangold (đạo diễn của các phim tiểu sử được đánh giá cao như Walk the Line, Ford v Ferrari và đang quay phim tiểu sử về Bob Dylan).

James Mangold viết rằng: “Phim của Trần Anh Hùng mang đến những khám phá đầy mê hoặc và mang tính điện ảnh về tình yêu, cái chết, gia đình… Nhưng anh không xem xét những chủ đề này thông qua các xung đột như những bộ phim thông thường (thông qua những gì nhân vật nói) mà mạnh mẽ hơn, thông qua sự quan sát tinh tế đến từng chi tiết và hành vi - những điều các nhân vật làm và cách họ làm những điều đó.

James Mangold cũng so sánh Trần Anh Hùng với các huyền thoại của điện ảnh thế giới như Ingmar Bergman (Thụy Điển), Robert Bresson (Anh) và Ozu (Nhật) - những bậc thầy luôn khám phá những giá trị nhân văn mới trong điện ảnh. Và ở tác phẩm mới này, “Trần Anh Hùng đã tìm thấy sự siêu việt trong những thói quen và quy trình nghiêm ngặt, được bộc lộ tinh tế qua màn trình diễn đôi tay của các diễn viên cũng như sự biểu cảm trên gương mặt của họ”.

‘Văn hóa và ký ức làm nên khẩu vị’

Từ bộ phim dài đầu tay Mùi đu đủ xanh (The Scent of Green Papaya) đến bộ phim mới nhất Muôn vị nhân gian (The Taste of Things) cách nhau đúng 30 năm và mang lại những giải thưởng danh giá, ta sẽ thấy “mùi” (scent) và “vị” (taste) luôn là hai thứ ám ảnh Trần Anh Hùng nhiều nhất.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, Hùng từng nói rằng, mùi của những trái ổi chín, đu đủ chín là những thứ đã đánh thức khứu giác của anh trong những năm ấu thơ và chúng theo anh đến khi trưởng thành. Và anh đã “điện ảnh hóa” thứ mùi của ký ức ấy qua một bộ phim đầu tay đẹp như một bài thơ.

Còn với “vị”, anh cũng trả lời rằng, khái niệm đầu tiên về cái đẹp hay vị của những món ăn đến từ căn bếp của mẹ anh. Trong Muôn vị nhân gian, khi Pauline, cô bé được xem là “thần đồng” về ẩm thực nhưng không thể cảm nhận được “vị” trong món tủy bò, Dodin đã nói rằng: “Chỉ có văn hóa và ký ức mới làm nên khẩu vị.

Như vậy, ta có thể thấy, trong hai bộ phim nổi bật nói trên, Trần Anh Hùng luôn đề cao văn hóa và ký ức. Và căn bếp, dù là một căn bếp Việt có phần đơn sơ trong Mùi đu đủ xanh hay căn bếp cầu kỳ phức tạp như trong Muôn vị nhân gian đều được Trần Anh Hùng tôn vinh qua những cú máy để đề cao giá trị văn hóa và ký ức mà anh lồng ghép trong đó.

Trả lời phỏng vấn đài RFI ngay sau khi được trao giải Đạo diễn xuất sắc tại LHP Cannes vào tháng 5 năm ngoái, Trần Anh Hùng từng nói rằng anh muốn quay cảnh làm bếp như cảnh rượt đuổi xe hơi trong phim hành động qua những cú máy dài được dàn dựng rất cầu kỳ, vì đó là cách duy nhất để lột tả được cảnh sinh hoạt trong căn nhà bếp của Dodin và Eugenie.

Với tôi, một trong những cú máy đẹp nhất của bộ phim này là cú máy ở đoạn kết với nhiều dấu ấn cá nhân của đạo diễn. Đó là một cú máy dài miên man nhưng từ tốn, chậm rãi như một điệu valse lướt nhẹ qua từng đồ vật trong căn bếp lớn được sắp đặt tinh tế như một cách để Trần Anh Hùng tri ân dành cho Yên Khê - người thiết kế bối cảnh và trang phục của bộ phim này, rồi dừng lại ở cuộc đối thoại của hai nhân vật chính, một phần được lặp lại và một phần được tiếp nối, nơi họ bày tỏ sự hạnh phúc khi được tận hưởng niềm hoan lạc trong cuộc sống này, mãi mãi, dù biết là không thể.

Bởi cuộc đời này, dù đẹp và hạnh phúc đến mấy, cũng không bao giờ có sự mãi mãi.

Và tôi muốn trích dẫn tiếp một ý của đạo diễn James Mangold khi viết về Muôn vị nhân gian để kết lại bài này: “Đây là một bộ phim nói về việc theo đuổi sự hoàn hảo - một sự theo đuổi được chia sẻ bởi cả các nhân vật và nhà làm phim - và nỗ lực cần có để đạt được mục tiêu này nhưng không được mô tả như một cuộc tra tấn mà là một nhiệm vụ thiêng liêng để chia sẻ và thể hiện một tình yêu thuần khiết.