Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 08/01/2024

Thứ Hai, 08 Tháng Giêng 20242:59 CH(Xem: 570)
Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 08/01/2024

pl_336 

1. Trên chiến trường có gì?

Theo bản tin chiến sự của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, ngày hôm qua là ngày có khá ít các cuộc chạm súng (29 cuộc) – là ít hơn khá nhiều so với các ngày trước. Chẳng hạn hướng Kupyansk, Nga tấn công 2 cuộc, Lyman 3 cuộc, Bakhmut 1 cuộc, Avdiivka 5 cuộc… Chiến trường miền Nam, hoạt động tấn công của quân Nga khá yếu.

Đặc biệt sau tin chỉ trong ngày 05/01/2024 quân Nga đã tổ chức đến 10 đợt tấn công nhằm thủ tiêu bàn đạp của Ukraine bên tả ngạn sông Dnipro ở Kherson, thì hôm qua (07/01) chúng chỉ còn tổ chức được hai đợt. Bài hôm đó ở đây.

Bình loạn : Có phải ở hướng Kupyansk quân Nga không có hoạt động tấn công mạnh như tuần trước, tuần trước nữa… là để chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công to lớn hơn? – Tôi xin gác vấn đề này lại đến cuối bài sẽ “xử lý” nó sau.

Có một bạn Facebook hỏi tôi rằng, có phải người Ukraine cho quân hoạt động trong lãnh thổ Nga hay không. Lúc đó tôi phải thú thực là không biết, vì không theo dõi việc này. Nhưng khi mò lên mạng xem có đúng hay không thì tôi xem được một video, quay Lực lượng đặc biệt Ukraine đột kích vùng Belgorod của Nga, tấn công vào một vị trí được một trung đội địch bảo vệ.

Chính xác, đoạn video này được Tình báo quân đội Ukraine công bố cho thấy hoạt động thành công của lực lượng đặc biệt “bên trong lãnh thổ đối phương” – đặt mìn và tấn công một trung đội Nga.

Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine (HUR) cho biết họ đã thực hiện cuộc đột kích ở khu vực nông thôn thuộc vùng Belgorod của Nga, gây tổn thất cho lực lượng đối phương trên lãnh thổ của họ. Trong video và có thêm thông tin bình luận của HUR, đội trinh sát đã đặt mìn “con đường duy nhất được người Nga sử dụng ở quận Grayvoron”. Ngoài ra, họ còn tấn công vào vị trí mà họ nói “là vị trí kiên cố” được một trung đội Nga bảo vệ bằng cách sử dụng súng cối và vũ khí cá nhân.

Việc đột kích vào lãnh thổ đối phương trong chiến tranh thì phải có, nhưng chắc đây là một mục tiêu gì đó quan trọng nên mới làm thế, phải không thưa quý vị?

2. Nói tiếp chuyện 3 cái Su-34 bị hạ trong một ngày 22/12/2023 ở chiến trường miền nam Ukraine.

Hôm qua tôi đã dịch tạm một bài của James Kilner trên “Telegraph,” đăng từ thứ Bảy, ngày 6 tháng 1 năm 2024 tại đây. Bài báo này có nguồn gốc từ báo cáo của Tình báo quân đội Anh nhận định rằng “việc bắn rơi 3 chiếc Su-34 ở tỉnh Kherson làm thay đổi trạng thái hành động của Nga”

Các nhà phân tích viết: “Trước đây, sức mạnh không quân chiến thuật của Nga đã đóng vai trò chủ chốt ở phía nam, đặc biệt là tấn công bàn đạp của Ukraine ở bờ đông sông Dnipro”. Đồng thời cho biết thêm rằng sau ngày 22/12, các hoạt động bay chiến đấu từ thiết bị bay có người lái của Nga “gần như ngừng hoạt động hoàn toàn.”

Tình báo Quốc phòng Anh tin rằng: “Có khả năng thực tế là việc thiếu sự hỗ trợ trên không đã góp phần khiến nỗ lực của Tập đoàn quân vũ trang hợp thành số 18 của Lực lượng mặt đất Nga nhằm thủ tiêu bàn đạp của quân Ukraine thất bại”.

Báo cáo cũng lưu ý rằng trong những ngày gần đây, Nga tăng cường các cuộc không kích chiến thuật ở khu vực đầu cầu do quân Ukraine thiết lập được bên tả ngạn sông Dnipro, nhưng “ở mức độ thấp hơn so với trước khi 3 chiếc Su-34 bị bắn hạ.” Từ đó, báo cáo này kết luận: “Điều này một lần nữa chứng tỏ rằng việc Nga không thể thiết lập ưu thế trên không như trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Phía Ukraine tiếp tục làm suy yếu các hoạt động hàng ngày của họ (không quân Nga)”.

Bình loạn : Su-34 được cho là một loại cường kích chuyên ném bom tiên tiến mà theo truyền thông xứ “phía Đông nước Lào” thì nó không có đối thủ từ phía các nước phương Tây, đặc biệt là hệ thống khí tài phòng thủ của nó. Đoạn trích này từ Wikipedia tiếng Việt: “Một trong những tính năng độc đáo của Su-34 là sự hiện diện của một radar thứ hai để quan sát bán cầu phía sau. Hệ thống này nhằm để cảnh báo kịp thời cho phi hành đoàn về các mối đe dọa và nếu cần thiết để đáp trả từng loạt tên lửa điều khiển mà tiêm kích của kẻ thù có âm mưu tấn công Su-34 ở phía sau lưng. Nhờ radar phía sau, Su-34 có thể dò sóng phát hiện, theo dõi và định hướng cho tên lửa không đối không R-73 hoặc R-77 bắn trả máy bay địch ngay cả khi máy bay địch đang ở phía sau nó.”

Trong giai đoạn 2010 – 2012 sau khi các nhược điểm của nó được khắc phục có kết quả khả quan với những phản hồi tích cực từ phi công Nga, thì vẫn có những ý kiến như thế này, từ một sĩ quan của Bộ Tư lệnh Không quân Nga: “Quân đội nhiều nước, trong đó có Quân đội GNgazia có các tổ hợp phòng không hiện đại. Thiếu Su-34, chúng ta không tránh khỏi đánh nhau như thời xưa và ném bom qua kính ngắm quang học hoặc ước lượng bằng mắt thường như hồi Chiến tranh Vệ quốc”. “Nhờ bom và tên lửa có điều khiển Su-34 có thể tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất ở cự ly 20 – 50 km, nghĩa là ngoài vùng nguy hiểm.”

Hoạt động ở khu vực biển Đen và Crimea, được cho là tương đối an toàn cho máy bay Nga, ấy vậy mà tại sao chúng lại có thể bị bắn hạ bởi – được cho là bởi hệ thống Patriot cũ kỹ hơn nhiều? Vậy hệ thống những khí tài an toàn, bảo vệ chắc chắn của loại Sukhoi này đâu rồi? Hay lại là một câu chuyện huyền thoại của Nga dựng lên được truyền thông xứ “Bão Lửa” hồ hởi tung hô?

3. Chắc là không có chuyện Gerasimov bị biến thành kiện hàng 200 rồi…

Lực lượng Không quân Ukraine “Phá hủy một trung tâm chỉ huy khác của Nga” tại căn cứ không quân Saky của Nga ở Crimea bị chiếm đóng.

Phi công Ukraine đã phá hủy điểm kiểm soát của quân đội Nga tại sân bay Saky, nằm trên bán đảo Crimea bị chiếm đóng. Ông Mykola Oleshchuk Tư lệnh Không quân Ukraine đã xác nhận cuộc tấn công thành công. “Sân bay Saky! Tất cả các mục tiêu đã bị bắn hạ!... Cảm ơn các phi công của chúng tôi đã làm việc xuất sắc!” Oleshchuk viết trên mạng xã hội. Báo cáo về những vụ việc ở Crimea lần này, đặc biệt là vụ ở khu vực xung quanh sân bay Saky xuất hiện muộn vào tối thứ Sáu, ngày 5 tháng 1 theo giờ Kyiv.

Kênh Telegram thân Ukraine “Crimean Wind” dẫn lời các nhân chứng cho biết, khoảng 10 vụ nổ đã được nghe thấy ở khu vựcYevpatoria, cùng với những vụ nổ khác được báo cáo tại khu vực  sân bay quân sự Saky ở làng Novofedorivka.

Đầu tiên, Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về bất kỳ tuyên bố nào từ phía Ukraine, chỉ thông báo rằng phòng không của họ đã bắn hạ thành công 4 tên lửa dẫn đường trên Crimea. Nhưng sau đó thì… khoảng 2 ngày tính từ tuyên bố của Ukraine, một số báo chí xứ “Phía Đông nước Lào” đưa lại về việc Ukraine phá hủy tNgang tâm chỉ huy của Nga ở Crimea, thì có một bọn “24h Truyền Hình” nào đó vội vàng đưa tin “Nga phá hủy trung tâm chỉ huy của Ukraine ở Donbass” vào lúc 14 giờ chiều ngày 07/01/2024.

Bình loạn : Tôi mà là fan hâm mộ của Putox tôi cũng đến phát chán lên với cái bọn chóp bu quân sự Nga này. Logic ở đâu nhỉ… đáng nhẽ ra nếu Ukraine là bọn trùm bịa đặt thì phải là ngược lại chứ, tức là Nga thì đưa tin trước còn Ukraine thì đưa tin sau. Với lực lượng yếu đuối ít ỏi của Ukraine thì với tốc độ tàn phá của Nga như vậy thì nhẽ ra, Ukraine phải thua từ lâu rồi. Hay Nga chỉ tiêu diệt được những mục tiêu của quân đội Ukraine còn lực lượng chính đang đánh nhau với Nga là… NATO?

Vậy tại sao lại có tin đồn Gerasimov chết trong đám loạn quân ở Crimea? Lần ngược lại các dấu vết của ông ta cũng như vụ tấn công vào Crimea hôm vừa rồi, thì các thành viên mạng xã hội bắt đầu đặt câu hỏi về tung tích của ông ta sau khi Ukraine công bố việc họ đã tấn công một sở chỉ huy quân sự của Nga gần Sevastopol và trụ sở một đơn vị quân đội khác gần Yevpatoria.

Sau đó là một tin nhắn trên Telegram của Tư lệnh Lực lượng Phòng không Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk đã gửi lời cảm ơn đến các phi công và “tất cả những người đã lên kế hoạch cho hoạt động chiến đấu hoàn hảo.”

Về phía mình, Nga tuyên bố lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 10 tên lửa dẫn đường trên bầu trời Crimea và đã ngăn chặn nỗ lực của lực lượng Ukraine nhằm thực hiện “một cuộc tấn công khủng bố”. Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ cũng đã chặn 36 máy bay không người lái của Ukraine trên bán đảo Crimea.

Sau đó, tài khoản Twitter (bây giờ là “X nhà quê”) WarVehicleTracker chuyên theo dõi các tổn thất trong cuộc chiến ở Ukraine đã chia sẻ một hình ảnh chụp lại một thông báo do kênh Telegram của Nga có hơn 34.000 người theo dõi “Ordinary Tsarism” đăng tải.

“Theo thông tin sơ bộ, Valery Gerasimov, người đang ở sở chỉ huy gần Sevastopol vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, đã thiệt mạng trong cuộc tấn công vào Crimea” – Ngay sau đó bài đăng của WarVehicleTracker đã được xem đến hơn 60.000 lần, chỉ sau thời điểm post bài một lúc ngắn ngủi, và kéo theo ít nhất hàng trăm người theo dõi kênh này bình luận đặt câu hỏi liệu Gerasimov có bị giết ở Crimea hay không.

Một người viết: “Cho đến khi Nga chứng minh được rằng Gerasimov còn sống, chúng ta nên cho rằng ông ta đã chết”. Một người khác viết: “Tôi không nín thở nhưng nếu Gerasimov bị ngỏm cùng đám sĩ quan dưới trướng ở Crimea thì đó sẽ là... chuyện lớn.”

Còn trang Wikipedia về Gerasimov nhanh chóng được bổ sung đoạn sau:

“Quân đội Ukraine tuyên bố rằng họ đã tấn công một sở chỉ huy quân sự của Nga gần Sevastopol vào ngày 4 tháng 1 năm 2024. Một kênh Telegram của Nga, “Ordinary Tsarism,” đã đăng một bài đăng có nội dung “Theo dữ liệu sơ bộ, Valery Gerasimov, người đang ở một sở chỉ huy gần Sevastopol vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, đã thiệt mạng trong vụ tấn công Crimea.” Bài viết đã bị xóa. Chính phủ Nga và Ukraine chưa xác nhận hay bác bỏ tuyên bố này.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận. Từ đó, tôi tổng hợp trên các kênh mạng xã hội và theo bài của Newsweek tại đây.

Bình loạn : Chắc là không có chuyện Gerasimov bị biến thành kiện hàng 200 rồi, vì không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy Gerasimov đã bị giết, cũng như không có bằng chứng nào cho thấy Gerasimov đang ở Crimea vào thời điểm xảy ra vụ tấn công. Như ý kiến của một thành viên mạng xã hội trên đây viết “Cho đến khi Nga chứng minh được rằng Gerasimov còn sống, chúng ta nên cho rằng ông ta đã chết” thì đây là một thái độ lạc quan thái quá. Người Việt Nam chúng ta trong số những người ủng hộ Ukraine, vừa qua cũng có một vài KOL vội vàng đưa tin này theo kiểu “như đinh đóng cột” cũng không phải là một hành động có lợi. Nhưng nhiều khi tôi lại nghĩ, họ thường xuyên làm việc đó (đưa tin giả rất nhanh, không cần kiểm chứng và sau đó cũng không cần đính chính) là một cách để tăng tương tác bất chấp suy giảm uy tín.

Đến đây, chúng ta sẽ cần đặt câu hỏi là “tại sao lại có tin ông ta bị mất mạng sau vụ tấn công?” Là Tổng tham mưu trưởng kiêm Tổng chỉ huy các lực lượng Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, ông ta buộc phải đến chiến trường. Năm ngoái ông ta đã từng đến chỉ đạo một chiến dịch nào đó và bị thương do tình báo Ukraine nắm được để tổ chức pháo kích, gần khu vực Kupyansk – Izyum.

Vụ này thì chắc chắn là không có Gerasimov trong chỗ đó rồi, nhưng cũng có khả năng cao là đang tập trung một đám sĩ quan cấp không hề thấp. Logic ở đây là ở chỗ khác, và chuyện này giúp chúng ta xác minh một sĩ quan cấp cao khác của Nga, chắc chắn là đã chết.

Như trên đây tôi đã viết, Nga không có nghĩa vụ phải chứng minh là Gerasimov còn sống thì khi có tin đồn là lão ta đã chết nhưng đúng lão ta còn sống thật – việc của Nga chỉ lần là…  mặc kệ, không bình luận gì là đủ. Nhưng nếu “đồng chí” Đô đốc Viktor Sokolov tư lệnh hạm đội Biển Đen đã bị đối phương tuyên bố là “đã long trọng từ trần” rồi mà truyền thông chính thức của quốc phòng Nga còn cố cho ông ta biểu diễn bằng cách tham gia cuộc họp trực tuyến, thì 99,99 % là ông này đã chết. Nga là người rõ nhất việc Viktor Sokolov chỉ còn là một mớ gì đó mà chỉ có thể xác minh được ông ta là ông ta bằng xét nghiệm AND. Về phần mình, người Ukraine không tuyên bố được 100 % chẳng qua là không thể xác minh được những nạn nhân của vụ tấn công vào trụ sở Hạm đội Biển Đen ngày 22/09/2023, ông nào là ông nào mà thôi.

pl_337

4. Dự án đang làm dở cũng phải xử!

“Hôm qua, lực lượng Ukraine đã phá hủy một cây cầu đường sắt đang xây dở, các bể chứa nhiên liệu và phương tiện kỹ thuật ở khu vực làng Hranitne, phía bắc Mariupol,” cố vấn của thị trưởng Mariupol, Petro Andryushchenko, cho biết.

Cũng ông Petro Andriushchenko này cho CNN biết từ hồi tháng Chín 2013, rằng người Nga “đã bắt đầu xây dựng một cây cầu đường sắt gần làng Hranitne bắc qua sông Kalmius. Nếu thành công, dự án này sẽ cho phép tuyến đường sắt Mariupol – Aslanove – Kalchyk – Volnovakha hiện tại được kết nối trực tiếp với Taganrog và Rostov trên sông Đông. Nếu tuyến đường sắt này hoàn thành sẽ cho phép Nga vận chuyển vật tư quân sự và dân sự đến vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở miền nam Ukraine mà không cần dựa vào cầu Crimea.”

Hiện nay, các tuyến đường sắt từ Volonovakha gồm có: đi về phía tây đi qua Rozovka – Melitopol đến Crimea; đi về phía bắc qua thành phố Donetsk. Trên thực tế, đây chính giải pháp toàn diện cho vấn đề hậu cần quân sự (và cả dân sự) của Nga vì nó giúp giảm thiểu sự phụ thuộc – như hiện nay là “nghiêm trọng và cơ bản” vào vận tải đường sắt qua cầu Kerch.

Hồi tháng Chín, đã có một dự án của Nga, theo đó họ sẽ xây dựng đường tuyến đường sắt kết nối với tuyến Mariupol – Aslanove – Kalchyk – Volnovakha hiện có, mà điểm kết nối là ở ngã tư giữa Mariupol và Volnovakha. Cả hai đều là thành phố tương đối lớn (cấp huyện) và là tNgang tâm đường sắt, và đều có những tầm quan trọng nhất định. Trog các hạng mục của dự án thì xây dựng một cây cầu đường sắt bắc qua sông (hay suối gì đó) Kalmius là một công trình trọng điểm.

Chiều rộng của lòng sông/suối Kalmius thay đổi từ rất nhỏ đến trung bình khoảng 60 – 80 mét và khi nước lớn, chiều rộng của vùng ngập có thể từ 150 đến 2.000 mét. Với điều kiện thời bình, lực lượng đường sắt quân sự Nga sẽ chỉ cần một đôi tháng để xây dựng cây cầu và tổng cộng 50 km đường sắt. Nhưng trong điều kiện thời chiến thì khó có thể nói là sẽ mất bao nhiêu lâu, vì bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện nó.

Việc Nga cố xây dựng tuyến đường sắt mới có thể dẫn đến một kết luận sai lầm rằng các lực lượng Ukraine cắt qua hành lang đất liền giữa Crimea và Donbas với trọng điểm ưu tiên hiện nay là thành phố Mariupol, có thể không mang lại hiệu quả chiến lược mà người Ukraine mong đợi. Đâu là câu trả lời cho vấn đề được đặt ra này? Cần phải nghiên cứu xem, tuyến đường sắt từ Taganrog đến ngã tư giữa Mariupol và Volnovakha có thể thay thế cho Kerch hay không.

Nếu xem trên bản đồ, Hranitne nơi có cây cầu đang xây dở bị phá có tọa độ, nó chỉ cách tiền tuyến chỗ Marinka vừa bị Nga chiếm 68 ki-lô-mét theo đường quạ bay, còn nếu đo đến Vuhledar hiện do Ukraine làm chủ, có 60 ki-lô-mét. Vì vậy nếu đo đến Volnovakha thì còn gần nữa, địa danh này cách Vuhledar có 30 ki-lô-mét theo đường quạ bay.

Như vậy dù có cố để xây dựng tuyến đường từ Taganrog đến tuyến đường trên và kết nối đâu đó gần Anadol thì dự án sẽ tạo ra những “túi tên lửa” hay “túi đạn pháo” như ngã ba Đồng Lộc hay đèo Mụ Giạ của chúng ta ngày xưa. Theo tôi nhớ hồi hè, có một cú tấn công từ xa của Ukraine vào Melitopol nhằm vào hệ thống kho hậu cần, và ngay sau đó Nga vội vàng trình diễn một đoạn video trên mạng có một tuyên truyền viên đi trên đoàn tàu bọc thép mang tên “Volga” chính là quay tại quãng ngã tư đường sắt giữa Mariupol và Volnovakha. Đến đây chúng ta tìm ra câu trả lời cho câu hỏi, tại sao chiến dịch phản công mùa hè của Ukraine đã dừng lại, nhưng vẫn có những nỗ lực chiếm Robotyne

pl_339

Điểm yếu nhất của hành lang Donbas – Crimea là tuyến Volnovakha – Komysh-Zorya – Polohy, là tuyến hậu cần thiết yếu thứ nhì sau tuyến qua cầu Kerch (xin xem bản đồ, các điểm trên tôi đánh dấu X màu đỏ). Polohy là đầu mối đường sắt cực kỳ quan trọng của tuyến, đáng nhẽ ra phải là điểm tập kết hàng hóa thì hay chỉ cách tiền tuyến Hulyaipole có 18 ki-lô-mét đường chim bay. Vì vậy vận tải đường sắt từ Mariupol qua Volnovakha buộc phải dừng lại tập kết hàng ở Komysh-Zorya cách tiền tuyến 45 ki-lô-mét theo đường chim bay.

Chúng ta cũng không nên quên thắng lợi của quân Ukraine ở Staromaiorske. Ở đây có một điểm tôi mong quý vị chú ý: có một “khúc cua” trên tuyến đường sắt nói trên, nó nằm đúng trên địa giới hành chính của hai tỉnh Donetsk và Zaporizhia và có tọa độ. Vì nó nằm gần làng Zachativka của tỉnh Donetsk nên chúng ta có thể tạm gọi nó là “khúc cua Zachativka”. Từ khi quân Ukraine chiếm được Staromaiorske trong chiến dịch tấn công mùa hè, thì từ chỗ họ đến “khúc cua Zachativka” chỉ còn 40 ki-lô-mét theo đường quạ bay và từ đó, chính thức “khúc cua Zachativka” trở thành “khúc cua tử thần” nếu Nga vẫn cố kéo hàng bằng đường sắt qua đây.

Như trước đây tôi đã báo cáo quý vị rằng vận tải đường sắt qua cầu Kerch sau hai lần bị “tấn công lớn” luôn luôn được phía Nga tuyên bố rằng, nó đã được phục hồi hoàn toàn. Đôi lần tôi thử lên các trang web bán vé tàu hỏa của Nga để mua vé online, chẳng hạn từ Krasnodar đi Simferopol, thì vẫn thấy bán vé bình thường… Như vậy ít nhất họ vẫn duy trì tàu khách, còn như tôi đã báo cáo về tàu hàng, thì năng lực vận tải đường sắt qua cây cầu này giảm đi rất nhiều do chạy không “full tải” được.

Với những thông tin về dự án đường sắt này của Nga, cũng như vụ phá cái cầu làm tạm đã gián tiếp khẳng định báo cáo của tôi về năng lực hiện tại của cầu Kerch là sát sự thật. Còn hiện nay, Nga đang có dự án nâng cấp tuyến đường M-14 từ Mariupol qua Berdyansk đến Melitopol thành đường cao tốc trên toàn tuyến. Trên bản đồ tôi thể hiện đường gạch nét đứt màu đỏ. Đây là một dự án khá tham vọng nhưng chỉ là đường bộ, và vì thế nó không thể thay thế được đường sắt. Do vậy, nếu Nga xây dựng một dự án đường sắt chạy sát tuyến M-14 nói trên, thì đó thực sự mới là mối nguy, còn nếu như hiện nay thì chưa tạo ra nhiều khác biệt trong chiến dịch hiện tại của Ukraine.

pl_338

5. Nói thêm về lực lượng đường sắt vũ trang Nga

Lực lượng Đường sắt của Lực lượng Vũ trang Nga (tiếng Nga: Железнодорожные войска ВС России) là một đơn vị đường sắt phục vụ trong Hỗ trợ Hậu cần của Lực lượng Vũ trang Nga, có nhiệm vụ tham gia vào việc đảm bảo năng lực phòng thủ của Nga. Lực lượng Đường sắt vũ trang thực hiện các nhiệm vụ của ngành dịch vụ đường sắt (chuẩn bị, xây dựng, tái thiết và bảo vệ các đối tượng của đường sắt). Đây là lực lượng quân sự vận tải lâu đời hạng nhất trên thế giới vì nó được thành lập vào năm 1851, khi đó là một đơn vị trong Quân đoàn công binh của Quân đội Đế quốc Nga. Ngày lễ của Lực lượng là ngày 6/8. Lực lượng này được cho là Lực lượng đường sắt vũ trang có tiềm lực mạnh nhất thế giới.

Toàn bộ Lực lượng có khoảng 40.000 nhân viên được chia thành các lữ đoàn:

- Lữ đoàn đường sắt độc lập số 5 (Abakan)

- Lữ đoàn đường sắt độc lập số 7 (Komsomolsk-on-Amur)

- Lữ đoàn đường sắt độc lập số 9 (Syzran)

- Lữ đoàn đường sắt độc lập số 29 (Bryansk)

- Lữ đoàn đường sắt độc lập số 34 (Ryazan)

- Lữ đoàn đường sắt độc lập số 37 (Nevinnomyssk, Georgiyevsk)

- Lữ đoàn đường sắt độc lập số 38 (Vologda)

- Lữ đoàn đường sắt độc lập số 39 (Krasnodar)

- Lữ đoàn đường sắt độc lập số 43 (Yekaterinburg)

- Lữ đoàn đường sắt độc lập số 48 (Omsk)

- Lữ đoàn đường sắt độc lập số 50 (Svobodny)

- Lữ đoàn đường sắt độc lập số 333 (Volgograd)

- Tiểu đoàn đường sắt cầu phao độc lập số 118 (Khabarovsk)

- Tiểu đoàn đường sắt cầu phao độc lập số 333 (Volgograd)

Từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga giao cho lực lượng này trách nhiệm trực tiếp: bảo trì đường sắt trên các lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng hoặc các nhiệm vụ liên quan.

Có một thông tin ngoài lề: hiện nay một số lượng đơn vị đáng kể trong số các đơn vị nêu trên, đã được di chuyển về Siberia để tham gia một “siêu dự án” xây dựng tuyến đường sắt thứ hai bên cạnh tuyến chính Baikal – Amur, nơi có cái hầm đường sắt Severomuysky vừa bị đánh nổ hôm trước.

Mục bình loạn tôi sẽ dành cho quý vị bình về chuyện này, sau thông tin tôi đã báo cáo quý vị rằng hầm đường sắt này bị tràn nước từ các mạch ngầm và có vẻ như – chưa có khả năng thông tàu và tàu phải giảm số toa còn 1/4 để leo cái đèo dài gấp 4 lần.

6. Nga sắp tấn công lớn ở Kupyansk! Nhận xét và đoán mò

Lại tiếp tục húng hoắng, và lần này là “Nghê Án Ti vi” giật tít: “Nóng: Nga kích hoạt “bão lửa” hủy diệt, 100.000 quân chờ lệnh sẵn sàng tấn công Kupyansk”.

Đầu tiên, tôi xin bổ sung thông tin về khả năng phục hồi và sản xuất xe tăng của Nga trong thời điểm hiện tại, từ những gì tìm hiểu được thêm.

Kể từ tháng Năm năm 2023, nhà máy Uralvagonzavod đã xây dựng được thêm dây chuyền lắp ráp mới và tăng sản lượng xe tăng T-90M lên 30–40 chiếc mỗi tháng, chứ không còn là từ 20 đến 30 chiếc mỗi tháng như trước đây nữa. Đồng thời Nga có tới 1.000 xe tăng T-72 B3 đang trong quá trình loại khỏi biên chế. Chúng được loại bỏ cảm biến tầm nhìn và gió Ngang của xạ thủ Sosna-U, được gia cố nhẹ bằng các khối ERA bổ sung (trên đỉnh tháp pháo, bên băng xích) và sẽ được đưa vào lực lượng dự bị tích cực như T-72 BM – quá trình này do yêu cầu của cuộc chiến, có thể sẽ bị dừng lại và các xe tăng đó sẽ bị ném ra mặt trận.

Hiện tại, xe tăng T-72B cũ được nâng cấp tại Uralvagonzavod lên tiêu chuẩn T-72 B3M với tốc độ 20 – 30 chiếc mỗi tháng và một số được sử dụng để chuyển thành BMPT “Terminator 2” với tốc độ lên tới 10 chiếc mỗi tháng, và Nga có khoảng 10 nghìn xe còn lại trong kho, có đến 2/3 thậm chí 3/4 số chúng không thể sửa chữa nâng cấp gì được và sẽ rã xác lấy phụ tùng và nấu chảy thép đúc xe mới.

Xe tăng T-80B cũ được nâng cấp tại Omsktransmash lên tiêu chuẩn T-80 BVM với tốc độ 10 – 20 chiếc mỗi tháng. Có trong kho khoảng 3.000 xe loại này, tình trạng tương tự T-72 trên đây.

Xe tăng T-62 cũ được nâng cấp tại nhà máy sửa chữa số 103 gần Chita lên tiêu chuẩn T-62 MV+ với tốc độ 20 – 30 chiếc mỗi tháng. Có trong kho khoảng 3.000 xe loại này, tình trạng tương tự T-72 và T-80 trên đây.

Nhìn chung là để đánh nhau tiếp, Nga không thiếu xe tăng.

Nhưng những gì đang diễn ra trên chiến trường Ukraine cho thấy, vấn đề của Nga không phải ở số lượng xe tăng mà vì chúng đang được sử dụng cực kỳ kém. Các chuyên gia quân sự nước ngoài quan sát và đánh giá những trận đánh trong năm 2023, đặc biệt là từ sau The Battle of Bakhmut đưa ra một kết luận rằng người Nga dường như không nắm bắt được yêu cầu chiến thuật binh chủng hợp thành.

Vì vậy, việc sử dụng xe tăng của Nga trên chiến trường trong thời điểm này thực sự có vấn đề. Học thuyết quân sự của Nga hiện nay vẫn phần lớn mang những nội dung cơ bản của thời Xô-viết, trong đó sử dụng những mũi tấn công mạnh, những “nắm đấm thép” chọc thủng tuyến phòng ngự của đối phương ở chỗ bất ngờ nhất. Lý thuyết binh chủng hợp thành được hoàn thiện vào cuối cuộc Chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô, sau đó được nâng lên tầm cao mới của thời khối liên minh quân sự Vác-xa-va: một quân đội lớn đầy đủ quân chủng binh chủng, có khả năng răn đe hạt nhân, số lượng xe tăng và pháo binh khổng lồ…

Nhưng những gì đang diễn ra trên chiến trường Ukraine cuối năm 2023 và cả bây giờ, cho thấy Nga không có khả năng sử dụng những nắm đấm thép như vậy nữa, mà chuyển sang sử dụng nhóm nhỏ vài chiếc xe tăng được đi kèm với quân số lớn lính bộ binh. Và cuối cùng là, xe tăng không có ích gì cho bộ binh và bộ binh cũng chẳng bảo vệ được xe tăng. Theo chiến thuật binh chủng hợp thành, bộ binh sẽ bảo vệ thiết giáp khỏi mối đe dọa từ vũ khí chống tăng cá nhân của bộ binh địch. Không đủ bộ binh nghĩa là không đủ bảo vệ nên rất nhiều xe tăng bị bộ binh đối phương tiêu diệt.

Nhưng ngay cả khi Nga có nhiều bộ binh như hiện nay, có lẽ cũng chẳng ích gì khi các sĩ quan chỉ huy của chúng xua quân vào trận đánh với lực lượng bộ binh chất lượng cực thấp. Cụ thể hơn, hầu hết các tiểu đoàn Nga lúc này đều rất yếu, chứ không phải nó rằng không có sức mạnh nữa. Khi bắt đầu đợt tấn công đầu tiên, các đơn vị bộ binh vẫn mang theo tất cả các xe chiến đấu bộ binh bọc thép của chúng, mỗi xe cần 3 tổ lái người và ngay từ đầu đã không đủ xe. Vì vậy, chỉ cần bất cứ một sự cố nào thì tiểu đoàn đã mất ít nhất một đến vài nhóm bộ binh không thể triển khai khỏi xe chiến đấu. Đến các đợt tấn công sau, tiểu đoàn có thể chỉ còn có 2 – 3 xe thay vì 6 –7 xe mà lẽ ra chúng phải có. Còn đến các đợt tấn công cuối cùng thì những tên lính bộ binh còn lại sẽ phải đi bộ.

Theo tiêu chuẩn của Điều lệnh chiến đấu của quân đội Nga, có thể sẽ phải cần 20 bộ binh đi cùng một xe tăng, nghĩa là nếu sắp tới Nga tung được vào chiến dịch 1.000 xe tăng, sẽ phải cần 20.000 tay súng và 20.000 khác làm thê đội 2. Với 1.000 xe tăng kia, Nga lại cần tối thiểu 4.000 lính xe tăng và xa trưởng, một vấn đề hoàn toàn không dễ. Cái vòng luẩn quẩn vẫn còn nguyên: Nga đã mất phần lớn binh lính có kinh nghiệm từ hồi đầu cuộc chiến, vì vậy bây giờ là thời của những lính mới tò te, không biết gì mấy về kỹ năng chiến đấu. Điều này đặc biệt có hại với việc sử dụng xe tăng trên chiến trường: tổ lái không có kinh nghiệm khiến xe tăng bị tiêu diệt dễ dàng và nhanh chóng, lại trong môi trường chiến đấu mà bộ binh xung quanh cũng không thể là chỗ dựa, thì vấn đề lại càng trở nên nghiêm trọng.

Và đây là báo cáo của Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho thấy, với lộ trình như thế này thì con số thiệt hại của Nga chắc chắn sẽ đạt 500.000 kiện hàng 200 trong năm nay.

Sau những nhận xét trên, chúng ta có thể đưa ra những nhận định hay đoán mò gì?

Nhưng trước hết cần khẳng định rằng, nếu có cái chiến dịch tiềm tàng đó thật – như ở mục 1 tôi đã để dành đến bây giờ mới viết tiếp câu này: “Những ngày yên ả là sự im lặng trước cơn bão” – phải chăng Nga đang chuẩn bị cho một cơn bão? Tôi thì ngờ rằng, có thể cũng muốn gieo gió thật đấy, nhưng đủ sức tạo thành bão hay không, hay chỉ là áp thấp nhiệt đới mà thậm chí chỉ là nó hiu hiu, thì còn tùy… Nhưng khả năng gặt được một cơn bão trở lại của người Ukraine, thì cũng là chắc chắn.

Cá nhân tôi nhận thấy, từ cách đây khoảng hơn 1 tháng là thời điểm bắt đầu của quá trình đi xuống đến đáy trong tâm trạng của những kẻ người xứ phía Đông nước Lào nhưng tôn thờ tên trùm phát-xít Putox. Và thật may là chúng có được cái phao cứu sinh, với kế hoạch của Putox: tranh thủ sự ủng hộ của phương Tây với Ukraine yếu đi, sẽ tăng cường tấn công Ukraine trên mọi mặt cả ngoài mặt trận lẫn không kích sâu trong hậu phương, hòng làm người Ukraine quỳ gối.

Vì vậy, báo chí xứ phía Đông nước Lào cũng lại, như tôi dùng từ “húng hoắng” tung tin, thể hiện một sự hy vọng không hề nhỏ trong chiến dịch sắp tới của Putox. Chúng cho rằng, chỉ cần trận này nữa, là Ukraine sẽ bị đánh bại.

Chúng ta cùng nhớ lại chuyện, Putox nói rằng Nga muốn ngừng bắn ở Ukraine – phải chăng hắn muốn tìm đến giải pháp ngoại giao? Không phải đâu, vì quân đội của hắn đang có những vấn đề lớn và chỉ muốn ngừng bắn vì một vài lý do.

- Thứ nhất là có thời gian để tổ chức lại, phục hồi sức mạnh và chuẩn bị cho những chiến dịch tấn công mới.

- Lý do thứ hai có thể là chúng không thể tiếp tục được nữa và cần phải từ bỏ cuộc chiến “một cách đàng hoàng” mà không bị coi là kẻ thua cuộc.

Các vấn đề về thiếu vũ khí, khí tài, đạn dược, khó khăn trong tuyển đủ quân số (chưa nói đến chất lượng binh sĩ) và thiếu trang thiết bị cho đám quân đó – có thể là những yếu tố chính của hai lý do trên. Quân đội Nga được biết đã chịu thiệt hại nặng hàng ngày trong nhiều tháng. Chiến thuật tác chiến thời Stalin không còn hiệu quả ở Ukraine.

- Một lý do thứ ba là tài chính: Nga đang gặp vấn đề với dầu mỏ, khí đốt, máy bay thương mại và nói chung là… mọi thứ.

Nguồn tài trợ cho chiến tranh càng ngày càng khó khăn hơn ; năm 2022 mức độ khó khăn tăng lên tính theo tháng thì từ nửa cuối năm 2023, tăng lên tính theo tuần. Năm ngoái khi viết về tác động của các lệnh cấm vận, tôi cũng nghe theo một số chuyên gia tài chính cho rằng, phải từ 18 tháng trở đi các tác động mới rõ ràng. Và từ thời điểm đó, thì những đau khổ của Nga sẽ tăng lên một cách có gia tốc, vì khi đến tầm thì mọi chi phí sẽ tăng bội cùng những thuận lợi càng mất đi nhanh chóng.

- Lý do cuối cùng – thứ tư khiến Putox muốn ngừng bắn là để cứu lấy cái cổ của chính mình. Cho đến nay, việc chiến tranh bị kéo dài sau rất nhiều lần thất bại của quân đội Nga trên chiến trường, là do thái độ ngoan cố muốn tự bảo vệ mình của Putox, mạng sống là một điều quan trọng đối với tên hèn nhát này. Hai ngày nữa là trận đánh The Battle of Avdiivka sẽ tròn 4 tháng. Bất chấp nhiều lần báo chí xứ Bão Lửa, à nhầm, xứ Phía Đông nước Lào giật tít: “Nga khép chặt vòng vây” “Gọng kìm siết chặt nhốt quân Ukraine trong chảo” “Nồi hầm đã tạo ra cho quân Ukraine ở Avdiivka…” không có những dấu hiệu nào cho thấy quân Nga có thể chiếm được thị trấn này.

Và rộng hơn, cả cuộc chiến dường như không thể thắng được đối với Nga. Dù những lời tung hô trên có mạnh mẽ đến như thế nào chăng nữa thì Putox và giới chóp bu cầm quyền của Nga là bọn rõ hơn ai hết cái lẽ trên. Putox chắc chắn đã có thể cảm nhận được sức nóng từ mọi nơi, dù hắn đã biểu diễn trò hề trong cuộc họp báo trực tuyến cuối năm, rồi thông điệp Liên bang trước thềm năm mới… ăn nói nhảm nhí cả.

Chóp bu Nga thừa hiểu cần phải khắc phục vấn đề và ai đó phải chịu trách nhiệm. Càng để lâu, với những thắng lợi của người Ukraine trên chiến trường, thì trách nhiệm đó càng dễ bị đổ lên đầu Putox. Putox buộc phải rút khỏi cuộc chiến càng sớm càng tốt với một cái gì đó có thể gọi là chiến thắng – và quá trình này phải được tiến hành trước cuộc bầu cử của Nga tối thiểu hai tháng. Thật là bế tắc!

Vậy liệu người phương Tây có thể bỏ rơi Ukraine không, và tình hình có thực sự bi đát như tuyên truyền của Nga đang làm cho mọi người lầm tưởng hay không, xin đọc bài viết của “anh khủng bố” Roland Bartetzko.

PHÚC LAI 08.01.2024

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn