Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 09/10/2023

Thứ Hai, 09 Tháng Mười 20231:23 CH(Xem: 908)
Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 09/10/2023

hamas_07

1. Hôm nay làm gì có chuyện gì ngoài chiến tranh giữa Hamas và Israel phải không quý vị? Thực chất tôi không có nguyện vọng viết về chiến tranh, nên việc phân tích “sư nọ lữ kia” xin để phần cho mấy cậu thanh niên đang hăng hái. Vì vậy chuyện Hamas, nhìn chung tôi cũng mù tịt thôi, vậy có cái gì nói cái ấy thôi nhé.

Hamas là viết tắt của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo và trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “lòng nhiệt thành”. Nhóm này kiểm soát chính trị Dải Gaza, một vùng lãnh thổ rộng khoảng 365 ki-lô-mét vuông là nơi sinh sống của hơn hai triệu người nhưng bị Israel phong tỏa.

Việc Hamas nắm quyền quản lý ở Dải Gaza từ năm 2007 là sau một cuộc chiến ngắn chống lại lực lượng Fatah trung thành với Tổng thống Mahmoud Abbas, người đứng đầu Chính quyền Palestine và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

Ngược dòng thời gian hơn nữa – Phong trào Hamas được thành lập ở Gaza vào năm 1987 bởi một lãnh tụ Hồi giáo, Sheikh Ahmed Yasin và phụ tá của lão ta là Abdul Aziz al-Rantissi ngay sau khi bắt đầu “phong trào Intifada” – một cuộc nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel lần đầu tiên, được tiến hành trên các vùng lãnh thổ của người Palestine.

Tóm tắt lực lượng của Hamas

Nhóm vũ trang được cho là khủng bố Hamas cai trị dải Gaza có quân đội khoảng 30.000 người, trong đó có 400 lính biệt kích hải quân đã được huấn luyện và trang bị tinh vi để thực hiện các hoạt động trên biển. Nhóm này còn được cho là đã bổ sung kho vũ khí kể từ cuộc chiến năm 2014 với Israel và hiện có một kho lớn pháo phản lực phóng loạt, tên lửa có dẫn đường và số lượng đáng kể máy bay không người lái.

Theo ước tính của quân đội Israel từ cuối năm 2021, Hamas có khoảng 7.000 quả pháo phản lực phóng loạt, 300 tên lửa chống tăng và 100 tên lửa phòng không. Ngoài ra cho đến thời điểm đó – tức là ngay trước khi nổ ra cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine, nhóm vũ trang này cũng đã mua hàng chục máy bay không người lái loại có thể tấn công được.

Ngoài Hamas, còn có lực lượng Hồi giáo Jihad (cũng cực đoan) đã và đang sử dụng các đường hầm xuyên qua bên dưới biên giới Gaza trong cuộc chiến năm 2014 để tấn công Israel. Israel đã phát hiện và phá hủy khoảng 20 đường hầm kể từ khi xung đột kết thúc, trong đó có một đường hầm lớn vẫn đang được xây dựng vào tháng 10 năm 2020.

Nhóm “khủng bố” Hồi giáo Jihad nhỏ hơn và thường hoạt động độc lập với Hamas, cũng tự hào có kho vũ khí tương tự, bao gồm 6.000 quả pháo phản lực, hàng chục máy bay không người lái, tên lửa chống tăng và phòng không, cùng khoảng 400 lính biệt kích thuộc hải quân.

Quan điểm chính trị của Hamas ra sao ?

Không giống như PLO (Palestine Liberation Organization – Tổ chức giải phóng Palestine), Hamas không công nhận tư cách nhà nước của Israel nhưng chấp nhận một nhà nước Palestine theo đường biên giới năm 1967.

Khaled Meshaal, thủ lĩnh lưu vong của nhóm Palestine cho biết vào năm 2017: “Chúng tôi sẽ không từ bỏ một tấc đất quê hương của người Palestine bất kể áp lực gần đây là gì và cho dù sự chiếm đóng có kéo dài bao lâu”. Hamas cũng phản đối kịch liệt hiệp định hòa bình Oslo do Israel và PLO đàm phán vào giữa những năm 1990. Nhóm này chính thức cam kết thành lập một nhà nước Palestine trong phạm vi biên giới của mình. Nó đã theo đuổi mục tiêu này thông qua các cuộc tấn công vào binh lính, người định cư và dân thường Israel ở cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine và ở Israel.

Toàn bộ nhóm này hoặc trong một số trường hợp, cánh quân sự của nhóm này bị Israel, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Canada, Ai Cập và Nhật Bản coi là “tổ chức khủng bố”.

Bình loạn :

Sở dĩ ngay sau khi diễn ra sự kiện bi thảm hôm thứ Bảy, 07/10 vừa qua và nhiều người nhanh chóng gắn Hamas với Nga, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến tranh của Putox đang diễn ra đến một giai đoạn khó đoán định. Do Hamas vốn là một phần của liên minh khu vực bao gồm Iran, Syria và nhóm Hezbollah ở Lebanon, vốn phản đối chính sách của Mỹ đối với Trung Đông và Israel. Trong khi đó, Syria của Assad là con đỡ đầu chính trị - quân sự của Putox cho đến trước chiến tranh còn Iran thì gớm hơn nữa, vẫn hỗ trợ quân Nga bằng drone Shahed.

Người phát ngôn của Hamas Khaled Qadomi nói với Al Jazeera rằng nhóm này đã thực hiện hoạt động quân sự của mình để đáp trả những hành động tàn bạo mà người Palestine phải đối mặt trong nhiều thập kỷ.

“Chúng tôi muốn cộng đồng quốc tế chấm dứt hành động tàn bạo chống lại người dân Palestine ở Gaza, những thánh địa của chúng tôi như Al-Aqsa [Nhà thờ Hồi giáo]. Tất cả những điều này là lý do đằng sau việc bắt đầu trận chiến này”, hắn ta nói. Đồng thời hắn cũng ám chỉ vụ tấn công này là do sự… xúi giục của Iran mặc dù nước này không công nhận điều đó.

Về phần Iran thì sao ?

Mặc dù vẫn đang có được tình thế hòa hoãn trong quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng nó hết sức mong manh và rõ ràng là nước này đang ở trong giai đoạn sức khỏe không được ổn thỏa cho lắm. Tôi không cho rằng nước này dám vùng lên “chơi nhau” với Israel – nghĩa là có Hoa Kỳ đứng sau – mặc dù khả năng này cũng khó có thể bị loại trừ. Nghĩa là xúi bẩy cho Hamas đánh Israel cũng là nước cờ có lý, với điều kiện các chứng cứ về việc đó không bị lộ ra ngoài.

Vì nếu có xung đột ở mức độ cao và quy mô, dẫn đến sự can dự của Hoa Kỳ vào thì Hoa Kỳ cũng không sử dụng lực lượng trên bộ. Mà chắc chắn sẽ dùng không kích với số lượng lớn máy bay, dùng số lượng lớn tên lửa hành trình vượt quá khả năng phòng thủ trên không của Iran. Chiến dịch tấn công sẽ chỉ là hạn chế vào một số cơ sở công nghiệp quốc phòng của nước này hoặc có thể mở rộng ra với một số hệ thống phòng không…

Không, tôi không nghĩ vậy. Chính sách của chính quyền Biden với Iran nhìn chung là tốt, hoặc ít ra là không xấu (không tệ hơn là tốt lắm rồi) và không có căn cứ cho rằng nó sẽ chuyển xấu trong tương lai gần.

Nếu nhìn lại, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Israel và những người ủng hộ chiến tranh ở Mỹ, dưới thời chính quyền Obama, Mỹ và Iran cùng với cộng đồng quốc tế, đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào năm 2015 được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) hay thỏa thuận hạt nhân Iran. JCPOA cung cấp sự giám sát quốc tế chưa từng có và khả năng tiếp cận chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời áp đặt các giới hạn nghiêm ngặt để đảm bảo Iran không thể vũ khí hóa chương trình của mình, để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) không chỉ liên tục báo cáo rằng Iran đang tuân thủ thỏa thuận – ngay cả sau khi chính quyền Trump rút lui khỏi thỏa thuận vào tháng 5 năm 2018 và vi phạm nó bằng cách áp dụng lại các lệnh trừng phạt. Mà sau đó tổng thống Biden khi tranh cử còn chứng thực giá trị của thỏa thuận này hồi năm 2020, và nhấn mạnh rằng chính Trump đã rời bỏ thỏa thuận chứ không phải Iran.

Tuy nhiên, dù đã có sự thừa nhận này và Biden đã chỉ trích “chính sách Iran” thất bại của chính quyền cũ, chính quyền của ông về cơ bản vẫn duy trì các chính sách của người tiền nhiệm. Bao gồm các lệnh trừng phạt tiếp tục cản trở dòng hàng hóa nhân đạo trong một trận đại dịch và việc xác định Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO) của Hoa Kỳ.

Khi còn là ứng cử viên tổng thống, Biden đã hứa sẽ sửa chữa để JCPOA hoạt động trở lại. Nhưng chính quyền của ông đã lãng phí cơ hội để sớm khôi phục thỏa thuận trước cuộc bầu cử vào tháng 6 năm 2021 ở Iran. Rất có khả năng điều này đã dẫn đến việc “đã và đang có một chính quyền cứng rắn hơn ở Tehran” – thể hiện ra qua thái độ của họ với cuộc chiến của Putox gây ra cho đất nước Ukraine.

Có thể nói rằng, thái độ của chính quyền Tehran của năm 2022 – 2023 thể hiện ra trong hành động ủng hộ Putox, chính là phản ứng với chính sách Donald Trump và cả sự trễ nải của chính quyền Biden.

Nhưng những đặc điểm trên cũng cho thấy nước Mỹ không hoặc ít nhất là chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến mới, nhất là với một cường quốc khu vực như Iran. Điều nguy hiểm ở chỗ, việc chính quyền Biden không khôi phục được JCPOA đã làm cho quá trình làm giàu uranium diễn ra mạnh mẽ hơn nhiều – theo nhiều nguồn quan sát quốc tế. Tuy nhiên dù có là như thế đi chăng nữa, thì việc tấn công Iran cũng sẽ là hành động quá nguy hiểm trong giai đoạn hiện nay với cuộc chiến tranh ở Ukraine. Dòng dầu mỏ qua eo biển Hormuz sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí an ninh lương thực toàn cầu cũng sẽ bị tác động nghiêm trọng do thêm nhiều tuyến đường biển bị phong tỏa.

Vậy liệu Iran có xúi bẩy Hamas không ?

Theo tôi thì câu trả lời CÓ hay KHÔNG là 50/50.

Chẳng nhẽ Iran biết thóp Mỹ sẽ không tấn công họ, nên họ xúi Hamas bất ngờ tấn công Israel? Nhưng nếu như vậy thì Hamas sẽ được cái gì, vì so sánh tương quan lực lượng thì Hamas làm sao so được với Israel, khi họ chỉ có 30.000 lính, trong khi ngay lập tức sau sự kiện tấn công, Israel đã dồn 100.000 quân tới Gaza?

Đó là chưa nói đến khía cạnh, Israel là bên có khả năng huy động được thêm quân nữa, trong khi Hamas thì không. Còn nếu đem các vũ khí công nghệ cao ra so thì còn lệch nhiều nữa.

Vậy phải chăng Hamas muốn “cáo dựa oai hùm” khi tuyên bố có Iran chống lưng, để lôi nước này vào cuộc xung đột với Israel, sau đó thì Mỹ hoàn toàn có thể bị lôi vào (khá bị động!) và tình thế càng trở nên hỗn loạn hơn – khi đó mở ra cơ hội cho Hamas?

Rất có thể.

Nếu những diễn biến xấu đến vậy xảy ra, thì cũng có thể có những kịch bản khác nhau, nhưng nhìn chung nếu để tình hình diễn biến đến cỡ đó, thì Israel sẽ lâm vào tình thế nguy hiểm hơn Ukraine so với Nga nhiều do tương quan Israel – Iran quá chênh lệch. Xét về số lượng, lực lượng vũ trang Iran lớn gấp khoảng 6 đến 7 lần Israel và diện tích của đất nước Do Thái cũng quá nhỏ bé, không đủ dư địa cho một cuộc chiến lâu dài như Ukraine. Nếu có xung đột trực tiếp Israel – Iran thì nhà nước Do Thái lâm nguy là khả năng rất cao, đòi hỏi phải có sự can thiệp của Hoa Kỳ vì nó ảnh hưởng đến chiến lược khu vực và toàn cầu của Hoa Kỳ.

Về chính trị, Nga vốn đang vin vào cái cớ “Mỹ đã tấn công Iraq” để biện minh cho hành động tấn công Ukraine, nên bây giờ Hoa Kỳ mà tấn công Iran cũng không hay cho lắm. Vì vậy theo tôi nếu Hoa Kỳ tham gia vào sự kiện, thì chỉ cần tập trung vào nhiệm vụ tăng cường phòng không là đủ.

Vì vậy, tốt hơn cả là Israel xử lý xong Hamas còn Iran cùng Hoa Kỳ thì kiềm chế. Iran có chống lưng hay không thì tầm này cũng nên… kệ, tạm thời chưa quan tâm.  

Đó là ý kiến của tôi. Không đồng ý với ý kiến này, một ông tướng 4 sao đã nghỉ hưu của Hoa Kỳ nói “Mỹ có thể sẽ tham chiến ở Israel bằng lực lượng không quân và (không quân của) hải quân nếu Syria hoặc Iran tham gia tích cực.”

Tướng Barry McCaffrey nói vậy và cho biết thêm rằng Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các nước như Iran và Syria. Ông đã phát biểu hôm Chủ nhật trên chương trình “Cuối tuần với Alex Witt” của MSNBC. Đồng thời vị tướng bốn sao của Quân đội Hoa Kỳ đã mô tả sự leo thang như vậy có thể chỉ xảy ra nếu các nước láng giềng Trung Đông của Israel can dự sâu sắc.

McCaffrey nói thêm: “Tôi phải nói với các bạn rằng sự ủng hộ của chúng ta đối với Israel sẽ là tuyệt đối và nếu chúng ta nhận thấy sự can thiệp của quân đội Syria, sự can thiệp tích cực của quân đội Iran, chúng ta sẽ tiến hành chiến tranh”.

Hoa Kỳ hôm Chủ nhật tuyên bố rằng họ sẽ cử một nhóm tấn công tàu sân bay, bao gồm F-35 và F-16, để tuần tra Đông Địa Trung Hải nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh tổng lực liên quan đến các nước láng giềng của Israel.

Dấu vết của Nga trong cuộc tấn công này có rõ ràng ?

• Dmytro Lubinets, Ủy viên Nhân quyền của Verkhovna Rada, đã viết trên Telegram của mình rằng cuộc tấn công của Hamas vào Israel có lợi cho Nga và “gắn liền với Nga.” Ông lưu ý rằng Nga từ lâu đã ủng hộ Hamas, các đại diện nhóm này được đón tiếp ở cấp cao ở Mátxcơva và chuyến thăm cuối cùng như vậy diễn ra sau khi bắt đầu Chiến tranh Nga – Ukraine.

“Tại sao nó có lợi cho Nga? Đầu tiên, Nga kỳ vọng rằng sự leo thang ở Trung Đông có thể chuyển hướng sự chú ý của cộng đồng thế giới khỏi tình hình ở Ukraine trong một thời gian.” Mọi người sẽ không còn tập trung vào việc cuộc chiến ở Ukraine dù nó đang diễn ra tồi tệ như thế nào đối với Nga chăng nữa.

Thứ hai, do kết quả của sự xúi giục dẫn đến xung đột ở Trung Đông, Nga cũng hy vọng sẽ làm suy yếu viện trợ của các đối tác quốc tế cho Ukraine, đặc biệt là Hoa Kỳ, nước “vốn có nghĩa vụ liên minh trực tiếp với Israel”, Lubinets giải thích. Nói cách khác, Nga hy vọng cuộc chiến của Israel sẽ hút hết viện trợ từ Mỹ.

• Marko Mihkelson, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Estonia, cũng đã chỉ ra sự liên quan trong những nỗ lực của Nga nhằm gây bất ổn an ninh khu vực.

Thời điểm và lý do cuộc tấn công của Hamas có liên quan đến lợi ích của Nga và Iran. Hamas được biết là nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai nước này. Các nhà lãnh đạo Hamas đã hai lần tổ chức tham vấn tại Mátxcơva trong 12 tháng qua và điều khá rõ ràng là Nga có được lợi ích lớn trong việc đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc chiến của chúng ở Ukraine. Mặt khác, sự biến này làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Israel với Ả-rập Saudi bằng cách tạo ra căng thẳng trong khu vực.

Ngoài ra, Nga chắc chắn đã đóng một vai trò trong việc cung cấp tên lửa (đạn pháo phản lực) cho Hamas. Cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục đi sai hướng đối với Nga và lúc này Putox đã quyết định thử một điều gì đó hoàn toàn khác.

• “Việc huấn luyện quân sự của Hamas, vốn phát động cuộc tấn công vào Israel, có thể được cung cấp bởi những người hướng dẫn từ Tehran và Mátxcơva vì dấu vết của Nga cũng hiện rõ ở đây – thông qua Iran, trực tiếp, thông qua hỗ trợ tài chính có thể có cho Hamas từ Nga. Nếu chúng ta đưa Iran vào chuỗi mắt xích này, và nếu Israel quyết định tiến hành tấn công vào các cơ sở quân sự của Iran, chẳng hạn như nơi sản xuất tên lửa đạn đạo tiềm tàng có thể cung cấp cho Nga, thì Ukraine cũng có thể quan tâm đến vấn đề. Đây là lợi ích chung của chúng tôi và là yếu tố thống nhất,” Oleksandr Musiyenko, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Pháp lý bình luận trên đài phát thanh Ukraine.

Tuy nhiên, chuyên gia này không khẳng định mối quan hệ trực tiếp giữa hai cuộc xung đột: Nga – Ukraine và Israel – Hamas, khi lưu ý rằng danh sách các đề mục vũ khí trong các gói hỗ trợ an ninh cho Israel và Ukraine chỉ trùng khớp 20 % vì đây là những loại hình chiến tranh khác nhau.

“Đối với Israel, ưu tiên hiện nay là tên lửa phòng không để xây dựng Vòm sắt. Suy cho cùng, cần phải sản xuất một số lượng lớn tên lửa vì có rất nhiều cuộc tấn công và điều này làm cạn kiệt tiềm năng tên lửa phòng không của Israel. Tiếp theo đó, các vũ khí cho máy bay chiến đấu, nhất là tên lửa không đối không và không đối đất cũng được cung cấp… Ngoài ra một số thành phần vũ khí khác đều không phải là nhu cầu chính của chúng tôi.

Vì vậy, xét về mặt hỗ trợ an ninh, Ukraine và Israel không có nhiều điểm trùng lặp. Ví dụ, đối với Israel các gói cung cấp đạn pháo lớn sẽ không có vì đây là một loại hình chiến tranh hơi khác và giờ đây họ cần thứ gì đó khác,” người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Pháp lý cho biết.

Bình loạn :

Buồn cười nhất là bọn dư luận viên pro Nga xứ ta đã háo hức: Mỹ phải quay ra hỗ trợ Israel và làm gì còn vũ khí cho Ukraine. Bọn dở hơi. Nhìn lại tương quan lực lượng Israel – Hamas đi, xem Israel có cần hỗ trợ cái gì không. Cái bọn Hamas này bắn hết mấy nghìn quả rocket đó là hết vị.

Bàn thêm. Trước nay vẫn có những tin (giả) của Nga tung ra rằng, chúng bắn chặn được HIMARS. Thực tế thì đạn phản lực phóng loạt (các tin tức quốc tế gọi là rocket, như trong cuộc tấn công của Hamas vào Gaza lần này) là gần như không thể bắn chặn, dù là HIMARS hay BM-21. Trong cú tấn công vừa qua của HAMAS, những nhà quan sát quốc tế cho rằng phần lớn tác hại của nó gây ra bởi pháo phản lực phóng loạt được cho là BM-21. Nó gây ra thiệt hại nhiều kinh khủng về nhân mạng như thế vì được bắn vào khu tập trung đông người với số lượng đạn lớn trong một thời gian ngắn, không cần chính xác vẫn gây ra sức sát thương rất lớn.

Đồng thời câu chuyện này cũng cho chúng ta thấy một điều nữa: kể cả là Vòm Sắt, cũng không chống được pháo phản lực phóng loạt. Do đó những ý kiến tung hô Vòm Sắt trước đây khi bàn chuyện Ukraine muốn có nó, cho rằng nó là vạn năng, vô địch… là không thỏa đáng.

Vậy thì, liệu những tính toán của Putox (nếu nó có thật) rằng thế giới sẽ không quan tâm đến cuộc chiến tranh ở Ukraine nữa, có tỏ ra là đúng không, hoặc giả, Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng chấm dứt hỗ trợ cho Ukraine để tập trung vào bảo vệ Israel?

Sau đây là ý kiến của một blogger: “Hamas, giống như hầu hết các nhóm Hồi giáo cực đoan khác là những kẻ cặn bã ẩn náu giữa trẻ em và bà già vô can và vô tội ở Palestine. Chúng thường giết người Palestine và làm sao cho những vụ giết người đó trông giống như một cuộc tấn công của Israel. Các chiến binh Hồi giáo cực đoan là những kẻ hèn nhát, những kẻ dối trá, những con quỷ thuộc loại tồi tệ nhất. Chúng không có danh dự, không tôn trọng ngay cả truyền thống Hồi giáo.

Chúng chỉ phá hủy mà không mang lại giá trị gì cho thế giới, ngay cả khi những con sâu bọ Hồi giáo cực đoan có tính lây nhiễm và mất vệ sinh thấp kém này sống trong thế giới bẩn thỉu, mục nát và nghèo đói của chính chúng. Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ vui mừng tiếp quản các quốc gia Hồi giáo thịnh vượng như Dubai, Qatar, Ả-rập Saudi mà không có bất kỳ sự hối hận nào. Chúng đã cai trị và tiêu diệt rất nhiều quốc gia Hồi giáo tốt hơn và khoan dung hơn trước đây. Chúng cần được loại bỏ, giống như Putox sẽ bị, điều đó sẽ giúp thế giới hàn gắn và tiến bộ.”

Cá nhân tôi thì cho rằng, ngoài những suy tính có vẻ logic của Putox (nếu có) và cũng có một khả năng nào đó xảy ra, nhưng nhìn chung thì sự kiện tấn công bi thảm lần này vào Israel đủ mạnh để thế giới văn minh nhận ra rằng, tất cả đang đứng trước một mối đe dọa nghiêm trọng với sự hỗn loạn, bất ổn có thể lan ra toàn cầu, chứ không chỉ là ở Ukraine hay Trung Đông. Hơn ai hết, cả người Ukraine, người Do Thái và cả người Mỹ đều cần nhận ra, bây giờ là thời điểm để giải quyết dứt điểm cả hai điểm nóng, nếu không thì dập điểm này điểm kia sẽ lại cháy to hơn.

Thách thức thì rõ rồi, nhưng nó cũng lại là thời cơ để chính quyền của ông Biden có những quyết sách quyết liệt và có tính quyết định hơn nữa. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Tất nhiên, đất nước Israel đang ở thời điểm khó khăn nhất. Tuy vậy, với những thông tin chúng ta có được về số lượng có và đã bắn, thì Hamas có vẻ như đã sử dụng khoảng 2/3 kho dự trữ của mình và do đó, tác hại của chúng gây ra chắc chắn sẽ giảm dần và xung đột này có thể sẽ chỉ diễn ra trong vài tuần là chấm dứt.

2. Chiến trường Ukraine có gì?

• Đánh giá của quân sự Hoa Kỳ là vào ngày 7 tháng 10, lực lượng Ukraine đã đạt được những tiến bộ đáng kể trên nhiều mặt trận.

Bình loạn : Tuy nhiên với báo cáo trên, giới chức quân sự Hoa Kỳ vẫn thận trọng cho rằng dù có những tiến bộ, quân Ukraine đã không hoàn toàn vượt qua được phòng tuyến của Nga.

Trong bản tin của mình, bộ chỉ huy Ukraine cho biế tại các khu vực gần Bakhmut, quân phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi quân Ngổ khỏi một số vị trí mà chúng mới giành được gần đây. Các cuộc tấn công trên bộ cũng xảy ra ở phía tây tỉnh Donetsk và gần địa giới hành chính Donetsk – Zaporizhia, mặc dù giới chức quân sự Hoa Kỳ không nhận thấy có bất kỳ động thái có tính quyết định nào ngoài mặt trận, mà chỉ ghi nhận:

• Gần Bakhmut và phía tây Zaporizhia, các quan chức quân sự Ukraine báo cáo mức tiến quân 100 – 300 mét và một số tiến bộ về phía bắc của các thị trấn cụ thể.

Trong khi đó Ngổ tuyên bố đạt được kết quả tiến lên khoảng 1 ki-lô-mét gần Yahidne về phía đông nam Kupyansk và các lợi ích nhỏ khác ở các khu vực lân cận. Tuy nhiên, các báo cáo của Ukraine phản bác những tuyên bố này, nói rằng các cuộc tấn công không thành công của Ngổ gần các địa điểm tương tự.

Vậy, trong các tin tức có điều gì làm cho chúng ta lạc quan hơn một chút?

• Về chính trị, các báo cáo của tình báo nước ngoài cho thấy trong chính trường nước Nga sự chia rẽ nội bộ về các mục tiêu chiến tranh vẫn tồn tại và càng ngày càng sâu sắc. Hơn ai hết, chính nhiều người trong số chúng, những kẻ chóp bu cầm quyền ở nước Nga nhận thấy được tình trạng sức cùng lực kiệt của bộ máy quân sự nước này. Vừa qua, Putox đã ký quyết định tăng ngân sách cho quân sự lên 24,9 % so với năm trước, làm dấy nên tâm lý lo ngại của giới chóp bu Nga. Một số nguồn phân tích còn cho rằng mâu thuẫn này sẽ lên tới đỉnh điểm vào cuối năm nay hoặc cùng lắm, đầu năm sau.

- Thông tin thêm: Ba máy bay Aeroflot rơi ở Nga trong một ngày – theo thời báo Mátxcơva. Bài báo nhấn mạnh, máy bay của các hãng hàng không Nga hiện có nguy cơ bị hỏng hóc cao gấp đôi, đặc biệt là khi đang bay. Từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2023, hơn 120 trường hợp như vậy đã được ghi nhận, trong khi trong 5 năm trước đó, trung bình có 55 trường hợp xảy ra trong cùng kỳ. Một chuyên gia về vận tải viết trên một diễn đàn: ước tính chỉ khoảng 6 tháng nữa là hàng không Nga sẽ hoàn toàn tê liệt, hoặc chí ít nằm sân 90 % số máy bay. Những khó khăn tương tự sẽ diễn ra với giao thông đường bộ khi mùa đông tới và giao thông đường sắt khi các đoàn tàu thiếu phụ tùng. Khi đó giao thông hàng hóa Nga sẽ bị suy giảm từ 40 đến 50 % và đóng góp cỡ 25 % thâm hụt GDP.

Tình trạng này sẽ diễn ra vào cuối xuân – đầu hè năm sau vì mùa đông sẽ là mùa khó khăn cho giao thông đường bộ. Việc vận tải hành khách bằng đường hàng không suy giảm tiệm cận mức Zero sẽ kéo theo sự suy giảm về dịch chuyển lao động, cũng như tăng sự quá tải của hạ tầng viễn thông khi con người cần phải tăng giao dịch trực tuyến để thay thế. Một trong những nguyên nhân chính là do diện tích Nga quá rộng, nhiều lĩnh vực chỉ sử dụng được hoặc hàng không, hoặc đường sắt mà thôi.

Chỉ khoảng một tuần trở lại đây, những vấn đề nghiêm trọng về hậu cần của quân Nga trên chiến trường đã được ghi nhận, đặc biệt là gần Bakhmut. Sự kiện làng Klishchiivka ở phía nam Bakhmut bị quân Ukraine chiếm, đem lại khả năng khống chế các đầu mối giao thông tiếp tế cho Bakhmut, đã bắt đầu có tác dụng rõ rệt. Để khắc phục bọn Nga đã tổ chức phản kích để chiếm lại làng này nhiều lần, nhưng đều vô vọng.

Điều này giúp chúng ta hiểu được thực trạng rằng khoảng 10 ngày qua (có thể đến 2 tuần qua) bọn chỉ huy Nga đã cố gắng xua quân phản công ở nhiều khu vực khác nhau nhưng không đạt được những kết quả rõ ràng. Thiết nghĩ, không cần phải dẫn lại những con số về số pháo binh, xe tải và kho tàng bị tiêu diệt nữa.

Tôi muốn kể một điều rằng, bác NTT bạn tôi than thở: hôm qua quân Ukraine diệt được mỗi 2 cái xe tăng, đặc biệt là chỉ có 2 cái xe tải. Trong khi đó hôm kia diệt 21 xe tăng và 38 xe tải, hôm trước nữa là 23 xe tăng và những 58 cái xe tải. Tôi chưa trả lời bác ấy, nhưng xin viết vào đây. Xin quý vị để ý, hôm trước nữa ngoài số lượng xe tăng và xe tải nhiều, thì số quân Nga bị biến thành “kiện hàng 200” cũng là 610 lính; còn hôm kia là 580 lính. Đến hôm qua thì chỉ số này chỉ còn 350 thôi. Như vậy tính chất giao tranh có thể giảm về độ ác liệt, do vậy số xe tăng và xe tải bị diệt cũng giảm. Ngoài ra liền 2 ngày bị diệt lắm xe tải thế thì lực lượng vận tải quân sự Nga cũng cần phải ngồi thở để lấy lại sức nữa chứ.

Cá nhân tôi thấy quân Ukraine “tiến chậm” như quân sự Hoa Kỳ nhận xét là đúng, hợp logic và sát với những gì mình dự báo.

pl_235

Trong một diễn biến khác, những tai mắt quan sát của quân đội Ukraine đã ghi nhận về sự tiến bộ phi thường của quân sự Nga, khi đưa ra chiến trường những cái xe tăng trông rất kinh khủng – xin quý vị xem ảnh.

Bản tin chiến sự của Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tại đây.

P/S. Hôm nay đến việc cho dấu chấm vào thành "N.ga" mà thằng chủ Phây này nó cũng không cho, láo thế.

PHÚC LAI 09.10.2023

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn