Bộ Công an: Nhiều tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài để né tử hình

Chủ Nhật, 08 Tháng Mười 20232:00 CH(Xem: 966)
Bộ Công an: Nhiều tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài để né tử hình

Bộ Công an: Nhiều tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài để né tử hình

RFA

Nhiều người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đã tìm cách bỏ trốn đến các quốc gia ở Châu Âu để "né" tử hình.

Đó là thông tin do đại diện Bộ Công an mới đây cho hay trên truyền thông nhà nước khi Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ do Bộ Công an xây dựng trên cơ sở tách từ Luật tương trợ tư pháp (TTTP) 2007.

Tờ Pháp luật điện tử ngày 7/10 cho biết theo Bộ Công an xu thế chung của các quốc gia trên thế giới hiện nay là xây dựng riêng Luật dẫn độ để thuận lợi cho việc áp dụng. Một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... đều đã xây dựng và ban hành luật riêng về dẫn độ.

Liên hợp quốc cũng đã thông qua Luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước. Ở cấp độ khu vực, ASEAN đã xây dựng Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và đang xây dựng Hiệp định về dẫn độ.

Do đó, đại diện Bộ Công an cho rằng việc xây dựng Luật Dẫn độ sẽ góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động dẫn độ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ký kết các Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam với nước ngoài; tăng cường hài hòa hóa và giảm bớt xung đột pháp luật Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực này.

Bộ Công an đặt kỳ vọng và mong muốn điều này sẽ bảo đảm nội luật hóa và phù hợp hơn với các điều ước quốc tế có liên quan đến dẫn độ mà Việt Nam là thành viên.

Trong tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công an cho hay pháp luật Việt Nam hiện có quy định hình phạt tử hình và không hạn chế việc dẫn độ đối với người có thể sẽ bị kết án tử hình.

Tuy nhiên, một số hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và các nước có quy định chỉ xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Việt Nam cam kết không áp dụng án tử hình hoặc tuyên tử hình nhưng sẽ không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Vì vậy, nếu không có cam kết về vấn đề này, việc dẫn độ sẽ bị từ chối.

Một số quốc gia ở châu Âu không quy định hình phạt tử hình, do đó khi xử lý các yêu cầu dẫn độ, các quốc gia này đều đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên phạt tử hình hoặc tuyên phạt nhưng không thi hành đối với người phạm tội.

Từ thực tế trên, theo Bộ Công an, vấn đề cam kết không áp dụng án tử hình trong thực hiện tương trợ tư pháp hình sự là một vấn đề rất lớn, phức tạp, chưa được quy định trong Luật Tương trợ Tư pháp (TTTP). Nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nắm bắt được việc các quốc gia có xu hướng yêu cầu cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ, đã bỏ trốn đến các quốc gia này và hy vọng rằng nếu bị dẫn độ về Việt Nam thì sẽ không bị tử hình.

Bộ Công an trong tờ trình đề xuất bổ sung quy định Chủ tịch nước là người có thẩm quyền quyết định việc đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên hình phạt tử hình nhưng không thi hành hình phạt tử hình. Dự luật cũng đề xuất cần cân nhắc áp dụng quy định cam kết không áp dụng hình phạt tử hình cả trong trường hợp Việt Nam là quốc gia được yêu cầu dẫn độ.

Bộ Công an cho biết đã tiếp nhận và xử lý 38 yêu cầu dẫn độ do cơ quan có thẩm quyền của phía nước ngoài gửi đến; đã lập và chuyển 68 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Trong số những trường hợp trốn truy nã ở nước ngoài đang được Đảng CSVN quan tâm là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn -Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty AIC và đồng phạm của bà này.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn hiện đang bị truy tố trong ba vụ án liên quan đến những sai phạm trong việc đấu thầu cung cấp thiết bị cho hai bệnh viện tại Đồng Nai, Quảng Ninh và Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM.Bà Nhàn đã bỏ trốn khỏi Việt Nam từ ngay trước khi vụ án đầu tiên liên quan đến bà bị công an khởi tố. Có những thông tin ban đầu cho biết bà đã trốn sang Nhật, nhưng cũng có tin cho rằng bà đang ở Đức.

Tờ báo Taz của Đức hồi đầu tháng 8/2023 có bài viết cho biết bà Nhàn đang ở Đức và phía Việt Nam đã có yêu cầu Đức dẫn độ bà Nhàn về nước nhưng bị từ chối.

Cũng theo Taz thì chính phủ Đức đã cảnh báo Hà Nội không có động thái bắt cóc bà Nhàn trên đất Đức.

Trước đó, vào năm 2017, an ninh Việt Nam bị Đức cáo buộc đã sang Berlin bắt cóc cựu quan chức Chính phủ Việt Nam là Trịnh Xuân Thanh về nước dù ông này lúc đó đang xin tị nạn chính trị tại Đức. Ông Thanh sau đó xuất hiện trên truyền hình Việt Nam nhận tội và sau đó bị kết án tù về tội tham nhũng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn