Một số người nói rằng ông Tập Cận Bình đã sử dụng cuộc chiến chống tham nhũng để đạt được lợi thế chính trị

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Một số người cho rằng ông Tập Cận Bình đã dùng cuộc chiến chống tham nhũng để đạt được lợi thế chính trị

  • Tác giả, Stephen McDonell
  • Vai trò, Phóng viên Các vấn đề về Trung Quốc

Khi giai đoạn mới nhất trong chiến dịch trấn áp tham nhũng của Tập Cận Bình càn quét tới các ngân hàng lớn và lực lượng tên lửa hạt nhân ưu tú, một số người đã đặt câu hỏi khi nào nó sẽ kết thúc.

Câu trả lời ngắn gọn: Nó sẽ không kết thúc.

Chiến dịch này đã trở thành một phần quan trọng trong hệ thống quản trị của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Và, bởi vì nỗ lực chống tham nhũng đã được sử dụng để loại bỏ bất kỳ ai có dấu hiệu, dù nhỏ nhất, đi chệch khỏi quỹ đạo của mình, ông Tập đôi khi được mô tả là một nhân vật mất kiểm soát kiểu Stalin đang thanh trừng cả tả lẫn hữu mà không vì một mục đích chính đáng nào cả.

Nhưng có những người không nhìn sự việc theo cách đó.

Andrew Wedeman, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học bang Georgia, đánh giá: “Ông Tập có thể hoang tưởng về nạn tham nhũng cấp cao, nhưng nỗi sợ hãi của ông ta không phải là ảo tưởng”.

"Tình trạng tham nhũng mà ông ta lo ngại chắc chắn là có thật. Tất nhiên, cũng có khả năng đúng là ông Tập đã lợi dụng cuộc đàn áp để đạt được lợi thế chính trị."

Dưới thời Chủ tịch Mao, có triết lý là tham nhũng có thể được kiểm soát bằng cách nuôi dưỡng lòng yêu Đảng.

Sau đó, vào thời Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân, có quan điểm cho rằng nếu bạn mang lại cho họ một cuộc sống tốt hơn, họ sẽ có ít động cơ để tham nhũng hơn.

Vào giai đoạn Hồ Cẩm Đào lãnh đạo, hầu hết người dân Trung Quốc đã có cuộc sống tốt hơn nhiều nhưng có những người muốn nhiều hơn và sẵn sàng sử dụng những phương tiện vô đạo đức để đạt được điều đó, tiếp tục khiến tham nhũng lan tràn trên diện rộng.

Bây giờ có cảm giác như Chủ tịch Tập quay trở lại cách làm của Mao, nhấn mạnh vào lòng trung thành với Đảng để giải quyết vấn đề.

Và thông qua Đảng mà các chiến dịch này được phát động, với các cuộc điều tra xoay quanh cáo buộc vi phạm quy định của Đảng. Đó thực sự là một vấn đề thuộc về chính trị có tổ chức với việc Đảng điều hành các cuộc điều tra theo cách họ muốn.

'Người ta cứ thế biến mất'

Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể làm được điều này bởi vì hầu hết những người có chức vụ cao trong xã hội Trung Quốc đều là đảng viên Đảng Cộng sản - cho dù họ ở các tổ chức tài chính, thể thao, cơ quan chính phủ hay trường đại học.

Nhưng một khi đã là đảng viên, người ta có nguy cơ bị cáo buộc vi phạm kỷ luật của Đảng, những thứ có khi rất mơ hồ, thậm chí liên quan đến vấn đề đạo đức cá nhân và làm mất uy tín của Đảng.

Trong quá trình này, các đội từ Ủy ban Chống Tham nhũng khét tiếng chỉ việc làm cho người ta biến mất.

Về lý thuyết, gia đình của họ phải được thông báo trước khi họ bị đưa đi thẩm vấn tại những địa điểm bí mật, nhưng không có gì đảm bảo điều này sẽ được thực hiện.

Hầu hết những người có chức vụ cao trong xã hội Trung Quốc đều là đảng viên Đảng Cộng sản

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hầu hết những người có chức vụ cao trong xã hội Trung Quốc đều là đảng viên Đảng Cộng sản

Một ngày đột nhiên bạn không xuất hiện nữa và ngày tiếp theo người ta cho rằng bạn đang bị thẩm vấn trong một khoảng thời gian không xác định, không có đại diện pháp lý hoặc trách nhiệm giải trình bên ngoài.

Và mặc dù chiến dịch truy quét tham nhũng được cho là sẽ giúp các hoạt động kinh tế trở nên hiệu quả hơn, việc đàn áp cũng có thể có tác dụng trái ngược.

Nhà khoa học chính trị Lynette Ong từ Đại học Toronto nói với BBC: “Nó làm giảm động lực sáng tạo và kinh doanh, cũng như khiến người ta không dám mạo hiểm, những xung lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế [của Trung Quốc] kể từ năm 1979.”

Bạn sẽ nghe thấy cụm từ "nằm yên" được sử dụng rất nhiều ở Trung Quốc ngày nay. Đôi khi khái niệm này dùng để chỉ những người ở độ tuổi 20 bỏ "cuộc đua không hồi kết" để sống ở nhà cha mẹ và chơi trò chơi điện tử hàng giờ liền mà không có tham vọng lớn trong đời vì họ không thể nhìn thấy một tương lai tươi sáng.

Nhưng nó cũng được dùng để mô tả các quan chức trong các doanh nghiệp nhà nước hoặc khu vực tư nhân, những người chỉ làm cầm chừng đủ để giữ việc, không hơn, không kém. Họ cho rằng việc trở nên nổi bật bằng cách thúc đẩy đổi mới hoặc tỏ ra quá tham vọng là quá mạo hiểm.

Đặng Duật Văn, từng là biên tập viên tờ báo có ảnh hưởng lớn của Đảng Cộng sản, The Study Times (Học tập Thời báo), nói: “Ông Tập muốn các quan chức phải trong sạch và chăm chỉ.”

"Nhưng với việc ông Tập đang tập trung vào tham nhũng, họ sẽ 'nằm yên'. Tất nhiên, ông Tập không muốn cho phép điều này và yêu cầu họ phải làm việc chăm chỉ không thì sẽ bị phơi bày tham nhũng. Nhưng cuộc đàn áp vẫn tiếp tục diễn ra hơn 10 năm qua và các quan chức cũng đã quen với việc này. Nếu ông ép tôi làm, tôi sẽ cố làm chăm hơn chút xíu. Nếu ông ngừng ép tôi, tôi sẽ thư giãn một chút và ‘nằm yên’.

Tiền nhiều, hối lộ lớn

Nhưng những vụ cách chức đình đám trong những tháng gần đây trong lĩnh vực tài chính lại là một vấn đề khác, nhắm vào các giám đốc điều hành cấp cao, những người bị cáo buộc "làm chuyện sai trái" rất hăng. Trong số những người bị cáo buộc nhận hối lộ lớn có cựu chủ tịch của các ngân hàng lớn và từng là quan chức của cơ quan quản lý nhà nước. Hơn 100 quan chức ngành tài chính đã bị thanh trừng trong năm qua.

Ông Đặng nói: “Quá nhiều quan chức dính líu đến tham nhũng tài chính trong nhiều thập kỷ. Không thể làm sạch chuyện này trong một hoặc hai năm. Ngân hàng là mục tiêu lớn năm ngoái. Năm nay cũng vậy và năm tới cũng vậy."

Theo Giáo sư Wedeman, "Thật dễ dự đoán là sẽ có rất nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng bởi vì xét cho cùng, các ngân hàng là nơi giữ những khoản tiền lớn."

Không có lời giải thích nào về việc ông Lý Thượng Phúc đột ngột bị cách chức

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Không có lời giải thích nào về việc ông Lý Thượng Phúc đột ngột bị cách chức

Tuy nhiên, nếu ngân hàng là nơi chứa tiền ở Trung Quốc thì quân đội mới là nơi có quyền lực tối thượng.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc không phải là quân đội của đất nước, mà là quân đội của Đảng và nắm quyền kiểm soát tuyệt đối.

Vì vậy, cuộc thanh trừng các tướng lĩnh điều hành lực lượng tên lửa hạt nhân và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc đã trở nên nghiêm trọng đến mức nào - với các quy trình mua sắm gian lận, vô đạo đức, được cho là đã đẩy các thiết bị lỗi vào tận kho vũ khí hạt nhân.

Alex Payette, Giám đốc điều hành công ty tư vấn địa chính trị có trụ sở tại Montréal, Cercius, chia sẻ: “Không chỉ là chuyện tham ô ngân quỹ hoặc nhận tiền lại quả mà còn là việc các thiết bị quân sự kém chất lượng được Quân Giải phóng Nhân dân mua và có thể đã sử dụng.”

Giáo sư Alfred Wu từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nói rằng nạn tham nhũng trong lực lượng tên lửa sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ông Tập.

Giáo sư Wu nói với BBC: “Ông ta đặt hy vọng rất cao vào lực lượng tên lửa. Nếu tôi có một lực lượng tên lửa rất mạnh thì trong tương lai, nếu nổ ra chiến tranh với Đài Loan, đây hoàn toàn có thể là lực lượng chủ đạo.”

Liệu ông Tập có nghĩ rằng việc sắp xếp lại bộ phận quan trọng này của Quân Giải phóng Nhân dân có thể dẫn tới sự trì hoãn bất kỳ động thái nào nhằm chiếm Đài Loan bằng vũ lực?

"Tất nhiên rồi!"

Tuy nhiên, các nhà phân tích quan sát cuộc thanh trừng tham nhũng ở Trung Quốc đã xác định được một lỗ hổng lớn trong cách tiếp cận của ông Tập, đó là việc hoàn toàn không có bất kỳ thay đổi mang tính hệ thống nào để có thể giải quyết những vấn đề này về lâu dài.

Giáo sư Payette nhận định: “Đảng dù nỗ lực phát triển bộ máy quản lý và các quy định kiểm tra kỷ luật,v.v. nhưng vẫn không kiềm chế được tham nhũng.”

Một số quốc gia khác đã thành lập các cơ quan chống tham nhũng thực sự độc lập, tăng cường tính minh bạch, cải thiện nhà nước pháp quyền và trao quyền cho cơ quan truyền thông độc lập đưa tin về tham nhũng. Trung Quốc đã không làm những điều đó.

Thay vào đó, Đảng Cộng sản tự quản lý chính mình. Những gì còn lại là cuộc tìm kiếm không hồi kết những ‘quả táo hỏng’ mà không có chiến lược để ngăn chặn chúng ra quả ngay từ đầu.

Ngoài ra, theo Giáo sư Wedeman, quan điểm xã hội cũng cần phải thay đổi mạnh mẽ: “Giảm thiểu và kiểm soát tham nhũng không chỉ đòi hỏi những thay đổi về luật pháp, quy định và giám sát mà còn là những thay đổi sâu sắc hơn trong văn hóa quan chức và sự hòa nhập xã hội của các thế hệ mới mà đối với họ, tham nhũng và việc bẻ cong luật pháp không còn là những hành vi tiêu chuẩn có thể chấp nhận được nữa."

Chính sách không Covid của Trung Quốc là một trong những chính sách nghiêm ngặt nhất thế giới

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Chính sách không Covid của Trung Quốc là một trong những chính sách nghiêm ngặt nhất thế giới

Chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của ông Tập cũng có khả năng khiến một số quan chức ngại lên tiếng, đặc biệt là những người thân cận với ông, những người được cho là sẽ đưa ra lời khuyên thẳng thắn và dũng cảm cho ông.

Đối với nhiều người, điều này trở nên rõ ràng sau ba năm xảy ra cuộc khủng hoảng Covid, khi phần còn lại của thế giới đã mở cửa trở lại nhưng Trung Quốc vẫn đóng cửa và hạn chế nghiêm ngặt ngay cả khi nền kinh tế đang suy thoái.

Giáo sư Ong nói thêm: “Chắc chắn có những cố vấn thông minh xung quanh ông ta, nhưng việc ông ta tập trung vào chính sách không Covid cho đến khi các cuộc biểu tình lớn nổ ra cho tôi thấy rằng ông ta không thực sự lắng nghe những người am hiểu kinh tế.”

Các nhà quan sát Trung Quốc khác lo ngại rằng ông Tập đã tập hợp xung quanh ông ta toàn những người chỉ biết "dạ vâng".

Giáo sư Payette nói: “Tại thời điểm này, ông Tập không tìm kiếm lời khuyên thẳng thắn. Ông ta đang tìm kiếm lòng trung thành”.

“Ông Tập dường như đã trở thành nạn nhân của việc những cán bộ muốn thăng quan tiến chức liên tục ca ngợi ông. Nhìn vào lịch sử Đảng thời kỳ đầu, lẽ ra ông ta phải biết rằng các cán bộ của Đảng thường nịnh nọt để tránh bị thanh trừng và được tiếp cận với các cấp cao hơn trong bộ máy Đảng-nhà nước."