Nghiên cứu: Chính sách của Trump, Biden làm giảm thương mại với TQ, nhưng có mặt trái

Chủ Nhật, 27 Tháng Tám 20232:00 CH(Xem: 797)
Nghiên cứu: Chính sách của Trump, Biden làm giảm thương mại với TQ, nhưng có mặt trái

Một cảng ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc (ảnh tư liệu, tháng 11/2018).

Theo kết quả nghiên cứu mới được trình bày hôm thứ Bảy 26/8 tại hội nghị của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, thương mại của Mỹ đã dịch chuyển ra xa khỏi Trung Quốc do các chính sách mà chính quyền của hai ông Biden và Trump ban hành, nhưng sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung có liên kết với Trung Quốc không nhất thiết đã giảm đi và người tiêu dùng phải đối mặt với các chi phí cao hơn.

Bất chấp lo ngại về tình trạng phi toàn cầu hóa sau đại dịch coronavirus và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, thương mại về tổng thể “vẫn ổn định ở mức dưới 60% (tổng sản phẩm quốc nội) của thế giới thay vì bị rơi tự do”, Laura Alfaro, nhà kinh tế tại Trường Kinh doanh Harvard, và Davin Chor, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Tuck ở Dartmouth, đã kết luận trong bài báo cáo nghiên cứu của họ, được trình bày tại cuộc họp thường niên của giới kinh tế gia và các giám đốc ngân hàng trung ương ở Jackson Hole, Wyoming.

Nhưng thuế quan của Hoa Kỳ áp vào hàng hóa Trung Quốc, các chính sách công nghiệp được ban hành gần đây và đại dịch dường như đã dẫn đến một “'sự tái phân bổ lớn' trong hoạt động của chuỗi cung: Lượng cung trực tiếp từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ đã giảm” từ mức 21,6% trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ vào năm 2016 xuống còn 16,5% vào năm ngoái, Alfaro và Chor viết trong báo cáo.

Nhưng chưa rõ điều đó có nghĩa ra sao, khi các tác giả cho rằng sự dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đang làm tăng giá cả đối với người tiêu dùng trong khi lại không mang lại lợi ích bù đắp rõ ràng dưới hình thức nào khác, chẳng hạn như giúp cải thiện hiệu quả sản xuất ở Mỹ.

Hai nhà nghiên cứu nói thêm rằng thậm chí cũng không chắc chắn được liệu việc hàng xuất khẩu Trung Quốc bị giảm thị phần ở Mỹ có đồng nghĩa là hai nước thực sự cắt đứt sự liên kết hay không.

Ví dụ, Việt Nam và Mexico dường như đã giành được phần lớn lượng thương mại được tái phân bổ, căn cứ vào việc phân tích về mô hình xuất nhập khẩu hàng hóa, trong khi việc Mỹ tăng mua hàng hóa có mức độ chế biến ít hơn từ nước ngoài là "dấu hiệu cho thấy một số công đoạn sản xuất đã quay trở lại Mỹ".

Và trong số các công ty, theo hai nhà nghiên cứu, “người ta đang nêu lên những lo ngại về việc có khôn ngoan hay không khi trải rộng chuỗi cung, có thể khiến các công ty và quốc gia có nguy cơ bị gián đoạn” từ các sự kiện như đại dịch hoặc thời tiết khắc nghiệt, hoặc các cú sốc chính sách như thuế quan.

Tuy nhiên, về cơ bản, hai nhà nghiên cứu lưu ý rằng Trung Quốc đã “tăng cường” hoạt động thương mại và đầu tư với Việt Nam và Mexico cũng như các nước khác.

Họ lập luận: “Mỹ có thể vẫn kết nối gián tiếp với Trung Quốc thông qua các liên kết chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại với các nước là bên thứ ba này”.

Hơn nữa, giá hàng hóa từ một số nước bắt đầu tăng.

Nghiên cứu cho thấy: “Những hạn chế bằng chính sách gần đây nhằm thay đổi mô hình tìm nguồn cung hoặc thậm chí khuyến khích thay thế theo hướng dùng đầu vào trong nước chắc chắn sẽ làm tăng thêm áp lực về lương và chi phí ở Mỹ”. Đây là một kết luận đáng chú ý vào lúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang cố giảm lạm phát bằng cách làm giảm tốc nền kinh tế Mỹ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn