Buyers in supermarket

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh hơn trông đợi do nhu cầu toàn cầu giảm, đe dọa viễn cảnh phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Số liệu chính thức cho thấy xuất khẩu giảm 14.5% vào tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái, còn nhập khẩu giảm 12.4%.

Con số này củng cố lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế của TQ có thể còn tiếp tục chậm lại năm nay.

Điều này sẽ tăng sức ép lên Bắc Kinh, buộc họ phải cân nhắc các biện pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu Covid.

Các con số ảm đạm này cho thấy giá sinh hoạt tăng và lãi suất tiền vay cao hơn ở các nước khác trên thế giới gây ảnh hưởng lên sự phục hồi sau Covid của Trung Quốc, với nhu cầu nhập khẩu từ nươc này giảm sút.

Sức cầu nội địa cũng thấp hơn trông đợi, với các hoạt động kinh tế không sôi động trở lại sau ba năm TQ theo đuổi các chính sách chống dịch hà khắc.

Vị trí nước xuất khẩu lớn nhất và một trong những nước nhập khẩu hàng đầu thế giới có nghĩa là khả năng xuất nhập khẩu chững lại của TQ cũng ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Không như các nước khác trên thế giới, giá cả ở TQ dường như đang hạ - khi doanh nghiệp và người tiêu dùng không muốn chi mạnh sau đại dịch, và nhiều hàng tồn kho cần bán.

Nhưng phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao của thanh niên và ngành bất động sản đang gặp khủng hoảng, các nhà hoạt định chính sách tới giờ chưa muốn áp dụng các biện pháp mạnh để kích thích nền kinh tế.

Xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn nhất của Trung Quốc, giảm 23,1% trong năm qua.

Xuất khẩu sang EU cũng giảm 20,6%. EU và TQ đang có tranh chấp về chip bán dẫn, khiến chính phủ TQ thắt chặt kiểm soát một số nguyên liệu chủ chốt được dùng để sản xuất chip máy tính.

Trung Quốc từng thực hiện các biện pháp chống dịch thuộc loại hà khắc nhất trên thế giới. Tháng 3/2022, chính phủ áp dụng phong tỏa toàn bộ trong suốt hai tháng ở Thượng Hải, thành phố có 25 triệu dân. Chính quyền bố trí giao đồ ăn tới người dân khi họ bị cấm ra khỏi nhà.